MA HA TĂNG KỲ LUẬT ĐẠI TỲ KHEO GIỚI BẢN

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Phật Đà Bạt Đà La, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

SÁU PHÁP CẦN GHI NHỚ

1. Phải biết số ngày trong tháng, như ngày mồng một, mồng hai, cho đến ngày mười bốn, mười lăm, hoặc tháng đủ hay tháng thiếu, đều phải biết.

2. Sáng sớm phải tính toán việc thí thực: “Nếu hôm nay được thức ăn thì ta nên cúng dường cho thầy A, nếu thầy A không bằng lòng nhận thì ta sẽ ăn” (nói ba lần như vậy).

3. Hằng ngày phải ghi nhớ về số hạ lạp của mình là bao nhiêu.

4. Phải ghi nhớ số y mình phải gìn giữ và số y mình đã tịnh thí.

5. Phải nhớ là không được ăn với một chúng riêng (một nhóm người riêng ngoài chúng Tăng).

6. Phải nhớ là mình có bệnh hay không có bệnh.

GIỚI BẢN CỦA ĐẠI TỲ KHEO THUỘC BỘ LUẬT MA HA TĂNG KỲ

(Vị yết-ma bắt đầu nói:)

– Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Một tháng của mùa Đông đã trôi qua, thiếu một đêm, nhưng thừa một đêm đối với ba tháng còn lại. Sự già chết đã đến gần, pháp Phật sắp hủy diệt. Các Đại đức vì sự đạt đạo cần phải một lòng tinh tấn. Vì sao? Vì chư Phật nhờ một lòng tinh tấn mà đạt được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, huống gì là các pháp trợ đạo khác.

Những người chưa thọ giới Cụ túc đã ra rồi, vậy Tăng nay hội họp trước hết là để làm gì?

(Một người đáp): Để Bố-tát tụng giới.

Các Đại đức nào không đến thì Tỳ-kheo (nhận dục của họ) hãy trình bày sự gởi dục và thanh tịnh (của họ với đại chúng).

Có ai nhận sự chúc thỉnh của Tỳ-kheo-ni không?

(Nếu không thì đáp): Không có Tỳ-kheo-ni chúc thỉnh.

Chấp đôi bàn tay lại
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Giờ tôi sắp tụng giới
Tăng hãy lắng lòng nghe.
Dù cho phạm tội nhỏ
Phải hết sức lo sợ
Có tội quyết sám hối
Về sau đừng tái phạm.
Tâm như ngựa ruổi dong
Phóng dật khó kìm chế
Phật dạy: gìn giới hạnh
Như nắm dây cương chắc.
Lời này từ kim khẩu
Người thiện cần phải tin
Lòng tin như ngựa thuần
Phá được quân phiền não.
Nếu ai chẳng vâng lời
Cũng không ưa thích giới
Người ấy như ngựa chứng
Chết trong quân phiền não.
Người giữ giới kiên cố
Như trâu mao giữ đuôi
Buộc tâm không phóng dật
Như khỉ bị xiềng giữ.
Ngày đêm thường tinh tấn
Cầu trí tuệ chân thật
Thì đời sống người này
Trong đạo được thanh tịnh.

Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay là ngày thứ mười lăm, Bố-tát tụng giới. Nếu thời gian của Tăng đã đến, thì Tăng hãy nhất tâm

lắng nghe, cùng nhau Bố-tát tụng giới. Đây là lời tác bạch.

Thưa các Đại đức! Hôm nay là ngày Bố-tát tụng giới. Tăng hãy nhất tâm lắng nghe. Nếu ai có tội thì phải phát lồ, không có tội thì im lặng. Vì im lặng mà biết các Đại đức thanh tịnh; như một Tỳ-kheo được ai hỏi điều gì thì phải như thật trả lời. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào ở trong chúng khi được hỏi ba lần, nhớ biết mình có tội mà không phát lồ thì phạm tội cố ý vọng ngữ. Thưa các Đại đức! Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Thế nên, Tỳ-kheo nào muốn được thanh tịnh thì khi nhớ mình có tội cần phải phát lồ. Vì phát lồ thì an ổn, không phát lồ thì tội càng thêm nặng.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong bài tựa của giới kinh, giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần như vậy).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là bốn giới Ba-la-di, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu Tỳ-kheo đã thọ giới Cụ túc ở giữa chúng Tăng hòa hợp, không trả giới, giới sa sút, không rời khỏi Tăng đoàn mà hành dâm với người khác, thậm chí với cả loài súc sinh, thì Tỳ-kheo ấy phạm tội Bala-di, không được sống chung với Tăng chúng.

Bấy giờ, Phật an trú tại thành Tỳ-xá-ly, nhằm ngày hai mươi bảy tháng mười một của mùa Đông, năm thứ năm sau khi thành Phật. Sau bữa cơm, Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, lúc bóng xế độ một người rưỡi, vì trưởng lão Da-xá con của Ca-lan-đà mà chế ra giới này. Những gì Phật đã chế thì phải tùy thuận chấp hành. Đó gọi là pháp tùy thuận.

2. Nếu Tỳ-kheo lấy trộm vật của người khác trong thôn xóm hay chỗ đất trống, rồi tùy theo vật lấy trộm mà nhà vua hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc trục xuất, khiển trách: “Ôi, nam tử! Ngươi là quân trộm cướp, là kẻ ngu si”, thì Tỳ-kheo ăn trộm ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Tăng chúng.

Lúc này, Phật an trú tại thành Vương xá, vào ngày mồng mười tháng mười của mùa Đông, năm thứ sáu sau khi thành đạo. Sau bữa ăn, Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, lúc bóng chiều độ một người rưỡi, vì trưởng lão Đạt-nị-già con của người thợ gốm – có việc liên quan đến vua Bình Sa và Tỳ-kheo mặc y phấn tảo – mà chế ra giới này. Những gì Phật đã chế thì phải tùy thuận chấp hành. Đó gọi là pháp tùy thuận.

3. Nếu Tỳ-kheo tự tay mình giết người, hoặc đi tìm dao đưa cho người ta tự sát, khuyến khích chết, ca ngợi sự chết, nói: “Ôi! Làm người sống mà khốn khổ thì thà chết còn tốt hơn”, trong tâm suy nghĩ tìm đủ mọi cách ca ngợi chết là thích thú, nhân đó mà người kia chết chứ không có lý do nào khác, thì Tỳ-kheo ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Tăng chúng.

Bấy giờ, Phật an trú tại thành Tỳ-xá-ly, vào ngày hai mươi bốn tháng mười của mùa Đông, năm thứ sáu sau khi thành Phật. Trước bữa ăn, Ngài ngồi quay mặt về hướng Bắc, lúc bóng xế độ một người rưỡi, vì các Tỳ-kheo nuôi bệnh liên quan đến việc ngoại đạo Lộc Trượng (sát hại các Tỳ-kheo) mà chế ra giới này. Những gì Phật đã chế thì phải tùy thuận chấp hành. Đó gọi là pháp tùy thuận.

4. Nếu Tỳ-kheo chưa biết, chưa thấy mà tự xưng: “Tôi đã được Thánh pháp hơn người, có tri kiến thù thắng, tôi biết như vậy, thấy như vậy”, sau đó, hoặc bị kiểm tra, hoặc không bị kiểm tra về việc phạm tội, mà vì muốn mình thanh tịnh nên nói như sau: “Thưa trưởng lão, tôi không biết mà nói biết, không thấy mà nói thấy, đó là những lời hư dối không thật”, thì Tỳ-kheo này phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Tăng chúng, trừ tăng thượng mạn.

