TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
MÁI ẤM
(Hồi ký Hạnh Đoan)
Đang ngủ, tôi giật mình vì chuông điện thoại reo vang… rồi bên kia đầu giây tiếng chị bạn thổn thức: – “Em ơi, ảnh lại ngoại tình – lần này chị nhất định ly dị, em nghĩ sao?”…
Hơn cả giờ đồng hồ chị tâm sự với tôi, còn tôi thì cố xoa dịu chị.
Hồi nhỏ, trong trí tưởng tượng của tôi cuộc đời rất thơ mộng nên tôi chẳng thấy thú vị gì khi học lý khổ đế của Phật. Có vẻ bi quan làm sao ấy. Nhưng tôi rất thích nghe Phật tuyên bố: “Đến để nghe ta nói chứ không phải để tin ta. Tin mà không hiểu là phỉ báng ta”… và cả cái câu dặn dò đầy tinh thần dân chủ, minh triết: “ Đừng tin điều gì bởi nó được thốt ra từ các bậc thánh, từ kinh điển hoặc phong văn… nếu chưa trải qua sự quán xét của trí tuệ và sự thực nghiệm của bản thân”… đã khơi dậy trong tôi niềm sùng bái, kính phục Ngài vô kể.
Lớn lên, tôi có dịp chứng kiến và trắc nghiệm lại những gì Phật đã dạy. Mùa xuân hai mươi tôi về thăm nhà sau nhiều năm xa cách. Đang ngồi chơi với gia đình thì ông anh họ tôi chạy ào vào cầu cứu. Chả là anh đang bị đánh ghen vì cái tật khoái “đa thê”.
Cảm thấy mệt, tôi liền sang nhà chị Hai mình ở cuối xóm. Nơi đây chẳng yên ổn gì – ông anh rể tôi đang bành trướng tật lăng nhăng và mới rước về vị phu nhân thứ… ba! Bà vợ thứ hai đang lồng lộn tìm đến đòi “trị tội”, còn chị Hai tôi – là vợ cả – vị chánh phi này đã ngao ngán đến tận cùng, nên cứ ngồi im bất động chẳng thèm ý kiến gì.
Sau đó, suốt đêm tôi không tài nào ngủ được, vì chị cứ đánh thức không cho tôi ngủ – bằng cách kể lể, nói ra rả vào lỗ tai tôi – bắt tôi phải nghe những cuộc tình xa xưa của chị, những cuộc tình chói lọi, vẻ vang… vì lúc ấy người đau khổ, tan nát tim gan… là các đấng mày râu đeo đuổi chị, chị kể với giọng bùi ngùi, hoài niệm thời oanh liệt xa xưa… Tôi biết chị đang thống khổ lắm nên mới trút hết qua tôi nhằm giải tỏa cơn sầu. Dường như số phận tôi là cứ phải lau lệ cho các phu nhân, chứng kiến những cuộc tình đổ nát.
Rồi nhỏ bạn tôi thân tôi lấy chồng. May mắn là tôi chẳng phải lau lệ cho các bạn đồng trang lứa – nhưng tôi phải đi đám nhỏ bạn thân. Nó lìa đời vội vã sau hai năm kết hôn, để lại hai đứa con bơ vơ. Chúng còn bé quá chưa biết khổ đau vì người giết mẹ là cha. Tôi và các bạn bình thản đi đám, ông chồng thì ngượng ngập – nhưng trong tâm thức chúng tôi đều hoài nghi, thắc mắc: Hôn nhân là cái gì đó lạ lùng quá? Và lần đầu tiên tôi tự hỏi: “ Liệu hạnh phúc có thật hay chăng?”… Tôi chợt nhớ đến hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa nửa đêm vượt thành lìa gia đình tầm đạo. Nếu thật sự có hạnh phúc? – hẳn ngài đã “tiên phong” trong việc “thọ hưởng” và chẳng cực nhọc khuyên bảo rằng “Tam giới bất an như nhà lửa”. Lửa chẳng thấy bằng mắt nhưng sức huỷ diệt của nó cực mạnh, nó đốt cháy con người bằng những phiền muộn từ những mất mát không ngớt qua các tai họa đột ngột.
