MẸ HIỀN QUÁN THẾ ÂM
Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy
Mỗi năm chúng ta làm lễ Vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần: 19-2, 19-6 và 19-9. Nói về Bồ Tát Quán Thế Âm thì trong kinh điển theo như Cô còn nhớ, bộ Kinh Bi Hoa có nói về một tiền thân của ngài. Ngài là một vị Thái Tử, con của Vua Vô Tránh Niệm. Trong thời đó nhà Vua cùng Thái Tử cùng phát tâm tu đạo, đức Vua phát 48 nguyện trong đó có nguyện sau này khi được thành chánh quả thì sẽ lập một quốc độ có đầy đủ những phương tiện tốt đẹp để chúng sinh về đó tu tập. Khi nguyện viên mãn thì đó là cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà và người Thái Tử cùng phát nguyện tu với Vua cha sau này là Bồ Tát Quán Thế Âm.
Đức Phật A Di Đà đã thành Phật từ vô lượng kiếp cho nên đức Quán Thế Âm cũng thành Phật từ vô lượng kiếp rồi, cho nên trong 12 câu nguyện hồi nãy chúng ta nguyện là: Quán Âm Như Lai. Nhưng do bi nguyện, nên theo phẩm Phổ Môn, trích từ kinh Pháp Hoa, ngài Vô Tận Ý có hỏi là vì sao ngài tên là Quán Thế Âm thì đức Phật nói là vì do ngài có lòng từ nên thị hiện ra 32 ứng hóa thân để mà theo tiếng kêu của chúng sinh tầm thinh cứu khổ.
[…] Ở đây các Phật tử có hiểu về ứng thân không? Hiểu tại sao Phật ứng thân không? Cô lấy thí dụ này. Thí dụ như Cô ngồi trên chỗ này thì Cô đóng vai, ở vị trí của một người giảng kinh; một lát nữa xuống kia Cô đi vô chỗ quý Phật tử bán bún riêu, thấy bán không kịp, Cô phụ múc thì Cô đóng vai một người bán bún riêu. Thì cũng là Cô thôi. Một lát nữa, dưới bếp không có người rửa chén, cần một người rửa chén Cô sẽ đi vô đó làm một người rửa chén. Vẫn là một người, nhưng đóng nhiều vai trò. Quý vị hiểu chớ? Vì chúng sinh đa bệnh và cái đau khổ của chúng sinh mênh mông cho nên khi cần thân Phật thì ngài hiện thân Phật, khi cần thân Trời thì ngài hiện thân Trời. Ngay đến những vị Hộ Pháp đằng trước chùa, một vị mặt hiền, một vị mặt dữ cũng là hóa thân của đức Quán Thế Âm.
[…] Hôm nay nói về đức Quán Thế Âm thì Phật tử chúng ta người nào cũng có một cái cảm nghiệm. Bởi vì sống trong một gia đình Đông Phương, mà là gia đình Phật giáo, thì từ thuở thơ ấu, bà nội, bà ngoại, mẹ đã dạy chúng ta là khi nào sợ hãi thì niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, phải không? Ít nhất, chúng ta trong một lần nào đó trong đời người, kêu cầu đến danh hiệu của ngài và có sự đáp ứng.
Hình bóng mà chúng ta thấy thờ ngài là hình bóng của một vị Bồ Tát hiền dịu và mang một thân hình, một dáng dấp một người mẹ, có tóc, mặc đồ thế tục, mang trang sức, tức là một người phụ nữ thế gian chớ không phải là một người tu sĩ đầu cạo trọc. Vì đó là hình bóng của một bà mẹ hiền ở trong bất cứ một gia đình nào cũng có. Các Phật tử hiểu về ứng hóa thân rồi chớ?
