CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 6: BẤT TƯ NGHỊ

Chánh văn: Lúc bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất thấy trong trượng thất của ông Duy-ma không có giường ngồi thì nghĩ rằng:

Ngài La-thập nói:

– Bậc Pháp thân Đại sĩ thì thân tâm chẳng mỏi mệt, còn thân của Thanh văn là thân kết nghiệp, tuy tâm ưa thích pháp thân, nhưng vẫn có sự mỏi mệt, nên khởi tưởng muốn nghỉ ngơi. Ngài Xá-lợi-phất là người cao tuổi trong hàng đệ tử, thân thể già suy, nên trước tiên khởi niệm này mà chẳng cần hiện dáng vẻ mỏi mệt. Vả lại, ông Duy-ma ắt thầm biết thân của ngài, nên chỉ nghĩ đến mà chẳng nói ra. Xét lời nói: “Các Đại nhân sẽ ngồi ở đâu?” ở sau, tựa như suy từ sự mỏi mệt của mình để xét biết thân của đại chúng, e rằng mọi người đều cần, nên phát khởi niệm.

Chánh văn: Các vị Bồ-tát và các đại đệ tử đây sẽ ngồi nơi đâu?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trước dẹp bỏ các tòa, đợi khi cần đến, nên ngài Xá-lợi-phất khởi niệm cần.

Chánh văn: Trưởng giả Duy-ma-cật biết ý niệm của ông ấy, nên nói rằng: “Nhân giả vì pháp đến….” Ngài La-thập nói:

– Chẳng chê trách thẳng ý nghĩ mà lại hỏi, là vì muốn nêu sự suy nghĩ trái lý, tiến thoái đều rơi vào môn phụ (thất bại, thua).

Chánh văn: Hay vì giường ngồi mà đến?

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chỉ đặt một chiếc giường nằm dưỡng bệnh, yếu chỉ đã hiển tại đây. Ngài Xá-lợi-phất im lặng lãnh lấy huyền cơ, nên cùng với ông Duy-ma phát khởi đầu mối luận biện. Ông Tịnh Danh sắp luận về đạo không cầu, nên nhân việc này mà cật vấn ngài Xá-lợi-phất.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ý niệm cần tòa phát khởi tại tâm có mong cầu, có mong cầu thì trái với pháp, chẳng phải ý đến đây.

Chánh văn: Ngài Xá-lợi-phất nói: “Tôi vì pháp đến, chẳng phải vì giường ngồi mà đến.” Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lợi-phất!

Phàm người cầu pháp…” Ngài La-thập nói:

– Chẳng chấp thủ tướng của các pháp, theo lý thì hợp với pháp, gọi là cầu pháp. Nếu chấp tướng sinh tham trước, tâm trái pháp thì chẳng phải là cầu pháp.

Chánh văn: Chẳng tham tiếc thân mạng, huống gì là giường ngồi! Phàm người cầu pháp, chẳng phải từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà cầu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chân chánh cầu pháp là chẳng cầu pháp, huống là vật để an thân? Từ đây trở xuống là từ các pháp mà nói về nghĩa không cầu.

Chánh văn: Chẳng phải từ giới, nhập mà cầu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Giới tức mười tám giới, nhập tức mười hai nhập.

Chánh văn: Chẳng phải từ dục, sắc và vô sắc mà cầu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải cầu nơi ba cõi.

Chánh văn: Thưa ngài Xá-lợi-phất! Phàm người cầu pháp chẳng nên chấp Phật mà cầu, chẳng nên chấp Pháp mà cầu, chẳng nên chấp Tăng mà cầu. Người cầu pháp nên không thấy khổ mà cầu, không đoạn tập mà cầu, không chứng diệt mà cầu, không tu đạo mà cầu. Vì sao? Vì pháp không hý luận. Nếu nói ta thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo thì đó là hý luận mà chẳng phải là cầu pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Có cầu tức hý luận, hý luận thì chẳng phải cầu, vì thế biết chân thật cầu, tức không cầu.

