nhục thực thê đới

Phật Quang Đại Từ Điển

(肉食妻帶) Cũng gọi Trì thê thực nhục, Trì thê đạm nhục, Súc thê đạm nhục. Chỉ cho tỉ khưu xuất gia có vợ, ăn thịt. Có vợ, ăn thịt vốn là việc của người tại gia, người xuất gia mà lấy vợ, ăn thịt (thịt ngoài tịnh nhục) là điều giới luật không cho phép. Xưa nay, đức Phật nghiêm cấm người xuất gia hành dâm, trong kinh điển nhiều chỗ nói vào thời mạt pháp trong vị lai sẽ xuất hiện loại tỉ khưu Nhục thực thê đới, như phẩm Ba bà li trong kinh Hiền ngu quyển 12 chép: Vào đời mạt thế, Chính pháp diệt hết, có hạng chính sử tỉ khưu dắt vợ bế con. Kinh Ma ha ma da quyển hạ thì nói: Vào thời mạt pháp, các tỉ khưu giống như người thế tục, cũng làm việc mai mối, cưới gả. Còn phẩm Lễ bái trong kinh Đại bi quyển 3 thì ghi: Trong đời vị lai, khi Chính pháp diệt hết, các tỉ khưu và tỉ khưu ni tay dắt con cùng nhau đi dạo, thường lui tới nơi quán rượu! Trong kinh luận Đại thừa thì nói Bồ tát tại gia được phép có vợ con. Theo phẩm Phụng bát trong kinh Đại phẩm bát nhã quyển 1, thì Bồ tát tại gia, sau khi sống cuộc đời ngũ dục là vì sức phương tiện, khi xuất gia sẽ được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Phẩm Thập hồi hướng trong kinh Hoa nghiêm quyển 15 (bản dịch cũ) thì nói: Đại bồ tát tại gia tuy có vợ con, nhưng chưa từng tạm rời tâm bồ đề. Luận Đại trí độ quyển 35 thì dẫn lời trong kinh Bất khả tư nghị nói rằng: Vợ của bồ tát Tu ma đề tên là Tu la sa nữ; vợ của bồ tát Diệu quang tên là Hỉ đức nữ… Trên đây là những trường hợp Bồ tát tại gia được phép có vợ, nhưng đối với các Bồ tát xuất gia thì tuyệt đối ngăn cấm làm hạnh bất tịnh. Còn về vấn đề ăn thịt thì các bộ phái Tiểu thừa chủ trương được dùng 9 loại thịt như sau: Không thấy giết(không thấy con vật khi bị giết), không nghe giết(không nghe tiếng con vật kêu khi bị giết), không nghi iết(không nghi ngờ con vật bị giết là vì mình), tự chết(con vật tự chết), chim ăn còn dư(con vật tự chết chim ăn không hết), thịt con vật không phải vì mình mà bị giết, thịt con vật bị chết đã khô, thịt không hẹn trước(gặp tình cờ) và thịt con vật đã bị giết trước (không phải lúc mình đến mới giết để đãi mình). Chín loại thịt trên được gọi là Tịnh nhục (thịt trong sạch) đều được phép ăn. Nhưng Đại thừa thì cho rằng ăn thịt là dứt mất hạt giống Phật đại bi, cho nên ngăn cấm hết. Tại Trung quốc, từ xưa đã có các vị tăng phá giới, thường bị dư luận chê cười, như Lí hoặc luận của Mâu tử ghi: Sa môn đương thời phần nhiều uống rượu, có vợ, thậm chí lừa dối, gạt gẫm để vơ vét tài vật của người, thật là bọn giặc hại đời!. Ở Nhật bản, trước thời đại Minh trị, nói chung, chư tăng đều bị cấm chỉ lấy vợ, ăn thịt. Nhưng từ thời Bình an về sau đã có 1 số tăng lữ có vợ, ăn thịt và việc này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Đến thời sư Thân loan –Tổ khai sáng của Tịnh độ chân tông– xóa bỏ truyền thống xuất gia, áp dụng sinh hoạt tại gia thì đã hình thành tông phông ăn thịt, lấy vợ. Từ đời Minh trị trở đi thì tất cả các tông phái Phật giáo Nhật bản cũng đều cho phép ăn thịt, có vợ, chủ trương hiện đại hóa và đại chúng hóa Phật giáo.