SỐ 261
KINH ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Bát-nhã, người nước Kế Tân.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 4: KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Bấy giờ Đại Bồ-tát Từ Thị lạy sát chân Phật, thưa:

–Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Thế Tôn đã nói về năm loại tâm của Bồ-tát tu hành Đại thừa chứng quả vị không thoái chuyển. Nhưng phát tâm đại Bi như thế nào và tu hành như thế nào, cúi xin Như Lai thương xót các hữu tình mà tuyên nói để làm lợi ích an lạc cho chúng sinh.

Thế Tôn dạy:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Điều ông hỏi rất hay. Ông hãy nghe cho kỹ, suy nghĩ thật kỹ. Ta sẽ phân biệt giải nói để trừ lưới nghi cho ông.

Năm loại phát tâm:

–Thứ nhất là đại Bi tâm: Phải giữ tâm này kiên cố không xả bỏ, nghĩ đến những chúng sinh trong đường ác địa ngục, lại nhớ nghĩ đến những nỗi khổ đó như trong kinh nói. Ông nên biết, nay ta nói lại kinh này cho ông. Đó là quán các hữu tình đều là những bậc cha mẹ, dòng họ, thân thuộc tôn trọng đời trước của ta, nay hiện đang ở trong địa ngục chịu các khổ, bị mười ba đống lửa vây quanh. Có hai ngọn lửa từ chân xuyên lên đảnh đầu rồi ra, lại có hai ngọn lửa từ đảnh đầu xuyên thẳng xuống chân rồi ra, có hai ngọn lửa từ sau lưng xuyên qua ngực, có hai ngọn lửa từ ngực xuyên qua lưng; bị hai ngọn lửa từ hông trái xuyên qua hông phải rồi ra, có hai ngọn lửa từ hông phải xuyên qua hông trái rồi ra, có ngọn lửa quấn đốt từ đầu đến chân. Thân chúng sinh trong địa ngục này mềm yếu giống như bơ chín. Những ngọn lửa đó kết hợp với nhau đốt cháy, lửa địa ngục thiêu đốt lửa nhân gian, giống như đốt pháo hoa không còn chút dư tàn. Có chúng sinh bị lửa đốt, chạy khắp nơi tìm người cứu vớt nhưng đâu có ai biết.

Lại có chúng sinh chạy trốn nhưng không có cách gì, phải chạy vào lửa. Có chúng sinh bỗng nhiên bị ném vào hầm phân sâu ô uế, trong hầm có trùng mỏ nhọn hoắc bằng sắt dài mười sáu ngón tay, rúc rỉa da xương, tủy não chúng sinh. Có chúng sinh ở trong tro nóng bị thiêu nấu. Có chúng sinh bị chìm nổi trong nước. Khi ấy, người giữ ngục dùng lưới sắt lớn lọc ra giống như vớt cá, rồi bỏ chúng sinh đó nằm ngồi trên đất sắt nóng để thiêu nướng. Kế đến, dùng kềm sắt kẹp rồi rút lưỡi ra, lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng, chúng bất tỉnh chết hồi lâu liền sống lại, muốn chạy trốn để mong được thoát khỏi nhưng không được. Sau đó có móc sắt tìm kéo lại. Có chim thiết điểu mỏ bằng sắt bay theo mổ làm cho xương thịt rách nát rồi mới ăn. Thấy vườn cây, chúng sinh này muốn leo lên để được thoát nhưng trên cây đó mọc gai sắt, mỗi gai sắt dài mười sáu ngón tay và cháy đỏ. Chúng sinh vừa leo lên bị mũi gai nhọn chỉa xuống đâm vào ngực, xuyên qua lưng, bị khổ vô lượng, muốn thoát cũng không được. Chim quạ bay đến mổ vào hai mắt rồi phá não để lấy tủy ăn. Dù muốn xuống nhưng mũi gai chĩa lên, làm cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thịt tay chân và mười đốt tay đều bị rơi rớt. Định leo lên cây để trốn nhưng không được, bị cai ngục thâu bắt bỏ trong đãy bằng sắt, dùng chày sắt nóng đập qua đập lại.

Lại có chúng sinh bị cai ngục dùng cưa xẻ tay chân đầu tóc, năm chỗ, làm cho rách nát. Lại có chúng sinh ở trong cối xay bằng sắt bị chày sắt giã từ đầu xuống. Lại có chúng sinh ở trong vạc nước sôi, bị chĩa ba bằng sắt trộn tới trộn lui, nấu cho nát nhừ, chỉ còn xương nhưng mạng vẫn còn sống. Lại có chúng sinh ở trong địa ngục dùng quặng mỏ để làm nhà cửa, lửa đốt cháy ngôi nhà đó dữ dội, nung chảy ra, nhỏ từng giọt, giống như đầu mũi tên.

Lại có địa ngục bốn bên bằng núi sắt, chúng sinh ở giữa bị hai núi ép nhau, có lúc ở giữa Nam, Bắc, có khi ở giữa Đông, Tây. Khi hai núi ép lại thì máu mủ chúng sinh trong đó chảy ra. Có địa ngục chúng sinh bị rắn sắt quấn khắp thân từ chân lên đến đầu rồi mổ đầu họ, nó quấn thật chặt, làm cho tủy não dồn lên đảnh đầu rồi hút ăn, chỉ còn da xương. Lại có chúng sinh ở trong địa ngục bị cai ngục dùng chĩa ba bằng sắt xúc thân người kia từ hai chân đến đỉnh đầu và vai. Lửa theo cái chĩa ba mà phát cháy đỏ rực, mắt tai mũi miệng cũng phát ra lửa. Lại có địa ngục bắt chúng sinh nằm trên đất sắt nóng hoặc nằm lăn lên, tiếp đến lấy dây sắt đen quấn trên thân rồi đánh.

Lại dùng búa rìu bửa ra giống như thợ mộc sửa các cây tươi. Lại có chúng sinh bị các cai ngục lột hết da từ đầu đến chân, lột rồi làm dây cương. Chúng sinh ngậm cái dàm bò lên đỉnh núi cao. Núi ấy nóng cháy, cai ngục xô đuổi họ leo lên rồi lấy roi quất, vạn cách khổ không thể nói. Những chúng sinh này từ vô thỉ đến nay đều là dòng họ nội ngoại cha mẹ của ta. Nay luân hồi trong địa ngục, trải qua vô số kiếp luôn chịu khổ não như đã nói. Khi nghiệp ác hết, tạm sinh lên trời. Nếu ở cõi trời mà tạo ra tội ác thì đọa trở lại trong địa ngục.

