SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 3
Phẩm 5: PHÁP TÁNH
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Ngài là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Ngài thường hoan hỷ nói về sức thần thông vi diệu. Vì sao các Đức Phật Như Lai được thần thông này? Cúi xin Thế Tôn giải rõ cho.
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Việc làm của chư Phật Như Lai sâu xa không thể nghĩ bàn, nên được quả như vậy. Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai thực hành những pháp gì mà gọi là sâu xa không thể nghĩ bàn?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Pháp tánh của chư Phật Như Lai nhân và quả không thể nghĩ bàn; pháp và công đức làm lợi ích cho chúng sinh cũng như vậy.
Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tại sao nói pháp tánh không thể nghĩ bàn?
Phật dạy:
–Này đại vương! Từ vô thỉ các ấm, giới, nhập luôn nối tiếp với nhau trong chúng sinh; nhưng thể của pháp tánh thanh tịnh không bị ô nhiễm. Tất cả tâm thức không thể nương vào đó phát khởi, các quan sát và hiểu biết khác thì không thể phân biệt được. Những suy nghĩ bằng tà kiến cũng không thể duyên được; pháp đó xa lìa tà niệm nên vô minh không khởi; cho nên không từ mười hai nhân duyên mà sinh. Đó gọi là vô tướng, chẳng phải tác pháp, tự tướng của nó thường trụ, không sinh, không diệt, không cùng tận, không biên giới.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, biết được pháp tánh thanh tịnh như vậy, nên xa lìa được cấu uế, không bị nhiễm trước, cho nên vượt qua phiền não đạt đến giải thoát. Tánh này tức là pháp căn bản của chư Phật; công đức, trí tuệ nhân nơi đây mà phát sinh, thể tánh của nó sáng suốt thanh tịnh, không thể suy lường được.
Này đại vương! Ta nay dùng ví dụ để nói, ông hãy lắng nghe.
Vua thưa:
–Bạch Thế Tôn, con xin muốn nghe!
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Ví như viên ngọc như ý vô giá, nếu được mài dũa trang sức thì nó trong sáng rất đẹp. Khi rơi vào trong bùn lầy, trải qua thời gian rất lâu, nhưng thể của nó vẫn tròn sáng, không bị nhơ bẩn. Nếu có người nhặt được, giữ gìn thì không bị mất. Pháp tánh cũng vậy, tuy ở trong phiền não nhưng không bị ô nhiễm vẫn luôn hiện rõ.
Này đại vương! Chư Phật Như Lai đều biết tự tánh của chúng sinh là thanh tịnh, nhưng bị khách trần phiền não che lấp, nên không thể nhập được tự tánh. Vậy bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật phải nghĩ như thế này: “Ta sẽ dũng mãnh chuyên cần, tinh tấn tu tập, chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này cho chúng sinh để diệt trừ các phiền não. Tất cả chúng sinh đều có tự tánh thanh tịnh. Nên đối với họ đừng cho là thấp kém, phải tôn trọng, coi họ là Thầy của ta, cung kính đúng pháp.” Bậc Đại Bồ-tát với tâm như vậy, liền sinh Bi, Trí, Lực lớn.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, như vậy thì đạt được địa vị không thoái chuyển.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật,
lại nghĩ thế này: “Các phiền não không có năng lực, tự thể của nó là hư vọng, trái nhau với thanh tịnh. Vì sao? Vì nó trái với Nhất thiết trí. Pháp tánh thanh tịnh là căn bản của các pháp, tự tánh của nó vốn không phiền não, hư vọng, đều từ tà niệm điên đảo sinh ra.”
Này đại vương! Ví như bốn đại, nương tựa nơi hư không để đứng, nhưng hư không lại không có chỗ nương tựa. Phiền não cũng vậy, nương vào pháp tánh, nhưng pháp tánh không có chỗ để nương.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật quán biết như thật nên không sinh trái nghịch, do tùy thuận nên không sinh phiền não.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát, quán sát phiền não, không sinh nhiễm trước; nếu bị nhiễm trước thì làm sao nói pháp xa lìa cho người khác. Cho nên, Đại Bồ-tát phải đoạn diệt tâm nhiễm trước, giảng dạy pháp như thật để mở trói buộc cho chúng sinh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-lại nghĩ thế này: “Nếu trong sinh tử có một phiền não, vì lợi ích cho chúng sinh, ta sẽ nhận lãnh.”
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-lại nghĩ như thế này: “Như xưa, chư Phật thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nên được hạnh như vậy. Vì sao? Vì chư Phật Như Lai thuở xưa còn ở nhân địa, cũng học như vậy; do hai nhân duyên này mà thành Chánh giác. Nên Bồ-tát dùng mọi phương tiện để biết được pháp tánh đó.
Này đại vương! Pháp tánh vô lượng, vô biên như vậy, nhưng bị các phiền não che lấp, nên chúng sinh bị chìm đắm, trôi lăn mãi trong sáu đường sinh tử, đó gọi là chúng sinh tánh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, sinh tâm nhàm chán và diệt trừ tham dục năm trần; tu đạo Vô thượng thì tánh này, gọi là xuất ly. Vì vượt qua tất cả khổ, nên gọi là pháp vắng lặng, là pháp rốt ráo mà tất cả thế gian đều mong cầu. Nhất thiết chủng trí, thường trụ vi diệu, cũng nhân nơi pháp tánh này mà được tự tại và thọ nhận địa vị Pháp vương.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật; ở địa vị sơ, trung và thượng, quán sát tất cả pháp tánh, xưa nay đều bình đẳng và vắng lặng, đều không chướng ngại, giống như các sắc đều không thể đầy hư không. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật, biết như thật tất cả các hạnh, vì bình đẳng một tướng. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, có thể trừ hai tướng: Nhân tướng và Pháp tướng. Tất cả phàm phu bị chấp chặt trói buộc nên không biết, không thấy, không đạt được pháp tánh. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì thông đạt pháp tánh này, nhưng chúng sinh thì không hai, không khác, vì sao? Vì như như không khác.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nương vào pháp tánh này để tu tập các căn lành, vào trong ba cõi làm lợi ích cho chúng sinh. Tuy hiện vô thường mà chẳng phải chân thật. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thấy pháp tánh như thật, đầy đủ phương tiện đại Bi, nguyện lực không từ bỏ chúng sinh. Hàng phàm phu, Nhị thừa không có bản nguyện đại Bi như vậy, nên không thấy pháp tánh tròn đầy thanh tịnh.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên quán như thế này: “Pháp tánh của tất cả Thánh nhân không có người tu và pháp để tu; không có người thực hành và pháp để thực hành; không có tâm và tâm pháp; không có nghiệp và quả báo; không khổ, không vui.” Người quán như vậy gọi là bình đẳng, không khác sự xa lìa và tùy thuận rộng lớn, không có ngã và ngã sở, không cao, không thấp. Nó chân thật, thanh tịnh, sáng suốt, thường trụ vô tận. Vì sao? Vì tất cả pháp của Thánh nhân do nơi đây mà thành tựu, cũng nhân nơi tánh này mà hiện bày Thánh nhân.
