PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Lư Hương Trong Phật Giáo

Lư hương là Khí cụ dùng để đốt hương cũng gọi là Huân hương.

Trong phẩm phân biệt công đức thứ 5 Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 6 chép, Kim Quang Minh tối thắng Vương kinh, Tịnh Phạn Vương thiết bàn kinh, Đại từ An tự Tam Tạng Pháp sư tuyên quyển 6 đều đề cập đến lư hương. Lư hương là một trong bộ “Tam cụ túc” sở dĩ gọi tam cụ túc là vì trên bàn Phật thường để lư hương, bình hoa, chân đèn. Lư hương là một trong 18 vật mà các Tỳ kheo phải mang theo.

Chất liệu để làm lư hương có : Vàng, bạc, đồng, sắt, cũng có khi dùng ngọc thạch, đá quý, đá thường, ngà voi, lưu ly … Lại có khi dùng sành sứ, đất nung …

Lư hương có 2 loại chính : Một loại để trên bàn và một loại dùng để cầm tay. Loại cầm tay thì có cán thường thì người ta gọi lư hương để trên bàn là cúng lư, tòa lư. Còn lư hương có cán gọi là thủ lư.

Cúng lư (Tòa lư) là phân làm 3 dùng để cắm nhang đứng gọi là sáp lư hương; dùng để đặt nhang vòng gọi là “ngựa hương cổ”, ra còn một loại để đốt đàn hương gọi đó là “đàn hương lô”.

Hình dạng của lư hương thì có: hình bảo đảnh, hình cái đấu vuông (phương đấu hình) cũng có loại hình sư tử, hình con hạc, hình hoa sen, lại có “hỏa xá lư hương” 2 tầng. Trong những hình ấy có khi người ta khắc chạm hoa văn rồng phụng, quỷ thần, kệ ngữ …

Thể tích lớn nhỏ của lư hương có sự sai biệt rất lớn, cỡ lớn thì đường kính của miệng cỡ 2,3 thước, cỡ nhỏ thì có cái nhỏ như chum uống rượu, đến như tên gọi tùy theo chất liệu và hình dạng không giống nhau mà xuất hiện nhiều danh mục như : Lư hương vàng, lư hương bạc, lư hương đồng, lư hương sắt, lư hương đá, lư hương đất nung, lư hương hình rồng phụng, lư hương hình sư tử, lư hương bảo đảnh, lư hương như cái đấu vuông, lư hương hình hoa sen …

Thủ lư: là một loại lư hương có cán dùng để cầm trên tay, đây là loại lư hương để cầm đi khi hành lễ, hình dạng của nó như trong thích thị yếu lãm dẫn bộ pháp uyển châu lâm chép : Thuở xưa có 16 sư tử, bạch tượng, ở trên đầu 2 loài thú này nổi lên hoa sen dùng để làm lư. Sau sư tử ngồi xổm, trên đảnh có 9 con rồng, quấn quanh đỡ hoa sen. Trong hoa có đài bằng vàng để đựng hương. Lúc Phật nói pháp, thường cầm lư này. Thủ lư ngày nay được chế na ná như vậy. Về chất liệu thì dùng gỗ, ngọc thạch cũng có khi dùng gang đồng… để tạo thành.

Thời gian gần đây thấy thủ lư dài chừng 1 thước mấy (tàu), hình dạng phần nhiều là dùng đầu rồng làm lư, thân cá làm cán, hoặc dùng hoa sen làm lư, như ý làm cán. Nếu so với thủ lư trong thời gian đầu thì khác quá xa.

Sử dụng thủ lư phần lớn là dùng trong lúc thế độ (xuất gia), lễ sám, phụng thỉnh. Đầu lư là để cắm hương, hai tay cầm cán cũng có khi cắm thêm hoa tươi để cúng dường.

Cách cầm thì có: cầm ngang, cầm thẳng, nếu không có người làm cản trở thì có thể cầm thẳng. Khi cầm thẳng thì đầu thủ lư hướng về trước, cán hướng ra sau, nếu ở trong chúng, có nhiều người cản trở thì nên cầm ngang. Lúc cầm ngang thì tay trái đỡ đầu thủ lư, tay phải cầm cán. Nếu cầm thủ lư để lễ bái thì cầm tay ngay ngực lưng từ từ khom xuống. Sau khi quỳ xuống xong nâng thủ lư ngang trước trán. Lễ xong khi đứng dậy, nâng lư ngang mày. Nếu cầm thủ lư để vấn tấn, thì tay phải cầm cán lư, tay trái đỡ đầu thủ lư, khom người xuống, sau đó khởi thân đứng thẳng.