LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO

Đoạn 5: NÓI VỀ 91 PHÁP ĐỌA (Tiếp Theo)

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo thường phạm giới. Các Tỳ-kheo can gián, như giới trước đã nói, cho đến câu: Đừng để phải chịu khổ lâu dài. Lục quần Tỳ-kheo hỏi: Đức Phật chế giới này ở đâu? Các Tỳ-kheo nói: Thầy không biết hay sao? Vâng, không biết. Các Tỳ-kheo nói: Chúng tôi sẽ nói cho thầy biết, Đức Phật nói giới này ở đâu. Trong khi thuyết giới bèn nói: Đức Phật chế giới này ở đây. Lục quần Tỳ-kheo nói: Nay tôi mới biết, pháp này, mỗi nửa tháng Bố-tát, nói ra từ giới kinh. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳkheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khi thuyết giới, nói như vầy: Nay tôi mới biết pháp này, mỗi nửa tháng Bố-tát, nói ra từ trong giới kinh. Các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo này hai, Ba lần khi nói giới đã ngồi nghe. Tỳ-kheo này không thể vì nói không biết mà khởi tội. Tùy theo chỗ phạm tội như pháp trị, rồi nên quở trách điều không biết kia là không tốt. Khi thuyết giới không nhất tâm để nghe, không để ý, phạm Ba-dật-đề”. Nếu Tỳ-kheo cho người thọ giới Cụ túc để thành Tỳ-kheo thì nên dạy cho họ học đầy đủ luật. Nếu hai, Ba lần họ đã ngồi nghe giới, biết hay không biết, mà nói như thế, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy.

Xong giới thứ sáu mươi bốn

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, các Tỳ-kheo thường vào trong cung của Vua Ba-tư-nặc, thấy các mỹ nữ sinh tâm nhiễm đắm, không thích tu phạm hạnh, có vị ra đời làm ngoại đạo. Các Đại thần thấy, nói: Tại sao nhà Vua không để các cung nữ lui sâu vào chỗ kín đáo, mà cứ cho lui tới khiến ai cũng thấy được.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan thường nhận được sự cúng dường của Vua, sáng sớm, đắp y bưng bát vào trong hậu cung. Khi ấy, Vua cùng phu nhân Mạt-lợi còn đang ngủ chưa dậy. Phu nhân Mạt-lợi thấy Tôn giả vào, liền vội vã mặc y bước xuống giường. Y của Phu nhân đang mặc rất mịn và trơn, vô ý tuột rơi xuống đất, phu nhân xấu hổ liền ngồi sụp xuống. Nhà Vua bực tức nói: Việc triều đình nhọc nhằn bận rộn thường phải thức khuya mới ngủ không thể dậy sớm. Tại sao Tỳ-kheo sáng sớm lại đi thẳng vào thế này? Tôn giả xấu hổ liền trở về nơi chỗ Phật, trình bày đầy đủ việc các Tỳ-kheo và việc của chính mình vào cung Vua. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳkheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật lại tự nói lên sự việc của Tôn giả A-nan. Bằng mọi cách quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Vào trong hậu cung của nhà Vua có mười điều lỗi lầm:

Một là khi Vua say, gần gũi với cung nữ khác, lúc hết say hay quên, do quên nếu bỗng nhiên cung nữ kia có thai, Tỳ-kheo bị nghi.

Hai là cung nữ thấy Tỳ-kheo hoặc có ý vui đùa, Tỳ-kheo bị nghi là có tình tứ.

Ba là nhà Vua có mưu mật nào bị tiết lộ, Tỳ-kheo bị nghi là đưa tin.

Bốn là trong cung có mất vật quý báu nào, Tỳ-kheo bị nghi là người lấy.

Năm là nếu vị quan nào bị mất chức, người ngoài nghi là do Tỳkheo.

Sáu là nếu có người bị tội, người ta nghi là do Tỳ-kheo sàm tấu.

Bảy là nếu có người nào chưa đáng thăng quan mà được thăng, người ta nghi là do thế lực của Tỳ-kheo.

Tám là nhà Vua ưa đi du ngoạn gây nhiều phiền tốn, Tỳ-kheo cũng bị nghi là xui khiến.

Chín là trong cung nhiều các mỹ sắc, phục sức ngoạn mục, Tỳkheo thấy sinh tâm nhiễm đắm, phạm giới, hoàn tục.

Mười là nếu vương tử có sự phản nghịch, Tỳ-kheo bị nghi là người hướng dẫn.

Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vào trong cung Vua, quá ngạch cửa, phạm Ba-dật-đề”.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo sau khi Phật đã chế giới cấm không dám bước qua cửa thành để khất thực, không biết làm thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép vào trong cửa thành, nhưng không được quá trong cửa của hậu cung. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vào trong cung Vua, quá ngạch cửa của hậu cung, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc hằng năm cùng các cung nữ ra khỏi giới hạn của nước, nên các nơi đều có làm hành cung dành cho Vua nghỉ khi Vua đi ngắm cảnh. Có các Tỳ-kheo vào buổi chiều đi đến thôn xóm, tìm nơi nghỉ lại đêm, các Cư sĩ nói: Nay Vua không có nơi hành cung này, các thầy có thể vào đó nghỉ. Vua tin kính Phật pháp, nếu có biết cũng hoan hỷ thôi. Các Tỳ-kheo không dám vào nên không có chỗ nghỉ. Việc này được bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo vào nghỉ trong hành cung bỏ trống. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, Vua chưa ra khỏi chốn đồ báu, đồ báu chưa được thu cất, mà vào quá hạn cửa hậu cung, phạm Ba-dật-đề”. Đồ báu: Vật quý trọng và các nữ sắc đều gọi là báu. Chưa ra: Nghĩa là người nữ còn ở trong cung. Chưa cất: Nghĩa là người nữ ở trong cung chưa tàng ẩn. Khi ấy, nếu vào quá hạn cửa hậu cung, cả hai chân, phạm Ba-dật-đề. Tùy theo sự vào trong xa hay gần mỗi bước phạm một Ba-dật-đề. Nếu bước qua một chân phạm Độtkiết-la. Vào các nhà Đại thần, trưởng giả, vào quá bên trong cửa, phạm Đột-kiết-la. Sa-di phạm Đột-kiết-la. Nếu Vua mời nên vào thì không phạm.

Xong giới thứ sáu mươi lăm

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, hai nước Câu-tát-la và Makiệt xâm chiếm lẫn nhau. Đường sá đi lại giữa hai nước bị cắt đứt. Tỳ-kheo nơi thành Vương-xá an cư xong, nghĩ đến Phật nên có ý nghĩ: Nay ta cần phải cùng với đám giặc làm bạn để đi, mới có thể đến viếng thăm Đức Thế Tôn được. Dù lính canh phòng biên giới, nói ta cùng đi với giặc mà bắt, thì Vua Ba-tư-nặc tin ưa Phật pháp cũng không kết tội ta. Thế là các Tỳ-kheo cùng với giặc đi đến biên giới, quả nhiên là bị bắt giải đến đồn lính biên phòng. Lính thú báo: Đây là giặc. Tướng biên

phòng hỏi: Còn những người mặc áo cà sa này là gì? Thưa, cũng là giặc. Các Tỳ-kheo bèn tự nói: Chúng tôi không phải là giặc, mà là Sa-môn Thích tử, an cư nơi thành Vương-xá xong, cần đến viếng thăm Đức Thế Tôn, đi đường nguy hiểm nên cùng làm bạn với những người này để đi. Tướng biên phòng nói: Các ông không phải là Sa-môn Thích tử. Các ông đội lốt đến đây để làm mật vụ. Tướng biên phòng ra lệnh áp giải về triều đình. Các Tỳ-kheo cũng tự khai như trước. Vua liền phóng thích. Các quan tả hữu, có người không tin đó là Sa-môn nói: Đây là giặc, giả mặc áo Tỳ-kheo, vì Vua tin ưa Phật pháp nên phóng thích. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Các ông thật sự có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nào hẹn cùng giặc làm bạn đồng đi, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo cùng một đường đi chung với giặc mà không biết, nhưng khi đã biết được thì lấy làm ray rứt và ngỡ mình đã phạm Badật-đề, nên lui tránh bên đường, hoặc đi sau. Giặc hỏi: Tại sao các ông làm như thế? Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật cấm không cho chúng tôi cùng làm bạn đi với các ông. Đám giặc nghe nói, nổi giận, đánh các Tỳ-kheo rồi lột hết y áo. Khi trở lại trú xứ, các Tỳ-kheo đem sự việc bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Không biết là giặc, cùng đi với họ, mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, biết giặc mà làm bạn đồng đi, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo, trên đường đi, tình cờ gặp giặc, bèn sinh hổ thẹn, cho rằng mình phạm Ba-dật-đề, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không hẹn, tình cờ gặp giặc trên đường đi mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào hẹn cùng giặc đi một đường, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo hẹn cùng giặc đồng đi trên đoạn đường gần, rồi lại không đi, hoặc đi đường khác, nhưng vẫn sinh nghi: Chúng ta há không phạm Ba-dật-đề! Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tuy cùng giặc hẹn đồng đi một đoạn đường gần, rồi không đi, hoặc đi đường khác, mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng giặc hẹn đi một đường từ xóm làng này đến xóm làng kia, phạm Ba-dật-đề”. Nếu cùng các Tỳ-kheo ác hẹn cùng đi, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Độtkiết-la. Nếu có các nạn khởi, hẹn cùng đi thì không phạm.

