LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 30

Phần 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP: PHÁ TĂNG, NGỌA CỤ, TẠP PHÁP, OAI NGHI, NGĂN BỐ TÁT, BIỆT TRÚ V.V…

Đoạn 9: NÓI VỀ PHÁP NGŨ BÁCH KẾT TẬP

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Nê hoàn chưa bao lâu, Tôn giả Đại Cadiếp ở tại giảng đường Trùng Các, bên bờ sông Di hầu nơi Tỳ-xá-ly, cùng đầy đủ chúng Đại Tỳ-kheo Tăng năm trăm vị, đều là bậc A-la-hán chỉ trừ Tôn giả A-nan, bảo các Tỳ-kheo: Trước đây, tôi từ nước Ba-tuần đi đến thành Câu-di, giữa hai nước, nghe Phật Thế tôn đã Bát-niết-bàn, lúc ấy lòng tôi mê loạn không thể tự chủ. Nơi các xóm làng, các Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người thì quýnh cả hai chân, người thì nhảy khóc té nhào xuống đất, không ai là không bi ai khóc than: Mau quá! Thế gian còn gì nữa! Con mắt của thế gian bị mất rồi! Khi đó, Bạt-nan-đà đã có mặt trước ở đây, nói với mọi người: Lão già (tức là Phật) kia thường nói: Nên làm thế này, không nên làm thế kia, nên học thế này, không nên học thế kia. Kể từ nay, chúng ta mới thoát khỏi cái khổ đó, được làm theo ý muốn, không bị bắt buộc, tại sao các người lại cùng nhau khóc kể? Tôi nghe câu nói ấy càng thêm ưu não cho sự độc hại này. Đức Phật tuy Nê hoàn, Tỳ-ni hiện còn đó, chúng ta nên cùng nhau cố gắng kiết tập, đừng để cho đám Bạt-nan-đà biệt lập bè nhóm, phá hoại chánh pháp. Các Tỳ-kheo đều cho đó là điều hay, bạch với Tôn giả Ca-diếp: Tôn giả A-nan thường hầu cận Đức Thế Tôn, thông tuệ đa văn, thọ trì đầy đủ pháp tạng, nay nên cho phép ở trong số Tỳ-kheo kiết tập này. Ca-diếp nói: A-nan còn trong quả vị hữu học, hoặc theo ái, sân, si, sợ không nên dung nạp được. Thời điểm ấy, Tôn giả A-nan ở tại Tỳ-xá-ly, thường vì bốn chúng ngày đêm nói pháp, mọi người tới lui gần như Phật còn tại thế. Tỳ-kheo Bạt-kỳ tọa thiền trên gác thượng, bị náo loạn không thể an trú trong các Tam-muội giải thoát, khởi ý niệm: A-nan nay ở nơi học địa, có việc cần làm, không làm, lại nói nhiều, sống trong nếp sống ồn ào. Bạt-kỳ nhập định quán xét thấy có việc cần làm, bèn khởi ý niệm: Nay ta nên nói pháp nhàm chán, khiến cho A-nan nhân đấy mà ngộ. Bạt-kỳ bèn đến chỗ Tôn giả A-nan nói kệ:

Ngồi chỗ vắng bên cây
Tâm hướng nơi Nê hoàn
Nên thiền, đừng buông lung
Nói nhiều để làm gì!?

Các Tỳ-kheo cũng nói với A-nan: Ông nên tu gấp đi, Đại Ca-diếp nay muốn kiết tập pháp Tỳ-ni, không cho ông ở trong số đó. A-nan đã nghe Tỳ-kheo Bạt-kỳ nói kệ, lại nghe Ca-diếp không cho ở trong túc số kiết tập Tỳ-ni, nên đầu, giữa, và sau đêm siêng năng kinh hành, tư duy mong cầu giải thoát, song vẫn chưa đạt được. Đêm gần tàn, qua nhiều cố gắng, thân thể mỏi mệt, muốn nằm nghỉ một chút, đầu vừa chạm gối, hoát nhiên dứt sạch các lậu hoặc. Các Tỳ-kheo biết, liền bạch với Cadiếp, A-nan đêm vừa rồi đã được giải thoát, nay cho phép ở trong túc số kiết tập Tỳ-ni. Ca-diếp thuận cho. Đối với Ca-diếp có những suy nghĩ bao quát: Nơi nào có đủ đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ để cung cấp cho việc kiết tập Tỳ-ni này? Thành Vương-xá, chỉ có nơi ấy mới đủ cung cấp mọi thứ mà thôi. Ca-diếp liền đọc lớn giữa Tăng: Trong đây, năm trăm A-la-hán, nên đến thành Vương-xá an cư, ngoài ra không một người nào được đi.

Lập quy chế như thế rồi, năm trăm vị A-la-hán đến thành Vươngxá, tháng đầu mùa hạ, sửa chữa phòng xá, ngọa cụ, tháng thứ hai hiện bày diệu dụng về các thiền giải thoát, tháng thứ ba mới tập trung một chỗ. Đi sát với kế hoạch chỉ đạo, Ca-diếp bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay tôi đối với giữa Tăng hỏi Tôn giả Ưu-ba-ly về nghĩa Tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Tôn giả Ưu-ba-ly cũng bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay tôi sẽ đáp lời Tôn giả Ca-diếp về nghĩa Tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận.

Đây là lời tác bạch.

Ca-diếp liền hỏi Ưu-ba-ly:

-Đức Phật chế giới đầu tiên ở tại chỗ nào?

