SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 6: BÌNH ĐẲNG

Lúc bấy giờ Thắng Thiên vương từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu làm lễ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói pháp tánh bình đẳng, thế nào là bình đẳng và những pháp nào gọi là bình đẳng?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bình đẳng là quán các pháp không sinh, không diệt, tự tánh vắng lặng. Tất cả phiền não, giả dối, phân biệt, không sinh không diệt tự tánh vắng lặng, gọi là bình đẳng. Danh tướng, vọng tưởng không sinh, không diệt, tự tánh vắng lặng gọi là bình đẳng. Diệt trừ các điên đảo, không sinh tâm phan duyên gọi là bình đẳng. Khi tâm năng duyên đã diệt, thì vô minh hữu ái đều vắng lặng. Si ái đã diệt, nên không sinh ngã và ngã sở, gọi là bình đẳng. Ngã và ngã sở diệt, thì danh sắc vắng lặng, gọi là bình đẳng vì danh sắc diệt nên biên kiến chẳng sanh gọi là bình đẳng. Chấp đoạn, chấp thường đã diệt thì thân kiến vắng lặng, gọi là bình đẳng.

Này đại vương! Tất cả phiền não năng thủ sở thủ chướng ngại pháp lành đều nương vào thân kiến mà sinh ra. Bậc Đại Bồ-tát diệt được thân kiến thì tất cả nghiệp tạo tác và kết sử đều đoạn dứt và vắng lặng.

Ví như cây lớn, nếu nhổ gốc rễ thì cành lá đều bị chết khô. Cũng như người không đầu thì chết. Tất cả phiền não cũng như vậy, nếu đoạn thân kiến thì kết sử tự diệt.

Này đại vương! Nếu có người quán các pháp không có ngã, thì năng thủ và sở thủ đều vắng lặng.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tại sao phát sinh ngã kiến thì che mất lý chân thật?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Đối với thân năm ấm, vọng chấp có ngã thì liền sinh ngã kiến. Nhưng pháp chân thật tự tánh vốn bình đẳng, không có năng chấp, sở chấp, ngã kiến trái ngược nên gọi là chướng.

Này đại vương! Như vậy ngã kiến không ở trong, không ở ngoài, không ở trong và ngoài; nên không có chỗ trụ, gọi là vắng lặng, tức là bình đẳng. Xa lìa ngã kiến, thấu rõ bình đẳng, gọi là quán chân thật không; tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Tự tánh vắng lặng không sinh, không diệt, không thủ, không trước, xa lìa ngã kiến gọi là bình đẳng.

Này đại vương! Nói về ngã tức là không đi; không đến; không có phân biệt chân thật hay giả dối pháp từ nơi vọng mà có cũng gọi là hư vọng. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật quán sát các pháp như vậy, xa lìa hư vọng nên gọi là vắng lặng, bình đẳng.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện thiện xảo, có thể biết như thật các phiền não bị đoạn diệt; vì thiện pháp tăng trưởng nên phiền não bị đoạn trừ, nhưng không thấy có sinh, không thấy có diệt, gọi là bình đẳng. Tu pháp Ba-la-mật xa lìa ma chướng, nhưng không thấy pháp để tu và không thấy pháp để xa lìa, gọi là bình đẳng. Bồ-tát thường ra sức trợ giúp pháp Bồ-đề, không có sinh tâm Thanh văn và Bích-chi-phật. Đối với việc trợ giúp pháp Bồ-đề, không thấy có tướng khác của Thanh văn và Duyên giác, gọi là bình đẳng. Tâm duyên vào Nhất thiết trí, thì không dừng nghĩ, thường tu hạnh không và dùng đại Bi lực để không từ bỏ chúng sinh, nên gọi là bình đẳng.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, với đầy đủ phương tiện, liền được tâm duyên tự tại. Dùng tâm duyên vô tướng, để tu pháp giác ngộ nhưng không thấy có pháp vô tướng và giác ngộ khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Tâm duyên vô nguyện không bỏ ba cõi; nhưng không thấy vô nguyện và ba cõi khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Quán thân bất tịnh, tâm phải trụ thanh tịnh; quán hạnh vô thường, tâm trụ ở sinh tử mà không nhàm chán xa lìa; quán chúng sinh khổ, tâm trụ ở Niết-bàn; quán pháp vô ngã thì phát tâm đại Bi đối với các chúng sinh; thường vì chúng sinh nói thuốc bất tịnh không thấy bệnh tham; thường nói đại Bi không thấy sân hận; thường nói nhân duyên không thấy ngu si và nhiều bệnh tật; nói thuốc vô thường nên không thấy các bệnh và vô thường khác.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện như vậy; đối tất cả các pháp, tâm duyên tự tại; duyên pháp ly dục để giáo hóa Thanh văn; duyên pháp lìa sân hận là giáo hóa Bích-chi-phật; duyên pháp lìa ngu si là giáo hóa Bồ-tát; duyên tất cả sắc là nguyện được sắc thân vô sở đắc của Phật. Tâm duyên các âm thanh là nguyện được âm thanh vi diệu của Như Lai; tâm duyên các mùi hương là nguyện được giới hương thanh tịnh của Như Lai; tâm duyên các mùi vị bậc nhất là nguyện được vị ở trong tướng đại trượng phu bậc nhất của Như Lai; tâm duyên các xúc là nguyện được bàn tay mềm mại của Như Lai; tâm duyên các pháp là nguyện được tâm vắng lặng của Như Lai; tâm duyên pháp bố thí là nguyện được thành tựu thân tướng tốt đẹp; tâm duyên tịnh giới là nguyện được cõi Phật thanh tịnh; tâm duyên nhẫn nhục là nguyện được âm thanh đại Phạm của Như Lai, thân tỏa hào quang thanh tịnh; tâm duyên tinh tấn là nguyện độ chúng sinh; tâm duyên thiền định là nguyện được thành tựu các đại thần thông, tâm duyên trí tuệ là nguyện đoạn tất cả kiến hoặc phiền não; tâm duyên đại Từ, bình đẳng, không ngại là để làm cho chúng sinh đều được an lạc; tâm duyên đại Bi là nguyện hộ trì chánh pháp; tâm duyên đại Hỷ là nguyện được nói pháp ưa thích cho chúng sinh; tâm duyên đại Xả là nguyện không thấy phiền não kết sử của chúng sinh.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện không thấy hai việc, gọi là hạnh bình đẳng.

