LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM TỤNG
Tạo luận: Bồ-tát Long Thọ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM

PHẦN TỤNG

Mười hai chi sai biệt
Năng Nhân nói duyên sinh
Nơi phiền não, nghiệp, khổ
Cả ba đều gồm hết
Một, tám, chín: phiền não
Hai và mười là nghiệp
Bảy tập khác là khổ
Chỉ ba thâu mười hai
Từ ba sinh ra hai
Từ hai sinh ra bảy
Một lại sinh ra ba
Cứ thế mà xoay chuyển
Các đường, do nhân quả
Trong đấy không chúng sinh
Chỉ từ nơi pháp không
Lại sinh nơi pháp “không”
Tụng đèn, gương và ấn
Lửa, tinh, giống, mơ, tiếng
Các uẩn nối kết nhau
Không chuyển, dùng trí xét.
Những việc rất vi tế
Nếu như có kiến đoạn
Là nhân duyên bất thiện
Chưa thấy nghĩa duyên sinh
Trong đây không còn thấy
Không mảy may an lập
Nơi chân mà quán chân
Thấy chân thì giải thoát.

LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM

PHẦN GIẢI THÍCH

Có vị Sa-môn thích nghe thường lắng nghe, thường khéo nghĩ, thọ trì, thường tỏ ngộ, thường quán sát, và biết chọn lựa, buông bỏ. Vị Samôn ấy đến chỗ thầy và hỏi: Mười hai chi sai biệt mà Đức Năng Nhân gọi là nhân duyên sinh, không, chúng thuộc về cái gì? Xin thầy hãy giải thích cho tôi được rõ.

Biết Sa-môn hỏi về nghĩa chân thật, nên thầy đáp: Ông bị ba thứ phiền não, nghiệp, khổ gồm thâu nên mới phân biệt mà hỏi những điều như vậy. Ở đây có tất cả mười hai chi, do nó khác nhau, nên gọi là sai biệt. Như các phần của chiếc xe nên gọi là chi (phần). Thường làm cho thân miệng vắng lặng nên gọi là Năng nhân (tịnh mặc). Năng nhân nói, tức là tuyên dương, giải thích, đó là cách gọi khác của diễn thuyết. Nó chẳng phải tự tính hình thành con người mà chỉ là giả tướng tự tại, tự nhiên tùy theo ý muốn. Hóa chủ bỗng nhiên gặp được các chỗ sinh này, nó do nhân duyên sinh. Mười hai chi pháp sai biệt này do phiền não nghiệp, khổ thâu tóm, trói chặt, như ta bó chặt bó cây lau. Ba thứ ấy gồm thâu hết mười hai pháp. Nói thâu tóm hết tức là không sót chi nào cả.

Hỏi: Cái gì là phiền não? Cái gì là nghiệp? Cái gì là khổ? Các pháp sai biệt này do cái gì thâu tóm?

Đáp: Thứ nhất, thứ tám, thứ chín là phiền não. Trong mười hai pháp sai biệt này, chi thứ nhất là Vô minh, thứ tám là Ái, thứ chín là Thủ. Ba chi này do phiền não gồm thâu. Chi thứ hai là Hành, chi thứ mười là Hữu, hai chi này do nghiệp gồm thâu. Bảy chi còn lại do khổ thâu tóm, đó là Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Sinh, Lão tử. Nói đều thâu tóm tức là trong đó còn có Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ. Do vậy, mười hai chi này đều bị phiền não, nghiệp, khổ gồm thâu hết. Nói chỉ ba thâu tức là tất cả pháp trong kinh diễn nói đều nằm cả trong đó, không sót pháp nào.

Hỏi: Nghĩa này thì biết rồi, còn phiền não, nghiệp, khổ kia sao gọi là tương sinh?

Đáp: Từ ba sinh ra hai, tức là từ ba chi thuộc phiền não sinh ra hai chi thuộc về nghiệp, từ hai sinh ra bảy, tức là từ nghiệp sinh ra khổ. Từ bảy sinh ra ba, tức là từ khổ sinh ra phiền não. Lại từ ba chi thuộc về phiền não sinh ra hai chi thuộc về nghiệp. Cứ thế mà xoay chuyển tức là hình thành ra ba Hữu, gồm Dục, Sắc, Vô sắc và lưu chuyển không ngừng trong đó. Các phàm phu thế gian thường lưu chuyển trong ấy. Nói cứ thế mà xoay chuyển tức là muốn nói đến tính không cố định của nó. Nó lần lượt sinh ra các Hữu, đây là tính không cố định.