Ưu-ba-ly nói:

-Tại Tỳ-xá-ly.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Đáp:

-Vì Tu-đề-na, con của Ca-lan-đà.

Lại hỏi:

-Vì sao mà chế?

Đáp:

-Cùng người vợ cũ hành dâm.

Lại hỏi:

-Có chế lần thứ hai hay không?

Đáp:

-Có. Vì có Tỳ-kheo cùng với khỉ cái hành dâm.

Ca-diếp lại hỏi:

-Chế giới thứ hai ở chỗ nào?

Đáp:

-Tại thành Vương-xá.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Đáp:

-Vì Đạt-ni-tra.

Lại hỏi:

-Vì sao mà chế?

Đáp:

-Vì ăn trộm gỗ của Vua Bình-sa.

Ca-diếp lại hỏi:

-Chế giới thứ ba tại chỗ nào?

Đáp:

-Tại Tỳ-xá-ly.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Đáp:

-Vì một số đông Tỳ-kheo.

Lại hỏi:

-Vì việc gì mà chế?

Đáp:

-Tự cùng nhau hại mạng.

Ca-diếp lại hỏi:

-Giới thứ tư chế tại chỗ nào?

Đáp:

-Tại Tỳ-xá-ly.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Đáp:

-Vì các Tỳ-kheo ở sông Bà-cầu-ma.

Lại hỏi:

-Vì việc gì mà chế?

Đáp:

-Dối xưng được pháp hơn người.

Ca-diếp lại hỏi về tất cả vấn đề Tỳ-ni như vậy rồi, ở giữa Tăng xướng: Đây là Tỳ-ni của Tỳ-kheo, đây là Tỳ-ni của Tỳ-kheo-ni, hơp lại gọi là Tạng Tỳ-ni.

Ca-diếp lại bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay tôi muốn đối trước Tăng hỏi Tôn giả A-nan về Tu-đa-la. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

A-nan cũng bạch Tăng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay tôi sẽ đáp lời Tôn giả Ca-diếp về nghĩa của Tu-đa-la. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Ca-diếp liền hỏi A-nan:

Đức Phật nói kinh Tăng nhất ở chỗ nào? Nói kinh Tăng thập ở chỗ nào? Kinh đại nhân duyên, kinh Tăng kỳ đà, kinh quả Sa-môn, kinh Phạm Động, những kinh nào vì Tỳ-kheo nói? Những kinh nào vì Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Thiên tử, Thiên nữ nói?

A-nan đều tùy theo chỗ Phật nói mà trả lời.

Ca-diếp hỏi như vậy đối với tất cả Tu-đa-la rồi, giữa Tăng công bố: Đây là kinh dài, nay tập hợp lại làm một bộ, gọi là Trường A Hàm. Đây là kinh không dài, không ngắn, nay tập hợp lại làm thành một bộ, gọi là Trung A Hàm. Đây là những việc tạp toái vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên tử, Thiên nữ nói, nay tập hợp lại làm thành một bộ, gọi là Tạp A Hàm. Đây là từ một pháp tăng lên đến mười một pháp, tập hợp lại làm thành một bộ, gọi Tăng Nhất A Hàm. Ngoài ra từ nhiều vấn đề được đề cập đến, nay tập hợp lại làm thành một bộ gọi là Tạp Tạng Tu-đa-la.

Chúng ta đã kiết tập pháp xong, từ nay về sau, những gì Phật không chế cấm, không nên tùy tiện chế, những gì Phật đã chế cấm không được trái phạm. Như lời Đức Phật đã dạy nên kính cẩn tu học.

A-nan lại bạch Ca-diếp: Tôi thân cận, nghe từ Đức Phật: Sau khi Ta nê hoàn, nếu muốn bỏ bớt những giới nho nhỏ thì cho phép bỏ. Cadiếp liền hỏi: Ông muốn giới nào là giới nho nhỏ? Đáp: Không biết. Lại hỏi: Tại sao không biết? Đáp: Vì không hỏi Đức Thế Tôn. Lại hỏi: Tại sao không hỏi? Đáp: Khi ấy, Đức Phật mệt nên sợ phiền Ngài. Ca-diếp liền kết tội: Ông không hỏi nghĩa này, phạm tội Đột-kiết-la, nên thấy tội tự sám hối. A-nan thưa: Thưa Đại đức! Chẳng phải tôi không kính giới mà không hỏi nghĩa này, vì sợ não động Đức Thế Tôn nên không dám hỏi. Trong vấn đề này tôi không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan: ông vá Tăng-già-lê cho Đức Thế Tôn dùng ngón chân đạp lên phạm Đột-kiết-la, nên thấy tội sám hối. A-nan thưa: Không phải tôi không kính Phật mà vì không có ai cầm nên tôi phải dùng chân kẹp lại. Trong vấn đề này tôi không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan: Ông ba phen cầu thỉnh Đức Thế Tôn cho người nữ xuất gia trong chánh pháp, phạm Đột-kiết-la, nên thấy tội sám hối. A-nan thưa: Chẳng phải tôi không kính pháp, chỉ vì Ma-haba-xà-ba-đề Cù-đàm-di là người nuôi dưỡng Đức Thế Tôn cho đến lớn xuất gia, đến thành đại đạo, công đức này cần phải báo đáp, nên tôi mới xin thỉnh Ba lần như vậy. Trong vấn đề này tôi không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan: Đức Phật khi gần Nê hoàn hiện tướng nói với ông: Người có được bốn thần túc, muốn ở đời một kiếp hay hơn một kiếp đều có thể được. Như Lai thành tựu vô lượng pháp định, Ngài hiện tướng nói với ông như vậy Ba lần, ông không thỉnh Phật trụ thế một kiếp hay hơn một kiếp, phạm Đột-kiết-la, nên thấy tội sám hối. A-nan thưa: Chẳng phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ lâu nơi thế gian mà vì ma ác Ba-tuần che lấp lòng tôi, cho nên mới như vậy. Trong vấn đề này tôi cũng không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi A-nan: Trước đây, Đức Phật Ba lần thứ bảo ông đưa nước, ông không dâng nước cho Ngài, phạm Đột-kiết-la, cũng nên thấy tội sám hối. A-nan thưa: Chẳng phải tôi không muốn dâng nước mà khi ấy có năm trăm cỗ xe đi qua bên trên dòng nước, nước bị đục, chưa trong, sợ Ngài uống bị bệnh nên không dâng. Đối với tôi trong vấn đề này cũng không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức 2 nên nay xin sám hối.

