SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 4: XƯNG TÁN CÔNG ĐỨC
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đế Thích:
–Này Kiều-thi-ca! Có hai phần: Một là xá-lợi của Như Lai có khắp cõi Diêm-phù-đề; phần còn lại là kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong hai phần trên, ông sẽ chọn phần nào?
Đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Có hai phần là xá-lợi của Như Lai khắp cõi Diêm-phù-đề cùng với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với hai phần trên con sẽ chọn kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Hóa tướng thân, Thật nghĩa thân, Thuyết pháp thân, các thân như vậy của các Đức Như Lai, đều từ Pháp thân mà có, từ chân như thật tế mà hiện ra. Chân như thật tế chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa, các thân của chư Phật Thế Tôn đều sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do vậy, nên lễ lạy cúng dường xá-lợi của Như Lai, tuy cúng dường xá-lợi của Như Lai nhưng không bằng tôn trọng cung kính cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì sao? Vì thân của Như Lai từ Bát-nhã ba-la-mậtđa mà sinh ra.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như lúc con ngồi trong Thiện pháp đường ở cõi trời Tam thập tam, nói pháp chính yếu cho các Thiên tử, gặp lúc con có việc phải rời pháp tòa, lúc ấy có các Thiên tử đến tuy không thấy con, nhưng họ đều hướng đến pháp tòa cung kính lễ lạy, đi nhiễu quanh rồi trở về. Các vị ấy suy nghĩ: “Thiên chủ Đế Thích thường ngồi tòa này, thuyết giảng pháp chính yếu cho chư Thiên, do vậy, nay chúng ta nên lễ lạy pháp tòa này.”
Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Nhất thiết trí của Như Lai, nương thân của Như Lai, thân này có được cũng do Nhất thiết trí. Do nhân duyên này, nên từ nơi như thật trí sinh ra trí Nhất thiết trí của Như Lai, trí này cũng sinh từ Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bạch Đức Thế Tôn! Do đây, đối với hai phần trên con chọn phần Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với xá-lợi của Phật, không phải con không có lòng cung kính, nhưng vì xá-lợi của Như Lai từ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa mà có, nên con chọn phần Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đó cũng chính là cúng dường xá-lợi của Như Lai.
Bạch Đức Thế Tôn! Để việc xá-lợi của Như Lai khắp cõi Diêm-phù-đề lại, nếu khắp bốn đại châu, khắp tiểu thiên thế giới, khắp trung thiên thế giới đều có xá-lợi của Như Lai, thì cũng để việc đó lại. Giả sử xá-lợi của Như Lai đầy khắp tam thiên thế giới là một phần và kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này là một phần.
Bạch Đức Thế Tôn! Đối với hai phần như vậy, con cũng chọn lấy phần Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bạch Đức Thế Tôn! Đối với xá-lợi của Phật, không phải là con không có lòng cung kính. Nhưng vì xá-lợi của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều sinh từ Bát-nhã ba-la-mật-đa, thân của Như Lai nương dựa vào Nhất thiết trí, mà Nhất thiết trí lại từ Bát-nhã bala-mật-đa sinh ra, cho nên đối với hai phần trên con chọn Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như ngọc ma-ni, đầy đủ màu sắc, có công đức lớn, hàng phi nhân ở các nơi muốn được ngọc đều không thể được. Tại chỗ ở của các phi nhân, có thiện nam, thiện nữ tay cầm ngọc ma-ni đi vào trong phòng thì hàng phi nhân lập tức rời khỏi phòng này. Lại nữa, khi mang ngọc này bên mình thì người ấy có khả năng diệt trừ các việc độc hại khổ não, nếu có tai họa như gió, trúng độc, các bệnh thì nên dùng ngọc này đeo bên mình thì các loại bệnh khổ đều tiêu trừ. Ngọc ma-ni này khi ở trong tối thì phát ra ánh sáng, khi gặp nơi lửa dữ thiêu đốt thì làm cho mát mẻ, hoặc lúc gặp chỗ giá lạnh thì làm cho ấm áp. Hoặc gặp chỗ có nhiều trùng rất độc, gặp nơi có ngọc ma-ni thì chúng sẽ bỏ đi không thể làm hại. Lại có người bị các thứ độc làm tổn hại, khi gặp ngọc ma-ni thì các độc này liền bị tiêu diệt. Lại có người bị các chứng bệnh nên mắt không thể nhìn thấy cảnh vật, đem ngọc này để cạnh mắt thì mắt người này liền thấy được rõ ràng, xa lìa các khổ não. Lại nữa, đem ngọc này để vào trong nước thì nước và ngọc đồng một màu, đem ngọc này để vào trong nước có các màu sắc, xanh, đỏ, vàng, trắng, thì ngọc này sẽ chuyển thành màu giống màu của nước, tùy theo từng màu sắc mà nó đồng một màu, đem ngọc này để vào trong nước dơ thì nước liền trong sạch.
Bạch Đức Thế Tôn! Ngọc ma-ni kia có đầy đủ màu sắc và có công đức như vậy.
Khi ấy, Tôn giả A-nan nói với Đế Thích:
–Như ngài đã nói, ngọc ma-ni này có đầy đủ công đức, ở cõi trời và ở nhân gian có loại ngọc báu này không?
