Bhagavat và mười hiệu
Thích Nhất Chân soạn
Kinh: Bà Già Bà.
Luận: Giải thích: Thế nào gọi là Bà Già Bà?
– Bà Già Bà, thì “Bà Già” có nghĩa là “đức”, còn “Bà” có nghĩa là có (hữu), như thế [trọn chữ] có nghĩa là “có đức” (hữu đức).
– Lại nữa, “Bà Già” có nghĩa là phân biệt, “Bà” có nghĩa là khéo léo (xảo: khéo léo phân biệt tổng tướng và biệt tướng của các pháp, nên gọi là Bà Già Bà.)
– Lại nữa, “Bà Già” nghĩa là danh tiếng (danh thanh), “Già” nghĩa là “có”, như thế [trọn chữ] có nghĩa là “có danh tiếng” (hữu danh thanh): không có ai có được danh tiếng như Phật, như Chuyển Luân Thánh Vương, Đế Thích, Phạm Thiên, các vị Hộ Thế, không ai bằng được Phật (vô hữu cập Phật), thì huống gì là các hàng phàm thứ. Tại sao vậy? Chuyển Luân Thánh Vương vẫn tương ưng với các kết, còn Phật thì đã lìa khỏi các kết; Chuyển Luân Thánh Vương chìm đắm trong vũng lầy sinh lão bệnh tử, còn Phật đã vượt qua khỏi (độ); Chuyển Luân Thánh Vương là tôi mọi (nô bộc) cho ân ái, còn Phật thì vĩnh viễn lìa khỏi; Chuyển Luân Thánh Vương ở trong chốn hiểm họa của thế gian hoang dã (thế gian khoáng dã), Phật đã lìa khỏi được; Chuyển Luân Thánh Vương ở trong bóng tối của vô minh (vô minh ám), còn Phật thì ở trong ánh sáng đệ nhất (đệ nhất minh); Chuyển Luân Thánh Vương nhiều nhất là thống lĩnh bốn thiên hạ, còn Phật thời thống lĩnh vô lượng thế giới; Chuyển Luân Thánh Vương chỉ có tài sản là tự tại, còn Phật mới có tâm tự tại; Chuyển Luân Thánh Vương tham cầu sự sung sướng kiểu cõi trời (thiên lạc), còn Phật thì cho đến sung sướng của trời Hữu Đỉnh ngài cũng không tham đắm; Chuyển Luân Thánh vương tìm cầu sung sướng nơi những người khác, còn Phật thì tự an lạc ngay trong tâm ngài. Do các nhân duyên ấy, nên Phật hơn hẳn (thắng) Chuyển Luân Thánh Vương.
Ngoài ra các vị Đế Thích, Phạm Thiên, và Hộ Thế cũng giống như vậy, song các vị này so với Chuyển Luân Thánh Vương thì có hơn ít phần.
– Lại nữa, “Bà Già” có nghĩa là “phá”, “bà” có nghĩa là “có khả năng”: Do bậc người này có khả năng phá tan dâm, nộ và si nên được gọi là Bà Già Bà.
Hỏi: Như A La Hán, Bích Chi Phật, cũng phá được dâm, nộ và si, thì có gì khác với Phật?
Đáp: A La Hán, Bich Chi Phật, tuy phá được ba độc, song thói tiêm nhiễm (khí phần) chưa dứt hết ví như hương ở trong bát, [sau đó] tuy hương đã đi rồi, mà mùi vẫn còn y nguyên, lại như cây cỏ củi (thảo mộc tân) bị lửa thiêu bốc thành khói, song tro than (thán hôi) còn lại không tan hết, là do sức lửa yếu (bạc) vậy. Phật thời ba độc đã vĩnh viễn dứt hết không còn sót lại chút gì (tận vô dư), ví như vào lúc kiếp tận, lửa thiêu núi Tu Di, tất cả đất đai đều tận diệt, không có khói cũng không có than. Như thói nhiễm sân giận còn sót lại (sân khuể dư tập) của ngài Xá Lợi Phất, thói nhiễm dâm dục còn sót lại (dâm dục dư tập) của ngài Nan Đà, thói nhiễm kiêu mạn còn sót lại (mạn dư tập) của ngài Tất Lăng Già Bà Sa. Ví như người bị cùm, lúc mới được cởi ra đi đứng vẫn chưa được tự nhiên (hành du bất tiện).
Lúc ấy, Phật xuất khỏi thiền, đứng dậy đi kinh hành, La Hầu La theo Phật kinh hành. Phật hỏi La Hầu La tại sao gầy ốm (luy sâu) vậy? La Hầu La nói kệ trả lời Phật:
Nếu ai ăn dầu thì có sức
nếu lại ăn tô tốt sắc vẻ (hảo sắc),
ăn rau mè cặn (ma chỉ thái) thiếu sắc lực
Đại Đức Thế Tôn xin hiểu lấy.
Phật hỏi La Hầu La: “Trong chúng này ai là Thượng Tọa?” La Hầu La trả lời: “Hòa Thượng Xá Lợi Phất.” Phật nói: “Xá Lợi Phất ăn đồ ăn bất tịnh.”
Khi ấy, Xá Lợi Phất nghe lời nói ấy đến tai (chuyển văn thị ngữ), lập tức nôn đồ ăn ấy ra (thổ thực), rồi tự phát thệ rằng: “Từ ngày hôm nay trở đi, không nhận lời mời của ai nữa (bất phục thọ nhân thỉnh).”
Bấy giờ, vua Ba Tư Nặc, trưởng giả Tu đạt đa v.v…, mới đi đến gặp ngài Xá Lợi Phất (lai nghệ Xá lợi phất sở), nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Phật đã không chịu không có cớ gì mà nhận lời mời của người ta (bất dĩ vô sự nhi thọ nhân thỉnh). Nay Đại Đức Xá Lợi Phất cũng không chịu nhận lời mời, hàng bạch y chúng tôi làm sao có được niềm tin lớn thanh tịnh?” Xá Lợi Phất trả lời: “Đại sư Phật của tôi có nói là ‘Xá Lợi Phất ăn đồ ăn bất tịnh!’ Nay tôi không được (bất đắc) nhận lời mời của người ta nữa.”
Do đó, vua Ba Tư Nặc với các vị kia mới đến gặp Phật (chí Phật sở), bạch Phật rằng: “Phật không thường nhận lời mời của người ta, nay ngài Xá Lợi Phất cũng không nhận lời mời của người ta nữa, chúng con làm sao mà tâm được đại tín? Xin Phật hạ lệnh (sắc) cho ngài Xá Lợi Phất phải nhận lời mời của người ta trở lại!” Phật nói: “Người ấy tâm cứng rắn (kiên) lắm, không thể lay chuyển được đâu!” Lúc ấy Phật mới dẫn nhân duyên bổn sinh của ngài Xá Lợi Phất như sau: Xưa có một vị quốc vương nọ bị rắn độc cắn phải. Lúc ấy vua sắp chết (dục tử), kêu các lương y khiến trị độc của rắn. Lúc ấy các thầy thuốc nói rằng: “Phải bắt chính con rắn ấy hút (sóc) độc ra, thì khí độc mới hết.” Lúc ấy các thầy thuốc mới sắp đặt chú thuật, con rắn cắn vua kia mới do đó mà tìm lại chỗ vua. Các thầy thuốc chất củi nhen lửa lên, ra lệnh cho rắn “Hãy hút lại độc của ngươi, nếu mà không vậy, thì phải vào trong lửa này!” Rắn độc suy nghĩ: “Ta đã nhổ độc ra, thì sao lại hút trở lại? Việc này đành chết thảm! (thử sự kịch tử)“. Nghĩ xong quyết ý, lập tức bò vào lửa [chịu chết]. Rắn độc lúc ấy chính là Xá Lợi Phất, đời đời tâm kiên quyết như thế, không thể lay động được.
