Luận Hiển Dương Thánh Giáo Quyển 11

Luận Hiển Dương Thánh Giáo Quyển 11

LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

PHẨM 2: NHIẾP TỊNH NGHĨA (Phần )

Pháp lập luận có nhiều thứ, Kệ rằng:

Luận thể, luận xứ sở,

Luận cứ, luận trang nghiêm,

Luận phụ luận xuất ly,

Luận nhiều chỗ tác pháp.

Luận chép: Pháp lập luận có bảy thứ:

  1. Luận thể tánh,
  2. Luận xứ sở.
  3. Luận về chỗ nương
  4. Luận trang nghiêm.
  5. Luận đọa phụ (thua).
  6. Luận xuất ly.
  7. Luận nhiều chỗ tác pháp.

Luận thể tánh lại có sáu thứ:

  1. Ngôn luận.
  2. Thượng luận.
  3. Tranh luận.
  4. Hủy báng luận.
  5. Thuận chánh luận.
  6. Giáo đạo luận.

Ngôn luận là các sự nói năng, âm điệu, lời lẽ.

Thượng luận là ở đời thích nghe lời lẽ biện luận.

Tránh luận là dựa vào ý muốn mà phát sinh tranh cãi, hoặc buộc kẻ khác phải chiều theo ý muốn của mình. Hoặc tự mình kết buộc, theo ý muốn của người khác. Hoặc đối với hữu tình mà ta và người đều yêu mến cùng nhau giành lấy những điều mong muốn ấy. Hoặc thuộc về ca múa vui chơi, như thuộc về nữ ca hát và tôi tớ theo hầu, hoặc đến xem xét, hoặc thọ hưởng. Các dục lạc ấy có chỗ khác nhau, ở đó, người chưa lìa ham muốn thì bị nhiễm trong ham muốn ngay đấy, ở cõi Dục nầy, nên bị buộc chặt vào ham muốn. Từ ham muốn khát ái ấy mà đam mê, tham ái, uy hiếp, cùng nhau giành lấy đối tượng, diễn ra tranh cãi, đưa đến những mâu thuẫn, mưu hại.

Từ những việc làm ác sinh, rồi thân, ngữ ây ra hành vi ác bị các người chê trách. Hoặc kẻ khác thân ngữ làm ác, chính họ đã làm việc đáng, chê trách, phản đối. Hoặc ta, người cùng yêu mến hữu tình nào đấy, thân ngữ làm những việc ác, giành giật mạ lị nhau. Đối với những việc Cũng thế đã làm hay chưa, các hành vi ác đều bị sai khiến do tham, sân, si sâu nặng, do cố chấp, do thâu nhiếp, do tham ái, nên cùng nhau phẫn nộ. Do tâm cấu nhiễm nên phát ra thành sức mạnh của tranh chấp, tạo nên những nghịch lý, gây vô số tai hại.

Hoặc dựa vào những kiến chấp đã có, là những kiến chấp về thân, về đoạn, thường, vô nhân, nhân ác, là hai thứ tà kiến sinh tử ngoại đạo và còn nhiều thứ ác kiến khác. Trong các lối chấp ấy, hoặc đối với cái mình chấp, kẻ khác sẽ ngăn dứt, đoạn trừ. Hoặc đối với điều kẻ khác chấp, mình sẽ ngăn dứt, đoạn trừ. Hoặc khiến kẻ khác lìa bỏ điều họ chấp. Hoặc có thể thâu nhiếp cái chưa thành kiến chấp. Đối với những việc nầy, ai chưa dứt trừ ham muốn thì như trước đã nói, sẽ đưa đến những tranh cãi đầy nghịch lý, tai hại. Đó gọi là tránh luận.

– Hủy báng luận là tạo sự phẫn nộ với nhau. Vì tâm ô nhiễm làm bật lên sức mạnh để cùng chế nhạo nhục mạ. Đó là thuộc lời ăn nói thô ác, hoặc thuộc về nói dối, nói thêu dệt, cho đến những lời nói xấu trong pháp luật, hoặc vì hữu tình nói rõ pháp ấy, hoặc cân nhắc so lường, quyết định, hoặc truyền dạy răn bảo, đều gọi là hủy báng luận. Vì sao? Vì đi trái với chân thật, vì dẫn tới đường ác, vì đưa đến luống uổng, nhọc xác, vô nghĩa lợi. Cho nên cách lập luận ấy gọi là Hủy báng luận.