Chánh văn:Thưa ngài Xá-lợi-phất! Pháp gọi là tịch diệt, nếu hành sinh diệt, đó là cầu sinh diệt mà chẳng phải là cầu pháp. Pháp gọi là vô nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho dù là pháp Niết-bàn, nhưng đó là nhiễm trước, chẳng phải cầu pháp. Pháp không có hành xứ, nếu hành nơi pháp, đó là hành xứ, chẳng phải là cầu pháp. Pháp không lấy bỏ, nếu lấy bỏ pháp, đó là lấy bỏ, chẳng phải là cầu pháp. Pháp không có xứ sở, nếu chấp có xứ sở, đó là chấp xứ sở, chẳng phải là cầu pháp. Pháp gọi là vô tướng, nếu theo tướng mà biết, đó là cầu tướng, chẳng phải là cầu pháp. Pháp chẳng thể trụ, nếu trụ nơi pháp, đó là trụ pháp, chẳng phải là cầu pháp. Pháp chẳng thể thấy, nghe, hay, biết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sáu thức lược gọi bốn tên thì thấy, nghe (kiến, văn) là nhãn thức, nhĩ thức; nhận biết (giác) thuộc tỷ thức, thiệt thức và thân thức; biết (tri) thuộc ý thức.

Chánh văn: Nếu hành thấy, nghe, giác, biết tức thấy, nghe, giác, biết, chẳng phải là cầu pháp. Pháp gọi là vô vi, nếu hành hữu vi, là cầu hữu vi, chẳng phải là cầu pháp. Vì thế, thưa ngài Xá-lợi-phất! Nếu cầu pháp, nên đối với các pháp không có chỗ mong cầu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp tướng như thế, sao có thể cầu được ư? Nếu muốn cầu, chỉ có không cầu mới chính là chân thật cầu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phàm cầu pháp tức chẳng phải cho là cầu, lấy không có các cầu để cầu pháp.

Chánh văn: Khi nói lời này xong thì năm trăm Thiên tử ở trong các pháp đạt được pháp nhãn tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức pháp nhãn tịnh của Đại thừa.

Chánh văn: Bấy giờ, Trưởng giả Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thùsư-lợi rằng: “Thưa nhân giả! Ngài đã đi khắp vô lượng ngàn muôn ức a-tăng-kỳ cõi nước, ngài thấy cõi nào có tòa Sư tử tốt đẹp bậc nhất do công đức tạo thành?”

Ngài La-thập nói:

– Tự biết mà còn hỏi, là muốn làm cho chúng hội tin tưởng. Mượn tòa cõi kia gồm hai nghĩa:

  1. Muốn hiện tòa đặc biệt thù thắng do công đức trang nghiêm thanh tịnh tạo thành của chư Phật, hầu khiến cho chí nguyện các Bồ-tát mới tu tập thêm sâu xa.
  2. Muốn nhân nơi dấu tích đi, về mà khiến việc giáo hóa của hai cõi lưu thông.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đại sĩ Văn-thù du hóa khắp nơi, ắt thấy được tòa ngôì thù thắng ở các cõi, ngài Tịnh Danh muốn chúng sinh đương thời đều pháp tâm kính tín, nên trước hỏi rồi sau mới lấy về, hiển thị đúng là có việc ấy.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trước hỏi là muốn chỉ rõ, sau đem về là hiện việc thật.

Chánh văn: Ngài Văn-thù-sư-lợi nói rằng: “Cư sĩ! Cách đây ba mươi sáu hằng hà sa cõi Phật về phương Đông có một thế giới tên là Tudi tướng, Đức Phật hiệu Tu-di Đăng Vương vẫn còn trụ thế. Thân Đức Phật ấy cao tám mươi bốn ngàn do-tuần.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Do-tuần tức là tên gọi số dặm của Thiên Trúc. Thượng do-tuần là sáu mươi dặm, trung do-tuần là năm mươi dặm, hạ do-tuần là bốn mươi dặm.