Lúc này, Phật an trú tại thành Xá-vệ, vào ngày mười ba tháng mười một của mùa Đông, năm thứ sáu sau khi thành Phật. Sau bữa ăn, Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, lúc đó bóng chiều độ ba người rưỡi, vì các Tỳ-kheo ở thôn xóm và các Tỳ-kheo tăng thượng mạn mà chế ra giới này. Những gì Phật đã chế thì phải tùy thuận chấp hành. Đó gọi là pháp tùy thuận.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong bốn giới Ba-la-di, giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần như vậy).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, tôi ghi nhận việc này là như vậy.

Thưa các Đại đức! Sau đây là mười ba giới Tăng-già-bà-thi-sa, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu Tỳ-kheo cố ý làm cho xuất tinh – ngoại trừ trong giấc mộng- thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

2. Nếu Tỳ-kheo, do tâm dâm bị kích thích, bèn dùng thân mình cọ xát với thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc nắm các bộ phận khác nơi cơ thể của họ cọ xát để tìm lạc thú, thì phạm tội Tănggià-bà-thi-sa.

3. Nếu Tỳ-kheo, do tâm dâm bị kích thích, nên nói với người nữ bằng những lời bẩn thỉu, bảo họ tùy thuận hành dâm với mình như nam nữ trẻ tuổi, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

4. Nếu Tỳ-kheo, vì tâm dục kích thích, ở trước người nữ khen ngợi việc họ tự hiến thân cho mình, nói: “Này chị (hay em), nếu chị hiến dâng sự dâm dục cho vị Sa-môn giữ giới thanh tịnh, hành pháp thiện, tu phạm hạnh như tôi, đó là sự dâng hiến bậc nhất”, thì phạm tội Tănggià-bà-thi-sa.

5. Nếu Tỳ-kheo nhận làm sứ giả để tác hợp cho nam nữ thành vợ chồng, hay tư thông với nhau trong chốc lát, thì phạm tội Tăng-già-bàthi-sa.

6. Nếu Tỳ-kheo tự đi xin vật liệu về làm phòng, không có thân chủ giúp đỡ thì phải trù tính làm phòng chiều dài mười hai gang tay Phật, chiều rộng bảy gang tay Phật. Đồng thời phải mời các Tỳ-kheo đến chỉ chỗ làm phòng, nơi ấy không có tai nạn, không có phương hại. Nếu Tỳ-kheo tự đi xin vật liệu về làm phòng, không có thân chủ giúp đỡ, mà làm chỗ có tai nạn, có phương hại, cũng không mời các Tỳ-kheo đến chỉ chỗ để làm phòng, lại làm quá quy định, thì phạm tội Tăng-giàbà-thi-sa.

7. Nếu Tỳ-kheo làm phòng lớn có thân chủ giúp đỡ, cũng phải dẫn các Tỳ-kheo đến chỉ chỗ để làm phòng, nơi ấy không có tai nạn, không có phương hại. Nếu Tỳ-kheo làm phòng lớn có thân chủ giúp đỡ mà làm ở chỗ có tai nạn, có phương hại, cũng không mời các Tỳ-kheo đến chỉ chỗ làm phòng, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

8. Nếu Tỳ-kheo vì giận dữ không vui mà vu khống Tỳ-kheo thanh tịnh vô tội là phạm tội Ba-la-di một cách vô căn cứ, muốn phá hoại hạnh thanh tịnh của Tỳ-kheo ấy, rồi sau đó hoặc bị kiểm tra, hoặc không bị kiểm tra, Tỳ-kheo này bèn nói: “ Việc ấy không có căn cứ, vì tức giận nên tôi nói như vậy”, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

9. Nếu Tỳ-kheo vì tức giận không vui, rồi dùng một việc nhỏ thuộc lãnh vực khác không phải Ba da di để vu cáo Tỳ-kheo khác phạm tội Ba-la-di, nhằm phá hoại phạm hạnh của vị ấy, rồi sau đó, hoặc bị kiểm tra, hoặc không bị kiểm tra, bèn nói: “Vì tức giận nên tôi đem một việc nhỏ thuộc lãnh vực khác để vu cáo”, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

10. Nếu Tỳ-kheo vì muốn phá sự hòa hợp của Tăng, nên cố gắng tìm mọi cách để phá việc của Tăng, gây nên tranh chấp lẫn nhau, thì các Tỳ-kheo nên can gián: “Trưởng lão đừng vì mục đích phá sự hòa hợp của Tăng mà tìm đủ mọi cách để phá việc của Tăng, gây ra tranh chấp lẫn nhau. Trưởng lão nên hợp tác với Tăng (cùng làm việc với Tăng).

Vì sao? Vì Tăng có hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, giống như nước hòa với sữa, cùng học một giáo pháp, điều gì đúng pháp thì bảo là đúng pháp một cách rõ ràng, thì mới sống an lạc”. Khi can gián như vậy mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phải can gián đến lần thứ hai, thứ ba. Bấy giờ, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

11. Nếu một, hai, hoặc nhiều Tỳ-kheo đồng ý tương trợ Tỳ-kheo khác, cùng nói, cùng ý kiến, muốn phá sự hòa hợp của chúng Tăng, rồi lúc ấy các Tỳ-kheo can gián, thì vị Tỳ-kheo đồng lõa này nói: “Trưởng lão, đừng nói việc tốt xấu của Tỳ-kheo ấy. Vì sao? Vì vị ấy là Tỳ-kheo nói đúng pháp, nói đúng luật. Những gì vị ấy thấy và nói ra đều có thể chấp nhận được. Chúng tôi cũng có thể chấp nhận. Vị Tỳ-kheo ấy biết mới nói, chứ không phải không biết mà nói”, thì các Tỳ-kheo nên can gián: “Trưởng lão đừng nói đó là vị Tỳ-kheo nói đúng pháp, nói đúng luật. Vì sao? Vì vị này không phải là Tỳ-kheo nói đúng pháp, nói đúng luật. Này trưởng lão, thầy đừng hỗ trợ việc phá Tăng mà phải vui vẻ hỗ trợ việc Tăng hòa hợp. Vì sao? Vì Tăng có hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp nhau, như nước hòa với sữa, cùng học một giới pháp, điều gì đúng pháp thì bảo là đúng pháp một cách rõ ràng, thì mới sống an lạc”. Khi can gián như vậy mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ, thì nên can gián đến lần thứ hai, thứ ba. Bấy giờ, nếu bỏ việc ấy thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

12. Nếu Tỳ-kheo nói năng ngang ngạnh, rồi các Tỳ-kheo cùng sống chung trong giới pháp chỉ bảo đúng pháp, đúng luật mà lại nói bướng bỉnh: “Trưởng lão, thầy đừng nói về việc tốt xấu của tôi. Tôi cũng không nói về việc tốt xấu của thầy”, thì các Tỳ-kheo nên can gián: “Trưởng lão, khi các Tỳ-kheo cùng sống chung trong giáo pháp chỉ bảo đúng pháp, đúng luật, thì thầy không nên không công nhận, mà trái lại thầy cũng phải chỉ bảo các Tỳ-kheo khác đúng pháp, đúng luật. Vì sao? Vì các đệ tử của Đức Như Lai có chỉ bảo lẫn nhau, can gián lẫn nhau, cùng xuất tội cho nhau, thì pháp thiện mới tăng trưởng”. Khi can gián như vậy mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì nên can gián đến lần thứ hai, thứ ba. Bấy giờ, nếu bỏ việc ấy thì tốt, nếu không bỏ, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