Đại Bồ-tát quán thấy chúng sinh bị các khổ này rồi khởi lòng đại Bi. Tiếp đến quán cõi ngạ quỷ cũng thấy thương tâm. Bồ-tát thấy chúng sinh ở trong ngạ quỷ một ngày đêm là một tháng ở cõi người, lấy ngày mà tính tháng thì mười hai ngày là một năm. Trong loài ngạ quỷ sống năm trăm năm bằng một vạn năm ngàn năm ở nhân gian, luôn bị đói khát, tai còn không nghe tên nước uống huống gì mắt thấy! Thân ngạ quỷ ấy giống như núi Thái, đầu như nhà lớn, cổ nhỏ như lỗ kim, đầu tóc rũ xuống che cả hai vai giống như dao sắt cắt thân thể, rồi biến thành lửa dữ thiêu rụi thân người đó như lửa đốt củi, đau đớn không thể nào chịu nổi. Lông hai nách dài phủ cả eo bụng. Lông chỗ kín phủ tới đầu gối. Việc bị dao cắt lửa đốt trải qua vô số năm tháng cũng chịu khổ như vậy. Hoặc từ xa thấy nước liền chạy đến, và khi đến gần thì bị té lộn nhào, vì lực của nghiệp ác mà nước biến thành máu mủ, phân dơ, hoặc làm cát nóng. Hai bên bờ có cai ngục cầm cung tên, dao, chày, búa, giáo, mâu đánh đập rất khổ sở. Bị lửa đói thiêu đốt nóng khát nên mất trí, liền chạy trở lại chỗ lửa dữ, bị thiêu đốt mà đâu có biết. Cai ngục đuổi theo đánh đập, chặt đâm, tay chân từng phần đều bị rơi gãy.

Lại có ngạ quỷ buổi sáng vừa sinh năm đứa con, trở lại ăn thịt chúng. Tối sinh năm đứa cũng ăn luôn vì đói khát chưa bao giờ được no. Hoặc gặp lúc trời mưa thì ngửa miệng lên hứng, do nghiệp nên khi được một giọt nước vào miệng, chảy xuống bụng thì biến thành lửa dữ, xuyên thẳng rồi ra ngoài. Hoặc gặp mùa hè trời nóng, lúc gió thổi các ngạ quỷ rơi vào sa mạc. Phía dưới bị cát nóng đốt, phía trên là mặt trời nướng, đói khát nóng bức, từ xa thấy bóng cây, muốn chạy đến để núp dưới bóng cây thì bóng cây tránh ngạ quỷ nên di chuyển chỗ khác. Vì sao vậy? Vì xưa lúc còn ở nhân gian, chúng sinh này thiết lập hội cúng tế, thấy người đi xin thì keo kiệt không cho, lại đánh đập chửi mắng một cách không căn cứ rồi đuổi đi. Do tạo nghiệp ấy mà nay bị quả báo như vậy.

Lại có ngạ quỷ vào đêm trăng, trời trong vắt không có mây che, ánh sáng tỏa khắp, nếu nó gặp ánh sáng này thì nóng bức giống như tháng mùa hè. Lại có ngạ quỷ vào mùa đông gặp gió lớn, do nghiệp lực nên thổi các ngạ quỷ vào trong núi băng giống như bụi bay, chịu lạnh buốt, bị khổ như vậy trải qua vô lượng kiếp, ở đó lúc qua đời, đọa trở lại địa ngục. Cứ qua qua lại lại như vậy, trải qua vô lượng năm tháng. Khi nghiệp ác hết, được làm người, sinh trong nhà nghèo khổ keo kiệt, không bố thí, phải đi xin để sống mà vẫn tham lam keo kiệt. Vì nghèo khổ nên tạo ra các tội của mười nghiệp bất thiện. Ở đó lúc qua đời, lại đọa vào trong địa ngục, chịu đủ các khổ. Khổ ở đó hết, lại sinh trong ngạ quỷ, qua lại như vậy trải qua vô số kiếp chịu khổ như thế. Những chúng sinh này ở trong quá khứ vô lượng, vô biên kiếp sinh tử đều là cha mẹ, lục thân quyến thuộc của ta, vì ta mà tạo ra những nghiệp ác. Nay ở trong ngạ quỷ mà chịu quả báo khổ đau này. Quán thấy khổ như thế, Đại Bồ-tát khởi tâm đại Bi.

Lại nữa, này Từ Thị! Loài ngạ quỷ đã như vậy, tiếp đến quán loài bàng sinh cũng vậy. Có những loài cầm thú, hươu, nai, chồn, cáo, thỏ, hổ, báo, chó sói cùng nhiều loài cầm thú khác; các loài chim bay, gà, vịt, ngỗng, dứu, nhạn, uyên ương… Có loài đi hoặc đậu trên cây, hoặc bay, hoặc bơi… Chúng luôn luôn sợ sức mạnh của người, ăn uống không bao giờ được an ổn, ngày đêm luôn sợ hãi. Lại có những loài bàng sinh ở dưới nước như: ba ba, rùa, cá, ốc, hến, ếch… luôn bị giăng lưới bắt trong nước sinh tử. Lại có loài bàng sinh như: rắn, rồng, thằn lằn, sâu bọ, chuột… sinh trong chỗ tối tăm và chết cũng trong chỗ tối tăm. Lại có loài bàng sinh như: rận, rệp, bọ chét… bám vào thân người để sống và lại chết trong thân người. Lại có loài bàng sinh sống nương vào thây chết, hoặc chỗ ẩm ướt dơ bẩn, hoặc nương vào cây cỏ, sinh ra chỗ nào thì chết nơi đó. Hoặc loài do biến hóa sinh thì trở lại biến hóa chết, đó là những loài giòi, sâu, trùng, bướm. Lại có loài bàng sinh luôn ăn máu mủ và những thứ dơ nhớp cho là vị ngọt, đó là các loài heo, chó, bọ hung, ruồi lằn… nghe mùi hôi thối thì cho đó là thơm ngon, bay chạy đến, sợ không được hưởng. Lại có loài bàng sinh không ăn cỏ tươi, chỉ ăn gai góc, không uống nước sạch chỉ uống nước dơ.

Lại có loài bàng sinh không chỉ sống ở trên cỏ mà luôn luôn ăn cỏ, đó là các loài voi, ngựa, trâu, bò, lạc đà… hoặc dùng câu sắt móc trong đầu để điều khiển nó, hoặc xỏ mũi, hoặc lấy dây cương buộc hàm nó lại, hoặc bao hoặc cột trên cổ của nó để chuyên chở. Chúng luôn bị roi quất, mắng la, phải đi nhanh chậm tùy chủ. Có khi bị gầy yếu, đứng lên rồi ngã xuống, đau đớn khổ sở vô hạn, không đủ sức như trước nữa. Tất cả đều do kiếp trước nay phải chịu những khổ báo như vậy. Hoặc ăn của tín thí mà không tinh tấn tu học, phải thường trả cho họ cái nợ tiền kiếp nên bị khổ não này. Chúng bị sai khiến, chịu các roi vọt mà trả vẫn chưa đủ. Hoặc bị giết đau đớn muôn phần, có muốn bày tỏ cũng không được. Sống thì thiếu nước cỏ, bệnh lại không thuốc thang, chết rồi bị lột da để làm thức ăn cho người. Sau khi chết đọa vào địa ngục. Vì sao vậy? Vì tâm ngu si không biết thiện ác, không nghĩ đến công sinh dưỡng khổ cực của cha mẹ, không biết nhân quả, không nghe Chánh pháp, không bố thí, trì giới, trồng các căn lành, chỉ nghĩ nhớ đến nước cỏ, ngoài ra không biết gì cả. Những loài bàng sinh này đều được con người nuôi dưỡng, ngoài những loài bàng sinh được nuôi dưỡng này còn có những loài bàng sinh khác như: sư tử, hổ, báo, chó sói và những loài bàng sinh sống dưới nước, trên đất đã nói ở trên, chúng tàn hại ăn nuốt lẫn nhau. Do nghiệp ấy mà phải đọa trong địa ngục chịu nhiều khổ sở trải qua vô lượng kiếp. Tội địa ngục hết, lại vào loài bàng sinh, cứ qua lại như vậy vô lượng kiếp. Những loài bàng sinh này về đời quá khứ đã trải qua vô lượng, vô biên kiếp sinh tử là cha mẹ, lục thân quyến thuộc của ta, vì ta mà tạo ra bao nhiêu nghiệp ác, bây giờ phải làm loài bàng sinh chịu quả báo khổ não này. Đại Bồ-tát quán khổ này rồi, mở lòng đại Bi rộng lớn.