Tâm duyên bốn Nhiếp pháp là để giáo hóa chúng sinh; nương theo lỗi tật đố mà xả bỏ tư tài; nương theo lỗi phá giới, để trụ giới thanh tịnh; nương theo lỗi sân hận để trụ nhẫn nhục; nương theo lỗi lười biếng nên được Phật lực; nương theo lỗi tán loạn, nên được thiền định vắng lặng của Như Lai; nương theo lỗi trí tối tăm nên được trí tuệ vô ngại của Như Lai. Tâm duyên với Thanh văn và Bích-chiphật là vì muốn thành tựu vô thượng Đại thừa; tâm duyên với đường ác vì muốn cứu giúp tất cả chúng sinh; tâm duyên với chư Thiên là vì biết tất cả đều bị hư hoại; tâm duyên các chúng sinh là vì biết không chắc thật; tâm duyên nơi niệm Phật nên được thành tựu thiền định và trợ đạo; tâm duyên nơi niệm Pháp nên được thông đạt các pháp tạng bí mật; tâm duyên nơi niệm Tăng nên được quả vị không thoái chuyển; tâm duyên nơi niệm xả nên không ái trước; tâm duyên nơi niệm giới nên được giới thanh tịnh; tâm duyên nơi niệm Thiên nên thành Phật được chư Thiên khen ngợi; tâm duyên nơi tự thân nên được thân Phật; tâm duyên nơi miệng nên được kim khẩu của Phật; tâm duyên nơi ý nên được tâm bình đẳng của Như Lai; tâm duyên nơi hữu vi nên được trí Phật; tâm duyên nơi vô vi nên được vắng lặng.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có một tâm, một hạnh nào mà không hướng đến Nhất thiết trí. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật duyên khắp các pháp mà không bị đắm trước, xem thấy các pháp đều đưa đến giác ngộ nên gọi là phương tiện thiện xảo.

Này đại vương! Ví như đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới sinh ra các vật để mọi người đều dùng vậy.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, các cảnh giới đã duyên đều con đường lợi ích để đưa đến giác ngộ. Ví như các sắc đều nhân nơi bốn đại mà thành. Như vậy, Bồ-tát duyên các cảnh giới, không có một pháp nào mà không đưa đến giác ngộ. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát tu tập các hạnh, đều nhân nơi duyên bên ngoài mà được thành tựu. Như nhân nơi người keo kiệt mà Bồ-tát thành tựu được Bố thí ba-la-mật; nhân nơi người quên ân mà Bồ-tát thành tựu được Trì giới ba-la-mật; nhân nơi tánh ác, sân hận của chúng sinh mà Bồ-tát thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật; nhân nơi người lười biếng mà Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-la-mật; nhân nơi người tán loạn mà Bồ-tát Thiền định ba-la-mật, nhân người ngu dốt mà Bồtát thành tựu Trí tuệ ba-la-mật.

