NHÂN DUYÊN HỌC
Hòa Thượng Thích Thái Hòa

 

Nhân duyên học là gì? Nhân duyên học là học về giáo lý do Đức Phật dạy có nội dung về nhân duyên và nhân quả. Nhân, tiếng Phạn gọi là Hetu. Duyên, tiếng Phạn gọi là Pratya và Quả, tiếng Phạn gọi là Phala.

Nhân hay hetu là năng lực hay động cơ tác động; Duyên hay pratya là những điều kiện tương tác, hỗ trợ khiến cho từ nhân sinh khởi quả và quả hay phala là kết quả hình thành do quá trình tác động thành tựu của nhân và duyên.

Nhân duyên, nhân quả là một thực tại khách quan, là chân lý phổ biến cho mọi hiện hữu. Ở trong đời, không có sự hiện hữu nào là không hiện hữu từ nhân duyên, nhân quả. Nhân thiếu duyên, quả không thể sinh. Quả thiếu duyên, quả tự hủy diệt. Và nhân thiếu duyên, nhân luôn luôn ở trong trạng thái tiềm ẩn.

Sở dĩ con người bị rơi vào đời sống tà kiến và luân chuyển trong khổ đau là do con người không giác ngộ được đạo lý nhân duyên, nhân quả.

Ở trong đời, người nào gieo nhân thiện, lại được yểm trợ bởi duyên lành, người ấy ắt hẳn sẽ gặt quả vui. Người nào gieo nhân ác, lại được hỗ trợ bởi duyên xấu, người ấy nhất định sẽ gặt quả khổ. Người nào gieo nhân ác, lại được yểm trợ bởi duyên lành, quả khổ sẽ đến với người ấy không có toàn vẹn. Người nào gieo nhân thiện, lại được yểm trợ bởi duyên xấu, quả lành  sẽ không thành tựu toàn vẹn đối với người ấy.

Nhân duyên, nhân quả là đạo lý sống động, thẳm sâu, vi diệu, liên hệ chằng chịt giữa tâm và vật, giữa tác ý và hành động, giữa chủ thể và đối tượng, giữa đời này và nhiều đời về trước, giữa đời này và với nhiều đời về sau, giữa người này với người kia, giữa người này với nhiều người kia, giữa con người với muôn loài, giữa muôn loài với con người, giữa con người với thiên nhiên và toàn thể vũ trụ, và nhân duyên, nhân quả còn có sự tương tác khiến liên hệ giữa con người với những thế giới khác,…

Và trong sự liên hệ trùng trùng duyên khởi với nhau như vậy, “khiến cho cái này có là cái kia có; cái này không là cái kia không. Cái này diệt là cái kia sinh và cái kia sinh là cái này diệt. Khiến cho cái này có mặt trong cái kia và cái kia có mặt trong cái này, chúng làm nhân duyên tự nội cho nhau. Trong cái một có cái tất cả và trong cái tất cả có cái một. Chúng hòa điệu tuyệt đối với nhau, khiến cho cái này làm nhân, thì cái kia làm duyên; khiến cái kia làm nhân, thì cái này làm duyên; khiến cho cái này làm chủ thể, thì cái kia làm đối tượng, và cái này làm đối tượng, thì cái kia làm chủ thể”…..