Bàng sinh như vậy, tiếp đến quán cõi người. Có các chúng sinh tuy làm người nhưng bị nhiều nghèo khổ, đói khát, không có áo quần mặc, đi trong bùn, ngủ dưới mưa, gặt lúa trong sương, làm cỏ dưới trời nóng đốt, ngày đêm tần tảo, tay chân rả rời, đầu tóc rối bời, ốm gầy, lần đi từng bước, đi xin từng nhà nhưng không bao giờ được một bữa no, tối về ngủ bụng đói, muốn giúp đỡ người khác nhưng không có gì để giúp. Tuy có nói và làm nhưng người khác không tin theo. Tuy có vẻ đẹp đẽ mà trở lại bị khinh khi. Luôn hành nhẫn nhục để làm lợi ích cho mọi người nhưng bị chê trách là người nhu nhược, hoặc có văn tài mà người không ghi chép, đến thăm viếng họ hàng bị nghi ngờ là đến kiếm ăn. Hoặc quy y, tin Tam bảo thì bị chê bai nói là cầu danh; hoặc khen ngợi người liền bị nói là dua nịnh; hoặc sinh dòng thấp hèn không an vui, bị lệ thuộc người khác, sống chỉ có giữ mạng; hoặc chịu lạnh nóng, không biết ấm mát; gánh nước, hái củi, không từ một việc khổ nhọc nào nhưng lòng của chủ thì không thương xót, hơi bị sai trái hoặc chậm trễ gì liền bị đánh đập. Đó là quả báo tự làm tự chịu, chẳng phải trời hay người nào đem đến. Do phước mỏng mà chiêu lấy khổ não, khổ này hơn khổ của sự chết. Giống như cây khô, cành lá đều rụng trơ trọi, tất cả loài chim không về đậu, người phước mỏng cũng như vậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng kệ:

Không nói cho là ngu
Nói ra cho là khùng
Gần gũi nghi dua nịnh,
Tránh xa nói sợ hãi,
Nhẫn nhục cho yếu hèn,
Tín ngưỡng cho cầu danh,
Nghèo khổ trong nhân gian
Hơn cái khổ sự chết.

Này Từ Thị! Đói nghèo rất là khổ. Tuy thường thân gần, khen ngợi người khác nhưng vì không có phước nên tai họa liền theo ngay. Vì nghèo khổ nên luôn bị nhục mạ, do đó càng tạo thêm nghiệp ác, đọa vào địa ngục. Lại có người dòng họ giàu sang, có nhiều đầy tớ, voi ngựa, trâu dê, có dòng họ quyến thuộc luôn ở bên cạnh, hưởng thụ khoái lạc còn hơn cõi trời. Khi bị năm dục làm mê loạn thì tham sân nổi lên, rồi ngã mạn, khinh miệt mọi người.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Không nhiếp năm Căn, luôn phóng dật
Tai hại tham lam tợ oan gia
Tham đắm năm dục như người say
Giàu, nghèo đều bị khổ sinh tử.

Phật dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Tất cả chúng sinh không biết hiện tại và vị lai. Nghiệp mình đã tạo ra giống bóng theo hình. Các khổ đó do tham dục làm gốc, lại không tu tập cầu pháp lành, thiêu đốt hết những bạch pháp của kiếp trước, sau khi chết, đọa vào ba đường ác. Vì sao như vậy? Vì tham dục nên làm đoạn mất tánh mạng, ỷ mình có thế lực cướp đoạt của cải người khác, dùng mọi cách chiếm đoạt vợ người, buông lung theo tà hạnh, không kể thân sơ. Vì lòng ham muốn mà phải nói dối, lừa gạt, trau chuốt văn từ, la mắng khinh chê hữu tình bằng những lời hung ác, đòn xóc hai đầu, chuyên nói bỉ, thử làm ly gián đôi bên. Dòng họ thân thuộc không làm cho hòa kính, luôn tham lam, ganh ghét, ngã mạn, tự cao, bị lửa sân thiêu sạch các nghiệp lành. Ca ngợi ngoại đạo, chê bai Phật, Pháp, Tăng; cúng tế trời thần để cầu phước, không biết ân sâu nặng của Tam bảo đời trước đã vì mình mà trải qua vô số kiếp đến nay phải chịu nhiều khổ công. Nếu ai tu tập hạnh thù thắng để làm tư lương cho Bồ-đề, đầy đủ Nhất thiết trí thì gọi là Phật. Bồ-tát làm đèn sáng trong chỗ tối tăm sinh tử của chúng sinh, làm chỗ nương tựa, làm người cứu vớt, làm chiếc thuyền, phao nổi để cứu vớt các sinh linh, an trí cõi trời, người qua bờ kia Niết-bàn.

Còn chúng sinh thì theo tà kiến ngã mạn, cống cao, giống như người say rượu, bị năm dục quấn trói, không tu các pháp lành. Sau khi qua đời đọa vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, hoặc làm người nghèo khổ chịu các khổ não giống như thân tâm bị trúng mũi tên độc. Tất cả khổ não này đều do không tu tập pháp lành mà ra. Bồ-tát quán như vậy rồi mở lòng thương xót rộng lớn.

Bây giờ lại quán cõi trời. Ở cõi trời sống lâu, không có các khổ não, nhưng lúc gần chết hiện ra năm tướng suy:

  1. Hoa trên đầu héo tàn
  2. Áo trời dính bụi đất
  3. Mồ hôi dưới nách chảy ra
  4. Hai mắt luôn luôn chớp nháy
  5. Không thích ở chỗ đang ở.

