LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Phẩm 7: ĐIỀU PHỤC TÂM

Hỏi: Như phẩm trên đã nói ba cách phát tâm chắc chắn thành tựu, còn lại bốn cách phát tâm thì không thành tựu. Vậy thế nào là thành tựu và không thành tựu?

Đáp: Nếu phát tâm Bồ-đề, mà khi hành đạo, Bồ-tát quên mất pháp của tâm Bồ-đề thì không thành tựu. Nếu Bồ-tát thực hành mà không quên mất pháp của tâm Bồ-đề, thì được thành tựu. Cho nên kệ nói:

Bồ tát thuận theo phải rời xa,

Quên mất pháp của tâm Bồ đề,

Cần phải luôn nhất tâm tu hành,

Không mất pháp của tâm Bồ đề.

Tránh xa là diệt trừ pháp ác, không cho nó xâm nhập vào tâm mình. Nếu chúng đã vào thì nhanh chóng diệt trừ chúng đi. Mất là lãng quên tâm Bồ-đề ngay đời này hoặc đời sau. Không còn tùy thuận với sự tu hành, cho nên tránh xa những pháp như vậy. Trái lại, nếu không lạc mất những pháp tu hành Bồ-đề, không quên mất tâm Bồ-đề, thì cần phải luôn luôn nhất tâm chịu khó thực hành.

Hỏi: Mất tâm Bồ-đề là mất những pháp gì?

Đáp:

Một là không kính trọng giáo pháp,

Hai là có tâm niệm kiêu mạn,

Ba là nói dối không chân thật,

Bốn là không kính trọng tri thức.

Phát sinh bốn lỗi này, nếu ở đời này đến lúc chết đi, hoặc tiếp theo đời sau sẽ quên mất tâm Bồ đề, không thể nào tự biết mình là Bồ tát, không còn phát nguyện, pháp thực hành của Bồ tát không còn hiện ở trước mắt. Không cung kính đối với giáo pháp, pháp là ba Thừa thượngtrung-hạ mà Chư Phật đã thuyết ra. Nói tóm tắt là giáo pháp của Chư Phật Như Lai đã sử dụng. Ở trong giáo pháp này không cung kính cúng dường ca ngợi tôn trọng, không có ý tưởng hiếm có-ý tưởng khó được-ý tưởng như vậy báu-ý tưởng thỏa mãn tâm nguyện, lỗi này có thể làm mất đi tâm Bồ đề. Tâm kiêu mạn là tâm lý tự cao ngạo, chưa được nói là được, chưa chứng nói là chứng. Đối với không-vô tướng-vô nguyện, hoặc vô sinh pháp nhẫn, hoặc sáu độ Ba-la-mật, hoặc mười địa Bồ tát, những pháp như vậy và các pháp khác từ sự tu tập mà có, ở trong pháp này chưa đạt được mà nói là đạt được.

Vọng ngữ thì có loại thuộc về Đột-kiết-la, có hai loại thuộc về Ba-dạ-đề, có loại thuộc về Thân-lan-giá, có loại thuộc về Tăng-giàbà-thi-sa, có loại thuộc về Ba-la-di. Hoặc có người nói: Có loại nói dối thứ sáu, loại nói dối này thì tâm sinh ra sám hối. Năm loại nói dối trước thì loại thứ nhất là nhẹ, loại sau là nặng, loại thứ sáu là nhẹ nhất. Loại thuộc về Ba-la-di, là tự mình không vượt qua được ngã chấp và pháp chấp, hoặc miệng nói-hoặc hình dáng thể hiện, hướng đến dùng phương tiện để hiện rõ là mình có phẩm đức này. Loại thuộc về Tăng-già-bàthi-sa, là hoặc nói miệng nói-hoặc hình dáng thể hiện, ở trong bốn sự của Tỳ-kheo kia, dùng tất cả mọi chuyện có căn cứ hay không có căn cứ mà phỉ báng họ. Loại thuộc về Thâu-lan-giá, là muốn đem sự việc có căn cứ hay không có căn cứ để phỉ báng nhưng mà nói không thành. Lại thuộc về Ba-la-đề, là đem sự việc không có căn cứ thuộc về Tănggià-bà-thi-sa mà phỉ báng. Loại thuộc về Đột-kiết-la, là trừ ra bốn loại lỗi lầm trên, lỗi này thuộc về nói dối. Tự tâm trừ diệt, là như lúc nói giới tự biết mình có lỗi lầm nhỏ, không cần phải nói với người khác, mà tự tâm mình hối hận trừ bỏ.

Hỏi: Lỗi nói dối này, chỉ thuộc về Tỳ-kheo chứ không thuộc về bạch y, mà ở luận này lại chung cho cả tại gia và xuất gia?

Đáp: Hễ biết sự việc thật sự thì như vậy, nhưng mà nói đến hiểu biết thì khác nhau. Trong luận này nói là tướng chung của nói dối, bởi vì có chúng sinh phân biệt, có sự việc phân biệt, có thời gian phân biệt, có tội của năm chúng phân biệt, có trú xứ phân biệt, cho nên có nặng nhẹ khác biệt. Tuy nói dối là tội nhẹ nhưng huân tập lâu dài thì trở thành chồng chất, có thể làm mất tâm Bồ đề.

Chúng sinh phân biệt, là hạng tà kiến đoạn mất thiện căn, và hạng còn lại những phiền não sâu xa, đây là thuộc về tội nặng. Sự việc phân biệt, là nếu nói đến lỗi lầm của người và pháp, thì đây là tội phá Tăng. Thời gian phân biệt là người xuất gia nói dối thì mắc lỗi nặng. Tội của năm chúng phân biệt, là như tội Ba-la-di và Tăng-già-bà-thi-sa thì nặng. Trú xứ phân biệt là lúc ở trong Tăng tự mình nói dối như chứng ngộ, đó là tội nặng.