Ca-diếp lại gạn hỏi: Ông cho phép người nữ kính lễ Xá-lợi trước, phạm Đột-kiết-la, cũng nên thấy tội sám hối. A-nan thưa: Chẳng phải tôi muốn khiến người nữ kính lễ Xá-lợi trước, mà sợ chiều tối họ vào thành không kịp, do vậy nên cho phép họ kính lễ trước. Trong vấn đề này tôi cũng không thấy tướng tội, nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối. A-nan kính tín Đại Ca-diếp cho nên liền đối trước chúng Tăng tác pháp sám hối sáu tội Đột-kiết-la.

Ca-diếp lại nói với A-nan: Nếu chúng ta cho Chúng Học pháp là giới nho nhỏ, Tỳ-kheo khác lại nói đến Ba-la-đề-đề-xá-ni cũng là giới nho nhỏ. Nếu chúng ta nói cho đến bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni cũng là giới nho nhỏ, Tỳ-kheo khác bèn nói cho đến Ba-dật-đề cũng là giới nho nhỏ. Nếu chúng ta nói cho đến Ba-dật-đề cũng là giới nho nhỏ, Tỳkheo khác bèn nói đến Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề cũng là giới nho nhỏ. Như vậy thành bốn ý kiến làm sao quyết định? Ca-diếp lại hỏi: Nếu chúng ta không biết giới tướng nào là nho nhỏ mà tùy tiện loại bỏ, các ngoại đạo sẽ nói: Sa-môn Thích tử, pháp của họ giống như khói. Khi thầy còn tại thế những điều chế cấm đều phụng hành, sau khi thầy Nê hoàn lại không chịu học tập. Ca-diếp lại đối giữa Tăng đọc lớn:

Chúng ta đã kiết tập pháp xong, nếu những điều gì không được Phật chế cấm, không nên tùy tiện chế, những điều đã chế cấm không được trái phạm, như lời Phật dạy nên kính cẩn tu học.

Khi ấy, Trưởng lão Phú-lan-na ở phương Nam, nghe Đức Phật Bát Nê-hoàn tại thành Câu-di, các Tỳ-kheo Trưởng lão cùng nhau tập hợp nơi thành Vương-xá, luận pháp Tỳ-ni, nên chính mình cùng quyến thuộc, chỉ trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay đã đến trong chúng, hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp: Tôi nghe Đức Phật nê hoàn, Tỳ-kheo Thượng tọa đều cùng vân tập nơi đây bàn pháp Tỳ-ni, có thật như vậy không? Ca-diếp trả lời: Có thật như vậy, thưa Đại đức! Phú-lan-na nói: Có thể luận bàn lại được không? Ca-diếp liền luận bàn lại, như đã luận bàn. Luận bàn rồi, Phú-lan-na nói với Ca-diếp: Chính tôi nghe từ Đức Phật: Được ngủ với thức ăn, nấu trong phòng, tự nấu, tự mang thức ăn đến người thọ, tự lấy trái cây để ăn, đến nơi ao nước lấy thức ăn, không có tịnh nhân tác tịnh trái cây trừ bỏ hạt để ăn. Ca-diếp trả lời: Thưa Đại đức! Bảy điều đó là khi Đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly, gặp lúc mất mùa đói kém, khất thực khó được nên Phật quyền biến cho phép như vậy. Sau đấy cũng tại nơi đó, lại chế cấm bốn điều, rồi đến thành Xá-vệ chế cấm ba điều. Phú-lan-na nói: Đức Thế Tôn không làm cái việc chế cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại chế cấm! Ca-diếp nói: Đức Phật là đấng Pháp vương, đối với pháp tự tại, chế cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại chế cấm, đâu có lỗi gì? Phú-lan-na nói: Những điều khác tôi chấp nhận còn đối với bảy điều này không thể thi hành. Ca-diếp lại ở giữa Tăng đọc lớn:

Những gì Phật đã chế cấm không nên vọng chế, những gì Phật đã chế cấm không nên trái phạm, như lời Phật dạy nên kính cẩn tu học.

