PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước
Nguồn Gốc Chinh Cổ Trong Phật Giáo
Chinh cổ là cái trống làm bằng kim loại, còn gọi là chung cổ, thường cổ, “Chinh” từ Việt gọi là cái chiêng, còn gọi là chiêng và trống nói nhập chung lại.
Chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính lớn nhỏ bất đồng, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm hoặc dùng tay để đánh, kích cỡ càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.
Trong các Pháp hội, khi bắt đầu thì đánh trống để thông báo, có khi đánh trước giờ niệm Phật, trong điển tích xưa có đề cập đến danh từ chiêng và trống này, tức là cái nhạc khí được sử dụng trong vũ đạo, nhã nhạc và âm nhạc Phật Giáo.
Ngày nay, Chiêng là một trong các pháp khí được dùng hằng ngày tại các chùa Nhật Bản, hai bên phía ngoài trống có vòng để móc, dùng để treo lên giá gỗ. Tại Việt Nam ngoài việc sử dụng theo nghi thức tòng lâm ra, có khi sử dụng trong các lễ rước kiệu Phật, nghi trượng nghinh thỉnh Chư tôn đức trong các Pháp sự.
Trong vũ nhạc thường dùng hai cái trống lớn, nhưng hiện nay chỉ có một cái trống treo trong bái đường, đời sau hình dáng trống được thu nhỏ lại và để trên cái giá có ba chân, khi niệm Phật thì dùng dùi gỗ gõ lên mặt trống và tiếng niệm Phật hòa vào nhau./.