Chánh văn: Tòa Sư tử của ngài cao tám mươi bốn ngàn do-tuần trang nghiêm bậc nhất. Bấy giờ, Trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông, tức thời đức Phật kia liền chuyển ba mươi hai ngàn tòa Sư tử cao, rộng, trang nghiêm, thanh tịnh vào trượng thất của ông Duy-ma.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngài Tịnh Danh tuy dùng thần lực đến kia lấy về, nhưng ví như Đức Phật chẳng chuyển thì cũng chẳng làm sao đặt vào trượng thất được.

Chánh văn: Các Bồ-tát, các Đại đệ tử, Đế thích, Phạm thiên đều thấy được việc từ xưa chưa từng thấy. Trượng thất ông Duy-ma-cật trở nên rộng lớn, dung chứa cả ba mươi hai ngàn tòa Sư tử mà không ngăn ngại, thành Tỳ-da-ly và bốn thiên hạ ở cõi Diêm-phù-đề cũng không bị ép chật, tất cả đều thấy như cũ. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật thỉnh ngài Vănthù-sư-lợi và các Đại Bồ-tát thượng nhân lên tòa, nhưng phải hiện bằng tòa thì mới được. Tức thời các vị Bồ-tát đã được thần thông tự biến thân hình cao bốn mươi hai ngàn do-tuần, ngồi vào tòa Sư tử. Còn các Bồ-tát mới phát tâm và các Đại đệ tử đều không thể lên được. Lúc đó ông Duyma-cật mời ngài Xá-lợi-phất lên tòa. Ngài Xá-lợi-phất nói: “Thưa Cư sĩ!

Tòa này cao rộng quá, tôi không lên được.” Ngài La-thập nói:

– Do thần lực của ông Duy-ma chế ngự, khiến chúng hội biết được sự hơn kém của Đại, Tiểu thừa xa cách như thế. Cũng có thể nói rằng tòa công đức của Phật, thì hàng vô đức chẳng thể lên, theo lý tự rõ biết, chứ chẳng phải do chế ngự.

Chánh văn: Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Phải đảnh lễ Đức Phật Tu-di Đăng Vương mới lên được!” Bấy giờ, các Bồ-tát mới phát tâm và các Đại đệ tử liền đảnh lễ Đức Phật Tu-di Đăng Vương, thì được ngồi vào tòa Sư tử. Ngài Xá-lợi-phất nói: “Thưa Cư sĩ! Thật là chưa từng có, trượng thất nhỏ mà dung chứa được tòa cao rộng này, lại thành Tỳ-da-ly không bị ngăn ngại, các làng xóm, thành ấp, cùng những cung điện của chư Thiên, Long Vương, Quỷ thần trong bốn thiên hạ ở cõi Diêm-phù-đề cũng không bị ép chật. Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật và Bồ-tát có môn giải thoát tên là Bất khả tư nghị.”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm nếu có tích Bất tư nghị hiển bên ngoài, ắt có đức bất tư nghị bên trong. Nếu tìm lại gốc của nó thì đó chỉ là quyền trí mà thôi. Thế thì, trí không tối tăm nào mà chẳng chiếu đến, quyền không đức nào mà chẳng tu. Không tối tăm nào chẳng chiếu nên lý không đâu chẳng cùng tột; không đức nào chẳng tu, nên công không đâu chẳng thành tựu. Công thành tựu ở nơi chẳng thành tựu, nên lấy một để thành lập; lý cùng tột tồn tại nơi chẳng cùng tột, nên lấy rỗng rang để thông thấu. Vì thế trí bao trùm vạn vật mà không chiếu, quyền tích tụ các đức mà chẳng có công, lặng lẽ không làm mà không gì chẳng làm, đây là chỗ cùng cực của Bất tư nghị. Lớn nhỏ dung chứa nhau, khác hình đều ứng hợp, đây là dấu tích thô ở nơi tai mắt, đâu đáng để nói đến ư? Nhưng nhân nơi ngọn để chỉ ra gốc, nhờ nơi thô để hiển thị chỗ vi tế, cho nên nhân nơi việc mượn tòa để lược hiển thị việc ấy. Kinh này đầu tiên từ Tịnh độ đến cuối cùng là pháp Cúng dường, trong đó đạo Đại thừa được nói đến, tất cả đều là pháp Bất tư nghị. Vì thế phẩm Chúc Lụy ghi: “Kinh này tên là Pháp môn Giải thoát bất tư nghị, nên phụng trì.” Phẩm này nhân nơi dấu tích hiện bên ngoài mà đặt tên. Giải thoát tức tâm pháp tự tại. Đạt được sự giải thoát này thì phàm các việc làm, trong ngoài đều ứng hợp, tự tại vô ngại, đây chẳng phải là điều mà Nhị thừa có thể nghĩ bàn. Hàng Pháp thân Bồ-tát trụ Địa thứ bảy trở lên mới đạt được giải thoát này.