13. Nếu Tỳ-kheo sống nương tựa vào thành ấp xóm làng mà làm hoen ố nhà người ta, làm những việc xấu xa, làm hoen ố nhà người ta ai cũng thấy, cũng nghe, làm những việc xấu xa ai cũng thấy, cũng nghe, thì các Tỳ-kheo nên can gián: “Trưởng lão, thầy đã làm hoen ố nhà người ta, làm những việc xấu; làm hoen ố nhà người ta ai cũng thấy cũng nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy cũng nghe. Thầy hãy đi đi, không nên ở đây nữa”. Thế rồi, thầy Tỳ-kheo ấy nói: “Tăng thiên vị, thù hận, sợ hãi và ngu si. Vì sao? Vì có các Tỳ-kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi”. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nên can gián: “Này trưởng lão, thầy đừng nói: “Tăng thiên vị, thù hận, sợ hãi và ngu si. Có các Tỳ-kheo đồng tội như nhau mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi”. Vì sao vậy? Vì Tăng không thiên vị, thù hận, sợ hãi và ngu si. Này trưởng lão, thầy đã làm hoen ố nhà người ta, làm những việc xấu; làm hoen ố nhà người ta ai cũng thấy cũng nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy cũng nghe. Thầy hãy đi đi, đừng ở đây nữa”. Khi can gián như vậy mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì can gián đến lần thứ hai thứ ba. Bấy giờ, nếu bỏ việc ấy thì tốt, nếu không bỏ thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.

Này các Đại đức! Tôi đã tụng xong mười ba pháp Tăng-già-bàthi-sa. Chín pháp đầu hễ làm là phạm tội, còn bốn pháp sau phải đến ba lần can gián (mà không bỏ mới có tội). Nếu Tỳ-kheo phạm một tội nào, thì tùy theo thời gian che giấu, (Tăng) nên cho hành pháp Ba-lợi-bà-sa (biệt trú). Khi hành pháp Ba-lợi-bà-sa xong, phải hành pháp Ma-na-đỏa (ý hỷ) sáu ngày, sáu đêm giữa Tăng. Khi hành pháp Ma-na-đỏa xong phải xuất tội ở giữa hai mươi vị Tăng. Nếu thiếu một người không đủ hai mươi người, thì Tỳ-kheo ấy không được xuất tội mà các Tỳ-kheo còn bị khiển trách. Việc đó theo nguyên tắc là như vậy.

Nay xin hỏi các Đại đức, ở trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức ở trong đây thanh tịnh nên im lặng, tôi ghi nhận việc này là như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là hai pháp Bất định, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu Tỳ-kheo ngồi một mình với người nữ ở chỗ che khuất, chỗ có thể hành dâm được, rồi một Ưu-bà-di đáng tin cậy trình bày lại chính xác một trong ba pháp: hoặc Ba-la-di, hoặc Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc Ba-dạ-đề; đồng thời vị Tỳ-kheo ấy tự nói: “Tôi ngồi chỗ ấy”, thì Tăng nên căn cứ vào lời trình bày chính xác của Ưu-bà-di đáng tin kia mà trừng trị một trong ba pháp: hoặc Ba-la-di, hoặc Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc Ba-dạ-đề. Đây là pháp Bất định thứ nhất.

2. Nếu Tỳ-kheo ngồi một mình với người nữ ở chỗ trống trải, không thể hành dâm được, rồi có một Ưu-bà-di đáng tin cậy trình bày lại đúng sự thật một trong hai pháp: hoặc Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc Ba-dạ-đề, đồng thời vị Tỳ-kheo ấy tự nói: “Tôi ngồi chỗ ấy”, thì Tăng nên tùy theo lời trình bày đúng sự thật của Ưu-bà-di đáng tin cậy mà trị phạt thích đáng một trong hai pháp: hoặc Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc Ba-dạđề. Đây là pháp Bất định thứ hai.

Này các Đại đức! Tôi đã tụng xong hai pháp Bất định, giờ xin hỏi các Đại đức ở trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức ở trong đây thanh tịnh nên im lặng, tôi ghi nhận việc này là như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu thời gian sắm y đã hết, y Ca-hi-na cũng đã xả mà Tỳ-kheo nhận được y thừa (ngoài ba cái pháp định) thì được phép cất giữ trong vòng mười ngày. Nếu cất giữ quá thời gian ấy, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

2. Nếu thời gian sắm y đã hết, y Ca-hi-na cũng đã xả, mà Tỳ-kheo rời một trong ba y, ngủ tại chỗ khác, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ Tăng yết-ma cho phép.

3. Nếu thời gian sắm y đã hết, y Ca-hi-na cũng đã xả, khi ấy được vải phi thời mà Tỳ-kheo cần dùng thì nên lấy, rồi tức tốc may thành y để mặc. Nếu chưa đủ mà có chỗ hy vọng (tìm được thêm) thì được phép cất trong vòng một tháng, để đợi cho đủ. Nếu quá thời gian ấy thì dù đủ hay không đủ đều phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

4. Nếu Tỳ-kheo lấy y của Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ trao đổi.

5. Nếu Tỳ-kheo sai Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập giũ, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

6. Nếu Tỳ-kheo theo cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến xin y, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ trường hợp dặc biệt. Trường hợp đặc biệt là trường hợp bị mất y.

7. Nếu Tỳ-kheo bị mất y thì khi ấy được theo cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến xin y. Nếu họ cho một cách hào phóng thì được lấy tối Đa-là hai cái (y trên và y dưới). Nếu lấy quá giới hạn thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

8. Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ vì Tỳ-kheo chuẩn bị giá tiền sắm y, rồi tự nhủ: “Ta chuẩn bị số tiền như thế để mua y như thế cho Tỳ-kheo Mỗ giáp”, thế nhưng, vị Tỳ-kheo này trước đó không được mời, mà vì thích đẹp, bèn đến nhà cư sĩ, khuyên: “Lành thay cư sĩ! Ông (bà) hãy dùng số tiền sắm y như thế mua chiếc y màu sắc như thế cho tôi”, thì khi được y, phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

9. Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ, vì Tỳ-kheo, chuẩn bị số tiền sắm y, rồi bàn nhau: “Chúng ta chuẩn bị số tiền sắm y như thế để mua chiếc y như thế cho Tỳ-kheo Mỗ giáp”, trong khi vị Tỳ-kheo ấy trước đó không được mời, mà vì thích đẹp, nên đến nhà cư sĩ, khuyên: “Lành thay các cư sĩ! Các vị đã để dành tiền sắm y như thế, vậy hãy cùng nhau mua một chiếc y màu sắc như thế cho tôi”, thì khi được y, phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

