LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 3
Phẩm 5: THÍCH NGUYỆN
Phần 2
Nguyện làm cho cõi Phật thanh tịnh,
Diệt trừ những ác hành lẫn tạp.
Những việc làm bất tịnh là: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời thêu dệt, tham lam, giận dữ, sống tà vạy, uống rượu. Trong cõi nước còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và những cõi ác, đó là những thứ bất tịnh.
Lại nữa, chúng sinh không có lòng tin, biếng nhác, tâm rối loạn, ngu si, dua nịnh, ganh ghét, bỏn sẻn, giận dữ, cừu hận, mê theo tà kiến, kiêu mạn, hỗn láo vô lối, cho mình hay giỏi mà xấc xược, cho mình hơn người, làm ra vẻ lạ kỳ, cầu quen thân, xúi giục, đè ép và nâng cao, từ lợi này cầu lợi khác, chuộng vui trần thế, buông lung, ý tứ buông thả, ưa điều ác, bất chính, tà dâm, không biết đến cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, không nhẫn nhục, phá oai nghi, hỏi vặn, quán theo tri giác tà ngụy, tham dục, sân hận, ham ngủ, đùa cợt, mọi xấu ác đó đều được che lấp bởi nghi ngờ và hối tiếc, cho nên gọi là bất tịnh.
Lại nữa, còn có nhiều chim ác, nhiều giặc cướp thù oán, hạn hán đến nỗi không có giọt nước uống, đói khát, dịch hạch, khiến người sợ, cả đến phi nhân cũng sợ. Bên trong thì bọn phản nghịch, bên ngoài thì giặc giã, hoặc mưa nhiều, hoặc hạn hán. Những suy sụp thảm não ấy là báo hiệu một tiểu kiếp tận diệt. Đó là bất tịnh.
Lại nữa, chúng sinh chết yểu, sắc mặt xấu ác, không có sức lực, đau khổ lan tràn, thiếu can đảm, nhiều bệnh tật, thiếu oai lực, thiếu bà con lành, nhiều bà con ác, tình bà con dễ tan vỡ, nhà ở chật chội, cuộc sống yếu kém, bất chính xuất gia, gọi là bất tịnh.
Lại nữa, có những Tăng-khư-du-già, Ưu-lầu-ca vương, Na-ba-la-tha, Tỳ-khư-na, Bình-sa-vương, tiên nhân Na-kiết-lược, tiên nhân voi, người đoạn dâm, đệ tử tu hành cao thượng. Kẻ chăn dê, người có lòng cao cả, người nhẫn nhục. Người sống khó khăn như Kiều-đàm-ma, Cưulan-đà. Kẻ cứu độ người, kẻ gánh nước. Bà-la-sa-già-na, Phả-la-đọa-xà, người quấn y, người không có y, người mặc y da thuộc, kẻ mặc áo da, kẻ mặc áo bằng cỏ, người mặc y dưới, người mặc áo kết bằng lông chim Giác điệc, người mặc áo bằng vỏ cây, kẻ tắm giặt ngày ba lần, người tùy thuận. Kẻ thờ Phạm vương, người thờ Cứu-ma-la, người thờ Tỳ-xáxà, người thờ Kim-sí-điểu, người thờ Càn-thát-bà, người thờ Diêm-la vương, người thờ Tỳ-sa-môn vương, người thờ thần Mật Tích, người thờ thần Phù-đà, người thờ rồng, Sa-môn lỏa thể, Sa-môn áo trắng, Sa-môn áo nhuộm, Sa-môn Mạt-ca-lê. Người Tỳ-la-đa-tử, người Ca-chiên-diên Ni-kiền-tử, người Tác-kỳ-giá-tử, người giữ giới trâu, người giữ giới nai, người giữ giới chó, người giữ giới ngựa, người giữ giới voi, người giữ giới ăn xin, người giữ giới Cứu-ma-la, người giữ giới chư Thiên, người giữ giới cao thượng, người giữ giới dâm dục, người giữ giới tịnh khiết, người giữ giới lửa.
Lại có người nói Sắc diệt là Niết-bàn, người nói Thanh diệt là Niết-bàn, người nói Hương diệt là Niết-bàn, người nói Vị diệt là Niếtbàn, người nói Xúc diệt là Niết-bàn, người nói Giác quán diệt là Niếtbàn, người nói hỷ diệt là Niết-bàn, người nói khổ-vui diệt là Niết-bàn. Người quấn áo ướt làm vòng hoa, người dùng nước sạch, người ăn sạch, người sống sạch, người cầm chày giã, người đập đá, người mừng khi tắm, người lặn hụp dưới sông, người ở nơi trống trải, người nằm trên gai nhọn, người có tánh thế gian, người to lớn, người chấp ngã, người ưa sắc, người ưa âm thanh, người ưa mùi thơm, người ưa đồ ngon, người ưa đụng chạm, người biết về đất, người biết về nước, người biết về lửa, người biết về gió, người biết về hư không, người biết về hòa hợp, người biết về biến đổi, người biết về mắt, người biết về tai, người biết về mũi, người biết về lưỡi, người biết về thân, người biết về ý, người biết về thần túc. Xuất gia hay tại gia mà tin và làm theo những tà kiến như vậy đều gọi là bất tịnh.
Lại nữa, mặt đất chỗ cao, chỗ thấp, hầm hố, gò nổng, rừng bụi, gai chông bén nhọn, gây nhiều trở ngại, đất đầy bụi cát tanh hôi, với bùn nhơ nhớp, nước lụt đọng vũng như cối đá bị vùi lấp. Núi hiểm trở cao vót, nhiều đèo quanh co trở ngại, núi trùng điệp ngăn cách, cao sừng sững khó leo. Các mỏ muối đều bị cháy khô chỉ còn lại cát sỏi ngói đá. Trái cây mất màu sắc, hương-vị nếu có cũng không còn là bao. Các loại cỏ làm thuốc không tốt. Thế mạnh mòn yếu do thiếu ăn uống, không còn sự tuyệt diệu của sắc-thanh-hương-vị-xúc, không còn cảnh đẹp của vườn hoa lầu gác, suối chảy, ao tắm, núi nhỏ, mô đất cao… Những nơi lên núi trông xa vui thú, đều điêu tàn.