Bấy giờ, nơi Câu-xá-di, Tỳ-kheo Xiển-đà xúc não chúng Tăng không cùng hòa hợp. Có một Tỳ-kheo an cư rồi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-diếp, trình bày đầy đủ vấn đề. Ca-diếp nói với A-nan: Thầy đến Câu-xá-di dùng lời của Phật, dùng lời của Tăng tác pháp Phạm đàn trị phạt Xiển-đà. A-nan làm theo lời sai, cùng năm trăm Tỳ-kheo đến đó, Xiển-đà nghe A-nan cùng năm trăm Tỳ-kheo đến liền ra nghinh đón, hỏi A-nan: Đến đây có việc gì? Đâu không muốn gây sự vô ích cho tôi chăng? A-nan nói: Vì muốn đem sự hữu ích cho thầy. Xiển-đà hỏi: Có ích cho tôi như thế nào? A-nan nói: Nay tôi sẽ dùng lời Phật, dùng lời Tăng tác pháp Phạm đàn trị phạt thầy. Xiển-đà liền hỏi: Thế nào gọi là pháp Phạm đàn? A-nan nói: Pháp Phạm đàn là tất cả các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di không cùng thầy qua lại nói năng. Xiển-đà nghe rồi, liền ngất xỉu té xuống đất, nói với A-nan: Đấy, há không phải là giết tôi! A-nan nói: Chính tôi nghe từ Đức Phật: Thầy sẽ từ nơi tôi mà đắc đạo. Thầy đứng dậy, tôi sẽ vì thầy nói pháp. Xiển-đà lắng lòng đứng dậy, A-nan nói pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích để được vui mừng. Xiển-đà liền xa trần lìa cấu, đối với các pháp đặng mắt pháp trong sạch.

Khi vân tập để kiết pháp Tỳ-ni, Trưởng lão A-nhã-kiều-trần-như trong ngôi vị đệ nhất Thượng tọa, Phú-lan-Na-là đệ nhị Thượng tọa, Đàm-di là đệ tam Thượng tọa, Đà-bà Ca-diếp là đệ tứ Thượng tọa, Bạt-đà Ca-diếp đệ ngũ Thượng tọa, Đại Ca-diếp là đệ lục Thượng tọa, Ưu-ba-ly là đệ thất Thượng tọa, A-na-luật là đệ bát Thượng tọa. Do con số tròn năm trăm vị A-la-hán không nhiều, không ít, tham dự kiết tập cho nên gọi là Ngũ bách kiết tập Pháp tạng.

 

Đoạn 10: NÓI VỀ PHÁP THẤT BÁCH KẾT TẬP

Sau khi Phật Nê hoàn một trăm năm, tại Tỳ-xá-ly các Tỳ-kheo Bạt-kỳ đề khởi lên mười phi pháp:

  1. Muối gừng hợp lại để cách đêm, được phép ăn.
  2. Dùng hai ngón tay xúc thức ăn, được phép ăn.
  3. (Ăn rồi) ngồi trở lại, được phép ăn.
  4. Qua xóm làng khác, được phép ăn.
  5. Tô, dầu, mật, thạch mật hòa với lạc được phép ăn.
  6. Rượu Các lâu già được phép uống.
  7. Làm tọa cụ lớn nhỏ theo ý mình, được phép ngồi.
  8. Quen theo nếp sống trước là tịnh.
  9. Cầu thính là tịnh.
  10. Nhận chứa vàng, bạc, tiền là tịnh.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ thường dùng bình bát đựng nước, trong tháng vào những ngày mùng tám, mười bốn, rằm, tập hợp ngồi chỗ đông người, để bình bát trước mặt gọi là điềm lành, mục đích là để cầu người bố thí.

Khi ấy, các bạch y nam nữ, lớn nhỏ đi qua phía trước, bèn chỉ trong bát nước, nói: Trong đấy là điềm lành, có thể đặt vào trong đó: y, bát, giày dép, thuốc thang. Người muốn cho thì họ cho, người không muốn cho bèn chê trách nói: Sa-môn Thích tử không nhận chứa vàng bạc và tiền, dù có người cho cũng không dùng mắt đến để nhìn, tại sao nay lại làm việc này để cầu xin bố thí? Lúc đó, Trưởng lão Da-xá, con của Ca-lan-đà, ở trên giảng đường Trùng các, bên sông Di-hầu, nói với các Tỳ-kheo: Các thầy chớ cầu xin sự bố thí thế này, chính tôi nghe Đức Phật dạy: Nếu có người cầu thí phi pháp, và người thí cho kẻ cầu phi pháp, cả hai đều mắc tội. Nói với các Tỳ-kheo rồi lại nói với các bạch y nam nữ lớn nhỏ: Các người đừng nên bố thí thế này, chính tôi nghe từ Đức Phật dạy: Nếu cầu thí phi pháp, hoặc thí cho người cầu phi pháp, cả hai đều mắc tội.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ nhận được vàng, bạc, tiền rồi, nói với Da-xá:

-Đại đức có thể nhận lấy phần này.

Da-xá nói:

-Tôi không nhận phần do sự cầu phi pháp mà được.

Các Tỳ-kheo lại nói:

-Nếu không nhận cho mình thì nhận rồi cúng cho Tăng.

Da-xá nói:

-Tôi đã không nhận, tại sao lại cúng cho Tăng?!

Thế là các Tỳ-kheo bèn đem việc Da-xá đã nêu dạy trước bạch y như vậy là sự nhục mạ bạch y, nên trao cho Da-xá pháp Yết-ma hạ ý. Tác Yết-ma rồi, Da-xá nói:

-Chính tôi nghe Đức Phật dạy: Nếu Tăng trao cho pháp Yết-ma hạ ý thì nên sai một Tỳ-kheo làm bạn để đến xin lỗi bạch y. Các Tỳkheo bèn bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo làm bạn để cùng với Da-xá đến nhà bạch y. Da-xá và bạn đến nơi thì nhằm lúc năm trăm Ưu-bà-tắc tập trung lại một chỗ.