Khi năm tướng này hiện ra thì Thiên nữ mới sinh đều tránh xa, coi họ như cỏ. Những Thiên nữ cũ rất thương yêu vị trời này nên luôn ở bên cạnh. Đến lúc sắp chết, rên rỉ, buồn khóc, mọi người chạy đến thăm hỏi. Khi ấy, trời nói rằng:

–Thiên nữ mới ấy, ta thương yêu không có tâm thiên lệch, sao họ xem thường ta như cỏ vậy, còn các nàng lại đau buồn thương ta. Vì nhân duyên đó mà ta yêu các Thiên nữ cũ, tức giận các Thiên nữ mới. Năm tướng đã hiện ra trước mắt thì chắc chắn biết rằng ta sắp chết, lìa bỏ cung trời với âm thanh du dương, sắc hương mỹ diệu, dục lạc vừa ý vui thích nên bị mê loạn, không còn nhớ nghĩ nữa, chẳng lẽ bỏ cung điện này thật ư? Nay mạng ta sắp hết, không được ở lâu trong cõi trời, thật là khổ não, giống như mũi tên bắn trúng vào tim. Ta không có chỗ nương dựa, cậy nhờ, không thân thuộc, không có người dẫn đường, không có chỗ quay về. Dù kêu la thảm thiết nhưng không có ai cứu vớt. Chư Thiên lo hưởng khoái lạc mà bỏ ta ư? Lại nghĩ: “Cung thành Thiện kiến sắp bị tiêu diệt, không bao giờ được yết kiến trời Đế Thích, vĩnh viễn không nhìn thấy được cung điện rực rỡ đó nữa. Ngày nào cũng cỡi voi báu Đế Thích vào vườn hoa, nay không bao giờ thấy nữa. Vĩnh viễn từ giã vườn thô ác, áo, giày, mũ trụ… không còn những ngày ngồi ăn uống hội hè trong vườn Tạp lâm. Không còn dịp nào dạo chơi trong vườn Hỷ lâm, dưới cây Ba-lợi-chất-đa và cây Kiếp-ba, không bao giờ còn được đeo bạch ngọc cẩm thạch; xa cách các sự bàn bạc trong nhà Thiện pháp. Không làm sao được tắm rửa trong ao thù thắng Mạn-đà-chỉ-ni. Khó được ăn bốn thứ cam lồ, không còn được nghe năm thứ âm nhạc hòa dịu. Than ôi! Đau khổ quá! Vô thường đến nhanh quá, khiến riêng thân ta chịu khổ như vầy. Cái chết trong từng sát-na sinh diệt ư? Mạng sống của chư Thiên thật như huyễn như mộng. Cởi áo quăng ra nơi đất đau xé thân tâm, giống như bị nọc rắn, rất là khổ não. Trông mong trời khác rủ lòng thương cứu mạng sống ta, để kéo dài thêm ít ngày không vui sao? Hãy trừ năm tướng suy cho ta, đừng để đọa vào các loài đầu trâu trong núi, hoặc loài nhỏ nhít trong biển.”

Mặc dù nói như vậy, nhưng chư Thiên không ai cứu được.

Vị trời này nói vậy rồi suy nghĩ: “Các vị trời kia không thể cứu để kéo dài mạng sống của ta. Chắc chắn là không bao lâu ta sẽ chết!”

Khi sắp qua đời, vị trời này tự thấy chỗ mình sẽ sinh là địa ngục, bàng sinh hay ngạ quỷ. Thấy tướng ấy liền rên rỉ, kêu gào, bất tỉnh, té xuống đất, trợn tròng mắt, liền chết, theo nghiệp mà đọa vào ba đường ác. Do đó biết rằng, trong cõi trời rất khổ, luân hồi mãi mãi, không biết bao giờ hết. Đại Bồ-tát quán khổ của cõi trời rồi mở lòng Từ bi rộng lớn.

Từ Thị nên biết! Giống như có người dùng góc của bao cung chấm vào biển lớn. Nước dính nơi cái bao cung và nước trong biển lớn, nơi nào nhiều hơn?

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nước của góc cái bao cung ấy rất ít, làm sao so với nước trong biển được! Biển lớn rất sâu, rất rộng, nước của bao cung sao sánh bằng.

Thế Tôn dạy Từ Thị:

–Này thiện nam! Từ cõi người, trời, chết đọa vào ba đường ác, giống như nước biển cả, được sinh trở lại cõi người, trời giống như nước ở góc bao cung. Người nào đọa trong ba đường ác phải chịu khổ vô cùng, không thể nói hết, không thể nghĩ bàn, như các khổ trong ba đường ác đã lược nói ở trước. Điều nói ra như một hạt cát của sông Hằng, còn điều chưa nói đến như cát của sông Hằng. Mạng sống cũng như vậy, ở cõi người sống một trăm năm bằng một ngày đêm ở cõi trời Đế Thích, lấy ba mươi ngày đêm này là làm một tháng, mười hai tháng làm một năm ví như tuổi thọ của cõi này tròn một ngàn năm thì tuổi thọ ở cõi nhân gian tổng cộng hơn ba câu-chi sáu mươi ức; với tuổi thọ này trong đại địa ngục Hắc thằng thì chỉ là một ngày một đêm; lấy ba mươi ngày đêm ở đây làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, sống đủ một ngàn. Một ngàn năm ở đây là một ngày đêm ở đại địa ngục Chúng hợp. Ba mươi ngày đêm ở đây là một tháng, mười hai tháng là một năm tuổi, sống đủ hai ngàn năm cho đến một trung kiếp là tuổi thọ trong đại địa ngục A-tỳ. Do đó nên biết chúng sinh trong địa ngục sống rất lâu. Khi chư Thiên lâm chung, dùng Thiên nhãn quán đều hiểu biết tất cả nên rất buồn khổ, tất cả dục lạc chỉ nhất thời đều tan biến. Những khổ vui ấy có mười sáu phần, một phần khổ về sinh ở đây có thể diệt mười sáu phần vui ở cõi trời.

Đại Bồ-tát quán sát thấy lúc chư Thiên sắp qua đời, bị các khổ não như vậy mà mở lòng Từ bi rộng lớn.

Từ Thị nên biết! Đây là Đại Bồ-tát có lòng Từ bi rộng lớn đệ nhất. Lại nữa, nên phát tâm Đại tinh tấn cứu vớt các hữu tình để đưa đến bờ kia Niết-bàn an lạc. Giống như chủ buôn suy nghĩ như vầy: “Cha mẹ họ hàng đều nghèo khổ, làm cách nào để cứu họ thoát khỏi cảnh cực khổ này. Nghĩ như vậy, nhưng không có cách nào khác, chỉ vào biển lớn tìm viên ngọc châu như ý để đem về cứu giúp cho nhau.” Nghĩ như vậy xong rồi liền vào biển lấy châu như ý để đem về. Sau đó, ông ta vào biển tìm được châu như ý, gắn trên cờ cao. Châu như ý có thể mưa ra nhiều châu báu, quần áo, đồ ăn uống, hương hoa, kỹ nhạc. Cha mẹ dòng họ tùy ý dùng đều được đầy đủ.

