LUẬN KINH PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Tạo luận: Bồ Tát Thiên Thân.
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN HẠ

Phẩm Thứ Bảy: TỲ LÊ DA BA LA MẬT

Vì sao Bồ tát tu hạnh Tinh tiến? Nếu Tinh tiến mà tự lợi, lợi tha, cả mình và người đều lợi lạc thì nên làm. Tinh tiến như vậy là hay trang nghiêm đạo Bồ đề. Bồ tát vì muốn điều phục chúng sinh khiến họ xa lìa khổ não nên tu hạnh Tinh tiến. Người tu hạnh Tinh tiến bất cứ lúc nào cũng thường siêng năng, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh, xa lìa biếng trễ, tâm không phóng dật. Đối với hoạn nạn, những việc không lợi ích, tâm thường tinh tiến, trọn không thoái chuyển. Đây gọi là Bồ tát phát tâm tu hạnh Tinh tiến. Nhờ tu tinh tiến nên hay được những pháp thiện thượng diệu của thế gian và xuất thế gian, đây là tự lợi. Giáo hóa chúng sinh khiến họ siêng tu thiện pháp, đây là lợi tha. Đem công đức tu tập chính nhân Bồ đề của mình giáo hóa chúng sinh khiến họ cũng lợi lạc như mình, đây là mình và người đều lợi lạc. Nhờ tu hạnh Tinh tiến mà được diệu quả thanh tịnh thù thắng, vượt qua các Địa, mau thành Chính giác, đây là trang nghiêm đạo Bồ đề. Tinh tiến có hai loại:

  1. Vì cầu đạo Vô thương mà phát tâm Tinh tiến.
  2. Vì muốn cứu vớt mọi thống khổ nên phát tâm Tinh tiến.

Bồ tát thành tựu mười niệm nên hay phát tâm siêng năng thực hành Tinh tiến. Mười niệm ấy gồm:

  1. Niệm vô lượng công đức của Phật.
  2. Niệm tính giải thoát chẳng thể nghĩ bàn của Pháp.
  3. Niệm tính thanh tịnh không nhiễm của Tăng.
  4. Niệm thực hành Đại từ làm an ổn chúng sinh.
  5. Niệm thực hành Đại bi cứu vớt mọi thống khổ.
  6. Niệm nhóm chính định để khuyến phát tu thiện.
  7. Niệm nhóm tà định để nhổ bỏ trở về cội nguồn.
  8. Niệm sự đói khát nóng bức khổ não trong loài Ngạ quỷ.
  9. Niệm phải chịu mọi thống khổ triền miên trong loài súc sinh.
  10. Niệm phải chịu sự khổ đau thiêu đốt trong đường Địa ngục.

Bồ tát suy nghĩ mười niệm như vậy, công đức của Tam Bảo ta phải tu tập; từ bi chính định, ta phải khuyến khích; Tà định, nỗi thống khổ của chúng sinh trong ba đường ác ta phải cứu vớt. Tư duy như vậy, chuyên tâm bất loạn, ngày đêm cần tu không hề ngừng nghỉ, như thế được gọi là hay khởi chính niệm Tinh tiến. Bồ tát Tinh tiến cũng có bốn việc, đó là tu tập Bốn chính cần.

  1. Pháp ác chưa sinh thì đừng cho phát sinh.
  2. Pháp ác đã sinh phải mau đoạn trừ.
  3. Pháp thiện chưa sinh phải làm cho nó phát sinh.
  4. Pháp thiện sinh rồi phải làm cho nó tăng trưởng viên mãn.

Bồ tát tu tập Bốn chính cần như vậy không hề ngừng nghỉ, đó là Tinh tiến. Chuyên cần Tinh tiến hay phá trừ tất cả phiền não, tăng trưởng chính nhân Bồ đề vô thượng. Bồ tát hay nhận mọi sự thống khổ của thân tâm, vì muốn làm an ổn chúng sinh nên không hề biết mỏi mệt, đó là Tinh tiến. Lúc Bồ tát phát tâm Tinh tiến xa lìa dua nịnh, tà ác, tức là đã tu tập chính Tinh tiến, đó là tu Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ, Từ Bi Hỷ Xả. Việc muốn làm, đã làm, đang làm đều chí tâm siêng năng tinh tiến không hề hối tiếc. Đối với pháp thiện và việc cứu vớt thống khổ, như cứu lửa cháy đầu, tâm không thoái lui, đó là Tinh tiến. Bồ tát tuy không tiếc thân mạng, nhưng vì cứu vớt mọi thống khổ, hộ trì chính pháp, nên cần phải yêu tiếc thân mạng, không bỏ uy nghi, thường tu pháp thiện. Lúc tu pháp thiện tâm không biếng trễ, dù phải mất mạng cũng không bỏ chính pháp, đó là Bồ tát tu đạo Bồ đề, cần hành Tinh tiến. Người biếng trễ thì không thể trong một lúc mà bố thí khắp tất cả, không thể Trì giới, Nhẫn nhục. Đối với mọi thống khổ phải cần hành Tinh tiến, thâu tâm chính định, phân biệt thiện ác. Bởi vậy nên nói, Tinh tiến là chính nhân làm cho Sáu Ba-la-mật tăng trưởng. Nếu hạnh Tinh tiến của Bồ tát ma-ha-tát tăng trưởng thì mau chóng thành tựu Bồ đề vô thượng . Bồ tát phát Đại trang nghiêm mà khởi hạnh Tinh tiến cũng có bốn việc:

  1. Phát đại trang nghiêm.
  2. Tích tập dõng mãnh.
  3. Tu tập căn lành.
  4. Giáo hóa chúng sinh.

Vì sao Bồ tát phát đại trang nghiêm? Vì trong sinh tử, Bồ tát hay kham nhẫn vô lượng số kiếp, trong vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na do tha hằng hà sa vô số kiếp sẽ thành Phật đạo nên tâm không biết mỏi mệt, đó gọi là không biếng nhác trang nghiêm Tinh tiến. Bồ tát tích tập dõng mãnh mà khởi Tinh tiến, như trong ba ngàn đại thiên thế giới toàn là lửa dữ, nhờ gặp Phật nên được nghe pháp, vì đưa chúng sinh vào trong pháp thiện nên cần phải từ nhà lửa ấy mà vượt ra, vì điều phục chúng sinh nên đặt tâm thiện trong Đại bi, đó là dõng mãnh Tinh tiến. Bồ tát tu tập căn lành mà khởi Tinh tiến, như đem tất cả căn lành đã phát đó hồi hướng về Bồ đề Vô thượng, vì muốn thành tựu Nhất thiết trí, đó là tu tập căn lành Tinh tiến. Bồ tát giáo hóa chúng sinh mà khởi Tinh tiến, tính của chúng sinh không thể tính kể, như hư không vô lượng vô biên, Bồ tát lập nguyện ta phải độ thoát hết thảy chúng sinh không còn sót, vì muốn hóa độ nên cần hành Tinh tiến, đó là giáo hóa Tinh tiến.

Nói tóm lại, Bồ tát tu tập trợ đạo tạo công đức trợ giúp thành tựu trí tuệ vô thượng, tu tập Phật pháp mà khởi Tinh tiến, công đức của chư Phật vô lượng vô biên, Bồ tát ma-ha-tát phát đại trang nghiêm, cần hành Tinh tiến cũng vô lượng vô biên như vậy. Bồ tát ma-ha-tát tu hành Tinh tiến không có tâm lìa dục, vì cứu vớt mọi thống khổ. Như vậy là đã thành tựu viên mãn Tỳ-lê-da Ba-la-mật.

 

Phẩm Thứ Tám: THIỀN NA BA LA MẬT

Vì sao Bồ tát tu tập Thiền định? Nếu Thiền định mà tự lợi, lợi tha, mình người đều lợi lạc thì nên tu. Thiền định như vậy thì có khả năng trang nghiêm đạo Bồ đề. Bồ tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến họ lìa khổ nên tu Thiền định. Người tu Thiền định thường khéo nhiếp phục tâm mình, tất cả loạn tưởng thảy đều không khởi, đi đứng nằm ngồi thường buộc niệm hiện tiền, quán thuận quán nghịch, quán từ đầu đến cổ, tay, chân, ngực, lưng, an ban sổ tức, đó gọi là Bồ tát phát tâm tu Thiền định. Nhờ tu Thiền định nên không thụ các quả báo xấu, tâm thường an vui, đó là tự lợi. Giáo hóa chúng sinh khiến họ tu tập chính niệm, đó là lợi tha. Đem công đức tu tập Tam muội thanh tịnh, giác quan lìa ác ấy giáo hóa chúng sinh khiến họ cũng lợi lạc như mình, đó là mình và người đều lợi lạc. Nhờ tu Thiền định nên được tám thứ giải thoát, cho đến tam muội Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang đó gọi là trang nghiêm đạo Bồ đề, Thiền định do ba pháp sinh.

  1. Từ Văn tuệ.
  2. Từ Tư tuệ.
  3. Từ Tu tuệ.

Từ ba pháp này mà dần dần sinh tất cả Tam muội. Thế nào Văn tuệ? Là tâm thường ưa thích những pháp đã được nghe, lại suy nghĩ rằng, vô ngại giải thoát v.v.. là pháp của chư Phật, cần phải nhờ nghe nhiều mà thành tựu. Suy nghĩ vậy rồi, bất cứ lúc nào cầu pháp cũng siêng năng Tinh tiến, ngày đêm thường ưa nghe pháp, không bao giờ thấy chán thấy đủ, đó là Văn tuệ.

Thế nào là Tư tuệ? Là suy nghĩ quán sát như thật tướng của tất cả pháp hữu vi, đó là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, niệm niệm sinh diệt, mau chóng tan hoại, nhưng chúng sinh bị ưu sầu khổ não yêu ghét trói buộc, bị lửa tham sân si thiêu đốt, tăng trưởng thống khổ thêm trong đời sau, nó không có thật tính, giống như huyễn hóa. Thấy như vậy rồi liền sinh tâm nhàm chán, xa lìa tất cả pháp hữu vi, càng thêm tinh tiến, hướng đến trí tuệ Phật. Suy nghĩ, trí tuệ của Như Lai không thể nghĩ bàn, không thể suy lường, có sức mạnh lớn không gì hơn được, nó hay làm cho chúng sinh đến được thành lớn an ổn không sợ sệt, không còn thoái chuyển, hay cứu vô lượng chúng sinh khổ não. Thấy được trí Phật vô lượng, thấy pháp hữu vi khổ não vô lượng, chí tâm mong cầu Đại thừa vô thượng, đó gọi là Tư tuệ.