Da-xá nói:

-Quý vị nên biết: Đúng pháp tôi nói là đúng pháp, phi pháp tôi nói là phi pháp. Tỳ-ni tôi nói là Tỳ-ni, phi Tỳ-ni tôi nói là phi Tỳ-ni. Lời Phật dạy tôi nói là lời Phật dạy, chẳng phải là lời Phật dạy tôi nói chẳng phải là lời Phật dạy. Trước đây những gì tôi nói khiến các Ưu-bà-tắc giận, nay tôi xin lỗi.

Các Ưu-bà-tắc rất ngạc nhiên nói:

-Thưa Đại đức! Lúc nào Đại đức vì chúng con nói là pháp, là Tỳni, là lời Phật dạy, làm sao chúng con lại giận mà nay Đại đức đến xin lỗi?!

Da-xá lại nói với mọi người:

-Thuở ấy, Đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, nơi vườn Kỳ-vức Yêm La, bấy giờ Vua Bình-sa và các Đại thần cùng tập hợp nơi vương môn, luận bàn thế này: Sa-môn Thích tử nên nhận chứa vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán? Khi ấy, trong số đông đó có một vị Đại thần tên là Châu Kế nói với mọi người: “Đừng nên đề cập đến vấn đề này. Sa-môn Thích tử không nên thọ và chứa vàng bạc, châu báu hay sử dụng để mua bán”. Sự việc ấy, Châu Kế bèn vội đến bạch lên Đức Thế Tôn: Ý kiến của con nêu ra như thế có đưa đến sai lầm nào không? Đức Phật dạy: Điều ông nói lên như vậy là đúng với chánh pháp. Tại sao vậy? Như Lai thường nói rõ điều này: Sa-môn Thích tử không nhận chứa vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán. Vị Đại thần Châu Kế bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn nên phổ biến cho mọi người biết, ý kiến của con là không nhầm lẫn. Đức Phật nói: Hay lắm! Đức Phật lại bảo Châu Kế: Ví như mặt trời, mặt trăng bị khói, mây bụi, A-tu-la, bốn thứ đó che khuất nên không trong suốt sáng ngời. Sa-môn, Bà-la-môn cũng bị bốn thứ đó như vậy: Hoặc không đoạn ái dục hành pháp dâm, hoặc đam mê ăn uống không thể đoạn trừ, hoặc chuyên làm tà mạng để nuôi sống, hoặc nhận chứa vàng bạc, châu báu sử dụng để mua bán. Nếu người nào cho năm dục là tịnh thì người ấy cho nhận chứa vàng bạc châu báu và sử dụng vào mua bán là tịnh. Nếu người nào cho việc thọ nhận cất chứa vàng bạc châu báu và sử dụng mua bán là tịnh thì người ấy cho năm dục là tịnh. Nếu người nào nương theo Ta xuất gia thọ giới cụ túc mà cho việc nhận chứa vàng bạc châu báu và sử dụng vào mua bán là tịnh thì cả quyết rằng, người ấy không tin vào pháp luật của Ta. Tuy Ta thường nói cần xe thì dùng xe, cần người thì dùng người, tùy theo nhu cầu đều cho phép dùng, mà hoàn toàn không được cho nhận và cất chứa vàng bạc, châu báu và sử dụng để mua bán.

Da-xá nói như vậy rồi nói tiếp:

-Trước đây tôi nói là pháp, phi pháp, là luật, phi luật, là lời Phật dạy, chẳng phải là lời Phật dạy, là lời Phật nói, chẳng phải là lời Phật nói.

Các Ưu-bà-tắc nói:

-Chúng con đối với những lời nói ấy đâu không tin ưa. Hiện nay nơi Tỳ-xá-ly này chỉ có Đại đức là Sa-môn Thích tử, cúi xin Đại đức nhận lời mời của chúng con ở lại đây để trọn đời chúng con được cúng dường tứ sự.

Da-xá xin lỗi các Ưu-bà-tắc rồi cùng với Tỳ-kheo sứ giả của Tăng trở về Tăng phường.

Tỳ-kheo Bạt-kỳ hỏi Tỳ-kheo sứ giả:

-Tỳ-kheo Da-xá đã xin lỗi các Ưu-bà-tắc chưa?

Đáp:

-Đã xin lỗi rồi, nhưng chỉ có điều là các bạch y đều tin theo lời nói của Tỳ-kheo Da-xá, họ cảm động nói: Hiện nay nơi Tỳ-xá-ly này chỉ có Đại đức. Họ mời ở lại để trọn đời cúng dường tứ sự. Đối với chúng ta lại không được lợi ích gì.

Tỳ-kheo Bạt-kỳ lại đem vấn đề trước đây Da-xá, khuyên dạy các Tỳ-kheo là việc làm nhục mạ Tăng, phạm Ba-dật-đề, và nói:

-Thầy phải thấy tội để sám hối.

Tỳ-kheo Da-xá trả lời:

-Tôi không có tội làm sao có thể thấy tội để sám hối.

Tỳ-kheo Bạt-kỳ bèn tập hợp Tăng để trao cho pháp Yết-ma không thấy tội. Thế là, Da-xá liền dùng thần túc bay đến nước Ba-tuần.

