SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 9: CHỨNG CỚ VỀ CHUYÊN CẦN

Bấy giờ, Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Đời quá khứ cách đây vô số kiếp không thể tính đếm suy lường; có Đức Phật tên là Công Đức Bảo Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nước tên là Bảo trang nghiêm và kiếp tên Thiện quán. Đời sống sung sướng an vui, không có bệnh tật ưu phiền; trời người qua lại không chướng ngại. Mặt đất bằng phẳng như bàn tay không có núi non gò đống; chỉ mọc loại cỏ nhỏ, cao khoảng bốn tất, mềm mại xanh biếc như lông công; chân bước thời lún xuống, dỡ chân thì phồng lên; có các loại hoa đẹp như: Hoa Tu-ma-na, hoa, Đãn-lặcgià, ngoài ra khắp nơi đều là cỏ mềm, không lạnh, không nóng, bốn mùa điều hòa, mát mẻ; đất toàn bằng lưu ly; chúng sinh ở thế giới này, tâm tánh hiền lành, khéo điều phục ba độc, không để nó chi phối. Công Đức Bảo Vương Phật, có một vạn ba ngàn na-do-tha hàng Thanh văn và sáu mươi hai ức Đại Bồ-tát. Tuổi thọ của con người đến ba mươi sáu ức na-do-tha tuổi; không có chết yểu.

Có một nước tên là Vô cấu trang nghiêm; thành của nước này từ Nam đến Bắc rộng một trăm hai tám do-tuần; từ Đông sang Tây tám mươi do-tuần, có mười ngàn vườn cây trang hoàng oai nghiêm đẹp đẽ, xung quanh có mười ngàn nước nhỏ. Chuyển luân thánh vương tên là Trị Thế, đầy đủ bảy báu làm chủ bốn châu thiên hạ, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, trồng nhiều căn lành, nên tâm không thoái lui với đạo Vô thượng Chánh đẳng giác.

Vua có bốn vườn cây, hoa đẹp; công đức trang trí rất oai nghiêm và vừa ý; bốn mùa chim khổng tước đùa giỡn vui chơi. Tường thành dày mười sáu do-tuần, các cửa của tầng lầu đều bằng bảy báu, có bốn ao lớn, mỗi ao rộng nửa do-tuần; bờ ao bằng bảy báu. Vàng Diêm-phù-đàn dùng làm đường đi và đáy ao lót bằng vàng. Nước trong ao đủ tám công đức, sinh ra hoa sen báu; các loại chim thú vui chơi nhảy nhót trong ao như: chim le, chim nhạn, ngỗng, chim hạt, chim uyên ương, đười ươi.

Trên bờ các hàng cây hương đàn màu trắng, màu đỏ và thilợi-sa… trên cây có chim oanh vũ, chim xá-lợi từng đàn cất tiếng ca bay lượn vui đùa. Trong cung vua, có bảy mươi ngàn người nữ, tướng mạo xinh đẹp đoan trang phục vụ những việc quan trọng. Họ đều phát tâm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng giác. Vua có một ngàn người con trai cao lớn, tráng kiện, đủ khả năng đánh bại kẻ thù; mỗi người đều đầy đủ hai mươi tám tướng tốt đẹp của bậc Đại trượng phu, thân thể trang nghiêm và đã phát tâm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng giác.

Bấy giờ, Công Đức Bảo Vương Như Lai cùng vô lượng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-cầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu la-già, Nhân phi nhân… lần lượt vào thành lớn Vô cấu trang nghiêm. Thánh vương Trị Thế cùng một ngàn người con và cung nhân cung kính đón rước Thế Tôn, bày các lễ vật bằng bảy báu xinh đẹp cúng dường. Bấy giờ Thế Tôn và các đại chúng nhận cúng dường xong liền trở về bản xứ. vua cùng một ngàn người con và cung nhân ra khỏi thành tiễn đưa rồi mới trở về cung.

Vua Trị Thế than rằng: “Thân người vô thường, quyền quý cao sang như giấc chiêm bao, được các căn đầy đủ, niềm tin chân chánh cực khó; gặp được Phật nghe pháp như thấy được hoa Ưu-đàm.”

Một ngàn người con, biết phụ vương ngưỡng mộ Thế Tôn và ưa nghe chánh pháp, nên dùng gỗ Chiên-đàn làm đài giống như núi Ngưu đầu trang sức bằng bảy báu, mùi hương khắp Diêm-phù-đề. Đài rộng từ Đông sang Tây mười do-tuần, từ Nam sang Bắc mười ba do-tuần. Bốn trụ lớn trang trí bằng châu báu và có một ngàn bánh xe báu. Các người con đem đến dâng lên Thánh vương. Vua nhận rồi khen rằng: “Hay thay các con, phụ vương muốn đến chỗ Phật nghe giảng chánh pháp.” Bấy giờ, một ngàn người con cùng tạo ra một tòa Sư tử ở trong đài.