Này đại vương! Pháp bất cộng, với công đức vô biên của chư Phật Như Lai đều từ tánh này mà sinh, do tánh này mà ra.
Này đại vương! Tất cả giới, định, tuệ của Thánh nhân, do từ tánh này mà sinh; Bát-nhã ba-la-mật của chư Phật và Bồ-tát cũng từ tánh này mà ra. Tánh này vắng lặng, vượt qua các danh tướng, nó chân thật, xa lìa điên đảo, tánh chẳng biến đổi nên gọi là như; cảnh giới của Thánh trí, gọi là Đệ nhất nghĩa trí. Tánh này chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải sinh tử, chẳng phải Niết-bàn, chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh, lìa một, lìa khác, không danh, không tướng.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, lại phải nghĩ thế này: “Pháp tánh lìa tướng và tất cả pháp đều lìa tướng, không hai, không khác.” Vì sao? Vì tất cả pháp lìa tướng thì pháp tánh lìa tướng; pháp tánh lìa tướng thì tất cả chúng sinh lìa tướng, đồng pháp giới lìa tướng; pháp giới lìa tướng thì tất cả pháp lìa tướng; lìa tướng như vậy, cầu không thể được. Vì pháp tánh như như, chúng sinh như như, đồng một không hai; chúng sinh như như, pháp tánh như như đồng một không hai; pháp tánh như như, tất cả pháp như như không hai không khác, tất cả pháp như như, chư Phật như như, không hai không khác; pháp tánh như như, quá khứ, hiện tại, vị lai như như, không trái nghịch; quá khứ như như, vị lai như như cũng không trái nhau; quá khứ, hiện tại, vị lai như như tức là ấm giới, nhập như như; ấm, giới, nhập như như tức là nhiễm tịnh như như; nhiễm tịnh như như tức là sinh tử; Niết-bàn như như, sinh tử Niết-bàn như như, tức là tất cả pháp như như.
Này đại vương! Những điều nói về như như nghĩa là không khác, không biến đổi, không sinh, chân thật, vô tránh. Do vô tránh, nên gọi là như như. Thấy biết như thật các pháp không sinh, các pháp tuy sinh nhưng như như bất động. Như như tuy sinh tất cả các pháp nhưng như như không sinh. Đó gọi là Pháp thân thanh tịnh, không biến đổi, giống như hư không, không gì bằng. Tất cả ba cõi không có một pháp nào sánh bằng hay một thân chúng sinh nào sánh bằng. Thanh tịnh, lìa cấu uế xưa nay không nhiễm, tự tánh sáng suốt thanh tịnh, không sinh không khởi; ở tại tâm ý thức nhưng chẳng phải tánh của tâm ý thức; tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Khắp hư không thế giới và các chúng sinh vô lượng, vô biên; tất cả bình đẳng, không sai khác. Chẳng phải sắc nhưng không lìa sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức nhưng không lìa thọ, tưởng, hành, thức; chẳng phải địa, thủy, hỏa, phong đại nhưng không lìa địa, thủy, hỏa, phong đại; không sinh nhưng lìa sinh; tuy trái với sinh tử nhưng không thuận với Niết-bàn. Mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, thân không xúc, ý không biết không ở tại tâm ý thức, nhưng không lìa tâm ý thức.
Này đại vương! Đó gọi là pháp tánh. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát nhã ba-la-mật thông đạt pháp này, tu hành thanh tịnh thì ở trong tam thiên đại thiên thế giới, hoặc cõi Diêm-phù-đề, thành ấp, xóm làng Bồ-tát có thể thị hiện sắc thân khắp nơi; nhưng sắc thân ấy chẳng phải sắc, chẳng phải tướng mà hiện sắc, tướng; chẳng phải sáu căn, sáu cảnh mà giáo hóa chúng sinh luôn luôn không dừng nghĩ. Vì nói thân này là pháp vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh. Nhưng biết rõ chúng sinh có tánh vắng lặng. Bồ-tát có thể thị hiện vô lượng các loại thân, khéo dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh, làm cho nhận biết được tất cả thân, không có người tạo tác cũng không có người thọ nhận, giống như cây, như đá, Bồ-tát vì chúng sinh mà nói hạnh thanh tịnh.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thông đạt pháp tánh nên được tự tại, không bị xao động liền sinh trí nghiệp nên đạt được du hý thần thông, thị hiện sự an trú tự tại và có thể hiển bày tất cả oai nghi, tự tại đạt đến Nhất thiết chủng trí và đều thấu triệt tất cả các pháp.