Đó là một hình ảnh rất gần gũi. Cô nhớ là thời thơ ấu của Cô, khi ba mẹ vắng nhà, cô rất sợ ma. Nông thôn thời xưa không có đèn, không có gì tiêu khiển cho con nít, mà ba mẹ lại vắng nhà, nên khi đó Cô niệm đức Quán Thế Âm, ‘xin Bồ Tát Quán Thế Âm canh ăn trộm, canh ma dùm cho con đỡ sợ’. Và Cô thường đi ngủ với hình bóng của ngài tỏa bóng mát khắp khu vườn của Cô để che chở cho những đứa bé vắng cha mẹ. Rồi khi Cô học bài không thuộc, Cô cũng nguyện ‘Quán Thế Âm gia hộ cho con thuộc bài’. Đến khi Cô đi thi, Cô cũng nguyện Quán Thế Âm gia hộ cho con thi đậu. Có khi Cô xin chiếc xe đạp, có khi Cô xin một món quà nào đó, Cô coi đức Quán Thế Âm giống như một ông già Nô En ở bên này, nghĩa là ngài đều theo tiếng kêu của mình mà cứu khổ. Cho nên suốt cả một thời thơ ấu cho đến khi vào chùa thì lúc nào Cô cũng nguyện điều đó. Khi là một chú tiểu, điều sợ hãi nhất là sợ mình tu không trọn vẹn, thì Cô nhớ đêm nào Cô cũng nguyện cho đức Quán Thế Âm gia hộ cho con được tu trọn đời, không bao giờ bỏ cuộc. Giống như là những khi đau khổ đến cùng cực thì luôn luôn Cô mơ ước có một đức Quán Thế Âm ở vừa tầm tay của mình để mình đến ôm chân ngài, để mình khóc, mình than, mình vòi vĩnh đủ thứ, như đối với một người mẹ bằng xương bằng thịt.
Nhưng đến khi Cô vào Thiền viện tu thì bắt đầu được học là tu không cầu tha lực mà chỉ nhận cái công án, tu theo Hòa Thượng dạy, là không vọng tưởng. Từ đó trong chương trình tu học chỉ lễ đức Văn Thù, lễ đức Phổ Hiền, và không có lễ đức Quán Âm, thì cũng thấy như hơi thiếu sót: tự nhiên mình phải chia tay đức Quán Âm vốn quen thuộc với mình từ nhỏ. Nhưng tuổi trẻ, thôi mình tu thiền thì theo đúng thời khóa của thiền, và hoàn toàn Cô không nguyện đức Quán Âm nữa.
Nhưng đến năm Cô khoảng 30 tuổi – lúc đó là vào khoảng năm 80 – nhà nước có đưa ra một chính sách là tất cả phụ nữ tuổi từ 18 đến 35 mỗi năm phải làm nghĩa vụ lao động trong một tháng, trừ ai có con cái còn nhỏ. Trong một tháng đó mình phải đi đến nơi nào mà chính quyền chỉ định.
Cô nhớ trong tuổi 18 đến 35 ở nông thôn Việt Nam thì chỉ có quý cô, sư cô là không có con cái thôi. Tu viện lúc đó hơn 30 người mà không người nào quá 35 hết, tổng cộng quý cô mỗi một năm mắc nợ trên 30 tháng nghĩa vụ, mà nếu không đi thì phải đóng tiền. Thí dụ như người ta tính tiền công lao động một ngày là 10,000, một tháng là 300,000, 30 người thì tính ra đến hàng triệu, không thể nào mà tìm ra một số tiền như vậy.
Hoặc nếu không đi thì phải lấy giấy bịnh. Mà giấy bịnh thì phải kiếm bác sĩ lấy cái chứng từ cho rằng mình bịnh đến nỗi liệt giường không thể đi được, lại đi qua một vấn đề khác là phải nói láo. Mấy cô mới họp nhau: mình tu hành, trước kia muốn thọ giới là phải lạy hai năm Sám Hối, bây giờ vì né tránh cái vụ này mà phải nói láo thì khi khám bác sĩ hổng dám dòm mặt ông bác sĩ […] Cuối cùng Cô nói: đi. Nhưng trước hết thì xin đi dọ đường. Lúc đó Cô là giáo thọ thì Cô đi trước để coi chuyến đi lành dữ thế nào rồi sau đó mấy em mới đi.
Như vậy buổi sáng hôm đó Cô đi cùng với 200 dân làng, trong đó chỉ có chừng hai thiếu nữ lỡ thì. Hai sư cô và 200 thanh niên, tất cả chất lên một chiếc xe cam nhông, chạy đổ xuống một vùng đất qua khỏi Long Khánh, gần giáp với Lâm Đồng, với công tác là thu dọn lòng hồ Trị An. Lúc đó chưa có thủy điện Trị An. Người ta dọn dẹp trước rồi sẽ cho nước vào để nơi đó chìm xuống thành cái lòng hồ. Vùng này trong chiến tranh là chiến khu D. Sau chiến tranh thì nó là một nơi khai thác lâm sản hoàn toàn mới mẻ. Khi chưa đi, nghe nói Trị An Cô cứ tưởng nơi đây có thác Trị An thì có suối, có đá, có nước mênh mông, và rừng chiến khu D thì chắc là rất đẹp. Nhưng khi đổ quân xuống rồi thì mới thấy nơi đó giống như nơi người ta đào vàng, toàn là xe ba lua, xe máy cày, nghĩa là bụi tung mù mịt vì là đường rừng được phá để chở lâm sản ra. Và một điều đáng hoảng sợ nhất là xung quanh rất ít phụ nữ nếu không nói là hoàn toàn vắng bóng phụ nữ.
