PHẢI HIỂU NHÂN QUẢ – QUI Y TAM BẢO
Hòa thượng Hư Vân giảng
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Thứ Hai, 1/8/1947 Đinh Hợi
Tâm chúng sinh và Phật vốn không khác biệt. Tất cả đều do tâm tạo. Mười cõi cũng do tâm tạo nên. Nếu theo vọng niệm điên đảo thì sinh ra sáu cõi Phàm, còn không chạy theo thì sẽ vào bốn cõi Thánh. Thường quán sát, sẽ thấy Thánh hay Phàm đều do tâm uế hay tịnh mà hiện. Tâm phàm phu cấu uế khiến hiện ra sáu đường thiện ác tội phước. Bốn cõi Thánh do tâm thanh tịnh tạo thành, nên uy đức, tự tại quang minh, phước tướng, dung mạo từ bi.
Khổ hay vui đều do tâm, quý vị tự tạo nghiệp rồi thọ báo, muốn biết ở cảnh Thánh hay Phàm, nhìn lại lòng mình sẽ rõ.
Phàm phu ngu mê chẳng hiểu tất cả do tâm tạo nên gặp nghịch cảnh thì trách trời oán người, gặp thuận cảnh thì kiêu căng, dương dương tự đắc. Hoặc cả đời làm thiện mà chiêu quả ác nên khởi tâm nghi, hay làm ác lại được hưởng quả lành nên hủy báng nhân quả.
Phải hiểu Lý nhân quả rất thâm sâu, sau khi ta gieo nhân, quả nào chín muồi thì tới trước. Đời nay tuy mình tạo nghiệp lành mà bị chiêu quả xấu, thì phải hiểu là nhân ác trong quá khứ đã hội đủ duyên, đã đến lúc chín mùi nên quả trổ trước thì mình phải lãnh thọ. Còn Nhân lành đời nay gieo do quả chưa chín nên hiện tại chưa được hưởng. Nếu tin sâu, hiểu rõ điều này thì sẽ không khởi tâm nghi. Từ vô thủy mê muộỉ, ta tạo biết bao tội nghiệp oan khiên sâu nặng, bây giờ quả chín, tới lúc nó trổ thì ta phải nhận, không thể trốn tránh. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tất cả chúng sinh sinh tử triền miên vì không biết chân tâm thường trụ, thể tịnh tính sáng, do sống với vọng tưởng nên mới bị luân hồi”.
Muốn thoát khổ ta phải làm sao? Không muốn thọ báo trong sinh tử luân hồi thì phải tịnh hóa vọng tưởng, vọng tưởng được tịnh rồi thì luân hồi dừng. Vì vậy tâm mê thì gọi chúng sanh, tâm giác gọi là Phật. Phật và chúng sinh khác nhau ở mê và ngộ. Phải biết tâm tính diệu minh sáng suốt này ai cũng có. Phàm phu tuy có, song giống như vàng còn nằm trong mỏ, bị đất cát phiền não bao phủ nên không thể dùng được. Còn Phật do nhiều kiếp tu hành, cát đá lậu hoặc đã được lọc sạch, thuần là vàng ròng tinh khiết nên đại dụng vô cùng, vì vậy mà được gọi là Thế Tôn, Đấng Giác ngộ viên minh, vượt khỏi chướng ngại. Ta muốn tu thành Phật, trước phải xem nhân phát tâm của mình ra sao và phải trừ tận gốc phiền não. Gốc phiền não nếu sạch thì Phật tánh hiện, nếu nhân tu không chánh thì phải chiêu quả báo cong vạy.
Bước tập tu đầu tiên là phải Qui y Tam bảo, – Các điều ác không làm, chỉ làm toàn điều thiện – Rồi từ đó mà tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, nếu không gieo nhân khổ thì quả khổ sẽ tiêu, vượt thoát ba đường khổ, siêu thăng cõi lành, nhập Phật thừa. Đây là nền tảng cho người tu Phật. Tam quy Ngữ giới là bờ bến của người đời, là Diệu pháp ban vui cứu khổ. Tam quy là: Qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.