Xong giới thứ sáu mươi sáu

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo cùng người nữ đồng đi một đường, hoặc một Tỳ-kheo cùng một người nữ, cho đến số đông, hoặc hai Tỳ-kheo, cho đến số đông, cùng một người nữ, cho đến số đông cùng lội qua sông, thấy hình lẫn nhau nên sinh tâm nhiễm, có vị hoàn tục, làm ngoại đạo. Các Cư sĩ thấy vậy chê trách nói: Sa-môn Thích tử cùng người nữ đi một đường, đâu có khác gì cùng đi với vợ, ai biết những người này tu phạm hạnh, thật là không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn.

Lúc ấy, có một Cư sĩ thường đánh vợ, một hôm, đánh vợ rồi bỏ đi. Người vợ suy nghĩ: Chồng ta thường đánh ta, có thể sẽ âm thầm giết ta, nay ta nên trốn đi. Thế là bà ta bỏ nhà rời xóm làng ra đi. Gặp một Tỳkheo, bà rất mừng đến hỏi: Đại đức đi đâu? Tỳ-kheo nói: Tôi đi đến chỗ đó. Lặng lẽ người nữ bèn đi theo sau Tỳ-kheo. Chồng bà ta, sau khi ra đi lại hồi tâm: Vừa rồi ta đánh vợ, có thể nó tự tử. Ông ta liền vội trở về nhà tìm vợ, không thấy lại hỏi người hàng xóm. Họ đều nói không thấy. Ông ta bèn đi ra ngoài xóm làng, gặp một người nữ ngoại đạo, hỏi: Có thấy người đàn bà hình dáng như vậy không? Kẻ ngoại đạo nói: Thấy Sa-môn Thích tử dẫn đi. Ông ta liền vội vã đuổi theo, khi đuổi theo kịp, ông ta hỏi Tỳ-kheo: Lý do nào ông dẫn vợ tôi tẩu thoát? Tỳ-kheo nói: Tôi không làm nghiệp ác, vợ ông cùng đi với tôi một đường mà thôi. Khi ấy bà vợ nói với ông chồng: Chớ có tâm ác đối với Tỳ-kheo này, tôi cùng đi, coi như người thân thuộc chứ không có gì khác. Ông chồng nghe vợ nói liền nghĩ: Nói như vậy là lừa dối cho nhau, chứ chắc chắn có sự ác. Ông ta liền đánh Tỳ-kheo gần chết mới thôi. Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nay ta bị kiệt sức không thể tiếp tục đi được, cần nhập Tam-muội Hỏa quang, vận dụng hơi thở để lấy lại sức khỏe, rồi sẽ tiếp tục đi. Nghĩ xong liền thu xếp y bát, nhập Tam-muội Hỏa quang, nơi thân tuôn ra khói. Người đàn bà kia thấy vậy nói với chồng: Ông không tin lời tôi nói, ông xem nơi thân của Tỳ-kheo tuôn ra khói đó không? Trong chốc lát cả thân của vị Tỳ-kheo kia đều mất cả. Người vợ lại nói: Ông không tin lời tôi! Ông xem thân của Tỳ-kheo thế nào đó? Vị Tỳ-kheo kia liền dùng sức của Tam-muội, đến nơi chỗ Đức Phật, đem tất cả sự việc đã xảy ra bạch với Ngài. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Các Tỳ-kheo thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người nữ đi một đường, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo cùng đi, trên đường thấy các người nữ cùng đi nơi tuyến đường ấy, tâm sinh nghi hối: Chúng ta có phạm Ba-dật-đề không? Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo nào không hẹn mà cùng người nữ đồng đi một đường, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người nữ, hẹn đồng đi một đường, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo cùng người nữ hẹn đồng đi một đường, rồi sau không dám đi, hoặc đi đường khác, cũng sinh nghi hối, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo nào, tuy trước đã cùng người nữ hẹn đồng đi một đường, rồi không đi, hoặc đi đường khác, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cùng người nữ hẹn đồng đi một đường, từ xóm làng này đến xóm làng khác, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheoni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ sáu mươi bảy

Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, cùng chúng Đại Tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị, du hành trong nhân gian. Các Tỳ-kheo, hoặc có vị ở trong nhà, hoặc có vị ở bên gốc cây, hoặc có vị ở nơi đất trống. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo cùng Thập thất quần Tỳ-kheo tập trung một đống lớn củi tươi và cỏ nơi đất trống rồi đốt và ngồi xung quanh sưởi ấm. Có một con rắn từ trong bộng cây chạy ra, các Tỳ-kheo thấy, lấy vật ném nó. Con rắn quay đầu trở vô, bị nóng lại chạy ra, các Tỳ-kheo lại ném nữa, nó lại chạy vô. Trong chốc lát nó lại phóng thẳng đến chỗ Tỳ-kheo ném nó cắn vị này chết ngay. Các Tỳ-kheo vây quanh khóc kể. Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi: Chuyện gì các thầy khóc kể như thế? Thưa: Có một Tỳ-kheo bị rắn cắn chết! Quý vị trình bày đầy đủ sự việc trên. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách: Tại sao các thầy thấy rắn chạy ra Ba lần mà không tránh, để đến nỗi bị nó cắn chết? Quở trách xong bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhen đốt lửa, phạm Ba-dật-đề”.

Sau đó, Lục quần Tỳ-kheo sai người giữ vườn, Sa-di đốt lửa. Các Tỳ-kheo Trưởng lão thấy quở trách: Các thầy há không nghe Đức Phật cấm đốt lửa? Chúng tôi bảo người giữ vườn, Sa-di đốt thì đâu có phạm. Các Tỳ-kheo nói: Tự mình đốt, sai người đốt đâu có khác gì?! Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳkheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đốt lửa, hay sai người đốt lửa, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo bệnh, hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói: Nên uống thứ thuốc… và tắm bằng nước nóng. Tỳ-kheo bệnh nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi đốt lửa và sai người đốt, vậy thầy nên cho dùng thứ thuốc khác. Thầy thuốc nói: Đại đức, bệnh này thì phải uống thứ thuốc ấy và tắm nước nóng. Các Tỳ-kheo lại đặt ra vấn đề: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta đốt lửa hay sai người đốt lửa thì bệnh này được lành. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép Tỳ-kheo bệnh được đốt lửa hoặc sai người đốt. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo không bệnh, tự mình đốt lửa hoặc sai người đốt, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo cần nấu canh nấu cháo, không dám nhen lửa, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo nấu canh, nấu cháo, chứ không được vì sưởi ấm mà nhóm lửa. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào không bệnh, vì sưởi ấm mà nhen lửa, phạm Ba-dật-đề”.

Các Tỳ-kheo muốn nhen lửa để xông bát và ngăn thú dữ, hoặc đốt đèn lửa, không biết làm thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳkheo có nhân duyên như vậy được đốt lửa hay bảo người đốt lửa. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào không bệnh, vì sưởi ấm mà tự mình nhóm lửa hoặc sai người nhen, phạm Ba-dật-đề”. Nếu vì sưởi ấm mà nhen lửa, ngọn lửa lên cao cho đến bốn ngón tay, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ sáu mươi tám

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến các nhà quen biết, thấy đồ trang sức quý báu, cầm xem rồi để lại chỗ cũ. Đồ quý này sau đó bị ai lấy mất, người chủ tìm không thấy. Có người nói: Tôi thấy Tỳ-kheo cầm. Người chủ đến hỏi Tỳ-kheo: Tôi bị mất đồ trang sức như vậy, như vậy, thầy có thấy không? Tỳ-kheo nói: Vừa rồi tôi có cầm xem, rồi để lại chỗ cũ. Người chủ nói: Thầy nhận đã cầm lấy rồi lại bảo không thấy nữa. Vậy thầy nên trả lại tôi. Tỳ-kheo nói: Thật sự tôi không lấy. Người chủ không tin, bèn gán cho Tỳ-kheo tiếng xấu.