Thế nào là Tu tuệ? Là từ mảnh xương đầu tiên quán mãi đến Bồ đề Vô thượng, đều gọi là Tu tuệ. Lìa dục, pháp bất thiện, có giác có quán, lìa sinh hỷ lạc vào Sơ thiền. diệt giác quán, bên trong chế tâm một chỗ thanh tịnh, không giác không quán, Định sinh hỷ lạc vào Nhị thiền. Lìa hỷ cho nên xả hành, tâm niệm an lạc, thân được yên vui, hay xả những gì Hiền Thánh đã nói, thường niệm thụ lạc vào Tam thiền. Đoạn khổ, đoạn vui, trước phải diệt ưu, hỷ, xả bất khổ bất lạc hạnh, niệm thanh tịnh vào Tứ thiền. Vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tất cả đối tướng, không niệm tất cả tướng sai khác, biết hư không vô biên liền thể nhập xứ hư không vô sắc định. Vượt qua tất cả tướng hư không, biết Thức vô biên liền thể nhập xứ vô sắc thức định. Vượt qua tất cả tướng Thức, biết vô sở hữu, liền nhập xứ vô sở hữu vô sắc định. Vượt qua tất cả vô sắc phi hữu xứ, biết phi hữu phi tưởng vô tưởng, liền thể nhập xứ Vô sắc phi hữu tưởng phi vô tưởng. Chỉ tùy thuận pháp hạnh nên không ưa đắm, cầu vô thượng thừa, thành Tối chính giác, đó là Tu tuệ. Bồ tát từ Văn, Tư, Tu tuệ mà tinh cần thâu giữ tâm, như vậy là thành tựu chính định. Ba minh, Sáu thông, viên mãn Thiền na Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ tát tu tập thiền định lại có mười pháp hạnh mà Thanh văn, Bích Chi Phật không có.

1. Tu định mà không thấy có ngã, vì đầy đủ các thiền định của Như Lai.

2. Tu định mà không đắm không chấp, vì xả bỏ tâm nhiễm, không cầu sự an vui cho chính mình.

3. Tu định có đủ thần thông, vì biết các tâm hành của chúng sinh.

4. Tu định biết tâm chúng sinh, vì độ thoát tất cả chúng sinh.

5. Tụ định hành Đại bi, vì đoạn phiền não cho chúng sinh.

6. Tu định và các thiền định Tam muội, vì khéo biết ra, vào, vượt qua ba cõi.

7.Tu định thường được tự tại, vì đầy đủ tất cả pháp thiện.

8. Tu định, tâm mình vắng lặng, vì vượt xa Tam muội thiền định của Nhị thừa.

9. Tu định thường nhập trong Trí tuệ, vì vượt khỏi thế gian đến được bờ bên kia.

10. Tu định hay trùng hưng chính pháp, vì tiếp nối mạng mạch Tam Bảo không để đoạn dứt.

Thiền định như vậy, hàng Thanh Văn. Bích Chi Phật không cùng có. Lại nữa, vì biết tâm khổ não của tất cả chúng sinh nên tu tập Thiền định, trợ giúp thành tựu trụ tâm, khiến Thiền định này an trụ trong tâm bình đẳng, đây gọi là Thiền định. Thiền định như vậy là ngang bằng với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác. Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác này ngang bằng với chúng sinh. Chúng sinh ngang bằng với các pháp, thể nhập được như vậy thì gọi là Thiền định. Lại nữa, Bồ tát tùy thuận hạnh của thế gian mà không nhiễm ô những hạnh ấy, xả tám pháp thế gian, diệt tất cả oán kết, xa lìa nơi ồn nào, thích ở một mình, Bồ tát tu tập thiền định như vậy thì tâm an lạc, lìa tất cả pháp thế gian. Lại nữa, Bồ tát tu Thiền định và đầy đủ trí tuệ, phương tiện, thần thông. Thế nào là thông? Thế nào là trí? Nếu thấy sắc tướng hay nghe âm thanh, hoặc biết tâm người hay nghĩ biết quá khứ, hoặc thông đạt đến khắp thế giới chư Phật, đó gọi là thông. Biết sắc chính là pháp tính, thấu tỏ âm thanh là tâm hạnh, tính tướng vắng lặng, ba đời bình đẳng, biết cõi chư Phật đồng với tướng của hư không mà không chứng diệt tận, đó gọi là Trí. Thế nào là phương tiện? Thế nào là Tuệ? Là lúc thể nhập Thiền định sinh tâm Đại từ bi, không bỏ thệ nguyện, tâm như kim cang, quán thế giới chư Phật để trang nghiêm đạo tràng Bồ đề, đó gọi là phương tiện. Tâm mình rốt ráo vắng lặng, không ngã, không chúng sinh, tư duy bản tính các pháp vốn không loạn, thấy cõi chư Phật đồng với hư không, quán những thứ trang nghiêm đồng với sự vắng lặng, đó gọi là Tuệ. Đây gọi là Bồ tát tu Thiền định đầy đủ thần thông, trí, tuệ, phương tiện. Bốn hạnh này đầy đủ thì sẽ gần đến được Bồ đề vô thượng. Bồ tát ma-ha-tát tu tập Thiền định sẽ không hề còn tâm ác vì pháp vốn chẳng động. Như vậy là thành tựu viên mãn Thiền na Ba-la-mật.

