KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: CHƯ PHẬT KHUYẾN TRỢ

Bấy giờ Đức Thế Tôn tự bước lên tòa Vô úy, từ nơi tướng lưỡi phóng ra hào quang chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, cùng chiếu tỏ đến vô lượng hằng sa quốc độ chư Phật trong mười phương và đến hằng sa cõi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ khắp mười phương, cho đến chúng sinh trong mười phương hư không thảy trông thấy ánh hào quang ấy. Vô số ức trăm ngàn ánh hào quang của Đức Thế Tôn phóng ra như thế khiến cho chúng sinh nơi các thế giới đều cùng nói:

–Từ thời xa xưa đến nay chưa từng được thấy ánh hào quang vi diệu như vậy, cũng chẳng phải là ánh sáng của vô số ngôi sao, mặt trời, mặt trăng có được. Thật hết sức kỳ lạ đặc biệt! Chưa hề được nghe, thấy.

Bấy giờ chúng sinh nơi các quốc độ trong mười phương thảy đều sinh ý nghĩ: “Chắc là có Đức Phật xuất hiện ở đời!”

Lúc này Đức Thế Tôn liền biết tâm niệm của chúng sinh khắp mười phương ấy, nên ở nơi ánh hào quang kia đều có các vị Phật được hóa hiện, mỗi mỗi vị Phật hóa đều có vô số chúng đệ tử trước sau vây quanh và Đức Phật đang vì họ mà thuyết pháp. Giáo pháp được thuyết giảng ấy là pháp không hình tướng, là pháp không lời dạy, là pháp không sinh, lão, bệnh, tử. Sau khi nghe âm thanh kia, cả những người không thấy ánh hào quang và hình sắc, thảy đều được nghe Đức Như Lai thuyết pháp, âm vang nói về pháp Tuệ không, về tâm dứt mọi nẻo vướng chấp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng đang có mặt nơi chúng hội:

–Các vị đều thấy ánh hào quang từ hướng lưỡi này là pháp chẳng thể nghĩ bàn, đã tỏa đến vô số hằng sa quốc độ trong mười phương, chiếu soi khắp vô lượng các loài chúng sinh, cùng có các vị Phật hóa hiện đã thuyết pháp. Hẳn là các vị đều đã thấy cả chăng?

Các vị Bồ-tát Đại sĩ đạt thần thông đều thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con thảy đều trông thấy cả.

Những chúng sinh còn ở hàng phàm phu tham vướng ái dục cũng đều tự nêu bày, thưa với Đức Phật rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con tuy trông thấy ánh hào quang nhưng không biết ánh sáng ấy là điềm gì ứng hiện?

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết đươc tâm niệm của những chúng sinh đó, muốn xua bỏ mối hồ nghi cùng những vọng tưởng chấp trước nên nói với Đại Bồ-tát Nhuyễn Thủ rằng:

–Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thân

tướng luôn ánh màu vàng ròng, hào quang tỏa xung quanh đến bảy thước, tiếng nói như chim Yết-tỳ (chim Ca-lăng-tần-già) dịu dàng mềm mại không chút tỳ vết. Các tiếng tốt tự trang nghiêm thân, thảy đều do từ vô số kiếp thời quá khứ chứa đức, làm lành, mọi đức gồm đủ, miệng không hề phạm lỗi lầm, mọi chốn thuyết giảng chỉ dạy không có tăng giảm, do đó đã khiến Như Lai đạt đạo quả Vô thượng Chánh giác. Nay Như Lai có được mười bốn pháp phước báo về tướng lưỡi:

  1. Âm thanh của lời nói luôn chí thành, không giả dối.
  2. Chỗ nói được nghe thì liền tin tưởng, thông hiểu.
  3. Nẻo hành hóa của miệng không hề làm mất cửa pháp gốc.
  4. Luôn biết đúng lúc, đúng hoàn cảnh để thuyết pháp không thiếu.
  5. Luôn tự an lạc nêu bày việc giữ giới luật.
  6. Danh cú và thứ lớp nơi các pháp được thuyết giảng luôn tương ứng.
  7. Lòng Từ bi rộng lớn luôn tăng thêm, không rời tâm bố thí.
  8. Trông thấy hình tượng của Phật không còn mang lòng nghi ngờ.
  9. Đạt được thần thông Phật để du hóa tự tại.
  10. Đã hội nhập pháp giới không rời bỏ trí tuệ Phật.
  11. Đạt được trí tuệ vô lượng như kho tàng vô tận.
  12. Ý Phật vô hình, thảy đều được hòa nhập.
  13. Với trí tuệ phương tiện, sự hóa độ vô ngại mà không thấy có sự hóa độ ấy.
  14. An trụ nơi ánh sáng giác ngộ chân lý, mọi người đều dốc tin tưởng.