Lại có một ngoại đạo mang một túi đầy năm trăm kim tiền, tới bên bờ sông uống nước, khi đi bỏ quên lại. Có một Tỳ-kheo đi sau đến bắt gặp, rồi tự hỏi: Vật này là của ai? Nhìn xung quanh, thấy phía trước xa có một người đi, bèn nghĩ: Chắc của người ấy bỏ quên, ta nên mang đến để đưa cho họ. Vội vã Tỳ-kheo mang đi theo. Người kia đi chưa được bao lâu, nhớ túi tiền vàng, liền vội quay trở lại. Tỳ-kheo thấy hỏi: Vì sao ông trở lại? Người kia giận, nói: Thứ người xui xẻo này, hỏi tôi làm gì? Tỳ-kheo nói: Dù tôi là vật xui xẻo, ông cũng nên cho tôi biết lý do ông trở lại. Người kia nói: Tôi quên túi kim tiền nơi bờ sông, nên trở lại tìm. Tỳ-kheo liền đưa cái túi ra hỏi: Đây có phải là túi của ông không? Người kia nhận ra túi của mình rồi, lại nổi giận, nói: Thứ người xui xẻo, tại sao lại cầm cái túi của tôi? Ông đợi một chút để tôi kiểm tra lại các vật trong túi đã! Tỳ-kheo nói: Tôi hoàn toàn không biết thứ gì đựng trong túi này, cũng không xem đến. Nếu tôi muốn lấy thì đâu có đưa ông xem? Vì sợ ông mất của nên mới đem đến trả cho ông. Người kia nói lại: Trong cái túi của tôi có một ngàn kim tiền, nay thiếu năm trăm, ông trả cho tôi. Tỳ-kheo trả lời trước sau như một. Người kia cưỡng bức đòi Tỳ-kheo, rồi đưa đến quan đoán sự. Một khi quan đoán sự là người không tin ưa Phật pháp nên xử đoán một cách phi lý, liền hạ lệnh bắt Tỳ-kheo trói cánh gà, đánh trống, áp giải đến ngả tư đường để hành quyết (giết). Lúc này, Vua Ba-tư-nặc từ trên lầu cao nhìn thấy, hỏi các quan tả hữu: Người đó là ai? Các quan tâu: Sa-môn Thích tử. Nhà Vua liền ra lệnh: Đem về chỗ đoán sự, ta sẽ đích thân đến đó. Nhà Vua vội vàng đến và hỏi người kia: Tại sao người hành hạ Tỳ-kheo này? Quan đoán sự tâu rõ sự việc cho nhà Vua nghe. Nhà Vua hỏi Tỳkheo. Tỳ-kheo cũng trình bày như trước. Nhà Vua hỏi người chủ của cái túi đựng kim tiền: Cái túi này là của ngươi phải không? Người ấy trả lời: Phải. Nhà Vua liền lấy năm trăm kim tiền bỏ vào trong túi. Cái túi không chứa hết. Nhà Vua lại hỏi: Ngươi nói trong cái túi đó có một ngàn kim tiền, tại sao bây giờ nó không đựng hết? Người kia liền tự thú tội nói: Thật sự chỉ có năm trăm, tôi giận nên vu khống cho Tỳ-kheo. Nhà Vua liền hỏi vị quan đoán sự: Nếu có người khinh Vua ngay trước mặt thì tội ấy thế nào? Quan đoán sự tâu: Người ấy đáng chết và tịch thu tài sản. Nhà Vua liền cho áp dụng đúng pháp: Tịch thu tài sản, trói cánh gà người kia, đánh trống áp giải đến ngả tư đường để chặt đầu. Có người nói: Ông vu khống Sa-môn Thích tử, nên thọ tội như vậy, nếu lại vu khống hủy báng, tội sau sẽ nặng hơn nhiều. Hoặc lại có người nói: Sa-môn Thích tử, có lần đã từng lấy vật báu của tôi, vậy nay sự thật này phải sợ ư! Khi ấy, Tỳ-kheo tâu với Vua: Nên cho người này được sống, để Phật pháp khỏi bị mang tiếng xấu. Nhà Vua liền phóng thích. Nhà Vua liền quở trách quan đoán sự: Nếu sau này còn đoán sự một cách phi lý như vậy, sẽ bị trị phạt. Những người không tin Phật pháp bằng mọi cách chê trách: Chúng ta là người thế tục còn biết xấu hổ, khi cầm đến vật báu huống là Sa-môn Thích tử, sao lại làm như vậy, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi đem việc cả trước lẫn sau bạch đầy đủ lên Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Sự thật các ông có như vậy không? Quý Tỳ-kheo thưa: Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào hoặc nắm cầm các thứ báu, hoặc các vật báu, phạm Ba-dật-đề”.

Bấy giờ, Tỳ-xá-khư-mẫu mặc áo quý báu nhất, thân tướng của bà trông thật lộng lẫy trang nghiêm. Bà cùng các người thân du ngoạn nơi vườn rừng gần Kỳ-hoàn. Xem xét kỹ mọi người không hề chán ngán trong sự vui chơi thỏa thích, bà đâm ra nghĩ ngợi: Nay ta không nên đồng phóng dật với họ. Nhân việc này ta nên đến viếng thăm Đức Thế Tôn. Bà liền cùng các tỳ nữ đến Kỳ-hoàn. Khi đến cửa Kỳ-hoàn, bà lại nghĩ: Ta không nên mặc đồ sang trọng này đến yết kiến Đức Thế Tôn. Bà cởi áo quý báu để nơi hào của thành. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang đi kinh hành, từ xa thấy được việc này. Tỳ-xá-khư-mẫu đến trước Phật đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật vì bà giảng nói pháp, chỉ bày những lợi ích, khiến bà vui mừng. Không bao lâu bà lui về và mãi suy nghĩ những điều vừa được nghe, nên quên chiếc áo quý. Trên đường về, sau khi cửa thành đóng, mới nhớ lại chiếc áo, bà nghĩ: Nếu ta nói với ai là ta bị mất chiếc áo quý báu này, như thế có thể tổn thương đến Phật pháp, nên im lặng đến sáng hôm sau.

Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất đem vấn đề bạch Phật. Đức Phật bảo Tôn giả: Sáng sớm ngày mai đích thân ông đem đến trả cho bà ta. Tôn giả làm đúng theo lời Phật dạy. Tỳ-xá-khư-mẫu tán thán hết lời: Lành thay! Tôi có vị Đại sư cùng bậc đồng phạm hạnh như vậy. Nếu ngoại đạo khác lượm được của báu này thì đâu có chuyện trả lại cho tôi. Đêm vừa rồi tôi đã xả vật này, nay nên thực hiện. Bà liền đem dâng cúng cho Tăng bốn phương. Bà yêu cầu Tôn giả Xá-lợi-phất dùng của này cất nhà cho chiêu đề Tăng. Tôn giả không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên nhạn.

Lại có các Cư sĩ, cứ mỗi năm ngày đến Tăng phòng thăm viếng một lần. Có người cởi nhẫn, có người cởi bông tai, trước khi vào Tăng phường. Khi về bỏ quên, các Tỳ-kheo thấy không dám lấy, có người khác thấy, lấy đem đi mất. Các Cư sĩ, khi trở lại Tăng phường tìm, hỏi các Tỳ-kheo: Tôi mất vật báu như vậy, như vậy, thầy có thấy không? Tỳ-kheo nói: Tôi thấy mà không dám lấy. Các Cư sĩ nói: Đại đức thấy, tại sao không lấy? Đại đức nên trả lại cho tôi, người xuất gia đâu cần việc ấy. Các Tỳ-kheo nói: Thật sự tôi không lấy. Cư sĩ không tin, bèn gán tiếng ác cho Tỳ-kheo.

Lại có các Tỳ-kheo cùng người làm bạn đi đường, nghỉ lại đêm một nơi nọ, có người bạn bỏ quên lại vật ra đi. Tỳ-kheo thấy không dám lấy, người khác lấy đi. Các người bạn hỏi Tỳ-kheo: Tôi mất vật như vậy, như vậy, Đại đức có thấy không? Tỳ-kheo nói: Tôi thấy mà không dám lấy. Các người bạn nói: Đại đức thấy, tại sao không lấy? Đại đức trả lại cho tôi đi! Người xuất gia đâu cần việc ấy. Các Tỳ-kheo nói: Thật sự tôi không lấy. Người kia không tin, báng bổ Tỳ-kheo khắp nơi. Từ đó các Tỳ-kheo lại có những suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép chúng ta tự mình cầm lấy hoặc sai người cầm lấy vật báu nơi Tăng phường hay chỗ nghỉ lại đêm thì Cư sĩ đã không mất đồ mà chúng ta khỏi bị tiếng xấu. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo tự mình cầm hay sai người cầm lấy vật báu, nơi Tăng phường hoặc chỗ nghỉ lại đêm. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, đối với của báu hoặc các vật báu, tự mình lấy hay dạy người lấy, trừ nơi Tăng phường hay chỗ nghỉ lại đêm, phạm Ba-dật-đề. Nếu trong Tăng phường và chỗ nghỉ đêm cầm lấy của báu hoặc các vật báu khác, sau có người chủ đến đòi thì trả lại họ. Vấn đề như vậy, phải giải quyết như vậy. Của báu: Chân châu, Ma-ni, Lưu ly, Ngọc kha, Kim ngân. Các vật báu: Là chỉ cho các vật quý khác. Tăng phường: Là chỗ Tăng ở, đất thuộc về Tăng. Chỗ nghỉ lại đêm: Tức ngoài Tăng phường, nơi nhà người khác và nơi cùng làm bạn với người đi dạo chơi. Tỳ-kheo thấy vật báu nơi Tăng phường, nên khiến tịnh nhân lấy, nếu không có tịnh nhân thì tự mình lấy cất. Có người đến đòi, nên họp Tăng hỏi rõ về tướng trạng của vật bị mất, sau đấy mới trả. Nếu lấy cất rồi, muốn đi đâu, phải dặn người ở nhà. Nếu Tỳ-kheo đến nhà người, thấy có vật, nên khiến tịnh nhân cất, không có tịnh nhân thì tự mình lấy cất, có người, nên kêu người chủ ra giao cho họ, rồi sau mới đi. Tỳ-kheo cùng người làm bạn đi đường, thấy vật nên bảo tịnh nhân lấy, không có tịnh nhân nên tự mình lấy để trả lại cho họ. Khi trả, nên tập trung người hỏi: Ông mất vật phải không? Nếu người ấy có mất thì nên hỏi vật gì. Người ấy nói đúng mới trả. Nếu cùng bạn đi khác đường, không gặp nhau, đến xóm làng, thì nên gửi cho người Ưu-bà-tắc tin cậy để trả lại họ. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoama-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ sáu mươi chín