10. Nếu vua hay đại thần, vì Tỳ-kheo, sai sứ đem tiền sắm y đến đưa cho Tỳ-kheo ấy, rồi sứ giả đến, nói: “Số tiền sắm y này là của vua, của đại thần (Mỗ giáp) đưa đến cho Tôn giả, xin Tôn giả nhận cho”, thì bấy giờ, Tỳ-kheo nên nói: “Tôi không được nhận tiền sắm y. Nếu đưa y thích hợp thì tôi mới nhận được”. Nếu sứ giả hỏi: “Tôn giả có người giúp việc không?”, mà Tỳ-kheo thấy cần y, thì nên chỉ người làm vườn hoặc Ưu-bà-tắc cho sứ giả và nói: “Người đó thường hay giúp việc cho Tỳ-kheo”. Sứ giả khi ấy nên đến người đó khuyến dụ: “Lành thay vị chấp sự! Nhờ ông nhận số tiền sắm y này để mua y như thế cho Tỳ-kheo Mỗ giáp. Khi nào Tỳ-kheo ấy đến lấy y, thì ông đưa giúp cho”. Gởi gấm xong, sứ giả nên trở lại chỗ Tỳ-kheo, nói: “Tôi đã khuyến dụ người giúp việc mà Tôn giả đã chỉ sắm y giúp rồi, khi nào cần y, thầy đến đó lấy”. Thế thì khi cần y, Tỳ-kheo nên đến chỗ người giúp việc, nói: “Tôi cần y, tôi cần y”, lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế. Nếu được y thì tốt, nếu không được thì lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu nên đến đứng im lặng trước người giúp việc. Nếu được y thì tốt, nếu không được mà đến đòi quá giới hạn ấy, thì khi được y sẽ phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề. Trong trường hợp không lấy được, thì Tỳ-kheo hoặc tự đi, hoặc nhờ người khác đến chỗ xuất tiền sắm y, nói: “Ông (bà) đã vì Tỳ-kheo Mỗ giáp đưa tiền sắm y, nhưng chung cuộc Tỳ-kheo ấy không dùng được gì với số tiền sắm y của ông hết. Xin báo cho ông biết, đừng để mất tiền”. Vấn đề này nguyên tắc là như vậy.

11. Nếu Tỳ-kheo dùng lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

12. Nếu Tỳ-kheo làm phu cụ mới thì nên dùng hai phần lông dê thuần màu đen, phần thứ ba màu trắng và phần thứ bốn màu lẫn lộn. Nếu quá số phần ấy thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

13. Nếu Tỳ-kheo dùng tơ tằm trộn với lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

14. Nếu Tỳ-kheo làm phu cụ mới thì nên sử dụng đến sáu năm. Nếu phu cụ cũ chưa đủ sáu năm mà bỏ hoặc không bỏ làm phu cụ mới thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ Tăng yết-ma cho phép.

15. Nếu Tỳ-kheo làm phu cụ hay tọa cụ mới thì nên dùng một miếng phu cụ cũ chừng một gang tay Phật may chồng lên phu cụ mới để cho hoại sắc. Nếu không dùng một miếng cũ may chồng lên phu cụ hay tọa cụ mới thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

16. Nếu Tỳ-kheo đi đường được lông dê mà mình thấy cần, thì có thể lấy mang đi trong vòng ba do-tuần. Nếu mang đi quá giới hạn ấy thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

17. Nếu Tỳ-kheo sai Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

18. Nếu Tỳ-kheo tự tay cầm vàng, bạc hoặc sai người khác cầm săm soi với tâm tham luyến, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

19. Nếu Tỳ-kheo mua bán các thứ hàng hóa thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

20. Nếu Tỳ-kheo mua bán đổi chác các loại vàng, bạc, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

21. Nếu Tỳ-kheo có bát thừa (ngoài cái pháp định) thì được cất trong mười hôm. Nếu cất quá mười hôm thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạđề.

22. Nếu Tỳ-kheo dùng bát chưa vá đủ năm chỗ mà vì thích đẹp, xin bát mới thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề. Cái bát này phải xả giữa chúng Tăng. Rồi Tăng nên đem cái bát kém nhất đưa cho người ấy, nói: “Trưởng lão! Thầy phải sử dụng cái bát này cho đến khi vỡ”. Việc này nguyên tắc là như vậy.

23. Nếu Tỳ-kheo bị bệnh cần uống sữa, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi và mỡ, thì nên nhận một lần để uống bảy ngày. Nếu quá bảy ngày mà những thứ còn thừa không bỏ, vẫn cứ uống, thì phạm tội Nitát-kỳ Ba-dạ-đề.

24. Nếu Tỳ-kheo cho y cho Tỳ-kheo khác, rồi sau đó tức giận không vui, hoặc tự mình, hoặc sai người đoạt lại y ấy, thì khi được y, phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

25. Trong vòng một tháng cuối mùa Xuân, Tỳ-kheo nên tìm vải may áo tắm mưa, rồi trong nửa tháng còn lại nên may thành áo để dùng. Nếu chưa đến thời gian đó mà đi tìm vải may áo tắm mưa rồi may thành áo để dùng, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

26. Nếu Tỳ-kheo tự đi xin chỉ sợi, rồi nhờ thợ dệt không phải bà con dệt thành vải, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

27. Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ sai thợ dệt dệt vải để may y cho Tỳkheo, nhưng Tỳ-kheo trước đó không được mời mà vì thích đẹp nên đến khuyên thợ dệt: “Lành thay cư sĩ! Tấm vải này dệt cho tôi đó. Ông nên dệt cho thật đẹp, dày, dài và rộng, rồi tôi sẽ trả công cho ông bằng tiền hoặc bằng thực phẩm”, khi khuyên như vậy mà được vải thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

28. Nếu còn mười hôm nữa mới đến ngày Tự tứ, mà thí chủ cúng dường y cấp thời, thì Tỳ-kheo nào cần dùng được phép nhận, rồi cất cho đến thời gian của y. Nếu cất quá thời gian ấy thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

29. Nếu Tỳ-kheo sống tại A-luyện-nhã trong ba tháng hạ, chưa đến tháng cuối mùa hạ mà gặp những việc đáng nghi ngờ lo sợ thì có thể gởi một trong ba y tại nhà dân, sống cách ly với y trong sáu hôm. Nếu quá sáu hôm thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ Tăng yếtma cho phép.

30. Nếu Tỳ-kheo biết vật đó thí chủ định cúng cho Tăng mà vận động họ cúng cho mình, thì phạm tội Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Badạ-đề, giờ xin hỏi các Đại đức ở trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức ở trong đây thanh tịnh nên im lặng, tôi ghi nhận việc này là như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu Tỳ-kheo biết mà cố ý nói dối thì phạm tội Ba-dạ-đề.

2. Nếu Tỳ-kheo đem chủng tộc, tướng mạo của Tỳ-kheo khác ra châm chọc, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

3. Nếu Tỳ-kheo nói hai lưỡi thì phạm tội Ba-dạ-đề.

4. Nếu Tỳ-kheo biết Tăng đã dập tắt sự tranh chấp đúng như pháp, như luật mà làm phát sinh trở lại, nói: “Việc yết-ma này chưa xong, phải làm lại”, khơi dậy như vậy là nhằm gây rối chứ không gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

5. Nếu Tỳ-kheo thuyết pháp cho người nữ quá năm, sáu lời thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ có người đàn ông trí thức tham dự.

6. Nếu Tỳ-kheo dạy người chưa thọ giới Cụ túc đọc những câu, những bài pháp thì phạm tội Ba-dạ-đề.

7. Nếu Tỳ-kheo nói với người chưa thọ giới Cụ túc rằng mình đã được pháp hơn người như sau: “Tôi biết như vậy, thấy như vậy”, thì dù nói thật cũng phạm tội Ba-dạ-đề.

8. Nếu Tỳ-kheo biết tội thô ác của Tỳ-kheo khác mà đem nói với người chưa thọ giới Cụ túc, thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ Tăng yếtma cho phép.

9. Nếu Tỳ-kheo nào lúc đầu đã đồng ý đem vật dùng để chia cho Tăng, cho người khác, nhưng sau đó ngăn cản, nói: “Trưởng lão, thầy có ý thiên vị nên đem vật của Tăng mà cho người ấy”, thì phạm tội Badạ-đề.