Bản khác ghi: Thần túc, Tam-muội, Giải thoát.

Ngài La-thập ghi: Cả ba đồng thể mà khác tên. Phàm muốn làm mà chẳng có khả năng thì bị trói buộc. Ứng niệm tức thành giải thoát, không đâu không có khả năng là giải thoát. Năng lực như thế mà chẳng biết vì sao như thế, nên gọi là Bất tư nghị.

Chánh văn: Nếu Bồ-tát trụ ở giải thoát này thì có thể nhét núi Tudi to lớn vào hạt cải mà không thêm bớt, bản tướng của Tu-di sơn vương vẫn như cũ.

Ngài La-thập nói:

– Tu-di là đất tinh diệu, đây là địa đại. Sau nói nước, lửa, gió, đất là bốn đại. Người mê hoặc cho rằng bốn đại có thần cũng cho rằng rất lớn, thường hằng. Nay dùng đạo lực chế phục là để nói chẳng có thần. Nhét vào hạt cải là nói chẳng lớn. Lớn nhỏ dung hợp nhau, vật không một thể nhất định là nói bốn đại đều chẳng thường. Đây đều là phá sự chấp trước, thông sự ngăn trệ để trừ khử thói quen, khiến có đường trở về tông chỉ.

Chánh văn: Mà chư Thiên cõi Trời Đao-lợi và Tứ Thiên vương chẳng biết chẳng hay mình đã được đưa vào đó. Chỉ có người được độ mới thấy núi Tu-di nhét vào hạt cải. Đó là pháp môn Giải thoát bất tư nghị. Lại cho nước bốn biển lớn vào lổ chân lông mà các loài thủy tộc như cá trạnh, thuồng luồng không bị khuấy động, bản tướng của biển vẫn y như cũ. Các loài Quỷ, Thần, A-tu-la… không biết mình đã vào đó, các loài chúng sinh này cũng không bị loạn động. Thưa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ ở môn giải thoát Bất tư nghị này, cắt lấy cõi tam thiên đại thiên thế giới nhanh như bánh xe quay của người thợ gốm, rồi đặt vào bàn tay phải ném qua khỏi những thế giới nhiều như số cát sông Hằng, mà chúng sinh trong đó không hay không biết mình đã đi đâu, rồi đem thế giới ấy đặt vào chỗ cũ, chúng sinh vẫn không tưởng rằng mình có qua lại, bản tướng thế giới này vẫn như cũ. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Hoặc có chúng sinh nào thích ở lâu nơi thế gian mà có thể độ được, thì Bồ-tát kéo dài bảy ngày thành một kiếp.

Ngài La-thập nói:

– Người mê hoặc cũng cho rằng: “Thời gian là pháp thường, nên khiến dài ngắn thay đổi để hiển thị chẳng thường.”