Đại Bồ-tát phát Bồ-đề tâm cầu Nhất thiết trí cũng như vậy. Các ngài luôn tư duy rằng: “Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ, lục thân quyến thuộc của ta, vì ta mà phải luân hồi sinh tử, hiện đang chịu các khổ não, dùng cách nào để cứu thoát họ đây? Nghĩ như vậy rồi lại không có cách nào khác, chỉ vào biển pháp sáu Ba-la-mật-đa tìm châu như ý Nhất thiết trí để cứu vớt khổ chúng sinh.” Nghĩ vậy xong, Bồ-tát vào biển pháp tìm châu báu như ý Chủng trí để rồi treo trên cờ pháp, mây đại Từ che khắp, nên mưa xuống tất cả thần thông công đức của môn Đà-la-ni lấy tàm quý làm y phục, bố thí làm nhà cửa, hương thơm là tịnh giới, vòng hoa là nhẫn nhục, thức ăn là tinh tấn, giường là thiền định, lấy cam lồ trí tuệ làm thức ăn uống, các pháp không tịch làm chỗ ngủ, lấy đại Niết-bàn làm thành báu, chư Phật Bồ-tát làm Thiện tri thức. Được châu báu Nhất thiết chủng trí nên mưa xuống vô số diệu bảo, y phục, hương hoa, kỹ nhạc… như thế; ngoài Vô thương Điều Ngự Đại Sư ra, không ai có thể cứu vớt các khổ nạn để được Niết-bàn rốt ráo an vui”.

Tư duy như vậy rồi, Đại Bồ-tát tự biết chắc mình chứng quả vị không thoái chuyển. Lại phát nguyện:

Nguyện ta sinh ra chỗ khổ nạn nào, ta đều thay thế chịu các khổ não cho chúng sinh, không muốn chứng Niết-bàn giải thoát, không bỏ rơi chúng sinh để riêng mình hưởng an lạc. Vì sao vậy? Vì tất cả Thanh văn và Bích-chi-phật sau khi giải thoát nhập Niết-bàn rồi, sống mãi mãi nơi đó, không làm lợi ích cho chúng sinh, không xiển dương công đức của thân Phật. Còn Đại Bồ-tát ở trong ba đường khuyến hóa hữu tình lìa nghiệp ác, tu tập pháp lành, lìa khỏi các khổ mà được giải thoát ngay trong cõi người. Do đó mà Đại Bồ-tát làm lợi ích cho tất cả hữu tình trong mười phương, nhân đây mà chư Thiên cõi Đao-lợi, Đại Phạm thiên vương, Đại Tự tại thiên, chư Tiên ngoại đạo cúng dường, Bồ-tát đều được thọ nhận. Bồ-tát chứng quả vị không thoái chuyển này được chư Phật ba đời khen ngợi và thọ ký. Đại Bồ-tát tu tập Đại thừa được tự tại, không sợ sệt, giống như Sư tử chúa. Tất cả chúng sinh đi theo sẽ chấm dứt mọi sợ hãi mà thẳng đến Bồ-đề. Thanh văn, Duyên giác và A-la-hán nghe Bồ-tát chỉ dạy, vào sâu trong hang núi đều dùng y che đầu, hướng đến Niếtbàn, vậy sao cùng Đại thừa tu hạnh Bồ-tát, mình và người đều được lợi ích. Do vậy mà càng thêm tinh tấn, thà ở trong ba đường chịu vô lượng khổ chứ không bao giờ hưởng lợi riêng mình mà trụ trong Niết-bàn. Tất cả hữu tình đã tạo ra nghiệp ác trong quá khứ, hiện tại, vị lai sẽ đọa vào đường ác, chịu các khổ; ta nguyện đem thân này chịu thay cho họ. Trong quá khứ và hiện tại, ta tu hành đạt được tất cả việc lành, các pháp công đức, ta nguyện hồi hướng cho tất cả hữu tình mau chứng Niết-bàn. Của cải trân bảo, ta nguyện xả bỏ tất cả. Bị đánh đập, mắng chửi, nguyện chịu nhẫn nhục, không trả thù, nguyện cho chúng sinh đó hết tội. Trải qua vô lượng, vô biên a-tăngkỳ kiếp làm những việc khó làm, ta nguyện làm hết và vì chúng sinh mà cầu Vô thượng Chánh giác Bồ-đề, tinh tấn tu hành thiền định, giải thoát, chứng quả vị không thoái chuyển.

Lại như quá khứ, vô lượng, vô biên Đại Bồ-tát tinh tấn tu tập Nhất thiết trí, ta cũng tu hành như vậy. Vì sao vậy? Vì muốn độ tất cả hữu tình trong luân hồi để đưa họ lên bờ giải thoát Niết-bàn vô thượng.

Lại nguyện tất cả loài chúng sinh: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, có sắc không sắc, có tưởng không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng ta đều đưa chúng nhập Niết-bàn và làm cho chúng đầy đủ sáu Ba-la-mật-đa, thành tựu hoàn toàn thân Phật vô thượng với trăm phước trang nghiêm, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng quanh mình sáng hơn trăm ngàn ánh sáng mặt trời, chúng sinh chiêm ngưỡng vui thích không biết chán.

Lại nguyện tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới có công đức trang nghiêm như Phật.

Lại phát nguyện:

Nguyện xả bỏ thân này vì tất cả pháp giới chúng sinh bị đánh đập quở mắng, hoặc luôn bị trói buộc đau đớn, nhục mạ, muốn giết hại, những việc nô dịch không được chống trái… Ta nguyện những chúng sinh đó đều không còn tội.

Phát nguyện này rồi, lại tư duy: “Ta mau được mãn nguyện này.”

Lại nguyện đem thân này ở trong năm đường làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình. Ai không có chỗ nương tựa, ta làm nơi nương tựa cho họ; ai du hành nước khác ta làm người dẫn đường; ta làm chiếc bè cho người vào biển, làm cầu cống cho người vượt qua sông suối; làm suối, giếng cho người ở nơi hoang dã; làm củi đuốc cho người lạnh cóng; làm mát mẻ cho người nóng bức; làm đèn sáng ở chỗ tối tăm, làm dụng cụ nằm mềm mại cho người bệnh; làm thức ăn ngon cho người đói, làm nước ngọt cho người khát, làm áo quần cho người trần truồng; làm mưa tưới năm loại ngũ cốc lúc hạn hán mất mùa; làm thuốc hay cho người bệnh khổ để mau hết bệnh, kéo dài mạng sống; làm người hầu hạ cho người mồ côi cô quả; làm kho báu cho người nghèo khổ, đi theo và chung sống với họ không lìa bỏ nhau; làm bạn lữ và xe ngựa cho người đi xa để đến nơi; nếu người tà kiến thì nói Chánh pháp làm cho họ trụ trong chánh kiến. Ta thề vào địa ngục để cứu vớt chúng sinh ra khỏi các khổ; sinh vào ngạ quỷ để làm thức ăn ngon ngọt mát mẻ, trừ đi nóng đói khát; hóa làm núi thịt để loài bàng sinh như: hổ, báo, sói lang, gấu, sư tử… ăn no nê.