Thánh vương và các cung nhân ngồi vào tòa Sư tử ấy. Bốn bên đài treo cờ, phướn, lọng, giăng lưới bằng bảy báu, mỗi góc đều treo chuông vàng, đem các loại hoa rải lên đài: Như hoa Chiêm-bặc-già, hoa Tu-ma-na, hoa Ưu-bát-la, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Ca-ma-la. Rồi đốt hương quý giá, hương thoa và rải hương bột. Một ngàn người con, mỗi người nắm một bánh xe bay lên hư không đến chỗ Phật, giống như vua loài ngỗng, rồi từ từ hạ xuống một cách an lành vừa chạm đất, ngàn người này liền đến trước Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải Thế Tôn và đại chúng bảy vòng rồi lui ra đứng một bên. Lúc này Thánh vương cùng các cung nhân từ đài báu xuống, vua cất mũ báu, cởi giày đến trước Thế Tôn đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải Thế Tôn và đại chúng bảy vòng rồi lui ra ngồi một bên.

Bấy giờ, Phật Bảo Trang Nghiêm Vương mới hỏi:

–Nay Thánh vương đến nghe chánh pháp ư?

Thánh vương Trị Thế từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cúi đầu đảnh lễ sát chân, bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Chánh pháp mà Ngài nói đó là gì?

Thế Tôn khen vua Trị Thế rằng:

–Hay thay, hay thay! Vì lợi ích vô lượng cõi trời, người mà đại vương hỏi pháp sâu xa này. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sẽ vì đại vương mà phân biệt giảng nói.

Thánh vương Trị Thế bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, con xin muốn nghe!

Phật bảo Thánh vương Trị Thế:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thông đạt tất cả pháp gọi là chánh pháp; chánh pháp ấy là: Bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Chánh đạo, Không, Vô tướng, Vô nguyện… đều thông đạt bình đẳng.

Thánh vương Trị Thế bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trong pháp Đại thừa, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào mà được thắng tấn không thoái đọa?

Phật dạy:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nhờ vào chánh tín nên được thắng tấn.

Thế nào là chánh tín? Nghĩa là: Bồ-tát biết tự tánh của tất cả pháp là không sinh, không diệt, vắng lặng, thường hay gần gũi với người có hạnh ngay thẳng, không ưa tạo ra các pháp hoàn toàn không tạo tác, tâm thường thanh tịnh; nghe thọ chánh pháp nhưng không thấy người nói pháp và mình nghe pháp; siêng năng, tinh tấn, tu tập, nên được thần thông, thân tâm nhẹ nhàng, giáo hóa chúng sinh, song cũng không thấy mình có thần thông giáo hóa và không thấy có chúng sinh để giáo hóa. Vì sao?

Này đại vương! Vì bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là không thấy mình và chúng sinh, cả hai đều bình đẳng nên được thắng tấn, không thoái đọa.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thường giữ gìn các căn không cho đắm nhiễm. Tưởng nghĩ tất cả của cải và thân mạng đều là vô thường, giả tạm, vì biết các pháp thường vắng lặng.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ở trong pháp Đại thừa tâm không buông lung.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dù trong chiêm bao cũng không quên mất tâm Bồ-đề, mà còn giáo hóa chúng sinh, phát tâm tu Phật đạo. Đại Bồ-tát đem tất cả căn lành mà hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, thấy thần lực của Phật mà vui mừng khen ngợi.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy nên mau thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì thế, Đại vương cần phải siêng năng, tinh tấn chớ buông lung. Đại Bồ-tát muốn thỉnh cầu giáo pháp thì chớ nên đắm nhiễm năm dục.

Này đại vương! Tất cả phàm phu đối với năm dục, ham muốn không biết nhàm chán. Còn người được Thánh trí thì hay xa lìa, vì họ biết thân người là vô thường, mạng sống ngắn ngủi. Vì thế, Đại vương nên xa lìa thế gian mà cầu đạo xuất thế. Nay đại vương cúng dường Như Lai là đã được căn lành nên đem hồi hướng, sẽ được bốn món vô tận:

  1. Được tự tại vô tận.
  2. Pháp vô tận.
  3. Trí tuệ vô tận.
  4. Biện tài vô tận.

Bốn thứ hồi hướng này cùng với Bát-nhã ba-la-mật đều là vô tận.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cần phải ngăn ngừa thân, khẩu, ý cho thanh tịnh. Vì sao? Vì sẽ được ba món văn, tư, tu. Dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh, dùng năng lực trí tuệ để đánh bại các ma. Khi nguyện lực thành tựu thì việc làm và lời nói hợp nhau.