Lại nữa, trưởng lão Tất Lăng Già Bà Sa thường hay bị đau mắt (thường hoạn nhãn thống). Ngài ấy khất thực, thường hay đi ngang qua sông Hằng, khi đến bên bờ sông Hằng, búng ngón tay nói: “Tiểu tỳ! ngưng lại, không chảy nữa.” Giòng nước lập tức phân hai ra, ngài mới đi qua được mà khất thực. Vị thần sông Hằng này đến gặp Phật (đáo Phật sở), bạch Phật rằng: “Đệ tử của Phật ngài Tất Lăng Già Bà Sa thường hay mắng tôi là ‘Tiểu tỳ ngừng lại, không chảy nữa!’ Phật nói: “Tất Lăng Già Bà Sa, hãy tạ lỗi (sám tạ) với Hằng thần”. Tất Lăng Già Bà Sa lập tức chắp tay nói với Hằng thần: “Tiểu tỳ, đừng có giận (sân). Nay ta tạ lỗi với ngươi!” Lúc ấy đại chúng đều bật cười: tạ lỗi làm sao mà lại thành mắng như thế! Phật nói với Hằng thần: “Ông thấy Tất Lăng Già Bà Sa chắp tay tạ lỗi hay không? Tạ lỗi không hề kiêu mạn, mà vẫn ăn nói như thế, thì phải hiểu lời nói ấy không phải là ác [ý]. Người này trong năm trăm đời nay, thường sinh vào nhà Bà la môn, thường thấy mình là cao quý (kiêu quý), khinh thường các người khác. Do thói quen lâu đời ấy (bổn lai sở tập), nên miệng nói thế thôi, chứ tâm không kiêu gì hết. ”
Do đó các A La Hán tuy đoạn kết sử, mà vẫn còn sót lại thói quen (dư khí). Còn như chư Phật Thế Tôn, hoặc người ta có dùng đao ma cắt một cánh tay của ngài, hoặc người ta có dùng hương chiên đàn mà thoa (nê) suốt một cánh tay của ngài, thì với ngài cũng chỉ như là mắt phải và mắt trái, tâm không hề có thương có ghét (tâm vô tắng ái), cho nên ngài vĩnh viễn không còn tập khí nữa. Chiên Xà Bà la môn nữ đeo bát hủy báng Phật, ở giữa đại chúng nói rằng: “Ông làm tôi có mang (hữu thân) mà sao chẳng biết lo? Phải cung cấp cho tôi quần áo, thức ăn, chứ sao lại không biết xấu như thế, mà đi dối gạt người khác! Lúc ấy, năm trăm thầy Bà la môn đồng đưa tay lên la lớn: “Phải, phải, chúng tôi đều biết chuyện này!” Lúc ấy, Phật không hề biến sắc (vô dị sắc), cũng không hề lộ vẻ gì ngượng nghịu (vô tàm sắc). Sự việc ấy lập tức khai bày ra hết (chương lộ), mặt đất chấn động lớn, chư thiên cúng dường, rải các danh hoa, tán thán đức hạnh của Phật, Phật không có chút vẻ gì vui thú (vô hỉ sắc).
Lại nữa, Phật ăn lúa ngựa, cũng không có gì sầu buồn (ưu thích), Thiên Vương dâng đồ ăn, đủ hết trăm vị, cũng không lấy đó làm thích thú (bất dĩ vi duyệt). [Trước sau] chỉ một tâm chứ không hai (nhất tâm vô nhị) Đối với đủ các thứ ăn uống, y phục, giường nằm, khen chê (tán ha), khinh kính v.v… như thế, tâm ngài không có gì khác nhau (tâm vô dị). Ví như vàng thật (chân kim), đốt nung đập mài (thiêu đoán đả ma), đều không chút tăng hay tổn. Do lẽ đó, A La Hán tuy đoạn kết đắc đạo, song vẫn còn có tập khí, không được xưng là Bà Già Bà.
Hỏi: Bà Già Bà chỉ có mỗi danh xưng ấy, hay còn có các danh xưng khác nữa?
Đáp: Phật có công đức vô lượng, nên danh hiệu cũng vô lượng, song danh xưng này được coi là vĩ đại (thử danh thủ kỳ đại), là do vì được nhiều người biết đến (dĩ nhân đa thức cố).
Như Lai (Tathàgata)
Đa Đà A Già Đà
Lại có danh xưng là Đa Đà A Già Đà. Tại sao gọi là Đa Đà A Già Đà? [Vì ngài] hiểu đúng như tướng của pháp, nói đúng như tướng của pháp (như pháp tướng giải, như pháp tướng thuyết).
“Như” chư Phật đi lại [trên] con đường an ổn, Phật đây cũng đúng y như vậy, không còn đi đến hữu đời sau (hậu hữu) nữa, cho nên ngài được gọi là Đa Đà A Già Đà.
Ứng Cúng
(Arhat) A La Ha
Lại có danh xưng là A La Ha. Tại sao lại gọi là A La Ha? “A La” có nghĩa là [quân] giặc (tặc), “ha” có nghĩa là giết (sát), như bài kệ sau đây:
Phật lấy nhẫn làm giáp (khải),
tinh tiến làm giáp cứng (cương giáp),
trì giới làm ngựa lớn,
thiền định làm cung tốt (lương cung),
trí huệ làm tên hay (hảo tiễn),
ngoài phá quân Ma vương,
trong diệt giặc phiền não,
gọi là A La Ha.
Lại nữa, “A” có nghĩa là “không” (bất), “La Ha” có nghĩa là sinh, thế có nghĩa là “không sinh” (bất sinh). Do các chủng tử trong tâm của Phật không còn sinh trong ruộng đời sau (hậu thế điền trung) nữa, vì đã thoát khỏi vỏ trấu vô minh (vô minh khang thoát cố).
Lại nữa, A La Ha có nghĩa là xứng đáng (ứng) thọ nhận sự cúng dường. Do Phật các kết sử đã trừ tận, và đắc được “nhất thiết trí”, cho nên xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của tất cả chúng sinh trên trời cũng như dưới mặt đất. Do lẽ đó, nên Phật được gọi là A La Ha.
Chính Biến Tri
Tam Miệu Tam Phật Đà
Lại có danh xưng là Tam Miệu Tam Phật Đà. Tại sao lại gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà? “Tam Miệu” có nghĩa là “chính”, “Tam” có nghĩa là “biến” (có mặt khắp), “Phật” có nghĩa là “tri” (biết). Như thế có nghĩa là “chính biến tri nhất thiết pháp” (biết được cùng khắp hết tất cả các pháp một cách chân chính).
Hỏi: “Biết được khắp hết một cách chân chính” (chính biến tri) là như thế nào?
Đáp: Biết khổ như tướng khổ, biết tập như tướng tập, biết diệt như tướng diệt, biết tướng đạo như tướng đạo. Do đó nên được gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà.
Lại nữa, biết được tướng chân thật bất hoại (thật bất hoại tướng) của tất cả các pháp, không tăng không giảm. Thế nào thì gọi là tướng bất hoại? Chỗ tâm hành diệt, đường ngôn ngữ đoạn (tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn), vượt quá chư pháp, như tướng của niết bàn, bất động. Do lẽ đó nên ngài được gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà.