Ông anh họ tôi có lần đến thăm đã tâm sự:
– Tại sao mình thương mình cưới mà hôn nhân vẫn làm mình chán chường?
Anh nói với vẻ mặt thành thật vô cùng. Tôi không biết trả lời sao với anh – anh thuộc loại đứng đắn, sống nhiều về nội tâm, không bê tha trác táng. Gia đình anh lẫn bên vợ đều khá, vợ chồng có vẻ hợp và giống tính nhau. Nhưng chuyện gia đình, tôi biết gì mà nói?
Tôi cố vớt vát bằng câu đáp:
– Nếu anh đòi một hạnh phúc vẹn toàn lý tưởng thì hiếm lắm. Còn chịu an phận với những gì mình đang có thì may ra…
Anh mỉm cười. Nụ cười thông cảm tình thế dễ á khẩu của tôi. Quay sang chỉ bạn mình, anh nói:
– Như thằng Duy đây thì chưa ngán, vẫn còn muốn lập phòng nhì.
Tôi thắc mắc hỏi anh Duy:
– Vợ anh hiền, đẹp cả người lẫn nết mà anh còn bay bướm nữa chi vậy?
– Nhưng các cô tử tế với anh quá làm sao anh ghét họ được? – Anh cười đáp.
– Em không hiểu sao anh có gia đình, “tàn tạ” vậy mà vẫn có người đeo?
– Ôi! Em khờ ơi! Mấy cô có nề hà gì chuyện ấy? Chỉ cần anh có sự nghiệp là đủ đắt giá rồi!
Ra là vậy – anh là giám đốc hãng xưởng lớn, sự giàu có của anh cũng dễ mời “hạnh phúc” và khiến hạnh phúc mong manh! Hèn gì mà các anh khi có chức, có quyền, có tiền… đều có cơ hội báo hại tôi… lau nước mắt cho vợ họ!
Có lần vợ anh khóc rấm rức, bảo tôi:
– Em biết không, hồi đó ảnh nói không cưới được chị ảnh chết. Ảnh thương tới tương tư vô và thương nằm… ói máu! Vậy mà giờ tệ bạc đểu cáng vậy đó! Hồi thương quỳ lụy bao nhiêu giờ phũ phàng bấy nhiêu!
Một cô bạn khác hùa vào:
– Tin đàn ông là chết! Đàn ông đời nay giả dối lắm!
Có thật vậy không? – Với tôi, đàn ông đàn bà gì cũng vậy. Có tài, có sắc nhiều, cơ hội lầm lỗi càng nhiều.
– Thật ra mấy ông không đểu cáng đâu, họ sống rất thật! – Tôi đã bảo bạn mình như vậy. Trong lúc các cô tròn mắt nhìn tôi thì tôi tiếp tục:
– Nếu hồi xưa không cưới được chị ảnh dám chết lắm – cái tâm say đắm lúc ấy là có thật. Nhưng tâm con người thì vô thường, lúc thế này, lúc thế kia, khó giữ được một niệm thường hằng thiên thu. Khi tâm say đắm nổi lên họ không cưỡng lại được, khi nó tàn rụi chán chường thì họ cũng bị chi phối theo. Bao giờ người ta chưa làm chủ được tâm mình thì còn khổ dài dài, không có người khác làm khổ thì tự mình làm khổ mình. Bởi thế mới có lời than: “Tôi có muốn thương đâu mà lòng tôi cứ thương!”.
Tâm thức giống như một dòng chảy bất tận, niệm niệm sinh diệt thay đổi không ngừng. Người ta nói không thể tắm hai lần trong một dòng sông (vì làn nước cũ đã trôi qua mất). Cũng vậy, muốn tìm lại niệm say đắm của thuở xưa cũng chẳng được (vì chúng cũng “trôi qua” rồi). Thế nên, khi hai vọng tâm chốc thoáng tìm gặp nhau rồi kết hôn, bản chất vọng niệm là nhất thời chốc thoáng, mà muốn tạo hạnh phúc trường cửu thì rất khó được. Bởi vậy người ta thường hay nhắc là phải “hâm nóng”, làm “mới” lại cái tâm ban đầu, “Nhật tân, nhật tân…”, phải sống từng ngày thật tinh khôi mới mẻ… Song việc này không dễ thực hành nên hạnh phúc cứ nằm ở cõi mộng, tha hồ cho thế nhân ước ao – còn ước ao là còn chưa với tới!
Trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, tôi tình cờ đọc một đoạn: “Khi bạn có vợ (hay chồng), đừng nghĩ người vợ (hay chồng) đó là của bạn – bởi vì “ta” và “của ta” luôn đem đến đau khổ.
Câu này có ý gẫm thật hay. Sự bám víu, sở hữu luôn làm ta khổ. Lứa đôi đang hạnh phúc mà tử thần cướp đi một người thì thật thống khổ. Lứa đôi đang hạnh phúc mà bị tình địch cướp đoạt hoặc tình cảm bị sẻ chia… cũng khổ. “Thiên tai” hay “nhân tai” gì cũng gây điêu đứng hết, mà mọi sự mọi vật ở đời này luôn bấp bênh. Muốn hạnh phúc thì đừng bám víu và phải hiểu rằng lúc nào mình cũng có thể bị mất mát – không lẽ cứ mãi bám víu rồi tự hành hạ mình bằng cách ôn đi ôn lại tật tánh của người tình phụ? Hay cứ chấp vào lời hứa “siêu mật ngọt” mà họ đã quên tuốt luốt từ năm nảo năm nào? Có trách móc, mắng nhiếc, thán oán cho lắm… thì muộn phiền trong lòng chỉ càng tăng chứ không giảm và khổ đau theo đó càng được tô đậm thêm. Thật ra chẳng ai thương mình bằng mình, dù người ta khẳng định như đinh đóng cột, có thốt leo lẻo là “thương mình hơn mạng sống họ”…, dù họ hứa rất thật lòng rằng sẽ mang hạnh phúc lại cho ta, song câu này chẳng đáng tin – vì hạnh phúc là do mỗi người tự tạo. Chính ta phải tự cứu mình, nương nhờ vào mình chứ không thể trông chờ vào ai khác, chính ta phải chọn cách tư duy sáng suốt, sao cho tâm tư nhẹ nhàng an ổn, chính ta phải tự vực mình dậy từ vực thẳm, tự nâng mình lên, tự ban cho mình niềm vui và hi vọng để sống… Người ngoài chỉ có thể cho lời khuyên, lời an ủi, nhưng chỉ có ta mới đem lại hạnh phúc cho chính mình! Nếu hạnh phúc có thể ban tặng, chế tạo dùm thì Phật và chư thánh đã rải đầy trần gian, đâu cần khô môi nhắc nhở chúng ta phải tu, phải sửa?
Tôi muốn nhắn nhủ đến những người bạn thân thương nhiều khổ đau của tôi rằng, đời còn nhiều điều để chúng ta hạnh phúc lắm. Ta đang có thân thể lành lặn, con cái ngoan, bạn bè tốt… Mà nếu không có…? Thì mình tốt vậy! Hãy thương mình nhiều hơn (bằng cách dành thì giờ tu sửa tâm tính mình), hãy buông và cho qua thật nhanh những phiền muộn trong tâm, vì đắm chìm, níu kéo hay nuôi dưỡng những tư tưởng muộn phiền chỉ khiến ta sống cằn cổi héo úa, chứ không giúp ích gì cho thân xác lẫn tinh thần ta. Các bậc triết gia thường khuyên những người sầu não hãy biết thanh lọc tâm trí, không nên nghe nhạc buồn, mà chỉ nên nghe nhạc vui, nên xem phim hài hước nhẹ nhàng, không nên xem hay đọc những gì làm tăng thêm niệm uỷ mị, sướt mướt, sầu đau…
Ta cần sống thanh thản và ra đi trong sáng. Bởi, khi mình sống còn có người dìu mình, chứ lúc từ biệt cõi đời chỉ có riêng ta dìu ta. Một cái tâm buông xả nhanh, chịu quét sạch rơm rác trong lòng mới có được hạnh phúc và bình an. Chỉ khi tâm bình ổn ta mới chịu đựng được khổ đau và khéo léo hoá giải, biến nó thành an lạc.
(Đã đăng báo G-N 161 ra ngày 10/5/1999
qua bút danh H.T.H)