SỐ 261
KINH ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Bát-nhã, người nước Kế Tân.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 3: PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ

Bấy giờ Thế Tôn rống tiếng sư tử làm sáng rõ môn Đà-la-ni bí mật rồi thì có Đại Bồ-tát Từ Thị đứng dậy trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay, nhất tâm thưa Phật:

–Lành thay, lành thay! Đại Thánh Thế Tôn đã đem lòng đại Bi khen ngợi vị Pháp sư giữ gìn bí mật Cam lồ Đà-la-ni thắng pháp như vậy. Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng sinh mà nói pháp Vô thượng Bồ-đề. Các hữu tình nào chưa phát tâm, phải phát tâm thế nào? Người phát tâm rồi, phải tu hành thế nào? Và làm thế nào để tâm Đại thừa không thoái lui?

Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị rằng:

–Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn vì hữu tình mà tu hạnh Đại thừa, muốn độ hữu tình đạt đại Niết-bàn thì trước tiên phải phát năm loại thắng tâm:

  1. Phát tâm đại Từ bi bình đẳng rộng khắp đối với các loài hữu tình.
  2. Với Nhất thiết trí, tâm không thoái chuyển.
  3. Đối với các hữu tình phải coi là thân thuộc, nguyện cứu độ họ ra khỏi đường hiểm nạn.
  4. Thường phải nghĩ rằng mình mắc nợ hữu tình.
  5. Luôn luôn ôm lòng xấu hổ vì không biết lúc nào trả hết.

Ai phát năm loại tâm như vậy thì mau chứng Vô thượng Bồ-đề.

Này Bồ-tát Từ Thị! Trong Đại thừa, làm thế nào để nhất tâm tu hành chứng quả vị không thoái chuyển? Ví như thuở xưa có một thương nhân trí tuệ thông minh, hiếu hạnh. Thấy cha mẹ, dòng họ nghèo khổ, ông ta đau buồn, thân tâm ray rứt và nghĩ làm cách nào để cứu giúp họ. Ông nghĩ: “Hay là ta vào biển tìm châu như ý để giúp đỡ cha mẹ không còn phải nghèo khổ nữa.” Vì nhân duyên đó, ông ta nuôi chí dũng mãnh, không tiếc thân mạng mà ra đi. Ông tìm đủ mọi cách để kiếm lương thực, bạn bè tốt, thuyền và người chèo. Đi giữa đường ông ta gặp một người từ biển trở về và hỏi ông rằng: “Ông muốn đi đâu mà vội vàng như vậy?”

Thương nhân trả lời đầy đủ như trên là vì muốn cứu thoát sự nghèo khổ mà vào biển tìm châu như ý để giúp đỡ nhau.

Người kia nói: “Trước đây tôi vì muốn cứu dòng họ hết khổ nghèo đói cũng bỏ nhà ra đi như ông vậy, băng qua đồng hoang, vượt qua sa mạc không có cây cỏ nước non, có nhiều voi, hổ, sói, sài lang, rắn độc, sư tử, hoặc gặp giặc cướp, núi cao, sông rộng, đói khát, lạnh nóng, sợ hãi kinh hoàng. Tôi cùng người lái thuyền vừa đến biển lớn thì gặp gió dữ, cá lớn, rồng ác, sấm chớp, mưa đá, sóng lớn cuốn tròn… gặp nhiều nguy hiểm không thể nói hết. Đã bị các khổ như vậy mà còn không lấy được bảo châu như ý để tự nuôi thân, nói gì đến cứu người thân thoát sự nghèo khổ. Nay tôi khuyên ông đừng cố gian khổ mà uổng công lao nhọc. Tôi muốn cùng ông làm nghề khác. Vì sao? Vì trong biển có nhiều gian khổ, nào gió dữ, núi ác, Dạ-xoa, La-sát, rồng… những gian nguy ấy rất nhiều, chẳng phải một. Chỉ từng nghe tên châu như ý mà trước đây ngàn vạn người đi, được nó không đến một hai người. Do vậy, tôi khuyên ông hãy mau quay về.”