Quận, huyện, xóm làng không còn kề nhau. Nhiều bỏ hoang, dân cư thưa thớt, mà hầu hết đều nghèo khổ bần cùng, thấp kém. Ở kinh thành thì tể tướng, đại quan, người cao sang, khách buôn, thợ giỏi khéo tay, người học hỏi đều giảm hết. Những vật cần dùng cho thân như áo quần, đồ nằm, thuốc men đều khó kiếm được, dù có được cũng chẳng phải là đồ tốt, đó gọi là bất tịnh.
Nói tóm lại là bất tịnh có hai loại:
1. Vì nhân duyên của chúng sinh.
2. Vì nhân duyên của hành nghiệp nhân duyên của chúng sinh, là bởi vì chúng sinh đầy tội lỗi xấu xa. Nhân duyên của hành nghiệp là bởi vì những hành vi đầy tội lỗi xấu xa. Hai điều này đã nói ở trên. Chuyển đổi hai điều này thì có được công đức của chúng sinh và công đức của hành nghiệp. Hai công đức này gọi là Tịnh độ, là quốc độ thanh tịnh. Nên biết rằng tùy theo nhân duyên bổn nguyện của các Bồ tát, các Bồ tát có năng lực thực hành các loại vô cùng tinh tiến, hạnh nguyện của Bồ tát vô lượng, không thể nào nói hết được, vì vậy nay chỉ nói sơ lược để nêu rõ ràng đầu mối của sự việc, những điều còn lại nên biết như vậy.
Nói gọn và tướng của Tịnh độ, đó gọi là Bồ tát khéo đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, pháp lực công đức của chư Phật đầy đủ, của Thanh văn đầy đủ, Bồ-đề thọ đầy đủ, thế giới trang nghiêm, chúng sinh hoàn thiện được nhiều ích lợi.
Người có thể hóa độ chính là đại đa số chúng được tập hợp đầy đủ do oai lực của Phật.
Người khéo chứng quả Bồ-đề là dùng mười việc để trang nghiêm:
- Xa lìa những pháp hành khổ hạnh.
- Không có tâm nhàm chán kém cỏi.
- Nhanh chóng đạt được.
- Không cầu mong ngoại đạo làm thầy.
- Hạnh nguyện Bồ tát đầy đủ.
- Không có ma oán.
- Không có những điều trở ngại.
- Chư thiên tụ hội nhiều.
- Đầy đủ những điều hiếm có.
- Đầy đủ thời gian
Xa lìa những pháp hành khổ hạnh, là nếu Bồ tát xuất gia vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì không thực hành những pháp tu khổ hạnh, đó là hoặc bốn ngày, hoặc sáu ngày, hoặc tám ngày, hoặc nửa tháng, hoặc một tháng, thậm chí ăn một hạt mè, một hạt gạo, một quả cây, hoặc chỉ uống nước, hoặc chỉ nuốt không khí, không dùng những pháp tu khổ hạnh như vậy để cầu đạo, mà an tọa nơi đạo tràng thành tựu Phật đạo.
Không có tâm nhàm chán kém cỏi, là nếu Bồ tát đạt được một phần ít tâm lý chán ngán lìa xa thì lập tức cầu mong xuất gia.
Nhanh chóng đạt được, là nếu Bồ tát xuất gia rồi thì đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không cầu mong ngoại đạo làm thầy, là nếu Bồ tát xuất gia rồi, có bậc Đại sư ngoại đạo, có danh tiếng lừng lẫy, cũng không đến hỏi han mong cầu, các ông nói pháp gì, luận về điều gì, lấy gì làm lợi ích, cũng không tìm cầu gì ở khắp bốn phương.
Hạnh nguyện Bồ tát đầy đủ, là lúc Bồ tát sắp thành tựu Phật đạo, các Bồ tát trong ba ngàn Đại thiên thế giới và các Bồ tát ở phương khác, đều mang vật phẩm cúng dường đến vây quanh rồi, chờ đợi Đức Phật thành đạo phóng ra ánh sáng rộng lớn, tất cả cùng nhau cúng dường, nghe pháp từ Đức Phật đều thực sự đạt được phần vị. Nhất sinh bổ xứ không còn thối chuyển.
Không có ma oán, là nếu Bồ tát đến lúc sắp thành Phật, thì không có ma quân nào có thể đến phá hoại. Không có những điều trở ngại, là lúc Bồ tát sắp thành Phật, thậm chí không có mảy may phiền não để tiến vào trong tâm tư được.
Các đại chúng tụ hội, là nếu Bồ tát đến lúc sắp thành Phật, thì Tứ thiên vương-Chư thiên cõi Đao lợi, chư Thiên cõi Dạ-ma, chư Thiên cõi Đâu-suất-đà, chư thiên cõi Hóa-lạc, chư Thiên cõi Tha-hóa-tự-tại, chư Thiên cõi Phạm cho đến chư Thiên cõi A-ca-nị-tra, cùng các vị rồngthần, Dạ-xoa, càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-ma-la, Ma-hầu-lagià, và tất cả các thần trong vô lượng thế giới khắp mười phương, đều mang vật phẩm cúng dường thượng diệu bậc nhất đến cúng dường Bồ tát. Đây gọi là Đại chúng tụ hội đầy đủ.
Còn người Thanh văn nói: Chư Thiên trong mười thế giới đều đến nơi ấy, gọi là chư Thiên tụ hội đông đủ. Đầy đủ những điều hiếm có, là nếu vào lúc Bồ tát được thành Phật, thì mặt đất phát ra sáu loại chấn động, vô lượng ba ngàn Đại thiên thế giới khắp mười phương, vốn có các cung điện của Ma vương đều bị biến hoại không còn màu sắc, ánh sáng không còn xuất hiện nữa. Vô lượng núi Tu-di thảy đều lay động, vô lượng biển rộng thảy đều chấn động dữ dội, tất cả thế giới nở hoa trái mùa, mưa xuống hương bột, Chiên-đàn và các loại hoa kỳ lạ của cõi trời, cùng những điều hiếm có vô cùng. Đầy đủ thời gian, là luôn luôn không có những dịch bệnh, đói kém, chiến tranh, lưu lạc, trốn chạy, mưa tưới xuống theo thời tiết, không có các tai họa bất ngờ. Các bậc vua chúa đều đúng như pháp mà sử trị cảm hóa, nhân dân yên vui thọ mạng lâu dài, không còn có giặc thù, không còn có các loại chim thú dữ tợn-trùng độc-quỷ thần làm não hại chúng sinh.