Chánh văn: Làm cho các chúng sinh ấy tưởng là một kiếp. Hoặc có chúng sinh chẳng thích ở lâu nơi thế gian mà có thể độ được, Bồ-tát lại rút ngắn một kiếp còn bảy ngày, khiến chúng sinh kia cho là bảy ngày. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ ở pháp môn Giải thoát bất tư nghị có thể gom hết tất cả việc trang nghiêm của các cõi Phật chỉ bày cho chúng sinh. Bồ-tát đặt tất cả chúng sinh trong một cõi Phật vào lòng bàn tay phải của mình, bay qua mười phương, chỉ bày tất cả, mà chẳng làm bản xứ lay động. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Những phẩm vật cúng dường chư Phật của chúng sinh trong mười phương, Bồ-tát đều khiến cho tất cả đều hiện trong một lỗ chân lông. Lại tất cả mặt trời, mặt trăng, các vì sao trong mười phương cõi nước, Bồ-tát cũng làm cho tất cả đều hiện trong một lổ chân lông. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Gió ở mười phương thế giới, Bồ-tát đều hút vào miệng mà thân không hề bị tổn hại, các cây cối bên ngoài cũng không bị xiêu ngã, gãy đổ. Lại khi lửa ở kiếp tận thiêu đốt mười phương thế giới, Bồ-tát hút hết lửa vào bụng, lửa vẫn cháy mà không làm hại thân. Lại từ các cõi Phật cách đây hơn hằng hà sa cõi nước về phương dưới, lấy một cõi Phật đặt lên phương trên cách hằng hà sa thế giới nhẹ nhàng như cầm một cây kim nâng một lá táo, không làm nhiễu loạn. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ ở môn Giải thoát bất tư nghị này có thể dùng Thần thông hiện làm thân Phật, thân Bích-chi-Phật, thân Thanh văn, thân Đế Thích, thân Phạm vương, thân Thế chủ, thân Chuyển luân vương. Các âm thanh lớn, vừa, nhỏ trong các cõi nước ở mười phương đều biến thành âm thanh Phật diễn nói các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã và các pháp mà chư Phật trong mười phương đã nói, khiến cho tất cả đều được nghe. Thưa ngài Xá-lợi-phất! Nay tôi chỉ nói lược qua thần lực Giải thoát bất tư nghị của Bồ-tát, nếu nói rộng ra, thì cùng kiếp cũng không thể nói hết. Bấy giờ, ngài Đại Ca-diếp nghe nói pháp môn Giải thoát bất tư nghị của Bồ-tát, liền ngợi khen là điều chưa từng có và nói với ngài Xá-lợi-phất rằng: “Như có người bày các sắc tướng trước người mù, người mù chẳng thể thấy được; nay tất cả Thanh văn nghe pháp môn Giải thoát bất tư nghị này thì cũng không thể hiểu được. Còn người trí, ai nghe được mà chẳng phát tâm Vô thượng Bồ-đề? Tại sao chúng ta tuyệt mất căn lành ấy, thành hạt giống hư thối trong pháp Đại thừa? Tất cả Thanh văn nghe pháp môn Giải thoát bất tư nghị này thì đều kêu gào khóc lóc, chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chỗ sai trái rất nặng, nên tạm nói là kêu gào khóc lóc. Hàng Nhị thừa sầu bi vĩnh viễn trừ diệt, khóc ít còn chẳng có, hà huống chấn động tam thiên!

Chánh văn: Các Bồ-tát thì vui mừng kính tin thọ nhận pháp ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngài Ca-diếp muốn nói sự khác biệt của Đại, Tiểu thừa, khen chê nghe nhận đúng thời, cho nên nói người chẳng có phần thì dẫn đến khóc lóc tuyệt vọng, người đã có phần thì nên vui mừng vâng lãnh.

Chánh văn: Nếu có Bồ-tát nào tin hiểu pháp môn Giải thoát bất tư nghị này, thì các ma không thể làm gì được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chỉ tin hiểu mà ma chẳng thể khuấy động, hà huống gì người thực hành ứng hợp.