Nếu có chúng sinh làm não hại Bồ-tát, thì nhân đấy Bồ-tát không sanh tâm sân hận.

Nếu thấy người tu hành pháp lành hướng đến giác ngộ, thì Bồ-tát cứ xem như là thân của con mình.

Nếu thấy người khen ngợi, thì Đại Bồ-tát không sanh vui mừng và chê cũng không sân hận.

Thấy chúng sinh khổ thì Bồ-tát sinh tâm đại Bi, thấy chúng sinh vui thì sinh tâm đại Hỷ.

Nếu chúng sinh khó giáo hóa thì Bồ-tát thương tưởng, phát tâm vắng lặng, chúng sinh nhân đó mà tin và thực hành; nên Bồ-tát liền được trí tuệ và sự biết ân.

Nếu thấy ác duyên bên ngoài của chúng sinh mạnh và nhân thiện ở bên trong yếu, thì Bồ-tát phát tâm ủng hộ.

Nếu Bồ-tát thấy chúng sinh cậy nơi sức mạnh, thời dùng mọi phương tiện làm cho họ nhận sự giáo hóa.

Nếu Bồ-tát thấy trí tuệ của chúng sinh được khai ngộ, hiểu rõ nghĩa lý, thì nói pháp sâu xa cho họ.

Nếu người có trí tuệ thì Bồ-tát theo thứ lớp mà nói pháp.

Nếu có người chấp trước văn tự thì Bồ-tát nói nghĩa lý cho họ.

Bồ-tát nói pháp quán cho những người đã tu pháp chỉ và nói các Tam-muội cho những người đã tu pháp quán.

Nếu có người chấp trước trì giới thì Bồ-tát nói địa ngục, còn không chấp trước thì không nói.

Bồ-tát nói pháp tư duy và tu tập cho người chấp trước việc nghe; nói trí tuệ cho người chấp trước thiền định; nói pháp viễn ly cho người ưa nhàn vắng; nói Thánh trí cho người muốn nghe công đức của Phật; nói pháp bất tịnh cho người tham dục; nói pháp từ bi cho người sân hận; nói pháp duyên sinh cho người ngu si, nói tất cả pháp bình đẳng cho mọi người, như: nói bất tịnh, hoặc nói từ bi, hoặc nói nhân duyên, hoặc nói tịnh giới, thiền định, trí tuệ… để giáo hóa chúng sinh.

Nếu có chúng sinh nào thích hợp nhận sự giáo hóa của Phật thừa thì Bồ-tát theo thứ lớp nói pháp Ba-la-mật; chúng sinh thích hợp nhận sự giáo hóa bằng khống chế, thì Bồ-tát trước bác bỏ lời nói của họ, nhưng sau đó nói pháp cho họ.

Nếu chúng sinh thích hợp nhận sự giáo hóa bằng lời nói, thì Bồ-tát liền nên vì đó mà nói pháp nhân duyên và thí dụ làm cho họ được hiểu rõ; ai muốn được giáo hóa bằng pháp sâu xa, thì Bồ-tát liền vì đó mà nói Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện; không nhân, không ngã và không nói pháp tướng người chấp thấy chúng sinh thì nói pháp không. Người có nhiều giác quán nên nói vô tướng; người ưa đắm pháp hữu vi thì nói vô nguyện. Chấp trước nơi năm ấm chúng sinh thì nói huyễn hóa. Chấp trước nơi giới chúng sinh thì nói không chỗ có. Chúng sinh chấp trước nơi nhập của chúng sinh thì nói như mộng. Chúng sinh chấp trước nơi Dục giới thì nói thiêu đốt; hoặc chấp trước nơi sắc giới thì nên nói hành khổ; hoặc chấp trước nơi Vô sắc giới thì nói hạnh vô thường. Chúng sinh khó giáo hóa thì khen ngợi thánh chủng. Chúng sinh dễ giáo hóa thì nói các thiền định và tâm vô lượng; ai thích được giáo hóa muốn sanh lên trời thì nên nói pháp an lạc. Người muốn được giáo hóa bằng pháp Thanh văn, thì nên nói Tứ đế; người muốn được giáo hóa bằng pháp Bích-chi-phật, thì nên nói pháp nhân duyên; người thọ nhận giáo hóa bằng pháp Bồ-tát thì nên nói tâm thanh tịnh và pháp đại Bi. Người tu hạnh Bồtát thì nên nói công đức trí tuệ; các Bồ-tát không thoái chuyển thì nên nói cõi Phật thanh tịnh; bậc Nhất sinh bổ xứ thì nên nói đạo tràng trang nghiêm; người lấy lời Phật nói mà nhận sự giáo hóa thì nên liên tục nói theo thứ lớp.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành thanh tịnh Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện nên được tự tại, nói pháp lợi ích không có sai lầm.

