LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 8
Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO
Đoạn 5: NÓI VỀ 91 PHÁP ĐỌA (Tiếp Theo)
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn chưa vì Tỳ-kheo chế giới cấm ăn phi thời. Các Tỳ-kheo đi khất thực vào ban đêm, hoặc bị rơi ngã vào hào rãnh, hoặc đụng phải nữ nhân, hoặc gặp kẻ cướp đoạt, hoặc bị các loại thú, trùng làm hại, các Tỳ-kheo ăn bất kể ngày đêm, chểnh mảng việc tu phạm hạnh. Khi ấy, Ca-lưu-đà-di có khuôn mặt đen, mắt đỏ, lại mặc y tạp sắc khất thực trong đêm tối. Một người phụ nữ mang thai thấy bóng Ca-lưu trong tia chớp sáng, hoảng hồn, la lớn: Tỳ-xá-già! Tỳ-xá-già! (ma! ma!) Ca-lưu-đà-di: Tôi là Samôn khất thực, chứ không phải là Tỳ-xá-già đâu. Người phụ nữ trong cơn sợ, tức giận mắng không tiếc lời: Tại sao ông không lấy dao mổ bụng đi mà lại khất thực trong đêm tối? Các Sa-môn, Bà-la-môn khác chỉ ăn một lần là đủ, tại sao ông ăn không kể ngày đêm? Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Ca-lưu-đà-di: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào ăn phi thời, phạm Badật-đề”.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bị nôn thốc thuốc trong bụng ra ngoài, chưa đến bữa ăn mà bụng lại trống không nên ngất xỉu. Các Tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: Dùng tô thoa nơi thân, nếu không giảm thì dùng bột gạo thoa nơi thân, vẫn không lành thì lấy tô hòa với bột gạo thoa nơi thân, vẫn không có hiệu quả thì Đức Phật bảo, lấy nước nóng xoa rửa, nếu cũng không lành thì cho uống nước nóng, vẫn không lành, Đức Phật bảo lấy cái chậu đựng đầy nước thịt mỡ, rồi đặt ngồi trong đó. Dùng các phương thức trên để làm sao kéo dài cho đến sáng. Dứt khoát không được ăn phi thời. Phi thời: Từ giữa trưa cho đến khi tướng mặt trời chưa xuất hiện gọi là phi thời. Nếu Tỳ-kheo phi thời, tưởng là phi thời, nghi là phi thời, phi thời tưởng là thời đều phạm Ba-dật-đề. Thời, tưởng là phi thời, nghi là thời, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-dini, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ ba mươi tám
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, Đức Thế Tôn chưa chế giới cấm Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm. Có một thần miếu nọ là nơi du ngoạn. Mọi người đua nhau mang theo thức ăn ngon đến đây để chiêm bái, thưởng ngoạn, hoăc ở lại thâu đêm với nhiều thức ăn ngon bổ, ê hề. Các Tỳ-kheo nơi đây được cúng dường nhiều thức ăn, ăn không hết, cất chứa trong phòng, không chỗ nào không có. Sâu, chuột tìm đến, đục khoét, phá hoại làm hỏng cả vách tường. Các Cư sĩ thấy hỏi: Ai cất chứa thức ăn đây? Có người nói: Sa-môn Thích tử. Cư sĩ chê trách: Đám trọc đầu này chỉ biết ham hố nhận cho nhiều rồi không hề nghĩ tới việc phí phạm, tổn hao, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp của Sa-môn.
Lại có một Tỳ-kheo A-lan-nhã ở chỗ vắng vẻ, khởi ý niệm: “Ngày nào cũng đi khất thực, phế bỏ việc hành đạo”, bèn xin các thức ăn để dành hoặc phơi khô đem cất. Khi ấy, các Tỳ-kheo du hành thấy vậy bảo: Đức Thế Tôn lẽ nào không nói: Áo mặc là để che hình hài, thức ăn là để nuôi sống, tại sao thầy dồn chứa nhiều thức ăn, hong phơi bừa bãi như thế? Tỳ-kheo kia trả lời: Chỗ này cách xa làng xóm, ngày nào cũng đi khất thực phế bỏ việc hành đạo, nên tôi xin để dành cho khỏi phiền bận. Các Tỳ-kheo bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tỳ-kheo kia: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào ăn thức ăn cách đêm, phạm Ba-dật-đề”. Thức ăn cách đêm: Thức ăn thọ rồi để lại đến ngày mai, gọi là thức ăn cách đêm. Nếu Tỳkheo ăn thức này, mỗi miếng ăn phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ ba mươi chín
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, trong nước bị mất mùa, khất thực khó được, hai mươi tám vị tướng quân quỷ thần đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn: Hiện nay, đời bị đói khát, nguyện xin Đức Phật du hành trong nhân gian, chúng con sẽ giáo hóa mọi người, khiến họ phát tâm thiện. Đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kế đến, Tứ Thiên vương, Thích-đềhoàn-nhân, Phạm thiên vương chủ thế giới Ta Bà cũng đến đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng lui qua một bên, và cũng bạch Phật như vậy.
Đức Phật cũng im lặng chấp thuận. Lúc này, Đức Thế Tôn từ thành Vương-xá cùng một ngàn hai trăm năm mươi Đại Tỳ-kheo Tăng, lại có năm trăm Tỳ-kheo-ni, năm trăm Ưu-bà-tắc, năm trăm Ưu-bà-di, cùng du hành đến nước Ma-kiệt. Lại có một ngàn nam nữ ngoại đạo, năm trăm người xin ăn, cùng tháp tùng theo sau Đức Phật để ăn thức ăn dôi ra. Đức Thế Tôn đến chỗ nào cũng đều được sự cúng dường nồng nhiệt. Người bốn phương xa gần mang thức ăn đến cúng dường không xiết kể. Phẩm vật cúng dường không cách nào dùng hết. Các Tỳ-kheo đem thức ăn dôi ra cho nam nữ ngoại đạo và người ăn xin. Các Cư sĩ thấy thế bất mãn nói: Sa-môn Thích tử ai cho chi nhận hết nấy, ăn không hết đem cho đám tà kiến, không như người vắt sữa còn biết lưu lại sữa cho bê con. Hoặc có người lại nói: Sa-môn Thích tử hãy còn cúng dường ngoại đạo, tại sao việc này chúng ta lại không phụng sự được. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đi đến ấp An-na-tần-đầu, nơi có đại Bàla-môn tên là Sa-môn, dùng năm trăm cỗ xe chở đầy thức ăn đi theo Phật. Với thời gian hơn năm tháng để chờ đến phiên mình được cúng dường, cuối cùng vẫn chưa được. Người nhà đến báo tin: Nông vụ muốn quá thời hạn, cần về để lo việc nông trang. Đã đến lúc Bà-la-môn kia phải đến chỗ Tôn giả A-nan. Người Bà-la-môn thưa với Tôn giả A-nan: Năm trăm chiếc xe của tôi chở đầy thức ăn, muốn cúng dường Phật và Tăng, theo Phật đến nay đã hơn năm tháng mà chưa cúng dường được, nay người nhà đến báo tin, phải về, không thể tiếp tục chở theo được nữa. Tôi muốn đem thức ăn này trải dài trên đường rồi mời Phật và Tăng đi ngang qua, cho lòng tôi được mãn nguyện. Tôn giả A-nan nói: Chờ tôi bạch Phật đã. Tôn giả A-nan bạch Phật. Phật dạy: Ông có thể hội ý với người Bà-la-môn ấy, xem xét thức ăn mà các nhà cúng dường, thứ nào thiếu thì làm. Tôn giả A-nan vâng lời và đã trao đổi với người Bà-la-môn như vậy. Người Bà-la-môn thấy không có cháo và bánh ram có dầu và mật. Ông ta cho nấu bảy thứ cháo và làm hai thứ bánh. Sáng sớm, ông ta đến bạch Phật: Bánh và cháo đã làm xong. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Ông nên tiếp tay dọn ra. Tôn giả A-nan vâng lời Phật, dọn bày ra bánh và cháo. Khi ấy, có ngoại đạo, người mẹ bồng một đứa con gái nhỏ, Tôn giả A-nan thấy có đứa nhỏ nên cho bà ta hai cái bánh. Các ngoại đạo nói: Tỳ-kheo này đã tâm nhiễm đối với bà ta nên thiên vị cho hai cái bánh. Có người lại nói: Chính là ông ta cho đứa nhỏ một cái chứ không phải thiên vị. Họ cãi nhau gây sự náo động. Tôn giả A-nan thấy vậy, tự thấy lòng mình không yên, bèn đến chỗ Phật, đem vấn đề ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi A-nan: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đem thức ăn cho nam nữ ngoại đạo, phạm Ba-dật-đề”.
Lại có các Tỳ-kheo đem thức ăn cho ngoại đạo lõa thể. Ngoại đạo kia gói một gói bánh đem vào thành Vương-xá. Các người hỏi: Từ đâu đến? Từ đám Cư sĩ trọc đầu đến. Lại hỏi: Vật gì trong gói đó? Đáp: Bánh ram có mật. Hỏi tiếp: Ai cho? Đáp: Các Cư sĩ thì lấy Sa-môn làm ruộng phước, Sa-môn Thích tử lại lấy tôi làm ruộng phước, nên gói bánh này nhận được từ họ đấy. Mọi người bèn chê trách nói: Sa-môn Thích tử không biết tiết chế, tính lường, ham hố thọ nhận mấy cũng không chán. Chúng tôi cắt giảm phần ăn của vợ con để cúng dường, lại đem cho đám người tà kiến ác này. Nếu cần cúng dường thì chúng tôi cúng dường, phiền chi phải nhờ Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Có y phục hay lõa hình khác nhau chỗ nào? Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cho thức ăn cho nam nữ ngoại đạo lõa thể, phạm Ba-dật-đề”.