Không cung kính đối với thiện tri thức, là không sinh ra ý tưởng cung kính-sợ hãi-khó gặp. Người đã gây ra nhiều đối với bốn lỗi này, thì mất đi tâm Bồ đề.

Hỏi: Chỉ vì bốn lỗi này có thể làm mất đi tâm Bồ đề, hay còn có lỗi nào khác chăng?

Đáp:

Keo kiệt với pháp quan trọng nhất,

Ham mê theo pháp của Tiểu thừa,

Hủy báng đối với các Bồ tát,

Khinh chê những người tu pháp thiền.

Keo kiệt với những pháp trọng yếu, là thầy biết được nhiều nghĩa sâu kín khó biết, nhưng vì ham mê lợi dưỡng, tham đắm lợi dưỡng sợ học trò sẽ bằng mình, cho nên giữ bí mật chứ không nói ra.

Ham mê đối với pháp Tiểu thừa, là bởi vì không đạt được mùi vị của pháp Đại thừa, cho nên ham mê Nhị thừa. Chê bai hàng Bồ-tát, không có tội mà nói có tội, đó gọi là chê bai.

Nghĩa của Bồ tát trước đây đã nói: Người này không có lỗi lầm mà tùy tiện gán tội cho họ, nếu thật sự họ có tội mà bàn tán về tội lỗi ấy, thì điều này tuy có tội nhưng so với điều trước vẫn nhiều hơn. Tại vì sao? Bởi vì như kinh nói: “Các Bồ tát nếu thật sự có tội hay không có tội, thì cũng không nên bàn tán”. Khinh chê người tu pháp thiền, là nếu tại gia hay xuất gia vì đoạn trừ các phiền não cho nên chịu khó thực hành tinh tiến, vì ngăn chặn tất cả phiền não quy tập các pháp hỗ trợ cho Phật đạo, người này hoặc không có sở trường bàn luận, hoặc không có tài năng biện giải, hoặc không có uy đức to lớn, người không có trí mà khinh chê họ, thì mắc tội nặng. Lại nữa, nếu đối với bậc thiện tri thức mà lòng dạ kết thành oán giận, cũng có tâm dua nịnh quanh co, tham lam các lợi dưỡng…, thì cũng mắt tội nặng. Nghĩa về thiện tri thức trước đây đã nói. Đối với người thuyết pháp giáo hóa như vậy mà sinh tâm oán giận, giống như oán giận cha mẹ thì mắc tội nặng. Dua nịnh là tâm nịnh bợ dụ dỗ. Quanh co là thân nghiệp và khẩu nghiệp có những việc làm để biểu hiện. Tham lam các lợi dưỡng, là tham đắm lợi lạc và tiếng khen. Bởi vì những lỗi này làm hỏng tâm chất trực, cho nên không có thể phát khởi thiện căn sâu sắc, như áo dính màu xấu xí thì không nhận thêm màu sắc đẹp hơn được.

Lại nữa:

Không hiểu rõ ràng những việc ma,

Làm cho tâm Bồ đề yếu kém,

Nghiệp chướng và pháp làm chướng ngại,

Cũng làm mất đi tâm Bồ đề.

Không phân rõ chuyện ma, là nếu không biết rõ chuyện ma thì không có khả năng chế ngự được chúng. Nếu không chế ngự chúng thì mất tâm Bồ-đề.

Hỏi: Những gì là chuyện ma?

Đáp: Lúc nói đến cần phải thực hành Bố thí-trì giới-nhẫn nhụctinh tiến-thiền định-trí tuệ Ba-la-mật, và lúc nói đến nghĩa lý sâu xa thuộc về Đại thừa, thì không nhanh nhạy vui vẻ mà nói. Hoặc ưa nói đến những duyên tán loạn ở trong các sự việc khác. Hoặc viết chép, đọc tụng giải thích, bàn luận, nghe và tiếp nhận…, thì cao ngạo khinh mạn tự kiêu, tâm tư tán loạn, ý tưởng duyên theo điều khác, vọng niệm đùa cợt tranh luận chê bai lẫn nhau làm cho hai bên không hòa hợp, không thể nào không hiểu nghĩa lý chân thật, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, dấy lên nghĩ rằng: Mình ở trong chỗ này không có gì ghi nhận cả, mà làm cho tâm tư không thanh tịnh được, cũng không nói gì đến thành ấp-thôn xóm-nhà cửa nơi sinh sống của mình! Vì vậy cho nên không muốn nghe pháp, không cảm được ý vị liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi ra, bỏ các pháp Ba-la-mật đã nói về Đại thừa, và từ trong kinh của Thanh văn, Bíchchi-Phật để tự mình điều hòa suy tính mong cầu trí Tát-bà-nhã. Hoặc lúc viết chép, đọc tụng, giải thích, nghe và tin nhận…, ưa thích nói đến các loại sự việc khác, phá hủy làm cho Bát-nhã Ba-la-mật bị tan rã. Đó là nói đến những sự việc về xứ sở-quốc gia-thành ấp-thôn xóm, vườn rừng cây cối, chuyện thầy chuyện giặc, binh giáp-vũ khí, yêu ghét khổ vui, cha mẹ anh em, trai gái vợ con, áo quần ăn uống-đồ nằm thuốc thang và các vật dụng cung cấp cho cuộc sống, tâm tư bị tán loạn cho nên mất đi Bát-nhã Ba-la-mật. Lại nói đến những sự việc tham-sân-si, kẻ thù người thân, giờ tốt giờ xấu, ca múa kỹ nhạc, buồn lo vui cười, kinh sách văn chương tán tụng, chuyện xưa của đời trước, chuyện của các hàng Đế vương quốc chúa, đất nước lửa gió, năm dục giàu sang và lợi dưỡng… của thế gian, làm cho tâm vui thích. Hoặc ma hóa làm hình tướng Tỳ-kheo Tỳ-kheo-ni, dùng nhân duyên trong kinh Thanh văn và Bích-chi-Phật làm cho đạt được mà nói lời như vậy: Ông nên tu tập học theo kinh này, hãy rời bỏ pháp đã tu tập trước kia. Người nghe pháp không còn vui vẻ nghe nhận, người nói pháp thì tâm niệm buông lơi uể oải, đều có những lý do khác. Người nghe cần đến pháp mà người nói thì muốn đến nơi khác. Người nói vui vẻ nói pháp mà người nghe lại muốn đến nơi khác. Người nói có nhiều ham muốn tham đắm các lợi dưỡng, nhưng người nghe không có tâm giúp cho. Người nghe tâm tin tưởng ưa thích mong muốn nghe pháp, nhưng người nói không vui lòng để nói. Người nói vui lòng nói nhưng người nghe không thích. Hoặc có lúc nói về những khổ đau của địa ngục, chi bằng thân này hết khổ sớm đạt được Niết bàn là lợi ích nhất. Nói đến vô lượng khổ não của loài súc sinh, các loại tội lỗi của ngạ quỷ và A-tu-la, nói đến những đời kiếp sinh tử có nhiều tai họa buồn loa, làm cho người nghe đối với thân này mong sớm đạt được Niết-bàn là điều lợi ích nhất. Lại ca ngợi sự giàu sang vui sướng của thế gian, ca ngợi công đức phước thiện vui sướng của cõi Sắc-Vô sắc, người sinh trong chốn này chính là lợi ích to lớn. Ca ngợi về lợi ích công đức của quả Tu đà hoàn cho đến A-la-hán, làm cho người nghe đối với thân này mong cầu chứng được quả ấy, chính là lợi ích to lớn của mình.