– Thuận chánh luận là khéo giảng nói những điều trong luật pháp, hoặc vì hữu tình nêu rõ về chánh pháp, hoặc cân nhắc, quán xét, quyết định, hoặc truyền trao, răn dạy để cắt dứt các ngờ vực của các người. Vì khéo thấu đạt nghĩa lí sâu mầu cho nên mới thấy, biết hoàn toàn trong sạch. Đó là Thuận chánh luận. Vì sao? Vì biết thuận theo việc chân chánh, thuận theo nghĩa chân chánh, cho nên lối lập luận nầy gọi là Thuận chánh luận.

– Giáo đạo luận là trong Thuận chánh luận ấy, thúc đẩy tu tập tâm học tăng thượng, tuệ học tăng thượng. Tất cả những gì đã được dạy bảo, nếu tâm chưa định thì khiến cho tâm định, tâm đã định thì khiến cho giải thoát. Những ai chưa đạt trí chân thật thì giúp họ khai ngộ. Ai đã chứng trí chân thật rồi thì khiến họ tu tập tròn đầy. Đó gọi là giáo đạo luận. Vì sao? Vì được ủy thác hoàn toàn việc giáo hóa dẫn dắt hữu tình, nên gọi luận nầy là Giáo đạo luận.

Hỏi: Quán sát đúng như thật trong sáu thứ luận nầy, có bao nhiêu luận chân thật, có thể mang lại nghĩa lợi mà khiến các người phải tu tập? Và có mấy thứ luận không chân thật thường dẫn đến vô nghĩa, các người phải xa lìa?

Đáp: Hai luận sau cùng Thuận chánh và Giáo đạo là chân thật, đưa đến ích lợi và có nghĩa, nên tu tập. Hai luận giữa là không chân thật, đưa đến vô nghĩa, cần phải xa lìa. Hai luận đâu cần phân biệt cho rõ.

Luận xứ sở nên biết, cũng có sáu thứ:

  1. Ở trước nhà vua.
  2. Đối với kẻ chấp lý.
  3. Ở trong đại chúng.
  4. Đối với ý nghĩa của giáo pháp có khả năng hiểu rõ.
  5. Đối trước Sa-môn, Bà-la-môn.
  6. Đối trước người thích hiểu ý nghĩa của giáo pháp.

Nói về chỗ nương: Có mười thứ, nên biết. Nghĩa của sở thành có hai thứ, pháp của năng thành có tám thứ.

Nghĩa của sở thành có hai thứ là: 1. Tự tánh; 2. Sai khác của sở thành.

Tự tánh là các pháp có lập là có, không lập là không.

Sai khác của sở thành là các pháp có trên thì lập có trên, không có trên thì lập không có trên. Các pháp thường thì lập thường, các pháp vô thường thì lập vô thường.

Như vậy có sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi… các pháp gồm vô lượng nghĩa môn khác nhau, Cũng thế, đó gọi là sự sai khác của sở thành, nên biết.

Pháp của năng thành có tám thứ là:

  1. Lập tông.
  2. Nói về nhân.
  3. Dẫn dụ.
  4. Đồng loại.
  5. Dị loại.
  6. Hiện lượng.
  7. Tỷ lượng.
  8. Chí giáo.

– Lập tông là y cứ vào hai nghĩa của sở thành, mỗi thứ đều có chỗ nhiếp thọ riêng, tông mình đã thừa nhận, hoặc thuộc về luận giáo, hoặc tự giải thích tông đã lập, hoặc từ người khác đã nghe, hoặc vì thành lập tông chỉ của mình, hoặc vì vạch rõ lầm lỗi trong tông chỉ của người, hoặc vì phá trừ tính kiêu mạn, hoặc vì dứt bỏ tính lấn ác, hoặc vì thương xót hữu tình.

– Biện nhân là vì muốn thành tựu tông mình lập, nên dựa vào đó dẫn thí dụ đồng loại, khác loại, hiện lượng, tỷ lượng và chí giáo để giải thích đạo lý của nhân.

– Dẫn dụ cũng vì thành tựu ý nghĩa của tông đã lập, nên dẫn chứng chỗ nương của nhân, đó là lấy những hiện tượng đều dễ hiểu, quen thuộc trong thế gian, để so sánh.

Đồng loại là: Hoặc hiện tại hay trước đây đã thấy tướng mạo giống nhau. Đồng loại nầy, chia làm bốn thứ là:

  1. Tự thể.
  2. Nghiệp.
  3. Pháp.
  4. Nhân quả.

– Tự thể tương tự là tướng mạo giống nhau.