Đó gọi là mười bốn phước báo của tướng lưỡi Như Lai. Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ đạt được mười bốn phước báo về tướng lưỡi ấy thì liền có thể phóng ra vô lượng ánh hào quang tỏa chiếu khắp mười phương quốc độ chư Phật, đều do từ thời xa xưa lời nói không hề khi dối, gian trá.

Đức Phật bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ giữ vững, thọ trì, đọc tụng pháp thâm diệu ấy thì sẽ có được thân tướng với mười phước báo không chán. Những gì là mười?

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác bước lên tòa vô úy, trước hết là dùng đến pháp quán bình đẳng để thu giữ ý, tịch mặc và tự tư duy: “Ta hiện ở nơi đại chúng là bậc Nhân Trung Hùng, nay an tọa nơi tòa Đại Hữu Sở Tế (nơi chốn tế độ lớn lao).”

Lại tự tư duy: “Muôn loài chúng sinh thật chẳng thể nghĩ bàn! Hoặc đang ở địa tin tưởng muốn thoái chuyển, hoặc ở tại Địa thứ nhất cho đến Địa thứ sáu muốn thoái chuyển. Những hạng ấy hãy nên để riêng ra, không thuộc hàng mẫu mực của Thánh hiền. Hoặc lại có những chúng sinh tham dâm, giận dữ, si mê, tâm bị trói buộc, tham đắm thêm nhiều, những loại ấy cũng để riêng, không ở hạng mẫu mực Thánh hiền. Hoặc có chúng sinh ý tôn sùng sự giàu sang, không biết tạo lập gốc công đức, hạng này cũng bỏ ra, chẳng được kể là hàng giác ngộ mẫu mực. Hoặc có chúng sinh do vô minh che lấp nên luôn dấy khởi các hành kiêu mạn, hạng ấy cũng bỏ ra không xếp vào mẫu mực của hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm rõ các pháp huyễn, nhưng lại xem thấy Như Lai với các pháp huyễn đó chẳng phải là Phật, hạng ấy cũng bỏ ra, chẳng tính là mẫu mực của hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh có nhiều hiểu biết về thế tục, xem các đức thần diệu của Phật với mình không khác, hạng đó cũng bỏ ra, không xem là mẫu mực của hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh thể tánh mạnh mẽ, không tin nơi các hành Tổng trì của Như Lai, hàng đó cũng bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm nghiêng nhiều về sự bố thí, nhưng xem sự bố thí của Như Lai với mình không có gì khác, hạng ấy cũng bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm thuần giữ giới, nhưng cho rằng: giới của Như Lai với mình nào có khác gì, hạng đó cũng bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm luôn từ bi, nhẫn nhục, nhưng lại cho rằng pháp nhẫn của Thế Tôn với mình đâu có khác gì, hạng ấy cũng bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh luôn dốc tinh tấn, nhưng xem sự tinh tấn của Thế Tôn với mình không có gì khác, hàng ấy cũng nên bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm luôn vui với việc thực hành Thiền nhưng xem việc hành Thiền của Thế Tôn với mình chẳng có gì khác, hạng đó cũng nên bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh có đựơc những biện tài của thế gian, lại xem việc thuyết giảng về trí tuệ của Thế Tôn so với mình chẳng khác, hạng ấy cũng bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh giàu lòng Từ bi, lại xem Như Lai nêu giảng về từ bi với mình không khác gì, hạng đó cũng bỏ ra không kể vào hàng mẫu mực của bậc Thánh hiền. Hoặc có chúng sinh tâm thương xót không hề dứt, nhưng lại xem việc Như Lai thể hiện tâm bi so với mình không khác gì, hạng ấy cũng bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh lòng luôn hoan hỷ, nhưng xem việc hoan hỷ của Như Lai không khác gì mình, hạng đó cũng nên bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm luôn rộng mở, không vướng chấp, nhưng lại xem sự hành xả của Như Lai so với mình không khác gì, hạng ấy cũng bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm luôn nhớ nghĩ về không, nhưng cho rằng nẻo hành không của Như Lai với mình không khác gì, hạng đó cũng bỏ ra, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm không vọng cầu, nhưng xem pháp vô nguyện của Như Lai cùng với mình không khác, hạng ấy cũng bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh không dấy tưởng chấp, nhưng xem pháp vô tưởng của Như Lai với mình không khác gì, hạng đó cũng bỏ ra, không được kể vào hàng mẫu mực của Hiền thánh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nơi chốn sinh sống, tiếp xúc cùng chí hướng của chúng sinh vốn không đồng. Đối với hết thảy chư Phật nơi các thế giới trong mười phương, tâm niệm của chúng sinh trong ba cõi Dục, Sắc, và Vô Sắc, mỗi cõi một khác không đồng. Hoặc có chúng sinh ở cõi Dục ham thích năm thứ dục lạc, không rời bỏ năm ấm, hạng này thì nên bỏ ra hẳn, không kể vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh tâm không đắm dục nhưng lại luôn chấp vướng nơi sắc tướng bên ngoài, hạng ấy cũng nên bỏ ra. Hoặc có chúng sinh nguyện an vui với cảnh giới vô sắc, hạng đó cũng nơi bỏ ra, không kể vào hàng mẫu mực của Thánh hiền.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Các loài chúng sinh với tâm thức không đồng nên nẻo tạo tác khác nhau, sở dĩ như thế là vì đều do luôn bị điên đảo chẳng có thể tự tỉnh ngộ được. Như ta hiện nay xem xét các loài chúng sinh biết được chốn hướng tới của tâm nhằm nguyện cầu đạo gì, cho đến cả vô số quốc độ trong mười phương thế giới mỗi mỗi đều thông tỏ, không bị lầm lạc. Giống như bậc Sĩ phu có con mắt tinh đời, tự thân hành tay cầm lấy viên ngọc Minh nguyệt thần diệu, là liền nhận ra không hề bị lầm, cũng không dấy tưởng gì khác. Ta nay cũng như thế: luôn nhận rõ về thần thức cùng nơi chốn hướng tới từ chỗ gốc hành động của tất cả chúng sinh. Hoặc có chúng sinh chỉ trong khoảnh khắc một niệm mà ý đã dấy khởi một hành, hai hành, hạng ấy cũng nên bỏ ra, không kể vào hàng mẫu mực của Thánh hiền. Hoặc có chúng sinh chỉ trong một niệm mà đã dấy lên gồm đủ các hành, hành ấy đều là vô ký, hạng này cũng nên bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ. Hoặc có chúng sinh giữ giới luật mà không bố thí hay ngược lại, hạng đó cũng nên để ra, không kể vào hàng giác ngộ mẫu mực. Hoặc có chúng sinh lúc thì gồm đủ sáu hạnh, lúc thì không đủ sáu hạnh, hạng này cũng bỏ ra, không tính vào hàng giác ngộ mẫu mực.

Vô số hằng sa chư Như Lai Vô Thượng Chánh Giác ở thời quá khứ, trước hết là phải gồm đủ ba pháp rồi sau đấy mới thuyết giảng chánh pháp. Điều ấy chính là để khiến cho đời sau, hằng sa chư Phật Như Lai muốn thuyết pháp thì phải gồm đủ ba phẩm hành thâm diệu ấy.

Những gì là ba phẩm hành?

  1. Xem tính chất không đồng của chúng sinh ngay từ mỗi niệm, mỗi niệm.
  2. Công việc trang nghiêm cho đạo tràng Vô úy của chư Phật không phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể kiến lập được.
  3. Gốc ngọn của các pháp được nghe Như Lai thuyết giảng thảy đều quy về Tuệ không.

Đó gọi là ba phẩm hành thâm diệu của Như Lai, vào lúc sắp thuyết pháp tất không hề thiếu sót.

Bấy giờ Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ba phẩm hành thâm diệu của Như Lai với chỗ kiến lập không đồng?