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc này, các Tỳ-kheo một ngày tắm Ba lần, dùng nhiều bột tháo đậu, các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Tỳ-kheo này tắm mãi tắm hoài, dùng tháo đậu như Vua, như Đại thần. Mục đích họ xuất gia là muốn cầu giải thoát, không nhớ nghĩ tụng kinh, lại chú trọng phơi bày các điều xấu, ngày đêm chỉ lo thân thể, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Bấy giờ, có một tướng sư nói với Vua Bình-sa: Thiên văn cho biết, sắp có một ngôi sao bất thường xuất hiện, nhà Vua nên tắm nơi suối nước đó để tránh tai ương. Nếu không tắm có thể đưa đến mất nước, hoặc mệnh hệ của Vua sẽ lắm ưu phiền. Nhà Vua liền ra lệnh các quan tả hữu xem xét định liệu con suối ấy. Các quan vâng lệnh đến nơi thì thấy các Tỳ-kheo tắm đầy cả suối. Các quan quay trở về tâu với Vua, Vua nói: Chờ Tỳ-kheo tắm xong. Suốt cả ngày đêm hôm ấy, Ba lần đến xem, đều thấy các Tỳ-kheo thay nhau tắm luôn không ngớt. Bà-la-môn tướng sư lại tâu với Vua: Hung tinh kia sắp xuất hiện, sau khi hung tinh này xuất hiện mới tắm thì không có ích gì. Nhà Vua nghe câu nói này liền bảo chuẩn bị xa giá để Vua đến suối tắm. Nhà Vua tắm dưới dòng nước. Các quan thấy vậy dị nghị: Sa-môn Thích tử không biết thời nghi, không siêng năng, không quán niệm thể ô trược của thân, chỉ lo tắm rửa, trang điểm thân thể, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào trong vòng nửa tháng tắm, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo, phải tắm rửa mới lành. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi lúc nào cũng tắm được, thầy nên hướng dẫn phương pháp khác. Thầy thuốc nói: Chỉ có cách tắm rửa mới hết, chứ không có cách nào khác. Các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép khi có bệnh thường được tắm thì bệnh của chúng ta mau lành.

Lại có các Tỳ-kheo làm nhiều việc, bị đất bùn nhớp áo, nhớp thân, do vậy càng thêm phiền toái, lại nảy ra ý nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép khi làm việc được tắm giặt thì áo khỏi nhớp, thân khỏi nhớp được sạch sẽ, bớt mệt.

Lại có các Tỳ-kheo đi đường mệt nhọc, muốn tắm giặt mà không dám, lại suy nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép khi đi đường được tắm giặt thì sự mệt nhọc sẽ bớt đi. Lại có các Tỳ-kheo bị mưa gió bị bùn bụi làm nhớp áo, lại có ý nghĩ: Nếu khi trời mưa gió, Đức Phật cho phép tắm giặt thì có thể không bị bụi bùn làm nhớp. Mùa Xuân còn một tháng rưỡi và một tháng đầu mùa Hạ, các Tỳ-kheo bị nóng bức, mồ hôi nhễ nhại, lại nảy ra ý nghĩ: Vào lúc nóng nực, nếu Đức Phật cho phép tắm thì có thể không bị hoạn khổ ấy. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳkheo khi bệnh, khi làm việc, khi đi đường, khi mưa gió, khi nóng bức được tắm rửa không phạm. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào trong vòng nửa tháng mà tắm, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi bệnh, khi làm việc, khi đi đường, khi mưa gió, khi nóng bức, đó là nhân duyên. Khi bệnh: Là khi có chứng bệnh cần tắm rửa. Khi làm việc: Là khi lo liệu công việc, cho đến quét phòng. Khi đi đường: Là khi đi một do-tuần, hai do-tuần, cho đến chỉ nửa do-tuần. Khi mưa gió: Là khi trời gió mưa bị đất bùn nhơ nhớp. Khi nóng bức: Là lúc nóng bức đổ mồ hôi. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu khi tắm rửa cho thầy, hoặc cho người bệnh, thân hình mình bị ướt, bị nhớp thì tắm rửa không phạm.

Xong giới thứ bảy mươi

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thập thất quần Tỳ-kheo vừa cất xong phòng mới, Lục quần Tỳ-kheo muốn đến ở trong đó, đuổi Thập thất quần Tỳ-kheo ra. Thập thất quần Tỳ-kheo không chịu ra nên bị đánh. Bị đuổi bị đánh, Thập thất quần Tỳ-kheo kêu khóc inh ỏi. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, hỏi: Tại sao kêu la lớn tiếng như vậy? Lục quần Tỳ-kheo đánh đám con. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, có. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳkheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào đánh Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề”.

Có Tỳ-kheo ăn bị nghẹn, nhờ Tỳ-kheo khách đấm lưng, các Tỳkheo không dám đấm, nên nghẹt thở chết, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo không vì lòng giận mà đánh Tỳ-kheo, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào giận đánh Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”. Nếu đánh Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sa-di-ni, người khác hay súc sinh, phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheoni đánh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề; đánh Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, người khác cùng súc sinh, phạm Đột-kiết-la. Thức-xoama-na, Sa-di, Sa-di-ni đánh năm chúng, người khác, hay súc sinh, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ bảy mươi mốt

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo lại đến phòng Thập thất quần Tỳ-kheo tìm chỗ ở. Thập thất quần không chịu ra, Lục quần đưa tay lên như muốn đánh, Thập thất quần cũng lại la lớn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, ra hỏi: Tại sao các ông la lớn như thế? Lục quần Tỳ-kheo muốn đánh con. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dọa đánh Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo khi nói pháp dùng tay nhấn mạnh lời nói hoặc chỉ rõ vấn đề nào đó, nên lòng lại sinh nghi hối: Phải chăng ta đã phạm Badật-đề. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo không do lòng giận, dọa tay đối với Tỳ-kheo khác, mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vì giận, dùng tay dọa đánh Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”. Nếu dọa tay đánh, phạm Ba-dật-đề. Nếu dọa tay mà không đánh, phạm Đột-kiết-la. Ngoài ra như trong giới đánh Tỳ-kheo đã nói.

Xong giới thứ bảy mươi hai

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Thập thất quần Tỳ-kheo hài lòng với phòng vừa nhận được. Lục quần Tỳ-kheo ỷ mình là bậc Thượng tọa nên tùy tiện vào ở. Thập thất quần phải tránh qua những phòng hai bên. Lục quần Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận: Thập thất quần Tỳ-kheo biết hổ thẹn cẩn thận sợ tội lỗi, họ ở bên ta, chắc thấy được tội lỗi của ta. Chúng ta nên tạo phương tiện để họ tách xa ta. Lục quần bèn đến nói: Phòng này trước đây bỏ không, có nhiều sự đáng sợ sệt, các ông không nên ở đấy. Thập thất quần nói: Chúng con đóng kỹ cửa thì đâu có sợ gì. Lục quần Tỳ-kheo, trong đêm tối làm nhiều hình tướng để khủng bố Thập thất quần. Sáng hôm sau, hỏi Thập thất quần: Đêm vừa rồi các ông ngủ ngon giấc không? Thập thất quần nói: Chúng con nghe tiếng đáng sợ sệt, đóng kỹ cửa tư duy nên đâu có sợ gì. Lục quần Tỳ-kheo lại cùng nhau bàn luận: Chúng ta không thể khủng bố chúng nó bằng kiểu đó, chúng ta sẽ chờ chúng nó ra ngoài, rồi lén vào phòng giấu mình bên dưới giường của chúng. Lục quần thực hiện ngay kế hoạch, lẫn trong đêm đen, kéo áo, kéo chân, khiêng giường của Thập thất quần để chỗ khác. Thập thất quần Tỳ-kheo hoảng hồn, lớn tiến kêu la. Các Tỳ-kheo Trưởng lão đến hỏi: Chuyện gì mà la lớn tiếng thế? Thập thất quần thưa: Nơi đây không có giặc cướp mà không biết ai kéo áo, kéo chân, khiêng giường chúng con để chỗ khác, các Tỳ-kheo Trưởng lão liền bưng đèn đến soi rọi, thấy Lục quần Tỳ-kheo đang ngồi xổm dưới giường, hỏi: Các thầy ngồi đâu làm gì? Lục quần nói: Chúng tôi ngồi đây để khủng bố. Các Tỳ-kheo trưởng lão bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khủng bố Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo hỏi Tỳ-kheo cựu trú: Trong phòng này có điều gì đáng sợ sệt không? Vị kia hoặc không dám nói, hoặc nói rồi sinh nghi, sợ phạm tội Ba-dật-đề, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, bảo Các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo nào không cố ý khủng bố Tỳkheo khác mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào cố tâm khủng bố Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”. Ngoài ra như trong giới đánh Tỳ-kheo khác đã nói.

