DUY MA KINH NGHĨA KÝ

Sa-môn Tuệ Viễn soạn.

 

LỜI TỰA KHẮC BẢN

Tôi từng thấy trong Thống Giáo Tạng Tổng Lục của một vị Thiên Tăng ghi rằng: “Duy-ma Kinh Nghĩa Ký bốn quyển, ngài Tuệ Viễn soạn”. Nhân cho rằng Tổ ta là Đại sư Trí Giả soạn lời sớ của Quán kinh, phần nhiều tham khảo theo ngài Tịnh Ảnh, cho nên đối với kinh Duyma nghĩ rằng cũng như thế. Một hôm, Nhất Thư giả mang đến một pho Nghĩa ký, tôi rất vui mừng liền xem đọc, tuy chẳng như bổn ý nhưng sự giải thích rất tỉ mỉ, đến như trình bày một nghĩa nào, thì trước tiên nêu lên sau đó mới giải thích, thật chẳng đánh mất thể của bản văn chánh, ngài Gia Tường ở Quan trung cũng chẳng thể phản đối.

Đức Tổ sư của ta khi giải thích nghĩa thì lý sự đều đầy đủ, nhưng lại dùng lý quán làm chủ, sự giải thì sơ lược; vì thế trước nên đọc bộ Nghĩa ký này rồi sau dung hợp với nghĩa của ngài Trí Giả thì mới có thể được. Nhưng bản này có nhiều chỗ bị sai sót, người đời sau nếu ai được bản hoàn hảo chính xác thì xin đính chính cho.

Sa-môn Khả thấu ở Bảo châu, núi Tỷ duệ kính cẩn soạn lời tựa vào ngày mồng một tháng mười, mùa Đông năm Nhâm Thìn, niên hiệu Chánh Đức.

Thánh giáo tuy rất nhiều nhưng trọng yếu chỉ trong hai loại. Hai loại là gì? Đó là Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng. Pháp dạy Thanh văn gọi là Thanh văn tạng, pháp dạy Bồ-tát thì gọi là Bồ-tát tạng. Những hàng căn cơ được giáo hóa trong Thanh văn tạng lại gồm hai loại là Thanh văn Thanh văn và Duyên giác Thanh văn.

Thanh văn Thanh văn nghĩa là những người xưa nay chuyên cầu đạo Thanh văn, thường thích quán xét pháp bốn Chân đế thành tánh Thanh văn, đến thân sau cùng gặp được Phật, vì ham muốn pháp Tiểu thừa cho nên Như Lai nói bốn Chân đế mà họ được ngộ đạo. Vốn là tánh Thanh văn nay lại nghe âm thanh mà được ngộ đạo cho nên gọi là Thanh văn Thanh văn. Kinh nói rằng: “Vì người cầu đạo Thanh văn mà thuyết bốn Chân đế”, cho nên căn cứ theo đó mà luận.

Duyên giác Thanh văn tức là những người xưa nay cầu đạo Duyên giác, thường thích quán xét pháp mười hai nhân duyên, thành tánh Duyên giác, đến thân sau cùng gặp Phật nói pháp mười hai nhân duyên mà được ngô đạo. Vốn là tánh Duyên giác nhưng đến thân sau cùng lại nghe âm thanh mà ngộ đạo cho nên gọi là Duyên giác Thanh văn. Kinh nói rằng: “Vì hạng người cầu Duyên giác mà nói pháp mười hai Nhân duyên”, cho nên căn cứ theo đó mà luận. Cả hai tuy khác nhưng đều mong cầu quả Tiểu thừa và cùng nương vào giáo. Vì nghĩa này cho nên cùng gọi là Thanh văn. Pháp đối hai loại này để nói gọi là Thanh văn tạng.

Hàng căn cơ được giáo hóa trong Bồ-tát tạng cũng có hai. Đó là Tiệm nhập và Đốn ngộ. Tiệm nhập tức là những người vào thời quá khứ đã tu tập pháp Đại thừa lại lui sụt trụ ở Tiểu thừa, sau cùng lại trở về Đại thừa. Vì Đại là do từ Tiểu mà vào cho nên gọi là Tiệm. Kinh nói rằng: “Trừ những người trước đã tu tập pháp Tiểu thừa, còn ngoài ra ta đều khiến cho được vào trong pháp này”. Đây tức chỉ cho những hàng Bồ-tát Tiệm nhập.