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Như Bồ-tát vừa nêu, nay ta sẽ vì Bồ-tát mà mỗi mỗi diễn nói đầy đủ. Thế nào là ba phẩm hành thâm diệu của Bồ-tát? Như Lai Vô Thượng Chánh Giác lúc mới nhập pháp Tammuội Định ý chúng tướng là nhằm vì muốn cho khắp chốn chúng sinh cùng đến một hội để thuyết pháp. Có vô số người đông đảo như vậy, tâm thức chung một, cả chỗ suy nghĩ cũng đồng, được nghe thuyết giảng về ý nghĩa của sự khổ chứ chẳng phải pháp điển nào khác, thì đấy chính là đã nhập vào hàng mẫu mực của Như Lai.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Chư Phật của ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai thảy đều biết rõ về tâm niệm của mọi chúng sinh, trước theo sự giác ngộ từng bậc rồi mới đạt đạo quả Vô thượng Chánh giác. Nhưng nếu các pháp được thuyết giảng không xa lìa tưởng chấp tham vướng thì đấy cũng chẳng thích ứng với mẫu mực của hàng Thánh hiền giác ngộ.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, trước phải thu giữ mười ý để dứt các nẻo tưởng loạn, sau đấy thì mới diễn nói Pháp tạng thâm diệu khiến cho mọi chúng sinh với chỗ giáo pháp đã nghe đều đạt được sự thông tỏ. Những gì là mười?

Như Lai lúc muốn thuyết pháp, hướng về một nẻo vô ngại để xem chúng sinh nên dùng pháp gì thích hợp để thuyết giảng khiến họ được độ thoát.

Lại có chúng sinh tâm ý sâu cạn, nên dùng phương tiện gì để họ được cứu độ.

Hoặc lại thuyết pháp chỉ một nẻo không hai, nay các chúng sinh này có thích hợp với pháp ấy chăng?

Quán pháp không vô lượng, nhận biết về tâm niệm của chúng sinh nên theo pháp nào, sau đó mới lãnh hội được pháp Tam-muội Phấn tấn. Hành không cấu nhiễm, chỉ trong khoảng một niệm, các pháp thảy gồm đủ. Quán tưởng thấu đạt về pháp giới là không đầu, không cuối. Thực hiện các việc của chư Phật không hề bị ngăn ngại. Dùng trí tuệ vô lượng để làm nhuần thấm tất cả muôn loài. Chúng hội đã được ổn được, dùng diệu lực của thần túc, soi tỏ tâm ý chúng sinh để đều biết gốc của duyên mà vì họ thuyết pháp. Như thế là đúng với mẫu mực của Bậc Giác Ngộ.

Này Bồ-tát Nhuyễn Thủ! Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác bước lên tòa Vô úy, lại thêm gồm đủ mười pháp vô tận.

Những gì là mười pháp?

Pháp tạng của chư Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Thân Phật là vô lượng, pháp cũng vô lượng. Như Lai Vô Thượng Chánh Giác lại có biển pháp vô hình vô tận, từ đấy thể hiện mọi sự việc của Phật.

Lại có cõi vô tận, chẳng phải là chốn thu giữ của nhãn thức từ đó quan sát khắp mười phương, nhận biết các đối tượng hữu hình, vô hình.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác với phương tiện quyền xảo cứu độ chúng sinh không quên bản nguyện, khiến cho hết thảy các loài đều được đứng vững nơi đạo pháp, tu mười hành thiện.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác bên trong luôn một tâm ý, hiện ra bên ngoài qua việc thuyết giảng chánh pháp, không dùng một pháp định để thích ứng với pháp tịch nhiên, không đem việc thuyết pháp để hiện rõ những loạn động nơi bên ngoài.