Qui y Phật: Phật là Đấng giác ngộ hằng an lạc, xa rời khổ, Ngài hướng dẫn chúng sinh thoát mê về giác, vì vậy ta nên Qui y Ngài, hành giáo pháp Ngài để thoát khổ. Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta-bà, nên bước đầu tiên là phải Qui y Phật.
Qui y pháp: Tức nương theo pháp môn Phật truyền dạy, ba đời chư Phật đều hành theo pháp này thành tựu vô lượng công đức thanh tịnh, nay ta muốn quay về nguồn cội, tịnh hóa thân tâm, dẹp trừ cấu uế thì phải Qui y Pháp.
Qui y Tăng: Chánh pháp phải có người gánh vác hoằng truyền, xả thân vì đạo, xiển dương Phật pháp, dùng văn, tư, tu chứng quả thành Phật, Nếu Phật pháp không người thuyết giảng thì khó lãnh hội. Phật pháp thâm sâu khó hiểu, phải nhờ chư Tăng giảng giải, nên ân đức các Ngài rất lớn, vì vậy phải Qui y Tăng.
Tam bảo có ba: Nhất thể Tam bảo, Biệt tướng Tam bảo, Trụ trì Tam bảo.
Nhất Thể Tam Bảo: Là thể của nhất tâm. Phật là Đấng giác ngộ, một niệm linh minh, tâm sáng suốt là tự tánh Nhất thể Phật bảo. Pháp đầy đủ ba đức: Phật, Pháp, Tăng. Pháp còn nghĩa là Quỹ trì: Gìn giữ quy tắc, khuôn phép. Tự tánh Nhất thể Tam bảo có thể giữ gìn khuôn phép của thế gian và xuất thế gian.
Tăng là một đoàn thể tu sĩ hòa hợp. Tâm giác có khả năng hành trì tất cả pháp. Tâm là pháp, muôn pháp đều quy về một tâm. Tâm đầy đủ Phật, Pháp, Tăng nên có tên là Nhất Thể Tam Bảo. Chúng sinh mê tâm hướng ngoại tìm cầu nên trôi lăn trong sinh tử, Phật nhờ giác tâm này nên chứng được Bồ đề.
Biệt Tướng Tam Bảo: Danh tướng của Phật, Pháp, Tăng không đồng. Phật là giác ngộ bản tâm, thấu đạt thật tướng, gọi là tự giác. Dùng pháp tu chứng này giác ngộ cho tất cả chúng sinh gọi là Giác tha. Tự giác, Giác tha đều đầy đủ nên gọi Giác hạnh viên mãn. Ba đức này tròn đầy nên thành Phật. Đây là Biệt Tướng Phật Bảo. Phật tùy cơ thuyết pháp Kinh, Luật Luận khác nhau là Biệt Tướng Pháp Bảo. Theo giáo lý tu hành trình tự tu chứng không đồng, là Biệt Tướng Tăng Bảo.
Trụ Trì Tam Bảo: Sau khi Phật nhập diệt, tượng Phật dù được làm bằng xi-măng, gỗ, thạch cao… hay tranh vẽ… đều là ruộng phước cho chúng sinh, nếu biết cung kính hình, tượng như Phật còn tại thế thì công đức không thể nói hết. Vì trụ mãi không tuyệt mất nên gọi là Trụ Trì Phật Bảo. Tất cả kinh điển chép lời dạy của Phật được lưu truyền giáo hóa chúng sinh không ngừng, khiến chúng sinh hành trì theo đó ly khổ được vui, vì vậy nên gọi là là Trụ Trì Pháp Bảo. Người xuất gia cạo tóc, mặc pháp phục Như Lai, xiển dương đạo pháp, hóa độ chúng sinh, nối tiếp hạt giống Phật là Trụ Trì Tăng Bảo.