Lại nữa, các danh hiệu của tất cả các thế giới trong mười phương; các danh hiệu của các chúng sinh thuộc về sáu nẻo luân hồi (lục đạo sở nhiếp); nhân duyên đời trước và chỗ sinh về (sinh xứ) trong đời vị lai của chúng sinh; tướng của tâm (tâm tướng) của tất cả chúng sinh trong mười phương, các kết sử, các thiện căn, các then yếu xuất ly (xuất yếu) của tất cả chúng sinh; tất cả các pháp như vậy, ngài đều biết trọn hết (tất tri). Thế nên được gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà.
Minh Hành Túc
Tỳ Xỉ Già La Na Tam Ban Na
Lại có danh xưng là Tỳ Xỉ Già La Na Tam Ban Na, Tần ngữ là Minh Hành Túc. Thế nào thì gọi là Minh Hành Túc?
Nhớ đời sống trong các kiếp trước (túc mệnh), thiên nhãn, dứt tận các lậu (lậu tận), được gọi là ba Minh.
Hỏi: Thần thông và Minh có gì khác nhau ?
Đáp: Biết trực tiếp (trực tri) về mọi việc của đời trước trong quá khứ (quá khứ túc mệnh sự) thì gọi là Thông; còn biết về các hành nghiệp làm nhân duyên trong quá khứ (quá khứ nhân duyên hành nghiệp) thì gọi là Minh.
Biết trực tiếp về việc chết đây sinh kia (tử thử sinh bỉ) thì gọi là Thông; biết các “hành” khi nhân duyên hội đủ thì [thành quả, chứ] không hề mất (tri hành nhân duyên tế hội bất thất), thì gọi là Minh.
Dứt thẳng (trực tận) các kết sử, không biết là còn sinh hay không sinh nữa, thì gọi là Thông; nếu biết các lậu tận hết, không còn sinh nữa, thì gọi là Minh. Ba Minh này thì phải đại A La Hán, đại Bích Chi Phật, mới đắc được.
Hỏi: Nếu như thế, các vị ấy với Phật có khác gì nhau?
Đáp: Các vị ấy tuy đắc ba Minh, song Minh không được đầy đủ (mãn túc), còn Phật thì đầy đủ trọn vẹn, thế nên khác nhau. Hỏi: Thế nào là đầy đủ? Thế nào là không đầy đủ?
Đáp: Trí biết về đời trước (túc mệnh trí) của các A La Hán và Bích Chi Phật, biết về chính bản thân mình và của người khác, đều không [biết] trọn hết được (bất năng biến). Có A La Hán biết được một đời, hoặc hai đời, ba đời, mười, trăm, ngàn, vạn kiếp, cho đến tám vạn kiếp, quá khỏi đó trở đi thì không thể biết được nữa, cho nên không trọn đủ. Thiên nhãn minh đối với đời vị lai cũng như vậy. Trong khi Phật thì các thời sinh, trụ, diệt trong một niệm thôi; các phần kết sử: khi sinh là như vầy, khi trụ là như vầy, khi diệt là như vầy…; các kết sử được đoạn trong giai đoạn nhẫn pháp khổ (khổ pháp nhẫn) và giai đoạn trí về pháp khổ (khổ pháp trí), các kết sử như thế ngài đều giác biết rõ ràng trọn hết (tất giác liễu tri) là đã giải thoát, và theo đó đắc được giải thoát thuộc hữu vi pháp, theo đó đắc được giải thoát thuộc vô vi pháp, cho đến trọn mười lăm tâm thuộc con đường thấy ra thật lý (kiến đế đạo) trong giai đoạn nhẫn cùng loại thuộc Đạo đế (đạo tỉ nhẫn). Những điều ấy các Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể biết được, vì thời gian quá ít và quá mau (thời thiểu tật cố). Ngài biết như thế về nhân duyên và lậu tận của chúng sinh trong quá khứ, vị lai và hiện tại cũng [biết rõ] như vậy.
Hành có nghĩa là nghiệp của thân và nghiệp của khẩu. Duy có Phật là nghiệp thân và khẩu đầy đủ, còn ngoài ra các vị khác đều có thiếu sót (dư giai hữu thất). Cho nên ngài được gọi là Minh Hành Túc.
Thiện Thệ
Tu Già Đà
Lại có danh xưng là Tu Già Đà. “Tu” tần ngữ là “hảo” (tốt đẹp, hay); “già đà” hoặc nghĩa là “đi” (khứ), hoặc nghĩa là “nói” (thuyết). Thế có nghĩa là “đi hay” (hảo khứ) hoặc “nói hay” (hảo thuyết). “Đi hay” (hảo khứ) là đi ở trong đủ loại các Tam Ma Đề thâm sâu và trong vô lượng các đại trí huệ, như bài kệ sau đây:
Phật, nhất thiết trí làm xe lớn,
đi đường bát chính nhập Niết Bàn.
Thế nên gọi là “đi hay” (hảo khứ).
“Nói hay” (hảo thuyết) là nói đúng như thật tướng của các pháp, không ái bám vào pháp mà nói (như chư pháp thật tướng thuyết, bất trước pháp ái thuyết); ngài quán lực trí huệ của đệ tử: người này cho dù có đem tất cả các phương tiện, các thần thông và trí lực ra mà giáo hóa thì cũng không làm gì hơn được (diệc vô như chi hà), người này độ được, người này mau, người này chậm, người này thì phải chỗ ấy mà độ (ưng thị xứ độ), với người này phải nói về bố thí, hoặc phải nói về trì giới, hoặc nói về niết bàn, người này phải nói về các pháp như năm chúng, mười hai nhân duyên, tứ đế v.v…, thì sẽ vào đạo được. Xét biết trí lực của đệ tử bằng đủ cách như thế mà thuyết pháp cho họ, thì gọi là “nói hay” (hảo thuyết) .
Thế Gian Giải
Lộ Ca Bại
Lại có danh xưng là Lộ Ca Bại. “Lộ Ca” tần ngữ có nghĩa là thế [gian], “Bại” có nghĩa là “biết” (tri), nghĩa là “biết thế gian” (tri thế gian).
Hỏi: Như thế nào là biết thế gian?
Đáp: Là biết về hai loại thế gian: một là chúng sinh, hai là phi chúng sinh; và đúng như tướng thật mà biết về thế gian (như thật tướng tri thế gian), về nhân của thế gian, về diệt của thế gian và về con đường ra khỏi thế gian (xuất thế gian đạo).
Lại nữa, ngài biết thế gian, không phải biết theo kiểu thế tục, cũng không phải biết theo lối ngoại đạo (phi như thế tục tri, diệc phi ngoại đạo tri), mà ngài biết thế gian do vô thường nên khổ, do khổ nên không có ngã.
Lại nữa, ngài biết thế gian là không phải thường, không phải vô thường; không phải có biên giới, không phải không có biên giới; không phải đi, không phải không đi, mà ngài cũng không bám trước vào các tướng ấy (phi hữu thường, phi vô thường; phi hữu biên, phi vô biên; phi khứ, phi bất khứ, như thị tướng diệc bất trước). [Sự thấy biết của ngài] luôn luôn thanh tịnh, thường, là tướng bất hoại như hư không. Thế nên ngài được gọi là “Biết thế gian” (Tri thế gian).