Này đại vương! Bát-nhã ba-la-mật tự tại như vậy, là vô tận tướng nhưng ở khắp mọi nơi; tuy không sắc nhưng hiện bày sắc. Tự tại quán sát khắp tâm ở chúng sinh, thấy tâm tánh như thật và tự tại nhớ nghĩ vô số kiếp nối nhau không dứt. Tự tại biến hóa trụ nơi tướng giải thoát, tự tại nơi lậu tận, nhưng vì chúng sinh nên không chứng lậu tận. Tự tại xuất thế: đó là cảnh giới tự tại sâu xa của bậc Thánh trí mà hàng Thanh văn và Duyên giác không thể so lường được. Tự tại mà kiên cố, ma không thể phá hoại được, mà còn có thể đến nơi đạo tràng để thành tựu Phật pháp tối thượng đệ nhất. Tự tại tùy thuận chuyển bánh xe pháp; tự tại điều phục, giáo hóa tất cả chúng sinh. Tự tại nhận lãnh địa vị là được pháp tự tại.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thông đạt pháp tánh sâu xa như thật, nên được tự tại. Đại Bồ-tát tu các thiền định, giải thoát, đẳng trì của Bạt đề nên được tự tại này và không bị lệ thuộc vào cảnh Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Vì sao? Vì xa lìa được tất cả phiền não trói buộc, giả dối, phân biệt, điên đảo, chấp tướng. Bồ-tát nếu có tự tại thọ sinh thì tự tại sinh ở nơi không có trói buộc, hoặc muốn hiện và diệt cũng được tự tại. Bồ-tát sinh ở chốn nào cũng luôn luôn hằng giữ Đại thừa thành tựu Phật pháp, nhưng ở nơi mười phương tìm cầu cho hết Phật pháp, đều không thể được. Vì tất cả các pháp đồng một Phật pháp, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tìm cầu pháp này là không thể được. Dùng lý chân như mà cầu là không thể được. Pháp đó không thể nói có, nói không, cũng không có danh tướng; nó vượt qua cảnh giới này, nên xa lìa danh tướng tức là bình đẳng. Nếu là pháp bình đẳng thì không chấp trước; mà pháp không thể chấp trước, tức là pháp chân thật; nếu chấp trước chân thật tức là giả dối. Ở đây, do không chấp trước nên không phải giả dối, không đắm trước thì tâm không ngại; không ngại tức là không chướng, không chướng tức là không tranh luận, không tranh luận là đồng với hư không. Pháp đó không lệ thuộc vào Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Do không lệ thuộc vào nơi nào, nên pháp ấy không sắc, không hình, tướng. Nếu pháp không sắc, không hình, không tướng, thì nên biết pháp đó như thật, tùy theo cảnh giới kia mà xa lìa chủ thể hiểu biết và đối tượng được biết. Vì sao? Vì trong đó không có một chút pháp giác ngộ nào và một chút pháp nào để giác ngộ; đó gọi là bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thông đạt pháp bình đẳng.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, nhưng không thấy ta và chúng sinh, không thấy người, không thấy thọ mạng.
Tuy thực hành bố thí mà điều phục tâm, để lìa tâm giới tường, nhưng luôn luôn trì giới thanh tịnh. Dùng tâm vô tận để tu hành nhẫn nhục; dùng tâm viễn ly để tu hành tinh tấn; dùng tâm vắng lặng để tu tập thiền định; dùng tâm không vướng mắc để tu hành trí tuệ; nhờ tâm để tu bốn Niệm xứ; dùng tâm bình đẳng tu tập Chánh cần; lìa tâm hý luận tu tập các Thần túc; phân biệt chúng sinh mà quán sát các Căn; lìa tâm lầm lỗi tu tập các Lực, dùng tâm phân biệt quán sát Giác phần; dùng tâm không có công dụng tu tập chánh đạo; tâm không chấp trước mà có lòng tin thanh tịnh, trí tuệ tự nhiên nhớ nghĩ các pháp; dùng tâm bình đẳng trí tu các Tam-muội; dùng tâm không phân biệt để quán sát Bát-nhã ba-la-mật; dùng tâm ngừng nghĩ để tu định; dùng tâm không chỗ thấy để tu quán; dùng tâm không chỗ niệm mà để tu niệm Phật; dùng tâm bình đẳng, thông đạt pháp giới để tu niệm Pháp; dùng tâm không chỗ trụ để tu niệm Tăng; dùng bản tâm thanh tịnh để giáo hóa chúng sinh; dùng không khởi lên sự phân biệt phân biệt pháp giới để thâu nhiếp tất cả pháp; dùng tâm như hư không để trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật; dùng tâm không sở đắc để được Vô sinh pháp nhẫn; dùng tâm không thoái lui để được quả vị không thoái chuyển; nhờ tâm xa lìa tướng nên không thấy có tướng, dùng tâm bình đẳng khắp ba cõi để trang nghiêm đạo tràng. Tâm có thể hiểu biết tất cả các pháp, nên đối với việc Chuyển pháp luân mà không thấy có nghe nói. Thị hiện Niết-bàn thì biết rõ bản tánh của sinh tử vốn bình đẳng.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán sát các pháp không thấy người quán và pháp quán, như vậy liền được rong chơi tự tại. Vì sao? Vì tự tâm thanh tịnh nên thấy tất cả chúng sinh cũng thanh tịnh.
Này đại vương! Ví như hư không đầy khắp tất cả, thì Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tâm cũng như vậy.
Khi nói pháp này xong, trong đại chúng có bốn vạn tám ngàn người và trời, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác; có ba vạn hai ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn; có tám vạn bốn ngàn chúng sinh được Pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu; một vạn hai ngàn Tỳ-kheo đều được lậu tận.
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm được thanh tịnh, sâu rộng như biển, công đức trí tuệ không thể so lường được. Đại Bồ-tát có thể hiện ra ở đời, đem các công đức quý báu để cứu độ chúng sinh, cho đến khi rốt ráo thành Phật, nhưng công đức Bồ-tát không thể hết. Ví như biển lớn sinh ra nhiều thứ báu.
Trí tuệ của Bồ-tát sâu xa khó thấu hiểu được, nên hàng Thanh văn, Duyên giác không thể sánh kịp. Cũng như biển lớn, thú nhỏ không thể vào được. Trí tuệ của Bồ-tát rộng lớn vô biên. Vì sao? Vì không chấp trước, không trụ, không sắc, không tướng. Trí tuệ của Bồ-tát từ ban đầu cho đến sau cùng, theo thứ lớp càng sâu xa, từ khi mới phát tâm Bồ-đề, cho đến được Nhất thiết trí thì pháp của Bồ-tát cũng vẫn như vậy; không cùng ở chung với phiền não và ác tri thức. Trí tuệ của thế gian nếu đi vào trong trí tuệ của Bồ-tát thì trở thành một tướng một vị. Bởi vì Nhất thiết trí vô tướng nên không có vị phân biệt.
Bậc Đại Bồ-tát quán sát tất cả pháp, nhưng không thấy có pháp tăng, giảm. Vì sao? Vì thông đạt pháp tánh bình đẳng sâu xa. Đại Bi, đại Lực của Bồ-tát không trái với bản nguyện, đây là chỗ nương tựa của tất cả Thánh nhân. Vì các chúng sinh mà Bồ-tát trọn đời nói pháp không bao giờ thôi.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thông đạt pháp tánh sâu xa như thế.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát có thể thông đạt các pháp nói về đạo lý của người thế tục (Thế đế). Tuy nói các sắc mà chẳng phải có thật sắc, tìm cầu sắc này thì hoàn toàn không nắm giữ được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Tuy nói địa mà chẳng phải chân thật là địa, tìm cầu địa thì hoàn toàn không thể nắm giữ được… Thủy, hỏa, phong, không, thức cũng lại như vậy. Tuy nói nhãn nhập thật chẳng phải chân thật là nhãn nhập, tìm cầu nhãn nhập thì hoàn toàn không thủ trước được…, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý lại cũng như vậy. Tuy nói ngã nhưng chẳng phải chân thật là ngã, tìm cầu ngã thì hoàn toàn không thể thủ trước được. Mạng chúng sinh được người nuôi dưỡng, thì người làm, người thọ, người thấy người biết đều cũng như vậy. Tuy nói thế gian nhưng chẳng phải chân thật là pháp thế gian, tìm cầu pháp thế gian thì hoàn toàn không thể thủ trước được. Tuy nói Phật pháp nhưng chẳng phải chân thật là Phật pháp, tìm cầu Phật pháp thì hoàn toàn không thể thủ trước. tuy nói Bồ-đề nhưng chẳng phải chân thật là Bồ-đề, tìm cầu Bồ-đề thì hoàn toàn không thể thủ trước được.