Trụ Trì, Biệt Tướng, Nhất Thể… đều được gọi là Bảo, là quý báu vì không bị pháp thế gian làm tổn hại hay phiền não làm nhiễm ô. Bảy báu thế gian như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách… được coi trọng, song hưởng dụng một thời gian rồi cũng hết, vì chúng chỉ giúp cho lúc sống, chứ không thể độ tử. Thế nhưng Tam bảo có thể giúp chấm dứt vô biên sinh tử, khiến người xa lìa khổ não rầu lo, được hạnh phúc an vui mãi.
Tam bảo tuy gọi nhiều tên nhưng xuất phát từ một tâm. Vì tất cả do tâm tạo. Tâm nhiếp thọ tất cả, vốn viên mãn đầy đủ giống như viên ngọc như ý. Vì vậy mới nói là Tự qui y Phật, Tự qui y Pháp, Tự qui y Tăng – chứ không hề nói Qui y tha – là tựa nương bên ngoài.
Qui nghĩa là xoay vào – là quay về nguồn cội. Sáu căn chúng sinh phát xuất từ một tâm. Vì bỏ gốc chạy theo sáu trần nên phải thu nhiếp sáu căn quay về tâm, nên gọi Qui mạng. Vì vậy Qui y cũng có nghĩa là Qui mạng.
Y là y theo, nương theo. Do chúng sinh chạy theo âm thanh sắc tướng nên bị trôi lăn trong biển khổ không có chỗ nương, dừng. Nay Qui y Tam bảo thì thân có chỗ quay về, tâm có chỗ nương. Nhờ chọn Tam bảo làm Thầy nên có thể thoát u mê, phát tâm bồ đề, hành đạo tu giác, cho đến khi thành Phật.
Qui y Tam bảo xong thì phải y theo pháp mà tu hành để thoát khỏi sinh, tử, thoát khỏi phiền não trói buộc của thế gian. Bước nhập môn đầu tiên, ngoài năm giới cấm ra không còn phương pháp trợ giúp nào khác. Do vậy mới có câu: “Nếu không giữ năm giới thì đường sinh lên làm trời, người cũng bị cắt đứt”.
Do vậy mà Giới là nền tảng quan trọng giúp tạo đều thiện, phế bỏ hạnh ác – là cội nguồn của đức hạnh, là phương cách giúp người ta siêu phàm nhập Thánh. Nhân Giới sinh Định, từ Định sinh Huệ, nhờ Giới, Định, Huệ mà thành chánh giác. Nên nói: “Giới là cội gốc của đạo Bồ-đề vô thượng”.
Phật phương tiện khai mở pháp môn, đầu tiên thuyết Tam qui y, tiếp đến dạy Ngữ giới, chế ra giới Đại thừa Tiểu thừa v.v… Do căn cơ và tâm tính chúng sinh không đồng nên giới có từ cạn đến sâu từ thô đến tế, nhưng cứu cánh chỉ là một.
Năm giới: Không sát, đạo, dâm, vọng, không dùng các chất gây nghiện làm thần trí hôn mê. Năm giới này là điều căn bản, bắt buộc đệ tử Phật phải học và tuân giữ khi nhập môn. Đây là cửa ngõ đưa đến thành tựu. Năm giới này là điều phải học, phải hành, phải truyền bá, nam nữ cư sĩ đều phải hành trì. Năm giới này tạo nên vô lượng công đức, vì vậy mà bước đầu tiên người sơ cơ học Phật phải Qui y, thọ trì Ngũ giới. Nền tảng này không thể thiếu.
Năm giới này nhà Nho gọi là Ngũ thường: Nhân Lễ, Nghĩa Trí, Tín. Nghĩa là người nhân từ thì không giết hại, người nghĩa khí không trộm cắp, người có lễ nghĩa thì không tà dâm, người trí không dùng chất say gây nghiện, người tín không nói láo.
Người Phật tử nếu giữ được năm giới thì không muÓn hoàn toàn cũng thành người hoàn toàn, không mong thành nhân đức cũng thành nhân đức.
Không cầu lễ nghĩa mà lễ nghĩa tự thành, tâm trí tự nhiên sáng suốt, sống có uy tín. Nhân phẩm trở nên tôn quý, được người trọng vọng ái kính.
