Mùa xuân Trúc Lâm
Ni sư Như Đức

 

Vào khoảng sau rằm  tháng Giêng ta, khi những con chim bồ câu đuôi dài, lông xanh trắng, sau những tháng đi tránh lạnh trở về tổ cũ, khi gà tre gáy lần đầu vào khoảng năm giờ sáng, khi chim vành khuyên, sẻ nâu, sáo sậu hót sớm hơn thường lệ thì tuy trời còn lạnh, tuyết còn rơi, những cây hạt dẻ cành vươn lên vòm trời, bóng rọi xuống mái chùa cong ngói đỏ, bắt đầu căng nhựa hồng tím, nẩy nhiều lộc non và đợi nắng ấm về là tung nở lá xanh.  Trên lưng đồi, khắp mặt đất, những chồi lan rừng nhú lên và đơm hoa tím thẩm.   để hài hòa với sơn lan, để tô màu cho những tán đá rêu phong, những gốc cổ thụ xù xì, những dây bò giăng với những bông hoa trắng nhỏ dễ thương.  Trong khi đó, ở ven rừng những khóm trúc xanh mượt quanh năm, hoa mai vàng nở rộ báo hiệu mùa xuân đã đến.

Vào giữa xuân, khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba ta, lúc trời bớt lạnh, buổi sáng có những vầng mây xanh, về chiều có áng mây vàng thì các loài hoa mai khác mới nở.   Trúc Lâm không những có mai vàng mà còn có mai trắng, mai trắng đơn, mai trắng kép, hồng mai, mai hồng nhạt.  Chung quanh Trúc Lâm, cả vùng Hoàng Vân Sơn nhà nhà đều có mai.  Vào mùa xuân, đi từ gare Lorère xuống thung lũng Chevreuse, qua dòng Yvette, lên Hoàng Vân Sơn và Trúc Lâm là đi trên đường hoa giữa rừng mai. Vì thế trong những ngày mai nở, những người rành đi chùaTrúc Lâm, thay vì đi trên đường có ít hoa nhiều xe, lại theo đường nhỏ, quanh co, có nhiều mai để được thảnh thơi mà ngắm hoa hay niệm Phật, tham thiền.  Khi đến chùa lại không vào chùa ngay, mà thơ thẩn ngoài sân ngồi yên trên đá để nhìn mai nở bên trúc xanh, mai rụng trên sân cát vàng.  Vào cuối xuân khoảng tháng tư thì thủy tiên, tulip, cẩm chướng, huệ hồng, huệ tím nở đều, các loài hoa dại không tên cũng không nở nhiều.  Vào khoảng thời gian này thì trong vườn chùa , ngoài bờ dâu, lưng đồi kẻ đá, nơi nào cũng có hoa.
Hoa cho sắc đẹp, hương thơm.  Song, mùa xuân Trúc Lâm không chỉ có hoa mà còn có cảnh nữa.  Cảnh xuân ở đây là cái gì khôn tả.  đang ở Paris náo nhiệt ồn ào, ô nhiễm mà vào Hoàng Vân

Sơn thì thấy rõ ngay cái vẻ hùng vĩ, yên tịnh thanh khiết của Trúc Lâm.  Muà xuân miền Bắc và vùng núi cao hiếm có những ngày thật nắng ấm.  Nhưng chính trong lúc nhiều tuyết, đầy sương lạnh, Trúc Lâm mới thật là đẹp.  Vào   những chiều tuyết rơi không có gì thú vị hơn là ngồi trong nhà Thập Phương, bên lò lửa hồng tí tách, ưống trà đàm đạo hay ngắ cảnh vật qua cửa kính; đây là chùm hoa tuyết đang nở trên cành cây đen, kìa là nhung tuyết phủ lần khóm trúc, tảng đá, hàng cây.  ý nghĩa nhất là Thiền quan trong lúc tuyết đang rơi với hình ảnh:

Ta là hoa tuyết đang rơi
Cuộc đời như  tuyết chơi vơi giữa trời

Vào những trưa sương sa, không có gì kỳ diệu hơn là đứng trên sân thượng cuả đại Hùng Bảo điện mà nhìn cả một vùng núi đồi làng mạc từ Palaiseau đến Villebon/ Yvette biến đi đâu mất chỉ còn lại một khung trời trắng bạc mênh mông.  Nếu không có những mái nâu lờ mờ dưới chân đồi và tiếng gà xao xác, tiếng trúc rì rào thì người ta dễ có cảm giác mình đang bay trong không gian vô tận.

Vào những buổi hoàng hôn mưa lạnh, không có gì ấm cúng nhiệm mầu hơn là tụng niệm trên chánh điện trong lúc những giọt mưa rơi đều từ mái chùa tạo thành tiếng nhạc hòa với tiếng chuông cổ kính ngân dài làm an tịnh những tâm hồn  bị đau khổ dày xéo.  Với nhịp mõ trầm hùng thức tỉnh những ai mê man trong ác mộng.  Qua ánh nến lung linh, các pho tượng Phật La Hán uy nghi đức độ dưới màu vàng son thấm tình dân tộc hiện rõ với nụ cười giải thoát.  Mùi trầm hương ở đây thanh thản, lời kinh ở đây nhẹ nhàng trong sáng.  Tất cả âm thanh, hình ảnh hương vị ấy khiến cho người ta và nhất là những kẻ ly hương tưởng mình đang hành hương trên đất Phật hay trong ngôi chùa cổ nào của quê hương yêu dấu.

Mùa xuân Trúc Lâm là khác thường, vui, đẹp.   Song không chỉ có mùa xuân mới như thế mà Trúc Lâm vẫn đặc biệt vui đẹp trong cả mùa hè hồng nở, mùa thu trăng sáng và mùa đông trúc xanh.  Vì thế Trúc Lâm mới có câu đối sau đây:

Trúc thạch hài hòa trang nghiêm an lạc độ 
Lâm phong phổ hợp xưng tán Như Lai ân.