Đốn ngộ tức là những chúng sinh từ lâu đã tu tập căn lành tương ưng với Đại thừa nay vừa thấy Phật thì liền ngộ nhập Đại thừa. Đại này chẳng từ Tiểu mà vào cho nên gọi là Đốn.

Kinh ghi rằng: “Hoặc có những chúng sinh từ nhiều kiếp đến nay thường được ta giáo hóa, hôm nay vừa thấy thân ta, vừa nghe ta thuyết pháp liền tin nhận mà ngộ nhập Như Lai tuệ”. Đây là chỉ cho hàng Đốn ngộ. Hạng Bồ-tát Tiệm nhập từ chỗ cạn dần dần bước đến chỗ sâu xa; hàng Bồ-tát Đốn ngộ thì một bước liền giải ngộ Đại thừa. Đốn, Tiệm tuy khác nhau nhưng bấy giờ việc thọ nhận pháp Đại thừa chỉ là một, cho nên giáo pháp thuyết cho hai bậc căn cơ này nghe gọi là Bồ-tát tạng. Thánh giáo tuy rất nhiều nhưng không ra ngoài hai loại vừa kể trên.

Vì thế, Bồ-tát Long Thọ nói rằng: “Sau khi Đức Phật diệt độ, ngài Ca-diếp và A-nan kết tập Tam tạng ở thành Vương xá, đó là Thanh văn tạng; Bồ-tát Văn-thù và ngài A-nan kết tập Ma-ha-diễn tại núi Thiết vi đó là Bồ-tát tạng”. Luận Địa Trì cũng ghi rằng: “Đức Phật vì hạng Thanh văn và Bồ-tát tu hành ra khỏi đường khổ mà nói Tu-đa-la, người kết tập kinh điển bèn kết tập thành hai tạng, trong đó nói về chỗ thực hành của hàng Thanh văn thì gọi là Thanh văn tạng, nói về sở hành của hàng Bồ-tát thì gọi là Bồ-tát tạng”. Luận này còn nói rằng: “Trong mười hai Bộ kinh chỉ có bộ Phương quảng là thuộc về Bồ-tát tạng, còn mười một bộ kia thì thuộc về Thanh văn tạng”. Cho nên biết Thánh giáo chẳng ra ngoài hai loại này. Hai loại này cũng gọi là Đại thừa; Tiểu thừa; Bán giáo, Mãn giáo… tên tuy có thay đổi nhưng nghĩa thì chẳng sai biệt.

Nay kinh này thuộc về Bồ-tát tạng trong hai tạng vừa nêu, là pháp luân Đốn giáo của hạng căn cơ thuần thục.

Đã biết phần hạn giáo của kinh này, tiếp đến phần giải thích tên Kinh. Nay nói Duy-ma-cật Sở Thuyết kinh, còn gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát kinh, đây là tên riêng của một bộ kinh điển. Sở dĩ các kinh đều có đề tên là vì để nêu lên pháp được trình bày: Kinh này lấy giải thoát chẳng thể nghĩ bàn làm tông cho nên mới nêu tên như thế. Nhưng các kinh lập tên có nhiều cách khác nhau: Hoặc căn cứ theo pháp để đặt tên, như kinh Niết-bàn, kinh Bát-nhã…; hoặc căn cứ theo người để đặt tên như kinh Tát-hòa-đàn, kinh Tu-đạt-noa…; hoặc căn cứ theo sự việc để đặt tên như kinh Khô Đạo Cán…; hoặc căn cứ theo thí dụ để lập tên như kinh Đại Vân; kinh Bảo Khiếp…; hoặc người và pháp cùng nêu lên như kinh Thắng Man; hoặc sự việc và pháp đồng lập như kinh Phương Đẳng Đại Tập …; hoặc pháp và thí dụ gồm đủ như kinh Pháp Hoa, kinh

Hoa Nghiêm… hoặc người và sự việc cùng ghi như kinh Xá-lợi-phất Vấn Tật… như thế chẳng phải là một loại; nay kinh này thì căn cứ theo người và pháp để lập tên.