Oai lực công đức của Phật, là oai lực công đức và trí tuệ của Phật trong quá khứ- vị lai-hiện tại, có vô lượng pháp sâu dày đều bình đẳng, không khác nhau, chỉ tùy thuộc nhân duyên bản nguyện của chư Phật. Hoặc có thọ mạng vô lượng, hoặc có người trông thấy Phật, là đạt được Tất định, có người nghe tên Phật cũng đạt được Tất định. Người nữ trông thấy Phật liền chuyển thành thân nam, hoặc có người nữ nghe tên Phật cũng chuyển được thân nữ, hoặc có người nghe tên Phật liền được vãng sinh. Hoặc có vô lượng ánh sáng, chúng sinh nào gặp được thì lìa hết các chướng ngại che phủ, hoặc có người nhờ ánh sáng liền tiến vào Tất định, hoặc nhờ ánh sáng mà diệt trừ tất cả khổ não.
Thọ mạng vô lượng, là thọ mạng trải qua vô lượng kiếp vượt quá mọi tính toán, một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, ức kiếp, trăm ngàn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ kiếp.
Phật sống lâu như vậy chỉ vì thương xót chúng sinh mà làm nhiều ích lợi cho họ. Tất cả Chư Phật tuy có thọ mạng trải qua vô lượng kiếp, nhưng vì bổn nguyện cho nên có Phật ở đời lâu, có Phật ở đời không lâu.
Khi trông thấy Phật là được nhập vào Tất định, nghĩa là có chúng sinh vừa thấy Phật liền được an trú không còn thối chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì những người này khi được thấy thân Phật thì tâm hoan hỷ, thanh tịnh, vui vẻ. Tâm họ tức thời tiếp nhận được Tam-muội của Bồ-tát như vậy, từ sức của Tam-muội này mà thông đạt thật tướng của mọi pháp, có khả năng tiến thẳng vào địa Tất định Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các chúng sinh này, suốt thời gian dài với tâm sâu xa, vừa thấy Phật là tiến vào căn thiện Tất định, lấy tâm đại bi làm đầu, thanh tịnh vô cùng cho nên thông đạt hết thảy pháp của Phật. Vì độ thoát hết thảy chúng sinh, cho nên đến khi căn thiện thành tựu thì cũng là lúc gặp được Phật.
Lại vì nhân duyên và bổn nguyện của chư Phật hòa hợp nhau cho nên sự việc này được thành tựu.
Nghe tên Phật được tiến vào Tất định là; Phật có bổn nguyện: “Nếu người nào nghe tên của Ta thì được tiến vào Tất định”. Như thấy Phật, nghe tên Phật cũng như vậy.
Người nữ trông thấy Phật được chuyển thân nữ, là nếu có người nữ nào một lòng mong cầu thay đổi thân nữ, tận trong đáy lòng chán ngán thân ấy, có sức mạnh của lòng tin hiểu, thệ nguyện làm thân nam, cho nên khi người nữ ấy trông thấy Phật, liền được chuyển đổi thân nữ. Nếu người nữ không có nhân duyên hành nghiệp như vậy và nghiệp thân nữ chưa hết, thì không gặp được Phật như vậy.
Người nữ nghe tên Phật được chuyển đổi thân nữ, nhân duyên sự việc này như trong kinh Phật đã nói.
Nghe tên Phật liền được vãng sinh, là nếu người có nhiều sức tin hiểu, các căn thiện đã thành tựu, nghiệp chướng đã hết, người như vậy được nghe tên Phật, phù hợp với nhân duyên bổn nguyện của Phật, thì được vãng sinh.
Vô lượng ánh sáng, là ánh sáng của hết thảy Chư Phật đã soi chiếu, xa gần tùy theo ý muốn. Ở đây nói là vô lượng, chính là Thường quang của Phật. Thường quang soi sáng không thể dùng số lượng bằng dặm hoặc do tuần để làm hạn lượng, bao trùm khắp phương Đông bao nhiêu trăm ngàn vạn ức do tuần, không thể suy lường được. Phương Tây-Nam-Bắc, bốn phía phụ thuộc và trên dưới cũng lại như vậy, chỉ biết là vô lượng chứ không biết được giới hạn.
Gặp ánh sáng trừ hết mọi ngăn che, là nhờ vào sức bản nguyện của chư Phật mà có kết quả như thế. Tham dục, sân hận, ngủ mê, ăn năn, bồn chồn, nghi ngờ đều bị trừ bỏ. Chúng sinh gặp ánh sáng này thì luôn luôn nghĩ đến Phật. Do nghĩ đến Phật cho nên nghĩ đến pháp. Nghĩ đến pháp cho nên mọi ngăn che đều bị tiêu tan. Ánh sáng chạm vào thân thì bao nhiêu khổ não đều tiêu diệt hết, nếu chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và phi nhân đang chịu nhiều khổ não, được ánh sáng do sức thần thông và bản nguyện của chư Phật chạm vào thân thì mọi khổ đau được lìa xa.
Pháp đầy đủ là đầy đủ tất cả pháp của chư Phật. Không có đầy đủ và không đầy đủ là pháp chư Phật nói đều giống nhau cho nên pháp đều đầy đủ, chỉ do nhân duyên và bản nguyện chư Phật có sự sai biệt không đồng, cho nên có pháp Phật trụ lâu trong đời, hoặc có pháp Phật không ở lâu trong đời.
Sao gọi là pháp đầy đủ? Có pháp nói gọn và nói rộng. Có pháp nói đến cả rộng và gọn, có đầy đủ thừa Thanh văn, có đầy đủ thừa Bích-chiPhật, có đầy đủ Đại thừa. Nhờ sức thần thông của Phật bảo vệ giữ gìn, khiến không bị ngoại đạo phá hoại, không bị quân ma phá hoại, mà tồn tại lâu dài giữa đời.
Nói gọn, là dùng ít ngôn từ mà bao gồm nhiều nghĩa, mười lợi căn nghe là hiểu rõ ràng.
Nói rộng là đối với các loại nhân duyên của một sự việc, một nghĩa lý, vì những người độn căn ưa thích phân biệt, cho nên giải thích rộng ra mới có thể hiểu được.
