NGHĨ VỀ CÀNH MAI MÃN GIÁC
Nguyễn Thị Xuân Mai

 

Như món quà để lại cho đời, trước lúc đi xa vĩnh viễn các thiền sư thường đọc lên một bài kệ ngắn. Đó là một hình thức di ngôn, nói lên chứng nghiệm sau cùng của thiền sư về lẽ sống chết của con người. Trong chiều sâu của thăm thẳm của thế giới thiền học, có bao nhiêu bài kệ mà sao gần 1.000 năm qua, cành mai Mãn Giác vẫn sừng sững trong tâm thức muôn người?

Ra đời từ thông lệ, nhưng cả bài kệ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư1 là một sự phá vỡ lẽ thường. Ngay từ hai câu đầu, khi thể hiện quy luật vận hành bất biến của vũ trụ, ông đã gieo vào ta một bất ngờ. Có một rạn nứt mơ hồ xuất hiện trong nhận thức cố hữu của ta: thông thường, người đời nghĩ đến rồi mới đi (đáo – khứ) nở rồi mới rụng (khai – lạc), với Mãn Giác thì ngược lại:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai.
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa nở).

Tại sao vậy? Có lẽ trước hết đơn giản vì đó chính là sự trải nghiệm thực tại của cá nhân thiền sư, trong khoảnh khắc ông một mình đứng trên triền dốc, ngắm nhìn ánh hoàng hôn của đời mình. Bắt đầu bằng đi (khứ) vì ta sắp đi, xuất phát từ mối liên hệ với ta, một tâm trạng thực, chứ không là một tư duy giáo lý. Đồng thời, đó cũng là một phong cách tư duy căn bản của Thiền học mà thiền sư thấm nhuần: đập vỡ cái định kiến thường hằng để đưa về một thức tỉnh mới.

Nhưng ta là ai? Không có đất trời này thì ta làm sao có? Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không (Từ Đạo Hạnh). Tách biệt khỏi vũ trụ thì còn chi phận người? Cái tôi phương Đông, cái tôi thiền học, chính là cái tôi giữa muôn vàn duyên khởi. Lại cũng ở hai câu thơ đầu, cấu trúc từ ngữ toát lên hình ảnh: Những đổi thay nhỏ trong một trường tồn lớn, sự đổi thay có tính chu kỳ, không phải là một mất đi, lìa đứt hẳn.

Tuy nhiên, con người không phải là cây cỏ. Con người còn gắn liền với cõi thế, để rồi kinh qua suốt cuộc đời dài, con người không còn là sản phẩm thuở ban sơ của đất trời. Con người đã được in dấu vết trần gian: Sự trục nhãn tiền quá (Việc đời ruổi nhau qua trước mắt), và hơn nữa, con người còn biết soi rọi vào chính mình, nhận ra mình biến đổi trong vô vàn tương xung rối rắm: Lão tòng đầu thượng lai (Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu). Lão, đây thuần tuý là hình ảnh chỉ sự suy tàn về thân xác hay là một sự chín muồi về tâm linh? Là kết quả của quy luật tự nhiên hay là do sự đào luyện của con người qua cõi trần? Câu nói thật là đa nghĩa, đa thanh, có thể vui mà cũng lắm ngậm ngùi. Nhưng có lẽ trên hết là một ý thức tràn đầy về sự hiện hữu của mình: Ta già rồi, nghĩa là hành trình làm người của ta không còn bao nhiêu nữa, mối gắn bó của ta với cõi trần này chỉ còn mảnh như sợi tơ, mong manh trước gió. Và nếu con người có niềm tự hào “không giống cỏ cây thì con người cũng có niềm đau một đi không trở lại”.

Nhưng kìa:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

(Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết).

Thiền sư đang nói với mình hay nói với người? Ông đang hy vọng hay là đã xác tín? Chỉ biết rằng, ông im lặng đưa bàn tay lên mà chỉ chúng ta:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Đêm qua một cành mai đã nở trước sân).