Hoặc là người nói pháp vui thích đối với quyến thuộc, mà người nghe pháp không muốn thuận theo. Người nói pháp thì muốn đến quốc độ đói kém loạn lạc không yên ổn, nói với người nghe rằng: Nay ông không cần phải đi theo tôi đến các nước ấy? Thế rồi sinh tâm chán nản uể oải mà không đi theo. Người nói pháp coi trọng đối với đàn việt cho nên đi nhiều nơi để thăm hỏi, khiến cho người nghe pháp không được nghe nhận, ở trong pháp sâu xa sinh ra tâm lý nghi hoặc, điều này không phải là kinh pháp mà Chư Phật thuyết ra, điều mình đã nói chính là kinh pháp của Phật, nếu Bồ tát có thể thực hành pháp này thì nhất định chứng được thực tế của các pháp.

Các loại nhân duyên như vậy làm cho hai bên không hòa hợp, nên biết rằng những loại này đều là ma sự. Nói tóm lại, có chướng ngại đối với tất cả thiện pháp thì đều là ma sự.

Tâm Bồ đề yếu kém, là bởi vì các phiền não có sức mạnh cho nên tâm tạo yếu kém không còn có thế lực, chí nguyện đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vĩnh viễn lìa xa. Nghiệp chướng thì tuy là có đủ loại nghiệp chướng trong này nói đến loại có thể làm cho người cầu đại thừa bị thối chuyển, đó chính là pháp chướng ngại, tức là thích thực hành các pháp bất thiện, rời bỏ không-vô tướng-vô nguyện và các pháp cùng tuyệt diệu như các Ba-la-mật…

Bốn loại như vậy luôn luôn làm mất đi tâm Bồ đề, đó gọi là ma sự.

Người không có nghi ngờ ân hận,

Làm cho sinh nghi ngờ ân hận,

Người tin tưởng vui với Đại thừa,

Còn đem lòng giận dữ sâu nặng,

Trách mắng nói tiếng xấu cho họ,

Rêu rao lan truyền khắp mọi nơi,

Đối với những quan hệ cộng sự,

Trong tâm thường dua nịnh quanh co,

Bốn pháp ác bất thiện như vậy,

Thì làm mất đi tâm Bồ đề.

Hứa giúp cho thầy mà đưa đến, là vật bằng lòng giúp cho thầy, hoặc đã hứa-hoặc chưa hứa mà sau đó không cho. Nếu cho không đúng lúc, cho không đúng chỗ, cho không đúng như pháp, thì cách cho như vậy là cách cho của ngoại đạo và thế gian. Trong Phật pháp biết được kinh pháp là từ nơi thầy nếu vốn có tiền bạc của cải theo pháp cúng dường thì dùng để giúp cho thầy. Nếu không có gì để giúp thì không hề có lỗi, không có nghi ngờ ân hận mà khiến cho sinh tâm nghi ngờ ân hận, là người này thật sự không phá giới, có trạng thái của một lỗi nhỏ mà nói thành tội lớn, hoặc phá bỏ oai nghi của đời sống chính đáng, hoặc phá bỏ cách nhìn chính đáng, như vậy đều khiến cho họ sinh tâm nghi ngờ ân hận.

Oán giận người Đại thừa, là bao gồm Nhân thừa, Đại thừa, vô thượng, Như Lai thừa, đại nhân thừa, Nhất thiết trí nhân thừa, cho đến người mới phát tâm, ở giữa những người này sinh tâm vô cùng giận dữ mà mắng chưởi gièm pha, nói tiếng xấu của họ làm cho lan truyền khắp nơi. Tâm dua nịnh quanh co đối với cọng sự, là đối với Hòa thượng Axà-lê và các bậc thiện tri thức, không dùng tâm thẳng thắn để gần gũi, mà dùng tâm quanh co dua nịnh để học hỏi thực hành, thậm chí những người chưa từng quen biết cũng thể hiện dua nịnh quanh co với họ. Bốn pháp ác bất thiện, là những pháp cấu uế bất tịnh, có năng lực làm mất đi tâm Bồ đề Như nói:

Đời đời gắng sức khéo tu hành,

Như vậy thì không làm mất đi,

Tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hai mươi pháp này làm mất tâm Bồ-đề, nếu biết chuyển đổi pháp này để tu tập thực hành thì đời không quên mất tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chuyển đổi hai mươi pháp trên, là đem tâm cung kính pháp, phá tan tâm ngạo mạn, xa lìa nói dối, tôn trọng sâu xa đối với các bậc thiện tri thức. Ngoài ra những điều khác cũng nên biết như vậy.