 

Phẩm Thứ Chín: BÁT NHÃ BA LA MẬT

Vì sao Bồ tát tu tập Trí tuệ? Nếu Trí tuệ ấy tự lợi, lợi tha cả mình và người đều lợi lạc thì nên tu. Tu Trí tuệ như vậy thì hay trang nghiêm đạo Bồ đề. Bồ tát vì muốn điều phục chúng sinh khiến họ xa lìa khổ não nên tu tập Trí tuệ. Người tu Trí tuệ tất học được tất cả việc thế gian, bỏ tham sân si tạo lập tâm từ, thương xót và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh thường nhớ nghĩ cứu vớt, dẫn dắt họ, hay phân biệt diễn nói chính đạo, tà đạo và Quả báo thiện, ác, đó gọi là Bồ tát phát tâm tu tập Trí tuệ. Nhờ tu Trí tuệ mà xa lìa vô minh, đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng, đó là tự lợi. Giáo hóa chúng sinh khiến họ được điều phục, đây là lợi tha. Đem đạo Bồ đề vô thương mà mình tu tập đó giáo hóa chúng sinh khiến họ cũng lợi ích như mình, đó là mình và người đều lợi lạc. Nhờ tu Trí tuệ nên chứng đắc Bồ tát Sơ địa tu tập Trí tuệ sẽ có hai mươi tâm dần dần được kiến lập.

  1. Tâm phát thiện, muốn gần gũi bạn tốt.
  2. Tâm xa lìa kiêu mạn, không phóng dật.
  3. Tâm tùy thuận lời dạy, ưa nghe chính pháp.
  4. Tâm nghe pháp không chán, lại khéo tư duy.
  5. Tâm thực hành bốn hạnh thanh tịnh, tu tập chính trí.
  6. Tâm quán mười hai nhân duyên, tu tập minh tuệ.
  7. Tâm nghe các Ba-la-mật, tu tập niệm dục.
  8. Tâm quán vô thường, khổ, vô ngã vắng lặng.
  9. Tâm quán không, vô tướng, vô nguyện, vô tác.
  10. Tâm quán Ấm, Giới, Nhập vô số lỗi lầm.
  11. Tâm hàng phục phiền não, chẳng làm bạn với nó.
  12. Tâm hộ trì pháp thiện, làm bạn với nó.
  13. Tâm ngăn chặn pháp ác, khiến nó đoạn diệt.
  14. Tâm tu tập chánh pháp, khiến nó tăng trưởng.
  15. Tâm thường lìa bỏ các hạnh Nhị thừa.
  16. Tâm ưa phụng hành khi nghe tạng Bồ tát.
  17. Tâm tự lợi, lợi tha, tùy thuận tăng trưởng nghiệp lành.
  18. Tâm trì hạnh chân thật, cầu tất cả pháp Phật.
  19. Tâm quán hạnh bất tịnh sanh tâm nhàm chán xa lìa.
  20. Tâm quán Bốn chân đế và mười sáu Thánh pháp.

Lại nữa, Bồ tát tu tập Trí tuệ có mười pháp mà tâm phải khéo tư duy, pháp này hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật không có.

  1. Tư duy phân biệt định tuệ căn bản.
  2. Tư duy không bỏ nhị biên Đoạn, Thường.
  3. Tư duy nhân duyên sanh khởi các pháp.
  4. Tư duy không có chúng sinh, ngã, nhơn, thọ mạng.
  5. Tư duy không có pháp ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.
  6. Tư duy không phát hạnh vì không đoạn nhân, quả.
  7. Tư duy pháp không, nhưng siêng năng trồng căn lành.
  8. Tư duy không tướng, nhưng vẫn độ chúng sinh mà không bỏ.
  9. Tư duy không nguyện, nhưng cầu Bồ đề mà không xa lìa.
  10. Tư duy vô tác, nhưng thọ thân mà không xả.

Lại nữa, Bồ tát lại có mười hai pháp môn khéo nhập.

  1. Khéo nhập tam muội không v.v.. mà không thủ chứng.
  2. Khéo nhập tam muội Thiền định mà không sanh theo Thiền định.
  3. Khéo nhập Thông, Trí, mà mà không chứng pháp vô lậu.
  4. Khéo nhập nội quán pháp mà không chứng quyết định.
  5. Khéo nhập quán hết thảy chúng sinh rỗng lặng, mà không bỏ Đại từ.
  6. Khéo nhập quán hết thảy chúng sinh vô ngã, nhưng không bỏ Đại bi.
  7. Khéo nhập vào các đường ác nhưng không phải do nghiệp.
  8. Khéo nhập lìa dục mà không chứng pháp ly dục.
  9. Khéo nhập xả dục lạc mà không xả lạc pháp.
  10. Khéo nhập xả tất cả hý luận, giác, mà không xả phương tiện quán.
  11. Khéo nhập chỗ xét lường về lỗi lầm của pháp hữu vi mà không bỏ hữu vi.
  12. Khéo nhập pháp vô vi, thanh tịnh, xa lìa mà không trụ vô vi.