Vô Thượng
A Nậu Đa La
Lại có danh xưng là A Nậu Đa La. Tần ngữ là “không có gì trên” (vô thượng).
Hỏi: Thế nào là “không có gì trên” ?
Đáp: Pháp Niết Bàn là không có gì trên hết (Niết Bàn pháp vô thượng), Phật tự biết Niết Bàn này, không nghe từ nơi người khác (bất tùng tha văn), mà còn đưa dẫn chúng sinh khiến đến Niết Bàn (tương đạo chúng sinh lệnh chí Niết Bàn). Như trong các pháp, Niết Bàn là không có gì trên được (vô thượng), trong [tất cả] chúng sinh Phật cũng không có ai trên được.
Lại nữa, trì giới, thiền định, trí huệ và giáo hóa chúng sinh, trong tất cả [các lãnh vực này] không có ai có thể bằng được ngài, huống gì là có thể vượt qua nổi? Cho nên mới nói là “không có gì trên” (vô thượng).
Lại nữa, “A” có nghĩa là “không có”, “Nậu Đa La” có nghĩa là trả lời (đáp). Tất cả các pháp của ngoại đạo đều có thể trả lời được, có thể phá được, do vì không phải thật và thanh tịnh. Trong khi Phật pháp không thể trả lời lại được, không thể phá được, vượt ra khỏi con đường của tất cả ngôn ngữ (phật pháp bất khả đáp, bất khả phá, xuất nhất thiết ngữ ngôn đạo), do vì vừa thật mà cũng vừa thanh tịnh vậy. Do lẽ đó nên có nghĩa là “không trả lời lại được” (vô đáp)
Khả Hóa Trượng Phu Điều Ngự Sư
Lại có danh xưng là Phú Lâu Sa Đà Miệu Ba La Đề: “Phú Lâu Sa” theo tần ngữ là người nam, “Đảm Miệu” tần ngữ là “có thể giáo hóa được” (khả hóa), “Ba La Đề” nghĩa là thầy điều khiển (điều ngự sư), theo đó thời có nghĩa là “bậc thầy điều khiển những con người có thể giáo hóa được” (khả hóa trượng phu điều ngự sư).
Phật do đại từ và đại trí, nên có lúc thì lời lẽ ngọt dịu (nhuyễn mỹ ngữ), có lúc lời nói lại gay gắt (khổ thiết ngữ), có lúc lời nói lại pha trộn (tạp ngữ), dùng các cách ấy mà điều khiển [chúng sinh] làm cho [họ] không bị lạc đường (dĩ thử điều ngự linh bất thất đạo). Như bài kệ sau đây:
Phật pháp là xe, đệ tử ngựa,
thật pháp báu, chủ Phật điều khiển,
nếu ngựa lên đường lạc nẻo chính,
thì phải sửa trị khiến điều phục:
nếu không điều ít, pháp nhẹ trị;
thuần giỏi thành lập làm thượng đạo;
nếu không thể trị thì xả bỏ;
điều ngự như thế là vô thượng.
Lại nữa, “thầy điều khiển” (điều ngự sư) có năm loại: trước hết là cha mẹ, anh chị, thân thuộc (thân lý); kế đến là pháp luật của quan (quan pháp); sau nữa là phép tắc của thầy (sư pháp). Đó là ba phương pháp trị liệu của đời nay (kim thế tam chủng pháp trị). Về đời sau thì có cách sửa trị của vua Diêm la (hậu thế Diêm la vương trị). Phật thì đem lại an lạc trong đời này, an lạc trong đời sau và an lạc của Niết bàn mà làm lợi ích nên được gọi là “Thầy” (sư). Bốn cách thức nói đầu sửa trị con người không được bền lâu và cuối cùng phải hoại diệt (bất cửu tất hoại), không thể nào luyện thành [người ta] được thường còn và chân thật (bất năng thường thật thành tựu). Còn Phật thành lập con người bằng ba con đường (Phật thành nhân dĩ tam chủng đạo), [khiến họ] thường đi theo [ba con] đường ấy, [là ba con đường] không bao giờ mất (thường tùy đạo bất thất). Như tự tướng của lửa cứ y nguyên như thế không đổi cho đến khi diệt (như hỏa tự tướng bất xả nãi chí diệt), Phật làm cho người ta đắc thiện pháp cũng y như vậy, cho đến chết không bỏ (chí tử bất xả). Do lẽ đó Phật được gọi là “Bậc thầy điều khiển những người có thể giáo hóa đưọc” (Khả hóa trượng phu điều ngự sư).
Hỏi: Người nữ Phật cũng giáo hóa làm cho đắc đạo, cớ gì lại chỉ nói riêng có người nam (trượng phu)?
Đáp: Do vì nam tôn nữ ti, vì nữ phải theo nam (nữ tùng nam), vì nam là chủ của sự nghiệp.
Lại nữa, người nữ có năm trở ngại (ngũ ngại): Không được làm Chuyển Luân Vương, Thích Thiên Vương, Ma Thiên Vương, Phạm Thiên Vương, và Phật. Do đó nên [khi nói về] Phật không đề cập đến người nữ.
Lại nữa, nếu nói rằng Phật là thầy điều khiển người nữ (nữ nhân điều ngự sư), là không có tôn kính gì hết. [Vả lại] nếu nói người nam (trượng phu), là nói chung cho tất cả (nhất thiết đô nhiếp). Ví như vua lại, thì đâu có lại một mình, mà chắc chắn là có tùy tùng (thị tùng), khi nói người nam (trượng phu) cũng vậy, là nói gồm hết cả hai căn, không căn,và người nữ, do lẽ đó nên chỉ nói người nam mà thôi. Do nhân duyên ấy, nên Phật được gọi là “Khả hóa trượng phu điều ngự sư”.
Thiên Nhân Sư
Xá Đa Đề Bà Ma Nậu Xá Nàm
Lại có danh xưng là Xá Đa Đề Bà Ma Nậu Xá Nàm: “Xá Đa” tần ngữ là giáo sư, “Đề Bà” là trời, “Ma Nậu Xá Nàm” là của [cả trời và] người, thế có nghĩa là “Giáo sư của trời và người” (thiên nhân giáo sư). Tại sao ngài lại được gọi là “Giáo sư của trời và người”? Phật chỉ dẫn (thị đạo) điều này nên làm, điều này không nên làm (thị ưng tác, thị bất ưng tác); điều này thiện, điều này không thiện. Các người này tùy theo lời giáo hóa mà thực hành (tùy giáo hành), không bỏ đạo pháp, sẽ đắc quả báo giải thoát khỏi phiền não. Thế nên ngài được gọi là “Thầy của trời người” (thiên nhân sư).
Hỏi: Phật có thể độ các loài Rồng, Quỉ, Thần v.v…, các hữu tình bị đọa sinh trong các đường sinh tử khác, cớ gì lại chỉ nói là “Thầy của trời người” mà thôi?
Đáp: Vì độ các hữu tình sinh trong các đường khác thì ít, mà độ các vị sinh trong trời nguời thì nhiều. Như nguời có sắc trắng, tuy có nốt ruồi đen (hắc yểm tử), cũng không gọi là người đen, do vì đen ít vậy.
Lại nữa, loài người kết sử mỏng (bạc), dễ có được tâm chán lìa (yếm tâm dị đắc), còn loài trời thì trí huệ sắc bén (lợi), do lẽ đó, hai chỗ ấy dễ đắc đạo. Các đường luân hồi khác không được như vậy.