Hỏi: Những pháp nào làm cho nguyện Bồ-đề đời đời được tăng trưởng, và trong đời sau còn có thể tiếp tục phát Đại nguyện?

Đáp:

Thậm chí mất đi cả thân mạng,

Mất ngôi vị Chuyển luân Thánh vương,

Như vậy, hãy còn không thuận theo,

Nói dối và dua nịnh quanh co.

Có thể khiến cho các thế gian,

Tất cả các chủng loại chúng sinh,

Đối với hết thảy các Bồ tát,

Mà phát sinh tâm niệm cung kính.

Nếu có người có thể thực hành,

Tất cả mọi pháp thiện như vậy,

Thì đời đời luôn được tăng trưởng,

Hạnh nguyện của Vô thượng Bồ đề.

Bồ-tát dùng những pháp này, đời đời tăng trưởng nguyện Bồ-đề của mình, và trong đời sau có năng lực phát sinh đại nguyện thanh tịnh. Nếu nói thật mà chết, dù mất ngôi vị Chuyển luân Thánh vương và mất địa vị vua trời, thì cũng vẫn nói thật chứ không bao giờ nói dối, huống là nói dối vì một chuyện nhỏ.

Đối với bà con và người ngoài, cũng từ bỏ tâm lý dua nịnh quanh co. Lại nữa, từ khi mới phát tâm cho đến nay, sinh lòng cung kính đối với hết thảy Bồ-tát, tôn trọng ca ngợi các vị ấy như Phật không khác, cũng nên tùy năng lực mà khiến cho an trú trong pháp Đại thừa.

 

Phẩm 8: A DUY VIỆT TRÍ (BẤT THOÁI CHUYỂN)

Hỏi: Các Bồ-tát này có hai hạng:

  1. Duy việt trí.
  2. A duy việt trí.

Nên nói rõ về tướng ấy là Duy việt trí hay A duy việt trí?

Đáp:

Tâm bình đẳng đối với chúng sinh,

Không ganh với lợi dưỡng của người,

Thậm chí mất đi cả thân mạng,

Cũng không nói lỗi của pháp sư,

Tin tưởng vui với pháp thâm diệu,

Không tham đối với sự cung kính,

Đầy đủ tất cả năm pháp này,

Chính là bậc A duy việt trí.

Tâm bình đẳng đối với chúng sinh, chúng sinh là chúng sinh trong sáu đường, đối với chủng loại thượng-trung-hạ thì tâm đều đối xử như nhau, đó gọi là A duy việt trí.

Hỏi: Như nói đối với chư Phật và Bồ-tát nên sinh tâm cung kính bậc nhất, còn lại thì không như vậy. Lại nói thân cận Chư Phật và Bồtát mà cung kính cúng dường, còn lại cũng không như vậy. Tại sao nói đối với hết thảy chúng sinh, tâm bình đẳng không khác nhau?

Đáp: Mỗi câu nói đều có nghĩa khác nhau không nên nghi ngờ chất vấn.

Tâm bình đẳng đối với chúng sinh, nghĩa là nếu có chúng sinh nhìn Bồ-tát như kẻ oán thù, có chúng sinh nhìn Bồ-tát như cha mẹ, có chúng sinh nhìn Bồ-tát như người bậc trung. Ở trong ba hạng chúng sinh này, tâm Bồ-tát luôn đối xử bình đẳng với họ , đều làm ích lợi cho họ, bởi vì muốn cứu vớt hết thảy, cho nên Bồ-tát không có tâm khác nhau đối với bất cứ ai. Vì vậy, ông không nên cố sức chất vấn.

Không ganh tị lợi dưỡng của kẻ khác, là nếu người khác có được y phục, ngọa cụ, thuốc men, ăn uống, phòng nhà, sản nghiệp, của tiền, vàng bạc, châu báu, xóm làng, quốc gia, thành thị, nam nữ … thì đối với người được bố thí như vậy không sinh tâm ganh tị, cũng không ôm lòng oán hận, mà tâm phải mừng vui cho họ.

Không nói lỗi của pháp sư, là nếu có người nói: Nên tu theo pháp Đại thừa Không-Vô tướng-Vô tác, hoặc sáu pháp Ba-la-mật, hoặc bốn xứ sở của công đức, hoặc các pháp Đại thừa của mười địa Bồ-tát, thì thậm chí chỉ gặp nhân duyên mất mạng, mà cũng không nói ra lỗi lầm của họ huống là gán thêm chuyện ác cho họ.

Tin và vui với pháp vi diệu sâu xa, pháp sâu xa là Không-Vô tướng-Vô nguyện và những kinh sâu xa như Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát Tạng … Đối với những pháp này, một lòng tin, và vui thích không có gì nghi hoặc, ở trong những việc khác thì không ưa thích như vậy, bởi vì từ trong kinh sâu xa cảm được pháp vi tuyệt vời.

Không tham đối với sự cung kính, là khi đã thông suốt thật tướng của mọi pháp thì đối với chuyện khen-chê-lợi hay không lợi, đều không có gì khác nhau.

Đầy đủ năm pháp này như nói ở đoạn trên. Không thối chuyểnkhông lười nhác bỏ dở đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì gọi là A duy việt trí. Trái với điều này thì gọi là Duy việt trí. Bồ-tát Duy việt trí có hai hạng: Hoặc là hạng bại hoại, hoặc là hạng chuyển biến dần dần để tiến đến đạt được A duy việt trí.