Đầu tiên nói về giới Không sát sinh:
Mạnh Tử nói: – “Nghe tiếng vật kêu la chẳng nỡ ăn”. Mạnh Tử còn nói thế, chúng ta là đệ tử Phật sao lại mê mờ, khởi tâm giết hại chiêu lấy quả khổ vô biên về sau? Do vậy mà Phật chế giới không sát sinh cốt để ngăn khổ cho chúng ta. Các đệ tử Phật nếu muốn hành đạo, bước đầu tiên phải nuôi dưỡng lòng từ, không được sát sinh. Nếu giữ giới này thì không còn bị luân hồi đền mạng. Ngoài việc ỷ mạnh hiếp yếu, tham mùi vị, hoặc vì tiền tài, kế sống mà sát sinh. Giết hại phát xuất từ ác tâm. Nếu ta tạo nghiệp sát, cứ mạnh tay giết chóc thì tự kết oán cừu. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Người chết thành dê, dê chết thành người. Do ăn nuốt nhau mà quả báo vần xoay, ác nghiệp dẫy đầy chiêu quả xấu không có ngày dứt. Giết người phải đền mạng, giết súc vật cũng phải đền mạng”.
Quý vị hãy nhớ tích xưa trong sử, ngày mà vua Tỳ Lưu Ly giết sạch giòng họ Thích-ca, Đầu Đức Phật cũng bị nhức thống thiết. Nguyên nhân từ đâu? Đó là vào kiếp quá khứ xa xưa, khi giòng họ Thích là dân làng chài và đức Phật Thích-ca là một cậu bé trong làng chài đó. Khi dân chài bắt được con cá lớn, sắp giết thịt ăn, cậu bé tiền thân Phât đã đùa nghịch lấy cây đánh vào đầu nó ba cái. Con cá lớn đó chính là tiền thân vua Lưu Ly, khi sinh làm người đã giết sạch giòng họ Thích ca, còn đức Phật cũng trả báo nhẹ là bị nhức đầu.
Chuyện này không thể không tin – nhưng báo ứng rất rõ ràng và đáng sợ. Quý vị nên quán sát cho kỹ. Vì lý do này mà Phật cấm sát sinh.
Không những Phật từ bi với con người, mà còn thương cả đến loài trùng kiến nhỏ nhoi. Bởi vì trong cái nhìn của phật, tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả nam nhân là cha, tất cả nữ nhân là mẹ”. Chúng sinh trong sáu đường trầm luân lưu chuyển, từng làm cha mẹ quyến thuộc của nhau. Vì vậy mà giết hại chúng sinh cũng xem như là giết hại cha mẹ.
Người đời không biết, không tin thuyết này nên mặc tình mặc sức giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Do vậy Thế Tôn mới chế giới cấm giết, bởi vì tất cả sinh linh đều có Phật tính. Quá khứ họ từng là cha mẹ chúng ta, tương lai cũng có khả năng thành Phật, sao ta lại dám giết hại? Chúng ta không nên có tâm giết hại.
Hiện nay, nhân loại giao tranh, đã chế đủ thứ vũ khí giết người, sát phạt nhau bất kể trên không, đất bằng hay dưới nước. Lòng người ngày càng hiểm ác, đường đời ngày càng đảo điên. Chuyện tương sát tương tàn này đến bao giờ mới dứt? Nếu không tìm cách cứu vãn thì thế gian này sẽ thành biển khổ sục sôi lòng cừu hận. Người trí nhìn không khỏi đau lòng. Quý vị phải cố gắng gìn giữ hòa bình, nỗ lực cứu vãn nhân tâm mê muội, giúp mọi người trở về nẻo chính. Hãy trọng lòng nhân chứ đừng trọng vũ lực. Đừng tham đắm mùi vị ngon hay vì lợi mà sát hại. Đừng bao giờ khởi tâm sát – nghiệp sát nếu ngưng – thì kiếp hoại sẽ dừng. Dưỡng lòng nhân là hành đúng đạo lý.