Nói vừa gọn vừa rộng, là vẫn dùng một lời mà bao quát nhiều nghĩa, đồng thời giải thích phân tán về một nghĩa.
Có đầy đủ thừa Thanh văn, có đầy đủ thừa Bích-chi-Phật, có đầy đủ Đại thừa sẽ nói ở phần sau.
Thần lực bảo vệ chánh pháp, là dùng sức oai thần của Phật để hộ niệm pháp này, là pháp mà chư Phật đã ấn khả. Chư Phật ấn khả, đó gọi là bốn nhân lớn tách khỏi bốn nhân bất thiện.
Không bị ngoại đạo phá là hết thảy luận sư của Sa-môn, Bà-lamôn, ngoại đạo vốn có tà kiến nói ra tai họa của mùi vị sinh diệt. Lại hiểu rõ tất cả pháp thiện, nói về nhân duyên phá hoại.
Không bị tất cả quân ma phá hoại, nghĩa là chư Phật có vô lượng vô biên công đức, trí tuệ, phương tiện và năng lực thần thông, quân ma dù có sức mạnh nhưng không thể phá được. Lại nhờ sức mạnh của các Bồ-tát cho nên quân ma không thể phá được.
Pháp tồn tại lâu dài trên đời, là hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp, hoặc vượt qua số trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, mười vạn kiếp, trăm vạn kiếp, ngàn vạn kiếp, vạn vạn kiếp, vô lượng ngàn vạn ức nado-tha A-tăng-kỳ kiếp, cho đến vô lượng vô biên kiếp.
Thanh văn đầy đủ, là hết thảy chư Phật đều có đầy đủ Thanh văn Tăng, chỉ vì nhân duyên và bản nguyện của chư Phật cho nên có ít nhiều sai khác.
Sao gọi là đầy đủ? Chúng Thanh văn của Như Lai đều có đầy đủ sự trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đồng đẳng thanh tịnh, đều là bậc lợi căn lợi ích cho hình sắc nghiêm tịnh của Bồtát.
Trì giới đầy đủ, là lìa khỏi sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt, uống rượu, sống theo lối tà và các pháp ác. Lại nữa, những gì mà Tỳ Ni cấm đều phải xa lìa. Lại có khả năng thành tựu giới vô lậu.
Thiền định đầy đủ, là bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định, tám giải thoát, tám bối xả, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập… và được các thiền định vô lậu.
Trí tuệ đầy đủ, là thành tựu loại thứ trí tuệ, được phát sinh từ đa văn, phát sinh từ tư duy, phát sinh từ sự tu tận, phát sinh từ nhân duyên nghiệp đời trước và quả báo.
Giải thoát đầy đủ, là được giải thoát khỏi tất cả phiền não, còn được giải thoát khỏi tất cả chướng ngại che phủ.
Giải thoát tri kiến đầy đủ, tri là biết sự việc ấy, kiến là biết rõ ràng sự việc đó. Đối với giải thoát, biết rõ từng thứ, không có gì nghi ngờ. Lại nữa, tri là trí hiểu biết cùng tận, kiến là thấy bốn chân lý (tứ đế).
Đồng đẳng, là những người tiến vào quả Tu-đà-hoàn đều giống như nhau, cho đến quả A-la-hán cũng như vậy.
Thanh tịnh là thành tựu ba loại thanh tịnh, thân thanh tịnh-miệng thanh tịnh-ý thanh tịnh. Lợi trí là chỉ nghe qua vài lời thì có thể hiểu rộng ra thông suốt tôn chỉ ý nghĩa, tóm lược có thể giải thích rộng ra, rộng có thể làm cho tóm gọn, nghĩa lý sâu xa kín đáo có thể làm cho dễ hiểu.
Lợi ích của Bồ-tát, là luôn nhớ đến các Bồ-tát, kể cả Bồ-tát mới phát tâm cũng không khinh mạn họ mà kính mến với lòng sâu xa. Chỉ bày cho họ những pháp thiện-ác, nói cho họ nhân duyên, phương tiện của Phật đạo.
Thân mình, sắc mặt nghiêm tịnh, là thân thể mềm mại xinh đẹp, sắc diện đầy đủ và có tướng tốt, ai thấy cũng hoan hỷ như Bích-chi-Phật tới, lui, nghỉ, ngồi, nằm, ngủ, khi ăn uống, tắm gội, đắp y, cầm bát, đều có oai nghi trật tự, không có gì thiếu sót. Vì vậy, người trông thấy thì tâm họ được thanh tịnh
Đầy đủ Bồ-đề thọ, hết thảy đại thọ, cây Sa-la, cây Đa-la, cây Đềla-ca, cây Đa-ma-la, cây Bà-cầu-la, cây Chiêm-bặc, cây A-thâu-ca, cây Sà-ha-ca-la, cây Phần-na-ma, cây Na-na, cây Na-ca, cây Thi-lê-sa, cây Nát-cù-đà, cây A-thâu-đà, cây Ba-lặc-xoa, cây Ưu-đàm-bát-la… trong số đại thọ này, tùy ý lấy một cây.