Chánh văn: Ngài Đại Ca-diếp nói lời này xong, ba mươi hai ngàn Thiên tử phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật nói với ngài Đại Ca-diếp: “Thưa nhân giả! Tất cả những vị làm Ma vương trong  vô lượng a-tăng-kỳ cõi nước ở mười phương, phần nhiều là các Bồ-tát trụ ở pháp môn Giải thoát bất tư nghị, vì muốn dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh nên hiện làm Ma vương Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhân ngài Ca-diếp nói người tin hiểu pháp bất tư nghị này thì ma chẳng thể nhiễu loạn, mà mười phương cũng có các Bồ-tát tin hiểu bị ma nhiễu loạn; đó là muốn nói các việc làm tự tại của Bồ-tát trụ ở bất tư nghị sách tấn người mới học, cho nên hiện làm Ma vương, chứ chẳng phải năng lực của Ma vương. Ở đây nói về Bất tư nghị cũng là để thành tựu cho ý của ngài Ca-diếp.

Chánh văn: Thưa ngài Ca-diếp! Vô lượng Bồ-tát trong mười phương, hoặc có người đến xin tay chân, tai mũi, đầu mắt, tủy não, máu thịt, da xương, xóm làng, thành ấp, vợ con, nô tỳ, voi ngựa, xe cộ, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, đồi mồi, áo quần, thức uống, ăn, người đến xin này là Bồ-tát trụ ở pháp môn Giải thoát bất tư nghị dùng sức phương tiện đến thử thách để đạo tâm vị Bồ-tát kia thêm bền vững.

Ngài La-thập nói:

– Bồ-tát có kết nghiệp đối với Bố thí ba-la-mật sắp thành tựu nhưng chưa được rốt ráo, nên Bồ-tát trụ ở Bất tư nghì đến cưỡng bức cầu xin, khiến xa lìa hoàn toàn tâm tham tiếc, cùng tột kiên cố. Lại cũng khiến cho chúng sinh biết tâm kiên cố đó, và cũng khiến Bồ-tát tự biết tâm kiên cố của mình.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm thử thách phát xuất từ nơi người chưa có phần, còn bậc Đại sĩ trụ Bất tư nghị, thần thông đã đầy đủ, có thể thấy được căn cơ của người, đâu có gì gọi là thử thách? Nhưng muốn tâm kia kiên cố, nên chẳng cần mà đến xin. Chẳng cần mà xin thì đồng với hành tích của ma đến thử thách, vì thế mà dùng từ thử thách, chứ đâu phải đợi thử thách rồi sau mới biết ư?

Chánh văn: Vì sao? Vì Bồ-tát trụ ở Bất tư nghị giải thoát có oai đức mạnh mẽ, nên có thể thực hành việc bức bách như thế, hầu chỉ cho các chúng sinh những việc khó làm. Còn kẻ phàm phu thấp kém không có thế lực lớn thì chẳng thể bức ngặt Bồ-tát được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cắt tay chân của người, chia lìa vợ con của người, cưỡng xin quốc thành, tài vật, làm cho người sầu bi; thì tuy có gây cho người một ít đau khổ trước mắt, nhưng mai sau họ sẽ vĩnh viễn hưởng kiếp an lạc.

Đó là do quán rõ được căn cơ của người, nặng nhẹ đều có cân nhắc. Người thấy gần mà chẳng đạt được ích lợi xa thì chẳng thể làm được việc này.

Chánh văn: Ví như loài long tượng dày đạp thì lừa ngựa chẳng thể chịu đựng nổi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Lấy có khả năng và không khả năng để dụ. Voi mạnh nhất trong loài voi gọi là long tượng.

Chánh văn: Đó gọi là môn trí tuệ và phương tiện của hàng Bồ-tát trụ ở Bất tư nghị giải thoát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trí tuệ là thông đạt được chỗ sâu xa, phương tiện là dẫn dắt chỉ dạy những điều gần gũi. Vì thế mà hình tích sai biệt hiển hiện, các loài được thành tựu. Chúng sinh không loại nào chẳng từ đây, nhưng chẳng thể suy lường được, cho nên hai môn quyền, trí là bản bất tư nghị.