Nghe nói vậy, người buôn càng phát tâm mạnh mẽ, quyết chí vào biển không thoái lui, vì có ba nguyên nhân:

  1. Vì cha mẹ anh em dòng họ nghèo khổ, nếu về tay không thì không cứu giúp nhau được.
  2. Vì khi xưa cha mẹ dòng họ của ta rất giàu có, họ đã cho ta cơm ăn áo mặc và thương mến ta. Nay nghèo khổ không ai giúp đỡ, làm sao có thể buông thả mà quay trở về.
  3. Khi ta còn ở nhà cai quản gia đình, sai sử đánh đập, quở trách tôi tớ lớn nhỏ. Họ nghèo khổ như thế nào ta cũng không biết cứu giúp. Nay vì giúp họ được vui vẻ sao ta lại muốn quay về.

Do nghĩ đến ân đức ấy mà người buôn rất dũng mãnh, quyết định tiến tới, chỉ cốt yếu là được vào biển để tìm châu như ý, được rồi đem về nhà cứu giúp thân thuộc, sử dụng tùy ý, vĩnh viễn không còn gian khổ nữa.

Đại Bồ-tát cũng như vậy, phát tâm Bồ-đề quán tất cả bốn loài, sáu thú trong mười phương đều là cha mẹ kiếp trước của ta. Vì thương xót ta mà họ đã tạo ra bao nghiệp ác, phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chịu các khổ não. Do đó mà tự suy nghĩ: “Làm cách nào để cứu khổ nạn ấy.” Nghĩ như vậy rồi, thì chỉ có cách vào trong biển đại pháp sáu Ba-la-mật tìm châu như ý Phật chủng trí để cứu vớt khổ sinh tử của hữu tình. Nghĩ như vậy rồi, phát tâm dũng mãnh không thoái lui, tinh tấn siêng năng tìm cầu không giải đãi, tìm mọi cách để kiếm tư lương, bạn lành Bồ-đề, pháp và Pháp sư. Đi giữa đường gặp ma vương thống lãnh quyến thuộc hoặc hiện thân trời, hoặc hiện thân người, Bà-la-môn hoặc chủ buôn, hoặc Bí-sô, Bí-sô-ni và nhiều loại thân khác. Ma quân hỏi Bồ-tát:

–Ông đi đâu mà vội vàng vậy?

Bồ-tát trả lời:

–Vì tất cả chúng sinh khổ não nên tôi muốn vào biển lớn sáu Độ tìm châu như ý Phật chủng trí để cứu tất cả chúng sinh nghèo khổ.

Ma vương lại nói:

–Khi tôi mới phát tâm cũng vậy, vì muốn độ tất cả chúng sinh khổ não ra khỏi nhà sinh tử, vượt qua bao biến đổi, đồng hoang, sa mạc, chịu đủ đói khát, giặc cướp, hoảng sợ, nguy nan và rất nhiều khổ nạn như vậy, chẳng phải một. Vừa mới đến biển Đại pháp sáu Độ thì gặp người xin đầu, xin mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tay chân từng khúc, tim, phổi, ruột, bao tử, tỳ, mật; quốc thành, vợ con, nô tỳ, đầy tớ… Họ xin thứ gì, ta cho thứ đó, không thương tiếc, chỉ cần cầu châu bảo trí tuệ. Trải qua vô lượng kiếp, cứ ở mãi trong biển khổ luân hồi sinh tử. Tuy chịu bao nhiêu khổ nạn ấy mà còn không được Vô thượng Bồ-đề, đành phải quay về cầu quả A-la-hán, vượt ra ba cõi, đạt Niết-bàn tịch tĩnh. Nay tôi khuyên ông đừng cố công khổ nhọc, nên tự mình tu trì, tôi muốn ông ngang hàng cùng quả với tôi. Vì tôi nghĩ: ba cõi luôn bị đói khổ, tâm nghĩ đến việc ăn nuốt, ngửa mặt hướng lên hư không, cái gì vào miệng cho ta no nê? Đủ những loại khổ nạn hành hạ thân tâm như vậy. Mạng người vô thường, nhanh hơn thác chảy, Thiện tri thức rất khó gặp. Nếu ông không tin, sau này hối hận sao kịp, để rồi về sau bị luân hồi trong biển sinh tử. Tâm vô thường giống như trăng trong nước, đâu có thật. Bạn ác dễ thấy, dễ gặp, họ luôn thích khuyên người hành Bồ-tát đạo, xả bỏ tài sản, thân mạng, mong hướng đến Bồ-đề, huống gì chư Phật ra đời chỉ có một. Người cầu thì ngàn vạn, nhưng được thì không có một hoặc hai người. Do đó tôi khuyên ông không cần phải gian khổ nữa, nên cầu giải thoát cho chính mình để chứng Niết-bàn. Lại phải trải qua ba vô số kiếp chịu các khổ sở mới có thể chứng được Phật quả Bồ-đề. Đời này là đời chót, chứng A-la-hán, đạt đến hàng vô học rồi thì phải khổ làm gì! Người ngu vô trí mong cầu quả Phật mà phải trải qua vô lượng kiếp chịu đủ gian khổ còn chưa nghe chứng quả A-la-hán, huống gì có thể chứng Vô thượng Bồ-đề. Ví như có người bắt một con chim nhỏ, lại thấy có một chim chúa Ca-lỗ-ca, ông ta liền thả con chim đang nắm trong tay rồi đến bắt chim chúa Ca-lỗ-ca. Con lớn thì bay đi, con nhỏ thì lại mất. Người ngu cầu quả Phật cũng như vậy, bỏ cái này cầu cái khác thì cả hai đều mất. Biết vậy rồi, ông hãy nên sớm hồi tâm lại, ngay trong đời này chắc chắn chứng A-la-hán.

Nghe như vậy rồi, Bồ-tát càng dũng mãnh phát ba loại tâm:

  1. Tất cả chúng sinh từ vô thỉ bị sinh tử đến nay đều là cha mẹ của ta, hoặc là bạn bè hiện đang chịu khổ não chưa được thoát khỏi; như vậy sao ta lại thoái lui.
  2. Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã cho ta cơm ăn áo mặc, rất thương mến ta. Nay bị luân hồi khổ nạn chẳng phải một, vì sao chưa báo đáp ân họ mà ta lại có tâm thoái lui.
  3. Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay đều là quyến thuộc của ta, bị ta sai sử làm việc, quở trách. Ta chưa báo ân họ một phần nhỏ nào cả, cho nên ta không thể thoái lui.

Thế rồi, Bồ-tát càng dũng mãnh cầu chứng Bồ-đề. Nếu chứng báu Bồ-đề Nhất thiết trí thì sẽ cứu giúp chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ nạn. Đó gọi là Đại Bồ-tát ở trong Đại thừa nhất tâm tu hành chứng quả vị không thoái chuyển.

Từ Thị nên biết! Đại Bồ-tát ấy tu hành Đại thừa, phát năm loại tâm:

  1. Khởi tâm đại Bi với các hữu tình.
  2. Vì các hữu tình mà cầu Nhất thiết trí, tâm không thoái chuyển. Hai tâm này là pháp Đại thừa, phải tinh tấn tu hành.
  3. Tất cả hữu tình là cha mẹ, bạn bè của ta.
  4. Ta phải mang ân với tất cả hữu tình đó, nhưng ta chưa có mảy may nào để đền đáp.
  5. Tất cả hữu tình đều là quyến thuộc của ta, ta đã từng tạo nghiệp bất thiện với họ, nào quở trách, quở phạt vô lý, nên lòng rất xấu hổ không biết khi nào trả hết.

Ba tâm này làm cho các Bồ-tát dũng mãnh không thoái lui, cho đến lúc chứng Vô thượng Bồ-đề.