Bồ tát hay tu hết thảy pháp môn khéo nhập, thì hay hiểu được ba đời đều không, không thứ gì có cả. Quán được ba đời đều không là nhờ sức Trí tuệ. Nếu đem vô lượng công đức do chư Phật ba đời gây trồng ấy hồi hướng về đạo Bồ đề Vô thượng thì đây gọi là khéo quán phương tiện ba đời. Lại nữa, tuy thấy hết pháp quá khứ, vị lai thì chưa đến, mà thường tu căn lành, tinh tiến không giải đãi; quán pháp vị lai dù không sinh xuất, nhưng không bỏ tinh tiến, nguyện hướng đến Bồ đề; quán pháp hiện tại tuy niệm niệm sinh diệt, nhưng tâm không quên, phát khởi hướng tới Bồ đề. Đây gọi là Bồ tát quán phương tiện ba đời. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại chẳng trụ, tuy quán như vậy niệm niệm đều biết rõ pháp sinh diệt tan hoại, nhưng vẫn thường tu tập căn lành trợ giúp Bồ đề. Đây gọi là Bồ tát quán phương tiện ba đời. Lại nữa, Bồ tát quán tất cả thiện, bất thiện, ngã vô ngã, thật, không thật, không, bất không, thế đế, chân đế, chính định, tà định, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, nhiễm pháp, tịnh pháp, sinh tử, Niết Bàn, như pháp tính Nhất tướng, Vô tướng, trong đó không có pháp để gọi là Vô tướng, cũng không có pháp nào lấy làm Vô tướng, đây gọi là tất cả pháp ấn chẳng thể hoại ấn. Như vậy trong ấn cũng không có tướng ấn, đây gọi là Chân thật trí tuệ phương tiện Bát nhã Ba-la-mật. Bồ tát ma-ha-tát phát tâm Bồ đề phải học như thế, phải hành như thế. Làm được như vậy là gần chứng Bồ đề Vô thượng. Bồ tát ma-ha-tát tu tập trí tuệ, tâm không chốn hành, vì pháp tính thanh tịnh, như vậy là thành tựu viên mãn Bát nhã Ba-la- mật.

 

Phẩm Thứ Mười: NHƯ THẬT PHÁP MÔN

Nếu có thiện nam thiện nữ tu tập Sáu Ba-la-mật, cầu đạo quả Bồ đề vô thượng, thì cần phải lìa bảy pháp:

1. Lìa tri thức ác. Tri thức ác ở đây là những người dạy người khác xa lìa thượng tín, thượng dục, thượng tinh tiến, lại đi thực hành những hạnh ô tạp khác.

2. Lìa nữ sắc, là tham đắm, ham muốn, đùa giỡn với người đời rồi cho đó là việc mình phải làm.

3. Lìa giác ác, là tự quán hình dung rồi sanh tâm tham tiếc, yêu mến, trân trọng, nhiễm đắm chấp chặt, bảo thân là cái đáng bảo dưỡng mãi.

4. Lìa sân hận, khinh mạn, ghen ghét vì đây là nhân gây khởi kiện cáo, làm hoại loạn tâm thiện.

5. Lìa phóng dật, kiêu mạn, biếng nhác, vì tự cậy chút thiện nhỏ rồi khinh khi người khác.

6. Lìa sách vở ngoại đạo và những thứ văn chương thêu dệt bóng bẩy của người đời, vì không phải Phật nói, chẳng nên xem đọc.

7. Không nên gần gũi người tà kiến, ác kiến.

Bảy pháp ấy, hành giả cần phải xa lìa. Như Lai nói, Không thấy những pháp nào khác làm chướng ngại Phật đạo hơn. Bởi vậy, Bồ tát cần phải xa lìa bảy pháp này. Nếu muốn mau chóng thành tựu Bồ đề Vô thượng phải tu tập bảy pháp sau đây.

1. Bồ tát phải thân gần tri thức thiện. Tri thức Thiện ở đây là những người như Thanh văn, Bồ tát, chư Phật, vì họ hay làm cho Bồ tát trong trụ sâu pháp tạng và trong các Ba-la-mật, đây cũng là tri thức thiện của Bồ tát.

2. Bồ tát phải thân gần người xuất gia, và thân gần những pháp vắng lặng, xa lìa nữ sắc và những ham muốn, không nên làm việc cùng với người đời.

3. Bồ tát phải tự quán, hình dung ta như phẩn như đất, chứa đầy các thứ ô uế, những bịnh phong hàn, nhiệt huyết, chẳng đáng để tham đắm, mỗi ngày gần kề cái chết, cần phải tư duy nhàm chán, tinh tiến tu tập.

4. Bồ tát cần phải thường hành nhu hòa, nhẫn nhục, cung kính điều thuận, và phải khuyến hóa người khác khiến họ an trụ trong nhẫn nhục.

5. Bồ tát phải tu tập tinh tiến, thường sinh tâm hổ thẹn, kính phụng Sư trưởng, thương xót kẻ bần cùng, thấy người gặp tai nạn nguy ách phải đem thân chịu thay cho họ.

6. Bồ tát cần phải tu tập Đại thừa phương đẳng và tạng Bồ tát, cần phải đọc tụng thụ trì những pháp mà Phật ngợi khen.

7. Bồ tát cần phải thân gần tu tập Đệ nhất nghĩa đế, đó là Thật tướng, Nhất tướng, Vô tướng. Nếu Bồ tát muốn mau chóng thành tựu Bồ đề Vô thượng cần phải thân gần bảy pháp ấy.