Lúc này, ở nơi ấp Ba-lợi có sáu mươi Tỳ-kheo đều ở A-lan-nhã, đời sống với ba y và khất thực, thường với y phấn tảo, ngồi nơi đất trống, đầy đủ ba minh, sáu thông, tất cả là đệ tử của Tôn giả A-nan, đồng loạt bay đến Tỳ-xá-ly. Da-xá thấy các vị, bèn để y bát nơi hư không như để trên đất, hỏi chào các Tỳ-kheo kia, trình bày rõ ràng mười điều phi pháp của Tỳ-kheo Bạt-kỳ và đề nghị: Thưa các Đại đức, chúng ta nên cùng nhau bàn luận pháp Tỳ-ni để chấm dứt việc phi pháp kia, đừng nên để Tỳ-kheo Bạt-kỳ phá hoại chánh pháp. Số Tỳ-kheo kia đồng ý muốn cùng nhau chấm dứt.

Lại có ba mươi Tỳ-kheo Tăng nơi ấp Ba-lợi cũng đồng ý như vậy và các vị cũng là đệ tử của Tôn giả A-nan. Ở tại nước Ma-thâu-la, Daxá cùng với sáu mươi Tỳ-kheo cũng đã bàn luận đến vấn đề ấy và nói: Được ba mươi Tỳ-kheo này đồng tình với chúng ta chắc được như pháp diệt sự ác kia. Nghị bàn rồi bèn cùng nhau bay đến chỗ các Tỳ-kheo kia trình bày đầy đủ như trên. Các vị ở đây đều thống nhất muốn cùng nhau chấm dứt việc phi pháp đã xảy ra.

Lại có ba mươi Tỳ-kheo ở nơi ấp Ba-lợi, nghe sự việc và cũng đồng tình như trên. Các vị cũng là đệ tử của Tôn giả A-nan. Tại ấp Alạp-bệ, Da-xá lại cùng với chín mươi người cũng nghị bàn việc ấy rồi đến tận các nơi trình bày rõ sự việc như trên. Nơi nào cũng đồng tình, mong muốn chấm dứt điều phi pháp ấy.

Bấy giờ, Trưởng lão Tam-phù-đà ở trên núi A Hô, Da-xá lại cùng một trăm hai mươi người cũng luận bàn việc trên, rồi đến tận các nơi ở đấy nói rõ việc phi pháp như trên. Nơi nào cũng đồng tình, muốn chấm dứt việc đó.

Khi đó, Trưởng lão Ly-bà-đa ở thành Câu-xá-di được Tam-muội tâm từ, có đại quyến thuộc, Da-xá cùng với một trăm hai mươi mốt vị cùng bàn thảo việc trên, rồi đến tận các nơi ở đây nói rõ việc phi pháp như đã nói. Ở đâu cũng đồng tình, muốn chấm dứt việc ấy.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Bạt-kỳ nghe Da-xá đến chỗ Ly-bà-đa nơi Câuxá-di, bèn chở đầy cả thuyền y, bát và vật dụng cần thiết của Sa-môn cũng đến nơi đó, muốn tìm cách mua chuộc cầu yểm trợ. Trong thuyền có Tỳ-kheo trì luật tên là Sa-lan, tự thân thầm nghĩ: Tỳ-kheo Bạt-kỳ là như pháp hay không? Dựa vào các kinh luật để xét thì việc làm đó không như pháp. Lúc này, trong không trung có vị thần ba phen xướng: “Việc làm của Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phi pháp, phi pháp như vậy, như vậy, đúng như chỗ thấy của thầy”.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ đến Câu-xá-di cùng nhau lên bờ, đến chỗ Trưởng lão Ly-bà-đa thưa:

Chúng tôi có chở nhiều những vật cần dùng của Sa-môn đến để dâng cúng cho Trưởng lão, xin Trưởng lão hoan hỷ nạp thọ.

Ly-bà-đa trả lời:

-Y bát của tôi đầy đủ, khỏi cần thêm nữa.

Bạt-kỳ lại thưa:

-Nếu Trưởng lão không nhận nhiều thì xin nhận chút ít.

Ly-bà-đa nói:

-Y bát của tôi đã đầy đủ, không nên vì thầy thọ để rồi trái với chánh pháp.

Ly-bà-đa có một người đệ tử tên là Đạt-ma, thường ngày hầu hạ bên cạnh. Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ bèn đến chỗ người đệ tử nói:

-Tôi có các vật cần dùng của Sa-môn, nếu ông có thiếu thì cứ lấy dùng.

Người đệ tử của Ly-bà-đa nói:

-Tôi đều có đủ, không có thiếu thốn.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ lại nói:

-Khi Phật còn tại thế, người ta đến cúng cho Ngài, Phật không nhận thì cúng cho A-nan, A-nan đều thọ. A-nan đã thọ tức là Phật thọ.

Đạt-ma nghe vậy, nên thọ một vật.

Thọ rồi hỏi:

-Với ý đồ nào, quý vị lại buộc tôi nhận vật cúng của quý vị?

Đám Bạt-kỳ nói:

-Chúng tôi muốn ông vì chúng tôi thưa với Hòa thượng dùng uy tín yểm trợ chúng tôi, đừng để Da-xá phá hoại pháp luật của chúng tôi.

Đạt-ma bèn vì họ đến chỗ Hòa thượng thưa:

-Hòa thượng có thể yểm trợ cho Tỳ-kheo Bạt-kỳ.

Hòa thượng dạy:

-Người làm phi pháp ta không thể yểm trợ được.

Đạt-ma lại thưa:

-Xin cân nhắc kỹ điều đó.

Ly-bà-đa nói:

-Nay ông khuyên ta yểm trợ người phi pháp, tức chẳng phải là đệ tử của ta, từ nay đừng nên hầu hạ ta nữa, ta cũng không nói gì với ông nữa.

