KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 8: NHƯ LAI

Bấy giờ Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Đối với các hàng Tộc tánh tử thì làm thế nào để tu tập Pháp tạng vô tận?

Đức Phật nói:

–Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn tu tập được Pháp tạng vô tận thì phải nên tu pháp môn năm khổ. Thế nào là pháp môn năm khổ?

Nếu có những hàng thiện nam, thiện nữ thấy khắp các cõi trong mười phương có nhiều chúng sinh thọ khổ thì nên dùng trí tuệ để nghe biết và nhận rõ về sự khổ ấy và liền có thể tùy theo hình tướng mà đến để tiếp độ họ. Đó là pháp thứ nhất.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn xem xét chúng sinh trong vô lượng thế giới chỗ nhớ nghĩ về pháp không, không chốn có. Muốn đạt được Khổ tuệ không ấy thì nên kiến lập ý đó không hề thoái chuyển. Đó là pháp thứ hai.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đạt được ý bình đẳng, thực hiện lòng Từ bi vô tận. Những kẻ chưa đạt được thì giúp cho đạt, những ai chưa có thì giúp cho có, những người chưa được hóa độ thì hóa độ. Đó là pháp thứ ba.

Này các vị Tộc tánh tử! Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ thành tựu được những việc nơi gia đình, đối với tộc họ cũng vậy, đều biết về Khổ tuệ nên tâm không dốc với những dục lạc. Đó là pháp thứ tư.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nếu có các thiện nam, thiện nữ đối với vô lượng pháp môn của Như Lai đã dốc tu tập Pháp tạng vô tận để đạt mọi trí tuệ tự tại. Đó là pháp thứ năm.

Đấy gọi là năm pháp tu của Pháp tạng vô tận.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ muốn có được đầy đủ Pháp tạng vô tận ấy thì lại phải tu tập năm pháp. Những gì là năm pháp?

Chư Phật Thế Tôn luôn an trụ nơi các pháp định, có lúc nhập pháp quán Hư không, phải nhận rõ về chúng sinh tu tập đúng theo giới luật của Bậc Giác Ngộ, hay không đúng theo giới luật của các Bậc Giác Ngộ, đều khiến họ đến với nơi chốn an ổn, mỗi người đều thực hiện đầy đủ nguyện của mình. Đó là pháp thứ nhất.

Này các vị Tộc tánh tử! Nếu muốn được sinh nơi các cõi trời thì phải nên tu tập theo giới pháp của chư Thiên, có chư Thiên nghiêng về ái dục, có chư Thiên không ham thích ái dục, hoặc có khi chư Thiên tham chấp ái lạc hay chẳng tham chấp ái lạc. Phải nên có sự hiểu biết đầy đủ về hai nẻo ấy mới dứt sạch mọi nhiễm chấp, ứng hợp với Pháp tạng vô tận.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Lại phải thực hiện đầy đủ bốn hành quả báo mới có thể sử dụng thần thông đi đến khắp vô lượng thế giới. Thế nào là bốn hành quả báo?

Chư Phật Như Lai luôn an trụ nơi chốn tịch mịch, tĩnh lặng. Nếu có chư Thiên, Long, Thần, Càn-đạp-hòa, A-tu-luân muốn theo Như Lai để được nghe các pháp chân thật, thì chỉ trong khoảnh khắc chưa kịp bày tỏ, Như Lai đã rõ là các vị Tộc tánh tử ấy sẽ hỏi những gì. Đó là pháp thứ nhất của bốn hành quả báo.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ, tâm ý tịch nhiên chẳng muốn nghe pháp, Như Lai tất rõ những người ấy là có thể nghe theo hay chẳng có thể nghe theo mình, là muốn nghe pháp hay chẳng muốn nghe pháp. Đó gọi là pháp thứ hai của bốn hành quả báo.

Này các vị Tộc tánh tử! Nếu có các thiện nam, thiện nữ đã được Như Lai ấn chứng thì có thể đem điều ấy ấn chứng đối với tâm ý của chúng sinh. Đó là pháp thứ ba trong bốn hành quả báo.

Nếu có các thiện nam, thiện nữ đã được nghe chánh pháp, cho tâm niệm chẳng phải là chốn có thể lường tính được thì đều khiến tạo được sự bình đẳng, dứt hai nẻo tưởng chấp kia. Đó gọi là pháp thứ tư của bốn hành quả báo.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Muốn có được đầy đủ bốn hành Thần túc thì cũng nên nhớ nghĩ đến bốn hành quả báo ấy. Những gì là bốn hành Thần túc?

