ni dạ da học phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(尼夜耶學派) Ni dạ da, Phạm: Nyàyika. Hán dịch: Chính lí, Nhân luận, Nhân minh, Nhân minh xứ. Cũng gọi Na da tu ma phái, Nhã da tu ma phái (Phạm: Ĩàya-suma). Học phái Chính lí, là 1 trong 6 phái Triết học của Ấn độ, do Kiều đáp ma (Phạm: Gautama,tứcTúc mục) sáng lập vào khoảng từ thế kỉ I, II(hoặc có thuyết nói khoảng thế kỉ III, IV). Phái này lấy kinh Chính lí (Phạm: Nyàya-sùtra,tương truyền do Kiều đáp ma soạn) làm Thánh điển căn bản. Học thuyết của kinh này lấy triết học tự nhiên và Luận lí học (Phạm:Hetu-vidyà,Nhân minh, nay gọi là logic) làm nội dung chủ yếu. Về triết học tự nhiên thì kinh này hoàn toàn kế thừa nền triết học tự nhiên của học phái Thắng luận vốn đã thành lập trước đó. Còn về Luận lí học thì trực tiếp chịu ảnh hưởng của Cáp lạp ca bản tập ( Phạm: Carakasaôhità )và gián tiếp chịu ảnh hưởng Luận lí học của luận Phương tiện tâm mà ra. Như vậy, có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, kinh Chính lí đã tập đại thành tư tưởng Luận lí học của 2 tác phẩm nêu ở trên. Trong đó, Luận lí học của phái này đặc biệt được coi là dòng chính yếu lâu dài trong lịch sử triết học Ấn độ. Sau thế kỉ X, phái này được gọi là phái Ni dạ da Thắng luận (Phạm:Nyàyavaizewika) và vì đã hoàn toàn dung hợp với học thuyết Thắng luận nên khó có thể phân biệt được mối quan hệ giữa 2 phái này. Về Luận lí học của kinh Chính lí có các sách chú thích: Bà thố da na (Phạm: Vàtsyàyana), Ưu để hữu đạt ca la (Phạm: Uddyotakara), Bà già tư bạt để di tu la (Phạm:Vàcaspati-mizra), Ưu điền diên na (Phạm: Udayana) và Chính lí từ điển (Phạm: Nyàya koza) của Tỉ ma a xà lê (Phạm:Bhìmacàrya), Cứu lí tập yếu (Phạm: Tarka saígraha) của A na bạt đạt (Phạm: Annabhatta)… Nhờ các tư liệu trên đây mà sự nghiên cứu về học phái Chính lí càng được phát triển thêm. Luận lí học của phái này đã chiếm 1 địa vị rất quan trọng trong lịch sử tư tưởng Ấn độ, nó không những chỉ có ảnh hưởng ở đương thời, mà còn mãi về sau. Luận lí học này được xây dựng trên nền tảng 4 lượng: Hiện lượng, Tỉ lượng, Thí dụ lượng và Thanh lượng. Còn hình thức biện luận thì được tổ chức bằng tác pháp 5 chi: Tông, Nhân, Dụ, Hợp và Kết. Cuối thế kỉ XII, có Càn cát sa (Phạm:Gaígeza) viết sách giải thích kinh Ni dạ da, sau hình thành học phái Tân ni dạ da. Sau thế kỉ XV, lại có phái Nô đề a (Phạm: Nadea) xuất hiện, ngày càng hưng thịnh. [X. luận Thuận trung Q.thượng; Nhiếp đại thừa luận thích Q.2; Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.1 (Khuy cơ); Ấn độ lục phái triết học cương yếu (Lí thế kiệt)].