Quý vị cần quán sát cho kỹ, phải tin sâu nhân quả, phải hiểu nhân quả không sai như bóng theo hình. Nếu tin sâu nhân quả, thì trong lòng dù chưa sửa đổi, hạnh thiện cũng đã thành, vì mỗi khi hành động nghĩ suy. Quý vị không thể không cân nhắc, cho nên hành vi tự nhiên theo thiện.
Quý vị nên biết những tai họa đời này là do nhân ác trong quá khứ quý vị đà gieo. Các tai nạn như: binh đao, chiến tranh, lụt lội, hỏa tai, địa chấn… đều do quả đã chín mùi – tới lúc trổ thì quý vị phải nhận. Nhân thiện chiêu quả thiện – Bằng chứng là trong hai trận Thế giới chiến vừa qua, chỉ có Hoa kiều ở Úc là được bình an. Vì sao ư? – Vì trong tiền kiếp họ không tạo nghiệp sát. Những ai thường gặp tai nạn là do ác nghiệp, biệt nghiệp chiêu cảm. Quý vị là Phật tử thì phải hiểu thấu suốt Lý nhân quả khó nghĩ khó lường này. Nếu tin sâu nhân quả quý vị sẽ không dám giết hại. Nếu người trên thế gian này chịu giữ giới không giết hại thì tất cả vũ khí đều hóa ra vô dụng.
Giới đầu tiên, Phật cấm không sát sinh là vì muốn mọi người có lòng nhân, sống biết thương người, hộ vật, tự giải khổ cho mình và người, ai ai cũng được sống trong cảnh an lạc.
Giới thứ Hai là Không trộm cắp:
Phật dạy ngay cả cây kim cọng cỏ, người không cho chớ lấy. Song chúng sinh chỉ thấy lợi trước mắt. Do tham tâm không biết đủ. Tội nặng nhất là trộm cướp và lạm dụng của mười phương Tăng chúng. Ngay cả vật dụng của cha mẹ, Sư trưởng không cho, chớ nên lấy, nếu lấy cũng là phạm tội nặng.
Nếu quý vị thâm tín nhân quả, chẳng phạm mảy tơ thì giới hạnh tự thành. Ai cũng được vậy thì đêm ngủ chẳng cần đóng cửa.
Giới thứ Ba là Không tà hạnh:
Người xuất gia thì ly dục hẳn, còn người tại gia thì không được tà dâm. Đối với vợ, chồng người, nên giữ lòng ngay thẳng đoan chính. Do nhân duyên ái dục mà chúng sinh trăm kiếp ngàn đời bị trầm luân, cũng từ ái dục mà phát sinh trộm cắp giết hại. Thường giữ giới không tà dục tự nhiên uy nghi đức hạnh tự thành lập. Gia đình vui hòa thủy chung.
Giới thứ Tư là Không nói láo:
Người nói láo thường vì hư danh lợi dưỡng, cũng không được dối xưng mình chứng Thánh, đây là tội đại vọng ngữ sẽ bị đọa địa ngục Vô gián. Người học đạo phải cẩn trọng. Giữ giới này thì được người kính và có uy tín lớn, không cầu danh mà danh thơm tự đến, không cầu lợi mà phúc tự về.
Giới thứ Năm là Không uống rượu:
Bao gồm không dùng những chất có tính gây say, nghiện hay làm thần trí hôn mê. Người buôn bán các vật cấm này cũng bị quả báo năm trăm đời không có tay. Phạm giới này, thần trí mê mờ ắt sẽ làm nhiều điều bại hoại mất tư cách, không những phạm thêm nhiều tội ác mà còn gieo nhân ngu si vô số kiếp về sau. Do vậy mà Phật cấm.
Nếu quý vị khéo điều tâm, không theo vọng tưởng, thì ác nghiệp chẳng sinh. Nhiếp tâm là Giới, nhờ Giới sinh Định, do Định có Huệ. Quý vị khéo điều tâm thì tham, sân, si chẳng khởi, ác nghiệp chẳng còn tạo. Tự mình nhiếp tâm, làm muôn hạnh lành, nhờ vậy công phu tăng tiến, bản thân được an lạc và còn gieo ảnh hưởng lây đến người khác, cảm hóa họ thực hành theo.