Ở nơi đất bằng phẳng, cây cao tàn rộng đầy đủ gốc cành nhánh lá xanh mướt, sum suê tốt tươi. Màu hoa tươi sáng, không có tổn hoại thiếu sót. Cây cao đến năm mươi do tuần, ngay thẳng, nhẵn bóng, không có lóng, vỏ cây màu trắng mắt lóng mềm mại, tươi tắn, sạch đẹp. Thân cây không gây trở ngại vì bén, không hư mục. Hơn nữa, giữa thân cây không trống rỗng, không bị sâu mọt đục khoét gây thương tổn. Rễ bám sâu trong đất, kiên cố, đan liền nhau theo thứ tự hoa dùng trang sức như vòng chuỗi ngọc đẹp đẽ. Cành lá sum suê giống như cái tán tròn, sắp xếp theo thứ tự, công phu hơn hẳn nhân tạo. Lá cây xanh tươi như màu châu báu, nhánh cây không vắt vẻo cong queo, lá không úa vàng khô héo, không có sâu mọt muỗi ve kiến mối
Mặt đất thật sạch được trải bằng loại cát vàng, phát ra ánh sáng, chiếu sáng giáp vòng. Nước hương Chiên-đàn rưới khắp mặt đất. Đất thì bằng phẳng mềm mại, mát mẻ dễ chịu. Bột Chiên-đàn ngưu đầu mịn màng rải khắp mặt đất. Chư Thiên thường rải hoa Mạn-đà-la như mưa, đốt loại trầm đen, mùi thơm lan tỏa khắp nơi. Trên trời hiện ra những đám mây năm sắc, rực rỡ như màn tơ lụa rủ xuống, gió mát nhè nhẹ làm lay động lá cành. Chim, thú đến chơi bên cạnh lặng yên không một tiếng động. Hai bên cây Bồ-đề, chư Thiên thường rưới mưa hoa với nhiều màu đẹp, tự nhiên chen nhau, rủ xuống trông như chuỗi ngọc, giống như thân rồng và trên thân rồng luôn luôn được treo nhiều chuỗi hoa quý sắc vàng. Bốn phía có nhiều cành cây cao, giăng lưới báu rủ xuống mặt đất trang nghiêm bằng bảy báu, giống như núi vàng tía, nguy nga tốt đẹp như cột cao của Đế thích. Đây là do Bồ-tát đã tu tập công đức thiện hạnh trải qua trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ kiếp mới được như vậy. Nhiều thứ báu đẹp hóa làm sư tử vương. Trên đầu bốn con sư tử, có chiếc giường báu rộng lớn, trải thảm rực rỡ của chư Thiên. Các trời Tứ Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóalạc, trời Tha-hóa-tự-tại, trời Phạm, cho đến trời A-ca-nị-tra, chở các thứ châu báu như: ngọc lưu ly, xa cừ, mã não, báu đại thanh, báu đế thanh, kim cương, pha lê và các cung điện quý báu.
Màu sắc của các thứ ngọc quý báu tỏa ra ánh sáng rực rỡ lấp lánh, chiếu tới các cõi xa mà không ngọc báu nào sánh kịp. Hết thảy đều tập trung chung quanh cây báu để cúng dường.
Lại nữa, mười phương vô lượng thế giới, các Bồ-tát tùy theo bản nguyện của mình đều chuẩn bị các thứ cúng dường, mưa các vật châu báu, hương hoa, cờ phướn, lọng báu, và các loại âm nhạc… Đó gọi là cây Bồ-đề đầy đủ.
Thế gian trang nghiêm, là Bồ-tát quan sát cõi nước thanh tịnh trong mười phương được trang nghiêm tốt đẹp bậc nhất mà phát Đại nguyện: Tôi sẽ tu tập công đức mà cõi nước này đang có, để tôi có được cõi nước bậc nhất, không đâu sánh bằng.
Chúng sinh tốt lành và có nhiều lợi ích, là chúng sinh đoan chính không có những bệnh tật tai họa, không có bệnh già, thọ mạng vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, đều được hóa sinh cho nên thân không có những ô uế, đủ ba mươi hai tướng tốt, ánh sáng vô lượng, phiền não chỉ còn số ít cho nên dễ dàng hóa độ.
Có thể hóa độ đầy đủ, là một lần thuyết pháp thì chúng sinh nhiều như cát sông Hằng, cùng lúc đều được độ. Từ khi có Phật khác giảng nói chánh pháp, mà chỉ có một hai người được độ, thì những chúng sinh ấy nhờ có căn thiện trồng từ kiếp trước, kiết sử còn ít cho nên khi vừa nghe pháp thì liền chứng ngộ.
Đại chúng tập hợp, là có Đức Phật tập hợp đại chúng đông đến một do-tuần, hay mười do-tuần, có khi đến trăm ngàn vạn ức do-tuần. Có khi đại hội khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Đại chúng tập hợp trong này, là tất cả thế giới khắp mười phương nhiều như cát sông Hằng tập hợp làm một. Trong chúng hội này, toàn là những người có phước đức, cùng chư Thiên tám bộ, các Bồ-tát từ địa thứ nhất đến địa thứ mười đều đến đông đủ, chỉ trừ chư Phật.
Phật lực đầy đủ, là chư Phật thực hành đủ bốn mươi pháp bất cộng. Hành xứ của mỗi một pháp này, tất cả là vô lượng vô biên. Đây là nguyện thứ bảy. Lại nữa:
Đều thực hành đối với một việc,
Nguyện không có tranh chấp oán thù.
Với phước đức mà Bồ-tát đã làm, như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, như xứ sở của bốn công đức là Đế-xả-diệttuệ, như nhân của các Đại nguyện lúc cầu Phật đạo nên phát nguyện như vậy: “Nếu có mười khác cùng tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, bốn xứ sở của công đức để cầu Phật đạo, thì tôi nguyện dùng nhân duyên phước đức này, không sinh tâm oán ghét tranh đua với họ. Vì sao? Vì cùng thực hành một việc. Những người có trí nói có tướng oán ghét. Thế gian thì sự việc này cũng còn có mặt Bồ-tát thì muốn trừ lỗi lầm này cho nên phát Đại nguyện như vậy. Đây là nguyện thứ tám. Lại nữa:
Nguyện thực hành đạo của Bồ tát,
Chuyển vận giáo pháp không thối chuyển,
Khiến cho diệt trừ những phiền não,
Được tiến vào niềm tin thanh tịnh.
Bánh xe là bánh xe pháp. Bất thối chuyển là không người nào có thể phá hoại. Bồ-tát nên phát nguyện như vậy: Mình phải hành đạo như lời Phật đã giảng dạy, nhất định phải quay bánh xe pháp không thối chuyển. Nếu mình quay được bánh xe pháp này, thì ba độc phiền não sẽ bị trừ diệt, khiến chúng sinh tự lìa bỏ sinh tử, tiến vào trong các giáo pháp của Phật, trong khổ-tập-diệt-đạo làm cho được thanh tịnh. Đây là nguyện thứ chín. Lại nữa:
Nguyện ở tất cả các thế giới,
Đều thị hiện thành tựu Bồ đề.