10. Nếu vào dịp tụng giới kinh của mỗi nửa tháng mà Tỳ-kheo nào nói: “Trưởng lão, thầy tụng làm chi ba cái giới lặt vặt ấy khiến cho các Tỳ-kheo sinh ra nghi ngờ, hối hận!”, nói như thế là nhằm khinh chê giới luật chứ không gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

11. Nếu Tỳ-kheo hủy hoại mầm sống của cây, phá hỏng chỗ ở của quỷ, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

12. Nếu Tỳ-kheo nói những vấn đề khác làm não loạn người khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.

13. Nếu Tỳ-kheo chê trách chức sự của Tăng thì phạm tội Ba-dạđề.

14. Nếu Tỳ-kheo tự mình hay sai người khác đem bày biện giường nằm, giường ngồi, mền gối ở chỗ đất trống nơi trú xứ của Tăng, rồi lúc ra đi không tự mình đem cất hay sai người đem cất, thì phạm tội Ba-dạđề.

15 Nếu Tỳ-kheo tự mình hay sai người khác trải giường nệm trong phòng của chúng Tăng, rồi lúc ra đi không tự mình hay sai người khác đem cất, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

16. Nếu Tỳ-kheo vì tức giận không vui mà tự mình hay sai người lôi Tỳ-kheo khác ra khỏi phòng của Tăng, dù chỉ nói: “Ông hãy đi đi!”, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

17. Nếu Tỳ-kheo biết trong phòng của Tăng đã có Tỳ-kheo khác trải giường nệm trước rồi, mình đến sau cũng trải đồ đạc ra, với ý định làm nhiễu loạn để người kia bỏ đi chứ không có gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

18. Nếu Tỳ-kheo đặt giường có chân nhọn trên lầu, trên gác của Tăng để ngồi hoặc nằm, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

19. Nếu Tỳ-kheo biết nước có sinh trùng mà tự mình hoặc sai người khác đem tưới trên cỏ, trên đất, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

20. Nếu Tỳ-kheo tự kinh doanh làm phòng lớn có cửa lớn, cửa sổ, thì nên làm ở chỗ đất ít cỏ, rồi sai người lợp chừng ba lớp là vừa. Nếu lợp quá ba lớp thì phạm tội Ba-dạ-đề.

21. Nếu Tỳ-kheo nào không được Tăng sai mà tự đi giáo giới Tỳkheo-ni thì phạm tội Ba-dạ-đề.

22. Nếu Tỳ-kheo được Tăng sai đi giáo giới Tỳ-kheo-ni mà ở lại từ lúc mặt trời lặn cho đến trước bình minh hôm sau thì phạm tội Badạ-đề.

23. Nếu Tỳ-kheo nào đến trú xứ của Ni giáo giới mà không bạch với Tỳ-kheo thiện thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ trường hợp đặt biệt. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh.

24. Nếu Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo khác: “Trưởng lão vì việc ăn uống mà giáo giới Tỳ-kheo-ni”, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

25. Nếu Tỳ-kheo ngồi với một Tỳ-kheo-ni ở chỗ trống vắng thì phạm tội Ba-dạ-đề.

26. Nếu Tỳ-kheo hẹn đi chung đường với Tỳ-kheo-ni, dù chỉ đi qua một làng, thì phạm tội Ba-dạ-đề, trừ khi đi chung với khách buôn hoặc đi qua những chỗ nghi ngờ đáng lo sợ.

27. Nếu Tỳ-kheo hẹn đi chung thuyền với Tỳ-kheo-ni, ngược dòng hay xuôi dòng thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ đi đò ngang qua sông.

28. Nếu Tỳ-kheo cho y cho Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ trao đổi.

29. Nếu Tỳ-kheo may y cho Tỳ-kheo-ni không phải thân quyến thì phạm tội Ba-dạ-đề.

30. Nếu Tỳ-kheo biết bữa ăn ấy do Tỳ-kheo-ni tán thán mới có, mà ăn, thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ nhà đó là đàn-việt cũ.

31. Nếu tại gia đình nào chỉ cúng dường một bữa ăn mà Tỳ-kheo không bệnh ăn hơn một bữa, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

32. Nếu Tỳ-kheo ăn nhiều chỗ (trong ngày) thì phạm tội Ba-dạđề, ngoại trừ khi có bệnh, khi sắm y.

33. Nếu Tỳ-kheo ăn no rồi, rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn lại, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

34. Nếu Tỳ-kheo biết vị Tỳ-kheo khác ăn đã no, rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực, mà mình muốn làm não lọan, nên mời: “Trưởng lão, hãy ăn món này”, rồi vị ấy ăn, thì mình phạm tội Ba-dạđề.

35. Nếu thức ăn người ta không cho, thì Tỳ-kheo không được lấy bỏ vào miệng. Nếu bỏ vào miệng thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.

36. Nếu Tỳ-kheo ăn phi thời thì phạm Ba-dạ-đề.

37. Nếu Tỳ-kheo để dành thức ăn mà ăn, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

38. Nếu Tỳ-kheo đến nhà bạch y, mà họ cúng dường bún, bánh một cách hào phóng, thì được nhận đôi ba bát, rồi ra ngoài cùng ăn với Tỳ-kheo không bệnh. Nếu nhận quá số ấy và không cùng ăn với người khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

39. Nếu Tỳ-kheo không bệnh mà vì muốn sướng thân đi xin các thức mỹ vị như sữa tươi, sữa chua, sữa đóng váng, dầu, mật, đường phèn, cá, thịt để ăn, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

40. Nếu Tỳ-kheo ăn với một nhóm riêng thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, khi sắm y, khi đi đường, khi ở trên thuyền, khi đại chúng đại hội, khi ngoại đạo bố thí ẩm thực.

41. Nếu Tỳ-kheo không bệnh mà vì bản thân, hoặc tự mình, hoặc sai người đốt cỏ, cây, phân bò, thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ có lý do chính đáng.

42. Nếu Tỳ-kheo ngủ chung một phòng với người chưa thọ giới Cụ túc quá ba đêm, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

43. Nếu Tỳ-kheo gởi dục yết-ma rồi, sau đó tức giận không vui, nói thế này: “Tôi không gởi dục (về việc) không tốt ấy. Pháp yết-ma đó không thành tựu. Tôi không gởi dục trong trường hợp này”, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

44. Nếu Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo khác: “Trưởng lão, thầy đi với tôi vào xóm làng, tới nhà kia, rồi tôi sẽ đưa hoặc bảo người khác đưa thức ăn cho thầy”, nhưng sau đó muốn đuổi người ấy đi, bèn nói: “Ông hãy đi đi, tôi ngồi với ông không vui. Tôi ngồi một mình vui hơn”, làm như thế (là để cho người kia mất ăn) chứ không có gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

45. Nếu Tỳ-kheo nói thế này: “Trưởng lão, tôi biết Đức Thế Tôn nói về pháp chướng ngại đạo, nhưng khi thực hành pháp ấy thì không có gì là chướng ngại đạo hết”, thì các Tỳ-kheo nên khuyên can: “Trưởng lão! Thầy đừng hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như thế. Đức Thế Tôn nói pháp chướng ngại đạo thì quả thực là chướng ngại đạo. Thầy hãy bỏ việc ác này đi”. Khi khuyên can như thế mà vẫn kiên trì không bỏ thì nên khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba (cho bỏ việc ấy). Nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ, thì phạm Ba-dạ-đề. Tăng nên làm yết-ma cử tội Tỳ-kheo ấy.