Lại nữa, Như Lai Vô Thượng Chánh Giác lúc đang thuyết pháp luôn tạo ra những trận mưa các pháp cam lồ khiến cho mọi loài chúng sinh hữu tình, vô tình, hữu thức, vô thức, tất cả mọi chốn mọi nơi đều đội ơn nhuần thấm tràn trề.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác ngay lúc còn ở nhà đã thành tựu các sắc tướng thù thắng đặc biệt, chính là nhằm khiến cho đại chúng, những người thuộc hạng cao, điều phục tâm, tự khiêm nhường, không tự xưng mình vốn thuộc giòng họ giàu sang. Hạng thấp thì không cho rằng Như Lai vốn từ giòng dõi phú quý, danh vọng.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác dùng trí túc mạng để biết về các đời trước của mình. Sự nhận biết ấy là vô bờ bến, không thể tính kể hết. Đối với những chúng sinh khó quá độ hiện có trong năm nẻo, gốc đã tạo duyên ấy, nay lại có duyên quả báo cùng nhân duyên được thức tỉnh.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác phát thệ nguyện rộng lớn với

bốn Tâm vô lượng, có thể khiến cho chúng sinh hữu hình mười phương trong một ngày thành tựu đầy đủ các tướng của Phật, đúng theo bản nguyện như thật thảy đều thành tựu Phật đạo.

Lại nữa, Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác luôn tạo lập ý kiên cố, không rời bỏ tâm gốc, lại khiến cho vô lượng chư Phật trong khắp thế giới, cùng trong một ngày đều chọn lấy hết sự diệt độ, đúng như chỗ nhớ nghĩ không hề sai trái.

Đó gọi là mười pháp vô tận cốt yếu của Như Lai, lên tòa vô úy luôn đủ các pháp ấy để nêu bày thông suốt các pháp vô cùng tận của Như Lai, chẳng phải là chỗ hàng La-hán và Bích-chi-phật có thể tuyên giảng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Này Tộc tánh tử! Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ tu tập thực hiện các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, luôn được đứng vững nơi địa tin tưởng để tu các hạnh Bồ-tát, thế thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều, không thể nêu tính, cũng chẳng dùng ví dụ để diễn tả được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Chẳng như các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng mười Pháp tạng vô tận thì phước đức này hơn hẳn trường hợp các thiện nam, thiện nữ kể trên.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ đã ở nơi Địa thứ hai gồm đủ các hạnh, không mang lòng biếng trễ với tâm thấp kém, lại cùng cúng dường như trước khi đạt được Địa tin tưởng, cho hằng sa chư Phật nơi các quốc độ trong mười phương đều giống như vậy thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều, chẳng thể nêu tính được. Vì sao? Vì nếu có hàng thiện nam, thiện nữ tu tập các pháp từ Địa tin tưởng đến Địa thứ hai, các bậc đều như thế, thì đã làm cho khắp vô lượng thế giới trong mười phương có được sự kỳ lạ đặc biệt hết sức, không thể dùng ví dụ để diễn tả.

Đức Phật lại bảo các vị Tộc tánh tử:

–Nhưng điều đó lại không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ dốc lòng phụng trì tu tập mười pháp vô tận thì phước đức lại càng nhiều hơn, hết sức nhiều, không thể dùng ví dụ để diễn tả.

Đức Phật bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập các pháp thành tựu Địa thứ ba đều có đầy đủ gốc của các pháp đã thành tựu, cũng như trước khi đạt Tín địa và Địa thứ nhì thảy đều cúng dường hằng sa chư Phật nơi các quốc độ trong mười phương, các thứ đều giống như trước, thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều, không thể tính kể được. Vì sao? Vì nếu có hàng thiện nam, thiện nữ phụng tu các pháp, từ Tín địa cho đến Địa thứ hai, Địa thứ ba,… các loại đều như vậy, đã khiến đầy khắp vô lượng thế giới trong mười phương chẳng thể dùng ví dụ để diễn tả.

Đức Phật lại bảo các vị Tộc tánh tử:

–Nhưng lại không như các hàng thiện nam, thiện nữ phụng trì tu tập mười pháp vô tận thì phước đức đó lại càng nhiều hơn nữa, hết sức nhiều, chẳng thể nêu ví dụ.