Hỏi: Cái gì là chúng sinh tự tại của thân? Tác dụng của nó như thế nào?

Đáp: Các cõi thọ sinh chỉ do nhân quả, chỉ trừ giả danh trong đó không có chúng sinh, đây là nghĩa chân thật, chứ không phải giả lập, có cảnh giả lập thì không thành vật thật được.

Hỏi: Nếu vậy thì ai từ đời này đi đến đời kia?

Đáp: Không có mảy may pháp nào từ đời này đi đến đời kia, đó chỉ từ trong pháp “không”, lại sinh trong pháp “không”, từ phiền não nghiệp vốn không có ngã, ngã sở, năm loại nhân không sinh lại trong không, vốn không có ngã, ngã sở. Vì vậy, bảy quả khổ cũng không có ngã, ngã sở. Bên này, bên kia đều không có ngã, ngã sở. Nó chỉ từ pháp vô ngã của tự tính, sinh trở lại trong pháp vô ngã của tính ấy.

Hỏi: Nếu từ pháp vô ngã của tự tính sinh trở lại trong ấy, nói vậy lấy gì làm thí dụ?

Đáp: Như đọc, đèn, gương và ấn; lửa, tinh, giống, mơ, tiếng. Từ những thí dụ này và giả dụ mà lập thành vô ngã của tự tính và thành tựu đời kia. Ví như Thầy đọc, rồi truyền đến đệ tử, sau khi Thầy đọc không nói năng tiếp, do vậy nên không đến. Người đệ tử kia đọc, cũng không phải từ Thầy khác, nên thành ra không có nhân quả. Tâm thức lúc lâm chung cũng giống như vậy. Do rơi vào lỗi Thường nên không đến được đời khác, mà đời khác ấy cũng chẳng phải từ đời khác mà có, nên thành ra không có nhân quả. Giống như Thầy đọc tụng và đệ tử đọc tụng, chính cái đó mà lại khác với cái đó, cho nên điều này nêu đặt không phải dễ. Như vậy, nương tâm thức lúc lâm chung kia mà sinh tâm thức, người được sinh cũng giống như vậy, ngay cái đó mà lại khác với cái đó. Ví như cây đèn này nối tiếp cây đèn khác, hình tượng hiện trong gương, từ ấn in thành hình, từ tinh xuất ra lửa, từ giống nảy ra mầm, từ trái mơ làm cho chảy nước dãi, từ tiếng phát ra âm hưởng, ngay cái đó nhưng lại khác cái đó.

Các uẩn nối kết nhau, không chuyển, trí phải nên quán xét. Uẩn ở đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nối kết nhau, nghĩa là từ cái nhân này phát sinh ra những thứ khác. Không mảy may pháp nào từ đời này sinh sang đời kia, nên sự lưu chuyển ấy chỉ là từ tập khí hư vọng phân biệt mà sinh. Nói quán xét tức là phải quán ngược trở lại, nếu biết quán xét các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã thì không mê muội đối với muôn sự. Nếu không mê muội thì không có tham, không có tham thì không có sân hận, nếu không sân hận thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không giữ lấy, không giữ lấy thì không tạo Hữu ở đời sau. Nếu không có Hữu thì không thọ sinh, nếu không thọ sinh thì không có sự khổ não của thân tâm. Như vậy là không tích chứa năm loại nhân, dù ở đâu cũng không có quả sinh. Quả không sinh thì được giải thoát. Do vậy cần phải đoạn trừ các thứ ác kiến như Đoạn kiến, Thường kiến v.v…

Ở đây còn có hai bài tụng:

Những việc rất vi tế
Nếu như có kiến đoạn
Là nhân duyên bất thiện
Chưa thấy nghĩa duyên sinh.
Trong đây không còn thấy
Không mảy may an lập
Ngay chân mà quán chân
Thấy chân thì giải thoát.