Xong giới thứ bảy mươi ba

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đạt-ma khởi ý nghĩ: Trước đây Bạt-nan-đà đoạt y của ta, do đó Đức Phật quở trách ta, rồi vì các Tỳ-kheo kiết giới. Nay ta nên đến trước Tăng nói thầy ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nghĩ rồi, liền đến trước Tỳ-kheo Thượng tọa báo: Bạt-nan-đà cùng người nữ, hai thân đụng chạm nhau, nói lời thô ác, khen ngợi sự cung phụng xác thân. Các Tỳ-kheo hỏi: Tại sao thầy biết? Đạt-ma nói: Tôi cùng đi, thấy thầy ấy làm việc như vậy. Các Tỳkheo Trưởng lão quở trách nói: Tại sao thầy, lúc không giận nhau thì che giấu, lúc giận nhau lại báo, nêu ra? Quý vị quở trách rồi, đem bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Đạt-ma: Thật sự các ông có như vậy không? Đạt-ma thưa: Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào che giấu tội thô ác của Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo không biết vị khác phạm tội thô ác, sau mới biết, bèn sinh nghi hỏi: Ta há không phạm Ba-dật-đề? Vị ấy bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không biết Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác, mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác mà che giấu, qua một đêm, phạm Ba-dật-đề”. Nếu từ lúc vừa sáng cho đến lúc mặt trời chưa xuất hiện, mỗi giờ phạm Đột-kiết-la, mặt trời xuất hiện, phạm Ba-dật-đề. Sa-di phạm Đột-kiếtla. Nếu muốn nói mà không có người để nói, hoặc sợ nạn khởi lên nên che giấu thì không phạm.

Xong giới thứ bảy mươi bốn

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Bạt-nan-đà khởi ý nghĩ: Tỳkheo Đạt-ma hứa với ta cùng đi, đã lấy y của ta nhưng rồi không chịu đi, ta phải lấy lại y kia, bị Đức Thế Tôn quở trách, rồi vì các Tỳ-kheo kiết giới. Sau đó, Đạt-ma lại tố cáo tội lỗi của ta, nay Ta nên dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ để hủy báng ông ta. Nghĩ như vậy rồi, Bạt-nan-đà đến nói với các Tỳ-kheo Trưởng lão: Thật sự tôi có xúc chạm thân người nữ, có nói lời thô ác, có tự khen mình để đòi hỏi sự cúng dường xác thân, Tỳ-kheo Đạt-ma cũng như vậy. Các Tỳ-kheo hỏi: Tại sao thầy biết? Bạt-nan-đà nói: Tôi cùng đi cho nên thấy rõ. Các Tỳkheo quở trách, nói: Tại sao thầy dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ để hủy báng Tỳ-kheo khác? Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ để hủy báng Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”. Hủy báng Tỳ-kheoni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni hủy báng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Hủy báng Thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni hủy báng năm chúng, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ bảy mươi lăm

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà khởi ý nghĩ: Tỳ-kheo Đạt-ma hứa với ta cùng đi… cho đến câu: Lại tố cáo tội của ta (như trên). Ta dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ để hủy báng, cũng không gây tổn hại, nay Ta lại dùng cách khác để trị mới được. Bạt-nanđà bèn đến chỗ Đạt-ma nói: Ông là đệ tử của tôi. Tôi là thầy của ông. Trước đây ông và tôi gây xích mích lẫn nhau, nay chúng ta nên huề, đừng hiềm khích nhau nữa, sống lại nếp sống như trước kia, cùng nhau đến các già đình, nhận nhiều thức ăn ngon bổ. Đạt-ma liền hòa giải, theo thầy cùng đi. Bạt-nan-đà liền dẫn đến nơi không có thức ăn, nếu có ai đến mời thì nháy mắt ra hiệu bảo họ đi đi. Bạt-nan-đà tính toán thế nào, Đạt-ma về lại chùa là trễ giờ ăn. Vì thế, Đạt-ma nhận lệnh của thầy như sau: Nay chỗ này không có thức ăn, ông nên về chùa. Đạtma vừa đi, Bạt-nan-đà đến gia đình đã mời, ăn nhiều thức ăn ngon bổ. Đạt-ma về đến chùa thì đã quá ngọ. Bạt-nan-đà ăn xong, về chùa hỏi Đạt-ma: Ông về có kịp giờ ăn không? Đạt-ma đáp: Không. Bạt-nan-đà an ủi nói: Nay ông mất một bữa ăn, ngày mai ta sẽ cho ông một bữa ăn ngon bổ gấp bội. Sáng mai, Bạt-nan-đà lại cũng đến như trước, cho đến Ba lần như vậy, rồi nói với Đạt-ma: Thời gian gần đây, tôi dẫn ông đến những chỗ đó, đều là những nơi thường nhận được thức ăn ngon bổ, nhưng không nhận được, sợ e ông bị “Kẻ bề trên” quở trách, hay thiên thần giận, hoặc là do tội nghiệp của ông nên mới đưa đến tình trạng như thế, ông đừng oán tôi. Ông có thể mau trở về chùa để kịp giờ ăn. Đạt-ma vội trở về chùa, vẫn không kịp giờ ăn. Bị đói mấy ngày liền nên Đạt-ma lả người không thể đứng dậy được, vì quá suy yếu. Bạt-nan-đà ăn xong quay về rồi lại đến hỏi: Ông có về kịp ăn không? Đạt-ma nói: Không kịp. Bạt-nan-đà bèn nói: Ông đã dối gạt thầy, nên phải bị trị phạt như vậy. Sau này nếu ông còn có thói đó sẽ bị trị nặng hơn. Khi ấy, Đạt-ma mới biết là mình bị thầy dối, tức giận la lớn: Tại sao Tỳ-kheo lại làm việc lừa dối khiến cho tôi ba ngày nhịn đói gần chết? Các Tỳ-kheo Trưởng lão hỏi: Tại sao thầy la om sòm thế? Đạt-ma nói: Bạt-nan-đà ba ngày gây não hại tôi, khiến tôi bị đói. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật con có như vậy. Bằng mọi cách, Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói với Tỳ-kheo khác: Cùng tôi đến các gia đình kia, tôi sẽ cho thầy nhiều thức ăn ngon bổ, nhưng rồi không cho mà bảo trở về, phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo dẫn các Tỳ-kheo đến nhiều gia đình mà không nhận được thức ăn nào, sinh tâm xấu hổ, lại có suy nghĩ: Phải chăng là đã phạm Ba-dật-đề? Do đó, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo không vì gây não hại người khác, không nhận được thức ăn, phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói với Tỳ-kheo khác: Cùng tôi đến các gia đình kia, tôi sẽ cho thầy thức ăn ngon bổ, vì cố ý gây xúc não, nên không cho, lại khiến đi về, phạm Badật-đề”.

Có các Tỳ-kheo dẫn Tỳ-kheo nuôi bệnh đến các gia đình, vì Tỳkheo bệnh để xin thức ăn, sợ người bệnh quá giờ ăn, khiến nên về mau, người kia đi rồi, bèn sinh ân hận: Ta cố ý bảo về, phải chăng là đã phạm Ba-dật-đề? Do đó, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo nào không vì để được ăn một mình nên khiến Tỳ-kheo khác về, mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói với Tỳ-kheo kia: Cùng tôi đi đến các gia đình kia, tôi sẽ cho thầy nhiều thức ăn ngon bổ. Khi đến rồi, không cho, lại nói như vầy: Ông đi đi, ông cùng tôi hoặc ngồi hoặc nói không vui, tôi ngồi một mình, nói một mình vui hơn, vì muốn gây não hại người kia, phạm Ba-dật-đề”. Nếu Tỳ-kheo gây xúc não Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến súc sinh theo kiểu này, phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo-ni gây xúc não Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni theo kiểu này, phạm Ba-dật-đề; gây não Thức-xoama-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến súc sinh theo kiểu này, phạm Đột-kiếtla. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni gây xúc não năm chúng theo kiểu này, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ bảy mươi sáu

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo cùng bạn đi đến nước Câu-tát-la, trên đường gặp giặc đoạt hết y bát. Sau đó, đi đến một trạm canh, người lính canh hỏi: Các Đại đức gặp giặc ở chỗ nào? Các Tỳ-kheo trả lời: Gặp giặc ở chỗ đó. Những người lính canh cùng nhau bàn luận: Nếu nhà Vua nghe các Tỳ-kheo bị đoạt y bát trong phạm vi trách nhiệm của ta, chắc chắn ta sẽ bị tội. Lính gác liền nói với Tỳ-kheo: Đại đức nán ở lại đây, chúng tôi sẽ truy tầm đám giặc lấy lại y bát. Lính liền truy tầm và bắt được, thu lại toàn bộ những gì chúng đã đoạt, để chung lại một đống. Những người lính bàn nói: Nên trả lại cho ai trước? Có ý kiến: Nên trả lại cho các Tỳ-kheo trước. Nhà Vua tin ưa Phật pháp nghe được chắc chắn hài lòng. Với ý kiến đó họ liền nói với Tỳ-kheo: Các thầy đến lấy y bát của mình đi! Các Tỳ-kheo phân vân trước đống y, có vị nói là y của tôi, có vị nói là không phải y của tôi, cho nên không dám lấy. Những người lính hỏi: Tại sao không lấy? Các Tỳ-kheo nói: Tôi không nhớ rõ y của tôi nên không dám lấy. Các người lính nói: Cố nhớ lại mà nhận lấy mau. Ngay khi ấy, các ngoại đạo bèn lấy y tốt của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo lấy sau nên phải lấy y xấu của ngoại đạo còn bỏ lại. Các người lính biết Sa-môn Thích tử đều mặc y tốt, mà nay lại nhận được y xấu của ngoại đạo, nên nói: Các thầy Sa-môn có gì đặc biệt đâu? Hình tướng cái y của mình còn không biết thì làm sao biết tâm của mình? Nếu các thầy biết hình tướng y của mình thì ngoại đạo đâu có lý do gì lấy được y tốt của các thầy. Các thầy Tỳ-kheo khi về đến chỗ Phật đem vấn đề này bạch lên Ngài. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo, hỏi: Thật sự các ông không biết hình tướng chiếc y của mình phải không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật là như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách xong, bảo các Tỳ-kheo. Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo nào nhận được y mới, nên dùng ba loại màu sắc để làm dấu, hoặc màu xanh, màu đen hay màu mộc lan. Nếu không dùng ba màu đó để làm dấu, phạm Ba-dật-đề”. Nếu không làm dấu mà đắp mặc thì mỗi lần mặc phạm một Ba-dật-đề. Nếu không mặc, mỗi đêm phạm một Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu y mới nhận được đã làm dấu rồi, thì không làm, không phạm.