Lại nữa, khi nói “trời” là gồm (nhiếp) tất cả các loài trời; nói “người” là gồm tất cả các loài sinh trên mặt đất. Tại sao vậy? Trên trời thì loài trời là lớn nhất, trên mặt đất thì loài người là lớn nhất, cho nên khi nói “loài trời” ắt là gồm hết mọi loài trên trời, nói loài người là gồm hết mọi loài trên mặt đất.
Lại nữa, loài người đắc thọ luật nghi giới, đắc con đường thấy ra chân lý (kiến đế đạo), con đường tư duy (tư duy đạo) và kết quả của các con đường này (đạo quả). Hoặc có người cho rằng trong các đường luân hồi khác không đắc được; hoặc có người cho rằng phần nhiều ít đắc được (đa thiểu đắc). Loài trời và loài người thì dễ đắc và phần lớn đắc (dị đắc đa đắc). Do lẽ đó nên Phật là thầy của trời người (Thiên Nhân Sư).
Lại nữa, loài người thì nhân sung sướng (lạc nhân) được thực hành nhiều, loài trời thì quả báo sung sướng nhiều. Thiện pháp là nhân của sung sướng, và sung sướng là quả báo của thiện pháp. Trong các đường luân hồi khác nhân và quả báo này đều ít. Do lẽ đó, Phật là thầy của trời người (Thiên Nhân Sư).
Phật Đà
Lại có danh xưng là Phật Đà, tần ngữ là “người biết” (tri giả). Biết những pháp gì đây? Biết tất cả các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, số chúng sinh và số phi chúng sinh, có thường và vô thường v.v… Dưới gốc cây Bồ Đề ngài giác biết rành mạch (liễu liễu giác tri), nên được gọi là Phật.
Hỏi: Các người khác cũng biết tất cả các pháp, như trời Ma Hê Thủ La, tần ngữ là Đại Tự Tại, có tám tay, ba mắt, cưỡi bò trắng. Hay như trời Vi Nữu, tần ngữ là “nghe khắp” (biến văn), có bốn tay, cầm ốc cầm bánh xe, cưỡi chim cánh vàng (kim xí điểu). Hoặc như trời Cưu Ma La, tần ngữ là đồng tử, trời này cầm chim trĩ và cầm linh, nắm cờ đỏ, cưỡi chim công. Các vị ấy đều là đại tướng của cõi trời (chư thiên đại tướng). Các chư thiên như thế, mỗi vị đều được nói là vĩ đại (các các ngôn đại), đều xưng là nhất thiết trí, cũng có người làm đệ tử, học kinh thư của họ, cũng thọ pháp của họ, coi họ là nhất thiết trí.
Đáp: Các người ấy không phải là nhất thiết trí, tại sao vậy? Vì tâm còn bám vào sân khuể và kiêu mạn (sân khuể kiêu mạn tâm trước), như kệ sau đây:
Hoặc tượng sơn vẽ và tượng đất,
Trời nói trong kinh, trời tụng tán,
bốn loại các trời như thế ấy,
mỗi vị tay cầm các binh trượng.
Do sức không bằng sợ người ta,
hay tâm bất thiện dọa người ta?
Trời ấy chắc hẳn là dọa người,
hoặc do sức kém nên sợ người.
Trời ấy luôn luôn thường sợ dọa,
đâu thể trừ hết các suy khổ.
Nên ai phụng sự và cung kính,
đời này không khỏi chìm biển lo.
Còn ai không kính không cúng dường,
đời nay dĩ nhiên hưởng phúc lạc.
Mới hay hư dối chẳng có thật,
thế nên người trí chẳng thuộc thiên.
Trong thế gian này các chúng sinh,
hoặc nhân duyên nghiệp nên tuần hoàn,
hoặc duyên phúc đức sinh thiên thượng
nhân duyên tạp nghiệp sinh loài người.
Thế gian hành nghiệp thuộc nhân duyên,
cho nên ngưòi trí chẳng theo thiên.
Lại nữa, ba vị trời ấy, thương ai thì muốn cho người ấy được tất cả mọi ước nguyện, còn ghét ai thì muốn làm bẩy đời người ta phải diệt. Phật không hề phải như vậy: khi còn là Bồ tát, như có kẻ thù oan gia lại muốn giết, thì cho đến thân thịt, đầu mắt, tủy não, ngài còn tự đem ra mà cúng dường cho, thì huống gì là khi đã thành Phật rồi. Phật là thời không còn tiếc thân mạng nữa. Do lẽ đó chỉ riêng Phật mới đươc nhận lãnh danh xưng Phật này. Chúng ta cần phải hướng về nghe theo Phật (ưng đương quy mệnh Phật), lấy Phật làm thầy, chứ không nên thờ trời (bất ưng sự thiên).
Thắng Nhất Thiết Nhân
Lại nữa, Phật có hai điều như sau: một là đại công đức và thần thông lực; hai là tâm đệ nhất tịnh, các kết sử đều diệt hết. Các trời tuy có phúc đức và thần lực, song vì các kết sử không hề diệt, nên tâm không được thanh tịnh, tâm không thanh tịnh nên thần lực cũng thiếu kém (thiểu). Thanh Văn, Bích Chi Phật tuy kết sử đã diệt, tâm thiện và thanh tịnh, song do phúc đức mỏng (bạc) nên thế lực thiếu kém. Phật có đủ cả hai pháp ấy, nên hơn hết tất cả mọi người (thắng nhất thiết nhân), ngoài ra các người khác không ai có thể hơn hết tất cả mọi người được.
Các Danh Xưng khác
Lại có danh xưng là A Sa Ma, tần ngữ có nghĩa là “không gì bằng” (vô đẳng). Lại có danh xưng là A Sa Ma Sa Ma, tần ngữ có nghĩa là “bằng với bậc không gì bằng” (vô đẳng đẳng).
Lại có danh xưng là Lộ Ca Na Tha, tần ngữ có nghĩa là “Bậc tôn quý trong thế gian” (Thế Tôn).
Lại có danh xưng là Ba La Già, tần ngữ có nghĩa là “băng qua bờ bên kia” (độ bỉ ngạn).
Lại có danh xưng là Bà Đàn Đà, tần ngữ có nghĩa là “đức hạnh to lớn” (đại đức).
Lại có danh xưng là Thi Lê Già Na, tần ngữ là “đức hạnh sâu dầy” (hậu đức). Vô lượng danh hiệu như thế. Còn tên cha mẹ đặt là Tất Đạt Đà, tần ngữ là “thành tựu lợi ích” (Thành Lợi). Đến khi đắc đạo, biết rõ tất cả các pháp, thì được gọi là Phật, đáng được chư thiên và người đời cúng dường. Do đó mà được tên là Đại Đức, Hậu Đức, đủ mọi tên như thế, tùy theo đức mà lập danh.
Nhất Thiết Trí
Hỏi: Ông ưa thích con của vua Tịnh Phạn dòng Sát Đế Lị, tự là Tất Đạt Đà, do lẽ đó nên ông mới hết sức tán thán (đại xưng tán) mà nói là Nhất Thiết Trí, chứ làm gì mà có ai là nhất thiết trí được!
Đáp: Không phải như vậy! Ông do ác tà nên ganh ghét (đố sân) Phật, mới nói vọng ngữ như thế. Chứ thật ra, có người nhất thiết trí. Tại sao vậy? Phật trong tất cả các chúng sinh, thân sắc nhan mạo đẹp đẽ không gì sánh được (đoan chính vô tỉ), các tướng đức đều đầy đủ sáng tỏ (minh cụ), hơn hết tất cả mọi người. Kẻ hèn mọn (tiểu nhân) thấy thân tướng của Phật còn biết ngay đó là người nhất thiết trí, huống gì là các bậc đại nhân.