Lại nữa, nếu người phát tâm Bồ đề, mà thấy sở đắc dù trải qua vô lượng vô số kiếp tu tập Từ bi, Hỷ xả, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ thì nên biết người này chẳng lìa sinh tử, chẳng hướng Bồ đề. Vì sao? Vì tâm có sở đắc, thấy có sở đắc, thấy có ấm, giới, nhập, thấy có ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, thấy có Từ bi, Hỷ xả, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ. Nói tóm lại, người đó tăng thêm cái thấy pháp Phật, Niết Bàn. Do thấy như vậy nên tâm chấp trước, hễ chấp trước thì gọi là tà kiến, Vì sao? Vì người tà kiến phải luân chuyển mãi trong ba cõi không biết lối ra. Người chấp trước cũng giống như vậy, không biết ngõ ra, trọn không thể chứng đắc Bồ đề Vô thượng. Nếu người phát tâm Bồ đề cần phải quán sát tâm này là tướng không. Cái gì là tâm? Cái gì là tướng không? Tâm còn gọi là Ý thức, tức là Thức ấm, Ý nhập, Ý giới. Tướng không của tâm là tâm không có tướng, tâm không ai tạo tác. Vì sao? Vì tướng không của tâm này không có ai tạo tác ra cả, cũng không bảo ai tạo tác. Nếu không có người tạo tác thì không có tướng tạo tác. Nếu Bồ tát thấu suốt pháp ấy rồi, thì trong tất cả pháp, không hề chấp trước. Không chấp trước nên không dính vào thiện ác, không phải chịu quả báo. Khi thể hiện lòng Từ không thấy có ngã, khi thể hiện tâm Bi thấy không có chúng sinh, khi thể hiện tâm Hỷ không thấy có thọ mạng, khi thể hiện tâm Xả không thấy có con người. Tuy hành Bố thí nhưng không thấy có vật để Bố thí. Tuy giữ Giới nhưng không thấy tâm tịnh. Tuy hành Nhẫn nhục nhưng không thấy có chúng sinh. Tuy hành Tinh tiến nhưng không có tâm ly dục. Tuy tu Thiền định nhưng không có tâm diệt ác. Tuy tu Trí tuệ nhưng tâm không thấy có làm. Tất cả các duyên đều là Trí tuệ nhưng không chấp Trí tuệ, không được Trí tuệ, không thấy Trí tuệ. Hành giả phải tu tập Trí tuệ như thế, nhưng chẳng tu gì, chẳng có gì mà không tu. Vì giáo hóa chúng sinh nên thực hành Sáu độ nhưng bên trong thường thanh tịnh. Hành giả phải tu tập tâm mình như thế, trong khoảng một niệm, căn lành được trồng đó, phước đức quả báu của nó vô lượng vô biên, trong trăm ngàn ức A-tăng-kỳ kiếp cũng không thể nào nói hết, tự nhiên chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

Phẩm Thứ Mười Một: KHÔNG, VÔ TƯỚNG

Thuở xưa, một lần đức Phật cùng vô lượng đại chúng Tỳ kheo nhóm họp tại vườn Trúc Ca-lan-đà. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo đại chúng: Các pháp Như Lai nói ra là không có tính không, không có sở hữu. Tất cả thế gian khó tin, khó hiểu. Vì sao? Vì sắc không có trói buộc, không có giải thoát. Thụ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Sắc không có tướng, lìa tất cả tướng; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Sắc không có niệm, lìa tất cả niệm; thụ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tác pháp cũng đều như vậy. Không thủ, không xả, không dơ, không sạch, không đến, không đi, không thuận, không nghịch, không tối, không sáng, không mê, không ngộ, không phải bờ này, không phải bờ kia, không phải giữa dòng. Đó gọi là không trói buộc. Do không trói buộc nên rỗng lặng. Rỗng lặng tức là vô tướng, vô tướng cũng là rỗng lặng. Đây gọi là không. Không, được gọi là niệm, vô niệm cũng chính là không. Trong không, không có thiện ác, cho đến không có tướng không, nên được gọi là không. Bồ tát biết tính của Ấm, Giới, Nhập đúng như vậy nên không chấp trước, đây là Pháp nhẫn. Bồ tát do nhẫn được như vậy nên được nhân thọ ký.

Này chư Phật tử! Ví như Bồ tát đưa tay viết trong hư không, viết chép được mười hai bộ loại kinh của Như Lai, qua vô lượng kiếp khi pháp Phật diệt rồi, người cầu pháp chẳng còn được nghe, chúng sinh điên đảo tạo tác vô biên tội ác, bấy giờ có người trí từ phương khác, thương xót chúng sinh nên tìm cầu pháp Phật, đến được nơi này thấy được chữ trong hư không, nét chữ rõ ràng nhìn vào biết ngay. Người đó thọ trì đọc tụng, tu hành đúng như kinh dạy, phân biệt giảng nói làm lợi ích chúng sinh. Sách trong hư không, chữ trong hư không, con người có thể nghĩ bàn được chăng? Rồi diễn nói, tu tập, thọ trì, dắt dẫn chúng sinh khiến họ lìa mọi trói buộc?