Không! Mãn Giác thiền sư không định xoa dịu nỗi khắc khoải tuyệt vọng của chúng sinh bằng một sắc mai vàng, cũng không rao giảng về lẽ sắc sắc, không không hay quy luật sinh hóa vô thủy vô chung của đất trời. Một lần nữa, thực tại và những điều trông thấy đã làm ông phá chấp. Dường như ông nói với chúng sinh: Đừng băn khoăn nhiều về lẽ tử sinh trừu tượng mơ hồ. Hãy bớt run sợ trước quy luật lạnh lùng của tạo hóa. Và nhìn kia, thực tại là khác hẳn: đa dạng, phong phú, bất ngờ!

Kỳ lạ thay, cái thông tuệ của cuộc đời 45 năm trần thế! Cho đến đầu thế kỉ XXI này, khi nhân loại tưởng chừng có thể ngạo nghễ thách thức thiên nhiên, có thể làm thay tạo hóa thì một nhà thơ lạc quan nhất cũng chỉ có thể hy vọng: Như ngọn cỏ tàn, đến tiết lại trồi lên (Chế Lan Viên), một chờ mong tái sinh thuận theo vũ trụ. Còn Mãn Giác thiền sư, gần 1.000 năm trước, đã mang khát vọng cưỡng lại quy luật bình thường: Ngay cả trong ngày xuân tàn vẫn có một cành mai nở. Và là mai, chứ không thể là hoa (một khái niệm chung chung, bất định). Chỉ một cành thôi: nhất chi (mai). Có một cành mai ở nơi này trong tầm mắt ta, thì cũng có thể có một cành mai khác ở nơi mà ta chưa thấy tới. Nhưng dù sao, đã là nhất thì không thể tượng trưng cho cái phổ biến, tượng trưng cho tất cả.

Trên tro tàn, gạch vụn, và hư ảo của bể dâu, bất chấp cái khuôn khổ thời gian hạn định mà tạo hoá dành cho muôn loài, cành mai ấy đã âm thầm tích tụ nguồn nhựa nguyên sơ để hồi sinh, nảy lộc, trổ bông. Và rồi một đêm, bừng nở, không cần đợi ánh mặt trời: một sự tồn sinh hoàn toàn tự do, tự tại!

Cáo tật thị chúng đã vượt qua tính chất suy tưởng thuần tuý của triết học để trở thành thi ca. Hấp thu cái ngôn ngữ sơ khai hình tượng của đất trời và cái uyên áo của thiền, nó đã trở thành một bài thơ toàn bích.

Không hề dụng công nhưng toàn bài kệ là một cấu trúc ngôn từ cực kỳ tinh diệu. Nó phả lại nhịp đập sống động, ào ạt của dòng sông tồn sinh qua năm câu thơ đầu:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.

Mỗi câu chỉ 5-6 chữ lại có đến hai động từ, mà hầu hết là động từ chuyển động: Khứ lạc / đáo khai / trục quá / tòng lai / vị lạc. Bỗng dưng xuất hiện một câu thơ hoàn toàn vắng bóng động từ:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Một câu kết sững lại, như cái bờ đê chắn dòng nước trôi xuôi, hay là chiếc cọc neo dòng thời gian không hề ngừng nghỉ?

Thế nhưng cũng chính đây lại là nơi thể hiện rõ cái bản lĩnh trác việt của bậc thiền giả ngộ đạo. Chấm dứt ở hình tượng bất động đó ư? Dẫu hiểu ngầm là cành mai nở, vẫn cảm giác một cái gì cố định không chuyển hoá sinh sôi. Mà tự bản chất, thiền học lại muốn chuyển đạt hết cái tự do, phóng nhiệm, sáng tạo của đất trời đến với con người.

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai… Ồ không, đó là cành mai của đêm qua. Nghĩa là bây giờ đã là một ngày mới. Cành mai chỉ lưu lại như một khoảnh khắc bừng thức tâm linh của Mãn Giác, còn trong dòng thời gian mải miết chảy về phía chúng ta và sau đó nữa, cành mai ấy lại hoá thân, tiếp tục nở hoa và tàn lụi: câu trả lời đó phải nằm trong sự sống của mỗi con người.

Bất giác tôi liên tưởng đến pháp danh mà bậc chăn dân sáng suốt của thời đại ấy đã dâng tặng thiền sư: Mãn Giác. Mãn Giác thiền sư: một nhà sư trọn vẹn thấu hiểu, tràn đầy thông tuệ. Còn có sự tôn vinh nào xứng đáng hơn cho bậc thiền giả này?