Như trong Kinh Phóng Ngưu thí dụ có nói: Vua nước Ma Già Đà là Tần Bà Sa La, thỉnh Phật trong ba tháng cùng với năm trăm đệ tử. Do đó vua cần có sữa mới (tân nhũ) và lạc tô để cúng dường Phật cùng Tỳ kheo tăng. Vua nói với các người chăn bò lại ở gần nơi đó, để ngày ngày đem dâng lên sữa mới và lạc tô. Ba tháng xong xuôi, vua thương xót (lân mẫn) các nguời chăn bò này, nên nói với họ: “Các ngươi đi đến gặp Phật, rồi hãy về chăn bò.” Các người chăn bò đi đến gặp Phật, trên đường đi bàn luận với nhau rằng: “Chúng ta nghe mọi người nói rằng Phật là nguời Nhất thiết trí, chúng ta là hàng hạ liệt thấp kém, làm sao mà biết rõ được là thật sự có người Nhất thiết trí?” Các Bà la môn ưa thích tô lạc, nên thường hay đến chỗ các người chăn bò mà thành thân thuộc (tác thân hậu). Nhờ đó mà các người chăn bò được nghe đến rất nhiều tên của đủ thứ kinh thư của Bà la môn, nên mới nói với nhau: “Các pháp trị bệnh, các pháp chiến đấu, các pháp tinh tú, các pháp tế trời, ca vũ, luận nghị, các pháp vấn nạn v.v… sáu mươi bốn loại nghệ thuật (kỹ nghệ) của thế gian như thế, vị con vua Tịnh Phạn này học rộng biết nhiều (quảng học đa văn), nên có biết các sự việc ấy không lấy gì làm khó. Song người ấy từ lúc sinh ra đến giờ, chưa hề chăn bò, chúng ta đem bí pháp chăn bò ra hỏi, nếu người ấy mà trả lời được, thì mới đúng là người Nhất thiết trí.”
Bàn luận như thế xong, tiến bước vào vườn trúc (Trúc viên), thấy hào quang của Phật chiếu sáng cả rừng cây, tiến lên tìm Phật, thấy ngài ngồi dưới gốc cây, hình dáng như tòa núi vàng, như tô cho vào lửa, bừng hồng rực sáng (diễm hoán đại minh), chẳng khác gì vàng nấu tan ra (hữu tợ dung kim), tỏa khắp hết khu rừng trúc một mầu hào quang vàng tía, các người chăn bò ngắm nhìn không thấy chán, trong lòng hết sức hoan hỉ, tự nói với nhau rằng:
Nay Sư tử Thích này
Nhất thiết trí hay không?
không ai thấy không vui,
việc ấy cũng đủ tỏ.
Hào quang đệ nhất chiếu,
nhan mạo thật quý trọng,
thân tướng oai đức đủ,
tương xứng với danh Phật.
Tướng tướng đều phân minh,
oai thần cũng trọn đủ,
phúc đức tự cuốn quanh,
không ai thấy không ái.
Thân ngự giữa viên quang,
người ngắm không thấy chán,
nếu Nhất thiết trí có,
phải có công đức ấy.
Tất cả các tranh họa,
tượng tô điểm châu báu,
muốn so diệu thân này,
không biết dụ sao đây !
Tràn ngập người chiêm ngưỡng
bằng đệ nhất an lạc,
thấy là sinh tịnh tín,
Nhất thiết trí là đây !
Sau khi suy nghĩ như thế xong, các người chăn bò lễ Phật rồi ngồi xuống, hỏi Phật rằng: “Một người chăn bò phải có được bao nhiêu pháp (hữu kỷ pháp thành tựu) mới có thể làm cho đàn bò được tăng trưởng (phiền tức)? Và bao nhiêu pháp nếu thiếu (kỷ pháp bất thành tựu) sẽ làm cho đàn bò không tăng gia, và không được an lành (an ổn)?” Phật trả lời: “Có mười một pháp, người chăn bò có thể nhờ đó mà làm cho đàn bò được tăng trưởng: (1) biết mầu sắc (tri sắc), (2) biết tướng (tri tướng), (3) biết cọ chải (quát loát), (4) biết che đậy vết thương (tri phú sang), (5) biết xông khói (tri tác yên), (6) biết đường tốt (tri hảo đạo), (7) biết chỗ thích hợp cho bò (tri ngưu sở nghi xứ), (8) biết chỗ dễ lội qua (tri hảo độ tế ), (9) biết chỗ an toàn (tri an ổn xứ), (10) biết giữ lại sữa (tri lưu nhũ), (11) biết nuôi dưỡng bò chúa (tri dưỡng ngưu chủ). Nếu người chăn bò nào biết được mười một pháp này, thì có thể làm cho đàn bò được tăng trưởng. [Pháp của] Tỳ khưu cũng như vậy, nếu biết đuợc mười một pháp [giống vậy], thì có thể làm tăng trưởng thiện pháp:
– Thế nào là biết sắc? Biết các sắc đen, trắng và pha tạp. Tỳ khưu cũng như vậy, biết tất cả các sắc đều là bốn Đại và do bốn Đại tạo nên (tứ đại tạo).
– Thế nào là biết tướng? Tướng lành hay không lành (cát bất cát tướng) của bò, khi hòa vào các bầy khác, theo tướng là nhận ra ngay. Tỳ khưu cũng như vậy, thấy tướng của nghiệp thiện, biết ngay đó là ngưòi trí; thấy tướng của nghiệp ác, biết ngay đó là kẻ ngu.
– Thế nào là cọ chải? Do các loài trùng hút máu, nên càng tăng thêm các vết lở loét (tăng trưởng chư sang), có cọ chải thì mới trừ được các tai hại ấy và làm cho [thân thể của bò] được trơn nhuần sảng khoái (duyệt trạch). Tỳ khưu cũng như vậy, do các loài trùng ác tà là “giác” và “quán” hút máu thiện căn, làm tăng trưởng các vết lở lói trong tâm (tâm sang), nên trừ chúng đi thì được an ổn.
– Thế nào là che đậy các vết lở lói? Hoặc [che đậy] bằng vải (y), cỏ, lá, để phòng ngừa muỗi mòng (văn manh) cắn chích. Tỳ khưu cũng như vậy, dùng pháp chính quán mà che đậy vết lở sáu tình (lục tình sang), không để cho ác trùng phiền não là tham dục và sân khuể đốt chích mà thành bị thương.
– Thế nào là biết xông khói? Là để trừ các muỗi mòng, và để cho bò từ xa thấy khói, ắt sẽ tìm đến chỗ có nhà cửa ấy (tắc lai thú hướng ốc xá). Tỳ khưu cũng như vậy, nói đúng như những gì được nghe (sở văn nhi thuyết), để trừ các muỗi mòng kết sử, dùng khói nói pháp ấy mà dẫn dắt chúng sinh đi vào trong ngôi nhà vô ngã, thật tướng, Không (vô ngã thật tướng không xá).
– Thế nào là biết đường? Biết các đường tốt đuờng xấu mà bò thường hay qua lại. Tỳ khưu cũng như vậy, biết Tám Thánh Đạo có thể đưa đến Niết Bàn, lìa các con đường ác là “đoạn” và “thường”.