Đoàn phải đi qua một cái phà nữa rồi tiến sâu vô gần nông trường Bá Đà. Đến đó thì đóng quân giữa rừng. Hình như là giữa 500 đàn ông mà loe hoe chỉ có chừng bốn hay năm phụ nữ thôi. Đi thì hoàn toàn đi bộ, mà hồi đó Cô đi guốc, đường thì bụi mịt mù vì xe chở gỗ chạy. Khi vô tới đó rồi thì trời tối, không thấy đèn đuốc gì hết, mà điều khủng khiếp nhứt là không có nước. Rừng hoàn toàn không có nước vì đó là mùa khô. Từ nơi mình lấy nước đi đến cái chỗ mình đóng quân để lao động đó, là 20 cây số đi bộ. Đem bốn lít nước lấy từ sông vào, thì tới nơi Cô với cái em đi theo đó uống hết ba lít rồi, còn có một lít. Ai dòm thấy Cô có cái bình nước thì họ cũng muốn lại xin. Bà Thanh Đề trong Cô nổi dậy, tối đó Cô dấu cái bình nước ở trong mền đắp lại và nói “không” với tất cả mọi người.
Nơi đó người ta dựng một cái lều tạm, tất cả đàn ông con trai chun vô lều hút thuốc, giỡn, hát. Còn mình thì phụ nữ, nên Cô ra một chỗ gần gần đó, giăng một cái mùng, đắp lên một tấm ny lông và nằm. Sáng hôm sau dòm trở lại thì 200 người dân ở làng cùng đi với mình trốn mất tiêu hết mà họ hổng rủ mình theo. Mấy Cô thì rất ngoan, thức dậy ra thì ‘ụa, tất cả người quen đều biến mất,’ phụ nữ cũng biến luôn. Dân họ bỏ quý cô lại vì họ thấy quý cô cứ lẹp xẹp đôi guốc hoài. Họ chạy trốn nên họ đem hành trang rất nhẹ. Họ không mang theo cái gì hết, trong khi Cô thì tính hai người đi như vậy trong một tháng thì phải mang 20 ký gạo, rồi nước tương, muối, nồi niêu xoong chảo, thêm hai cái rựa nữa. Đi 20 cây số, đi hết nổi phải kiếm một cây tre rồi khiêng như người ta tải thương. Nghĩa là những vật dụng mà mấy cô mang theo gần 50 ký. Họ thấy đồ của mấy cô là họ biết không thể nào dẫn hai bà này trốn về. Trốn là bị bắt hết, thành ra họ bỏ lại.
Sáng ra, đất với trời chung một nghĩa bơ vơ, hổng có ai bên mình hết. Người ta sát nhập quý cô cùng một nhóm lạ nữa, và họ phát cho một khu rừng, họ biểu ‘Cô lãnh rừng đại diện cho cái làng của Cô đi’. Rừng có những cái cây ba bốn người ôm, tre, mây, đan chằng chịt dòm hổng thấy bóng nắng. Nhiệm vụ của Cô là xách cái rựa đó đi phát làm dấu ranh giới của mình. Cô cầm cái rựa lên, không biết làm sao chui vô cái rừng đó, xuyên qua mây xuyên qua tre, đứng dòm hoài thì cái ông chia công tác ngao ngán nói: ‘Thôi, ngó bộ bà làm ăn hổng nên thân đâu, tay bà mà vô khều nó cũng chưa tróc cái vỏ cây nữa. Thôi bây giờ bà ở trong một cái ban là đánh cắt tranh để cho người ta lợp nhà…’ Tại vì dân đổ vô mà không có một mái nhà che sương. Còn cánh đàn ông thì phải cấp bách đào giếng để lấy nước uống.
Rừng hoàn toàn không có nước. Sáng không có nước rửa mặt. Không có nước uống thì làm gì có nước rửa mặt, rửa rau. Muốn đi lấy nước thì không ai cho mình đi hết vì sợ mình trốn. Mà đi bộ 20 cây số thì lấy được nước rồi đi về Cô sẽ uống hết trơn. Và cái điều nguy hiểm của người phụ nữ là có những cái ngày đặc biệt cần phải dùng đến nước. Thành ra Cô nói với em đi cùng với Cô, em này mới 20 tuổi, ‘Em phải giữ vững tinh thần nghen, trong thời gian này không thể nào xảy ra sự cố bất tịnh được tại vì rừng không có nước.’ Con bé vừa nghe xong là nó sợ quá. Nửa tiếng sau thì nó nói, ‘Cô ơi, xảy ra sự cố rồi.’ Đó là một điều khủng khiếp. Nước không có để rửa mặt, không có để uống. Mà chung quanh mình không có một người phụ nữ. Đừng nói gì tới tắm giặt. Mà phải ở một tháng trời. Sẽ như thế nào đây?