Đạt-ma xấu hổ sợ sệt, đến chỗ các Tỳ-kheo Bạt-kỳ. Họ lại hỏi: – Hòa thượng của ông có yểm trợ ý kiến của chúng tôi không?

Đạt-ma đáp:

-Không. Nào ngờ, vì các ông mà tôi bị thầy tôi quở trách, không nói đến tôi và đuổi tôi.

Các Tỳ-kheo Bạt-kỳ hỏi:

-Nay ông bao nhiêu tuổi?

Đáp:

-Hai mươi tuổi.

Với tuổi của ông và với đức độ như vậy đâu cần phải sợ không được nói năng và bị đuổi.

Sự việc như vậy, Trưởng lão Ly-bà-đa khởi ý niệm: Nếu ta ở đây chấm dứt việc phi pháp kia, thì người gây nên sự việc ắt sẽ phát khởi lại. Nay ta cùng đến Tỳ-xá-ly để chấm dứt việc đó. Nghĩ rồi bèn ra đi cùng với đại chúng, bao gồm chúng của thành Tỳ-xá-ly.

Nơi thành ấy, trước đó đã có Tỳ-kheo tên là Nhất-thế-khứ, đối với Sa-môn Thích tử nơi Diêm-phù-đề là bậc Thượng tọa tối thắng, chứng A-la-hán, đạt ba minh, sáu thông, cũng là đệ tử lớn nhất của Tôn giả A-nan. Lúc còn ở ngoài Tăng phường, Da-xá nói với Ly-bà-đa: Đại đức có thể đến nơi phòng Thượng tọa trải ngọa cụ nghỉ đêm, nhân đó trình bày đầy đủ sự việc. Sáng sớm tôi cũng sẽ đến thăm hỏi Thượng tọa. Mọi người đã đến Tăng phường, vị Thượng tọa kia sửa soạn nước tắm và nước uống sau giờ ngọ. Ly-bà-đa một mình đến trong phòng Thượng tọa, trải ngọa cụ nghỉ đêm. Ly-bà-đa trong đêm suy nghĩ: Vị Thượng tọa Nhất-thế-khứ này già yếu mà vẫn còn siêng năng ngồi thiền thâu đêm, nay ta đâu được phép nghỉ ngơi. Thượng tọa Nhất-thế-khứ cũng lại nghĩ như vầy: Tỳ-kheo khách này đi đường mệt nhọc, lại bận cả việc tắm giặt mà còn tọa thiền hành đạo suốt đêm. Giờ đây sao ta lại an tâm nằm nghỉ. Hai vị tự sách tấn nhau mà suốt đêm tọa thiền. Đến cuối đêm, Nhất-thế-khứ hỏi Ly-bà-đa:

-Đêm nay phần nhiều thầy an trú nơi định nào?

Ly-bà-đa nói:

-Bản tánh của tôi nhiều lòng từ, đêm nay phần nhiều an trú nơi định ấy.

Nhất-thế-khứ nói:

-Đây là định thô.

Lại hỏi:

-Thầy là A-la-hán phải không?

Đáp:

-Phải.

Ly-bà-đa, kế đó hỏi Nhất-thế-khứ:

-Đêm nay Thượng tọa phần nhiều an trú nơi định nào?

Nhất-thế-khứ nói:

-Tánh tôi ưa quán không, đêm nay phần nhiều an trú nơi định đó.

Ly-bà-đa hỏi:

-Đây là việc làm của bậc Đại nhân. Tại sao vậy? Tam-muội không là pháp của Đại nhân.

Lại hỏi:

-Thượng tọa là A-la-hán phải không?

Đáp:

-Phải.

Đêm đã qua rồi, Tỳ-kheo Da-xá đến trước phòng búng móng tay, Thượng tọa mở cửa liền vào thăm hỏi. Thăm hỏi rồi, Ly-bà-đa hỏi Nhất-thế-khứ:

-Muối với gừng hợp lại để cách đêm có tịnh hay không?

Nhất-thế-khứ nói:

-Việc này nên hỏi giữa Tăng, nếu hỏi riêng tôi sợ người phi pháp cho tôi là tư vị, không chấp nhận tôi ở trong túc số những người luận pháp Tỳ-ni.

Thế là Ly-bà-đa muốn bàn luận Tỳ-ni mà vì lắm lời ồn ào, nên bạch Tăng:

Hôm nay muốn cùng luận bàn pháp Tỳ-ni, mà vì lắm lời ồn ào không thể quyết đoán được. Chúng hai phía nên mỗi bên thỉnh cầu Tăng bốn vị để bạch nhị Yết-ma, sai người chủ đoán sự. Trước hết Tỳkheo Bạt-kỳ thỉnh cầu bốn vị:

  1. Nhất-thế-khứ.
  2. Ly-bà-đa.
  3. Bất-xà-tông.

. Tu-ma-na.

– Tỳ-kheo ấp Ba-lợi cũng thỉnh cầu bốn vị:

  1. Tam-phù-đà.
  2. Sa-lan.
  3. Trường Phát.

. Bà-sa-lam.

Các Thượng tọa được Tăng sai rồi cùng nhau nghị bàn: Địa điểm nào rộng rãi khoáng đạt yên tịnh có thể cùng nhau luận bàn pháp Tỳni? Xem xét khắp nơi thì chỉ thấy nơi ngôi vườn do người nữ Tỳ-la-da cúng là tốt nhất. Ly-bà-đa liền bảo Đạt-ma đến đó sửa soạn trải tòa, khi Thượng tọa đến thì ông tránh đi. Đạt-ma vâng lệnh đến trải tòa. Các Thượng tọa đến theo thứ tự an tọa. Hội nghị bắt đầu: Ly-bà-đa hỏi Thượng tọa Nhất-thế-khứ:

-Muối hòa với gừng để cách đêm có tịnh hay không?