Hỏi: Đã nói đến hạnh bại hoại thì tướng trạng ấy như thế nào?

Đáp:

Nếu không có chí hướng tài năng,

Thường ham thích với pháp thấp kém,

Đắm say trong danh tiếng lợi dưỡng,

Tâm tư không chất trực rõ ràng,

Keo kiệt giữ gìn nhà người ta,

Không tin tưởng vui với pháp không,

Chỉ coi trọng đối với ngôn thuyết,

Đây gọi là tướng trạng bại hoại.

Không có chí hướng tài năng là diện mạo không có thần sắc, oai đức mỏng manh yếu kém.

Hỏi: Không dùng đến thân tướng uy đức là tướng của a duy việt trí, mà nói như vậy là có nghĩa gì vậy?

Đáp: Nói có ở đây có nghĩa là không nên dẫn đến nghi ngờ, tôi nói bên trong có công đức cho nên thân tướng có uy đức, chứ không phải chỉ nói đến sắc thân diện mạo đoan chánh mà thôi. Chí hướng tài năng có nghĩa là thế lực của uy đức. Nếu có người có thể tu tập thiện pháp trừ diệt ác pháp, ở trong sự việc này có năng lực thực hành thì gọi là chí hướng tài năng. Tuy rằng thân tướng như Thiên vương, sáng ngời như mặt trăng-mặt trời, nhưng nếu không có năng lực tu tập thiện pháp trừ diệt ác pháp, thì cũng gọi là hạng không có chí hướng tài năng. Dù cho sắc thân xấu xí, hình hài giống như ngạ quỷ nhưng có thể tu tập thiện pháp trừ diệt ác pháp, thì đó chính là hạng có chí hướng tài năng vậy. Vì thế ông chất vấn không thích hợp.

Ham thích với pháp thấp kém, là ngoại trừ Phật thừa thì các thừa khác so với Phật thừa đều là nhỏ bé thấp kém không sánh bằng được, cho nên gọi là thấp kém, chứ không phải là vì xấu ác. Những việc ác khác cũng gọi là thấp kém. Những pháp mà hàng nhị thừa đạt được so với Phật là thấp kém hơn mà thôi, đều là xuất thế gian tiến vào vô dư Niết bàn cho nên không gọi là xấu ác. Vì vậy nếu như người nào xa lìa Phật thừa mà tin và vui với Nhị thừa, thì đó là vui thích với pháp thấp kém. Người này tuy thích sự việc cao xa, nhưng bởi vì tin và vui với Nhị thừa rời xa Đại thừa, cho nên cũng gọi là vui thích với pháp thấp kém.

Vả lại, thấp kém gọi là việc xấu ác, đó gọi là năm dục và đoạn kiếnthường kiến cùng sáu mươi hai kiến chấp mà ngoại đạo luận bàn, tất cả đều làm cho sinh tử tăng thêm, thì gọi là pháp thấp kém. Thực hành theo pháp này cho nên gọi là vui thích với pháp thấp kém.

Đắm say trong danh lợi, là ở trong sự ca ngợi cúng dường tài lợi bố thí, tâm niệm luôn luôn vướng mắc gắng sức tìm mọi cách để có được, bởi vì không cảm được pháp vị thanh tịnh cho nên tham lam ưa thích những điều này. Tâm không chất trực rõ ràng, là tánh tình dua nịnh quanh co thích làm những chuyện lừa dối. Keo kiệt giữ gìn nhà người ta, là người thuận theo những nhà mà mình đi vào, thấy có người khác được lợi dưỡng cung kính ca ngợi, thì sinh lòng ganh tỵ buồn rầu không vui. Tâm không thanh tịnh bởi vì chấp Ngã sâu nặng, tham đắm lợi dưỡng mà sinh tâm ganh ghét oán hận chê bai đàn việt.

Không tin tưởng vui với pháp không, là Chư Phật thuyết về ba loại pháp không, đó gọi là ba giải thoát môn. Đối với những pháp không này, không tin tưởng-không ưa thích-không lấy làm quý trọng, bởi vì tâm tư không thông hiểu. Chỉ coi trọng ngôn thuyết, là chỉ ưa thích ngôn từ hoa mỹ chứ không có thể đúng như giáo thuyết mà tu hành, chỉ có nói suông chứ không có thể tin hiểu các pháp để cảm được pháp vi diệu kỳ ấy. Đây gọi là tướng trạng của hạng bại hoại.

Nếu người phát tâm Bồ đề, có những tướng trạng như vậy, thì nên biết là hạng Bồ tát bại hoại. Bại hoại có nghĩa là không điều thuận, vì như con ngựa tồi tệ nhất thì gọi là bại hoại, chỉ có tên gọi của ngựa chứ không có tác dụng của ngựa. Bồ tát hạng bại hoại cũng như vậy, chỉ có tên gọi trống rỗng chứ không có công hạnh thật sự. Nếu người nào không muốn làm Bồ tát hạng bại hoại, thì nên loại trừ ác pháp thuận theo pháp mà nhận được tên gọi.

Hỏi: Ông nói ở trong phần vị Duy việt trí, có hai hạng Bồ tát, một là Bồ tát bại hoại, hai là dần dần tinh tiến về sau đạt được phần vị A duy việt trí. Bồ tát hạng bại hoại đã giải thích hạng dần dần tinh tiến về sau đạt được phần vị A duy việt trí, nay có thể giải thích chăng?

Đáp:

Bồ tát không chấp trước với Ngã,

Cũng không chấp trước với chúng sinh,

Nói pháp không có gì phân biệt

Cũng không chấp trước với Bồ đề,

Không dùng hình tướng để thấy Phật,

Dùng năm công đức diệu kỳ này,

Được gọi là bậc Đại Bồ tát,

Thành tựu bậc A duy việt trí.