Người ta chia hai người phụ nữ cho vào hai tốp. Cô phải đi theo thanh niên đi vô một khu rừng xa hơn nữa để cắt tranh. Từ chỗ đóng trại tới cái chỗ đó khoảng hình như từ 10 đến 20 cây số vì không có cây số để mình biết. 5 giờ phải thức dậy đi rồi. Thanh niên đi mau lắm, họ đi một lát là Cô hổng còn thấy bóng dáng họ ở đâu hết, cứ nhắm theo dấu chân họ để lại trên con đường bụi đó mà đi. Cô đi đến nơi là đúng 12 giờ trưa. Mà họ vô trong đó là mất hút. Cô vô, đầu tiên họ biểu Cô: Cô đốn tre đi. Tre gai chằng chịt chớ không suông như ở (chùa) Đức Viên đâu, mà muốn vô đó thì phải mở con đường rồi mới chui vô cái gốc nó. Đốn xong phải leo lên cái ngọn, rút từ trên ngọn rút ra. Cô loay hoay một tiếng đồng hồ mà chưa phát được một cái lỗ để chui vô cái gốc mà quần áo đã bị gai tre làm rách hết. Cô đã mặc ba cái áo lận vì sợ nó rách giữa chừng. Gai tre mà nó móc vô da thịt mình thì rất là nhức. Họ nói, điệu này Cô đốn tre hổng được, thôi Cô róc tre đi. Cô róc xong một cây tre là tới 4 giờ chiều.
Họ nói, theo cái kiểu đi rùa bò của Cô thì 4 giờ Cô phải đi về, chớ 5 giờ mà Cô mới về thì tới nhà sẽ là 9 giờ tối. Cô nghe nói Cô mừng quá, Cô bắt đầu đi bộ. Đúng y là về tới nhà là 8 giờ tối. Thì đó, công tác đầu tiên là Cô róc được một cây tre, tức là từ một cây tre gai róc được một cây tre thẳng như của (chùa) Đức Viên trồng.
Tới nơi rồi thì con bé ở nhà nó khóc mếu máo, nói: Cô ơi, bây giờ mình đi về chùa chớ đừng ở đây. Mà Cô biết lấy gì mà về, mình cũng không biết mình đương nằm ở chỗ nào nữa. Nó nói, ‘Nhưng con cần nước, con phải có nước. Bao nhiêu nước con đã nấu cơm cho Cô ăn rồi bây giờ nước uống không có, nước tắm không có thì làm sao đây?’ Chung quanh là đàn ông, làm sao mình hỏi được. Và Cô chỉ biết gặp một bác già mà Cô tin tưởng để hỏi thăm. Lúc đó Cô còn trẻ, đi tới đâu là chung quanh thanh niên ca vọng cổ, ‘Lan ơi Lan em cắt tóc đi tu hay đầu em có ghẻ?’ Nó trêu chọc mình suốt ngày, Cô không có dám hỏi. Thành ra lựa một bác già, Cô hỏi “Bác ơi, bác biết gần đây có suối, có giếng không?” Bác nói ‘có con sông mà Cô phải chịu khó đi bộ 20 cây mới đến.’ Cô nghĩ 20 cây thì Cô đi chắc ba ngày. Nhưng một lát thì có một người dân làm củi đi qua. Họ nói đi về hướng này thì gặp cái suối tên là suối Bon. Hỏi ‘cách bao lâu chú?’ Ổng nói, ‘gần xịt hà, Cô cứ nhắm hướng này Cô đi, tới cái suối Bon tha hồ tắm.’
Cô nghe vậy mừng lắm, thành ra 9 giờ đêm mang gàu, quảy quần áo, hai ba can nước, xách con bé đi theo đó, đi kiếm suối Bon. Ra đi không thấy đường thấy sá gì hết. Ở trong chùa thì quán Bát Nhã, truy vọng đủ thứ hết nhưng lúc này thì Cô mới niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát cho con kiếm ra cái suối Bon. Đi mà không dám hỏi người ta, sợ người ta biết là mình không biết đường rồi bắt mình giữa rừng thì sao. Trong bóng tối nhập nhòa giữa một cái rừng thanh niên trong đó gồm thanh niên xung phong, tù hình sự, đủ thứ hết, có những người để tóc dài thành tóc thề luôn. Trong bóng tối như vậy, nghe tiếng nói phụ nữ, họ đâu có biết mình tu hay không, chuyện gì sẽ xảy ra cho hai chị em đây? Đi cứ lầm lũi đi, cứ nhắm hướng như vậy mà đi. Cô không biết đi bao lâu. Người sư em đi theo mình thì tin tưởng nơi mình là giỏi dữ lắm, cứ lúc thúc đi theo đằng sau, lâu lâu hỏi ‘suối Bon tới chưa Cô?’ Cô không dám nói là Cô chưa biết nó ở chỗ nào nữa. Mà cứ đi như vậy. Chỉ biết là nhắm một hướng đi thôi để một lát còn đường trở về, đi thẳng chớ không dám quẹo.