Này chư Phật tử! Như Lai nói, trong đời quá khứ lúc ta cầu đạo Bồ đề, gặp được ba mươi ba ức chín vạn tám ngàn chư Phật, khi ấy ta làm Chuyển Luân Thánh Vương, dùng tất cả những thứ an lạc cúng dường chư Phật và chúng đệ tử. Do ta thấy có chỗ thủ đắc nên không được thọ ký. Sau đó, ta gặp được tám vạn bốn ngàn ức chín vạn Bích Chi Phật, ta cũng dùng tứ sự suốt đời cúng dường. Sau đó, ta lại gặp được sáu trăm hai mươi vạn, một nghìn hai trăm sáu mươi mốt vạn Đức Phật. Lúc ấy ta cũng đem tất cả các thứ an lạc tâm cúng dường. Sau khi chư Phật diệt độ, ta dựng tháp bảy báu an trí xá lợi cúng dường. Sau có Phật ra đời, ta khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân, cúng dường trăm ngàn vạn ức chư Phật như vậy nữa. Chư Phật ấy đều diễn nói các pháp tướng trong pháp không, nhưng do ta có chỗ thủ đắc nên không được thọ ký, Cứ như vậy mãi đến khi ta gặp Phật Nhiên Đăng ra đời. Ta gặp Phật, được nghe pháp liền chứng tất cả pháp nhẫn vô sinh. Khi được nhẫn ấy rồi ta mới được thọ ký. Đức Phật Nhiên Đăng diễn nói các pháp tướng trong pháp không, độ thoát vô lượng trăm ngàn chúng sinh, nhưng không hề nói, không hề độ. Thế Tôn Mâu Ni xuất hiện trong đời, ngay nơi pháp không, nói có văn tự, nhằm chỉ bày lợi lạc khiến chúng sinh tin nhận, tu hành, nhưng kỳ thật không hề chỉ bày, cũng không hề có hành trì. Phải biết, tính tướng của pháp ấy đều không, kinh đã không, cái biết ấy cũng không, diễn thuyết cũng không, hiểu cũng không. Từ xưa đến nay đều không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không, nhưng chư Bồ tát tích tập mọi nghiệp thiện và sức phương tiện, tinh tiến, không biếng trễ nên công đức thành tựu viên mãn, chứng đắc Bồ đề vô thượng . Đây quả thật không thể nghĩ bàn. Trong cái không pháp mà diễn nói các pháp tướng, trong cái không chứng đắc mà nói có đắc pháp, những việc như thế này, và cảnh giới chư Phật chỉ dùng Vô lượng trí mới có thể hiểu được, chứ không phải do suy nghĩ phân biệt mà biết. Bồ tát mới phát tâm, thành tâm kính ngưỡng tin ưa Bồ đề, nhờ tin lời Phật mà dần dần thể nhập. Vậy tin là tin cái gì? Đó là tin quán Tứ đế, đoạn trừ phiền não vọng kiến, trói buộc, chứng đắc A-la-hán. Tin quán mười hai nhân duyên đoạn trừ vô minh, sinh khởi thiện hạnh, chứng Phật Bích Chi. Tin tu Bốn tâm vô lượng, Sáu Ba-la-mật chứng đắc Bồ đề Vô thượng. Đó gọi là Tín nhẫn.

Chúng sinh từ vô thỉ bị trôi lăn trong sinh tử là do vọng tưởng chấp trước, không thấy được pháp tính, vì vậy trước tiên phải quán Năm ấm là giả danh, chúng sinh ngay tự thân mình, trong ấy không có ngã, không có chúng sinh. Vì sao? Vì nếu có ngã ấy phải tự tại, thế nhưng chúng sinh thường bị sinh già bệnh chết vây bức làm hại mà chẳng được tự tại, cho nên phải biết nó vốn vô ngã. Vô ngã thì vô tác, vô tác thì vô thọ, pháp tính thanh tịnh thường trụ như thật. Quán sát như vậy vẫn chưa rốt ráo, đây gọi là thuận nhẫn. Bồ tát khi đã tu tập Tín nhẫn và Thuận nhẫn rồi, không bao lâu chắc chắn thành tựu pháp nhẫn tối thượng.

 

Phẩm Thứ Mười Hai : CÔNG ĐỨC TRÌ

Bồ tát tu đầy đủ tâm Vô tướng mà chưa từng trụ trong tạo tác nghiệp, đó là Bồ tát biết rõ nghiệp tướng nhưng vẫn tạo tác, vì tu căn lành cầu Bồ đề nên không hề bỏ pháp hữu vi, vì chúng sinh, tu hạnh Đại bi nên không trụ trong vô vi; vì Chân diệu trí của tất cả chư Phật nên không lìa sinh tử; vì độ vô biên chúng sinh khiến không giết hại một loài nào nên không trụ Niết Bàn. Đó gọi là Bồ tát ma-ha-tát phát tâm sâu xa cầu đạo quả Bồ đề vô thượng.

Này chư Phật tử! Bồ tát thành tựu mười pháp nên vĩnh viễn chẳng thoái thất Bồ đề vô thượng. Mười pháp ấy là:

1. Bồ tát phát tâm Bồ đề vô thượng rất sâu chắc, giáo hóa chúng sinh, khiến họ cũng phát tâm.

2. Thường ưa gặp Phật, rồi đem những đồ quý giá của mình bố thí cúng dường, trồng gốc thiện sâu chắc.

3. Vì cầu pháp, nên tâm thường cung kính, tôn trọng, cúng dường Pháp Sư, nghe pháp không chán.

4. Nếu thấy chư Tỳ-kheo tăng phân thành hai nhóm nổi lên tranh cãi nhau, cùng tạo tội lỗi gây lỗi cho nhau, thì Bồ tát cần cầu phương tiện khiến họ hòa hợp.