Có các ngoại đạo khi Tỳ-kheo ăn, đến xin. Các Tỳ-kheo không dám cho, họ nổi giận mắng: Sa-môn Thích tử dạy người bố thí mà chính mình lại bỏn sẻn thì làm gì có đạo. Nghe như thế, đến các bạch y có lòng tín kính cũng chê trách nói: Tại sao Sa-môn thường đến người xin, mà lại không cho người khác.
Lại có ngoại đạo do quen thân đến Tỳ-kheo xin, Tỳ-kheo cũng không dám cho, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo cho ngoại đạo ăn, nhưng đừng tự tay mình đưa. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào tự tay cho nam nữ ngoại đạo lõa thể ăn, phạm Ba-dật-đề”.
Nếu ngoại đạo đến xin nên dùng một vắt cơm riêng của mình để một chỗ nào đó, khiến họ tự lấy, không nên đem thức ăn của Tăng cho. Nếu có người đến xin, trẻ nít đến xin, chó đến xin, chim đến xin, nên lượng thức ăn của mình nhiều hay ít, giảm bớt một phần để cho, chứ không lấy ngoài phần mình để cho. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Nếu cha mẹ mình là ngoại đạo, tự tay mình trao thì không phạm.
Xong giới thứ bốn mươi
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy có các bạch y đến nơi Tăng phường hỏi các Tỳ-kheo: Tăng có bao nhiêu vị? Các Tỳ-kheo trả lời: Tăng có ___ vị. Các bạch y thưa: Sáng mai, chúng con xin thỉnh chúng Tăng hạ cố đến nhà chúng con thọ bữa trai đạm bạc. Lục quần Tỳ-kheo nói: Nếu quý Phật tử cho tôi sữa, lạc, tô, dầu, cá, thịt thì tôi sẽ nhận lời mời. Bạnh y thưa: Chúng con sẽ vay mượn để ra chợ mua sắm. Không chần chừ, họ cáo lui ngay. Hoặc vay mượn không kết quả hoặc có ra chợ mua thì cũng không được. Sáng hôm sau, sửa soạn thức ăn xong, họ đến mời phó trai. chúng Tăng mặc y, bưng bát đến nơi nhà thì chủ. Các vị an tọa nơi tòa. Đang dùng nước rửa tồi mới ăn, Lục quần Tỳ-kheo hỏi: Tại sao không có sữa, lạc, tô, dầu, cá, thịt? bạch y thưa: Chúng con nhờ cậy không được, mà mua ở chợ cũng không có. Lục quần Tỳ-kheo liền úp bát, bỏ về. Các cư sĩ dè bỉu chê trách: Làm như thể họ là quốc vương hay Đại thần. Phàm người xuất gia cầu giải thoát xin ăn đủ sống, tại sao nay ngược lại, đắm trước vào mỹ vị, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nhà bạch y, đòi hỏi sữa, lạc, tô, dầu, cá, thịt, phạm Ba-dật-đề”.
Sau đó, các Tỳ-kheo được thức ăn ngon không dám ăn, hoặc ăn rồi xuất tội sám hối. Việc này được bạch Phật. Do thế, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không đòi hỏi thức ăn ngon mà tự nhiên nhận được để ăn, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đến nhà các bạch y đòi hỏi thức ăn ngon như sữa, lạc, tô, dầu, thịt, cá, nếu nhận được và ăn phạm Ba-dật-đề”.
Trường hợp các Tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo ăn thức ăn ngon, các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi đòi hỏi các thức ăn này, làm sao có được?! Các Tỳ-kheo bệnh lại gợi lên những suy nghĩ: Nếu Đức Phật cho chúng ta xin hỏi các thức ăn này thì bệnh mới có thể lành. Đem suy nghĩ ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép Tỳ-kheo bệnh được hỏi xin thức ăn ngon. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu trong các gia đình có các thức ăn ngon như sữa, lạc, tô, dầu, các, thịt, Tỳ-kheo nào không bệnh vì mình đòi để được ăn, phạm Ba-dật-đề”. Nếu vì Tỳkheo bệnh mà hỏi xin, hoặc từ nhà bà con mà đòi, hoặc hỏi xin nơi nhà quen biết, đều không phạm. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi mốt
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc này, Bạt-nan-đà thường thọ nhận sự cúng dường của một Bà-la-môn. Thời gian sau, Bạt-nan-đà mặc y bưng bát đến nhà đó, ông Bà-la-môn không có ở nhà, bèn cùng với người vợ ngồi một chỗ nói chuyện. Trên đường đi, người Bà-la-môn tâm dục phát khởi, liền trở về, thấy Bạt-nan-đà cùng vợ mình ngồi nói chuyện, đã có suy nghĩ: Hiện nay, Tỳ-kheo này nói pháp, chẳng phải lúc hành dục. Ông ta lại ra ngoài nhưng tâm dục càng tăng, trong khoảnh khắc lại trở vào. Bạt-nan-đà vẫn chưa đi. Ông ta lại nghĩ như trước, ức chế tâm dục, rồi đi ra. Trong khoảnh khắc lại trở vào, ông ta nói với vợ: Cho Tỳ-kheo ăn mau để ông ta đi, kẻo phế bỏ việc hành đạo. Người vợ biết ý chồng, không muốn để cho chồng theo tâm dục, trái với lẽ đạo, nên trả lời: Để Tỳ-kheo ăn từ từ, chứ có việc gì đâu gấp? Người chồng nói ba lần như vậy, Bạt-nan-đà vẫn không chịu đi. Ông Bà-la-môn bèn nói: Chúng tôi là bạch y, bận rộn nhiều việc, nào có đủ thời gian nhàn rỗi để gần gũi nhà cửa, vợ con. Tại sao thầy ngồi hoài không đi? Ai biết các thầy tu phạm hạnh? Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, trong nhà ăn, cùng ngồi với người nữ, phạm Ba-dật-đề”.
Ăn: Nam nữ dùng tình ái giao cảm nhau.
Ngồi: Biết trở ngại việc làm của họ mà vẫn ngồi. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu nhiều người cùng ngồi, hoặc có vật ngăn che, hoặc ngày vợ chồng họ thọ tám giới thì không phạm.
Xong giới thứ bốn mươi hai
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Bạt-nan-đà thường nhận sự cúng dường của một người Bà-la-môn. Sau đó, Bạt-nan-đà đến nhà, ông Bà-la-môn đi khỏi, cùng với bà vợ ngồi chỗ vắng. Ông Bà-la-môn trở về, nói với bà vợ: Bà cùng với Tỳ-kheo ngồi chỗ vắng, thành thật mà nói, tôi không nghi ngờ gì, nhưng người ta thấy, chắc chắn họ sẽ nói bà làm điều ác, thương tổn đến Sa-môn và nhục cho gia môn mình. Ông Bà-la-môn lại nói với Bạt-nan-đà: Thành thật tôi không nghi Đại đức, Đại đức nên cẩn thận về tiếng xấu này. Người vợ tự ỷ mình có nhan sắc thu hút, nhiều con, giàu có và khéo léo nên quở trách ông chồng: Tôi cùng với Tỳ-kheo ngồi, cốt yếu là không di hại đến ông, chuyện gì ông phải nói những lời tội lỗi như thế? Ông Bà-la-môn nổi giận, trách Bạt-nan-đà: Chúng tôi là bạch y còn không cùng với vợ của người khác ngồi chỗ vắng, huống chi là các thầy Sa-môn lại làm việc như vậy, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi các quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng với người nữ một mình ngồi chỗ vắng, phạm Ba-dật-đề”. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi ba
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Bạt-nan-đà thường nhận sự cúng dường của một Bà-la-môn, sau đó đến nhà. Ông Bà-la-môn không có ở nhà, Bạt-nan-đà cùng với người vợ Bà-la-môn ngồi chỗ trống… cho đến câu: Đức Phật bằng mọi cách quở trách… như trong giới ngồi chỗ vắng đã nói… bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng với người nữ một mình ngồi chỗ trống, phạm Ba-dật-đề”. Sa-di phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi bốn
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, biên cương có giặc, Vua Batư-nặc nghiêm lệnh bốn binh chủng để đến đánh dẹp. Lục quần Tỳ-kheo cùng nhau bàn tán: Ta nghe nhà Vua Quán đảnh, mỗi khi chinh phạt, quân nghi hết sức trang nghiêm, oai vệ. Chúng ta chưa từng thấy, có thể cùng nhau đến xem sao. Lục quần bèn đến bên đường, quân tiên phong thấy Tỳ-kheo, giận nói: Hôm nay, tại sao chúng ta gặp người không tốt thế này! Chúng ta ở tại gia nhàm chán không muốn thấy hạng người này, hôm nay hành quân lại không tránh khỏi. Nếu nhà Vua không tin kính thì ta chặt đầu hết đám này. Khi ấy, nhà Vua từ xa trông thấy Lục quần Tỳkheo cũng không hài lòng, liền bảo người hỏi: Tại sao các Đại đức có mặt nơi đây? Lục quần trả lời: Chúng tôi nghe nhà Vua Quán đảnh khi xuất trận thì đoàn quân hết sức oai nghiêm hùng hậu. Chúng tôi chưa từng thấy nên cùng đến xem. Nhà Vua nghĩ ngợi: Ai có thể đem việc này bạch với Phật! Nhà Vua lại nghĩ: Bạch không bạch, Đức Phật cũng tự biết. Nhà Vua liền lấy đường phèn và gừng khô gởi cho Lục quần Tỳ-kheo và nói: Đại đức vì tôi mang vật này về dâng Đức Phật, với tất cả lòng chí kính vô lượng của tôi. Lục quần chờ tàn cuộc hành quân mới trở về, đem phẩm vật nhà Vua gởi, dâng lên Đức Phật, thưa: Đây là phẩm vật với tất cả lòng chí kính của Vua, dâng cúng dường Phật. Đức Phật hỏi Lục quần: Trong trường hợp nào các ông gặp nhà Vua? Lục quần trình bày đầy đủ sự việc. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, bằng mọi cách quở trách Lục quần Tỳ-kheo và nói: Các ông ngu si, làm điều phi pháp. Khi quân xuất trận mà gặp Sa-môn là điềm không tốt. Điều này các binh chủng giận dữ, chê trách. Nhà Vua cũng bực mình các ông, cho nên mới gởi vật này đến Ta. Quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào xem quân ra trận, phạm Ba-dật-đề”. Nếu khởi tâm muốn xem, chuẩn bị, đã bắt đầu bước, thấy mà không nghe, hoặc nghe mà không thấy, đều phạm Đột-kiết-la. Hoặc nghe, hoặc thấy riêng từng binh chủng trang phục, tiến về phía trước hay lui phía sau, đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu trên đường đi, hoặc chỗ kinh hành gặp mà không đứng lại xem thì không phạm.