46. Nếu Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo khác không bỏ ác kiến, Tăng đã làm yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật, nhưng vị ấy chưa làm đúng pháp, đúng luật mà cùng ăn chung, ở chung một phòng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

47. Nếu Sa-di nói thế này: “Đức Như Lai nói dâm dục là pháp chướng ngại đạo, nhưng tôi biết là thực hành dâm dục không phải là chướng đạo”, thì các Tỳ-kheo nên khuyên can: “Này Sa-di kia, ngươi chớ hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như thế. Đức Thế Tôn nói dâm dục quả thật là pháp chướng đạo. Ngươi hãy bỏ việc ác này đi”. Khi khuyên can như vậy mà kiên trì không bỏ, thì nên khuyên can đến lần thứ hai, thứ ba. Nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phải đuổi đi, nói: “Từ nay về sau, ngươi không được nói Phật là thầy của tôi, cũng không được ngủ với Tỳ-kheo ba đêm. Ngươi đi đi, không được ở đây nữa”. Nếu Tỳ-kheo biết Sa-di không bỏ ác kiến, bị đuổi đi, chưa làm đúng pháp mà dụ dỗ đem về nuôi dưỡng, cùng ăn chung, sống chung, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

48. Nếu Tỳ-kheo được y mới thì nên dùng ba màu hoặc một trong ba màu: xanh, đen, mộc lan nhuộm cho hoại màu sắc. Nếu không làm cho hoại màu sắc mà mặc, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

49. Nếu Tỳ-kheo tự mình hoặc bảo người khác lấy những vật báu, hoặc những vật báu có giá trị tại trú xứ của Tăng thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ tự lấy cất đợi chủ đến tìm mà trả lại.

50. Nếu Tỳ-kheo chưa đủ nửa tháng mà tắm một lần thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ trường hợp đặc biệt là một tháng rưỡi cuối mùa Xuân, một tháng đầu mùa Hạ, trong vòng hai tháng rưỡi này, và những khi trời nóng, khi bệnh, khi gió, khi mưa, khi làm việc và khi đi đường.

51. Nếu Tỳ-kheo biết nước có sinh trùng mà uống thì phạm tội Ba-dạ-đề.

52. Nếu Tỳ-kheo tự tay đưa thức ăn cho nam nữ đạo sĩ lõa thể thì phạm tội Ba-dạ-đề.

53. Nếu Tỳ-kheo biết nơi đó là chỗ để hành dâm của nhà mình thọ trai, mà ngồi, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

54. Nếu Tỳ-kheo biết nơi đó là chỗ kín đáo của nhà mình thọ trai, mà ngồi, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

55. Nếu Tỳ-kheo xem quân sĩ xuất trận thì phạm tội Ba-dạ-đề.

56. Nếu Tỳ-kheo có lý do chính đáng thì được đến ở lại trong quân trại ba đêm. Nếu ở quá ba đêm thì phạm tội Ba-dạ-đề.

57. Nếu Tỳ-kheo có lý do chính đáng thì được đến ở lại trong quân trại ba đêm. Nhưng nếu xem quân sĩ xuất trận, trương cờ, nghinh chiến thì phạm tội Ba-dạ-đề.

58. Nếu Tỳ-kheo giận dữ không vui, đánh Tỳ-kheo khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.

59. Nếu Tỳ-kheo tức giận không vui giơ tay dọa đánh Tỳ-kheo khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.

60. Nếu Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác mà che giấu thì phạm tội Ba-dạ-đề.

61. Nếu Tỳ-kheo cố ý sát hại mạng sống của súc sinh thì phạm tội Ba-dạ-đề.

62. Nếu Tỳ-kheo cố ý làm cho Tỳ-kheo khác sinh khởi hoang mang nghi ngờ, không vui trong giây lát, làm như thế là chỉ vì mục đích ấy, chứ không có gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

63. Nếu Tỳ-kheo đã tịnh thí y cho năm chúng (xuất gia), sau đó không bỏ mà lấy dùng thì phạm tội Ba-dạ-đề.

64. Nếu Tỳ-kheo vì chơi đùa mà tự mình hoặc sai người đem giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

65. Nếu Tỳ-kheo làm cho Tỳ-kheo khác sợ hãi thì phạm tội Badạ-đề.

66. Nếu Tỳ-kheo đùa giỡn trong nước thì phạm tội Ba-dạ-đề.

67. Nếu Tỳ-kheo dùng tay chỉ chỏ nhau thì phạm tội Ba-dạ-đề.

.68 Nếu Tỳ-kheo hẹn ước cùng đi chung đường với người nữ, dù chỉ đi qua một làng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

69. Nếu Tỳ-kheo cùng ngủ chung một nhà với người nữ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

70. Nếu Tỳ-kheo ngồi một mình với người nữ ở chỗ kín đáo, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

71. Nếu Tỳ-kheo biết người kia chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ giới Cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề. Người ấy đã không được gọi là thọ giới Cụ túc, mà các Tỳ-kheo còn đáng bị khiển trách.

72. Nếu Tỳ-kheo biết những kẻ ấy là quân trộm cướp mà hẹn đi chung đường với chúng, dù chỉ đi qua một làng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

73. Nếu Tỳ-kheo tự tay đào đất, hoặc chỉ bảo người khác đào, nói:

“Đào chỗ đất này”, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

74. Nếu có thí chủ xin cúng dường cho Tỳ-kheo bốn tháng thì Tỳkheo được nhận. Nhưng nếu nhận quá thời gian ấy thì phạm tội Ba-dạđề, ngoại trừ họ mời lại hay mời lâu dài.

75. Nếu Tỳ-kheo được các Tỳ-kheo khuyên: “Trưởng lão, thầy phải học, đừng phạm năm Thiên tội”, mà nói: “Tôi không nghe lời thầy. Nếu có vị trưởng lão nào các căn tịch tĩnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu rộng thì tôi sẽ theo hỏi, và vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ tuân hành”, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt là khi vị Tỳ-kheo ấy muốn được lợi ích của chánh pháp và muốn hỏi Tỳ-kheo khác.

76. Nếu Tỳ-kheo uống các thứ rượu thì phạm tội Ba-dạ-đề.

77. Nếu Tỳ-kheo khinh thường Tỳ-kheo khác thì phạm tội Ba-dạđề.

78. Khi các Tỳ-kheo tranh cãi nhau mà Tỳ-kheo nào đứng im lặng lắng nghe, với suy nghĩ: “Họ có nói điều gì ta hãy ghi nhớ”, chỉ vì mục đích như thế chứ không có gì khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

79. Khi Tăng họp giải quyết công việc mà Tỳ-kheo nào không gởi dục, đứng dậy bỏ đi không bạch với Tăng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

80. Nếu Tỳ-kheo ở nơi A-luyện-nhã mà đi vào thôn xóm lúc phi thời không bạch với Tỳ-kheo thiện thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ có việc gấp.

81. Nếu Tỳ-kheo ăn ở cùng một chỗ với Tỳ-kheo khác mà trước bữa ăn, sau bữa ăn không bạch với Tỳ-kheo thiện đi đến nơi khác thì phạm tội Ba-dạ-đề, ngoại trừ thời gian của y.

82. Nếu Tỳ-kheo đi vào cung vua khi phu nhân (của vua) chưa cất vật báu, dù chỉ bước vào khỏi cửa, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

83. Nếu Tỳ-kheo đục khoét xương, răng, sừng làm ống đựng kim thì phải phá bỏ rồi sám hối tội Ba-dạ-đề.

84. Nếu Tỳ-kheo làm chân giường thì phải làm cao tám ngón tay Phật, trừ chỗ tra vào thành giường. Nếu cao quá mức ấy thì phải cắt bỏ (rồi sám hối) tội Ba-dạ-đề.