Bồ tát thực hành năm công đức này, thẳng đến phần vị A duy việt trí. Không chấp trước với Ngã, là lìa khỏi sự đắm trước đối với Ngã. Bồ tát này từ trong năm ấm-mười hai nhập-mười tám giới nội ngoại cầu tìm Ngã không thể nào có được, dấy lên nghĩ như vậy:

Nếu như năm ấm thật là Ngã,

Thì Ngã chính là tướng sinh diệt,

Tại sao hướng về để cảm thọ,

Mà ngay nơi ấy có cảm thọ?

Nếu như tách khỏi ấm có Ngã,

Thì ngoài ấm phải đạt được Ngã,

Tại sao hướng về để cảm thọ,

Mà sai khác đối với cảm thọ?

Nếu như Ngã là có năm ấm,

Thì Ngã tức là lìa năm ấm,

Giống như thế gian vẫn thường nói,

Trâu khác với người chủ của trâu.

Bởi vì vật khác cùng hợp lại,

Cho nên điều này gọi là có,

Vì vậy Ngã có đủ năm ấm,

Ngã chính là khác với năm ấm.

Nếu như trong năm ấm có Ngã,

Giống như trong căn phòng có người,

Giống như người nằm ở trên giường,

Ngã thuận theo khác biệt với ấm.

Nếu như trong Ngã có năm ấm,

Giống như trong đĩa có trái cây,

Giống như trong sữa có ruồi nhặng,

Thì ấm khác biệt đối với Ngã,

Như có thể đúng mà không đúng,

Không tách rời đúng-có thể đúng,

Đúng không có gì có thể đúng,

Trong đúng-có thể đúng không có.

Ngã chẳng phải ấm-xa lìa ấm,

Ngã cũng không hề có năm ấm,

Trong năm ấm không hề có Ngã,

Trong ngã không hề có năm ấm.

Như vậy tất cả mọi nhiễm trước,

Đều là phiền não trong phiền não,

Tất cả các loại như bình-áo,

Đều cần phải biết đúng như vậy.

Nếu nói Ngã chắc chắn là có,

Và tướng sai khác của các pháp,

Nên biết rằng hạng người như vậy,

Không cảm được pháp vị của Phật.

Bồ tát tư duy như vậy liền tách rời Ngã kiến, bởi vì lìa xa Ngã kiến thì không chấp trước vào Ngã. Không chấp trước chúng sinh, chúng sinh gọi là khác với Bồ tát. Lìa xa tham chấp kiến cho nên dấy lên ý niệm như vậy: Nếu người khác thật sự có Ngã, thì người ấy có thể làm nhân khác mà có Ngã, bởi vì người ấy là nhân khác, mà thật sự cầu Ngã thì không thể nào có được, người ấy cũng không thể nào có được, cho nên không có người ấy cũng không có ngã. Vì vậy Bồ tát cũng không chấp trước nơi ấy.

Thuyết pháp không phân biệt, là bởi vì Bồ tát này tin hiểu tất cả các pháp vốn không hai, vốn không hề sai biệt, vốn là một tướng cho nên dấy lên ý niệm như vậy: Tất cả các pháp đều do sự nhớ nghĩ tà vạy phân biệt sinh ra, hoàn toàn hư vọng không thật. Bồ tát này diệt hết các phân biệt, không còn những phiền não làm cho suy sụp, lập tức tiến vào pháp nhân duyên của Đệ nhất nghĩa vô thượng mà không thuận theo trí tuệ nào khác.

Thật tánh thì chẳng phải là có,

Lại cũng chẳng là không có,

Chẳng phải là cũng có-cũng không,

Chẳng phải là không có-không không.

Cũng chẳng phải là có văn tự,

Cũng không tách ra khỏi văn tự,

Nghĩa lý chân thật là như vậy,

Chung quy không thể diễn tả được.

Nói là ngôn ngữ có thể nói,

Ngôn ngữ đều là tướng tịch diệt,

Nếu như tánh là tướng tịch diệt,

Chẳng phải có cũng chẳng phải không.

Vì muốn diễn tả sự việc gì,

Dùng ngôn ngữ nào để diễn tả,

Làm thế nào người có trí tuệ,

Lại cùng với ngôn ngữ nói chăng?

Nếu như tánh các pháp là không,

Thì các pháp không hề có tánh,

Thuận theo dùng không của pháp nào,

Là pháp không thể diễn tả được?

Không đạt được-không có ngôn thuyết,

Mượn ngôn từ để diễn tả không,

Thật nghĩa cũng chẳng phải là không,

Lại cũng chẳng phải là không không.

Cũng chẳng phải không-chẳng không không,

Chẳng phải là chẳng không-không không,

Chẳng phải hư cũng chẳng phải thật,

Chẳng phải nói-chẳng phải không nói.

Mà thật ra không gì vốn có,

Cũng chẳng phải là không vốn có,

Vậy thì tất cả đều rời bỏ,

Những phân biệt chấp trước vốn có.

Nhân cùng với từ nhân sinh ra,

Tất cả các pháp đều như vậy,

Đều là tướng tịch diệt thật sự,

Không chọn lấy cũng không rời bỏ.

Không có tro áo giặt không sạch,

Trong cũng trở lại làm bẩn áo,

Không ngôn từ không nói sự thật,

Có ngôn thuyết thì có lỗi lầm.

Bồ tát quán xét tin hiểu thông suốt như vậy, cho nên ở trong sự thuyết pháp không có gì phân biệt. Không chấp trước vào Bồ đề là bởi vì Bồ tát này tin hiểu về pháp không, như Bồ đề của phàm phu chấp trước, không chấp trước như vậy cho nên dấy lên ý niệm này:

Phật không chấp trước với Bồ đề,

Không phải Phật cũng không chấp trước,

Các quả vị cùng với pháp khác,

Tất cả cũng hoàn toàn như vậy.