Này đại vương! Nếu các lời nói đều là đạo lý của người thế tục, nó chẳng phải chân thật nhưng không có nó thì không thể nói được Đệ nhất nghĩa đế.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thông đạt pháp của người thế gian nhưng không trái với Đệ nhất nghĩa đế; nhờ thông đạt được pháp đó, nên biết các pháp không sinh, không diệt, không hoại, không đây không kia đều lìa ngôn ngữ văn tự hý luận.
Này đại vương! Đệ nhất nghĩa đế vắng lặng, lìa lời nói; nó là pháp không thể biến hoại, là cảnh giới của Thánh trí. Nếu Phật ra đời hay không ra đời thì tánh tướng của nó vẫn thường trụ; đó gọi là Bồ-tát thông đạt Đệ nhất nghĩa đế.
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không sinh, không diệt, tự tánh là không, là xa lìa. Vậy tại sao có Phật ra đời Chuyển pháp luân? Tại sao Bồ-tát đối với pháp không sinh mà thấy có sinh?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Pháp không diệt cho nên không sinh. Vì sao? Vì tánh không biến đổi, nhưng do nhân duyên của người thế tục thấy có sinh, diệt; tất cả đều là giả dối, chẳng chân thật có.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện thiện xảo thấy được pháp nhân duyên, liền biết pháp của người thế gian đều là không, không có, không thấy chắc thật, giống như ảnh tượng huyễn hóa của bóng nắng, như tiếng vang, dựa vào nhân duyên mà sinh nên nó lay động không dừng. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán sát các pháp là không, cho đến các pháp từ nhân duyên sinh ra, phải suy nghĩ thế này: “Các pháp bình đẳng này, nay thấy có sinh, có trụ, có diệt.” Vậy nhân duyên nào sinh và nhân duyên nào diệt; liền biết là do nhân duyên vô minh sinh các hành, nương nơi hành mà sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh nhập lục, nhập lục sinh xúc, xúc sinh thọ, phàm phu khởi sinh ái, do khát ái nên sinh thủ, nhân nơi thủ nên hữu nối nhau, do hữu nên có sinh, do sinh nên có lão, do lão nên có tử và ưu, bi, khổ, não. Cho nên tu hành phải đoạn vô minh, nếu đoạn vô minh thì mười một phần còn lại cũng đều diệt. Ví như thân người nếu đoạn mạng căn, thì các căn còn lại không hoạt động được.
Này đại vương! Bọn ngoại đạo tà kiến muốn cầu giải thoát, nhưng chỉ muốn diệt sự chết mà không biết diệt sự sinh; nếu pháp không có sinh thì không có diệt. Ví như có người cầm cục đất ném vào sư tử, sư tử đuổi theo bắt người đó, còn cục đất dừng lại. Bồ-tát cũng vậy, chỉ đoạn sinh thì tử tự diệt. Ví như con chó chỉ biết rượt theo cục đất mà không biết rượt theo người, nên đất cứ ném mãi không dứt. Ngoại đạo cũng vậy, không biết đoạn sinh nên cũng không lìa được tử.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, như vậy là đã khéo biết do nhân duyên nên các pháp có sinh có diệt.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, biết các pháp do nhân duyên sinh là không, không thật có, nên không sinh ngã mạn. Nếu sanh vào nhà Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Cư sĩ, Trưởng giả, thì cũng không khởi lên ngã mạn về sự tôn quý và giàu có. Còn nếu sinh vào nhà nghèo hèn thì nên biết nghiệp của mình đời trước không thanh tịnh, bị quả báo thấp kém, tâm sinh nhàm chán liền cầu xuất gia, nên suy nghĩ thế này: “Như thân này của ta, đã được xa lìa nghiệp chướng, lại tu nghiệp thanh tịnh, làm cho tự mình thanh tịnh và khiến người khác cũng vậy. Tự mình cứu độ rồi lại cứu độ người khác; tự mình cầu thoát ly rồi lại mở sự trói buộc cho người khác.”
Do nhân duyên này, liền được tinh tấn, không còn biếng lười; ác pháp, chướng đạo đều được đoạn trừ; thiện pháp trợ đạo đều được tăng trưởng, tu hành chuyên cần tinh tấn. Bồ-tát suy nghĩ thế này: Ta vì gánh vác việc này, nên phải tự diệt tất cả phiền não, độ thoát chúng sinh, không được lười biếng.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, phải gần gũi Sư tăng, nghe ít, nghe nhiều, có biết, không biết, trì giới, phá giới. Nên sinh lòng tưởng nhớ cung kính các vị đồng học như Phật. Suy nghĩ: “Ta nay nương nơi Thầy học tập, việc tu thiện chưa hoàn thành thì làm cho đầy đủ, phiền não chưa đoạn diệt thì làm cho đoạn diệt, ủng hộ pháp thiện xa lìa pháp ác, dùng Nhất thiết chủng trí và ruộng phước đại Bi vắng lặng mà thương xót chúng sinh như bậc Thầy của trời, người. Ta là bậc Thầy khéo làm được việc tốt, tất cả trời người phụng sự Pháp vương, coi đó là bậc Đại sư.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, suy nghĩ thế này: “Phật dạy tịnh giới, dù bỏ thân mạng cũng không hủy phạm. Như Thế Tôn nói, làm theo lời Ngài dạy tức là cúng dường chư Phật. Nếu Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Cư-sĩ, Trưởng giả, đem tất cả các loại thức ăn uống, tín tâm cúng dường thì Bồ-tát phải như pháp mà thọ dụng, không làm mất lòng tin vào quả báo của họ. Kẻ cúng dường, người thọ nhận đều được lợi ích. Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Cư-sĩ, Trưởng giả lấy danh của Sa-môn mà tưởng là danh của Bồ-tát để làm ruộng phước thì Bồ-tát nên phải như lý, như lượng mà tu hành chánh pháp, khiến cho công đức của Sa-môn được hiển bày như ruộng phước công đức. Bồ-tát thực hành và giáo hóa người khác như vậy chưa từng thôi nghỉ.”