Xong giới thứ bốn mươi lăm
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, kẻ dị đạo luận bàn: Nay Vua Ba-tư-nặc và các vị Đại thần có lòng tin chánh pháp đều không có ở nhà, không ai có thể ngăn chặn được việc làm của chúng ta, chúng ta sẽ cùng nhau hợp lực đào ống cống cho nước chảy thông qua Kỳ-hoàn. Các Tỳ-kheo nghe tin, nói với Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di: Quý vị có thể đến tâu với nhà Vua, chứ khả năng chúng tôi không thể ngăn cấm được. Ngay thời điểm ấy, nhà Vua và Đại thần Ất Sư Đạt Đa, Phú-lan-na, Tuđạt-đa v.v… lâu ngày không thấy dung mạo các Tỳ-kheo, sai người đến thỉnh. Các Tỳ-kheo bàn nói: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta đến nơi quân trận, chắc chắn không có trường hợp kẻ dị đạo đào ống cống cho nước chảy qua Kỳ-hoàn. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép các Tỳ-kheo đến trong quân trận. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, bèn nhận lời mời thỉnh của nhà Vua. Khi đến nơi đem vấn đề tâu với Vua. Vua liền ra lệnh kẻ nào đào ống cống cho nước chảy qua Kỳ-hoàn sẽ bị giết cả họ. Truyền lệnh xong, nhà Vua thiết lễ cúng dường các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đã nhận được thức ăn ngon bổ rồi lại không chịu ra về. Các quân nhân chê trách, nói: Nơi đây không phải là trú xứ A-lan-nhã, chúng tôi là bạch y không thể trách khỏi quân trận, còn Sa-môn lý do gì lại ở nơi đây?! Hoặc có người lại nói: Các Tỳ-kheo này không tin ưa Phật pháp, chỗ nào có được thức ăn ngon bổ bèn ở, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Các Tỳkheo thưa:Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào có nhân duyên tới trong quân trạn cho đến hai, ba đêm, nếu quá, phạm Ba-dật-đề”. Tuy có nhân duyên mà dùng thư tín giải quyết được thì nên dùng thư tín, trường hợp cần phải đích thân đi mới đi. Sự việc xong nên trở về liền, không được ở lại đêm. Nếu việc chưa xong nên ở lại một đêm, một đêm không xong nên ở lại đêm thứ hai, nếu lại không xong nên ở lại đêm thứ ba, việc xong hay không xong, ở quá đêm thứ ba, phạm Ba-dật-đề. Việc xong liền phải trở về không nên ở lại đêm, ở thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheoni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi sáu
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo tới trong quân trận ở lại ba đêm, xem binh lính cầm binh trượng dàn trận cho đến chiến đấu, chiến sĩ thấy Tỳ-kheo nổi giận nói: Hạng người xui xẻo này lại đến đây. Nếu nhà Vua không tin ưa Phật pháp, ta sẽ chặt đầu đám này trước khi giết giặc. Nhân đó binh sĩ loạn chiến, bắn nhằm các Tỳ-kheo, bị thương nhiều. Các Tỳ-kheo cùng dìu nhau về lại chỗ ở. Người đi đường thấy vậy cũng đều giận nói: Như các Sa-môn này bị bắn giết là phải, không có cớ gì đi xem trận làm chi, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Các Tỳ-kheo thưa: Bạch Thế Tôn, có sự thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào có nhân duyên vào trong quân trận hai, ba đêm, để xem quân trận chiến đấu, phạm Ba-dật-đề”. Nếu xem chim, thú đấu đá, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi bảy
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, có Tỳ-kheo tên là A-lê-tra phát sinh tà kiến ác, nói: Tôi hiểu rõ lời Phật dạy: Phật nói pháp chướng đạo, thật sự không chướng đạo. Các Tỳ-kheo hỏi: Thật sự ông có nói: Ông hiểu rõ lời Phật dạy: Phật nói pháp chướng đạo, thật sự không chướng đạo hay không? A-lê-tra nói: Đúng như thế. Các Tỳ-kheo lại hỏi: Tại sao ông hiểu như vậy? A-lê-tra nói: Trường hợp này có hai Trưởng giả Chất Đa, Tu-đạt-đa và các Ưu-bà-tắc đều sống với năm dục, bị dục chi phối, bị dục thiêu đốt, nay đều đắc đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A na hàm. Lại có các ngoại đạo không bỏ định kiến của mình, xuất gia trong chánh pháp cũng được bốn quả Sa-môn. Do vậy, cho nên tác động tôi hiểu như vậy. Các Tỳ-kheo muốn cho đương sự bỏ tà kiến ác này nên can gián, bảo: Thầy chớ nói như vậy, chớ hủy báng Đức Thế Tôn, chớ vu không Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn không nói như thế. Thầy nên bỏ tà kiến ác đó đi. Đức Thế Tôn bằng mọi phương tiện quở trách dục, nói dục như đống xương đỏ, cho đến như chất độc. Nếu thọ hưởng năm dục, bị dục thiêu đốt, bị mê loạn vì cảm giác dục và các ngoại đạo không bỏ kiến giải cũ của mình mà đạt được bốn quả Sa-môn đều là những việc không thể có. Các Tỳ-kheo can gián như vậy, song đương sự lại tăng thêm tà kiến, kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo bèn đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, bạch: Bạch Đại đức, A-lê-tra khởi tà kiến như vậy: (trình bày đầy đủ như trên) cúi xin Tôn giả rủ lòng thương khuyến dụ can gián cho bỏ việc ấy. Tôn giả Xá-lợi-phất chấp thuận bằng cách im lặng. Tôn giả đến ngay chỗ A-lê-tra ở, hỏi chào thăm viếng rồi ngồi qua một bên, hỏi: Thật sự ông có như vậy không? A-lê-tra trả lời: Đúng như vậy (nói đầy đủ như trước). Tôn giả Xá-lợi-phất can gián: Thầy chớ nên nói như vậy. Những điều thầy nói là phi pháp, phi luật. Bằng mọi cách Tôn giả quở trách, Tỳ-kheo kia vẫn kiên trì không bỏ. Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Đức Phật, trình bày đầy đủ rồi thưa: Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương xót khuyến dụ Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ tà kiến ác. Đức Phật liền bảo một Tỳ-kheo: Ông kêu A-lê-tra đến đây. Vị kia vâng lời đến bảo A-lê-tra: Đức Đại sư gọi thầy. A-lê-tra liền đến, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi A-lê-tra: Thật sự ông có như vậy không? A-lê-tra thưa: Bạch Thế Tôn, thật sự con có như vậy. Đức Phật lại hỏi: Tại sao ông hiểu Ta nói như thế? A-lê-tra trả lời như trước. Đức Phật nói: Ông là người ngu si. Ông chớ nên hủy báng Như Lai, chớ nên vu khống Như Lai. Tại sao vậy? Ta nói pháp chướng đạo. Nếu thọ hưởng năm dục, bị lửa dục thiêu đốt, bị cảm giác dục làm mê loạn, và ngoại đạo không xả kiến giải cũ mà chứng đạt bốn quả Sa-môn là điều không thể có. Đức Thế Tôn khuyên dạy như vậy mà A-lê-tra vẫn không bỏ. Đức Phật lại nói: Ta thấy ông khởi tà kiến ác, đó là hủy báng Ta, là vu khống Ta, ông trở về lại trú xứ, Ta tự hỏi lại các Tỳ-kheo khác. A-lê-tra đi rồi, Đức Phật muốn biết rõ tà kiến ác của Tỳ-kheo kia, nên hỏi các Tỳ-kheo: Các ông hiểu lời nói của Ta có như A-lê-tra hay không? Các Tỳ-kheo thưa: Chúng con không hiểu như vậy. Đức Thế Tôn hỏi: Các ông hiểu thế nào? Các Tỳ-kheo thưa: Phật nói pháp chướng đạo, thật sự là chướng đạo (nói đầy đủ như trước). Đức Phật dạy: Lành thay! Các ông đã khéo hiểu ý của Ta nói. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nên sai một Tỳ-kheo thân thiện với A-lê-tra, nơi chỗ vắng dùng lời mềm mỏng can gián: Thầy chớ nên nói như vậy, chớ nên hủy báng Phật. Đức Phật dạy pháp chướng đạo, thật sự là chướng đạo. Thầy nên bỏ tà kiến ác như vậy. Bỏ thì tốt, không bỏ thì số đông Tỳ-kheo đến can gián như trên. Bỏ thì tốt, không bỏ thì Tăng nên đến, cũng can gián như trên, bỏ thì tốt. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy can gián ba phen như vậy. A-lê-tra vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, chuyển lời quở trách A-lê-tra rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói như vậy: Như chỗ tôi hiểu, những gì Đức Phật dạy là pháp chướng đạo thì thật sự không chướng đạo. Các Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo này: Thầy chớ nói như vậy, chớ hủy báng Phật. Đức Phật nói pháp chướng đạo, thật sự là chướng đạo. Thầy nên bỏ tà kiến ác đó. Khi can gián như vậy đương sự kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thức hai, lần thứ ba can gián mà bỏ việc này thì tốt. Không bỏ, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo kia không bỏ tà kiến ác, các Tỳ-kheo hoặc thấy hoặc nghe, sai một Tỳ-kheo can gián nơi chỗ vắng, nếu đương sự bỏ thì trao cho một Đột-kiết-la hối quá. Nếu không bỏ thì số đông Tỳ-kheo đến can gián, chịu bỏ, thì trao cho hai Đột-kiết-la hối quá. Nếu không bỏ thì Tăng đến can gián, chịu bỏ, thì trao cho ba Đột-kiết-la hối quá. Nếu không bỏ nên Bạch-tứ-yết-ma để can gián. Một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo tên là ___ sinh tà kiến ác nói như vầy: Như chỗ tôi hiểu, những gì Đức Phật nói là pháp chướng đạo, sự thật không chướng đạo. Tăng đã can gián: Chớ nói như vậy, chớ hủy báng Phật, chớ vu khống Phật. Đức Phật nói pháp chướng đạo, thật sự là chướng đạo. Tăng can gián như vậy đương sự kiên trì không bỏ. Nay Tăng Yết-ma can gián. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: Tăng đã bạch rồi, thầy nên bỏ tà kiến ác đó đi. Nếu đương sự chịu bỏ thì trao cho bốn Đột-kiết-la hối quá. Nếu không bỏ thì nên xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là ___ nói như vầy: Theo chỗ tôi hiểu, những gì Đức Phật nói là chướng đạo, sự thật không chướng đạo. Tăng đã can gián: Chớ nói vậy, chớ hủy báng Phật, chớ vu khống Phật. Phật nói pháp chướng đạo, sự thật là chướng đạo. Tăng can gián như thế, đương sự kiên trì không bỏ. Nay Tăng Yết-ma can gián. Các Trưởng lão nào chấp nhận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Xướng rồi nên nói: Tăng đã Yết-ma lần thứ nhất rồi, thầy nên bỏ tà kiến ác ấy đi. Nếu đương sự chịu bỏ thì trao cho năm Đột-kiết-la hối quá. Nếu không chịu bỏ thì nên xướng lần thức hai như trên. Xướng xong lại nói: Tăng đã Yết-ma lần thứ hai rồi, thầy nên bỏ tà kiến ác ấy đi. Nếu bỏ thì trao cho sáu Đột-kiết-la hối quá. Nếu không bỏ nên xướng lần thứ ba. Xướng lần thứ ba chưa xong mà bỏ cũng trao cho sáu Đột-kiết-la hối quá. Yết-ma lần thứ ba rồi, bỏ hay không bỏ cũng phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ bốn mươi tám
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo biết A-lê-tra không bỏ tà kiến ác cùng ngồi, cùng lời trao đổi, cùng ngủ, cùng làm việc. Các Tỳ-kheo quở trách, nói: A-lê-tra không bỏ tà kiến ác, Tăng đã Yếtma rồi, tại sao các thầy cùng ngồi, cùng chuyện vãn, cùng ngủ, cùng làm việc? Các Tỳ-kheo nghe không hài lòng. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo kia không như pháp sám hối, không bỏ tà kiến ác, cùng ngồi, cùng nói, cùng ngủ, cùng làm việc, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo nói chuyện lâu hay mau, mỗi lời nói phạm một Ba-dật-đề, cùng ngồi, mỗi lần ngồi phạm một Ba-dật-đề, cùng ngủ, mỗi lần ngủ phạm một Ba-dật-đề, cùng làm việc, mỗi việc làm phạm Badật-đề. Tuy xả tà kiến ác, Tăng chưa giải Yết-ma, cũng phạm Ba-dật-đề. Nếu khởi tà kiến ác, Tăng chưa Yết-ma, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu không biết, cho đến Yết-ma không như pháp thì không phạm.
Xong giới thứ bốn mươi chín
Đức Phật ở thành Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà có hai Sa-di sinh tà kiến ác, nói như vầy: Như chỗ tôi hiểu Đức Phật dạy: Thọ hưởng năm dục không có gì chướng đạo… cho đến câu: Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật, như trong giới A-lê-tra sinh tà kiến ác đã nói: Đức Phật liền ra lệnh một Tỳ-kheo: Ông kêu hai Sa-di kia đến đây. Vâng lời Phật Tỳkheo đến nói: Đại sư kêu hai ông. Hai Sa-di vội theo lời dạy đến đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật hỏi hai Sa-di: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật hỏi hai Sa-di: Các ông hiểu lời nói pháp của Ta như thế nào? Hai Sa-di trả lời như A-lê-tra đã nói. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nên gọi hai Sa-di này đến giữa Tăng dạy bảo họ xả bỏ, nếu bỏ thì tốt, không bỏ, Tăng nên Bạch-tứ-yết-mA-diệt tẫn. Một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe, Sa-di tên là ___ không xả bỏ tà kiến. Nay Tăng trao cho pháp diệt tẫn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch. Lại xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe, Sa-di tên là… không bỏ tà kiến ác. Nay Tăng trao cho pháp diệt tẫn. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xướng như vậy. Tăng trao cho Sa-di tên… pháp diệt tẫn rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy. Hai Sa-di kia đã bị Tăng diệt tẫn rồi, bèn du hành trong nhân gian. Trái lại, Bạt-nan-đà nuôi hai Sa-di kia lại cùng nói chuyện, cùng ngủ. Các Tỳ-kheo nói: Tăng đã Yết-mA-diệt tẫn hai Sa-di này rồi, thầy chớ nên nuôi, chớ nên cùng nói chuyện, cùng ngủ. Bạt-nan-đà nói: Sa-di này là anh của tôi, nếu tôi không chăm sóc thì ai chăm sóc? Ai có thể bảo hộ sự cô đơn, khổ sở, để họ được an lạc?! Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu Sa-di nói như vầy: Như chỗ tôi hiểu, những gì Phật nói, thọ hưởng năm dục, không trở ngại gì đối với đạo. Các Tỳkheo nói với Sa-di này: Người đừng nói như vậy, đừng hủy báng Phật, đừng vu khống Phật. Đức Phật dạy: Thọ hưởng năm dục thật sự có trở ngại đối với đạo. Này Sa-di! Ngươi nên xả bỏ tà kiến ác này. Khi dạy bảo như vậy, Sa-di kiên trì không bỏ, nên dạy bảo lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba dạy bảo, Sa-di bỏ thì tốt, nếu không bỏ, các Tỳ-kheo nên nói với Sa-di ấy: Ngươi đi đi! Từ nay ngươi đừng nói Phật là thầy của tôi, đừng đi theo sau Tỳ-kheo, như các Sa-di khác. Các Sa-di khác được cùng phòng Tỳ-kheo ngủ hai đêm, ngươi cũng không được phép điều đó. Ngươi là người ngu si nên đi khỏi chỗ này, đừng ở nơi đây nữa. Nếu Tỳ-kheo biết Sa-di bị diệt tẫn như vậy mà nuôi dưỡng, cùng ở, cùng nói chuyện với họ, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy.
Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-ni-di, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Trưởng lão Ca-lưu-đà-di không thích thấy Tỳ-kheo xấu, cũng không thích thấy các loài chim quạ. Lúc này, có bầy quạ tập trung đậu trên nóc nhà, lại có các bạch y cầm cung đến tìm bắn. Ca-lưu-đà-di nói: Các loài chim quạ này đầy đủ mười pháp của Tỳ-kheo tệ ác:
- Bỏn sẻn.
- Tham lam.
- Mặt đáng ghét.
- Chịu nhục.
- Xấu xí.
- Không từ bi.
- Mong cầu.
- Không nhàm đủ.
- Chứa để.
- Ưa quên.
Loài chim này có đủ mười pháp như vậy, các người muốn giết nó không? Người không tin tội phước nói: Muốn giết. Ca-lưu-đà-di liền lấy cây cung và hỏi mọi người: Muốn bắn chỗ nào? Có người nói: Bắn con mắt bên trái. Ca-lưu-đà-di bắn ngay nơi con mắt bên trái, chim chết. Lại có người nói: Bắn con mắt bên phải. Ca-lưu-đà-di liền bắn ngay nơi con mắt bên phải, chim chết. Chỉ trong chốc lát mà cả chục con chim bị chết. Các người không tin Phật pháp chê trách, nói: Đám Sa-môn này thường nói từ bi, hộ niệm chúng sinh, mà nay giết hại một cách vô đạo, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Ca-lưu-đà-di: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đoạn mạng súc sinh, phạm Ba-dật-đề”.
Trường hợp các Tỳ-kheo trên đường đi, hoặc kéo vật dụng, hoặc hong bát, ngộ sát các loài trùng, sinh lòng ân hận, có người hối quá xuất tội, đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Ngộ sát chúng sinh mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cố tâm đoạt mạng chúng sinh, phạm Ba-dật-đề”. Súc sinh: Trừ loài rồng, ngoài ra đều thuộc súc sinh. Cố tâm đoạt mạng: Cố tâm muốn giết, trước khi giết hại. Nếu đoạt mạng súc sinh, tùy theo nhiều ít, đều phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi mốt
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm Tỳ-kheo mười bảy người đến trú xứ của Lục quần Tỳ-kheo. Lục quần Tỳ-kheo lại nảy ra ý nghĩ: Số Tỳ-kheo này có tâm hổ thẹn, tri túc, thiểu dục, nay đến đây chắc thấy lỗi lầm của ta. Chúng ta nên tạo ra phương cách khiến họ sinh nghi hối. Đã sinh nghi hối rồi chắc họ sẽ trở về chỗ của thầy họ. Ý nghĩ đi liền với hành động, Lục quần liền nói: Quý vị đã khéo thọ giới Cụ túc rồi chứ? Thọ giới có giới trường hay không? Yết-ma có như pháp hay không? Không phạm Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề, Ba-lađề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la hay không? Có khéo phòng hộ thân khẩu hay không? Hòa thượng, A-xà-lê của quý vị trước kia có khéo thọ giới Cụ túc, cho đến khéo hộ thân khẩu không? Nhóm Tỳ-kheo mười bảy người thưa: Chúng con không tự biết, cũng không biết Hòa thượng, A-xà-lê thế nào! Nay chúng con xin thưa hỏi Đại đức, xin Đại đức chỉ vẽ cho chúng con: Khi chúng con thọ giới Cụ túc, và Hòa thượng, A-xà-lê của chúng con, tất cả có như pháp không? Lục quần Tỳ-kheo nói: Nếu tôi có nói thật thì các ông cũng không tin. Các ông nên hỏi người nào các ông từng tin cậy. Khi ấy, Thập thất quần bèn đến chỗ thầy mình để hỏi sự việc trên. Thầy của họ trả lời: Mọi việc của các con đều như pháp và xưa kia ta thọ giới cũng như pháp. Nhưng ai là người gây sự nghi hối ấy. Thập thất quần thưa: Chính Lục quần Tỳ-kheo là người gây nghi hối này. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào khiến các Tỳ-kheo sinh nghi ngờ, phạm Ba-dật-đề”.