Ta lại nguyện: Chúng sinh nào ăn thịt ta thì được no nê, không còn cảnh ăn nuốt lẫn nhau. Ta sẽ làm cỏ mềm mại tươi tốt cho các loài: voi, ngựa, trâu, dê, hươu, nai… ăn. Ta làm cho các loài chúng sinh ăn thịt, ăn cỏ, ăn loại ngũ cốc đều được ăn uống no đủ tùy ý. Ở loài người thì được tùy ý hưởng sự vui thích. Ta nguyện cung cấp khiến họ không còn thiếu thốn.

Lại phát nguyện: Nguyện ta thành tựu tất cả thân Đà-la-ni, chúng sinh ở chỗ nào thì ta làm cây như ý để cứu hộ họ và làm bình châu báu phát ra vô số của cải để cung cấp cho tất cả chúng sinh được đầy đủ, thỏa mãn. Hoặc làm thầy thuốc để chữa hết bệnh cho họ. Dùng tay đại Bi cầm chìa khóa cửa pháp mở thành Niết-bàn chỉ dạy tri kiến của Phật, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp làm những việc khổ khó làm để đem chúng sinh trụ trong Niết-bàn chân thật giải thoát. Sinh ra nơi nào luôn tinh tấn không biếng nhác, làm lợi ích và đem an lạc đến cho tất cả hữu tình. Vì cứu chúng sinh trong địa ngục phải chịu vô lượng khổ mà coi như niềm vui Niết-bàn.

Lại phát nguyện: Nếu một chúng sinh nào chưa được giải thoát, ta nguyện ở địa ngục mãi mãi, không chứng Bồ-đề.

Này Từ Thị! Nên biết rằng: Đó là Đại Bồ-tát tinh tấn thứ nhì cầu trí Nhất thiết trí.

Lại nữa, này Từ Thị! Sau khi hành hạnh này rồi, nên phát ba loại tâm thù thắng để cầu quả vị không thoái chuyển, cho đến ba vô số kiếp tinh tấn tu hành không một sát-na nào gián đoạn. Hoặc có các ma làm Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc làm người tu khổ hạnh và nhiều thân hình khác lẫn lộn ở trong Đại thừa để tìm các lỗi lầm, làm cho người nào tu hành tinh tấn phải bị thoái lui. Lại nói rằng: Phật Đạo xa vời, trải qua trăm kiếp ngàn kiếp làm việc khó làm, khó bỏ được như: xả bỏ quốc thành, vợ con, voi ngựa, bảy báu, nô tỳ, đầy tớ, thân thể tay chân mà không tham tiếc. Bố thí như vậy trải qua mười vạn kiếp mới chứng Bồ-đề. Vô lượng chúng sinh tu hành như vậy đều chưa thành Phật, đã thoái chuyển để tự chứng Niết-bàn. Giả sử có thành Phật quả cũng nhập vào Niết-bàn. Chỉ có một loại Niếtbàn thì cần gì cố công tu hành khổ hạnh. Ông muốn cầu lợi ích thì phải tu hai việc:

1. Cầu đời hiện tại được hưởng khoái lạc, tùy ý hưởng tất cả năm dục thắng diệu của trời, người. Nếu có chút khổ nào cũng đừng sợ sệt. Vì sao? Ví như người nông dân, há sợ sâu mà không trồng lúa ư? Trời, người hưởng khoái lạc cũng vậy, tuy khổ ít nhưng khoái lạc lại vô cùng, chỉ tự mình tu trì thì đâu có gì lo, đâu có gì sợ!

2. Tự cầu Niết-bàn, đời này là đời chót, chứng A-la-hán, được giải thoát thì cần gì phải khổ nhọc để cầu quả Phật? Nếu ai không thể hướng đến Nhị thừa thì hãy hưởng tất cả khoái lạc của trời, người. Nếu sau có chán bỏ cũng mau nhập Niết-bàn. Ví như có người dụng công tuy ít mà được lợi ích lại nhiều, có người bỏ công rất nhiều mà việc không thành. Nếu ông có bỏ ra tất cả sự khổ nhọc đều không thành gì cả, trở lại dối gạt mình. Nay ông hãy đi và ở cùng ta, Niết-bàn xuất thế, tiến hay dừng, hãy cùng với ta một chỗ.

Từ Thị nên biết! Đại Bồ-tát nào tu Đại thừa, nghe những lời nói này không tin theo mà lại nghĩ rằng: “Đây là ác ma đến quấy nhiễu ta, làm chướng ngại, và muốn dụ ta làm cho ta thoái chuyển Bồ-đề”. Biết vậy rồi, Bồ-tát phát tâm: “Ta thề không trái với lời nguyện xưa mà nghe lời nói này. Ta quyết định cầu quả Phật vô thượng, với Đại thừa thề không thoái chuyển.” Rồi Bồ-tát phát ba loại tâm:

1. Tất cả hữu tình đều là cha mẹ thân thuộc đời trước của ta từ vô thỉ kiếp ở trong luân hồi sinh tử chịu nhiều gian khổ, chịu các khổ não như: mười sáu tầng địa ngục, tám lạnh tám nóng và nhiều sự khổ não khác. Lại ở trong loài ngạ quỷ, bàng sinh và trời người cũng đều chịu các khổ như vậy, huống là cha mẹ, dòng họ, nội ngoại của ta đời trước mà không thương tiếc. Cho nên ta thề chứng Bồ-đề, không nên thoái chuyển.

Này Từ Thị! Đây là Đại Bồ-tát phát tâm không thoái chuyển thứ nhất.

2. Tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay đều là cha mẹ của ta. Mỗi lần sinh ở trong bụng mẹ, người mẹ khi ăn nằm, ngủ nghỉ không được an ổn, sự sinh dưỡng lại rất khổ nhọc, lấy tâm huyết đại Bi biến thành sữa, không bao giờ mệt mỏi, nhổ đắng nuốt cay, tu tập công đức, mong cho ta trưởng thành, chẳng may ta bạc phước chết yểu thì cha mẹ kêu gào bi thảm, bứt tóc bù tai, đấm ngực, nước mắt tuôn trào, ăn không biết ngon. Trong mỗi lần sinh đều phải khổ như vậy. Được ra đời, nước mắt nhiều hơn bốn biển, uống sữa mẹ nhiều hơn bốn sông lớn. Lại nữa, tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay vì ân ái nên làm cha mẹ ta, vì ta mà bỏ mạng, cho nên đến nay vẫn chưa dứt luân hồi. Nếu hữu tình này siêng năng tu tập Vô thượng Bồ-đề thì chắc chắn thành Phật, nhưng vì ta mà phải bị sinh tử luân hồi. Lại nữa, tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay vì thương xót ta mà tạo ra các nghiệp ác, tâm không hối hận sửa đổi. Nếu nghiệp ác này có hình tướng thì nhiều hơn núi Diệu cao. Do tạo ra nhiều như vậy nên đọa trong ba đường ác đến nay vẫn chưa hết. Như vậy, sao ta lại vong ân bội nghĩa để tự thủ Niết-bàn mà cầu giải thoát? Giống như mọi người đồng phạm vương pháp, bị trói nhốt trong tù, muốn chạy trốn nhưng không có đường ra, trong đó có một người thấy tường có lỗ hở nhỏ, nếu dùng nhiều cách thì có thể thoát ra đi được. Nhờ đó mà người ấy thoát khỏi khổ nạn. Hàng Nhị thừa cũng vậy, xưa kia đồng là si ái với chúng sinh, bị trói buộc trong tù sinh tử của ba cõi, muốn thoát khỏi nhưng vô phương. Trong đó có một người thấy môn Tứ đế, biết được đạo tu Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đạt quả A-la-hán, chứng Niết-bàn. Người tu Đại thừa thì không như vậy, họ nguyện cùng chúng sinh được giải thoát, lấy Giới, Định làm hai tay, trí tuệ làm dao, lấy đại Bi làm móc, chìa khoá để phá giặc phiền não, bẻ gãy quân sinh tử, mở thành Niết-bàn, bước lên cung điện trí tuệ.