– Thế nào là biết chỗ thích hợp cho bò? Là có thể làm cho đàn bò tăng trưởng và ít bệnh. Tỳ khưu cũng như vậy, khi nói Phật Pháp thì được pháp hỉ thanh tịnh, các thiện căn tăng thịnh.
– Thế nào là biết chỗ để lội qua? Biết chỗ dễ vào dễ qua, không nhiều sóng, không ác trùng. Tỳ khưu cũng như vậy, có thể đến gặp các Tỳ khưu đa văn để hỏi pháp. Còn người nói pháp thời biết tâm của người đối diện với mình là sắc bén hay trì độn, phiền não nặng hay nhẹ, khiến cho người ta qua được tốt đẹp, đến bờ an ổn (an ổn đắc độ).
– Thế nào là biết chỗ an ổn? Biết các chỗ trú ngụ không có cọp, sói, sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ khưu cũng như vậy, biết bốn chỗ để niệm (tứ niêm xứ) an ổn, không có các độc thú là ác ma phiền não. Tỳ khưu vào trong bốn chỗ ấy ắt sẽ được an ổn không bị nguy hiểm nữa.
– Thế nào là để lại sữa? Bò mẹ (độc mẫu) thương yêu bò con nên mới cho sữa. Do giữ lại chỗ sữa còn sót lại, nên bò mẹ hoan hỉ, do đó sẽ cho tiếp sữa nữa không cạn. Bò chúa và người chăn nhờ đó mà được ích lợi ngày ngày đều đặn. Tỳ khưu cũng như vậy, cư sĩ và bạch y cấp thí cho y áo và đồ ăn thời cần phải biết tiết lượng, không để cho họ bị khánh kiệt, thì đàn việt mới hoan hỉ, tín tâm không dứt tuyệt, người thọ mới không bị thiếu thốn (thọ giả vô phạp).
– Thế nào là biết nuôi dưỡng bò chúa? Bảo vệ cho bò đực lớn (đại đặc ngưu), vì bò ấy có thể duy trì đàn bò (năng thủ ngưu quần), phải nuôi dưỡng không để cho ốm yếu, dùng dầu mè cho uống, trang sức bằng anh lạc, bọc sừng sắt làm tiêu biểu, và chải chuốt ca ngợi (ma loát xưng ta). Tỳ khưu cũng như vậy, có các bậc đại nhân oai đức trong chúng tăng, bảo hộ và ích lợi cho Phật Pháp, bẻ gẫy và khuất phục ngoại đạo, có thể làm cho tám chúng gieo trồng được thiện căn, thì phải tùy theo các vị ấy cần gì mà cung kính cúng dưòng v.v… ”
Các người chăn bò nghe nói như thế xong, suy nghĩ như sau: “Bọn ta chăn bò mà biết được cũng không quá ba bốn điều, các bậc thầy chăn bò quá lắm cũng không biết hơn được năm sáu điều. Nay nghe các điều này, phải ca ngợi là chưa từng có. Nếu ngài ta biết được sự việc này, thì các sự việc khác cũng đều biết rõ hết. Quả thật đúng là ngưòi Nhất thiết trí, không còn nghi ngờ gì nữa!”
Trong kinh ấy nói đầy đủ hết về sự việc này (thị kinh thử trung ưng quảng thuyết). Do lẽ đó, đủ biết là có người Nhất thiết trí .
Hỏi: Thế gian không thể có người nhất thiết trí, tại sao vậy? Không ai thấy người nhất thiết trí ấy hết.
Đáp: Không phải vậy! Không thấy có hai loại, không thể nào vì do không thấy mà liền nói là không có được: (1) một là sự việc ấy thật có, song vì nhân duyên che đậy (phú) nên không thấy, ví như tính tộc đầu tiên của con người, hay như cân lạng của núi tuyết, số cát bên bờ sông Hằng, các thứ ấy có đó mà không thể biết được. (2) Hai là do vì thật sự không có nên không thấy, ví như là đầu thứ hai, tay thứ ba, không có nhân duyên nào che đậy hết mà cũng vẫn không thể thấy được. Do đó người Nhất thiết trí là do nhân duyên che đậy, cho nên ông không thấy, chứ không phải là không có người Nhất thiết trí. Nhân duyên che đậy là những gì? Là chưa có được bốn tín, tâm còn bám trước ác tà, ông do bị nhân duyên ấy che lấp, nên không thấy người Nhất thiết trí.
Hỏi: Vì các chỗ để mà biết vốn vô lượng (sở tri xứ vô lượng), cho nên không thể có được người Nhất thiết trí. Chư pháp vô lượng vô biên, nhiều người hợp lại còn không thể biết được, huống gì là một nguời. Do lẽ đó nên không có người Nhất thiết trí !
Đáp: Như chư pháp vô lượng, thì trí huệ cũng vô lượng vô số vô biên, như hộp lớn thì nắp cũng lớn, hộp nhỏ nắp cũng nhỏ.
Hỏi: Phật chỉ nói về phật pháp của mình thôi (Phật tự thuyết phật pháp), chứ không nói về các kinh khác, như thuốc men (dược phương), tinh tú, toán kinh, thế điển các pháp như thế. Nếu là người Nhất thiết trí thì tại sao lại không nói? Do lẽ đó mà biết là không phải là người Nhất thiết trí.
Đáp: Tuy Phật biết tất cả các pháp, nhưng có cần thì mới nói, không cần thì không nói (dụng cố thuyết, bất dụng cố bất thuyết); có người hỏi mới nói, không hỏi thì không nói.
Lại nữa, tất cả các pháp tóm lại gồm có ba loại: (1) một là pháp hữu vi, (2) hai là pháp vô vi, (3) ba là pháp không thể diễn nói được (bất khả thuyết pháp). Ba loại này là đã tóm nhiếp hết tất cả các pháp.
Hỏi: Do Phật không trả lời mười bốn vấn nạn, nên đủ thấy là không phải người Nhất thiết trí. Mười bốn vấn nạn là những thứ gì?
(1-4) Thế giới và Ngã là thường? Thế giới và Ngã là vô thường? Thế giới và Ngã vừa là thường vừa vô thường? Thế giới và Ngã vừa không phải là thường vừa không phải vô thường?
(5-8) Thế giới và Ngã là hữu biên? Là vô biên? Vừa hữu biên vừa vô biên? Vừa không phải hữu biên vừa không phải vô biên?
(9-12) Sau khi chết có thần [hồn] đi đến đời sau? Hay không có thần [hồn] đi đến đời sau? Hay vừa có thần đi vừa không có thần đi? Sau khi chết vừa không phải là có thần đi vừa không phải là không có thần đi đến đời sau?
(13-14) Chính thân này là thần (thị thân thị thần)? Hay thân là khác thần là khác (thân dị thần dị) ?
Nếu Phật là người Nhất thiết trí thì tại sao lại không trả lời mười bốn câu hỏi ấy?
Đáp:
1. Các sự việc ấy không có thật nên không trả lời. Chư pháp mà là thường, không có lý ấy được; chư pháp mà là đoạn, cũng không có lý ấy được. Do lẽ đó nên Phật không trả lời. Ví như có người hỏi vắt (cấu) sừng bò được bao nhiêu đấu sữa? Như thế đâu có đúng là câu hỏi, cho nên không nên đáp lại.