Nhờ hồng ân Phật, quý vị được Qui y Tam bảo, được thọ Năm giới cấm, giải khổ cho mình. Ân chư Phật lớn lao vô ngần, dẫu nát thân này, quý vị cũng chưa thể đáp đền trong muôn một.
Nghe tôi giảng về Tam qui Ngũ giới rồi thì quý vị hãy thực hành. Hãy nghĩ xem, một thôn làng nếu trăm gia đình có được mười người giữ ngũ giới thì mười người này được an lạc. Trăm người tu Thập thiện thì trăm người sống tương kính vui hòa. Nếu nhà nhà y theo pháp Phật tu hành thì nhà nhà đều nhân từ, sống an.
Hành một việc lành là loại được một việc ác, tiêu đi một hình phạt. Cả nước thực hành điều lành thì cả nước an, được vậy thì vị Nguyên thủ quốc gia không cần nhọc nhằn lao tâm trị nước mà vẫn có thể ngồi yên, toại hưởng thái bình. Thế nên, quý vị thọ trì Năm giới không những làm theo lời Phật dạy mà còn giúp ích nhiều cho đất nước mình, bản thân quý vị chẳng những là một công dân không phạm pháp mà còn đóng góp đức hạnh duy trì sự thịnh trị, bình an cho nước nhà.
Đây là những điều kiện căn bản, bắt buộc người Phật tử phải tuân theo, xin quý vị hãy kiên tâm hành trì, không những huân vào cho mình tập khí tốt, khiến hạt giống Phật được trưởng dưỡng càng sâu. Khi hạnh giải tương ưng đầy đủ thì quý vị đến giác ngạn.
Cầu mong quý vị từ đây về sau, luôn có chánh kiến, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh tư duy, hằng tinh tấn tu hành, không những quý vị tự tu mà còn khuyên bảo người khác tu, để mình và người cùng dứt khổ. Được vậy thì ách nạn nào mà chẳng tiêu trừ. Thọ Tam qui Ngũ giới tức là quý vị chẳng làm điều ác, luôn hành điều lành, khéo điều phục tâm. Được vậy thì quý vị đã tạo công đức vô lượng, quả Phật nhất định có kỳ.
Bài giảng tại Quảng Châu:
Ý NGHĨA “TÂM BÌNH”
Chủ Nhật 27/9/1947 Đinh Hợi
Lục Tổ nói: “Tâm bình cần gì trì giới”. Tôi xin giải về hai chữ “Tâm bình”.
Nói thì dễ, nhưng hành được rất khó. Phàm phu chúng ta thường bị bát phong tức – tám gió – thổi làm điên đảo ngửa nghiêng. Tám gió ấy là lợi, suy, hủy, dự, tán, mạ, khổ, lạc. Gặp lợi thì mê đắm, bị suy thì buồn thảm, bị hủy thì sinh lòng sân, được khen thì tâm thần bay bổng, được đề cao thì tự đắc, bị mạ nhục thì uất ức oán hờn. Bị khổ thì ngửa nghiêng, được vui thì mừng đến tán loạn.
Cả ngày quý vị bị tám gió thổi bay, vậy lúc sinh tử đến làm sao ứng đối? Quý vị phải tập tu: – Khởi tâm động niệm đều bình thản, định tĩnh, hằng tu mười điều lành . Vọng là sóng trên mặt nước, phải thu nhiếp vọng về tĩnh lặng, được vậy mới mong đạt đạo.
Tu thì hãy chuyên tâm hành một pháp, đừng sáng mưa chiều nắng, thay đổi liền liền, rốt cuộc chẳng tiển đến đâu.
Mong quý vị hãy trân trọng, tinh tấn tu.
Trích: Hư Vân Niên Phổ, Thơm Ngát Hương Lan – Chương Sáu Năm Ngài 108 Tuổi