Xong giới thứ bảy mươi bảy

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thập thất quần Tỳ-kheo bỏ y bát lung tung, không thu dọn, Lục quần Tỳ-kheo lấy giấu. Khi Thập thất quần Tỳ-kheo biết mất, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Y bát của con hình tướng như vậy, như vậy, con để chỗ này, con để chỗ kia, ai lấy đem đi đâu? Lục quần Tỳ-kheo nói: Chỗ này kẻ tới người lui, biết ai lấy mà hỏi? Thập thất quần lại hỏi: Người vừa rồi đến đây, họ đi hướng nào? Đáp: Họ đi bốn phương biết đâu mà nói… Nghe thế, Thập thất quần Tỳkheo tỏa ra bốn hướng đuổi kịp người mới đến rồi về, liền hỏi: Tôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, các người nên trả lại cho tôi. Những người ấy nói: Thưa Đại đức! Tôi đến vì chánh pháp chứ đâu đến để ăn trộm! Thập thất quần Tỳ-kheo bị câu nói hóc búa ấy, xấu hổ liền trở về. Lục quần Tỳ-kheo hỏi: Các ông có tìm gặp được họ không? Đáp: Có gặp. Lại hỏi: Có nhận lại được y bát không? Đáp: Không nhận được. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo đem y bát ra và nói: Y bát đây có phải của các ông không? Thưa phải. Các Tỳ-kheo Trưởng lão thấy, bằng mọi cách quở trách Lục quần, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình giấu vật của Tỳ-kheo khác, hoặc y, hoặc bát, tọa cụ, ống đựng kim, tất cả dụng cụ trong đời sống, hoặc sai người khác giấu, phạm Ba-dật-đề”.

Trường hợp có Tỳ-kheo không thu cất y bát, đồ vật của mình, các Tỳ-kheo khác thấy mà không dám thu cất, bỏ đi nên bị mất, do đó bị nghi, mang tiếng xấu, bèn khởi ý nghĩ: Phải chi Đức Phật cho phép chúng ta vì người kia thu cất đồ vật thì vị kia không bị mất y bát, mà ta không bị mang tiếng xấu. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu không cố ý giấu, vì các người khác cất giùm mà phạm Ba-dật-đề là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: Tỳ-kheo nào vì có ý đùa giỡn, giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo khác, nói chung là tất cả dụng cụ sinh sống của Tỳ-kheo khác, hoặc sai người giấu, phạm Ba-dật-đề. Nếu giấu vật dụng của Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, cho đến của súc sinh đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ-kheo-ni giấu vật của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề, giấu vật của người khác, phạm Đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, giấu vật của năm chúng, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ bảy mươi tám

Đức Thế Tôn ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Lục quần Tỳ-kheo có thế lực, các Tỳ-kheo thiện không có thế lực. Lục quần Tỳ-kheo ngăn các Tỳ-kheo thiện Yết-ma… cho đến câu: “Đức Phật bằng mọi cách quở trách” như trong giới “Như pháp đoán sự” trước kia đã nói. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào khi Tăng đoán sự như pháp gởi dục rồi, sau lại chê trách, phạm Ba-dật-đề”. Sau lại chê trách, tức là nói: Tôi vốn không gởi dục như vậy. Trường hợp Tăng không làm Yết-ma đoán sự, mà sau lại chê trách thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ bảy mươi chín

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo cần thứ y nào thì chúng Tăng đã cung cấp, sau đó lại được nhận thêm đã đủ ba y, cùng nhau bàn nói: Y này nên cúng cho ai? Có vị nói: Trước hết nên cúng cho Đức Thế Tôn. Có vị lại nói: Nên cúng cho Tôn giả Đại Ca-diếp. Tôn giả Đại Ca-diếp thường được Đức Thế Tôn khen ngợi, lại nữa là bậc Thượng tọa của chúng ta. Lục quần Tỳ-kheo lại nói: Trước hết nên cúng cho Cù Già Lê. Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo: Tôn giả Ca-diếp có mong cầu được nhiều y hay không? Đáp: Tôn giả Ca-diếp không cầu, có cho mới nhận. Nhân đó Đức Phật nói kệ:

Y này, y không dục
Không cho người có dục
Người không điều phục ý
Không nên mặc cà sa.
Người đã lìa tham dục
Thường nhất tâm nơi giới
Người điều tâm như vậy
Mới nên mặc y này.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, nên đem y này cúng cho Tôn giả Cadiếp. Quý vị liền vâng lời. Lục quần Tỳ-kheo lại nói: Các Tỳ-kheo đem vật của Tăng cho người mình quen biết. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Đức Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Họ nhận là có thật như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nói: Các Tỳ-kheo đem vật của Tăng cho người quen thân của mình, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ tám mươi

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc này, Tỳ-kheo Đạt-ma khởi ý niệm: Bạt-nan-đà trước đây đoạt y của ta, Đức Phật quở trách ta, rồi vì các Tỳ-kheo kiết giới. Ta nói ông ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa, ông ấy lại dùng Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ hủy báng ta và dứt phần ăn của ta cho đến ba ngày. Ta nên bằng cách nào để trả mối hận ấy. Đạt-ma nghĩ: Ông ấy vừa đối với ta tác tịnh thí y, ta không hoàn lại cái y ấy là đủ để trả mối nhục kia. Nghĩ như vậy, nên không hoàn chiếc y lại. Bạt-nan-đà, sau đó đến đòi lại y. Đạt-ma nói: Trước đây thầy bố thí rồi, sao nay đòi lại?! Bạt-nan-đà nói: Ta tác tịnh thí, chứ ta đâu bố thí! Dù vậy Đạt-ma vẫn không hoàn lại. Bạt-nan-đà bèn cưỡng bức đoạt lại. Đạt-ma bèn la lớn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, đều đến hỏi: Chuyện gì la to thế? Đạt-ma trả lời: Bạt-nan-đà đoạt lấy y của tôi. Các Tỳ-kheo trưởng lão quở trách Bạt-nan-đà: Tại sao tịnh thí cho người không đáng tin cậy, để rồi phải đoạt lại? Các Trưởng lão quở trách Đạt-ma: Người ta tịnh thí y, tại sao ông không hoàn lại? Các Trưởng lão bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Ông là người ngu si, thật sự ông có tịnh thí y cho người không đáng tin cậy hay không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật lại hỏi Đạt-ma: Ông là người ngu si, thật sự người ta tịnh thí y cho ông rồi, ông không hoàn trả lại phải không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Không nên tịnh thí cho năm hạng người sau đây:

– Một là hạng người không quen biết.
– Hai là hạng người kém hiểu biết.
– Ba-là hạng người không gần gũi.
– Bốn là hạng người không phải thân hữu hay đồng sư.
– Năm là loại người hay thay đổi.

Không phải năm hạng người này thì nên tịnh thí. Lại có hai pháp không nên tịnh thí:

– Một là không thể khen ngợi người.
– Hai là không thể làm cho người có tiếng tốt.

Lại có hai pháp không nên tịnh thí:

– Một là hạng người không thể vì người, nhận lấy trọng vật tịnh thí rồi giữ lấy như của mình.
– Hai là hạng người có trọng vật không thể tịnh thí để cho ai sử dụng và không hề ân hận.

Lại có hai pháp không nên tịnh thí:

– Một là hạng người không biết họ còn sống hay không.
– Hai là hạng người không biết họ còn tu hay không.