Đế Thích thưa Tôn giả A-nan:
–Ngọc báu này ở cõi trời, cõi người đều có, nhưng ở thế gian ít được tôn trọng, tôn quý, còn ngọc ma-ni này ở cõi trời được chư Thiên, người đều tôn quý, vì ngọc có đầy đủ màu sắc, công đức thù thắng. Ngọc báu ở cõi Diêm-phù-đề so sánh với ngọc ở cõi trời thì không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ức, một phần ngàn ức, một phần trăm ngàn ức, toán số thí dụ thì đến một phần nhỏ nhiệm cũng không thể sánh. Tất cả tướng ngọc ma-ni ở cõi trời này đều viên mãn, ngọc đó bao gồm tất cả diệu bảo. Do công đức của ngọc như vậy nên người mang ngọc này đi thì được mọi người tôn kính. Vì sao? Vì bảo châu này là vật kỳ diệu.
Khi ấy, Đế Thích lại bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác có Nhất thiết trí đầy đủ công đức nên sau khi nhập Niết-bàn, xá-lợi cũng được lễ lạy cúng dường. Vì sao? Vì Nhất thiết trí nương vào thân Như Lai, do đây nên xá-lợi của Như Lai giống như bảo khí kia, còn trí Nhất thiết trí như là báu vật. Do nghĩa này nên xá-lợi của Như Lai được lễ lạy cúng dường.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi Phật giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mậtđa cho tất cả thế giới thì ta nên phát tâm chân thật cúng dường, hoặc khi Pháp sư thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa cho người khác nghe thì ta cũng phát tâm chân thật cúng dường.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như đại thần phụng mệnh nhà vua đi đến chỗ đông người, nhưng không sinh tâm lo sợ, vì nương vào uy đức của nhà vua. Pháp sư khi thuyết pháp cũng như vậy. Ở trong chúng hội, vị ấy nói pháp không có lo sợ, vì nương vào công đức lớn của chánh pháp. Do vậy, nên Pháp sư được cung kính cúng dường. Pháp sư được cúng dường nên xá-lợi của Như Lai cũng được cúng dường.
Bạch Đức Thế Tôn! Như trước đã nói, xá-lợi của Như Lai khắp tam thiên đại thiên thế giới. Giả sử xá-lợi của Như Lai khắp tam thiên đại thiên thế giới là một phần, kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng một phần thì bạch Đức Thế Tôn, đối với hai phần ở trên thì con chọn Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bạch Đức Thế Tôn! Đối với xá-lợi của Như Lai chẳng phải con không tôn trọng. Chỉ vì xá-lợi của Như Lai cũng từ Bát-nhã ba-lamật-đa mà có, nương dựa vào Nhất thiết trí, do vậy, con tôn trọng cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa.
–Bạch Đức Thế Tôn! Cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng giống như cúng dường chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai.
Lại nữa, bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào muốn thấy thân chân thật của Như Lai lúc thuyết pháp ở mười phương vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thì nên tu hành đúng theo Bát-nhã ba-la-mậtđa, an trụ khéo tương ưng, quán tướng như thật.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Đế Thích:
–Đúng như vậy, này Kiều-thi-ca! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác trong quá khứ, do nhân duyên tu tập Bát-nhã bala-mật-đa mà được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.
Ở đời vị lai, có vô lượng, vô số Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều do nhân duyên tu tập trí tuệ này được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.
Này Kiều-thi-ca! Hiện tại, ta cũng tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đắc quả Vô thượng Bồ-đề.
Đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mậtđa, do tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác biết đúng như thật các tâm hạnh của tất cả chúng sinh.
Phật bảo:
–Đúng như vậy. Này Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát tu tập pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa lâu dài nên biết rõ các tâm hạnh của tất cả chúng sinh.
Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa hay còn thực hành các Ba-la-mật-đa khác nữa?
Phật bảo:
–Này Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát thực hành đủ cả sáu pháp Ba-la-mật-đa.
–Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật-đa so với các pháp Ba-la-mật-đa khác thì nó đứng đầu. Do vậy, Bố thí ba-la-mật-đa thường xả bỏ, Trì giới ba-la-mật-đa thường thọ nhận, Nhẫn nhục ba-la-mật-đa thường chấp nhận, Tinh tấn ba-lamật-đa luôn tăng trưởng, Thiền định ba-la-mật-đa mãi tịch tĩnh, Bátnhã ba-la-mật-đa có khả năng hiểu biết các pháp nên có khả năng mở lối, dẫn dắt các pháp Ba-la-mật-đa và dùng phương tiện thiện xảo để thu nhận. Do có Bát-nhã ba-la-mật-đa nên có hồi hướng đến Nhất thiết trí, có hồi hướng đến pháp giới thanh tịnh thù thắng.
Này Kiều-thi-ca! Ví như ở trong cõi Diêm-phù-đề có nhiều loại cây, có nhiều hình dáng và màu sắc, các loại thân rễ, các loại cành lá, các thứ hoa quả, tuy có sự sai biệt như vậy nhưng bóng râm của cây thì giống nhau không có sai biệt.
Này Kiều-thi-ca! Các Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, tuy có sai biệt nhưng phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa đều hồi hướng đến Nhất thiết trí kia.
Đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay! Bát-nhã ba-la-mật-đa có đầy đủ công đức lớn, Bát-nhã ba-la-mật-đa có đầy đủ vô lượng, vô biên công đức.