Đi như vậy không biết bao lâu, Cô niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát bảo vệ cho chúng con để chúng con được tu trọn đời và chúng con làm sao kiếm được cái suối Bon, và gia hộ làm sao cho chúng con kiếm được một người hiền để tụi con hỏi thăm đường. Khi vừa đi vừa niệm như vậy, Cô đặt hết niềm tin vào đức Quán Thế Âm mà sau khoảng gần 10 năm Cô không niệm đến ngài. Tự nhiên Cô nghe tiếng chân của người đi ngược lại và Cô dòm mang máng thì đó là một người phụ nữ. Cô mừng quá, Cô nói ‘Bác ơi, cho tôi hỏi đường đi suối Bon là đường nào.’ Người đàn bà khó chịu, họ nói ‘Mấy cô đi đâu? Mắc cái gì phải tới suối Bon?’ Cô nói, “Dạ tụi con đi tắm. Tụi con là sư cô, là tu sĩ Phật giáo lên đây đi dân công, tụi con cần nước uống và tắm nên đi suối Bon.’ Bà mới nói, ‘Cô đi tới tết Công Gô chưa tới vì nó cách đây hai chục cây.’
Nghe tới đó Cô rụng rời. Bà còn nói, ‘nếu cô không nói là sư cô thì tôi không chỉ đường đâu, vì suối Bon là nơi đàn bà con gái không đàng hoàng lên đó ở…’ Khi đó Cô rất là tuyệt vọng, còn em mà đi cùng với Cô, nó vừa nghe tới đó là bỏ hai túi đồ xuống, đứng khóc ngon lành. Đi nãy giờ đã không biết bao lâu rồi, mà bây giờ còn nghe tới hai chục cây số nữa mới tới, nó đứng đó khóc liền. Cô cũng không biết nói làm sao. Về cũng quá xa, mà đi cũng quá xa. Không ngờ thất bại như vậy, ngày mai lấy nước đâu mà uống, nước đâu mà nấu ăn? Tự nhiên chị đàn bà đó dịu giọng. Chị nói ‘bây giờ tôi chỉ cho một chỗ có cái nhà có giếng nước rất là trong, cô vô đó gọi tên là chị Hồng, cách đây khoảng 100 thước. Cô đến đó thì sẽ có nước tắm và uống.’
Nói xong rồi chỉ đi mà Cô cũng không thấy mặt chỉ. Cô nghe lời, đến đó thì thấy có ánh đèn leo lét trong một cái nhà tranh. Cô mới đứng bên ngoài kêu chị Hồng ơi, chị Hồng hỡi thì có một người phụ nữ ra hỏi ‘Mấy cô cần gì?’ ‘Dạ tụi em cần nước. Chị cho tụi em tắm nhờ với xin một ít nước.’ Chị mới nói là ‘Phía sau nhà tôi có một cái giếng rất là cạn, cô chỉ cần ngồi ở trên cô thò cái thau xuống là múc được nước.’ Rồi chỉ cho một cái thau giặt đồ. Cô mừng quá, mò mẫm trong bóng tối vì chung quanh đó hoàn toàn không có đèn đuốc gì hết. Chỉ có ngọn đèn leo lét trong nhà nhưng khi họ nói chuyện với mình xong thì họ đóng cửa lại nên tối hoàn toàn. Và Cô đi ra theo hướng của chị đó chỉ, rồi thì Cô múc nước đổ đầy hết mấy cái can đem theo, múc nước giặt đồ, cuối cùng là tắm lộ thiên trong bóng đêm. Tắm xong tự nhiên lòng đầy phỉ lạc, vui vẻ trở lại, mới quảy đồ đạc, khiêng mấy can nước đem về. Cô tính ghé vô nhà để cám ơn thì thấy họ ngủ rồi, nên đi trở về cái trại đã đóng quân, lúc đó thì trời vừa sáng.