Tùy các thế giới mà chọn một nơi để làm việc Phật, ở khắp các thế giới đó, Bồ-tát thị hiện đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đem lại an lạc cho hết thảy chúng sinh, diệt độ hết thảy chúng sinh, vì quả Bồ-đề Vô thượng vĩ đại chỉ có một mình nói. Còn những việc khác như là vào thai, ra thai, lớn lên ở nhà, rồi xuất gia thọ giới khổ hạnh, hàng phục quân ma, Phạm vương khuyến thỉnh và chuyển pháp luân đại chúng tập hợp đông đủ, độ thoát nhiều chúng sinh, thị hiện thần lực vĩ đại mà nêu rõ sự đại diệt độ. Những việc như vậy, đều nên làm như vậy, là biết có oai lực vô lượng như vậy, có năng lực làm ích lợi cho vô biên vô lượng chúng sinh, không nên chỉ ở một nước mà thị hiện thành tựu Phật đạo.
Có người nói: Ở một cõi Phật gồm có bốn châu thiên hạ, các cõi Diêm-phù-đề là một cõi Phật. Ngoài cõi này, chỉ có Phật mới biết được, nhưng sự thực không phải vậy. Đây là nguyện thứ mười. Lại nữa:
Tất cả Bồ tát đều như vậy,
Lấy mười Đại nguyện làm đầu tiên,
Rộng lớn giống như cõi hư không,
Tận cùng đến thời gian vị lai,
Cùng với vô lượng nguyện hạnh khác,
Cũng đều phân biệt nói rõ ràng.
Nguyện là do tâm mà ham thích mong cầu, cần phải thành lập mười nguyện là có mười môn. Rộng lớn như hư không, là nguyện đã duyên vào phương hướng, giống như cõi hư không vốn có thì nguyện cũng như vậy.
Cùng tận thời gian vị lai, là khi phát nguyện đã trú vào nơi tận cùng với giới hạn sinh tử của tất cả chúng sinh vị lai.
Có người nói: Quả vị Bồ-đề Vô thượng là giới hạn sinh tử của đời vị lai, nếu chư Phật nhập Niết-bàn vô dư thì đó là giới hạn sau cùng của sinh tử. Nguyện của Bồ-tát không cùng tận mà thật sự thành Phật thì kết thúc. Hết thảy các Đại Bồ-tát trong mười phương thế giới đều có nguyện này.
Vô lượng nguyện khác, là các Bồ-tát đã thành tựu vô lượng công đức hiếm có, cho nên những lời nguyện vốn có, không thể nói hết được.
Lại nữa:
Bồ tát phát Đại nguyện như vậy,
Thành tựu tất cả mười Đại nguyện.
Mười Đại nguyện này, có mười điều rốt ráo. Những gì là mười?
Đó là:
Tánh chúng sinh và tánh thế gian,
Tánh hư không và tánh của pháp,
Tánh Niết-bàn và Phật-chúng sinh,
Tánh trí Chư Phật là cứu cánh,
Tất cả tâm sở duyên cứu cánh,
Trí hành xứ Chư Phật cứu cánh,
Trí chuyển pháp thế gian cứu cánh,
Đây gọi là mười điều cứu cánh.
- Tánh của chúng sinh tận cùng.
- Tánh của thế gian tận cùng.
- Tánh của hư không tận cùng.
- Tánh của pháp tận cùng.
- Tánh của Niết-bàn tận cùng.
- Tánh Phật của chúng sinh tận cùng.
- Tánh của trí chư Phật tận cùng.
- Tánh của tất cả tâm sở duyên tận cùng.
- Tánh rốt cùng trí hành xứ của chư Phật.
- Tánh của trí chuyển pháp thế gian tận cùng.
Đấy gọi là mười điều tận cùng.
Hỏi: Ông nói tận cùng. Thế nào là tận cùng? Nghĩa này cần phải phân biệt.
Đáp:
Tánh của chúng sinh nếu tận cùng,
Thì nguyện mình cũng lại tận cùng,
Như các chúng sinh đều tận cùng,
Các nguyện như vậy cũng tận cùng,
Nghĩa tận cùng danh không tận cùng,
Thiện căn của mình không tận cùng.
Tánh của chúng sinh tận cùng là nếu chúng sinh điều diệt hết, thì nguyện của mình phải ngừng lại.
Tùy theo tánh thế gian hết, tánh hư không hết, tánh các pháp hết, tánh Niết-bàn hết, tánh Phật của các chúng sinh hết, tánh trí của Chư Phật hết, tánh do tâm sở duyên của tất cả chúng sinh hết, tánh của trí nhập pháp Phật hết, trí chuyển pháp chuyển làm thay đổi thế gian hết, thì mười nguyện này của mình mới tận cùng. Nhưng mà mười điều như tánh của chúng sinh … là thật sự không cùng tận, cho nên căn thiện phước đức này của mình cũng không cùng tận, không ngưng nghỉ. Không ngưng nghỉ nghĩa là vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn … vượt qua mọi tính toán, gọi là không ngưng nghỉ. Ba ngàn đại thiên thế giới, mười phương vô lượng vô biên vượt qua mọi sự tính toán như vậy cho nên gọi là thế gian vô biên. Vô biên chúng sinh trong ba cõi, sáu đường ở khắp các thế giới như vậy cho nên gọi là tánh chúng sinh vô biên. Trong tất cả thế giới này có hai loại tánh hư không nội ngoại đều vô biên cho nên gọi là tánh hư không vô biên. Trong các thế giới này, tánh vô lậu của cõi Dục, cõi Sắc, Vô sắc vốn thâu nhiếp pháp hữu vi vô biên cho nên gọi là pháp tánh vô biên.
Nếu tất cả chúng sinh đều diệt độ thì tánh Niết-bàn không thêm không bớt, vì vậy tánh Niết-bàn là vô biên. Nếu mười phương chư Phật trong quá khứ đã vô lượng vô biên, thì mười phương chư Phật trong hiện tại cũng vô lượng vô biên, mười phương chư Phật trong vị lai cũng vô lượng vô biên, vì vậy tánh Phật của chúng sinh vô biên. Trí chư Phật vô lượng, không thể nói ra không thể suy lường-không có gì bằng-không có gì sánh được không đối đãi-không so sánh, cho nên tánh của trí chư Phật cũng vô lượng vô biên. Như Phật bảo A-nan: “Người Thanh văn này là biểu hiện trí vô lượng của chư Phật. Vì vậy tánh của trí chư Phật là vô lượng vô biên. Trong đời quá khứ, tâm của mỗi một chúng sinh là vô lượng vô biên, các tâm này đều có duyên sinh. Trong đời vị lai cũng như vậy. Trong đời hiện tại, hết thảy tâm chúng sinh cũng vô lượng vô biên, đều có duyên sinh. Vì vậy tâm sở duyên cũng vô lượng vô biên.
