MÙA XUÂN DI LẶC
Tuệ Quán

 

Lễ vía Đức Phật A Di Đà vào ngày đầu năm Tết Nguyên đán, vào ngày mùng một Tết Âm lịch. Lễ Giao thừa mừng xuân mới đồng thời cũng là lễ kỷ niệm  Đức Phật Di Lặc đản sinh.

Mùa xuân khí trời mát mẻ, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn loài hân hoan, vui vẻ. Con người cũng hạnh phúc, vui tươi, bao dung và tha thứ… Lời chúc đầu năm mọi người chúc nhau  hạnh phúc, tươi vui, khỏe mạnh, an lạc. Đây là mong muốn, mơ ước chính đáng của con người, nhưng thực tế làm sao để có được hạnh phúc an vui một mùa xuân miên viễn? Nhà Phật không chỉ chúc suông, không chỉ mơ ước xa vời, mà rất thực tế gần gũi qua hình tượng và những lời dạy bảo của Bồ tát Di Lặc.

Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu về thế giới siêu nhiên và duy nhất có Thiện Tài thâm nhập được để tiếp tục học đạo với Di Lặc Bồ tát. Theo kinh Nguyên thủy, có duy nhất Bồ tát Di Lặc  được Phật thọ ký thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm  đặt nặng vấn đề  người hành Bồ tát đạo cần học với Di Lặc, vì Ngài thừa kế sự nghiệp của Đức Thích Ca.

Trong Lịch sử Thiền tông, Bố Đại Hòa thượng là hóa  thân của Bồ tát Di Lặc. Đương thời không ai biết, Ngài hóa đạo tùy duyên, hoan hỉ và tự tại, thường mang một túi vải lớn, miệng lúc nào cũng cười tươi, Ngài hay chơi với trẻ em và phát quà cho chúng.

Ngài để lại bài kệ:

Di Lặc – Chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn luôn bảo người đời
Người đời tự chẳng biết.

Hình tượng Đức Phật Di Lặc mập mạp phúc hậu với cái bụng lớn, gương mặt rạng ngời với nụ cười an lạc. Ngài hay mang một túi vải lớn, chứa rất nhiều châu báu và hay phân phát cho trẻ em. Hình tượng Ngài ngồi thỏa mái, nụ cười vui tươi sảng khoái, mặc cho sáu đứa bé xung quanh chọc phá. Đứa thì lấy tay chọc vào mắt Ngài, đứa thì ngoáy vào tai Ngài, đứa thì lấy ngón tay nhét vào mũi ngài, có đứa nghịch ngợm cạy vào miệng Ngài, đứa thì chọc vào nách, xoa bụng Ngài,… Sáu căn Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý, đây vốn là sáu tâm vương, xúc chạm sáu trần tương ưng: sắc thanh hương vị xúc pháp, sinh ra sáu thức: Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý thức. Đây vốn là Diệu Như Lai Tạng, nhưng vì vô minh không rõ, thay vì giải thoát, an lạc thành ra phiền não, như trong kinh Lăng Nghiêm nói:

Tri kiến lập tri tức vô minh bổn
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn.
(Thấy biết mà lập thấy biết, đó là gốc vô minh
Thấy biết mà không lập thấy biết, đó chính là Niết bàn).

Bồ tát Di Lặc ngồi an nhiên thoải mái, mặc cho sáu giặc lộng hành. Đối với sáu giặc này, mặc dù quậy phá người đời điên đảo, Ngài khéo hàng phục, chúng nó trở thành những đứa bé ngoan hiền dễ thương. Đây là diệu dụng của Tâm. Sáu căn luôn đối duyên, xúc cảnh với sáu trần, nhưng không hề dính mắc bởi sáu trần, nên Ngài luôn an lạc, với túi châu báu sẵn có, đem ra ban phát cho cuộc đời. Đây là diệu dụng, là châu Như Ý từ kho Như Lai vô tận…

Di Lặc cũng được coi là  biểu tượng của sự hài hòa, niềm vui vô tư lự. Chỉ cần nhìn ngắm khuôn mặt Phật, người buồn phiền  cũng thấy vui lên. Niềm vui lớn nhất của vị Bồ tát này là  biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực hay căng thẳng của con người thành hạnh phúc. Nụ cười nội tâm của Di Lặc luôn tỏa sáng trên  khuôn  mặt hiền từ. Phật xuất hiện ở  đâu, ở đó có hạnh phúc.

Một người trở lại được Nguồn Chơn, dù vẫn sống giữa cảnh đời loạn động, trong tâm luôn an lạc, tùy duyên thuận pháp vào đời với Tâm Như Lai bất động. Thật không còn gì ý nghĩa hơn với ẩn dụ Phật Di Lặc xuất hiện ở đời với mùa xuân miên viễn.

Thời bây giờ, hình tượng Phật Di Lặc thật đa dạng. Tượng trưng cho sự thịnh vượng, Ngài cầm thỏi vàng, đồng tiền hay túi châu báu. Ẩn dụ cho sức khỏe và trường thọ, Ngài cầm hồ lô. Ẩn dụ cho may mắn, Ngài cầm gậy Như ý… Rồi theo phong thủy, họ đặt tượng Ngài theo hướng này, hướng kia để có tài lộc, may mắn,… Vô tình họ biến Phật Di Lặc thành ông Thần tài cầu phước tài lộc, mà không thấy được ý nghĩa thiết thực của việc tu học, ứng dụng lợi ích của Phật pháp trong cuộc sống như thâm ý của Ngài.

Đức Phật Di Lặc là do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu, hiện là Bồ tát ở cung trời Đâu Suất, thời vị lai sẽ thành Phật ở hội Long Hoa. Trong Thiền tông quan trọng việc tu tập thiết thực ngay nơi cuộc sống hiện tại. Hành giả công phu sáng tỏ trở về nguồn là hiện thân mùa xuân Di Lặc an vui hạnh phúc miên viễn.

Kết thúc, xin giới thiệu bài kệ của ngài Phó Đại sĩ,  theo lịch sử Thiền tông ghi lại, cũng là hóa thân của Bồ tát Di Lặc:

Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng thức dậy
Đứng ngồi vẫn theo nhau
Nói nín chung ăn ở
Mảy may không cách biệt
Giống hệt hình với bóng
Muốn biết chỗ Phật đi
Chính ngay tiếng nói này.

Lại nói:

Có vật trước trời đất
Không hình vốn tịch liêu
Hay làm chủ muôn vật
Chẳng theo bốn mùa tàn.