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu hành như vậy thì có thể tùy thuận tất cả thế gian. Thấy người sân hận sinh tâm khiêm nhường, thấy người ngã mạn sanh tưởng không ngã, thấy người tà vạy quanh co sanh tưởng ngay thẳng, thấy người nói dối thì nói như thật, đối với người ác khẩu thường nói lời hòa ái, thấy người cang cường thì hiện nhu hòa, thấy người độc ác thì thực hành từ nhẫn, thấy người có pháp tà thì sinh lòng đại Từ, thấy chúng sinh khổ thì sinh lòng đại Bi, thấy người keo kiệt thì thực hành bố thí.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tùy thuận thế trí như vậy thì sinh vào cõi Phật thanh tịnh. Vì sao? Vì trì giới không khiếm khuyết, xa lìa các tạp uế, tu tâm bình đẳng ở nơi chúng sinh, đầy đủ các căn lành, không đắm trước danh lợi, lòng tin thanh tịnh, không mong cầu phước báo, siêng năng tu hành, không sinh lười biếng, tu các thiền định, lìa pháp tán loạn, dùng trí tuệ vi diệu mà học tập nghe nhiều, các căn không khuyết tật, đầy đủ trí thông minh, thường tu đại Từ, xa lìa sân hận phiền não, do nhân duyên này nên sinh và cõi Phật thanh tịnh.
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói! Tu pháp bình đẳng và giữ giới thanh tịnh thì sinh vào cõi Phật. Vậy tu hành đủ một hạnh thì cũng sinh vào nơi cõi Phật?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Nếu có bậc Đại Bồ-tát như đã nói ở trước, trong tất cả các pháp nếu tịnh tu một hạnh liền đủ các pháp; một hạnh như thế thì được sanh tịnh độ. Vì sao? Vì trong mỗi một hạnh có đầy đủ các hạnh.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, được sanh tịnh độ, không sinh ở thai uế trược. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát tạo đắp tượng Phật, tu sửa chốn già-lam, tô láng nền tháp Phật bằng chất thơm và cúng dường trước tháp Như Lai, hoặc dùng nước thơm lau rửa tượng Phật, hoặc quét dọn, rưới nước láng nền trong đất chùa. Bậc Đại Bồ-tát cúng dường săn sóc cha mẹ, thầy, bạn đồng học và các vị Sa-môn, với tâm bình đẳng cúng dường tất cả. Vì tất cả chúng sinh mà hồi hướng những căn lành này, tất cả cùng hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng giác; khiến được thanh tịnh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, liền được xa lìa thế tục. Vì sao? Vì tâm không chấp trước, không đắm nhiễm bè đảng xấu ác, không chạy theo các cảnh giới, xa lìa và không đắm nhiễm cảnh giới duyên ái; như thật tu hành giới do Đức Thế Tôn dạy, thiểu dục, tri túc, tùy nghi bốn việc. Hướng đến sự biết đủ, khi có lỗi lầm thường sợ sệt, ưa ở nơi vắng lặng, muốn xa lìa tất cả.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, không đắm trước pháp thế tục thì liền được đời sống thanh tịnh; miệng, ý và oai nghi không ngụy tạo, không dối trá. Đối trước thí chủ, thân không giả dạng oai nghi dối trá, đi lại từ tốn, an nhiên nhìn về trước sáu tấc; nhưng sau đó nếu không có đàn-việt lại ăn nói buông lung; ở trước thí chủ không vì lợi dưỡng mà hạ giọng nói lời nhỏ nhẹ, êm ái, hoa mỹ, vuốt đuôi theo ý lời của họ; nhưng sau lưng đàn-việt liền tự buông thả phóng túng. Thấy người bố thí thì miệng nói không dùng, nhưng trong tâm lại rất mong muốn. Như vậy gọi là trong tâm bị phiền não thiêu đốt. Miệng nói thiểu dục nhưng trong tâm lại tham lợi dưỡng.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đều không có tướng lừa dối và xa lìa việc cầu lợi dưỡng. Nếu thấy đàn-việt không được nói là ba y hư rách, bình bát thiếu thốn, hoặc cần thuốc thang. Đối trước thí chủ, không được nói đàn-việt tên gì đó cúng cho tôi vật này. Nếu người ấy cho rằng ta có tâm đại Bi học rộng nghe nhiều, trì giới thanh tịnh; tuy khen ngợi như vậy, nhưng ta không có đức này thì ta chỉ biết tu hành để báo ân thí chủ.
Bậc Đại Bồ-tát không nên khen mình, chê người như vậy; để thuận theo bạch y mà cầu lợi dưỡng. Nếu họ bố thí cho người khác, mình không nên bực bội và không được gièm pha để lấy tài vật ấy; không được dối trá làm thân thiện để hại người khác mà lấy của cải; khôg đùa giỡn với người khác để lấy đồ vật. Đàn-việt có ý định bố thí, khen ngợi người nói pháp, hoặc cho đại chúng mà chưa nghĩ, hoặc chưa quyết định cho thì Bồ-tát không được gợi ý xen vào để lấy phần. Nếu nhận của bố thí không nên chấp trước; cái này ta có, cái này là vật của ta thì phải liền bố thí trở lại cho Sa-môn, Sư tăng hoặc Cha mẹ và cho những người túng thiếu, thọ dụng bình đẳng. Nếu tài vật hết, không nên sinh lòng phiền muộn, hoặc vài ngày không được bố thì thì tâm không nên khổ não.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát nếu nhận của bố thí và cho trở lại, cả hai đều thanh tịnh. Tâm thực hành thanh tịnh nên không mệt mỏi, vì sao? Vì bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là vì lợi ích chúng sinh nên ở mãi trong sinh tử mà không nhàm chán. Nếu có việc của ma làm khổ sở, bức bách thì tâm sẽ không thoái chuyển. Nếu người muốn thực hành đạo Nhị thừa, liền vì đó mà nói pháp không sợ mệt nhọc. Bồ-tát tự tu để trợ giúp cho pháp Bồ-đề không có nhàm chán.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tinh tấn như vậy, thì có thể thuận theo chánh hạnh của Phật đã dạy. Vì sao? Vì bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, là xa lìa mọi sự buông lung, tâm luôn cẩn thận, khéo hộ trì tự thân, không làm các điều ác, các pháp bất thiện. Miệng và ý cũng vậy.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tuy ở hiện tại nhưng luôn sợ tất cả các điều ác, các pháp bất thiện; ở vị lai, nên quyết đoạn trừ chúng để không cho phát sinh. Lời nói đúng lý, thường thuyết pháp để giảng dạy, không nói lời phi pháp và bỏ hết nghiệp uế trược, liền tu tịnh hạnh không hủy báng lời Phật dạy, xa lìa pháp bất tịnh và phiền não. Đó gọi là ủng hộ pháp của Như Lai. Tất cả các điều ác, các pháp bất thiện đều đoạn dứt sạch.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thuận theo lời dạy thanh tịnh của Phật như vậy. Thấy chúng sinh thì nét mặt tươi cười, không nhăn nhó; sở dĩ như vậy là tâm do đã lìa uế trược, các căn thanh tịnh, lìa cấu lìa nhiễm, tâm không sân hận và trong lòng không thù hằng.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, liền được đa văn; quán sát sinh tử biết như thật các lửa dục hừng hực, lửa sân thiêu đốt, lửa ngu si thường làm cho mê loạn; cũng biết như thật pháp hữu vi là vô thường, tất cả các pháp hành khổ là vô ngã. Chúng sinh trong thế gian thì đắm trước vào hý luận. Trong tất cả các pháp, chỉ có Niết-bàn mới là vắng lặng. Nếu nghe người khác nói phải liền nghĩ cách, để truyền trao cho mọi người cùng phát khởi tâm đại Từ bi kiên cố. Nếu không được nghe pháp thì không có suy nghĩ và tu tập. Cho nên nghe pháp là cái gốc để có trí tuệ, cũng giống như văn tự vậy. Tất cả trí tuệ nhân nơi đây mà phát sinh, nếu đã được đa văn tức hộ trì được chánh pháp.