Sáng hôm sau Cô lại dấu 20 lít nước mà mình vừa có. Cô đem vô mùng, phủ mền lên, nếu không thì người ta sẽ xin. Người ta thấy mấy cô sao mặt mày tươi tắn vui vẻ thì họ mới hỏi, Cô có nước ở đâu nấu cơm vậy. Cô nói Cô xin ở nhà chị Hồng, chị Hồng có cái giếng nước. Mấy người đó, cùng mấy người thợ rừng, nói ‘Tụi tôi ở đây cả năm, bảy năm chẳng nghe ai tên chị Hồng mà cũng hổng có cái giếng nào hết. Ở đây đào cả 20 thước cũng chưa thấy nước.’ Cô nói ‘Không. Cái giếng đó rất là trong, tôi ngồi trên mà tôi lấy cái thau múc được mà…’ Họ nói hoàn toàn không có cái giếng đó, cũng không có người nào tên chị Hồng hết.
Đó là một điều mà năm Cô đi làm dân công Cô đã trải nghiệm. Lúc đó mấy cô cũng ngây thơ, nói có giếng hay không cũng không sao, chỉ biết mình có 20 lít nước trước mặt để nấu cơm uống nước, và mình đã được tắm, được giặt đồ là quý rồi. Sau này Cô mới hiểu đó là sự gia hộ. Bất cứ người phụ nữ nào giúp ta đi qua một đoạn đường gian khó đều là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, không cần biết người đó có hay không, hiện thân dưới hình dáng nào. Người phụ nữ chỉ đường, Cô không thấy mặt. Chị phụ nữ tên Hồng, Cô cũng không thấy mặt. Và cái giếng đó hiện ra trong đêm cho mình múc nước sau đó rồi không kiếm ra được nữa. Ban ngày không kiếm ra cái giếng đó.
Hai ngày sau, vì dân quá khổ cho nên họ dời địa điểm vào một vùng sâu hơn nữa, và Cô từ giã chị Hồng giống như một giấc mơ mình gặp. Và mình lấy được nước từ trong mơ đó. Lạ lùng là đi suốt đêm như vậy mà không thấy mệt và còn 20 lít nước để xài trong ba ngày liên tục.
Sau này khi đọc sách Cô thấy có một câu chuyện có anh chàng ở Tây Phương này, anh ta rất là tin ở Chúa, và một hôm khi một cơn lũ kéo qua làng thì anh ta bị kẹt trên một đọt cây và anh ta tha thiết cầu mong Chúa hiện đến để cứu anh. Một lát sau có một con tàu đi qua, mời anh lên nhưng anh nhất định không lên vì anh đặt niềm tin vào Chúa, chỉ có Chúa đến rước anh mới đi. Thấy anh không chịu lên, con tàu bèn bỏ đi. Rồi một chiếc bè đi qua, anh chàng vẫn từ chối. Rồi một chiếc ghe đi qua, anh chàng cũng từ chối luôn. Cuối cùng anh ta chết, vì Chúa không xuống. Khi chết, về trên thiên đàng anh mới trách tại sao Chúa không cứu con. Chúa mới nói, ‘Ta đã gởi ba lần, một chiếc tàu, một chiếc bè, và một chiếc ghe nhưng mà ngươi đều từ chối hết. Chớ ngươi muốn ta hiện ra sao?’ ‘Dạ, con muốn Chúa hiện ra y như hình dáng Chúa mà con thờ.’ Chúa mới nói, ‘Khờ ơi là khờ. Những người nào giúp đỡ con trên đường con đi khi con cần đều là những sứ giả mà Ta đã gởi đến cho con.’
Điều đó cũng giống như tư tưởng về Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi mình tới cái đoạn bế tắc mà có một người nào đó tới giúp, thì đó là ứng hóa thân của đức Quán Thế Âm. Cô nhớ là khoảng năm Cô hơn 30 tuổi thì Cô gặp sự kiện đó. Đến bây giờ việc đó đối với Cô giống như một phép lạ. Rồi sau đó trở về Thiền viện Cô không niệm đức Quán Âm nữa vì trong chùa tu thiền không có niệm Phật hay niệm danh hiệu đức Bồ Tát. Cho đến năm 40 tuổi, khi Cô lâm bệnh nặng và phải đi giải phẫu.
Năm đó là năm 1990, ngành y tế của Việt Nam rất là cực. Khi mình giải phẫu thì phải lo hết tất cả, phải mua từng cây kim để chích thuốc, bình nước biển, mua luôn con dao mổ, mua luôn băng, nghĩa là bệnh nhân phải tự kiếm mọi thứ. Phải có đủ thì bác sĩ mới giúp mình giải phẫu. Ngay đến thuốc vitamin K để chích cho cầm máu, bệnh nhân cũng phải mua. Cô nhớ là mua không được, cuối cùng Cô phải ăn mấy ký hẹ sống vì người ta bày ăn cái đó thì mạch máu mình sẽ dai. Khi đủ hết rồi, Cô mới mổ. Ở bệnh viện Bình Dân.