Từ Thị nên biết! Đây là Đại Bồ-tát tu Đại thừa tâm không thoái chuyển thứ hai.

3. Đại Bồ-tát nghĩ như vầy: Từ vô thỉ kiếp bị luân hồi đến nay, những hữu tình đều lệ thuộc vào nhau tạo ra thân, khẩu, ý nghiệp làm khổ não người khác, quấy nhiễu tâm ý làm cho người khác phát khởi sân hận, cướp đoạt tài sản với mọi tham cầu, giết và ăn máu thịt của chúng sinh, giết hại như vậy vô lượng, vô biên. Giả sử người kia chưa chết thì ngày đêm suy nghĩ bằng cách nào làm cho người ấy chết để cho ta lấy máu thịt mà ăn uống no đủ. Lại kiêu mạn tự thị mà mắng nhục người khác: “Đó chẳng là lời của chính ta”. Tâm sinh tật đố lúc nghe người khác có việc hơn mình, không chịu nổi, phải làm cho họ trúng độc mà chết. Thấy người khổ nạn không có tâm Từ bi, lại vui thích không tự kìm chế được mà phải chết sớm sao? Thấy người sang giàu thì lại muốn họ bị phạm tội hình để vào lao, nghèo khổ. Muốn người ta khổ não để mình hưởng vinh hoa phú quý. Muốn tài sản của người đêm ngày bị tiêu mất, còn muốn tài sản của mình ngày càng phát triển. Muốn người kia buồn khổ còn mình luôn an lạc. Muốn người bị oán ghét còn mình được yêu mến. Muốn người khác gặp nhiều oan gia, còn mình gặp nhiều thân hữu. Người kia bị đọa lạc còn mình được lên cao. Muốn người bần cùng còn riêng mình giàu có. Muốn mình được trí tuệ còn người khác thì ngu si. Trong sinh tử từ vô thỉ, ngày đêm suy nghĩ đem lòng như vậy mà muốn cầu an lạc cho riêng mình, lợi ích luôn về mình, còn khổ não thuộc về người, không một chúng sinh nào mà không bị xâm phạm phá hoại. Không muốn người có việc tốt nổi tiếng, miệng đồng ý mà lòng thì ngược lại, dùng mọi cách bức hiếp khiến người khác luôn bất an… Những việc làm như vậy nhiều vô số kể, không thể nào nói hết.

Lại dùng lời xấu ác để chỉ dạy hướng dẫn người hiện tại, vị lai đọa trong đường hiểm nạn. Giả nói thấy biết để làm chứng cho người khác, làm cho họ bị mất tài sản, mất chức quan, dùng lời ly gián làm rối loạn thân sơ, xảo trá đa đoan để cho lòng người hận nhau, đọa trong địa ngục không biết khi nào ra khỏi. Dùng lời hung ác mắng chửi người như lấy mũi tên, viên đạn bắn trúng vào thân tâm người, cho đến khi nào họ chết mới quên. Giả lập văn tự chửi mắng đa đoan, dùng những lời sai trái để làm tổn hại chúng sinh và nhiều thứ lời lẽ khác như vậy. Hoặc làm Tiên nhân ngoại đạo tà kiến, bị lửa sân đốt tâm, nói pháp tà ác, sân giận hừng hực, đàn áp hữu tình, lập mưu chú thuật yêu mị bùa chú khiến cho các chúng sinh bỏ sự tu tập để tổn hại nhau, làm tật bệnh lan tràn; khỏe mạnh thành gầy ốm, trẻ biến thành già, mắt sáng thì làm cho mù, tai nghe thông khiến cho điếc, đẹp đẽ làm cho xấu xí, người cao sang lại mắc bệnh hủi, người làm thiện khiến tạo ác, người trí tuệ khiến cuồng si, người sống lâu làm cho chết yểu, người giàu sang khiến nghèo khổ, cho đến ngày nay luân hồi mãi chưa dứt.

Lại nhớ ngày xưa, ta là thầy ngoại đạo tà kiến, dạy người phi pháp nói là Chánh pháp, Chánh pháp nói là phi pháp, khiến cho vô số chúng sinh thoái tâm Bồ-đề, rơi vào phi pháp tà kiến. Từ đấy qua đời, đọa vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ.

Lại có chúng sinh đời trước nhận sự dạy bảo của ta, từ núi cao vòi vọi quăng mình xuống sông Diêm-mâu-na rồi chết, cho là được sinh lên trời, đến nay vẫn còn đọa.

Lại có vô lượng chúng sinh đến giữa hai sông: phía Nam sông Hằng, phía Bắc sông Diêm-mâu-na (chi lưu của sông Hằng, hợp với sông Hằng ở chỗ Bát-la-da-na), nơi có thần cây tên Ni-câu-đà sum suê tươi tốt, xanh biếc tỏa bóng mát, đất đai bằng phẳng rộng rãi, lấy nơi này làm trường thi, dưới cây dựng ba cái kích sắt. Chúng sinh kia muốn sinh lên trời thì trước tiên hành bố thí trong trường đó rồi cạo bỏ râu tóc, vào sông tắm rửa mong trừ tội cấu, sau đó leo lên cây rồi đâm đầu xuống mũi kích tự chết; chết rồi nói là được sinh lên trời. Từ vô thỉ đến nay như vậy luân hồi không dứt.

Lại có chúng sinh học tà giáo của ta thường xan lận không bố thí, thấy ai bố thí thì lại nổi sân, thấy người nhận sự bố thí thì tức giận. Vì sao vậy? Vì thấy có người bố thí và có người nhận sự bố thí, do nghiệp duyên này mà đều đọa địa ngục. Do thấy như vậy cho nên trong vô lượng kiếp bị khổ ngạ quỷ đến nay chưa thoát khỏi.

Lại có chúng sinh nhận tà giáo của ta, giết nhiều trâu dê để lấy máu tế trời. Vì sao vậy? Vì trâu dê ấy là trời ban cho ta, ta ăn máu thịt ấy là để tế trời. Từ vô thỉ đến nay thọ nhận và thực hành theo lời dạy đó, sau khi qua đời đọa vào đường ác, tàn hại ăn nuốt lẫn nhau, do ngu si nên không chứng được Niết-bàn.