Này đại vương! Vào thời mạt pháp trong tương lai, khi chánh pháp bị diệt, trong đó cũng có chúng sinh siêng năng, tu hành nhưng không gặp ánh sáng của pháp, vì không có người nói pháp sâu xa.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát liền diễn nói pháp mầu sâu xa. Đó là Bátnhã ba-la-mật để làm cho chúng sinh được giới, định, tuệ.
Bồ-tát lại khen rằng:
–Này thiện nam! Ở đời mạt pháp, khi chánh pháp bị hủy diệt như vậy, mà ông có thể phát tâm Bồ-tát cầu Vô thượng Chánh đẳng giác, để làm lợi ích cho chúng sinh. Ba đời chư Phật đã thực hành pháp Bát-nhã ba-la-mật này, nếu ông siêng năng tu tập pháp này thì không xa Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật này không lìa Bồ-đề.
Ví như có người trồng lúa đã trổ bông, thì biết chắc chắn không lâu sẽ thu hoạch. Bồ-tát cũng vậy, cầu Vô thượng Chánh đẳng giác, mà được nghe Bát-nhã ba-la-mật thì sẽ biết chắc chắn Phật không còn xa.
Này đại vương! Nếu thiện nam, tín nữ nào mà lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật, thì ngoài ra không có pháp nào nương tựa để cầu Chánh đẳng giác. Cũng như con vua mà bỏ vua cha để cầu người khác làm thái tử, thì quyết không thể được. Bồ-tát cũng vậy, cầu Nhất thiết trí thì quyết phải nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật mà được.
Ví như nghé con muốn bú sữa, phải nhờ vào mẹ nó; nếu đến trâu khác thì không thể được.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thường làm con của vị Pháp vương, gần gũi pháp Bát-nhã ba-la-mật để trang nghiêm thân tướng, giống như lấy hoa đẹp trang sức thân tướng; các căn đầy đủ thường đi đến chỗ của Như Lai, thực hành theo con đường mà Như Lai đã giác ngộ, để được giác ngộ và cứu hộ chúng sinh bị khổ não ở thế gian. Khéo thông đạt lời Phật dạy, thường tu phạm hạnh để giữ gìn thành quách Nhất thiết trí của Như Lai.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, là con của Pháp vương; nên Phạm vương, Đế Thích thường giúp đời cũng phải tôn trọng. Vì sao? Vì thực hành Bồ-tát đạo, được quả vị không thoái chuyển nên tất cả các ma không thể quấy nhiễu. An trụ nơi pháp Phật, thông đạt tất cả lý không, bình đẳng; nên không tin ngoại duyên. An trụ nơi trí tuệ của Phật như thế thì không ở chung với Thanh văn và Bích-chi-phật, vượt khỏi thế gian trụ nơi Vô sinh pháp nhẫn.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, có thể biết như thật tâm tham dục, sân, si của tất cả chúng sinh, cũng biết như thật tâm thiện và tâm kiên cố. Biết như thật rồi thì nhất nhất phải dùng các pháp đối trị để có thể khéo léo giáo hóa chúng sinh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu có chúng sinh muốn thấy thân Phật để hóa độ họ thì Đại Bồ-tát liền hiện thân Phật vì họ mà nói pháp; chúng sinh muốn lấy thân Bồ-tát hóa độ, thì hiện thân Bồ-tát; chúng sinh muốn lấy thân Bích-chi-phật nhận sự giáo hóa, liền hiện thân Bích-chi-phật; chúng sinh muốn lấy thân Thanh văn nhận sự giáo hóa, liền hiện thân Thanh văn; chúng sinh muốn lấy thân Phạm vương, Đế Thích, Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Trưởng giả, Cư sĩ để nhận sự giáo hóa, thì đều vì họ mà thị hiện độ thoát.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, để giáo hóa chúng sinh; nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì tâm tánh từ hòa, chánh trực, vui mừng, không có các tâm dua nịnh, tật đố, cấu uế. Tâm phải luôn luôn thanh tịnh, lời nói diệu hòa, xa lìa ác khẩu và luôn thực hành nhẫn nhục để gần gũi chúng sinh.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thì được an lạc tại chỗ. Sở dĩ như vậy là bởi vì Bồ-tát có đầy đủ chánh kiến và thanh tịnh kiến, hạnh thanh tịnh nếu được thực hành thì cảnh giới cùng với tâm tương ưng. Nếu tâm trái với pháp bất thiện thì cảnh giới là chỗ nhiễm uế, đều không thể thực hành hạnh thanh tịnh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thấy người đồng học thì sinh tâm hoan hỷ. Nếu có tài vật, hoặc pháp thì cùng mọi người dùng chung và chỉ hành một đạo, đó là Phật đạo. Chỉ lấy Phật làm Thầy chứ không tôn thờ người khác.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thì an lạc tại chỗ, đầy đủ nhiếp pháp để nhiếp thọ chúng sinh; lấy bố thí an lạc, bố thí lợi ích và bố thí vô tận để giáo hóa chúng sinh; dùng lời nói lợi ích có ý nghĩa như pháp và lời nói chân thật để giáo hóa chúng sinh. Dùng tài vật, lợi ích bình đẳng, thân lợi ích bình đẳng, mạng lợi ích bình đẳng, đồ dùng riêng tư lợi ích bình đẳng để giáo hóa chúng sinh.