Trường hợp có Tỳ-kheo phạm tội, lòng sinh nghi ngờ, hỏi các Tỳ-kheo:Tôi phạm các việc như vậy, như vậy, thuộc về những tội nào? Các Tỳ-kheo được hỏi, lại nghĩ ngay đến lời Phật dạy: Đức Phật đã kiết giới, không cho phép khiến các Tỳ-kheo sinh nghi ngờ. Do thế, các Tỳkheo phải trả lời: Không biết, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Không muốn khiến sinh nghi ngờ, mà nói rõ chỗ tội của họ phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cố ý khiến Tỳ-kheo khác sinh nghi ngờ khởi ý niệm: khiến Tỳ-kheo kia sinh khổ não, dù chỉ trong chốc lát, phạm Ba-dật-đề”. Nghi ngờ: Nghi về chỗ sinh, nghi về thọ giới, nghi về phạm giới, nghi về y phục. Nếu làm cho Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni nghi ngờ, phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳkheo-ni khiến cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sinh nghi ngờ, phạm Ba-dật-đề. Làm cho Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni nghi ngờ, phạm Đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni tạo ra nghi ngờ cho năm chúng, đều phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi hai
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Lục quần Tỳ-kheo có thế lực ngăn Yết-ma và giải Yết-ma của Tăng, Tăng không nghe theo thì họ đứng dậy bỏ đi, đến chỗ Tỳ-kheo bị đuổi, nói: Thầy đừng ưu sầu, tôi đã yểm trợ thầy, ngăn Yết-ma của Tăng. Tăng không theo ý tôi, tôi liền đứng dậy bỏ đi, như vậy Yết ma ấy không thành. Lục quần Tỳ-kheo đến chỗ Tỳ-kheo được giải Yết-ma, nói: Thầy đừng tưởng là Tăng đã giải Yết-ma cho thầy. Khi Tăng giải Yết-ma, tôi đã ngăn, Tăng không theo ý tôi, tôi liền bỏ đi. Như vậy là Yết-ma giải không thành, nay thầy có thể tự cầu Tăng để giải. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khi Tăng xử đoán sự, đứng dậy bỏ đi, phạm Ba-dật-đề”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo có việc cần đi mà không dám đi, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo, có việc cần, trao dục, rồi đứng dậy đi. Trao dục: Nói với một người: Trưởng lão nhất tâm niệm, nay Tăng xử đoán sự, tôi Tỳ-kheo tên là ___ như pháp Tăng sự, xin trao dục. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khi Tăng đoán sự, không trao dục, đứng dậy bỏ đi, phạm Ba-dật-đề”. Tăng đoán sự: bạch yết-ma, bạch nhị, Bạch-tứ-yết-ma. Nếu Yết-ma trong thất, tùy theo ra khỏi thất bao nhiêu lần thì mỗi lần phạm một Ba-dật-đề. Nếu Yết-ma nơi chỗ đất trống, mỗi lần đi cách Tăng một tầm thì phạm một Ba-dật-đề. Nếu người có thần thông thì đi cách đất bốn ngón tay, phạm Ba-dật-đề. Nếu Tăng không Yết-ma đoán sự mà bỏ đi ra thì phạm Đột-kiết-la. Nếu nơi phòng riêng đoán sự, đến rồi bỏ ra đi, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Nếu Tăng không Yết-ma đoán sự và đoán sự nơi phòng riêng, Sa-di được ở trong đó, nếu đứng dậy đi phạm Đột-kiết-la. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni cũng như vậy. Nếu Tăng không như pháp Yết-ma, không gởi dục, đứng dậy bỏ đi, không phạm.
Xong giới thứ năm mươi ba
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thập thất quần Tỳ-kheo (nhóm Tỳ-kheo mười bảy người) đến trú xứ của Lục quần Tỳ-kheo, cùng nhau thọc lét. Có một Tỳ-kheo bị nhiều Tỳ-kheo thọc lét, không ngăn được cơn cười, nên bị hết hơi, chết. Thập thất quần Tỳ-kheo thương khóc. Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi: Tại sao khóc kể như thế? Thập thất quần Tỳ-kheo thưa: Có một Tỳ-kheo bị cười giỡn quá trớn nên chết, cho nên chúng con thương khóc. Các Trưởng lão lại hỏi: Vì sao đưa đến sự việc như thế? Thập thất quần Tỳ-kheo thưa: Chúng con cùng nhau thọc lét, vị ấy không chặn được cơn cười nên ngút hơi chết. Các Tỳ-kheo quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Thập thất quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào thọc lét Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo thọc lét Sa-di, cho đến súc sinh, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi bốn
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Thập thất quần Tỳ-kheo đến sông A-di-la lấy nước, nhân đó xuống tắm, bơi lội, lặn hụp vui đùa, tát nước lên nhau. Vua Ba-tư-nặc cùng phu nhân Mạt-lợi, lên trên lầu cao, từ xa nhìn thấy. Vua nói với phu nhân: Ruộng phước của “mình” kia kìa. Phu nhân tâu với Vua: Đức Phật chưa chế giới, tuổi nhỏ xuất gia, chưa hiểu giáo pháp, “mình” đừng thấy vậy, sinh lòng không tin kính đối với các Tỳ-kheo khác, để rồi thọ khổ lâu đời. Thập thất quần Tỳ-kheo vui chơi đủ kiểu rồi đứng trên mặt nước mặc y. Phu nhân thấy, tâu với Vua: “Mình” thử xem kìa, ruộng phước của em thờ là đó. Mặc y xong, Thập thất quần Tỳ-kheo lấy bình nước ném lên hư không rồi bay theo để lấy. Từ trên lầu nhìn qua giống như nhạn chúa. Phu nhân lại tâu với Vua: Kìa “mình” lại xem ruộng phước của em thờ là đó. Nhà Vua rất hoan hỷ, lòng kính tin càng tăng. Ngay sau đó, phu nhân bảo Bà-la-môn Na-lân Già: Ngươi đến chỗ Đức Phật để kính trình việc này. Na-lân Già vâng lệnh đến trình sự việc. Đức Phật vì ông nói pháp, chỉ bày chỗ lợi ích, vui mừng, rồi Phật bảo đi về. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Thập thất quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Kính bạch Thế Tôn có thật như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đùa giỡn trong nước, phạm Ba-dật-đề”. Đùa giỡn trong nước cho đến dùng đồ đựng nước để tạt với nhau, đều phạm Ba-dật-đề. Nếu vắt tuyết, cho đến thổi sương trên đầu ngọn cỏ để chơi, đều phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu không nhằm mục đích để đùa giỡn thì không phạm.
Xong giới thứ năm mươi lăm
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn chưa cấm Tỳkheo cùng người nữ đồng nhà ngủ, nên hoặc có một Tỳ-kheo và một người nữ, hoặc nhiều Tỳ-kheo và số ít người nữ, hoặc số ít Tỳ-kheo và nhiều người nữ đồng nhà ngủ, do vậy sinh tâm nhiễm đắm, có người hoàn tục, có người làm ngoại đạo. Các Cư sĩ thấy chê trách, nói: Các Sa-môn này cùng người nữ đồng nhà ngủ, so với bạch y đâu khác gì, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.