5. Nếu gặp phải quốc độ có tà kiến nổi lên làm bại hoại pháp Phật, thì Bồ tát hay đọc tụng giảng nói, thậm chí chỉ một bài kệ nhằm để pháp Phật không đoạn diệt, chuyên tâm hộ pháp chẳng tiếc thân mạng.

6. Nếu thấy chúng sinh hoảng sợ, khổ não, Bồ tát liền cứu giúp, ban cho họ tâm không sợ sệt.

7. Phát tâm tinh tiến tu tập và cầu những kinh pháp phương đẳng Đại thừa sâu xa như vậy, cùng các tạng Bồ tát.

8. Được pháp ấy rồi thì thọ trì, đọc tụng, như thuyết tu hành, đúng pháp mà trụ.

9. Tự tại trong các pháp, hay khuyến hóa làm cho vô lượng chúng sinh thể nhập trong pháp ấy.

10. Thể nhập pháp ấy rồi, hay giảng nói, chỉ bày, khai ngộ chúng sinh.

Bồ tát thành tựu mười pháp ấy rồi sẽ không bao giờ thoái thất Bồ đề vô thượng, Bồ tát cần phải tu tập kinh này. Kinh điển không thể nghĩ bàn như thế này được gọi là hay sinh tất cả giống Đại từ bi. Kinh này hay khai ngộ dẫn dắt hàng phàm phu đủ thứ trói buộc, khiến họ phát tâm. Kinh này hay làm cái nhân sinh khởi cho những người hướng đến Bồ đề.

Kinh này hay thành tựu hết thảy hạnh Bất động của Bồ tát. Kinh này hay được chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai hộ niệm. Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào muốn siêng năng tu tập Bồ đề Vô thượng thì phải diễn nói, lưu bố rộng rãi kinh này, khiến cho Diêm Phù Đề không thiếu mất kinh này, để vô lượng vô biên chúng sinh đều được nghe kinh. Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe kinh này rồi, thì những người ấy đều đã được Đại trí tuệ, lanh lợi, dõng mãnh, chẳng thể nghĩ bàn, được quả báo phước đức không thể nào tính kể được, Vì sao? Vì kinh này hay mở ra vô lượng Tuệ nhãn thanh tịnh, hay làm cho giống Phật chẳng bao giờ dứt, hay cứu độ vô lượng chúng sinh bị khổ não, hay chiếu phá tất cả vô minh tăm tối, hay phá bốn loại ma và nghiệp của ma, hay hàng phục tất cả ngoại đạo tà kiến, hay diệt trừ tất cả lửa dữ phiền não, hay làm tiêu tan nhân duyên sinh khởi nghiệp ác, hay đoạn trừ tham lam, phá giới, sân hận, biếng nhác, loạn tưởng, ngu si, cả thảy sáu bệnh nặng ấy, hay diệt trừ nghiệp chướng, vô minh chướng, trí chướng, tập chướng. Nói tóm lại, kinh này hay làm cho tất cả pháp ác tiêu diệt không còn thừa, hay làm cho tất cả pháp thiện tăng trưởng vượt bậc.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được kinh này mà hoan hỷ tin ưa sinh tâm khó gặp, phải biết người đó đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, trồng sâu căn lành. Vì sao như vậy? Vì kinh này là con đường mà chư Phật ba đời đều đi qua. Vì vậy hành giả được nghe kinh này rồi sẽ tự thấy vui mừng, được thiện lợi lớn, Nếu có người biên chép, đọc tung kinh này thì phải biết người đó được vô lượng vô biên phước báo, Vì sao như vậy? Vì nhân duyên của kinh này vô biên, phát khởi vô lượng Đại thệ nguyện, nhiếp thọ tất cả chúng sinh, trang nghiêm Đại Bồ đề Vô thượng vì vậy phước báo có được ấy cũng vô lượng vô biên, không có giới hạn. Nếu người hiểu được nghĩa kinh rồi đúng như kinh dạy mà tu hành, thì phước báo của người đó dù trong vô số kiếp, tất cả chư Phật dùng vô lượng trí diễn nói phước báo ấy, vẫn không thể nào diễn nói hết. Nếu nơi có Pháp Sư giảng nói kinh này, thì phải biết nơi đó có Bảo tháp hiện ra. Vì sao vậy? Vì đây là nơi xuất sinh ra chính pháp chân thật. Ở quốc độ, thành ấp, làng xóm, chùa viện, tinh xá nào có kinh này, thì phải biết nơi đó có pháp thân. Nếu người nào dùng hương hoa, kỹ nhạc, vải lụa, cờ phướn, lọng báu, ca ngâm, tán thán, chắp tay, cung kính mà cúng dường kinh này, thì phải biết người đó đã tiếp nối được giống Phật, huống gì người thọ trì đầy đủ kinh này. Những người ấy thành tựu công đức, trí tuệ trang nghiêm, trong đời vị lai sẽ được thọ ký, nhất định sẽ thành tựu đạo quả Bồ đề vô thượng.

Pages: 1 2