Này đại vương! Bố thí lợi ích tức là bố thí pháp. Bố thí an lạc tức là bố thí tài vật. Bố thí vô tận tức là chỉ bày con đường giác ngộ. Lời nói lợi ích là để cho người kia làm việc thiện. Lời nói có ý nghĩa thì làm cho người kia thấy chân lý. Lời nói đúng như pháp là thuận theo lời Phật đã dạy. Lời nói không sai tức là nói pháp như thật. Tài vật lợi ích bình đẳng là những thứ ăn được, nhai được, uống được, hút được, nếm được và y phục…. Thân lợi ích bình đẳng là bảo vệ để lợi ích thân mình và làm cho người khác cũng như vậy. Mạng lợi ích bình đẳng là trân châu, lưu ly, san hô, mã não, những cái gì bên ngoài, mạng. Đồ dùng riêng tư lợi ích bình đẳng là voi, ngựa, xe để cỡi và tất cả tịnh tài.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thấy mình thực hành và đem cho người khác đều như nhau.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên có thân hình tốt đẹp, thường tu tập oai nghi vắng lặng, oai nghi không giả dối, oai nghi thanh tịnh; mọi người ưa nhìn trong ngoài ôn hòa, ai nhìn xem cũng đẹp lòng vui thích, không nhàm chán. Tất cả chúng sinh đều yêu mến và kính trọng, hoặc có ai thấy liền phát thiện tâm. Nếu người sân hận mà thấy, sân hận liền được giải thoát.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, xinh đẹp như vậy, thì nên nhận làm nơi nương tựa để chúng sinh gần gũi, làm cho phiền não tiêu diệt, có thể dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sinh tử mênh mông vô biên, có thể độ chúng sinh thoát hiểm nạn ở thế gian. Làm bạn thân cho những người không có quyến thuộc, làm vị lương y trị bệnh phiền não, làm người cứu hộ cho những người không được cứu giúp, làm chỗ quay về nương tựa cho những người không có nơi quay về nương tựa, làm ngọn đuốc pháp cho chúng sinh vô minh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, vì các chúng mà làm chỗ nương tựa, như cây thuốc lớn trị các tật bệnh.
Ví như cây đại thọ Thiện kiến, gốc, rễ, nhánh, lá, hoa, quả, sắc, hương, vị, xúc đều trị lành bệnh cho chúng sinh.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng như vậy. Từ khi mới phát tâm, vì các chúng sinh mà chữa trị các thứ bệnh phiền não, nên công đức trí tuệ của Đại Bồ-tát, nếu có người tật bệnh thấy nghe đều được lành bệnh.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thường cùng với công đức tương ưng, tùy theo khả năng mà cúng dường Tam bảo. Ai có tật bệnh liền bố thí thuốc thang, hoặc thấy đói khát liền Bố thí đồ ăn uống, hoặc thấy lạnh rét liền bố thí áo mặc, tận tâm phụng sự Sư tăng, Hòa thượng; người đồng học Phật pháp thì nên chắp tay cung kính, tạo lập già-lam, bố thí ruộng vườn. Tùy theo khả năng của mình mà bố thí cho chúng Tăng, cho đến việc phục dịch sai bảo cũng liệu tình nghĩa lý đúng như pháp. Khi nghe tên Sa-môn, Bà-la-môn tu hành đạo hạnh, đức độ thì luôn luôn tìm đến tận nơi.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, có thể phát sinh các việc lành; có thể dùng các phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh.
Ở trong cõi Phật này, tuy thân không di động, mà có thể dạo khắp vô lượng thế giới chư Phật để học hỏi chánh pháp.
Ở cõi Phật này thân tuy không di động, nhưng dạo khắp vô lượng thế giới chư Phật, để nghe nhận chánh pháp.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng thị hiện ở vô lượng cõi nước chư Phật, để cúng dường các Đức Như Lai.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng dạo khắp vô lượng thế giới chư Phật, để thành tựu tư lương Vô thượng Bồ-đề.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng dạo khắp vô lượng thế giới chư Phật; nếu thấy có Bồ-tát thành Phật thì cung kính cúng dường.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng thị hiện thành đạo ở vô lượng thế giới.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng thị hiện chuyển pháp luân ở vô lượng cõi Phật.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng thị hiện Niếtbàn ở vô lượng cõi Phật.
Ở cõi Phật này, thân tuy không di động, nhưng vì muốn được độ cho người mà hiện thân ở vô lượng cõi Phật để cho họ đều thấy mà không có tát ý phân biệt.
Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tại sao Đại Bồ-tát thị hiện tất cả hóa thân mà tâm không phân biệt?
Phật bảo Thắng Thiên vương:
–Này đại vương! Ví như mặt trời, mặt trăng chiếu khắp bốn châu thiên hạ mà có phân biệt đâu, ta chiếu xuống thiên hạ, làm ánh sáng để cho chúng sinh bị nghiệp báo, tự cảm nhận là ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu xuống thiên hạ.
Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy. Tuy hiện hóa thân mà không phân biệt. Vì sao? Vì chúng sinh đời trước đều có thiện nghiệp.
Đại Bồ-tát từ xưa khi mới tu hành, đã phát nguyện độ chúng sinh, do nguyện lực này mà tùy theo ý nghĩ mà ứng hiện, nhưng không có tâm phân biệt.
Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sinh như vậy, thì mau đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đã thực hành đầy đủ bố thí, trì giới thanh tịnh không thiếu sót tạp loạn nên được giới tụ thanh tịnh. Vượt qua cảnh giới của Thanh văn và Bích-chiphật, đầy đủ nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện lực trí, công đức bất cộng của Như Lai Thế Tôn. Tất cả đã đầy đủ nên vượt qua được cảnh giới Thanh văn và Bích-chi-phật.
Này đại vương! Bồ-tát Sơ địa cho đến Thập địa, thực hành Bát-nhã ba-la-mật tu hành như vậy thì được Vô thượng Chánh đẳng giác.