Duy-ma Sở Thuyết là tên người, Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát là tên pháp. Pháp nhờ vào người mà được lưu thông, cho nên phải nêu lên người, pháp là điều được hiển bày cho nên cần phải nêu pháp. Nhưng việc nêu người ở đề kinh gồm có bốn trường hợp:

  1. Nêu người thuyết, như kinh Thắng Man.
  2. Nêu người hỏi như kinh Di-lặc Sở Vấn.
  3. Nêu lên người được nói như kinh Thiểm Tử, kinh Tát-hòađàn….
  4. Nêu lên người được giáo hóa như kinh Ngọc Da, kinh Tu-ma-đề Nữ…

Nay kinh này là nêu lên người thuyết. Về người thuyết thì cũng có năm trường hợp:

  1. Đức Phật thuyết.
  2. Hạng Thánh đệ tử thuyết.
  3. Chư Thiên thuyết.
  4. Thần tiên thuyết.
  5. Biến hóa nhân thuyết.

Kinh này thuộc về Thánh đệ tử thuyết là ngài Duy-ma-cật. Nhưng kinh này có ba hội khác nhau, hội thứ nhất do Đức Phật thuyết, hội thứ hai do ngài Duy-ma-cật thuyết, hội thứ ba do Đức Phật và ngài Duyma cùng thuyết. Do có Đức Phật thuyết cho nên văn kinh có ghi: “Phật thuyết kinh này xong, tất cả đại chúng đều hoan hỷ”. Do có ngài Duyma thuyết, cho nên mới nêu lên tên của ngài. Dùng pháp Bất tư nghì giải thoát ký thác cho người, cho nên mới nêu lên tên pháp.

“Duy-ma-cật”, là âm Phạm, Hán dịch là Tịnh Danh, lại tùy theo nghĩa mà dịch là Vô Cấu Xưng. Bởi vì thể Pháp thân của người này thanh tịnh, vi diệu vượt ngoài trần cấu nhiễm ô, đức bên trong đầy đủ, thanh danh vang khắp bên ngoài, nhờ vào tên để hiển đức nên gọi là Vô cấu Xưng, cũng gọi là Tịnh Danh. Vả lại, người này bên trong hàm chứa chân đạo, có thể lập phương tiện giáo hóa vô cùng. Tuy đồng với trần tục nhưng tâm lại an tịnh mà thân hiện bệnh, đó tức là nhiễm mà chẳng ô, cho nên gọi là Tịnh cũng gọi là Vô cấu. Tịnh đức Vô cấu kỳ diệu, vượt ngoài ngôn ngữ diễn bày, mà nhờ vào tên để hiển bày, hầu khiến cho người quy hướng. Tên để hiển đức là Vô Cấu Xưng.

Nói “Sở Thuyết”, nghĩa là trí tuệ của ngài Duy-ma-cật đã đầy đủ, đạo thì cao nhất trong hàng Thánh, có thể dùng vô lượng đại bi phương tiện sống ở thành Tỳ-da, hiện bệnh để triệu người đến thăm, khiến cho pháp hóa được lưu thông mà tuyên dương đức của người, cho nên gọi đó là “Thuyết”.

“Kinh”, tiếng Phạm gọi là Tu-đa-la, Hán dịch là Diên; tức là sợi dây. Lời nói của Thánh nhân có thể xuyên suốt các pháp như sợi dây xâu giữ các đóa hoa. Vì thế căn cứ vào đó mà gọi là diên. Diên có thể xâu hoa còn kinh thì giữ gìn đường dọc, vì công dụng của nó giống nhau nên gọi là kinh. Nếu y cứ theo sự giải thích của thế tục thì kinh tức là thường. Người thì có phân biệt xưa nay, giáo nghĩa thì thường hằng nhất định, nên gọi là thường. Nhưng kinh và thường đâu có gì quan hệ? Dùng thường để giải thích kinh là căn cứ theo nghĩa kinh lịch (trải qua), giáo pháp trải qua từ ngàn xưa suốt đến hôm nay vẫn hằng hữu, nên gọi là thường.

“Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát”, là căn cứ theo pháp để lập tên. Tên đã căn cứ theo người thuyết để đặt một tên kinh, ở đây lại căn cứ theo pháp để đặt một tên, cho nên gọi là nhất danh, tức là tên Bất khả tư nghị. Đây là môn giải thoát đầu tiên trong vô lượng các môn giải thoát mà Bồ-tát Địa thứ mười đạt được. Ngài Duy-ma-cật, đức đã đầy khắp pháp giới, nhưng tùy thuận theo tướng hóa độ mà chỉ trụ ở môn này nên lấy đó làm đề mục của kinh. Nay kinh này nói về sở đắc của tự thân, khiến cho người mong cầu hướng đến, cho nên mới nêu lên. Nhưng môn Bất khả tư nghị giải thoát này chính là gốc của thần thông biến hóa. Chư Phật, Bồ-tát nhập vào môn này thì thần trí vĩnh viễn mất, tâm lấy bỏ diệt, thẳng dùng của pháp môn giải thoát này để thị hiện các việc thần thông biến hóa. Giống như hạt châu như ý tuy không có phân biệt mà thường mưa xuống cùng khắp tất cả vật. Pháp môn mà chư Phật, Bồ-tát chứng đắc cũng đồng như thế.

“Bất Khả Tư”, là lời tán thán sâu xa. Nói “Bất tư” là căn cứ theo tâm, nói “Bất nghị” là căn cứ theo khẩu. Chân đức của giải thoát vi diệu, siêu việt tình thức hư vọng tâm và lời nói chẳng thể đạt đến được, vì thế gọi là Bất khả tư nghị.

Bất khả tư nghị gồm có ba nghĩa:

  1. Căn cứ theo thể thì môn Bất tư nghị giải thoát này lấy chân tâm làm thể. Vì thể dứt bặt danh ngôn, tâm ý chẳng thể đạt đến được nên gọi là Bất tư nghị.
  2. Căn cứ theo tướng thì môn giải thoát lấy các đức làm tướng. Vì đức cùng khắp pháp giới khó có thể tính toán, vượt lên trên tình thức phân biệt nên gọi là Bất tư nghị.
  3. Căn cứ theo dụng thì môn giải thoát này lấy thần thông làm dụng; thể của nó tuy vắng lặng, vi diệu nhưng đó là tánh của duyên khởi tác dụng.

Chư Phật, Bồ-tát chứng nhập môn này có thể hay biến hiện vô lượng thần thông biến hóa, như lỗ chân lông chứa hết nước đại dương, hạt cải dung nạp núi Tu-di. Các việc biến hiện như thế tình thức duyên lự chẳng thể suy lường nên gọi là Bất tư nghị.

Nói giải thoát tức là nêu lên Pháp thể. Trước đã nói Bất tư nghị là chung cho các đức nên chưa biết được là pháp nào chẳng thể suy lường. Nay vì phân biệt với các đức khác cho nên nêu lên giải thoát. Nhưng giải thoát cũng lại có những nghĩa chung, cho nên cần phải căn cứ theo ý nghĩa chẳng suy lường ở trước để phân biệt. Chân đức dứt bặt sự trói buộc, vô ngại tự tại, cho nên gọi là giải thoát phân biệt cũng có ba thứ:

  1. Luận theo thể thì chân tâm thể tịnh, tánh vượt ngoài trần nhiễm, tự thể không bị trói buộc, cho nên gọi là giải thoát.
  2. Căn cứ theo tướng thì sự ngăn ngại vĩnh viễn đoạn dứt, tịnh đức không bị trói buộc, cho nên gọi là giải thoát.
  3. Căn cứ theo dụng thì diệu dụng vô cùng, chỗ làm tự tại, cho nên gọi là giải thoát.

Hỏi:

– Pháp môn này gọi là giải thoát thì thuộc về môn nào trong tuệ giải thoát và tâm giải thoát?

Đáp:

– Gồm chung cho cả hai. Vì thể là tâm giải thoát, dụng là tuệ giải thoát. Vì tâm của chân thức lìa nhiễm cho nên gọi là giải thoát. Thể là tâm tuệ, dụng là vô vi, gọi đó là giải thoát, cho nên dụng là tuệ. Trong kinh Niết-bàn nói tuệ giải thoát thì nêu ra năm đường, nên biết rõ đó là dụng chung, tất cả đều là tuệ giải thoát.

Lại hỏi rằng giải thoát này thuộc về giải thoát nào trong hữu vi giải thoát, vô vi giải thoát? Nghĩa cũng gồm chung cả hai, vì thể là vô vi, lìa nhễm, vắng lặng; dụng thì hữu vi, diệu dụng vô cùng. Đây là nêu tên chung.