Khi ấy, có người đàn bà tuổi trẻ, chồng chết, nảy ra ý nghĩ: Nay ta nên bằng cách nào để tìm người vừa ý. Người đàn bà ấy lại nghĩ: Ta không thể đến gõ cửa từng nhà, chi bằng làm một khách xá để cho người tại gia hay xuất gia đến tạm nghỉ theo ý muốn của họ, từ đó mình sẽ chọn một người. Bà ta liền thực hiện đúng ý đồ. Bà bố cáo khách đi đường: Ai cần nghỉ đêm thì đến nghỉ. Khi ấy, A-na-luật đến thôn kia thì trời đã xẩm tối, tìm nơi nghỉ lại đêm, có người giới thiệu tới nơi nhà bà ta. A-na-luật liền đến xin tạm trú qua đêm. Trước khi chưa xuất gia, A-na-luật vốn đã có dung mạo đẹp đẽ, sau khi đắc đạo sắc tướng còn đẹp hơn gấp bội. Người đàn bà goá chồng kia trông thấy A-na-luật liền sinh tà ý: Nay ta có cơ hội được một người chồng đẹp trai. Bà ta liền chỉ chỗ cho A-na-luật vào nghỉ. A-na-luật vào nhà ngồi kiết già. Ngồi chưa được bao lâu thì có đoàn khách buôn đến xin tá túc. Bà quả phụ nói: Tuy tôi là chủ khách xá này nhưng tôi đã cho vị Tỳ-kheo nghỉ lại đêm, quý vị nên hỏi ông ta. Đoàn khách buôn, theo lời người chủ khách xá đến hỏi A-na-luật. A-na-luật nói với người đàn bà: Nếu do tôi thì họ được phép đến ở. Đoàn buôn liền vào khách xá để nghỉ. Người đàn bà kia lại nảy ra ý nghĩ: Nên mời Tỳ-kheo vào nhà trong, vì sẽ có người đến bất ngờ nữa. Bà ta liền vào trong nhà trải giường tốt, đốt đèn rồi mời A-naluật. A-na-luật vào nhà trong rồi ngồi kiết già, buộc ý niệm trước mắt. Sau khi mọi người đã ngủ, người đàn bà đến nói với A-na-luật: Đại đức có biết chủ ý của tôi khi làm khách xá này không? A-na-luật nói: Chủ ý của bà muốn cầu phước đức nên làm phước xá này. Người đàn bà kia nói: Bổn ý không phải vậy mà là chọn người làm chồng. A-na-luật nói: Thưa bà, chúng tôi không thể làm điều ác ấy, Đức Thế Tôn chế pháp cũng cấm làm điều đó. Người nữ góa chồng nói: Tôi con nhà quý tộc, ở độ tuổi dồi dào sức lực, lễ nghi hoàn bị, của cải nhiều, muốn vì Đại đức cung cấp mọi thứ cần dùng, nguyện Đại đức thuận ý cho. A-na-luật vẫn trả lời như trước. Bà goá chồng lại có ý nghĩ táo bạo: Kẻ nam tử bị mê hoặc vì sắc, ta cần lộ hình đến đứng trước mặt. Thế là bà thoát y đến đứng trước A-na-luật, vừa cười, vừa nói khêu gợi. A-na-luật nhắm mắt ngồi thẳng, quán tưởng đống xương đỏ. Bà ta lại nghĩ: Ta vận dụng khả năng đến thế mà vẫn không thuyết phục được đối phương, bèn leo lên giường cùng ngồi. Ngay tức thời, A-na-luật vụt lên hư không. Bà ta rất đỗi thẹn thùng, tâm sinh xấu hổ, vội vàng mặc lại y, chấp tay hối quá, thưa: Bạch Đại đức, con thật là ngu si, nay con không còn nghĩ đến những ý nghĩ xấu ác đó nữa, nguyện Đại đức dũ lòng thương tha thứ cho con sám hối. A-na-luật nói: Tôi nhận sự sám hối của bà và nhân đó Ana-luật giảng nói các pháp vi diệu. Đoạn đầu, chặng giữa hay đoạn sau của bài pháp đều thiện, ý nghĩa thiện và hương vị thiện, đầy đủ tướng thanh bạch phạm hạnh. Bà goá phụ nghe pháp rồi liền xa trần, lìa cầu, đạt mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, A-na-luật lại đi đến chỗ Đức Phật thuật lại sự việc, luôn cả việc của các Tỳ-kheo trước, trình bày đầy đủ lên Đức Thế Tôn. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi các quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người nữ đồng nhà ngủ, phạm Ba-dật-đề”. Người nữ kể cả mới sinh, và người nữ hai căn đồng nhà ngủ, Ba-dật-đề. Nhà: Như trong giới cùng người chưa thọ Cụ túc đã nói. Nếu cùng phi nhân nữ, súc sinh nữ, huỳnh môn đồng nhà ngủ, đều phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu nhà có lợp, có ngăn cách, hoặc đại hội nói pháp, hoặc mẹ hay chị em thân thuộc có bệnh mà có người nam tử hiểu biết làm bạn, không nằm đều không phạm.
Xong giới thứ năm mươi sáu
Đức Phật ở tại nước Câu-xá-di. Lúc ấy, Đức Thế Tôn chưa cấm Tỳ-kheo uống rượu. Có các Tỳ-kheo ở trong hàng quán hay trong nhà bạch y, uống nhiều rượu say túy lúy. Có khi rớt xuống hào và va đầu vào vách, có khi làm cho y bát bể, rách, thương tổn đến thân thể. Các bạch y thấy chê trách nói: Chúng ta là bạch y còn không uống rượu, huống chi là Sa-môn Thích tử bỏ đời cầu đạo mà lại uống rượu quá hơn người đời, không xứng mặc y hoại sắc cắt rọc, thật không có hạnh Samôn, phá pháp Sa-môn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ nước Câu-xá-di đến ấp Bạt-đà-việt. Khi ấy, nơi trú xứ của Phạm chí bện tóc có một con độc long, thường phun mưa đá làm hại ruộng vườn. Các cư dân ở đấy thường tâm niệm: Trong số Sa-môn, Bà-la-môn ai là người có oai đức có thể hàng phục được con rồng này! Nghe Đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử tới ấp không ai là không vui mừng, họ kéo đến nghinh đón, đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nơi ấp này thường có một con độc long ác, phá hoại ruộng vườn, chúng con hằng tâm niệm: Mong sao có được một bậc đại oai đức để hàng phục nó. Lúc này, Sa-kiệt-đà đang đứng phía sau quạt hầu Phật, Đức Phật liền quay lại hỏi: Ông có nghe các Cư sĩ này trình bày sự việc không? Bạch Thế Tôn, có nghe. Lần thứ hai, lần thứ ba Phật hỏi và Sa-kiệt-đà trả lời cũng như vậy. Sa-kiệt-đà liền có ý nghĩ: Đức Thế Tôn Ba lần hỏi là ý muốn ta hàng phục con độc long này. Ngay lúc ấy, Sa-kiệt-đà đến trước Phật kính lễ sát chân Ngài rồi nhiễu quanh và lui ra. Đi về chỗ ở của rồng, với ý niệm: Nay ta nên hàng phục con rồng này, làm thế nào đừng để nó hư hoại thân thể, bằng cách thu thân nó nhỏ lại như cái que cây. Sakiệt-đà liền vào trong nhà Phạm chí, ngồi lui qua một bên. Thân con rồng bèn tuôn ra khói, thân của Sa-kiệt-đà cũng tuôn ra khói. Cả thân con rồng thành lửa. Lửa nơi rồng biến thành năm sắc, lửa của Sa-kiệtđà cũng biến thành năm sắc. Thế là Sa-kiệt-đà thu hóa thân rồng nhỏ lại như cây que, bỏ vào trong bình bát đem đến chỗ Phật. Sa-kiệt-đà thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Độc long ác này đã được hàng phục, nay nên để nó vào chỗ nào? Đức Phật dạy: Nên để nó nơi trung gian thế giới. Sa-kiệt-đà vâng lời Phật dạy, trong chớp nhoáng như kẻ lực sĩ co duỗi cánh tay, đem nó để nơi trung gian thế giới, rồi trở về. Vào lúc này, Đức Thế Tôn có ý muốn rời ấp Bạt-đà-việt trở về Câu-xá-di. Khi nghe Sakiệt-đà hàng phục con độc long, các Cư sĩ ấp Bạt-đà-việt rất vui mừng, hỏi các Tỳ-kheo: Sa-kiệt-đà là vị nào? Khi ấy, Sa-kiệt-đà đang đứng phía sau Phật. Các Tỳ-kheo nói: Người đứng hầu phía sau Phật đấy. Các Cư sĩ liền đến trước mặt Sa-kiệt-đà, kính lễ sát chân và thưa: Xin Tôn giả nhận lời thỉnh mời của chúng con. Sa-kiệt-đà im lặng nhận lời. Các Cư sĩ thưa: Đại đức cần những thức ăn gì? Sa-kiệt-đà nói: Khi tôi còn là bạch y, tánh ưa rượu thịt. Cư sĩ hoan hỷ, vội vàng sắm sửa đầy đủ. Sa-kiệt-đà đến nhà Cư sĩ ấy được mời ăn. Sau khi ăn thịt uống rượu hết sức no đủ, trở về lại Câu-xá-di. Vừa lúc đến ngoài Tăng phòng vì quá say, nên té xuống đất, ói mửa, y bát vung vãi lung tung. Qua thiên nhãn, Đức Thế Tôn đã từ xa nhìn thấy, Ngài bảo Tôn giả A-nan: Ông cùng Ta ra ngoài Tăng phường mà xem. Vâng lời dạy. Tôn giả đi theo Phật ra ngoài Tăng phường chứng kiến sự thật về cảnh say sưa. Đức Phật cùng Tôn giả khiêng Sa-kiệt-đà đặt cạnh giếng nước. Đức Phật tự xách nước dội, còn A-nan thì lau rửa sạch sẽ, rồi mặc y vào, để nằm trên giường dây, đầu hướng về Đức Phật. Trong giây lát, Sa-kiệt-đà lại xoay chuyển mình, co chân đạp Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Sa-kiệt-đà trước đây có kính trọng Đức Phật không? Các Tỳ-kheo thưa: Có kính trọng. Ngài lại hỏi: Hiện nay còn kính hay không? Bất kính! Các Tỳ-kheo thưa. Đức Phật lại hỏi: Có nên uống rượu để rồi mất bản tính tốt hay không? Đáp: Không nên, bạch Thế Tôn. Đức Phật lại hỏi: Trước đây Sa-kiệt-đà có thể hàng phục độc long, nay có thể hàng phục được con ểnh ương hay không? Đáp: Bạch Thế Tôn, không. Các Tỳ-kheo lại đem việc xảy ra trước kia bạch đầy đủ với Đức Phật. Do nhân duyên này, Đức Phật bằng mọi cách quở trách các Tỳ-kheo rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào uống rượu phạm Ba-dật-đề”.