Đức Phật bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ tu tập các pháp, thành tựu được Địa thứ tư cũng thảy đều đầy đủ như trước khi đạt Tín địa, Địa thứ hai, thứ ba, thế thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng mười Pháp tạng vô tận thì phước đức này hơn hẳn trường hợp trước.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Nếu có hàng thiện nam,

thiện nữ được đầy đủ sự tin tưởng đối với Thánh đế, không có pháp hồ nghi, không rời bỏ Địa thứ năm là pháp ấn của Như Lai cùng hành Tín địa, cho đến Địa thứ tư, khiến cho đầy khắp vô lượng thế giới mười phương thì phước đức ấy nên xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy thật hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ phụng trì tu tập mười pháp vô tận. Phước đức này còn nhiều hơn nữa, chẳng thể dùng ví dụ để diễn tả.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ đã đạt được Địa thứ sáu gồm đủ các hạnh, đã tu tập qua các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, tất nhiên dứt sạch hồ nghi, cùng thực hiện Tín địa cho tới Địa thứ sáu, khiến cho đầy khắp vô lượng thế giới trong mười phương. Thế thì, này vị Tộc tánh tử! Phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười Pháp tạng vô tận, phước đức này hơn hẳn trường hợp trên.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ với thệ nguyện rộng lớn, bền vững, an trụ nơi Địa thứ bảy không thoái chuyển, đầy đủ các pháp, dứt mọi phân chia bỉ ngã, từ Tín địa cho đến Địa thứ sáu, các đức gồm đủ, các hạnh đều hoàn thành, vậy thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng chẳng bằng các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười Pháp tạng vô tận. Phước đức này hơn hẳn trường hợp trên.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được đủ bảy Địa, tiến tới thành tựu đạo quả Phật-đà, cho rằng mình nay đã trụ không còn dấy tưởng kia đây, như ta đã tự giác ngộ, dứt sạch mọi nghi, các loại đều như vậy đầy khắp cả mười phương cúng dường như trước, từ Tín địa cho đến Địa thứ bảy, thế thì phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười Pháp tạng vô tận, thì phước đức này hơn hẳn trường hợp trên.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:

–Nếu có các vị Đại Bồ-tát đã đạt được pháp vô sinh, không khởi diệt, tâm như hư không, chẳng hề bị nhiễm ô, chỉ cần trí tuệ phương tiện để đi đến gốc cây Bồ-đề, các thứ đều như thế, khởi đầu từ Tín địa cho tới Địa thứ tám, các hành gồm đủ, chẳng lâu nữa thì thành tựu đạo quả Phật-đà, cúng dường đầy khắp cả nơi vô lượng thế giới trong tam thiên đại thiên. Thế thì, này vị Tộc tánh tử! Phước đức ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Nhuyễn Thủ thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều! Vì sao? Vì các hàng thiện nam, thiện nữ ấy đã an trụ bên cạnh Đức Phật, cũng nên gọi là Phật, huống chi lại còn cúng dường vô lượng chư Phật nơi các thế giới trong mười phương, từ Tín địa cho đến Địa thứ tám, các hành đều gồm đủ.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Đại Bồ-tát đạt được Địa thứ chín với những phước đức trong một niệm. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười Pháp tạng vô tận thì phước đức ấy còn nhiều hơn nữa. Như ta hiện nay đã thành Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với mười tôn hiệu gồm đủ mà hãy còn chưa đạt được hết mười Pháp tạng vô tận. Cho nên nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn được tu tập mười Pháp tạng vô tận ấy thì phải biết trọn đủ mười phương chư Như Lai trong một lúc đắc đạo, cùng thời nhập Bát-nê-hoàn, dứt trừ hết tâm thức chấp trước của chúng sinh, muốn thành Phật ngay trong đời hiện tại, muốn thu giữ mọi chúng sinh cùng như tâm của Phật thì phải nên tu tập mười Pháp tạng vô tận ấy.

Bấy giờ Đức Phật Thích-ca Văn ở nơi đại chúng bèn đọc bài tụng:

Ta nay tuy thành Phật
Do xưa từng khuyến trợ
Chánh pháp không thể chuyển
Đạo lớn không đổi dời
Tự nhớ đời quá khứ
Dốc cúng dường chư Phật
Dùng đạo pháp khuyến trợ
Bỏ hình đến không hình
Lại nơi vô số kiếp
Chưa được tạng vô tận
Ý lập dứt mọi tưởng
Dần đến bờ giải thoát
Như Lai vô thượng giác
Ba đạt, sáu thông tuệ
Khuyến trợ đủ các hành
Mới đạt tạng vô tận
Bản nguyện nay được báo
Nên hiệu Thiên Trung Thiên
Thảy do phước khuyến trợ
Tự đạt Bậc Tối Tôn
Sông biển có thể cạn
Núi khe cũng lở trôi
Nhật nguyệt lúc vơi đầy
Pháp tạng chẳng thể tận
Chư Phật tuệ phương tiện
Diệu lực thật khó bàn
Nuôi dưỡng khắp muôn loài
Từ bi chuyển nơi pháp
Hoặc hiện nơi thai mẹ
Nhằm hóa độ mẹ cha
Lại làm Chuyển luân vương
Thống lãnh vô số nước
Vui thay! Phước báo ấy
Đạt tạng vô tận này
Tu tập đạt quả Phật
Biến hóa thật vô cùng
Xưa nơi vô số cõi
Tạo phước lập công đức
Khuyến trợ là bậc nhất
Không gì vượt hơn được
Vàng bạc bảy báu đủ
Sắc tướng chẳng thể sánh
Đều do báo khuyến trợ
Các Pháp tạng vô tận
Hư không chẳng chốn có
Do tạo sắc tướng hình
Pháp ấy rất thâm diệu
Chân đế không thể hoại.

Đức Phật Thích-ca Văn đọc xong bài kệ ấy, lại nói với các vị thiện nam, thiện nữ:

–Nếu có các vị Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, muốn khiến cho hết thảy chúng sinh cũng đạt được giác ngộ như mình thì phải nên tu tập mười Pháp tạng vô tận ấy.

Bấy giờ, Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sắp sửa thuyết pháp nhằm chuyển pháp luân nên liền nhập pháp Định ý Vô Tận Tạng, tạo được cảm ứng đối với vô lượng hằng sa chư Phật trong mười phương, nên được chư Như Lai ứng hiện, cùng lúc chung một âm vang đọc bài kệ:

Pháp hiện lìa bốn nghĩa
Như Lai hành dứt chấp
Dốc tu đạt Phật đạo
Tinh tấn không biếng trễ
Hướng ba Không bình đẳng
Hiệu là Tạng Vô Tận
Không bỏ mười hạnh gốc
Đó là Như Lai tạng
Pháp Phật chẳng nghĩ bàn
Hư không, không sở thọ
Biết ta, chẳng thấy ta
Đấy hợp Tạng vô tận
Hạnh Phật không tận cùng
Pháp diễn chẳng thể tính
Từ bi với muôn loài
Thị hiện không chốn có
Tướng chư Phật Như Lai
Thành đạo chẳng sai khác
Theo ý nơi chúng sinh
Rõ tướng có cao thấp
Ta nay không gì sánh
Lo chán khổ muôn loài
Dùng đạo tự giữ ý
Hàng phục đám ngoại đạo
Hết thảy gốc các pháp
Không duyên cũng chẳng hợp
Đạo từ ngộ bình đẳng
Nên đạt Tuệ Như Lai
Chư Phật chẳng nghĩ bàn
Gốc các pháp cũng thế
Duyên báo chẳng nghĩ bàn
Nẻo phân biệt cũng vậy
Ta trụ qua ngàn kiếp
Phật Phật tự tán dương
Chưa thể tận Pháp tạng
Chút tổn giảm hào ly
Chúng tôi đã thành Phật
Pháp thân gồm đủ không
Xưa tu Tạng vô tận
Tự đạt Nhân Trung Tôn
Cõi dục nhiều phiền não
Dứt dục chẳng chốn ngoài
Nơi dục nên lìa dục
Đều từ Tạng vô tận
Tuy trụ chẳng chốn trụ
Cũng sắc tướng không hình
Nhận rõ mọi thức chấp
Thức Phật không hình tướng
Như Lai không sắc tướng
Vì chúng sinh hiện tướng
Không chấp, chẳng cấu nhiễm
Thân Như Lai cũng không
Đủ khắp mười phương cõi
Như nay Bậc Chánh Giác
Rõ gốc chẳng nghĩ bàn
Diễn nói Tạng vô tận.

Lúc này chư Phật trong mười phương nói xong bài kệ ấy thì khắp tám phương cùng hai phương trên dưới đều hiện đủ sáu cách chấn động. Nơi tòa ngồi có sáu trăm vị Tỳ-kheo gốc hướng về quả Ala-hán, đã cùng lúc chuyển ý đạt được Tạng vô tận. Lại có đến mười ba ức chúng sinh cũng đạt được Pháp tạng vô tận.