Đối với các vị Đại Bồ-tát, từ lúc mới phát tâm, đạt được Địa thứ nhất, Địa thứ hai, cho đến lúc đạt được Địa thứ mười, mỗi vị có được hành thần túc và thể hiện thần túc ấy không đồng. Hoặc có vị Bồ-tát đang ở Địa thứ nhất liền được Thân thức, du hành đến vô lượng thế giới trong mười phương, nhưng chưa được pháp Định ý để biết rõ tâm của chúng sinh.

Lại có vị Bồ-tát đã qua Địa thứ nhất, đạt được sắc tướng của Phật với các vẻ đẹp gồm đủ, lại cũng du hóa để xem xét khắp mười phương thế giới và lễ bái cúng dường chư Phật Thế Tôn, tuy có được thần thông nhưng chưa có thể nhận lãnh được công việc giáo hóa chúng sinh và làm thanh tịnh các cõi Phật. Lại có vị Đại Bồ-tát đã được thần thông, lễ bái cúng dường chư Phật Thế Tôn, liền có thể thuyết pháp giáo hóa chúng sinh.

Lại có vị Đại Bồ-tát đã ở ngay Địa ban đầu mà tu tập thanh tịnh cõi Phật, nhưng chưa có thể tự nhận biết về các pháp ở Địa thứ nhất.

Lại có vị Đại Bồ-tát chưa có đủ tâm Đại thừa với thệ nguyện rộng lớn, ở trong ấy liền sinh tưởng chấp do dự. Những hạng như vậy tất rơi vào con đường của hàng Thanh văn và Duyên giác.

Có vị Đại Bồ-tát tu tập đầy đủ nơi Địa thứ nhất với các hạnh thanh tịnh. Lại dùng thần thông để du hóa khắp vô lượng thế giới trong mười phương, biết rõ tâm niệm của mọi chúng sinh, nhưng chưa có thể hóa độ những chúng sinh ấy, đưa họ tới chốn an ổn trong khuôn khổ đạo pháp.

Lại có vị Đại Bồ-tát đã ở nơi Địa thứ nhất đạt được bốn Thần túc:

Thần túc thứ nhất tên là Khổ quán. Bồ-tát đạt được thần túc ấy thì luôn du hóa đến thế giới chư Phật khiến cho mọi chúng sinh bị khổ được đến chốn giải thoát.

Thần túc thứ hai tên là Âm hưởng. Bồ-tát đạt được thần túc ấy thì có thể đi đến khắp vô lượng mười phương thế giới, mọi chúng sinh ứng theo âm hưởng để được hóa độ, nghe Bồ-tát thuyết giảng thảy đều tin tưởng, thông tỏ.

Lại có Thần túc tên Phát ý. Bồ-tát đạt được thần túc này thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương, đối với những chúng sinh phát tâm hướng đến đạo pháp thì Bồ-tát liền có thể ủng hộ khiến được thành tựu.

Lại có Thần túc tên là Cảm động. Bồ-tát có được thần túc ấy thì có thể đi đến khắp mười phương thế giới, quan sát nhận biết tâm của chúng sinh ứng theo quán không mà được hóa độ. Đó gọi là Đại Bồtát ở Địa thứ nhất đã gồm đủ bốn hành Thần túc.

Bồ-tát ở Địa thứ hai lại có bốn pháp. Những gì là bốn?

Bồ-tát có Thần túc tên là Diệt chủng. Đạt được thần túc ấy thì có thể đi đến khắp vô lượng thế giới nơi mười phương, biết rõ về ý thức cùng tâm niệm của chúng sinh, tiêu diệt giống phàm phu để hội nhập cảnh giới Bậc Giác Ngộ.

Lại có Thần túc tên là Diệt. Đạt được thần túc này thì có thể đi tới khắp vô lượng thế giới trong mười phương, quan sát rõ về mọi niệm nơi tâm của chúng sinh có các tưởng thiện ác. Từ đó có thể dứt sạch các tưởng ác để đưa họ hội nhập nơi chân lý giác ngộ.

Lại có Thần túc tên là Trừ cấu. Bồ-tát đạt được thần túc ấy thì có thể đi đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương quan sát và biết rõ mọi suy niệm trong tâm chúng sinh luôn bị cấu uế tham dục che phủ vây buộc, liền có thể dứt trừ niệm thức của phàm phu mà hội nhập vào chân lý của Bậc Giác Ngộ.

