Mùa Vu Lan
Vô Úy
Từ đầu tháng bảy âm lịch, từng cơn bão kéo qua vịnh Bắc Việt làm tăng thêm lượng mây u ám và trút thêm mưa vào trũng nước đầy giữa mùa ẩm ướt tại miền Nam, cơn nắng lửa đang dần hạ nhiệt. Mùa Vu Lan đã đến.
Quả tình, không có cái lễ nào mà mang nhiều ý nghĩa như lễ Vu Lan: Nào là ngày khánh tuế chư Tăng thêm một tuổi Đạo, là ngày chư Phật hoan hỷ, ngày xá tội vong nhân, ngày tri ân và báo ân thầy tổ, ngày Tự tứ, ngày Vu Lan Báo Hiếu, thiết cúng trai tăng, phát chẩn cho người nghèo. Có một sự đồng cảm giao hòa trong văn hóa Đông-Tây gặp nhau tại một điểm, đó chính là nghi thức “Bông Hồng Cài Áo”.
Tây phương kỷ niệm Mother’s day vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm- thời gian mà trong quyển Bông hồng cài áo của thầy Nhất Hạnh ghi sai là 10 tháng 5. Một sự hiểu lầm ở giữa thập niên 1960 khi thầy viết tác phẩm dễ thương này khiến cho ngày nay nhiều người Việt Nam còn tưởng ngày Mẹ là 10 tháng 5 DL. Vấn đề này rất nhỏ! Điều quan trọng là theo ý kiến của thầy, tập tục Bông hồng cài áo được thực hiện ngay trong ngày mùa Vu Lan, lễ Vu Lan.
Và bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phỏng theo tập văn nêu trên hơn 40 năm qua trở thành bất hủ. Cài bông hồng mà không hát bài Bông hồng cài áo quả là thiếu sót muôn phần. Nghi thức Bông hồng cài áo thường được tổ chức trên chánh điện sau thời kinh, sám lễ Vu Lan. Một không khí trang nghiêm chí thành với lòng hiếu kính ấm áp tỏa rộng, quyện theo khói trầm bay, lời vị chủ tọa dẫn dắt mọi người giây phút niệm ân công cha nghĩa mẹ. Rồi nhạc phẩm Bông hồng cài áo vang lên với ngữ điệu mời gọi từ từ len sâu vào tâm khảm :
“ Một bông bồng cho anh
Một bông hồng cho em
Và một bông hồng…. Cho những ai
cho những ai – đang còn mẹ, đang còn mẹ
Để lòng mình vui sướng hơn.
Nếu mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa – không mặt trời
Như trẻ thơ – không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như vòm trời thiếu ánh sao đêm …..”
Câu chuyện về bông hồng cài áo, nghi thức cài bông hồng và bài ca Bông hồng cài áo bỗng dưng bị nhà cầm quyền cấm suốt 15 năm đầu sau khi chiếm được miền Nam, lý do duy nhất để cấm là do nhà sư Nhất Hạnh sáng chế ra!!! Suốt 15 năm ấy để có 15 phút làm lễ cài bông hồng, thầy trò phải canh cửa kẻo có công an khu vực đi ngang. 15 phút làm lễ “chui” để có những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt ngây thơ của các bé Oanh vũ hay trên các gò má nhăn nheo của mẹ!
Từ từ….. gần 20 năm sau, người ta mới nghiệm ra rằng tập tục Bông hồng cài áo diễn ra trong mùa Vu Lan là vô hại, vô hại cho một chế độ đang dần thoát ly ra khỏi đời sống “thoát ly gia đình”. Sau đó, người ta mới nghiệm ra rằng muốn hạn chế hiểm họa xì ke, ma túy, mãi dâm, Esstasy lắc lư cuồng loạn… cái ổ để sinh ra đại dịch HIV đang tàn phá xã hội hiện nay, chỉ có nền tảng vững chắc trong một gia đình mà trong đó sự yêu thương, tha thứ, đùm bọc nhau ít nhiều không thể thiếu…
Phải công nhận Đại lễ Vu Lan là một thắng hội có đủ phương diện từ oai đức tôn nghiêm của Tam bảo, nhất là chư Tăng xuất hạ, cho đến sự xô bồ nhộn nhịp của đồng bào nghèo xếp hàng lãnh lương thực được phân phát miễn phí tại các chùa. Từ ngày 14 âm lịch các người hành khất, bán vé số dạo, nhà nghèo không đủ ăn tụ tập nương nhờ những hạt gạo, gói mì của đàn na tín thí, xô bồ nhất vẫn là những cảnh “giựt cô hồn” kéo dài từ ngày 16 đến cuối tháng. Nhà nào nhà nấy đều cúng cô hồn và tâm lý ai cũng mong có cô hồn sống tới giựt, giựt càng đông thì chủ nhà mới mong càng làm ăn phát tài.
Đức tin trong mỗi người chúng ta khi trang trọng thành vô biên, khi chí thành sẽ nhất tâm, và lúc quy kính thật khôn cùng. Trong bao la tình mẹ ngày Vu Lan chúng ta sẽ đồng hưởng những cảm giác lâng lâng vui sướng đó. Nhưng để tri ân Thầy Tổ đang chịu cảnh giam cầm chính trong những ngôi thiền tự trang nghiêm, thì những cảm giác thênh thang dường như biến mất, thay vào đó là nỗi niềm ray rứt, bơ vơ, như lạc lõng giữa thế giới loài người xa lạ. Tình cảnh diễn ra trong hạnh phúc đoàn tụ vẫn có sự hiện diện của bi kịch chia ly, niềm vui không trọn vẹn.
Cha mẹ có ân trọng sinh thành dưỡng dục cho thân mạng chúng con; Thầy tổ có ân giáo dưỡng nên Huệ mạng chúng con. Nếu không nên Huệ mạng thời tất cả các sự thành tựu của thế gian đều vô giá trị, trước sau gì cũng bị lửa tham hận, si mê thiêu cháy tan tành.
Kinh Thắng Man Sư tử hống khẳng định một điều rất thiết thực, kêu gọi tự bản thân mỗi Phật tử tinh cần tu học, chính là hộ trì chánh pháp không để dứt mất. Đức Đệ Tứ Tăng Thống cũng từng kêu gọi Phật tử chúng ta như vậy.
Tu hành tinh tấn ngoài sự phát huy công năng hộ trì- hoằng dương chánh Pháp ra nó còn là một công việc thiết thực để báo hiếu Phụ mẫu ân và đền đáp công lao Thầy tổ, nói rộng ra theo tựa kinh Thủ Lăng Nghiêm:
“Tương thử thâm tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân ”
Nghĩa là: Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.
Mùa Vu Lan đang đến, hãy mở lòng bao dung hoan hỷ của chư Phật, mở lòng ra tới đâu cõi địa ngục sẽ bị phá tan tới đó.
Xin cài lên áo quý anh chị em một đóa hồng thắm tươi mùa báo hiếu.