Lại có chúng sinh nhận tà giáo của ta, luôn phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Lại có chúng sinh nhận tà giáo của ta mà không tin nhân quả thiện ác trong ba đời, nói không bố thí cũng không cúng dường, không có kết quả, không có pháp hộ trừ ma, không làm việc thiện, không làm việc ác, cũng không có quả của nghiệp, không có đời này đời khác, không có địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, không có trời, người, cha mẹ. Tất cả chúng sinh giống như say rượu, người làm rượu lấy nếp pha chế cho ấm lạnh để thành rượu ngon, người uống vào thì say ngay. Rượu này là do cha mẹ làm ra sao? Chúng sinh cũng vậy, cha mẹ hòa hợp do ái nhiễm xưa mà có thân ta. Sau khi ta qua đời không còn sống nữa, giống như sau khi chặt cây, đốt rồi thì thành than tro. Tro này đâu phải do cây mà có. Thân ta cũng vậy, chết rồi không sống nữa, cho nên biết rằng chắc chắn không có nhân quả. Do đây mà đối với cha mẹ, sư trưởng không cung kính, lại mắng chửi. Trong vô lượng kiếp cứ dạy tà giáo này khiến cho các hữu tình đọa vào địa ngục.

Hoặc có ngoại đạo lấy lửa đốt thân, hoặc trầm mình trong nước chết chìm, hoặc lăn lộn trên kích nhọn để chết, hoặc tu hạnh con chó ăn phân để cầu sinh lên cõi trời. Hoặc tu giới của bò, như bò đi đường, uống nước ăn cỏ, không có gì che thân, không phân biệt lục thân nên dâm loạn bậy bạ. Hoặc có ngoại đạo nhịn đói không ăn, đứng suốt cả ngày, qua đêm sau mới ăn. Hoặc có ngoại đạo dùng năm loại nóng đốt thân và xoay chuyển theo mặt trời. Có ngoại đạo giơ một chân lên cao. Có ngoại đạo phụng thờ mặt trăng, tháng có trăng thì một ngày ăn một miếng, hai ngày ăn hai miếng, cho đến đủ tháng thì ăn được mười lăm miếng. Tháng tối thì ngày đầu tiên giảm ăn một miếng, hai ngày giảm hai miếng, cho đến hết tháng tối chỉ ăn một miếng, hoặc có khi không ăn. Có ngoại đạo trì giới gà, rải thức ăn trên đất rồi dùng chân bới ra lượm ăn, lúc tới giờ thì kêu; có ngoại đạo lõa thân đi, không biết xấu hổ. Có ngoại đạo đốt tóc, vào giữa trưa đứng ngoài trời và di chuyển theo mặt trời, trời lạnh buốt ở dưới bóng mát mà đứng quạt. Có ngoại đạo sau khi giết người, lấy đầu lâu đựng thức ăn uống; có ngoại đạo lõa hình không xấu hổ, lấy tro bôi thân. Hoặc có ngoại đạo dùng than đen bôi lên thân, hoặc dùng các đốt xương của đầu lâu để làm xâu chuỗi, vòng hoa, nhẫn xuyến để trang sức thân thể. Hoặc có ngoại đạo lấy đuôi ngựa, lông bờm ngựa dệt làm áo quần, có ngoại đạo lấy vỏ cây làm áo quần, có ngoại đạo lấy lông chim thứu làm áo quần, lấy lông gà làm áo quần.

Những ngoại đạo như vậy lấy tà pháp dạy chúng sinh.

Vì khẩu nghiệp mà vô số chúng sinh đến nay vẫn ngu mờ không được giải thoát. Lại từ vô thỉ đến nay do thân tạo ra nghiệp ác làm khổ não chúng sinh, làm cai ngục cầm kềm sắt kẹp lưỡi chúng sinh rồi lấy nước đồng sôi rót vào. Lại lấy chày sắt đập nát xương chúng sinh, lại dùng cưa sắt cưa xẻ các chúng sinh, hoặc xua đuổi chúng sinh lên rừng kiếm, kéo ruột, ngũ tạng ra ăn; hoặc lấy dây sắt quấn chặt chúng sinh quăng vào sông tro, rồi lại kéo ra để trên cây nóng như cá bị trộn qua trộn lại trong chảo, hoặc bắt đứng ngồi rồi lấy thìa sắt nóng xúc, hoặc lấy nước đồng sôi rót vào miệng bắt uống. Hoặc dùng kềm sắt rút lưỡi chúng sinh ra, kéo cho dài rộng rồi lấy lưỡi cày bằng sắt cày lên, giống như các khổ đã nói trong địa ngục ở trên.

Từ vô thỉ kiếp đến nay, ta bị những việc như vậy… Mỗi nghiệp thân là làm khổ não chúng sinh, lại làm sư tử, hổ báo, sài lang, gấu bi… ăn thịt uống máu, tàn hại chúng sinh. Hoặc trong địa vị tôn quý làm vua quan, thứ dân, trưởng giả, cư sĩ… bẻ cong pháp luật mà thu thuế, đánh đập vô cớ, không làm theo pháp luật của vua, làm tổn hại hữu tình. Do đó mà suy nghĩ: từ vô thỉ đến nay ta đã luôn não hại chúng sinh trong năm đường, nào chặt đầu, móc mắt, xẻo tai, cắt mũi, cắt lưỡi, ăn thịt, chẻ xương lấy tủy, chặt tay chân cho đến chết. Hoặc khi làm người thì làm đồ tể, săn thú, bắt cá, giăng lưới để đoạt mạng chúng sinh như trâu, dê, hươu, nai, chồn, thỏ, gà, heo, cá, ba ba, rùa… cắt thân chúng ra từng khúc rồi dồn lại để bán. Sát hại, buôn bán vô số chúng sinh như thế trải qua vô lượng câu-chi kiếp.

–Này Từ Thị! Đại Bồ-tát tu Đại thừa nên phát tâm như vầy, tư duy như vầy: “Vì tham, sân, si mà thân, khẩu, ý tạo ra bao nghiệp ác, lừa gạt làm tổn hại tất cả chúug sinh hiện đang đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà chịu các khổ não. Ta nay lấy làm xấu hổ, hối hận, tự trách mình làm thế nào để đền đáp công ân ấy. Suy nghĩ như vậy, không có cách nào khác để đền trả tội ấy, chỉ có chí tâm cầu Vô thượng Bồ-đề, chứ không thể nào trả hết nợ cũ. Sau khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, ta cứu độ chúng sinh đang ở trong sa mạc đồng hoang luân hồi này đến thành Niết-bàn an lạc. Dùng châu như ý, trí Nhất thiết trí để đền trả tội lỗi thâm sâu từ vô thỉ.”

Từ Thị nên biết! Đây là Đại Bồ-tát phát tâm không thoái chuyển thứ ba.

Hai tâm trên nỗ lực tu hành tinh tấn không giải đãi. Tâm thứ ba nhất tâm tu hành chứng quả vị không thoái chuyển.

Này Từ Thị! Dùng năm loại phát tâm này tu hành Đại thừa mau thành tựu Nhất thiết trí.