Khi Bồ-tát nói pháp môn tự tại này, trong chúng có ba ngàn người và trời phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, năm ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn.

Lúc bấy giờ Thế Tôn vui vẻ mỉm cười. Theo thường lệ, khi Phật mỉm cười thì ở giữa mặt phóng ra các luồng hào quang lớn, màu xanh, vàng, đỏ, trắng, màu tía và pha lê chiếu khắp vô lượng, vô biên thế giới, lên đến cõi trời Sắc cứu cánh, rồi trở lại cõi Phật nhiễu bên phải ba vòng rồi thâu vào đảnh đầu của Phật.

Lúc bấy giờ, ngài Đại trí Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật cúi đầu đảnh lễ mà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai không vì đại nhân duyên thì không hiệm tướng tốt hiếm có này. Nay Đức Thế Tôn phóng hào quang, chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới, vì nhân duyên gì! Nguyện xin Ngài nói cho?

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này thiện nam! Thắng Thiên vương này, vô lượng, vô biên atăng-kỳ kiếp về quá khứ, đã ở nơi chư Phật, tu hành các Ba-la-mật, vì các Bồ-tát mà giữ gìn pháp Ba-la-mật, như vậy đến đời vị lai trải qua vô lượng trăm ngàn a-tăng-kỳ kiếp để thành tựu Vô thượng Bồđề tư lương, sau đó mới được Vô thượng Chánh đẳng giác. Danh hiệu Phật là Công Đức Trang Nghiêm, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nước đó tên là Nghiêm tịnh; kiếp số tên là Thanh tịnh; cõi đó giàu có nhân dân an lạc, trong nước hoàn toàn là chúng Bồ-tát. Nước đó đều trang hoàng oai nghiêm bằng bảy thứ báu.

Đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, trân châu. Bảy thứ báu trộn lại thành đất, bằng phẳng như bàn tay, dùng thứ cỏ mềm và hương hoa để trang sức. Cõi đó không có các thứ đồi núi, gò nỗng, gai gốc, dùng rất nhiều cờ phướn quý báu để trang hoàng, Thành đó tên là Nan phục, dùng lưới bảy báu che ở trên thành và treo đầy những chuông vàng.

Ngày đêm sáu thời, chư Thiên giữa hư không tự trổi lên các thứ nhạc trời, rải các thứ hương và hoa trời. Nhân dân cõi đó hoan hỷ thọ nhận các dục lạc hơn ở cõi trời Tha hóa. Người, trời tự do qua lại, không có ba đường ác, chúng sinh cõi đó chỉ cầu trí Phật, không có tên Nhị thừa.

Phật Thế Tôn vì các Đại Bồ-tát có đức hạnh cao cả mà nói pháp thanh tịnh, vô lương, vô biên quyến thuộc của Bồ-tát không có người phá giới, tà mạn, ác kiến, không có câm ngọng, đui điếc, mù lòa, lõa hình và các căn không đầy đủ. Đều đầy hai mươi tám tướng tốt đẹp để trang nghiêm thân. Đức Phật sống lâu tám tiểu kiếp, chúng trời người không có chết yểu.

Này thiện nam! Đức Phật ở cõi nước đó, có vô lượng các công đức như vậy. Khi muốn nói pháp, phóng hào quang chiếu khắp cõi nước, các Bồ-tát gặp được ánh sáng đó, liền biết Thế Tôn nói pháp, chúng ta đến nghe cho đúng lúc.

Lúc bấy giờ, chư Thiên trải tòa Sư tử, cao một trăm do-tuần, cho Đức Thế Tôn, cúng dường vô lượng thứ báu để trang nghiêm tòa đó.

Đức Thế Tôn liền ngồi trên tòa nói pháp cho chúng sinh. Các Bồ-tát thông minh, lanh lợi, một khi nghe pháp liền ngộ vô ngã và ngã sở. Ở đây thức ăn, uống và đồ cần dùng, chỉ cần nhớ nghĩ thì liền được.

Khi nói pháp môn thọ ký cho Thắng Thiên vương, trong chúng có năm vạn trời, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác và nguyện đời vị lai sẽ sinh nơi cõi nước đó.

Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương nghe mình được Thế Tôn thọ ký, tâm vui mừng chưa từng có, liền vọt lên hư không cao đến bảy cây Đa-la.

Lúc bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới, đều chấn động sáu cách, các thứ nhạc trời không đánh mà tự nhiên trổi lên, rải các thứ hoa trời để cúng dường Phật và Thắng Thiên vương.

Lúc đó, Thắng Thiên vương từ giữa hư không hạ xuống, cúi đầu lễ Phật rồi ngồi qua một bên.