2. Lại nữa thế giới vô cùng, y như bánh xe (xa luân), không có chỗ trước không có chỗ sau.
3. Lại nữa trả lời các câu hỏi ấy không có ích lợi [cho người hỏi], mà chỉ làm cho [họ] đọa vào trong ác tà. Phật biết mười bốn câu hỏi ấy thường hay che lấp mất Tứ Đế là thật tướng của các pháp, như chỗ lội qua có ác trùng thì không nên đưa người ta lội qua đó, mà chỗ nào an ổn không nguy hiểm thì mới chỉ cho mà bảo người ta băng qua.
4. Lại nữa, có người nói: “Các vấn đề này nếu không phải là người Nhất thiết trí thì không thể hiểu được, do đó người [thường] không sao biết được thế nên Phật không trả lời.”
5. Lại nữa, nếu người nào mà không có lại nói có, có lại nói không có, thì không phải là người Nhất thiết trí, người Nhất thiết trí thời có là nói có, không có là nói không có. Phật có thời không nói là không có, không có thời không nói là có, ngài chỉ nói về thật tướng của các pháp, thì tại sao lại không phải là người Nhất thiết trí? Ví như mặt trời đâu làm ra cao thấp (bất tác cao hạ), cũng đâu làm nên đất bằng (diệc bất tác bình địa), cứ chiếu khắp một mực bình đẳng. Phật cũng giống vậy, không phải rằng có mà làm thành không, không phải là không mà làm thành có, mà ngài thường nói ra ánh sáng trí huệ chân thật chiếu sáng các pháp (thường thuyết thật trí huệ quang chiếu chư pháp). Như có một đạo nhân hỏi Phật: “Đại Đức! Mười hai nhân duyên là do Phật làm ra hay sao? hay do ai khác làm ra?” Phật đáp: “Ta không làm ra mười hai nhân duyên, mà cũng không phải do người khác làm ra. Có Phật hay không có Phật, thì ‘sinh làm nhân duyên cho lão tử’ vẫn là pháp thường hằng, cố định, và yên trụ (thường định trụ) như vậy. Và Phật có thể nói về pháp ‘sinh làm nhân duyên cho lão tử’ này, cho đến ‘vô minh làm nhân duyên cho các hành’.
6. Lại nữa, mười bốn vấn nạn ấy nếu mà trả lời là có lầm lỗi (quá tội). Như nếu có người hỏi: “Đứa con của người thạch nữ hay kẻ hoàng môn cao thấp đẹp xấu ra sao?” thì câu hỏi ấy không nên đáp, bởi vì làm gì có một đứa con như thế.
7. Lại nữa, mười bốn vấn nạn này là tà kiến, không chân thật, mà Phật thì thường theo chân thật (Phật thường dĩ chân thật), cho nên ngài để yên (trí) không trả lời (trí bất đáp).
8. Lại nữa, “để yên không trả lời” cũng chính là trả lời. Có bốn cách trả lời: (1) Trả lời một cách dứt khoát (quyết định đáp), như [hỏi] Phật có phải là Niết bàn an ổn đệ nhất hay không? (2) Trả lời bằng cách giải nghĩa (giải nghĩa đáp). (3) Trả lời bằng cách hỏi ngược lại (phản cật đáp). (4) Trả lời bằng cách để yên đó (trí đáp). Thì ở đây, Phật dùng cách trả lời để yên đó (trí đáp). Thế vậy mà ông nói là không có người Nhất thiết trí, câu nói ấy có đó mà vô nghĩa, đúng là đại vọng ngữ.
Thật sự có người Nhất thiết trí, tại sao vậy? Do ngài đắc được mười lực: (1) biết chỗ và không phải chỗ (tri xứ phi xứ), (2) biết nghiệp làm nhân duyên và quả báo [của nghiệp] (tri nhân duyên nghiệp báo), (3) biết các thiền định và giải thoát (tri chư thiền định giải thoát), (4) biết các căn thiện ác của chúng sinh (tri chúng sinh căn thiện ác), (5) biết đủ các loại giải thoát khỏi dục (tri chủng chủng dục giải), (6) biết vô lượng tính [chất] của đủ các loại thế gian (tri chủng chủng thế gian vô lượng tính loại), (7) biết tất cả các chỗ trụ và các đạo (tri nhất thiết trụ xứ đạo), (8) các hành vi nơi chốn đời trước đều biết nhớ lại hết (tiên thế hành xứ ức niệm tri), (9) đắc được thiên nhãn phân minh (thiên nhãn phân minh đắc), (10) biết tất cả các lậu đều tận (tri nhất thiết lậu tận) , (11) tịnh và bất tịnh đều phân biệt biết, (12) nói lên thượng pháp trong tất cả các thế giới, (13) đắc được vị cam lồ, (14) đắc được trung đạo, (15) biết thật tướng của tất cả các pháp hoặc hữu vi hoặc vô vi, (16) vĩnh viễn lìa khỏi dục của ba cõi. Do mọi thứ nhân duyên như trên ấy, nên Phật đúng là người Nhất thiết trí.
Hỏi: Có người Nhất thiết trí, thì là những người như thế nào?
Đáp: Là bậc đại nhân đệ nhất, tôn quý trong ba cõi, gọi là Phật, như bài kệ ca ngợi Phật (tán Phật kệ) có nói:
Đỉnh sinh Chuyển Luân Vương,
sáng như trời trăng đèn,
dòng quý tộc Thích Ca,
thái tử vua Tịnh Phạn.
Khi sinh động ba ngàn,
non Tu Di biển cả,
vì phá lão bệnh tử,
xót thương nên ra đời.
Khi sinh đi bẩy bước,
quang chiếu khắp mười phuơng,
quán khắp phát âm lớn,
“Sinh thai ta đã tận !
thành Phật nói diệu pháp,
đại âm nổi trống pháp,
để thức tỉnh chúng sinh
giấc vô minh cõi đời.
” Tất cả mọi thứ ấy,
mọi hi hữu đã hiện,
chư thiên và người thế
thấy rồi đều hoan hỉ.
Phật, tướng trang nghiêm thân,
quang tỏa tràn mặt nguyệt,
tất cả nam cùng nữ
ngắm xem không biết chán.
sinh thân lực sữa nuôi
thắng vạn ức hương tượng,
lực thần túc vô thượng,
lực trí huệ vô lượng.
Thân Phật hào quang lớn,
rực chiếu dáng thân Phật,
Phật ngự giữa quang minh,
như trăng trong quang sáng.
Ác hủy Phật đủ cách,
Phật cũng không tưởng ác ;
ngợi khen Phật đủ cách,
Phật cũng không tưởng vui.
Đại từ nhìn tất cả,
oán thân bằng không khác;
hết mọi loài hữu thức,
đều biết rõ việc này.
Lực từ bi nhẫn nhục,
nên thắng được tất cả,
do vì độ chúng sinh,
đời đời chịu cần khổ.
Tâm ngài thường nhất định,
vì chúng làm lợi ích,
lực trí huệ có mười,
lực vô úy có bốn,
bất cộng có mười tám,
tạng công đức vô lượng.
Cứ như thế vô số,
lực công đức hi hữu,
như sư tử vô úy,
phá tan pháp ngoại đạo,
chuyển phạm luân vô thượng,
độ thoát cả ba cõi.
Như thế gọi là Bà Già Bà. Bà Già Bà nghĩa vô lượng, nếu mà nói đủ ắt phải bỏ hết mọi vấn đề khác (nhược quảng thuyết tắc phế dư sự), do lẽ đó nên chỉ nói tóm lược mà thôi.