Lực của chư Phật nói gọn có bốn mươi pháp bất cộng, bốn mươi pháp bất cộng này, hành xứ của mỗi một pháp là vô lượng vô biên. Do hành xứ vô lượng vô biên cho nên trí cũng vô lượng vô biên, vì vậy nói trí hành xứ cùa Phật là vô biên vô lượng.
Thế gian chuyển, pháp chuyển-trí chuyển, chuyển nghĩa là bởi vì pháp này có sự chuyển đổi. Thế gian có hai loại là quốc độ thế gian và chúng sinh thế gian. Ở đây nói đến chúng sinh thế gian, chư Phật và các Bồ-tát dùng vô lượng vô biên sức phương tiện dẫn dắt chúng sinh trong thế gian.
Pháp chuyển là dùng vô lượng vô biên căn thiện phước đức để nhiếp thủ các pháp Phật. Trí chuyển là dùng vô lượng các pháp thiện, sáu pháp Ba-la-mật, mười địa để nhiếp thủ trí tuệ của Phật, cho nên trí chuyển là vô lượng vô biên. Ba loại này cùng chuyển đổi cho nên hợp thành một nguyện. Vì mỗi một nguyện của Bồ-tát đều thật bền chắc, cho nên trở thành mười nguyện vô tận. Phương là như hư không, thời gian là như giới hạn đời vị lai. Như vậy, tôi đã dùng cách nói rộng và gọn, giải thích về mười nguyện cứu cánh này.
Phẩm 6: PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Hỏi: Mới phát tâm là căn bản của mọi lời nguyện. Thế nào là mới phát tâm?
Đáp:
Lúc bắt đầu phát tâm Bồ đề,
Hoặc là nhờ ba-bốn nhân duyên.
Chúng sinh mới phát tâm Bồ-đề, hoặc dùng ba nhân duyên, hoặc dùng bốn nhân duyên, như vậy hòa hợp có bảy nhân duyên để phát tâm Bồ-đề Vô thượng.
Hỏi: Những gì là bảy nhân duyên?
Đáp:
Một là tất cả các Như Lai,
Khiến cho phát tâm đạo Bồ đề,
Hai là thấy pháp sắp hủy hoại,
Vì bảo vệ cho nên phát tâm,
Ba là ở giữa các chúng sinh,
Vì lòng Đại bi mà phát tâm,
Bốn là hoặc có vị Bồ tát,
Dạy bảo mà phát tâm Bồ đề,
Năm là thấy công hạnh Bồ tát,
Cũng thuận theo hành mà phát tâm,
Có người nhờ vào bố thí rồi,
Sinh thiện mà phát tâm Bồ đề,
Có người thấy thân tướng của Phật,
Hoan hỷ mà phát tâm Bồ đề,
Nhờ vào bảy loại nhân duyên này,
Mà phát tâm Bồ đề tu đạo.
Phật khiến cho phát tâm, là Phật dùng Phật nhãn quán xét chúng sinh, biết thiện căn của họ thuần thục có thể có năng lực đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người như vậy, Phật dạy bảo làm cho phát tâm với lời như vậy: Này người thiện nam! Nay có thể phát tâm là cứu độ chúng sinh đang khổ não! Hoặc lại có người sống ở trong đời ác trược, thấy pháp sắp bị hủy hoại, vì mong bảo vệ cho nên phát tâm suy nghĩ như vậy: Lạ lùng thay! Từ vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ kiếp đến nay, chỉ có một người đi giữa hai nơi vượt ra khỏi ba cõi, lấy bốn Thánh đế làm bậc Đại đạo sư, biết kho tàng của năm loại pháp thoát khỏi sáu đường, có bảy loại chánh pháp rất quý báu, thực hành sâu vào tám giải thoát, dùng chín bộ kinh để giáo hóa, có người Đại lực thuyết ra mười một loại công đức, khéo léo xoay chuyển mười hai nhân duyên nối tiếp nhau, giải thích về mười ba pháp trợ Thánh đạo, có mười bốn giác ý rất quý báu, loại bỏ mười lăm loại tham dục, đồng thời đạt được mười sáu tâm giải thoát vô ngại, ra khỏi mười sáu địa ngục của chúng sinh, và thân có mười bảy loại đầy đủ, mười tám pháp bất cọng, khéo phân biệt mười chín người an trú trong quả, khéo phân biệt biết rõ về người Hữu học, A-la-hán, Bích-chi-Phật và Chư Phật, chính là hai mươi căn. Tâm Đại Bi là chúa của Đại tướng, chúa của Đại chúng, là đại y vương, là Đại đạo sư, là Đại thuyền sư. Lâu lắm mới có được pháp này, thực hành khổ hạnh, làm điều khó làm mới có được pháp này, mà nay sắp bị hủy hoại, mình nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, gieo tròng thiện căn sâu dày được thành tựu Phật đạo, khiến cho pháp tồn tại lâu dài trải qua vô số A-tăng-kỳ kiếp. Lại trong thời gian thực hành Bồ tát đạo, hộ trì vô lượng giáo pháp của Chư Phật cho nên chịu khó thực hành tinh tiến.
Hoặc lại có người thấy chúng sinh khổ não đọa đày, thậy đáng thương xót vì không ai cứu giúp, không chốn quay về, không có nơi nào nương tựa, lưu chuyển trong sinh tử trải qua đường ác đầy những hiểm nạn, có nhiều giặc thù, những loại thú dữ trùng độc, sinh tử vô cùng sợ hãi, các loại ác quỷ… Thường có nhiều gai góc của buồn lo khổ não, hố sâu của ân ái biệt ly-oán thù hội tụ, dòng nước của sự vui vẻ an lành thật là khó có được, rất lạnh lẽo rất nóng bức nhưng một mình đi trong cảnh ấy, đồng trống không một bóng râm khó mà được độ thoát. Chúng sinh ở trong những tình cảnh nhiều sợ hãi, không có người nào cứu giúp che chở dẫn dắt, thật đáng thương xót. Thấy chúng sinh như vậy, vào trong đường ác hiểm của dòng sinh tử này nhận chịu những nỗi khổ não. Vì lòng Đại Bi cho nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phát lời nguyện như vậy: Tôi sẽ làm người cứu giúp cho người không có ai cứu giúp, làm chốn quay về cho người không có chốn quay về, làm nơi nương tựa cho người không có nơi nương tựa. Tôi được độ rồi sẽ độ chúng sinh, tôi được thoát rồi sẽ cứu thoát chúng sinh, tôi được yên ổn rồi sẽ làm cho chúng sinh yên ổn!.