Trả lời:

-Không tịnh.

Lại hỏi:

-Điều đó chế cấm ở đâu?

Trả lời:

-Chế cấm tại thành Vương-xá.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế cấm?

Trả lời:

-Nhân vì một Tỳ-kheo A-lan-nhã.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Phạm túc thực Ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là Pháp, là Luật, là lời Phật dạy, việc làm của Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phi pháp, phi luật, chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút một thẻ.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Hai ngón tay xúc thức ăn để ăn có tịnh hay không?

Thượng tọa hỏi:

-Hai ngón tay xúc thức ăn để ăn là thế nào? Tịnh không?

Ly-bà-đa nói:

-Tỳ-kheo ăn xong rồi lại được ăn trở lại thì dùng hai ngón tay xúc thức ăn để ăn.

Trả lời: Không tịnh.

Lại hỏi:

-Điều này chế cấm ở đâu?

Trả lời:

-Tại thành Vương-xá.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế cấm?

Trả lời:

-Vì Bạt-nan-đà.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Phạm không làm pháp tàn thực mà ăn, phạm Ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ hai.

Ngồi trở lại được phép ăn, qua xóm làng khác được phép ăn, cũng như vậy. Ra lệnh rút thẻ thứ ba và thẻ thứ tư.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Tô, dầu, mật, thạch mật hòa với lạc được uống là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

-Uống phi thời. Trả lời không tịnh.

Lại hỏi:

-Chế cấm điều này ở đâu?

Trả lời:

-Tại thành Xá-vệ.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Trả lời:

-Vì Ca-lưu-đà-di.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Phạm phi thời thực, phạm Ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ năm.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Rượu xà lâu già tịnh hay không?

Thượng tọa hỏi:

-Rượu xà lâu già là như thế nào?

Ly-bà-đa nói:

-Gây men rượu mà chưa chín. Trả lời: Không tịnh.

Lại hỏi:

-Chế cấm điều này ở đâu?

Trả lời:

-Tại Câu-xá-di.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Trả lời:

-Vì Sa-kiệt-đà.Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Uống rượu, phạm Ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy: Ra lệnh rút thẻ thứ sáu.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Làm tọa cụ lớn, nhỏ theo ý mình tịnh hay không?

Trả lời:

-Không tịnh.

Lại hỏi:

-Chế cấm điều này ở đâu?

Trả lời:

-Tại thành Xá-vệ.

Lại hỏi:

-Vì ai mà chế?

Trả lời:

-Vì Ca-lưu-đà-di.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Phạm Ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ bảy.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Quen theo nếp sống trước tịnh hay không?

Thượng tọa hỏi:

-Quen theo nếp sống trước là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

-Quen theo việc làm khi còn là bạch y.

Thượng tọa nói:

-Hoặc có thói quen có thể chấp nhận, hoặc có thói quen không thể chấp nhận.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ tám.

Ly-bà-đa-lại hỏi:

-Cầu thính tịnh hay không?

Thượng tọa hỏi:

-Cầu thính là thế nào?

Ly-bà-đa nói:

-Tác pháp Yết-ma riêng, sự việc đã rồi sau mới đến cầu người khác cho phép.

Trả lời:

-Không tịnh.

Lại hỏi:

-Điều nay cấm ở đâu?

Trả lời:

-Tại nước Thiểm Bà.

Lại hỏi:

-Vì ai mà cấm?

Trả lời:

-Vì Lục quần Tỳ-kheo.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Tùy theo việc Yết-ma.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ chín.

Ly-bà-đa lại hỏi:

-Nhận chứa vàng, bạc, tiền, tịnh hay không?

Trả lời:

-Không tịnh.

Lại hỏi:

-Chế cấm điều này ở chỗ nào?

Trả lời:

-Tại thành Vương-xá.

Lại hỏi:

-Nhân ai mà chế?

Trả lời:

-Vì Nan-đà, Bạt-nan-đà.

Lại hỏi:

-Phạm việc gì?

Trả lời:

-Phạm nhận chứa vàng bạc và tiền, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

Ly-bà-đa nói:

-Đây là pháp… cho đến câu: Chẳng phải là lời Phật dạy. Ra lệnh rút thẻ thứ mười.

Hỏi xong, cùng nhau trở lại tập hợp Tăng, Ly-bà-đa đối trước đại chúng hỏi lại từng vấn đề một như đã hỏi Nhất-thế-khứ, rút thẻ thứ nhất cho đến thẻ thứ mười. Để đúc kết vấn đề, Ly-bà-đa đọc lớn:

Chúng ta đã luận bàn Tỳ-ni xong, những gì Đức Phật không chế cấm, không được tùy tiện chế, những gì Đức Phật đã chế cấm không được trái phạm, như lời Đức Phật dạy phải kính cẩn học tập.

Bấy giờ, chúng luận pháp Tỳ-ni này, bao gồm: Đệ nhất Thượng tọa là Nhất-thế-khứ, một trăm ba mươi sáu hạ lạp, đệ nhị Thượng tọa là Ly-bà-đa, một trăm hai mươi hạ lạp, đệ tam Thượng tọa là Tam Phù Đà, đệ tứ Thượng tọa là Da-xá đều một trăm mười hạ lạp. Con số hợp chung tròn bảy trăm vị A-la-hán không nhiều không ít, cho nên gọi là Thất bách kết tập pháp.