85. Nếu Tỳ-kheo dùng bông vải làm nệm để ngồi hoặc nằm, thì phải moi bỏ rồi sám hối tội Ba-dạ-đề.

86. Nếu Tỳ-kheo làm tọa cụ thì phải làm đúng mức quy định: chiều dài hai gang tay Phật, chiều rộng một gang tay rưỡi, rồi may thêm (mỗi chiều) một gang tay nữa. Nếu làm quá mức quy định thì phải cắt bỏ rồi sám hối tội Ba-dạ-đề.

87. Nếu Tỳ-kheo may áo che ghẻ thì phải may chiều dài bốn gang tay Phật, chiều rộng hai gang tay. Nếu quá mức quy định thì phải cắt bỏ rồi sám hối tội Ba-dạ-đề.

88. Nếu Tỳ-kheo may áo tắm mưa thì phải may chiều dài sáu gang tay Phật, chiều rộng hai gang tay rưỡi. Nếu may quá giới hạn thì phải cắt bỏ rồi sám hối tội Ba-dạ-đề.

89. Nếu Tỳ-kheo may y thì phải may theo kích thước y của Như Lai. Y của Như Lai chiều dài chín gang tay Phật, chiều rộng sáu gang tay Phật. Nếu may quá giới hạn ấy thì phạm tội Ba-dạ-đề.

90. Nếu Tỳ-kheo vì tức giận không vui mà vô cớ vu khống Tỳkheo khác phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

91. Nếu Tỳ-kheo biết vật đó thí chủ định cúng cho Tăng, mà vận động họ cúng cho người khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

92. Khi Tăng tụng giới vào mỗi nửa tháng mà Tỳ-kheo nào nói: “Trưởng lão, nay tôi mới biết pháp ấy được đưa vào giới kinh để đọc vào dịp tụng giới của mỗi nửa tháng”, nhưng các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo ấy không những đã ngồi trong chỗ tụng giới hai, ba lần mà còn nhiều hơn nữa, thì Tỳ-kheo ấy không thể lấy lý do không biết để mà chạy tội. Khi ấy, Tăng phải tùy theo vị ấy phạm tội nào mà trị tội ấy đúng pháp, đồng thời nên khiển trách: “Trưởng lão, thầy đã để mất lợi ích. Khi tụng giới vào mỗi nửa tháng, thầy không tôn trọng, không chú tâm lắng tai nghe pháp”. Khiển trách xong, Tỳ-kheo ấy phạm tội Ba-dạ-đề.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề. Giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Nếu Tỳ-kheo ở A-luyện-nhã không có bệnh, không thông tri trước (với người bên ngoài), người bên ngoài không hay biết mà ở ngay trong trú xứ nhận lấy thức ăn, rồi nhai, hoặc ăn, thì phải đến Tỳ-kheo khác hối lỗi: “Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng khiển trách”. Đây là cách hối quá.

2. Nếu Tỳ-kheo không bệnh mà nhận lấy thức ăn của Tỳ-kheoni không phải bà con tại nhà bạch y thì phải đến Tỳ-kheo khác sám hối: “Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng khiển trách”. Đây là cách hối quá.

3. Nếu Tỳ-kheo được bạch y mời đến nhà thọ trai, mà khi ấy có Tỳ-kheo-ni đứng trước (bàn ăn) chỉ bảo (bạch y), nói: “Hãy bưng cơm cho Tỳ-kheo này, bưng canh cho Tỳ-kheo kia, hoặc dọn cá, dọn thịt v.v…”, thì các Tỳ-kheo nên nói với Tỳ-kheo-ni ấy: “Này chị em, hãy đứng yên trong chốc lát, đợi các Tỳ-kheo ăn xong đã”. Nếu không có một Tỳ-kheo nào khiển trách Tỳ-kheo-ni ấy, thì các Tỳ-kheo phải đến Tỳ-kheo khác sám hối: “Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng khiển trách”. Đây là cách hối quá.

4. Nếu có học gia nào Tăng đã làm pháp yết-ma học gia, mà Tỳkheo nào không được mời trước lại đến đó tự tay nhận lấy thức ăn rồi nhai, hoặc ăn, thì Tỳ-kheo ấy phải đến Tỳ-kheo khác sám hối: “Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng khiển trách”. Đây là cách hối quá.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni. Giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là các pháp Chúng học, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Cần phải học: Mặc nội y tề chỉnh.

2. Cần phải học: Mặc (ba) y tề chỉnh.

3. Cần phải học: khéo che thân kín đáo khi vào nhà(bạch y).

4. Cần phải học: nhìn thẳng phía trước khi vào nhà bạch y.

5. Cần phải học: nói nhỏ nhẹ khi vào nhà bạch y.

6. Cần phải học: không được cười khi vào nhà bạch y.

7. Cần phải học: không được trùm đầu khi vào nhà bạch y.

8. Cần phải học: không được lật trái y khi vào nhà bạch y.

9. Cần phải học: không được đi nhón gót khi vào nhà bạch y.

10. Cần phải học: không được chống nạnh khi vào nhà bạch y.

11. Cần phải học: không được đi lắc lư cái thân khi vào nhà bạch y

12. Cần phải học: không được lúc lắc cái đầu khi vào nhà bạch y.

13. Cần phải học: không được đánh đàng xa khi vào nhà bạch y.

14. Cần phải học: che thân kín đáo khi ngồi trong nhà bạch y.

15. Cần phải học: nhìn thẳng phía trước khi ngồi trong nhà bạch y.

16. Cần phải học: nói nhỏ nhẹ khi ngồi trong nhà bạch y.

17. Cần phải học: không được cười khi ngồi trong nhà bạch y.

18. Cần phải học: không được trùm đầu khi ngồi trong nhà bạch y.

19. Cần phải học: không được lật trái y khi ngồi trong nhà bạch y.

20. Cần phải học: không được ngồi bó gối trong nhà bạch y.

21. Cần phải học: không được ngồi tréo chân trong nhà bạch y.

22. Cần phải học: không được ngồi chống nạnh trong nhà bạch y.

23. Cần phải học: không được múa tay chân khi ngồi trong nhà bạch y.

24. Cần phải học: chú tâm khi nhận thức ăn.

25. Cần phải học: ăn cơm và canh bằng nhau.

26. Cần phải học: không được moi xung quanh bát mà ăn.

27. Cần phải học: không được ngậm cơm búng má mà ăn.

28. Cần phải học: không được le lưỡi mà ăn.

29. Cần phải học: không được ăn cơm lớn miếng.

30. Cần phải học: không được hả miệng chờ cơm mà ăn.

31. Cần phải học: không được chọn thức ăn mà ăn.

32. Cần phải học: không được cắn một nửa món ăn mà ăn.

33. Cần phải học: không được ngậm cơm mà nói.

34. Cần phải học: không được dùng tay vét bát mà ăn.

35. Cần phải học: không được liếm tay mà ăn.

36. Cần phải học: không được mút ngón tay mà ăn.

37. Cần phải học: không được nhai thức ăn ra tiếng.

38. Cần phải học: không được hút thức ăn mà ăn.

39. Cần phải học: không được nuốt nguyên vẹn thức ăn.

40. Cần phải học: không được làm đổ tháo cơm trong khi ăn.

41. Cần phải học: không được vung tay khi ăn.

42. Cần phải học: không được ngó thức ăn trong bát của người bên cạnh với tâm xoi bói.

43. Cần phải học: Chú tâm nhìn vào bát mà ăn.

44. Cần phải học: Khi không bệnh không được vì mình mà đòi thức ăn (ngon).

45. Cần phải học: không được lấy cơm phủ trên canh để mong được thêm canh nữa.

46. Cần phải học: không được dùng tay dơ bẩn cầm bát đựng cơm.

47. Cần phải học: không được đem thức ăn thừa trong bát đổ xuống đất.

48. Cần phải học: không được đứng thuyết pháp cho người ngồi nghe, ngoại trừ khi bệnh.

49. Cần phải học: không được ngồi thuyết pháp cho người nằm nghe, ngoại trừ khi bệnh.

50. Cần phải học: không được ngồi dưới thấp thuyết pháp cho người ngồi trên giường cao nghe, ngoại trừ khi bệnh.

51. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người mang giày da nghe, ngoại trừ khi bệnh.

52. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người mang guốc nghe, ngoại trừ khi bệnh.

53. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người trùm đầu nghe, ngoại trừ khi bệnh.

54. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người quấn đầu nghe, ngoại trừ khi bệnh.

55. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người ngồi chòm hỏm bó gối nghe, ngoại trừ khi bệnh.

56. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người đứng nhón gót nghe, ngoại trừ khi bệnh.

57. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người cầm đao nghe, ngoại trừ khi bệnh.

58. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người cầm cung tên nghe, ngoại trừ khi bệnh.

59. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người cầm gậy nghe, ngoại trừ khi bệnh.

60. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người cầm dù nghe, ngoại trừ khi bệnh.

61. Cần phải học: không được đi sau thuyết pháp cho người đi trước mình nghe, ngoại trừ khi bệnh.

62. Cần phải học: không được thuyết pháp cho người ngồi trên ngựa, trên xe nghe, ngoại trừ khi bệnh.

63. Cần phải học: mình ở ngoài lề đường không được thuyết pháp cho người ở giữa đường nghe, ngoại trừ khi bệnh.

64. Cần phải học: không được đại tiểu tiện và khạc nhổ trên cỏ tươi, ngoại trừ khi bệnh.

65. Cần phải học: không được đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước, ngoại trừ khi bệnh.

66. Cần phải học: không được đứng đại tiểu tiện, ngoại trừ khi bệnh.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong các pháp Chúng học. Giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là bảy pháp Diệt tránh, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới.

1. Tùy theo việc nào, tùy theo người nào nên cho pháp Tỳ-ni Hiện tiền, thì cho pháp Tỳ-ni Hiện tiền.

2. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Ức niệm thì cho pháp Tỳ-ni Ức niệm.

3. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Bất si, thì cho pháp Tỳ-ni Bất si.

4. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Tự ngôn trị thì cho pháp Tỳ-ni Tự ngôn trị.

5. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Mích tội tướng, thì cho pháp Tỳni Mích tội tướng.

6. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Đa nhân mích tội tướng, thì cho pháp Tỳ-ni Đa nhân mích tội tướng.

7. Người nào nên cho pháp Tỳ-ni Như thảo phú địa, thì cho pháp Tỳ-ni Như thảo phú địa.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong bảy pháp Diệt tránh, giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Đây là pháp Tùy thuận, cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng đọc một lần vào dịp tụng giới. Tùy thuận hành trì pháp này tức là tùy thuận hai bộ Tỳ-ni.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng xong pháp Tùy thuận, giờ xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Vì các Đại đức trong đây thanh tịnh nên im lặng, tôi ghi nhận việc này là như thế.

Thưa các Đại đức! Tôi đã tụng bài tựa của giới kinh, đã tụng bốn pháp Ba-la-di, đã tụng mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, đã tụng hai pháp Bất định, đã tụng ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, đã tụng chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề, đã tụng bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni, đã tụng các pháp Chúng học, đã tụng bảy pháp Diệt tránh, đã tụng pháp Tùy thuận. Đó là giới luật của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri được đưa vào trong giới kinh. Pháp này là pháp tùy thuận, tất cả đều phải học, không được vi phạm.

Phật dạy (về bảy bài kệ của bảy Đức Phật):

1. Đức Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, mà nói giới tóm tắt như sau:

Nhẫn nhục đạo bậc nhất
Niết-bàn đích tối thượng
Xuất gia, não hại người
Không đáng gọi Sa-môn.

2. Đức Thi Khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau:

Cũng như người sáng mắt
Tránh được đường nguy hiểm
Bậc thông minh trong đời
Tránh xa mọi điều ác.

3. Đức Tỳ Diệp Bà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau: Không xúc não, nói lỗi

Tuân hành các học giới
Ăn uống có điều độ
Thường ở chỗ vắng lặng
Tâm tịnh vui tinh tấn
Là lời chư Phật dạy.

4. Đức Câu Lưu Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau: Tỳ-kheo vào xóm làng

Như ong đi tìm hoa
Hút mật rồi bay đi
Chẳng hại gì hương sắc
Không phá hoại việc người
Không xem làm hay không
Chỉ xét hành vi mình
Có tốt hay không tốt.

5. Đức Câu Na Hàm Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau:

Muốn tâm mình tốt chớ buông lung
Pháp thiện Thánh nhân luôn gắng học
Những người trí tuệ tâm chuyên chú
Phiền não ưu sầu đoạn tuyệt ngay.

6. Đức Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau:

Chớ làm mọi điều ác
Tuân hành các hạnh lành
Giữ tâm chí trong sạch
Là lời chư Phật dạy.

7. Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh mà nói giới tóm tắt như sau:

Lành thay phòng hộ thân
Khéo giữ gìn lời nói
Lành thay phòng hộ tâm
Tất cả đều khéo giữ.
Tỳ-kheo giữ hết thảy
Sẽ xa lìa thống khổ
Tỳ-kheo giữ miệng ý
Giữ thân không làm ác.
Ba nghiệp đều thanh tịnh
Chắc chắn được quả Thánh
Ai đánh mắng mình, không đáp lại
Ai oán hận ta, vẫn tự nhiên.
Với người sân hận, lòng thanh thản
Mặc ai làm ác, ta không làm
Bảy Đức Phật Thế Tôn
Thường cứu độ thế gian.
Từng thuyết giới kinh này
Giờ tôi đã tụng xong
Chư Phật và đệ tử
Đều tôn kính giới này.
Vừa tôn kính giới kinh
Vừa kính trọng lẫn nhau
Ai đầy đủ hổ thẹn
Sẽ được đạo vô vi.

Tôi đã tụng xong giới kinh. Tăng đã nhất tâm Bố-tát hoàn mãn.

Sau đây là tóm tắt giới Ma Ha Tăng Kỳ:

Giữ thân miệng trong sạch
Thâu tâm luôn ghi nhớ
Nghe nhiều trí tuệ sinh
Đều lấy giới làm gốc.
Giới là kho châu báu
Cũng là bảy Thánh tài
Giới là vị thuyền trưởng
Chèo qua biển sinh tử.
Giới là ao nước trong
Tẩy rửa mọi phiền não

Giới là thuật vô úy
Tiêu trừ các độc hại.
Giới là người bạn lành
Dắt mình qua nẻo ác
Giới là vị cam lồ
Chư Thánh đều nhờ giới.
Giữ giới tâm bất động
Chuyên tinh không phóng dật
Không hủy hoại giới tướng
Tâm cũng không tà vạy.
Mới gọi là tịnh giới
Được chư Phật tán dương
Thế nên hãy hoan hỷ
Giữ giới thân thanh tịnh.