Khi nghe Phật nói nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật; Chuyển luân thánh vương Trị Thế sinh tâm vui mừng chưa từng có, liền đem mũ báu và sâu anh lạc cúng dường Như Lai, nguyện bỏ ngôi vị vâng theo lời Phật, và lập lời nguyện: “Thường tu phạm hạnh, học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này và tâm quyết định hướng đến Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Trong lúc nghe Phật nói pháp, vương cung thể nữ đều vui mừng, phát tâm Bồ-đề, đem y phục quý giá và bảo châu, anh lạc cúng dường Như Lai. Thánh vương Trị Thế đem đài báu dâng cúng Phật, xin cầu xuất gia.

Công Đức Trang Nghiêm Vương Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Này đại vương! Việc làm ngày nay của đại vương không trái với nguyện xưa. Đại vương khéo tu Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Vì quá khứ chư Phật đã tu pháp này mà thành Phật đạo. Vị lai chư Phật cũng tu pháp này để được thành Phật.

Thánh vương Trị Thế bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Việc tu bố thí của Đại Bồ-tát có khác với Bátnhã ba-la-mật không?

Phật dạy:

–Này đại vương! Luận về bố thí; nếu không có Bát-nhã ba-lamật thì chỉ là bố thí chứ không phải là Ba-la-mật. Phải có Bát-nhã ba-la-mật thì mới gọi là Bố thí ba-la-mật. Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ cũng lại như vậy. Vì sao? Vì tánh của Bátnhã ba-la-mật bình đẳng, cho nên công đức trang nghiêm.

Khi Phật nói pháp này, Thánh vương Trị Thế đắc Vô sinh pháp nhẫn.

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên như Chuyển luân thánh vương Trị Thế. Chuyển luân thánh vương Trị Thế nay chính là Phật Nhiên Đăng, còn một ngàn vương tử, nay chính là một ngàn vị Phật đời Hiền kiếp.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tu học như thế nào để mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác?

Phật dạy:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, phải tu tập đại Từ, không khởi tâm buồn bực chúng sinh, siêng năng thực hành đầy đủ các Ba-la-mật và dùng bốn Nhiếp pháp, bốn Vô lượng tâm để hỗ trợ Bồ-tát tu học pháp thần thông và thông đạt phương tiện thiện xảo, tu tập đầy đủ các thiện pháp. Tu hành như vậy mới mau thành Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này đại vương! Đạo giác ngộ là: Tâm tin chân chánh, tâm thanh tịnh, tâm lìa sự dối trá, hạnh tâm bình đẳng, tâm bố thí không sợ hãi làm cho tất cả chúng sinh gần gũi, siêng năng tu hạnh bố thí, thì quả báo không cùng tận. Cố gắng giữ giới thanh tịnh thì không chướng ngại. Tu hạnh nhẫn nhục để xa lìa các điều bực tức. Nếu siêng năng tinh tấn thì việc tu hành trở nên dễ dàng. Do có thiền định nên không khởi tâm tán loạn. Nhờ đầy đủ trí tuệ nên khéo thông đạt các pháp. Hoàn toàn không thoái chuyển là nhờ có đại Bi. Có đại Hỷ nên thường làm tâm người khác vui. Tu hạnh đại Xả nên không khởi phân biệt. Không tham, sân, si nên xa lìa thù oán. Không nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc nên diệt được các hý luận. Không phiền não nên xa lìa được thù oán. Xả ý niệm của Nhị thừa để tâm được rộng lớn; đủ Nhất thiết trí nên sinh các báu.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật,

phải học như vậy, mới mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hiện ra những hình tướng gì để giáo hóa chúng sinh?

Phật dạy:

–Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thị hiện sắc hình nhưng không có tướng nhất định; tùy tâm ưa thích của chúng sinh mà thấy sắc tướng Bồ-tát như vậy. Hoặc hiện màu vàng, hoặc hiện màu bạc, hoặc màu pha lê, hoặc màu lưu ly, hoặc màu mã não, hoặc màu xa cừ, hoặc màu trân châu, hoặc màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc màu mặt trời, mặt trăng, màu lửa, màu sóng nắng, màu Đế Thích, màu Phạm vương, màu hạt sương, màu vàng nhạt, màu son, màu chiêm-bặc-già, màu tu-ma-na, màu bà-lợi-sư-ca, màu ba-đầu-ma, màu câu-vật-đầu, màu phân-đà-lợi, màu công đức thiên, màu con ngỗng, màu khổng tước, màu san hô, màu ngọc như ý, màu hư không, hoặc trời thấy là trời, người thấy là người.