Lại có người chỉ từ người khác mà nghe, dùng tâm tin tưởng ưa thích, phát tâm đạo vô thượng suy nghĩ như vậy: Mình nên tu tập pháp thiện không gián đoạn, hoặc có lẽ thuộc về phần vị Tất định đạt được vô sinh pháp nhẫn, nhờ quy tụ các công đức thuần thục thiện căn, có lẽ được gặp Chư Phật hoặc được gặp các bậc Đại Bồ tát, có năng lực biết chúng sinh có các căn lợi độn, tâm sâu xa và tánh ham muốn đuôi sai biệt, khéo láo biết phương tiện được sự bảo vệ của Bát-nhã Ba-la-mật. Người có năng lực làm Phật sự biết mình phát nguyện, thiện căn thành thục cho nên khiến an trú trong phần vị Tất định, hoặc là vô sinh pháp nhẫn. Các Bồ tát này ở địa thứ bảy-thứ tám-thứ chín-thứ mười, như Phật khéo biết tâm lực của chúng sinh mà dạy bảo khiến cho phát tâm, chứ không phải vì chỉ có sức mạnh của niềm tin và ưa thích mà dạy bảo khiến cho phát tâm. Lại có người thấy Bồ tát khác hành đạo tu tập các thiện căn được che chở bằng lòng Đại bi, đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sinh, không tiếc thân mạng làm nhiều điều lợi ích, học rộng hiểu nhiều vượt hẳn lên giữa những người vô cùng tuyệt vời của thế gian, làm bóng mát che phủ cho chúng sinh mệt mỏi vất vả, an trú trong bố thí-trì giới-nhẫn nhục-tinh tiến-thiền định-trí tuệ và tàm quý chất trựcnhu nhuyến điều hòa, tâm tư thanh tịnh vô cùng ưa thích pháp thiện. Thấy người như vậy mà dấy lên nghĩ rằng: Người này thực hành được thì mình cũng nên thực hành, họ đã tu nguyện hạnh thì mình cũng nên tu, mình vì đạt được pháp này cho nên phải phát nguyện này! Dấy lên suy nghĩ như vậy rồi phát tâm đạo vô thượng.
Lại có người thực hành bố thí rộng lớn, cúng dường Chư Phật và tăng, hoặc chỉ cúng dường Phật với các loại ăn uống-áo quần. Người này nhờ vào hạnh bố thí này, nghĩ đến trong quá khứ các vị Bồ tát luôn luôn thực hành bố thí, như Vi-lam-ma, Vi-thủ-đa-la, Tát-bà-đàn, Thitỳ-vương…, liền phát tâm Bồ đề. Dùng phước thiện bố thí này hồi hướng cho quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại có người hoặc thấy hoặc nghe về ba mươi hai tướng tốt của Phật, lòng bàn chân bằng phẳng ngón tay ngón chân có xoáy tròn, giữa các ngón tay ngón chân có màng da mềm mỏng kết lại với nhau, bảy chỗ đầy đặn, ngón tay ngón chân thon dài, gót chân rộng, thân thẳng vai vuông, mu bàn chân cao bằng phẳng, đầu long xoay về bên phải, bắp đùi tròn lẳn như nai chúa, cánh tay dài quá đầu gối, âm mã giấu kín, thân màu vàng ròng, da mỏng và mềm mại, mỗi một lỗ chân lông chỉ mọc một sợi lông, giữa chặng mày có lông trắng dài và nhỏ, phần thân trên như sư tử, vai tròn và rộng, dưới nách đầy đặn biết được mùi vị tuyệt diệu, thân vuông như cây Ni-câu-lâu-đà, đỉnh đầu có nhục kế, lưỡi rộng và dài, phạm âm thanh thoát, gò má như sư tử, răng có bốn mươi chiếc đều đặn sáng bóng dày sít, đôi mắt màu xanh biếc, lông mi như tướng của trâu chúa… Nghe hoặc thấy tướng tốt của Phật thì tâm hoan hỷ dấy lên nghĩ như vậy: Mình cũng sẽ đạt được tướng tốt như vậy, người tướng tốt như vậy đã đạt được các pháp thì mình cũng sẽ đạt được. Ngay lúc ấy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Dựa theo bảy nhân duyên này mà phát tâm Bồ đề.
Hỏi: Ông nói về bảy nhân duyên phát tâm Bồ đề, là đều được thành tựu, có người thành tựu và có không thành tựu sao?
Đáp: Điều này không chắc chắn thành tựu tất cả, hoặc có người thành tựu-có người không thành tựu.
Hỏi: Nếu như vậy thì cần phải giải thích rõ ràng.
Đáp: Ở trong bảy nhân duyên phát tâm,
Phật dạy bảo khiến cho phát tâm,
Bảo vệ pháp cho nên phát tâm,
Vì thương xót cho nên phát tâm,
Ba hạng người phát tâm như vậy,
Nhất định phải đến được thành tựu,
Bốn hạng người phát tâm còn lại,
Không chắc chắn đều được thành tựu.
Trong bảy loại phát tâm này thì Phật quán xét căn bản tâm thiện của chúng sinh ấy, dạy bảo khiến cho phát tâm nhất định được thành tựu, bởi vì không nói suông. Nếu vì tôn trọng Phật pháp, vì muốn bảo vệ giáo pháp, hoặc có tâm Đại Bi đối với chúng sinh, thì ba loại phát tâm như vậy chắc chắn được thành tựu, bởi vì có gốc rễ sâu dày. Còn lại nhờ Bồ tát dạy bảo khiến cho phát tâm, thấy công hạnh của Bồ tát thực hành mà phát tâm, nhờ vào hạnh bố thí rộng lớn mà phát tâm, hoặc nghe hoặc thấy tướng tốt của Phật mà phát tâm, thì bốn loại phát tâm này phần nhiều là không thành tựu. Hoặc có người thành tựu, nhưng gốc rễ còn nhỏ nhoi yếu ớt.