Từ ấy, các Tỳ-kheo lại có suy nghĩ: Đức Phật cho chúng ta tịnh thí, vậy nên tịnh thí cho cha mẹ, anh em, chị em. Việc này lại bạch Phật, Đức Phật dạy: Không nên tịnh thí cho bạch y, nên tịnh thí cho năm chúng. Có các Tỳ-kheo ở riêng một mình trong phòng, có y dư không biết tịnh thí bằng cách nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên hướng đến người ở cách xa mà tịnh thí. Nếu đối với ba y, cần đổi y nào thì nên để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối, tay cầm y, tâm nghĩ, miệng nói: Y này là của tôi, gồm có bao nhiêu điều, nay tôi xin xả. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Sau đó, mới nhận y dư, cũng như pháp trước, tâm nghĩ, miệng nói: Tôi có y này, gồm bao nhiêu điều, nay tôi xin thọ. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Chiếc y được xả, cũng nên tịnh thí, theo như pháp trước: Tâm nghĩ miệng nói: Đây là chiếc y dư của tôi, xin tịnh thí cho thầy… Rồi từ nơi thầy kia mà lấy dùng. Nếu không cần thay đổi người nhận, thì chiếc y dư kia nên tịnh ví như vậy. Pháp tịnh thí riêng, đến ngày thứ mười một, cần phải như pháp trước, tâm nghĩ, miệng nói: Đây là chiếc y dư của tôi, lấy lại từ nơi thầy… Sau đó, lại như pháp trước thọ trì tịnh thí. Nếu đối với người tịnh thí, nên như pháp trước làm pháp lần lượt tịnh thí: Tay cầm y, miệng nói: Đây là chiếc y dư của tôi, xin đối với Trưởng lão làm pháp tịnh thí. Vị Trưởng lão nên hỏi: Y này của trưởng lão, tác tịnh thí đối với tôi, tôi nên đem cho vị nào? Vị tác tịnh thí trả lời: Trong năm chúng, tùy ý cho ai cũng được. Tỳ-kheo Trưởng lão thọ tịnh thí nên nói liền: Nay tôi cho thầy… Nếu Trưởng lão cần cứ đến vị ấy lấy dùng, và nên bảo vệ nó cho tốt. Sau đó vị Tỳ-kheo thọ pháp tác tịnh thí kia đem việc này nói với vị Tỳ-kheo được xưng tên để cho trước kia. Tỳ-kheo được xưng tên kia sợ phạm tội trưởng y nên không dám thọ, không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Không nên nói với Tỳ-kheo được xưng tên. Nay Ta vì các Tỳkheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tịnh thí y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-a, Sa-di, Sa-di-ni rồi đoạt lấy lại, phạm Ba-dật-đề”. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Nếu cho y vị kia, sau đó xin lại, vị kia cho, mình nhận thì không phạm.

Xong giới thứ tám mươi mốt

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Bạt-nan-đà thường thọ sự cúng dường của một gia đình, sau đó, gia đình kia thỉnh Tăng. Ngày nọ, Bạt-nan-đà, sáng sớm mặc y mang bát vào thành, rảo khắp các gia đình để chuyện vãn… Đến giờ, chúng Tăng được cung thỉnh, các Tỳkheo mặc y bưng bát đến nơi nhà kia, và cả chúng phải ngồi chờ lâu. Các vị nói với người chủ: Giờ ngọ đã gần qua, tại sao không mời Tăng thọ thực. Người chủ nói: Tôi vì Bạt-nan-đà nên thỉnh Tăng, vậy phải chờ vị ấy đến đã. Khi Bạt-nan-đà đến thì đã gần quá ngọ. Các Tỳ-kheo có vị ăn được, có vị ăn được ít, có vị không ăn. Do đó người chủ chê trách Bạt-nan-đà: Sa-môn Thích tử có chuyện gì gấp đâu, tại sao đã nhận lời mời của tôi, lại đi đến các nhà khác, gần quá ngọ mới tới, khiến các Tỳ-kheo không ăn kịp những thức ăn do tôi cúng dường. Các thức ăn chúng tôi làm nhiều nay thành ra vô dụng. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách Bạt-nan-đà: Thầy không đem lại sự lợi ích cho Phật pháp nên mới gây khổ não cho chúng Tăng như vậy. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người, trước bữa ăn đến nhà khác, phạm Ba-dật-đề”.

Sau đó, người thí chủ của Bạt-nan-đà tự gánh thức ăn nấu rồi đến Tăng phường để cúng dường Tăng và Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà ăn

xong trước, lại đến nhà khác. Do Bạt-nan-đà không có mặt nên gia chủ không dọn thức ăn, mặc dù chúng Tăng ngồi đã lâu. Các Tỳ-kheo nói: Giờ ngọ gần qua sao không dọn mời Tăng? Gia chủ nói: Tôi vốn vì Bạtnan-đà, chờ thầy ấy đến sẽ dọn. Bạt-nan-đà cuối cùng không trở lại nên thức ăn ấy không được dọn. Gia chủ đã nhiều lời trách cứ Bạt-nan-đà, các Tỳ-kheo cũng chê trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật con có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người, trước bữa ăn, sau bữa ăn, đến nhà khác, phạm Ba-dật-đề”.

Các Tỳ-kheo, có việc của Tăng, việc của tháp, việc riêng cần đến nhà khác mà không dám đi, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo báo với các Tỳ-kheo khác trước khi đi. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lời mời, trước bữa ăn, sau bữa ăn, đến nhà khác, không báo với Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”.

Hoặc có các Tỳ-kheo hiềm nghi không nói chuyện với nhau, hoặc ngồi thiền hay ngủ mê, không biết báo cáo với ai khi ra ngoài cửa ngõ, thấy các Tỳ-kheo bèn chạy đuổi theo, từ xa kêu lớn để báo. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Tỳ-kheo chạy như nai, như thỏ, kêu la như chim cú trọc đầu, thật không có hạnh của Sa-môn, phá pháp của Sa-môn. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn, sự thật có như vậy. Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Không nên từ xa mà báo. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người, trước bữa ăn, sau bữa ăn đi đến nhà khác, không đứng gần để báo với các Tỳ-kheo khác, phạm Ba-dật-đề”.

Các Tỳ-kheo lại có suy nghĩ: Thời gian của y có nên bạch hay không? Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Trừ thời gian của y. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người, trước bữa ăn, sau bữa ăn đi đến nhà khác, không đứng gần để báo với các Tỳ-kheo khác, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là: Thời gian của y gọi là nhân duyên. Nếu báo đến nhà A mà đến nhà B, thì không gọi là báo. Nếu không báo mà đến các gia đình, một chân vào trong cửa, phạm Đột-kiết-la, hai chân vào trong cửa, phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, phạm Đột-kiết-la. Nếu báo đến một nhà, nhân đó đến một nhà khác thì không phạm. Nếu không có Tỳ-kheo để có thể báo cũng không phạm.

Xong giới thứ tám mươi hai

Đức Phật du hóa tại nước Câu-tát-la cùng đầy đủ chúng Đại Tỳkheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Các Tỳ-kheo, có người nhận được phòng để ngủ, có vị ngủ ở gốc cây, có vị nằm nơi đất trống. Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo vừa sáng sớm đã mặc y bưng bát, nơi đường hẻm, cùng các bạch y nói chuyện về thế sự, cho đến xẩm tối. Người đi đường thấy, dị nghị nói: Chỗ này không phải là chỗ của người xuất gia nói chuyện, tại sao không ở nơi A-lan-nhã giữ gìn các căn, hoặc có người nói: Những vị này không ưa Phật pháp, không kính giới luật, được nơi nói chuyện vui đùa là quên cả thời gian. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào vào xóm làng phi thời phạm Ba-dật-đề”.

Có các Tỳ-kheo, có duyên sự, cần vào xóm làng lúc phi thời, mà không dám vào, bạch Phật: Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép có duyên sự được vào xóm làng lúc phi thời. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào, phi thời vào xóm làng, không đến gần để báo với Tỳ-kheo thiện, trừ nhân duyên, phạm Ba-dật-đề”. Nhân duyên là khi có nạn. Sa-di phạm Độtkiết-la. Nếu trên đường đi, trải qua xóm làng, hoặc chiều tối cần phải nghỉ đêm, hay là có tám nạn khởi, đều không phạm.

Xong giới thứ tám mươi ba

Đức Phật ở thành Vương-xá. Bấy giờ, cách thành không xa có một cái miễu thờ thần cây, nhiều người phụng thờ khi tiết hội, đến bảy ngày mới xong, các loại hoa dùng để dâng tiến lễ, họ vất lại đó. Sau đấy các Tỳ-kheo lấy đem về độn vào giường dây, giường cây và làm gối làm nệm. Các bạch y thấy, chê trách nói: Những vật này hôi hám, thường sinh các loài trùng, tại sao các Tỳ-kheo lại ngồi nằm trên đó, thật không có hạnh của Sa-môn, phá pháp Sa-môn! Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách xong, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dùng các loại hoa độn vào dụng cụ ngồi nằm, phạm Ba-dật-đề”.

Các loại hoa là chỉ cho hoa Liễu, hoa Bạch dương, hoa Bồ lê, hoA-diệm bà. Khi khởi tâm và chuẩn bị độn đều phạm Đột-kiết-la, làm thành phạm Ba-dật-đề. Nếu không phá bỏ đi và nếu ngồi thì mỗi một khi ngồi phạm Ba-dật-đề. Nếu nằm mỗi một khi nằm phạm Ba-dật-đề. Người khác cho mà nhận phạm Ba-dật-đề. Chủ yếu là trước hết phải xả bỏ, rồi mới sám hối. Không làm như thế mắc tội càng nặng. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ tám mươi bốn

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, các Tỳ-kheo sử dụng loại giường cao chân, các Tỳ-kheo già bệnh, khi leo lên leo xuống, té xuống đất bị thương, hoặc bị lộ hình, các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Tỳkheo này như nhà Vua, như các nhà quý phái, hào tộc, không biết tiết kiệm. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc cúng chiếc giường nằm của mình cho Tỳ-kheo Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà nhận được chiếc giường rồi đem trưng bày trong phòng của mình. Thường pháp của Đức Thế Tôn là cứ mỗi năm ngày đến xem xét phòng của các Tỳ-kheo một lần. Bạt-nan-đà khoe với Phật: Chiếc giường của con đặt nơi đây. Đức Phật liền quở trách: Ông là kẻ ngu si, tại sao an tâm ở trong nhà hầm nguy hiểm của sinh tử, không có ý mong cầu ra khỏi?! Ông không nên sử dụng chiếc giường cao sang, trang sức bằng gấm vóc thế này. Nếu trái phạm thì phạm tội Đột-kiết-la. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào tự mình làm tọa cụ, giường dây, giường cây, chân giường chỉ nên cao bằng tám ngón tay của đức Thiện Thệ, trừ khúc vào lỗ mộng, nếu quá, phạm Ba-dật-đề”.