Này đại vương! Tất cả các sắc tướng, hình tượng ở hằng hà sa thế giới trong mười phương đều thâu nhiếp tất cả, không bỏ một chúng sinh nào. Vì tâm của chúng sinh không đồng, cho nên Bồ-tát phải thị hiện ra tất cả. Vì sao? Vì trong quá khứ, Đại Bồ-tát đã có nguyện lực lớn là tùy tâm chúng sinh nếu thấy ưa thích chịu giáo hóa thì Bồ-tát vì họ mà thị hiện.

Này đại vương! Như gương sáng, vốn không hình tướng; ngoại sắc dù đẹp dù xấu thảy đều hiện vào trong gương, nó chẳng phân biệt. Thể thanh tịnh sáng suốt của ta hay hiện ra sắc tướng của chúng sinh.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy. Tâm không dụng công, tùy chúng sinh ưa thích mà thị hiện ra tất cả, để cho họ vui, nhưng cũng không phân biệt là mình có hiện thân.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ở trong một tòa, tùy theo đối tượng nghe hoặc thấy Bồ-tát nói pháp, hoặc thấy Phật nói pháp, hoặc thấy Bích-chi-phật nói pháp, hoặc thấy Thanh văn nói pháp, hoặc thấy Đế Thích, hoặc thấy Phạm vương, hoặc thấy Ma-hê-thủ-la, hoặc thấy Vi-nữu Thiên, hoặc thấy Tứ Thiên vương, hoặc thấy Chuyển luân thánh vương, hoặc thấy Samôn, Bà-la-môn, Sát-lợi, hoặc thấy Tỳ-xá-thủ-đà, hoặc thấy Cư sĩ, Trưởng giả, hoặc thấy ngồi trong đài báu, hoặc thấy ngồi trên hoa sen, hoặc thấy đi trên đất, hoặc thấy bay trong hư không, hoặc thấy nói pháp, hoặc nhận chánh định.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là vì độ thoát chúng sinh, nên không một hình tướng oai nghi nào mà chẳng hiện.

Này đại vương! Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng cũng như hư không trùm khắp tất cả. Ví như hư không, không có hý luận, Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, vượt qua các ngôn ngữ lời nói; như hư không là chỗ thọ dụng của thế gian, Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, đó là chỗ thọ dụng của tất cả phàm Thánh; như hư không, không có phân biệt thì Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, cũng không có tâm phân biệt; như hư không dung thọ các sắc thì Bát-nhã ba-la-mật cũng dung thọ tất cả Phật pháp; ví như hư không hiện ra các sắc, Bát-nhã ba-lamật cũng hiện ra tất cả Phật pháp; ví như tất cả cỏ cây, thảo dược, hoa quả nương vào hư không để tăng trưởng, Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, tất cả thiện căn nương vào đấy mà tăng trưởng; ví như hư không là pháp phi thường, chẳng phải vô thường đều lìa ngôn ngữ, Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, chẳng phải thường, vô thường, đều lìa ngôn ngữ, lời nói.

Này đại vương! Thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Đế Thích, hoặc Phạm vương thì không ai có thể nghĩ lường được hết về Bátnhã ba-la-mật.

Này đại vương! Bát-nhã ba-la-mật không có một pháp nào có thể lấy làm ví dụ được. Nếu thiện nam hay thiện nữ nào tin thọ Bát-nhã ba-la-mật, thì công đức rộng lớn không thể nghĩ lường. Nếu công đức này có hình sắc thì cõi hư không, không thể dung chứa hết. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật sinh ra tất cả thiện pháp thế gian và xuất thế gian, hoặc là người, trời, hoặc vua cõi trời, cõi người, hoặc Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả cho đến A-la-hán hướng, A-la-hán quả, Bích-chi-phật, mười Địa của Bồ-tát, mười Bala-mật, chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, Nhất thiết chủng trí, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Khi Phật nói pháp môn này, trong chúng hội có năm vạn Đại Bồ-tát đạt được quả vị không thoái chuyển; một vạn năm ngàn Thiên tử đạt được Vô sinh pháp nhẫn; một vạn hai ngàn trời, người được Pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu; hằng hà sa chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Những âm nhạc cõi trời tự nhiên kêu vang, chư Thiên rải hoa cúng dường Như Lai và Bát-nhã ba-la-mật. Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu la-già, Nhân phi nhân… đều rải hoa và các báu vật cúng dường Thế Tôn cùng Bát-nhã ba-la-mật, cùng lúc đồng thanh khen rằng:

–Lành thay, lành thay! Thế Tôn, Ngài đã hoan hỷ nói Bát-nhã ba-la-mật!