Khi nói pháp môn này, trong chúng hội có hai vạn Thiên tử đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu; ba vạn Đại Bồ-tát chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn; tám vạn bốn ngàn người và trời phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác; vô lượng trăm ngàn ức Càn-thát-bà, Khẩnna-la, thảy đều chắp tay, vây quanh núi Kỳ-xà-quật, để tán thán Như Lai; vô lượng trăm ngàn chúng Dạ-xoa, vây quanh núi Kỳ-xà-quật, rải các hoa sen như mưa; mười phương vô lượng hằng hà sa thế giới Bồ-tát đều đến tập hợp khen ngợi Như Lai Thế Tôn.
Thế Tôn vui vẻ vì các Bồ-tát mà nói pháp Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này. Nhân nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật này mà có được Trời, Người, Tu-đà-hoàn hướng; Tu-đà-hoàn quả, cho đến A-la-hán hướng, A-la-hán quả; đạo Bích-chi-phật; Thập địa của Bồ-tát, mười Ba-la-mật, mười Lực của Như Lai; bốn Vô sở úy; mười tám pháp Bất cộng, Nhất thiết chủng trí. Tất cả đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.
–Bạch Thế Tôn! Ví như tất cả chúng sinh trong thế gian đều nương vào hư không, nhưng hư không, không có chỗ nương. Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, là căn bản của các pháp mà tự nó không dựa vào đâu cả. Chúng con nguyện, ở đời vị lai, vì các Đại Bồ-tát mà nói pháp Bát-nhã ba-la-mật, như Phật đang nói; nói xong, lại dùng nhiều thứ hương hoa rải khắp chỗ của Như Lai.
Lúc bấy giờ, tại núi Kỳ-xà-quật, Thiên thần và những người tập hợp đến giữa hư không, tán thán rằng: “Chúng con ghi nhớ ở đời quá khứ đã có vô lượng chư Phật, ở trong núi Kỳ-xà-quật này, nói pháp Bát-nhã ba-la-mật, cũng như ngày hôm nay.” Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chư Thiên ở giữa hư không làm sao biết được ở đời quá khứ, Phật nói pháp Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy:
–Này đại vương! Các chư Thiên này, đều trụ giải thoát, nên không thể nghĩ bàn, vì vậy mà họ có thể biết việc làm lâu xa ở quá khứ.
Này đại vương! Khi xưa ta còn làm Bồ-tát, cũng đã từng sinh vào cảnh giới của Thiên thần kia, thấy vô lượng Đức Phật thành đạo nói pháp cho đến Niết-bàn. Ta thường tán thán, chắp tay lễ bái. Vì sao? Vì cảnh giới của Thiên thần này mạng sống rất lâu dài.
Bấy giờ, trong chúng có một vị Thiên tử tên là Quang Đức, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chư Phật, Bồ-tát thì phải ở cõi thanh tịnh; thế giới Ta-bà này lại không thanh tịnh, tại sao Thế Tôn xuất hiện ở cõi này?
Phật bảo Thiên tử Quang-Đức:
–Chỗ ở của chư Phật Như Lai, không có cảnh giới uế trược. Lúc đó Thế Tôn liền dùng thần lực, hiện tam thiên đại thiên thế giới này, mặt đất bằng phẳng như bàn tay, hoàn toàn bằng lưu ly, không có các thứ núi, đồi, gò, đống, gai gốc,… khắp nơi tụ họp các thứ báu như hương hoa, cỏ mềm; có suối chảy, có ao để tắm với nước tám công đức, nhiều tầng, nhiều bậc với cây cối, hoa quả bằng bảy thứ báu, có nói pháp không thoái chuyển cho Bồ-tát. Nơi đó không có phàm phu, chỉ thấy mười phương các Đại Bồ-tát. Không còn nghe âm thanh khác, chỉ nghe tiếng Bát-nhã ba-la-mật. Mọi nơi đều có hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng lớn như bánh xe. Trong mỗi một hoa đều có Bồ-tát ngồi kiết già. Ngay lúc đó thấy Như Lai ở trong đại chúng đang vì các Bồ-tát mà nói pháp sâu xa và có vô lượng trăm ngàn Phạm thiên, Đế Thích hộ đời, đi nhiễu quanh trước sau cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Như Lai:
–Hy hữu Thế Tôn, hy hữu Thế Tôn! Ngài nói pháp không có giả dối, chân thật không hai. Đúng như Thế Tôn đã nói! Là chư Phật ở nơi không có uế trược, chỉ vì chúng sinh phước mỏng nên thấy không thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, tín nữ mà được nghe danh tự Bát-nhã ba-la-mật đã là hy hữu, huống chi lại thọ trì, biên chép, đọc tụng và vì người khác diễn nói.
Phật dạy:
–Nếu có thiện nam, tín nữ nào ở vô lượng trăm ngàn kiếp; dùng tâm không chướng ngại bố thí tài vật cho người khác; hoặc có người đem lòng tin thanh tịnh biên chép kinh này, truyền trao cho mọi người, thì công đức nhiều hơn sự bố thí tài vật kia. Vì sao? Vì bố thí tài vật thì có thể hết, nhưng bố thí pháp thì vô tận. Vì tài thí chỉ có được ở thế gian, hoặc người hoặc trời mà từ xưa đã được rồi lại được nữa, như vậy sẽ trở đi trở lại trong vòng đọa lạc. Nếu lấy pháp mà bố thì, thì xưa nay chưa được, nay mới có được thì đó là Niết-bàn. Nên tất cả chúng sinh, trong tam thiên đại thiên thế giới, nếu có người giáo hóa thì đều được an trụ trong mười điều thiện. Nếu thiện nam, tín nữ nào dùng lòng tin thanh tịnh thọ trì, đọc tụng Bát-nhã bala-mật và vì người khác giảng nói, thì công đức hơn ở trước. Vì tất cả pháp lành đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra vậy.
Nếu tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, có người giáo hóa thì đều có thể đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật; hoặc lại có người với lòng tin vững chắc, thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật thì công đức hơn trước. Vì sao? Vì pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật đều trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Tất cả pháp của Đại Bồ-tát từ trong Bát-nhã ba-la-mật mà ra. Nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật này nên mới có Phật ra đời. Nơi nào có Bát-nhã ba-la-mật thì nên biết đó là Bồđề đạo tràng, là nơi chuyển pháp luân, phải nên nhớ nghĩ chỗ này là Đại sư của ta; Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri cũng đang ở chỗ này. Vì sao? Vì tất cả chư Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra. Nếu có người cúng dường hình tượng Như Lai, không bằng cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì ba đời chư Phật đều từ nơi Bátnhã ba-la-mật này mà sinh.