Cô nói thêm một chút là xin một cái lịch mổ rất là khó, mà người ta sắp Cô mổ vào ngày rằm tháng 6, và theo Đông y thì ngày đó là ngày Nhâm Thần, nghĩa là không được chích, lể mổ xẻ gì trong ngày đó. Nếu nhìn theo Tây y thì ngày đó mặt trăng và mặt trời đều tác động trên trái đất mình, nếu chúng ta mổ xẻ thì máu sẽ chảy không cầm và vết thương rất khó lành. […] Bây giờ đại phẫu mà không tìm được sinh tố K để cầm máu lại mổ ngay ngày rằm. Mổ một vết mổ dài năm tấc mà thiếu những thứ cần thiết như vậy thì rất nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng nhà thương đã lên lịch, mình không có quyền. Người ta cho vô nằm và cho lên lịch là mừng rồi. Lần đó Cô đành phải niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Bồ Tát từ bi gia hộ đổi dùm ngày cho con, chứ mổ ngày này là lành ít dữ nhiều tại vì con không mua được thuốc. Chỉ nguyện thôi, chứ không thể nào chạy chọt được hết.
Không hiểu sao sau đó thì họ đổi lại, Cô được giải phẫu ngày 19 tháng 6 là Vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Một lần nữa Cô bắt đầu thấy, à hình như có đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện diện chớ, mình không xin mà tự nhiên nhà thương người ta đổi. Thì ra có một người có thế lực vô trước Cô mà thấy Cô được sắp lịch mổ trước họ nên họ giận, bà nói tại sao bà vô trước mà lại mổ sau, cho nên nhà thương sau đó sắp lịch cho bà ta thế vào ca mổ của Cô, và Cô qua cái phần của bà là ngày 19 tháng 6, thành ra Cô rất yên tâm.
Nhưng trước khi đi giải phẫu thì cạn tiền, không có tiền. Cô đến trước Phật tụng một thời kinh Phổ Môn vì lúc đó đường cùng rồi, không biết sẽ trông cậy vào ai. Thôi thì Cô quỳ trước Phật: ‘nếu thọ mạng con hết, và năm nay thì con sẽ ra đi thì con ước mong là chư Phật gia hộ cho con được tái sinh trở lại đời đời xin tu theo hạnh Bồ Tát xuất gia, ra đâu cũng gặp thầy gặp bạn để con tiếp tục, còn nếu con còn cái duyên tu và học đạo, thì xin tu đạo và hoằng pháp ngay trong đời này.’ Nhưng mà Cô hơi tiếc. Cô than với Phật, ‘hàm răng con còn nguyên chưa nhổ cái nào hết, nghĩa là thân thể con toàn vẹn, chỉ có cái bụng là có cái bướu thôi. Điều thứ hai nữa là con đã trải qua thời gian học rất là cực, rồi con cũng đã đi giảng dạy, nhưng con chưa có thời gian tu tập. Bây giờ mà bắt con học từ mẫu giáo trở lại nữa thì con ngán quá. Có khi nào đức Quán Thế Âm Bồ Tát cho con được duy trì thọ mạng, thay vì chết qua một đời sau để rồi con phải tái sinh trở lại và phải mất 40 năm để học và hiểu những đau khổ, những trắc trở của cuộc đời này mà vẫn còn niềm tin nơi đạo Phật, xin cho con tái sinh một lần thứ hai trong cái thân 40 tuổi để con tiếp tục tu học,’ nghĩa là Cô xin duy trì thọ mạng.
Lúc đó Cô rất là hoảng hốt vì biết mình sẽ ra đi một mình, mà đạo lực chưa vững, cũng không biết đi về đâu, cho nên Cô xin phải có một cái gì cho con biết là có sự gia hộ. Cô không có tiền, mà tự ái và tự trọng không dám ngỏ lời với ai hết. Cô xin với đức Quán Thế Âm Bồ Tát: Xin ngài cho con xin một triệu đồng tự nhiên mà có, không phải do mua vé số, không phải xin ai hết; trong ba ngày nếu có thì con sẽ đi giải phẫu, còn không có thì con bằng lòng chờ chết, tại vì khi đó họ nói nếu trễ thì Cô sẽ chết, không thể trễ quá một tuần nữa.