Đức Phật chế giới cấm rồi, nên Sa-kiệt-đà không dám uống rượu. Song thói quen trước kia, nên cơn ghiền nổi lên là đứt hơi muốn chết, ăn uống lại không tiêu. Vì không biết phải giải quyết thế nào, do thế bạch Phật. Đức Phật bảo: Cho ngửi đồ đựng rượu. Ngửi đồ đựng rượu không qua cơn thì: Cho một ít rượu vào trong bánh, trong cháo hay trong canh cho ăn, nếu vẫn không khỏi được thì Đức Phật bảo: Cho phép dùng rượu để chữa bệnh ăn không tiêu. Sa-kiệt-đà nhờ vậy mà lành cơn nghiện. Kết quả này được bạch Phật, Đức Phật dạy: Lành rồi nên từ từ phải bỏ rượu, kể cả việc ngửi đồ đựng rượu. Muốn không lại thành người xấu thì không được ngửi rượu nữa. Có thứ rượu có sắc rượu, vị rượu, hương rượu. Có thứ rượu có hương rượu, không có vị rượu. Có thứ rượu có sắc rượu, không có hương rượu. Có thứ rượu không có sắc rượu, hương vị rượu, uống say, đều phạm Ba-dật-đề. Có loại chẳng phải rượu, sắc rượu, vị rượu, hương rượu, uống khiến cho người say, phạm Đột-kiết-la. Có loại chẳng phải rượu, sắc rượu, hương rượu, vị rượu không khiến cho người say, cần uống thì cho uống nơi chỗ vắng. Nếu Tỳ-kheo uống rượu, mỗi lần nuốt phạm một Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy, Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa ni di, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi bảy
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo không kính Hòa thượng, A-xà-lê, không kính giới, có các Tỳ-kheo cũng bắt chước như vậy. Các Tỳ-kheo Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo và các Tỳ-kheo: Các ông thật sự có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo cácTỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khinh thầy, phạm Badật-đề”. Tỳ-kheo nào khinh ba thầy và giới đều phạm Ba-dật-đề. Nếu khinh Tỳ-kheo khác phạm Đột-kiết-la. Cho đến thầy sai quét đất mà không quét, bảo quét xuôi gió mà quét ngược gió đều phạm Đột-kiếtla. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa ni di, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ năm mươi tám
Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, cùng Đại Tỳ-kheo Tăng năm trăm vị hội đủ, hướng tới ấp A-đồ-tỳ. Khi ấy, các Tỳ-kheo nơi ấp này, nghe Đức Phật sẽ đến, mà không có nhà giảng đường, bèn cùng nhau phát cỏ đào đất để làm… cho đến câu: Đức Phật bằng mọi cách quở trách, như trong giới cất giảng đường đã nói. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình đào đất lấy đất, phạm Ba-dật-đề”.
Khi đã cấm thì Lục quần Tỳ-kheo sai người giữ vườn, hay sai Sadi đào đất lấy đất, các Tỳ-kheo thấy, nói: Đức Phật cấm không được đào đất, tại sao nay các thầy lại làm nghiệp ác này? Lục quần trả lời: Tôi sai người đào. Các Tỳ-kheo nói: Sai người đào với tự mình đào có khác gì đâu. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình đào đất hoặc sai người đào, phạm Ba-dật-đề”.
Có một bạch y cúng vật liệu để làm nhà cho Tăng. Sau thời gian khá lâu đến thăm, thấy chưa cất, hỏi Tỳ-kheo phụ trách việc xây cất: Tại sao không làm cho mau rồi để tôi hoàn thành phước đức? Vị ấy trả lời: Đức Phật không cho phép chúng tôi tự đào đất hay sai người đào đất thì làm sao làm thành. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu cần đất thì nên nói với tịnh nhân: “Biết việc này, xem việc này”. Tôi cần như vậy cho tôi như vậy. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự tay đào đất hoặc sai người đào, nói đào như vậy, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa ni di, không có việc gì mà đào đất, phạm Đột-kiết-la. Nếu lấy đất khô thì không phạm.
Xong giới thứ năm mươi chín
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo cùng các Tỳ-kheo tranh cãi. Tranh chấp rồi lại ra ngoài cửa lén nghe. Nghe rồi, nói với các Tỳ-kheo: Tại sao thầy nói như vậy? Vị kia hỏi: Thầy nghe nói như vậy? Đáp: Tôi đứng ngoài cửa nghe. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe biết việc ấy, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nơi chỗ vắng, lén nghe Tỳ khác nói, phạm Ba-dật-đề”.
Lúc này, có các Tỳ-kheo cùng Tỳ-kheo tranh luận để tỏ rõ phải quấy, có Tỳ-kheo ở cách vách nghe được, sinh nghi: Ta há không phạm Ba-dật-đề? Do đó, xuất tội hối quá, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo lén nghe tranh luận, lý sự để biết phải quấy mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng tranh chấp rồi lén nghe, với ý niệm: Những gì các Tỳ-kheo nói, ta sẽ ghi nhớ, phạm Ba-dật-đề”. Lén nghe Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sadi-ni nói, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni nghe Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói, phạm Ba-dật-đề, nghe Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni nói, phạm Độtkiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni nghe lén năm chúng nói, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ sáu mươi
Đưc Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, có một nhóm trẻ con mười bảy đứa, cha mẹ rất mực thương yêu. Mẹ chúng thường hay nghĩ ngợi: Con ta không quen chịu khó nhọc, thể tánh yếu đuối, nên cho nó học nghề nào thật tốt khéo để nó được sung sướng trọn đời. Cha chúng nói: Nên cho nó học kế toán, hội họa. Mẹ chúng nói: Cho học hội họa sợ hư mắt, cho học kế toán sợ đau ngón tay, rồi đi đến đau tim. Cha mẹ chúng cùng bàn tính: Nên cho nó xuất gia trong dòng họ Thích, đời này khỏi phải làm gì, đời sau được vui sướng. Đám đồng tử mười bảy đứa đều muốn xuất gia, cùng nhau nói: Chúng ta cần chờ Ưu-ba-ly về để nói lời từ biệt. Khi Ưu-ba-ly về đến chỗ các đồng tử, các đồng tử nói: Bạn có biết chăng? Chúng tôi muốn xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, chờ bạn về để nói lời từ biệt. Ưu-ba-ly nghe, cũng muốn cùng đi xuất gia, liền trở về xin cha mẹ. Cha mẹ liền cho phép, với ý nghĩ: Nên cho nó làm đệ tử ai đây? Hai ông bà lại nghĩ: Tất-lăng-già-bà-ta đem nó từ tay của đám giặc trở về, nay nên cho nó làm đệ tử. Cha mẹ chúng dẫn đến Tất-lăng-già-bà-ta thưa: Bạch Đại đức! Đại đức đối với đứa nhỏ này là kẻ đại ân, nay tôi xin dâng nó cho Đại đức, xin nhận nó làm đệ tử.
Tất-lăng-già-bà-ta liền độ chúng, cho thọ giới Cụ túc. Thọ giới rồi, ban đêm, chúng không thể một mình đi đến nhà vệ sinh và nơi chỗ rửa tay, phải có người dẫn. Có khi trời tối, thấy thầy mà không biết, gọi là quỷ, thất thanh kêu lớn: Tỳ-xá-già! Tỳ-xá-già! (quỷ! Quỷ!). Thầy nói đừng sợ, thầy đây chứ không phải quỷ đâu. Hoặc ban đêm đòi ăn, thầy nói: Tăng có thức ăn, sáng sớm sẽ cho con ăn. Đồng tử hỏi: Nếu Tăng không có thức ăn thì lấy ở đâu? Thầy nói: Nếu Tăng không có thức ăn thì sẽ đi xin. Đồng tử nghe như vậy bèn lớn tiếng khóc, nói: Tỳkheo đi xin về thì chúng con đã chết rồi. Ban đêm Đức Phật nghe tiếng khóc, hỏi Tôn giả A-nan: Tiếng trẻ nhỏ ở đâu khóc đó? Tôn giả trình bày đầy đủ vấn đề. Nhân việc này, sáng sớm Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tất-lăng-già-bà-ta: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách: Ông không nên cho người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới Cụ túc. Chưa đủ hai mươi tuổi phần nhiều không thể kham nhẫn, có thể đưa đến việc phá giới. Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cho người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới Cụ túc, phạm Ba-dật-đề”.
Lúc ấy, đồng tử Ca-diếp không đủ hai mươi tuổi thọ Giới Cụ túc, sau mới biết, sinh nghi, không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Đồng tử Ca-diếp có chứng đắc gì không? Các Tỳ-kheo thưa: Đắc Tu-đà-hoàn. Đức Phật dạy: Người này mới là người thọ giới Cụ túc bậc nhất, nhưng không gọi là Bạch-tứ-yết-ma thọ giới như pháp. Nay cho phép tính tuổi trong thai để đủ hai mươi tuổi. Nếu vẫn chưa đủ thì cho phép tính tháng nhuần để cho đủ. Nếu không đủ lại cho phép dùng đến năm của Sa-môn để cho đủ. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà trao cho giới Cụ túc, phạm Ba-dật-đề”, Người ấy không đắc giới, các Tỳ-kheo cũng bị quở trách, như vậy là đúng pháp. Chưa đủ hai mươi, tưởng là chưa đủ hai mươi, nghi là chưa đủ hai mươi, phạm Ba-dật-đề. Đủ hai mươi, tưởng là chưa đủ, đủ hai mươi mà nghi, phạm Đột-kiết-la. Nếu biết không đủ hai mươi, khởi ý niệm muốn cho thọ giới Cụ túc, cho đến tạo phương tiện, cho đến Bạch-tứ-yết-ma chưa xong, đều phạm Đột-kiết-la. Yết-ma lần thứ tư xong, Hòa thượng phạm Ba-dật-đề, Sư Tăng khác phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ sáu mươi mốt.