Nếu giường ấy, tự mình làm hay sai người khác làm, cao hơn mức quy định cũng đều phải cắt bỏ, rồi mới sám hối tội phạm. Nếu nhận được giường của người ta cho, cao quá mức, thì khi nhận phải nhớ nghĩ ngay là giường này không như pháp, ta sẽ cắt bỏ. Nếu không khởi ý niệm như vậy mà nhận, phạm Ba-dật-đề. Nên cắt bỏ, rồi sau mới sám hối. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.

Xong giới thứ tám mươi lăm

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo dùng xương, răng, sừng làm ống đựng kim. Các vị đi tìm kiếm khắp nơi, kể cả đi bới lượm nơi đống rác. Các Cư sĩ thấy, chê trách nói: Các Sa-môn này giống như chó, như chim, như thợ tiện sừng, nhơ nhớp đáng gớm. Các Tỳ-kheo đến nơi lò sát sinh, chờ khi họ giết bò trâu để xin. Các tên đồ tể hiềm khích nói xỉa: Xem ra các Sa-môn này chỉ muốn giết nhiều, thấy giết nhiều thì thích. Đám này ngày đêm thường rao giảng nói từ bi hộ niệm đối với chúng sinh, mà nay không hề có tâm trắc ẩn, nhân từ. Bấy giờ, có một người thợ tiện xương, tin ưa Phật pháp, thường cung cấp các dụng cụ ấy cho các Tỳ-kheo, hoặc tự lấy xương sừng của mình cất giữ để làm hoặc tìm kiếm xương sừng để làm. Sự việc ấy, đưa đến tình trạng người thợ không có thì giờ rảnh để làm cho người khác. Người trong nhà nói với nhau: Nếu cứ mãi làm không công cho các Sa-môn thế này thì chúng ta mỗi người tự lo lấy sự sống. Người láng giềng bàn luận: Ông tin kính Sa-môn nên mới khốn cùng như thế. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳkheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào dùng xương, răng, sừng làm ống đựng kim, phạm Ba-dật-đề”. Nếu Tỳ-kheo dấy tâm và tạo phương tiện muốn làm, phạm Đột-kiết-la, làm thành rồi phạm Ba-dật-đề. Tất cả đều nên phá hủy trước rồi sau mới sám hối tội đọa. Làm ống để nhỏ thuốc lỗ mũi thì không phạm. Ngoài ra như trong giới làm giường nằm đã nói.

Xong giới thứ tám mươi sáu

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các Tỳ-kheo không trải tọa cụ mà ngồi trên giường của Tăng nên nệm bị nhớp. Lại có một Tỳ-kheo bị són mà tưởng là chỉ có gió ra. Khi biết được đem giặt, phơi trước phòng. Đức Thế Tôn thấy, hỏi Tôn giả A-nan: Cái nệm ấy của ai? Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ vấn đề. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Không nên không trải tọa cụ mà ngồi trên giường nệm của Tăng, trái phạm thì phạm Đột-kiết-la. Nay cho phép các Tỳ-kheo, để bảo vệ thân, bảo vệ y, bảo vệ giường nệm của Tăng, được dùng tọa cụ. Các Tỳ-kheo lại có suy nghĩ: Đức Phật đã cho phép chúng ta dùng tọa cụ. Do thế quý vị lại làm rộng lớn, nên thòng xuống đất bị nhớp, các Cư sĩ hỏi các Tỳ-kheo: Đây là y gì mà lòng thòng quét đất? Đáp: Đây là tọa cụ của chúng tôi. Họ dè bỉu nói: Thưa Đại đức! Sao không làm cân xứng với thân? Tuy không phải xuất tiền của mình nhưng phải biết tiết kiệm chứ. Thích tử thường nói: Ít muốn, biết vừa đủ, mà nay lại như thế này, thật không có hạnh Sa-môn, phá pháp của Samôn, Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào làm Ni-sư-đàn, nên làm cho đúng lượng, dài hai gang tay của Đức Thiện Thệ, rộng một gang rưỡi. Nếu làm quá lượng, phạm Ba-dật-đề”. Trưởng lão Ưu-đà-di thân hình lớn, tọa cụ nhỏ, ngồi còn dư ra hai đầu gối. Khi Đức Phật đến xét các phòng, Ưu-đà-di nắm kéo tọa cụ như kéo da trâu. Đức Phật hỏi: Tại sao làm vậy? Ưu-đà-di thưa: Bạch Đức Thế Tôn, thân hình con lớn mà cái tọa cụ nhỏ, nên con kéo ra cho rộng. Đức

Phật quở trách nói: Ông là người ngu si, khi nào cũng đóng kịch. Nay Ta cho phép thêm hai đầu một gang tay nữa. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào làm Ni-sư-đàn phải làm đúng lượng, dài hai gang tay, rộng một gang tay rưỡi của Đức Thiện Thệ, rồi thêm vuông vức một gang. Nếu làm quá lượng định, phạm Ba-dật-đề”. Thêm vuông vức một gang tay: Rọc lấy ba phần nối đầu chiều dài, còn một phần điểm bốn góc, không điểm thì thôi. Trừ Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni. Ngoài ra như trong giới làm giường đã nói.

Xong giới thứ tám mươi bảy

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Tỳ-kheo Tỳ-la-đồ thân hình bị sinh ghẻ, máu mủ chảy nhớp nhúa, mặc y phục, khi cởi ra, bị dính vào ghẻ đau. Đức Phật đi tuần hành các phòng thấy, hỏi Tỳ-kheo kia: Bệnh của ông có thuyên giảm không? Có đau nhức lắm không? Tỳ-kheo bệnh thưa: Bệnh của con không thuyên giảm, đau nhức quá sức! Mặc y phục, khi thay, ghẻ dính vào, lột cả da, đau nhức không thể tưởng tượng. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo, vì hộ thân, hộ y, hộ nệm ngồi của Tăng, được dùng y che ghẻ, dùng vải mỏng mịn để làm. Các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Đức Phật cho phép chúng ta làm y che ghẻ, bèn làm dài, trùm cả trên đầu cho đến chân, kéo lê dưới đất nhớp y. Các Cư sĩ thấy, bèn chê trách (như trong giới ni-sư-đàn đã nói). Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳkheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Thật sự các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào làm y che ghẻ, nên làm đúng lượng, dài bốn gang tay, rộng hai gang tay của Tu-già-đà (Thiện Thệ). Nếu làm quá lượng định, phạm Ba-dật-đề”. Y che ghẻ, mặc khi có ghẻ, ghẻ lành nên tịnh thí. Ngoài ra như trong giới tọa cụ đã nói.

Xong giới thứ tám mươi tám

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, Đức Phật cho phép Tỳ-xákhư-mẫu dâng cúng áo tắm mưa cho Tăng. Các Tỳ-kheo làm vừa rộng vừa dài, các Cư sĩ chê bai… cho đến các Tỳ-kheo bạch Phật, như giới trước đã nói. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào làm áo tắm mưa, nên làm cho đúng lượng, dài năm gang tay, rộng hai gang rưỡi tay của Tu-già-đà, nếu làm quá lượng định phạm Ba-dật-đề”. Ngoài ra như trong giới làm y che ghẻ đã nói.

Xong giới thứ tám mươi chín

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, các Tỳ-kheo may y của mình bằng hay dài hơn y của Tu-già-đà. Cư sĩ chê trách nói… cho đến câu: Các Tỳ-kheo bạch Phật, đều như giới trước đã nói. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào may y của mình bằng hay dài hơn của Tu-già-đà, phạm Ba-dật-đề”. Lượng của y mình bằng y của Tu-già-đà tức là chiều

20 dài bằng chín gang tay, chiều rộng bằng sáu gang tay của Tu-già-đà. Như vậy gọi là lượng y của mình bằng y của Tu-già-đà. Nan-đà thấp hơn Đức Phật bốn ngón tay, không biết nên may theo y lượng nào, bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép Nan-đà may y ngắn hơn y Phật hai ngón tay. Lại có các Tỳ-kheo thấp hơn, không biết may theo lượng nào, bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép tùy theo thân hình người cao hay thấp để may y. Ngoài ra, như trong giới y tắm mưa đã nói.

Xong giới thứ chín mươi

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Nan-đà, Bạt-nan-đà cùng nhau bàn nói: Đức Thế Tôn đã dạy xoay vật của Tăng về cho mình, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Nay chúng ta nên xoay về cho nhau. Hai vị đều nói với đàn-việt, để rồi cùng nhau thủ lợi. Các Tỳ-kheo trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Nan-đà, Bạt-nan-đà: Thật sự hai ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo nào biết vật đàn-việt muốn cúng cho Tăng mà xoay về cho người khác, phạm Ba-dật-đề”.

Ngoài ra, như trong giới xoay vật của Tăng về cho mình đã nói.

Xong giới thứ chín mươi mốt