Lại có Thần túc tên là Tam xảo tiện. Bồ-tát đạt được thần túc đó thì sẽ đi đến khắp vô lượng thần túc đó thì sẽ đi đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương quan sát và biết rõ mọi suy niệm trong tâm thức của chúng sinh, có thể tạo dựng ý ấy được đứng vững nơi ba pháp. Đó gọi là Đại Bồ-tát đạt được bốn pháp Thần túc ấy nên có thể du hóa đến vô lượng thế giới khắp mười phương, tức là đã thực hiện đầy đủ các pháp nơi Địa thứ hai.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát ở nơi Địa thứ ba lại có bốn thứ Thần túc Anh Lạc có thể biến hóa thân này thành vô số hình tướng rồi trở lại hợp thành một. Những gì là bốn thứ Thần túc?

Có Thần túc tên là Bản yếu. Bồ-tát đạt được thần túc này thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương quan sát mọi suy niệm nơi tâm của chúng sinh cũng giống như chỗ suy niệm như mình mà độ thoát họ.

Lại có Thần túc tên là Pháp hạnh nhiên xí. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì có thể đi đến khắp vô lượng thế giới nơi mười phương, quan sát đầy đủ mọi tâm niệm của hết thảy chúng sinh với những biểu lộ vui mừng, giận dữ hay không vui mừng giận dữ, dùng pháp giác ngộ sáng rực để giáo hóa họ.

Lại có Thần túc tên là Vô hình. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ đi đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương, quan sát mọi tâm niệm của chúng sinh, dùng pháp dứt sạch tâm thức để giáo hóa họ.

Lại có Thần túc tên là Tam thanh tịnh. Bồ-tát đạt được thần túc này thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương, quan sát và nhận biết mọi nẻo suy niệm của chúng sinh, thuyết giảng về ba pháp hành để diệt trừ ba tưởng chấp. Những gì là ba pháp hành?

  1. Không.
  2. Thức.
  3. Ngã.

Đó gọi là Đại Bồ-tát ở Địa thứ ba đạt được đầy đủ bốn hành Thần túc.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ tư lại phải có đủ bốn thứ Thần túc. Những gì là bốn?

Lại có thần túc tên là Vô tướng. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương, từ cõi trời Tam sắc cho đến tận cùng cõi hư không, hóa độ khiến cho mọi chúng sinh đạt được pháp Vô tướng.

Lại có thần túc tên là Trừ tham. Bồ-tát có được pháp thần túc đó thì sẽ đi đến khắp vô lượng thế giới nơi mười phương, quan sát đầy đủ mọi nẻo tâm niệm của hết thảy chúng sinh và dùng pháp Định ý để giáo hóa họ.

Lại có thần túc tên là Chuyển pháp luân. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương, chuyển pháp cam lồ bất tử là bốn pháp Vô úy, khiến cho các chúng sinh từ lâu bị đói khát đều được no đủ.

Lại có thần túc tên là Đẳng tuệ. Bồ-tát đạt được pháp thần túc đó thì sẽ đi đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương, quan sát đầy đủ mọi hướng tâm niệm của chúng sinh, dùng Tuệ bình đẳng để độ thoát họ.

Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ tư gồm đủ bốn hành Thần túc.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát ở nơi Địa thứ năm cũng lại có bốn thứ Thần túc.

Những gì là bốn thứ Thần túc ấy?

Có thần túc tên là Vô lượng môn. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì sẽ quan sát tận cùng mọi nẻo tâm niệm của hết thảy chúng sinh, dùng tuệ Giải thoát để hóa độ họ.

Lại có thần túc tên là Hành. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương, thông tỏ mọi suy niệm của chúng sinh, liền thuyết giảng về pháp môn thông đạt gốc của mọi pháp để hóa độ họ.

Lại có thần túc tên là Thọ báo. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì sẽ dùng các pháp báo hiện hành để hóa độ chúng sinh.

Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ năm, đạt được đầy đủ bốn hành Thần túc (chỉ có ba, thiếu một).

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ sáu, lại sẽ có đủ bốn hành Thần túc. Những gì là bốn?