Đức Phật ở nước Câu-tát-la, cùng năm trăm vị Đại Tỳ-kheo đi đến thành Ca-duy-la-vệ. Các người giòng họ Thích nghe Phật từ nước Câutát-la đến, cùng nhau lập ra định chế: Nếu ai không nghinh đón Phật sẽ bị phạt năm trăm kim tiền. Do đó, lớn bé đều ra nghinh đón Đức Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật vì họ giảng nói pháp chỉ bày sự lợi ích, khiến họ hoan hỷ, cùng nhau thỉnh Phật và Tăng an cư bốn tháng mùa hạ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Mỗi người đều tùy theo khả năng cúng dường, hoặc một gia đình cúng một ngày cho đến mười ngày, hoặc hai gia đình cúng một ngày, cho đến mười gia đình… hoặc chỉ cúng món ăn trước hay món ăn sau, hoặc chỉ làm đát bát na, hoặc chỉ cúng cháo, hoặc chỉ cúng nước tắm, hoặc chỉ cúng nước uống buổi chiều, hoặc cúng dầu thoa chân, thoa tay, dầu thắp đèn.
Lúc này, Thích-ma-nam không có ở nhà, chưa cúng dường được thứ gì, hỏi người xung quanh: Vị nào nhận vật cúng dường của tôi? Được trả lời chưa có ai nhận. Lại hỏi: Thứ nào chưa ai cúng dường Đức Phật và Tăng? Thưa thuốc trị bệnh chưa được ai cúng. Thích-ma-nam xin cúng thuốc chữa bệnh cho Phật và Tăng trong bốn tháng mùa hạ, bằng cách hoặc tự đưa đến, hoặc sai người đưa đến. Nhà Vua lại đến chỗ Lục quần Tỳ-kheo nói: Đại đức cần thuốc gì tùy ý đến lấy. Lục quần Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Nay Vua cúng thuốc trị bệnh cho Phật và Tăng trong bốn tháng, hoặc sai người đem đến hay tự đem đến, lại bảo ta tự đến nhận, như thế là tâm nhà Vua có sự khinh thường chúng ta. Chúng ta chờ khi thân tộc nhóm họp, đến xin thứ thuốc khan hiếm, chắc nhà Vua không có, phải bị hổ thẹn. Lục quần lại nghĩ: Nhà Vua này phước đức, cũng có thể là không thiếu thứ thuốc nào. Trước hết ta nên tìm hiểu trong thiên hạ thứ nào không có rồi sẽ đến xin. Sau khi lục lọi, tìm hiểu nên biết được một thứ duy nhất không có. Ngày đợi chờ năm thân thuộc của Vua nhóm họp đã tới, Lục quần Tỳ-kheo liền đến xin thuốc. Nhà Vua sai người đi tìm khắp nước không có. Vua nói với Lục quần Tỳ-kheo: Tìm kiếm khắp nơi mà không có. Lục quần Tỳ-kheo nói với Vua: Nhà Vua tự thỉnh Phật và Tăng cúng thuốc chữa bệnh cho bốn tháng, mà nay không cho chúng tôi một thứ nào! Nhà Vua thưa: Thưa Đại đức! Không phải là không muốn cúng, cũng không phải là không có thuốc, chỉ vì thứ thuốc này tuyệt nhiên tìm không có, hơn nữa bốn tháng đã qua, đâu có gì làm phiền khổ cho nhau. Lục quần Tỳ-kheo lại làm nhục nhà Vua trước công chúng: Trước đây nói với chúng tôi cứ đến lấy thuốc theo nhu cầu, mà nay không nhận được một thứ nào! Các Tỳ-kheo nghe, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Các thầy nói thế nào? Lục quần Tỳ-kheo đem sự thật theo ý mình trả lời. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự cúng dường tùy ý trong bốn tháng, nếu nhận quá thời hạn ấy, phạm Ba-dật-đề”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo, vào mùa Thu thường mắc phải bệnh, Thíchma-nam đến tận phòng thăm hỏi: Đại đức mắc phải bệnh gì? Các Tỳkheo nói: Chúng tôi mắc phải bệnh mùa Thu. Ma-ha-nam liền thưa với Tỳ-kheo: Quý thầy có thể đến tôi lấy thuốc. Các Tỳ-kheo nói: Trước đây Vua cúng bốn tháng, nay đã mãn, Đức Phật không cho phép chúng tôi nhận thuốc quá thời gian bốn tháng. Nhà Vua lại xin cúng thêm một tháng. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận thêm một tháng. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận sự mời thỉnh thêm một tháng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự mời thỉnh tùy ý bốn tháng, nếu nhận quá, trừ thỉnh lại, phạm Ba-dật-đề”.
Lại có các Cư sĩ đến thăm nơi các phòng Tăng, thấy các Tỳ-kheo mắc bệnh mùa Thu, hỏi: Các thầy cần thuốc gì con sẽ đem đến? Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận thuốc do thí chủ đem đến. Cư sĩ không biết làm sao, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận sự mời thỉnh do thí chủ đem đến. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự mời thỉnh tùy ý bốn tháng, nếu nhận quá, trừ thỉnh lại tự đem đến, phạm Ba-dật-đề”.
Khi ấy, Thích-ma-nam lại có suy nghĩ: Lục quần Tỳ-kheo vì thuốc mà đã nhục mạ ta trước mọi người. Nay ta cần tập trung nhiều thứ thuốc. Thế là thuốc để dồn về. Đã có nhiều thuốc rồi, nhà Vua lại suy nghĩ: Theo ta thì số thuốc này dùng trọn đời cũng không hết, nay ta nên thỉnh các Tỳ-kheo để cúng thuốc trọn đời. Thực hiện ngay ý nghĩ, nhà Vua đến các Tỳ-kheo thỉnh cúng thuốc lâu dài. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận sự thỉnh cúng lâu dài như thế.
Trước sự khó xử ấy Ma-ha-nam đến bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo nhận sự mời thỉnh lâu dài. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận sự mời thỉnh tùy ý bốn tháng, nếu nhận quá, trừ thỉnh lại, tự đem đến, thỉnh lâu dài, phạm Ba-dật-đề”. Nếu người cúng thuốc cho Tăng thì Tỳ-kheo giúp việc cho chúng nên hỏi: Thuốc này để trong xóm làng hay để nơi Tăng phường? Nếu nói để trong xóm làng thì cần nên bảo: Tôi cần thứ thuốc đó hãy vì tôi mà soạn cho đừng để thiếu thốn. Nếu nói để nơi Tăng phường thì nên để ở phòng trung ương cho dễ lấy. Tăng nên tác pháp bạch nhị Yết-ma, sai một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay dùng phòng… để thuốc cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch. Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay dùng phòng… để thuốc cho Tăng. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã đồng ý dùng phòng… để đựng thuốc cho Tăng rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy. Các Tỳ-kheo không biết ai là người nên giữ thuốc cho Tăng, bạch Phật. Đức Phật dạy: Tăng nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo giữ thuốc. Một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai Tỳ-kheo tên là… vì Tăng làm người giữ thuốc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là tác bạch. Đại đức Tăng xin lắng nghe, nay Tăng sai Tỳ-kheo tên là… vì Tăng làm người giữ thuốc. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã sai Tỳ-kheo tên là… làm người giữ thuốc rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy. Vì các Tỳ-kheo sai Tỳ-kheo vô trí, không kham việc giữ thuốc, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên sai Tỳ-kheo vô trí giữ thuốc. Người được sai giữ thuốc phải thành tựu năm pháp: Không làm theo ái, sân, si, sợ, phải biết rõ thuốc hay chẳng phải thuốc. Tỳ-kheo giữ thuốc cho Tỳkheo Tăng nên dùng vật dụng mới để đựng Ha-lê-lặc, A ma lặc, Tỳ hê lặc, Tất bạt la, gừng khô, đường mía, đường phèn. Nếu đồ đựng không rỉ chảy nên đựng tô, dầu mật, nên dùng da bịt miệng, đề tên thuốc vào. Nếu Tỳ-kheo nào bệnh cần thứ gì nên hoan hỷ đưa. Nếu người bệnh biết nên dùng thuốc gì thì tự lấy dùng. Nếu không biết thì nên hỏi thầy thuốc. Nếu không có thầy thuốc thì nên hỏi Hòa thượng, A-xà-lê: Con bệnh như vậy, như vậy, nên uống thuốc gì? Nếu Hòa thượng, A-xà-lê không biết thì nên uống thử Ba lần, không bớt thì lấy thứ khác uống. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Độtkiết-la.
Xong giới thứ sáu mươi hai
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc này, Lục quần Tỳ-kheo thường phạm giới, các Tỳ-kheo can ngăn: Các thầy thường phạm giới, nên tự mình thấy tội, như pháp sám hối, đừng nên vì việc làm ấy phụ lòng tin của tín thí, phải thọ khổ lâu dài. Lục quần Tỳ-kheo nói: Chúng tôi không học giới này, trước hết chúng tôi cần hỏi vị trì pháp, trì luật mà trí tuệ hơn thầy. Các Tỳ-kheo nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Các ông là người ngu si, không nên tạo ra các nghiệp ác như vậy. Các Tỳ-kheo muốn không cùng các ông Bố-tát, Tự tứ, làm các Yết-ma, do thương nghĩ các ông nên như pháp can gián. Tại sao các ông nói: Chúng tôi không học giới này, trước hết chúng tôi cần hỏi vị trì pháp, trì luật có trí tuệ hơn thầy đã. Quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào thường hay phạm tội, các Tỳ-kheo như pháp can ngăn, mà lại nói: Tôi không học giới này, cần hỏi Tỳ-kheo trì pháp, trì luật khác đã, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo muốn tìm hiểu thì nên hỏi vị trì pháp, trì luật là điều nên làm. Trì pháp: Là người trì tụng những pháp do Phật nói. Người trì luật có năm hạng: Một là tụng bốn việc cho đến hai Bất định. Hai là tụng bốn việc cho đến ba mươi việc. Ba-là tụng hết hai trăm năm mươi giới. Bốn là tụng hết hai bộ luật. Năm là tụng hết tất cả luật. Nếu Tỳ-kheo không tụng giới, chẳng phải mùa an cư thì nên nương vào bốn hạng trì luật trước, trong mùa an cư nên nương vào vị tụng hết tất cả luật. Nếu không nương vào thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.
Xong giới thứ sáu mươi ba