Cô xin ba ngày. Sau khi nguyện như vậy thì buổi chiều hôm sau có hai em thiếu nữ đến thăm Cô, nói tụi con sắp đi đoàn tụ gia đình, trước khi đi con đến thăm Cô. Cô thấy các em đó lạ nên Cô mới hỏi chớ các em quen Cô ở đâu. Nó nói Cô đi giảng thì thính chúng vô số, làm sao Cô nhớ, tụi con nhớ Cô chớ Cô không nhớ tụi con đâu. Nói chuyện một chút rồi tụi nó từ giã ra đi, trước khi đi nó để lại, nó nói, ‘Con rời nơi này 30 phút Cô mới mở ra nghe.’ Lúc đó thì Cô rất là buồn, cũng không màng. Đến khi em nó đi rồi, Cô mở cái gói giấy báo nhỏ nhỏ chừng bằng trái tắc thôi, mở ra thì là ba chỉ vàng. Và Cô nhờ người bán, thì đúng một triệu đồng. À, hóa ra là đức Quán Thế Âm nghe lời mình xin thiệt, cho nên Cô mới đi giải phẫu. Lại thêm có sự chuyển biến, được giải phẫu đúng ngày 19 tháng 6, Cô mừng quá: mình hổng chết.
Nhưng giải phẫu xong thì ra một kết quả rất buồn: ung thư ác tính, sống tối đa từ sáu tháng đến hai năm. Nhưng do đã thấy có một sự mầu nhiệm từ trước, Cô nhất định là mình hổng chết. [….]
Trên đây là lược ghi phần đầu bài pháp thoại của Ni Sư Như Thủy tại chùa Đức Viên, San Jose, California, trong chuyến xuất dương hoằng pháp đầu tiên của Ni Sư. Trong phần kết, Ni Sư đã nói với thính chúng: “Hôm nay, quý sư già ở đây yêu cầu Cô lên nói về đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Cô nghĩ là những bài giảng về đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc quý vị được nghe nhiều rồi, Cô chỉ xin chia sẻ niềm tin của Cô vào đức Quán Thế Âm Bồ Tát…”
Chính niềm tin, cùng với sự linh ứng mầu nhiệm của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, sự “cảm ứng đạo giao nan tư nghì” này đã cho Ni Sư sống thêm để cứu giúp lớp người khốn khó nghèo nàn tại một vùng quê hẻo lánh miền Tây, nơi mà ban đầu Ni Sư định lui về trú ngụ với mục đích tĩnh tu chờ chết (vì sau hai lần hóa trị, Ni Sư đã bị yếu nhiều và trông thấy rất nhiều người đã bỏ mạng trong quá trình trị liệu).
Cũng từ bài pháp thoại, Ni Sư cho biết, lúc sống trong vùng đất nghèo đó, Ni Sư tuy “yếu lắm, bệnh hoạn” nhưng không uống thuốc, “cũng không để ý vì thấy cái khổ của mình không thấm vào đâu so với chung quanh”; Ni Sư nguyện xin đức Quán Thế Âm giúp cho có tiền để làm việc này việc nọ và lần nào cũng toại nguyện. Qua những ân nhân ẩn danh (người giao tiền chỉ lén lút gõ cửa bảo Ni Sư ký nhận để giao) ‘y như là chị Hồng, y như là cái giếng’, Ni Sư đã dùng tiền có được để khi thì mua mùng phân phát cho dân, khi thì giúp tiền mua thuốc men, khi thì mua con bò cho mấy đứa bé mồ côi, mua tập vở cho học trò nghèo, khi thì chuộc một cô gái sắp lấy chồng Đài Loan, và công trình lớn lao nhất là dựng được một ngôi trường giữ trẻ khá khang trang tặng cho dân làng để trẻ con có một nơi an toàn không bị lọt mương chết đuối trong những năm lũ lụt.
Về căn bệnh ung thư mà bác sĩ từng tiên đoán chỉ cho phép Ni Sư sống từ sáu tháng tới hai năm vì “bướu đã thả rễ và mọi bộ phận đều có hết”, Ni Sư không hiểu sao mình lướt qua được và “sống một mạch quá đát (date) tới 15, 16 năm, nên Cô mới đi qua đây” (năm 2008).
Ngày 17 tháng 3 năm 2018, trên đường du hành hoằng hóa cho hàng ni chúng hải ngoại, có lẽ thọ mạng đã hết, bệnh cũ của Ni Sư đột ngột bạo phát và sau một thời gian rất ngắn, người đã viên tịch tại một ngôi chùa ở Worcester, Massachusetts, trong sự tiếc thương quy ngưỡng của biết bao Phật tử xuất gia lẫn tại gia mà nhất là nữ phái.