Có Phật thì sẽ có Bồ đề,

Chấp vào Phật tức là thường kiến,

Không có Phật- không có Bồ đề,

Không chấp trước tức là đoạn diệt.

Tách rời Phật không có Bồ đề,

Tách rời Bồ đề không có Phật,

Nếu như một-khác không thành tựu,

Thì làm sao có được hòa hợp?

Hết thảy các pháp trên thế gian,

Vì sai khác mà có hòa hợp,

Bồ đề không khác biệt với Phật,

Vì vậy cả hai không hòa hợp.

Phật cùng với Bồ đề pháp vị,

Sai khác như nhau đều không thành,

Tách rời hai lại không có ba,

Làm sao mà có thể thành tựu?

Vì vậy cho nên Phật tịch diệt,

Bồ đề cũng luôn luôn tịch diệt,

Bởi vì cả hai đều tịch diệt,

Cho nên tất cả đều tịch diệt.

Không dùng hình tướng để thấy Phật, là Bồ tát tin hiểu thông suốt về pháp là vô tướng, cho nên dấy lên suy nghĩ như vậy.

Nếu như tất cả không có tướng,

Thì tất cả vốn là có tướng,

Tịch diệt hoàn toàn không có tướng,

Ngay nơi tịch diệt là có tướng.

Nếu quán các pháp không có tướng,

Không có tướng chính nó là tướng,

Nếu như nói tu không có tướng,

Thì chẳng phải tu không có tướng.

Nếu như xả bỏ những tham trước,

Theo đó gọi là không có tướng,

Giữ lấy tướng xả bỏ tham trước,

Thì trở thành không còn giải thoát.

Tất cả bởi vì có giữ lấy,

Vì giữ lấy mà có rời bỏ,

Ai giữ lấy-giữ lấy điều gì,

Dựa vào tên gọi để rời bỏ.

Do giữ lấy mà cần giữ lấy,

Cùng với pháp có thể giữ lấy,

Cùng lìa bỏ và cùng không có,

Như vậy điều gọi là tịch diệt.

Nếu pháp dựa vào nhau thành tựu,

Thì pháp chính là không có tánh,

Nếu như tánh của pháp không có,

Thì tánh này không hề có tướng,

Nếu như pháp không hề có tánh,

Thì pháp này không hề có tướng,

Làm sao nói là không có tánh,

Bởi vì tánh này không có tướng?

Nếu như sử dụng có và không,

Cũng ngăn chặn cũng nên thuận theo,

Tuy nói mà tâm không chấp trước,

Vậy thì không có gì sai lầm.

Nơi nào trước đã từng có pháp,

Mà về sau không thể hoại diệt,

Nơi nào trước đã có như vậy,

Mà về sau lại có diệt đi?

Đã có tướng tịch diệt như vậy,

Cùng với không có tướng tịch diệt,

Vì vậy cho nên nói tịch diệt,

Và nói về tánh-tướng tịch diệt .

Trước cũng chẳng phải là tịch diệt,

Cũng chẳng phải là không tịch diệt,

Cũng chẳng tịch diệt-không tịch diệt,

Lìa chẳng tịch diệt- không tịch diệt.

Bồ tát này thông đạt về tuệ vô tướng như vậy không có gì nghi ngờ ân hận, không dùng sắc tướng để thấy Phật, không dùng thọ-tưởnghành-thức để thấy Phật.

Hỏi: Vì sao không dùng sắc tướng để thấy Phật, không dùng tướng của thọ-tưởng-hành-thức để thấy Phật?

Đáp: Chẳng phải sắc là Phật, chẳng phải thọ-tưởng-hành-thức là Phật; chẳng phải lìa sắc mà có Phật, chẳng phải lìa thọ-tưởng-hànhthức mà có Phật; chẳng phải Phật có sắc, chẳng phải Phật có thọ-tưởnghành-thức; chẳng phải trong sắc có Phật, chẳng phải trong thọ-tưởnghành-thức có Phật; chẳng phải trong Phật có sắc, chẳng phải trong Phật có thọ-tưởng-hành-thức. Bồ tát ở trong năm loại này không giữ lấy tướng, cho nên đến được phần vị duy việt trí.

Hỏi: Đã biết được pháp này là phần vị duy việt trí, vậy thì A duy việt trí có tướng mạo thế nào?

Đáp: Bát nhã đã giải thích rộng ra, tướng mạo của A duy việt trí.