Có thần túc tên là Đọa lạc. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ du hóa khắp vô lượng thế giới trong mười phương, quan sát đầy đủ mọi hướng tâm niệm của hết thảy chúng sinh, biết rõ về các quả báo xấu ác đã đến lúc thuần thục để dần dà thuyết pháp khiến cho các quả báo xấu ác kia đều bị rơi rụng hết.

Lại có thần túc tên là Vô căn. Bồ-tát đạt được pháp thần túc đó thì sẽ đi đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương quan sát đầy đủ về mọi hướng của tâm niệm chúng sinh để nhổ sạch mọi gốc rễ, vĩnh viễn được đoạn trừ không còn dấy khởi nữa.

Lại có thần túc gọi là Ly cấu xuất yếu. Bồ-tát đạt được pháp thần túc đó thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới ở mười phương, quan sát tận cùng mọi nẻo hướng tâm niệm của tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh ấy đạt được các pháp cốt yếu của đạo giải thoát. (Không rõ, bản tiếng Phạm bị thiếu một pháp).

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát đã an trụ nơi Địa thứ bảy gọi là pháp Không thoái chuyển thì sẽ có đầy đủ bốn pháp Thần túc. Những gì là bốn pháp?

Có pháp Thần túc tên là Chúng sinh thân bất tịnh. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì có thể thị hiện rõ ràng các pháp xấu ác, bất tịnh, nhân đó mà giáo hóa vô số chúng sinh.

Lại có thần túc tên là Đạo đức. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì có thể dùng chánh đạo để trừ bỏ nơi ba đường và đạt đạo quả Ala-hán.

Lại có thần túc tên là Chánh giác. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì có thể khiến cho chúng sinh đều được đứng vững nơi Tín địa không hề thoái chuyển. Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ bảy gồm đủ các pháp thần túc (chỉ có ba, thiếu một).

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát ở nơi Địa thứ tám lại có đầy đủ bốn thứ Thần túc lớn rộng vô biên, các hàng Thanh văn và Bích-chi-phật không thể đạt được. Những gì là bốn pháp?

Hoặc có thần túc tên là Bản vị phát đạo tâm. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh kia bắt đầu đứng vững nơi Tín địa, còn các hành khác thì chưa thành tựu.

Lại có thần túc tên là Vô sinh. Bồ-tát đạt được pháp thần túc ấy thì mỗi mỗi sự quan sát đều nhận rõ các hành là Vô ngã.

Lại có thần túc tên là Tham trước. Bồ-tát đạt được pháp thần túc đó thì luôn ham thích các tướng tốt của chư Phật.

Lại có thần túc tên là Tận lậu, Bồ-tát đạt được thần túc này thì có thể khiến cho tâm ý luôn chuyên nhất, dứt trừ sạch mọi pháp lậu. Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ tám gồm đủ bốn pháp Thần túc.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ chín cũng có được đầy đủ bốn pháp Thần túc. Những gì là bốn pháp?

Có thần túc tên là Chúng hải. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì có thể khiến cho mọi chúng sinh nơi cõi Dục và cõi Sắc đều hướng tới cửa giải thoát, những chúng sinh cấu uế đều được diệt sạch thì liền được hội nhập cửa pháp. Còn những chúng sinh tâm cấu uế chưa được dứt sạch thì không được tiếp cận cửa pháp. Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ chín gồm đủ bốn pháp Thần túc.

Đức Phật bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ mười cũng có đầy đủ bốn thứ Thần túc. Những gì là bốn?

Có thần túc tên là Quang minh. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì sẽ du hóa đến vô số cõi Phật trong mười phương quan sát đầy đủ về các nẻo tâm niệm của mọi chúng sinh, đi tới nơi gốc cây Bồ-đề ngồi kiết già tĩnh tọa, lúc ấy mới thành tựu được tâm với đầy đủ các thệ nguyện lớn lao.

Lại có thần túc tên là Vô lượng môn. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì sẽ phân biệt rõ nẻo hướng tới tận cùng là hướng tới Nhất thừa.

Lại có thần túc tên là Nhất niệm. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì sẽ khiến cho hết thảy mọi chúng sinh ở mười phương chỉ trong một niệm thành tựu được đạo quả.

Lại có thần túc tên là Trang nghiêm. Bồ-tát đạt được pháp thần túc này thì chỉ trong một ngày có thể cùng dốc hết sức trang nghiêm các quốc độ của chư Phật, cùng lời cùng lúc trong một thời thành tựu đạo quả.

Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ nơi Địa thứ mười gồm đủ bốn pháp Thần túc.