Nếu Bồ tát quán xét phàm phu địa Thanh văn địa, Bích-chi-Phật địa và Phật địa, không hai-không phân biệt không có gì nghi ngờ ân hận, thì nên biết rằng đây là phần A duy việt trí. Có những ngôn từ diễn tả đều có lợi ích, không quán xét về ưu khuyết tốt xấu của người khác, không mong cầu có được những ngôn từ diễn tả của Sa môn ngoại đạo, điều gì nên biết thì biết-nên thấy thì thấy, không thì cúng lễ lạy các trời, không dùng hoa hương phan cái để cúng dường, không tôn thờ thuận theo thầy khác, không rơi vào đường ác, không nhận chịu thân nữ, thường tự mình tu tập mười thiện đạo, cũng dạy bảo người khác khiến họ thực hành, thường dùng thiện pháp chỉ bày nêu rõ về lợi ích hoan hỷ, thậm chí trong mộng cũng không rời bỏ mười thiện đạo. Không làm mười nghiệp đạo bất thiện, do nghiệp thân-miệng-ý mà gieo trồng thiện căn, đều làm an lạc độ thoát cho chúng sinh. Quả báo mình đạt được giúp cho chúng sinh cùng hưởng. Nếu nghe pháp sâu xa thì không sinh tâm nghi ngờ hối hận ít nói năng mà chỉ nói lời lợi ích an lành-lời hài hòa vui vẻ-lời mềm mỏng dịu dàng. Ít ngủ nghỉ, đi lại ra vào tâm không hề tán loạn, oai nghi nghiêm túc-nhớ nghĩ kiên cố. Thân không có các loại sâu bọ truyền bệnh, áo quần-đồ nằm sạch sẽ không dơ bẩn. Thân tâm thanh tịnh an nhàn vắng lặng ít điều rối rắm. Tâm không dua nịnh quanh co, không ôm lòng tham tiếc ganh ghét. Không coi trọng lợi dưỡng-áo quần-ăn uống-đồ nằm-thuốc thang và các vật dụng cung cấp cho đời sống. Ở trong pháp sâu xa không hề có sự tranh chấp, nhất tâm nghe pháp thường mong muốn các pháp ở ngay trước mắt. Dùng phước đức này làm cho đầy đủ các pháp Ba-la-mật. Đối với các kỹ thuật và những điều thù thắng tuyệt vời của thế gian, quán xét tất cả các pháp đều thuận với pháp tánh. Thậm chí ác ma biến hóa hiện rõ tám địa ngục lớn, hóa làm Bồ tát mà nói lời như vậy: Nếu ông không rời bỏ tâm Bồ đề thì sẽ sinh vào trong này. Trông thấy cảnh giới hãi hùng ấy mà tâm vẫn không rời bỏ. Ác ma lại nói: Kinh Ma-ha-diễn không phải do Phật thuyết ra. Lúc nghe lời nói này nhưng tâm không có gì đổi khác, thường dựa vào pháp tướng chứ không thuận theo điều gì khác. Đối với sinh tử đầy khổ não nhưng không có kinh sợ, nghe có Bồ tát trải qua A-tăng-kỳ kiếp tu tập thiện căn mà phải thối chuyển, nhưng tâm không hề mất đi. Lại nghe Bồ tát lui lại trở thành A-la-hán đạt được các thiền định, thuyết pháp cứu độ chúng sinh mà tâm cũng không rời bỏ, thường có năng lực hiểu biết tất cả các việc ma. Hoặc nghe đến Tát-bà-nhã không, mười địa của Đại thừa cũng không, khả năng hóa độ chúng sinh cũng không, các pháp không hề có cũng như hư không. hoặc nghe những điều mê hoặc tán loạn tâm tư như vậy, muốn làm cho thối chuyển chán ngán mệt mỏi uể oải bỏ dở, nhưng mà Bồ tát này càng thêm tinh tiến thực hành Từ Bi sâu sắc. Ý dường như muốn tiến vào Sơ thiền-Nhị thiền-tam thiền-Tứ thiền mà không thuận theo thiền sinh ra, vẫn khởi lên pháp của cõi Dục, phá trừ kiêu mạn không coi trọng sự ca ngợi, tâm không còn sân giận ngu si. Nếu sống đời tại gia thì không nhiễm trước năm dục lạc, dùng tâm chán ngán lìa xa tiếp nhận giống như bệnh phải uống thuốc. Không dùng tà mạng để nuôi sống mình, không vì nhân duyên sinh sống của mình mà làm não loạn đối với người khác, chỉ làm cho chúng sinh được an lạc mà sống tại nhà thế gian. Thiện thần Kim Cang Mật Tích thường đi theo hầu hạ bảo vệ, người và loài Phi nhân không có thể làm cho hủy hoại tán loạn được. Các đăn đầy đủ không có gì thiếu sót, không làm bùa chú-thuốc độc để khống chế người-làm hại vật, không thích tranh đấu, không tự đề cao mình, không khinh thường người khác. Không xem tướng lành dữ, không thích nói đến nhiều chuyện, đó là những chuyện về vua chúa-quan quyền-dân chúng-phạm vi đất nước, vũ khí-chiến tranh-áo quần-vật dụng-rượu uống cơm ăn, chuyện về người nữ-chuyện đời xa xưa-chuyện trong biển rộng. Những chuyện như vậy đều không thích nói. Không đến chỗ xem-nghe ca nhi múa hát trổ tài âm nhạc, chỉ thích nói thuận theo nghĩa lý của các pháp Ba-la-mật. Thích nói thuận theo các pháp Ba-la-mật khiến cho được tăng thêm lợi ích, xa lìa những nơi tranh cãi đấu đá, thường nguyện được thấy Phật. Nghe phương khác hiện tại có Phật thì nguyện được vãng sinh về nơi ấy. Thường sinh chốn trung tâm của đất nước, hoàn toàn không tự nghi ngờ mình là A duy việt trí hay không phải là A duy việt trí. Quyết định tự biết mình là A duy việt trí. Các loại việc ma thì hiểu rõ ràng mà không thuận theo. Thậm chí chuyển đổi thân khác mà không sinh tâm thuộc Thanh văn và Bíchchi-Phật. Ngay cả ác Ma hiện làm thân Phật, nói cho biết rằng: Ông nên chứng A-la-hán, nay Ta sẽ thuyết pháp cho ông. Dù cho ở trong pháp này thành tựu A-la-hán, nhưng cũng không tin nhận, bởi vì hộ pháp cho nên không tiếc thân mạng mà thường thực hành tinh tiến. Nếu lúc thuyết pháp thì không có nghi ngờ thắc mắc gì, không có gì thiếu sót mất mát. Những sự việc như vậy gọi là tướng mạo của A duy việt trí. Người có năng lực thành tựu tướng mạo này, thì nên biết rằng đây là bậc A duy việt trí. Hoặc có người chưa đầy đủ tướng mạo ấy, thì làm sao để người này không bao lâu tiến vào được phần vị A duy việt trí? Người này thuận theo các địa sau mà tu tập thiện căn, thuận theo thiện căn chuyển sang sâu xa, thì đạt được tướng mạo của bậc A duy việt trí.