– Nghiệp tương tự là tác dụng của nghiệp giống nhau.

– Pháp tương tự là trên tự thể, lần lượt các pháp môn đều giống nhau. Chẳng hạn như pháp vô thường và pháp khổ, pháp khổ với pháp vô ngã, pháp vô ngã và pháp sinh, pháp sinh và pháp già, pháp già và pháp chết. Cũng thế, hữu sắc, vô sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. vô lượng pháp môn sai khác như vậy cùng có chỗ tương tự.

– Nhân quả tương tự: Là năng thành và sở thành của nhân quả lại cũng có sự tương tự. Đó là đồng loại.

Dị loại là các pháp đều tùy theo nghĩa khác nhau của chúng, nên không giống nhau. Dị loại nầy cũng có bốn thứ là tức ngược với bốn thứ đồng loại trên, nên biết.

Hiện lượng có ba thứ tướng là:

  1. Tướng chẳng phải không hiện thấy .
  2. Tướng chẳng phải được thành lập quán xét.
  3. Tướng chẳng phải thấy lầm.

Chẳng phải tướng mạo không hiện thấy: Nên biết có bốn thứ là khi các căn còn nguyên vẹn, khi tác ý trước mắt đồng loại sinh, khác loại sinh, không có chướng ngại, không phải nhìn quá xa.

Đồng loại sinh ra là: Ham muốn trói buộc các giác quan vào cảnh lệ thuộc cõi Dục. Các căn của địa trên đối với cảnh của địa trên đã sinh, đã cùngsinh. Hoặc sinh hay khởi ý đều gọi là Đồng loại sinh.

Dị loại sinh là: Các căn của địa trên, nếu đối với cảnh của địa dưới. đã sinh thì gọi là Dị loại sinh.

Không chướng ngại là: Có bốn thứ là:

  1. Không phải bị che do tư tưởng ngờ vực.
  2. Không phải nghi ngờ vì bị phiền não che kín.
  3. Không phải bị chướng ngại do chướng phiền não ngăn lấp.
  4. Không phải bị chướng ngại do hoặc chướng hay bị chướng ngại do che lấp là vô minh đen tối đã che kín, đã ngăn cách nên các sắc không còn trong lắng.

Sự chướng ngại do bị che kín là: Như do sức của cỏ thuốc, hay năng lực của bùa chú, hoặc sức thần thông che kín.

Sự chướng ngại do các phiền não ngăn lấp che kín là: Chỉ số ít bị che lấp, cưỡng đoạt do chói lóa của nhiều vật nên không thể nhìn thấy đâu nữa. Hoặc do ăn uống, hay thuốc độc lấn áp, làm ngặt. Hoặc bị lấn áp do các vật to khác khiến khắp mình nổi ốc.

Các loại như vậy thật nhiều vô lượng, vô biên. Hơn nữa, như ánh sáng le lói đã bị ánh sáng rực rỡ chói lóa nên không còn thấy gì, đó là ánh sáng mặt trời làm lóa đi các vì sao và mặt trăng. Lại như năng đối trị lấn ấp làm lóa đi những gì bị đối trị nên không còn nắm bắt được. Như quán bất tịnh đã lấn áp làm lóa đi tướng tịnh. Quán tưởng các pháp là vô thường, khổ, vô ngã đã làm lóa đi, lấn áp tướng thường, lạc, ngã, tịnh. Sức mạnh của quán tưởng vô tướng đã làm lóa đi, lấn áp các hình tướng.

Sự chướng ngại do hoặc, chướng là các pháp hữu vi đều do huyễn hóa tạo thành, tướng mạo chúng khác nhau, hoặc là pháp tương tự, hoặc nội tại đã gây nên sự hoa mắt, mê mộng, điên loạn vì phiền muộn say sưa, buông lung, rồ dại. Các thứ ấy đều gọi là hoặc chướng. Nếu không bị bốn chướng nầy gây chướng ngại thì gọi là vô chướng ngại. không xa lắm nghĩa là không phải ba thứ rất xa:

  1. Nơi ở rất xa.
  2. Thời gian rất xa.
  3. Dứt bỏ rất xa.

Như vậy, gọi chung là chẳng phải không nhìn thấy hiện thực. Vì chẳng phải bình thường không nhìn thấy các hiện thực nên gọi hiện 22 lượng.

Không phải do tư tưởng cấu tạo mà thành tướng: Lại có hai thứ là:

  1. Khi vừa nắm bắt thì cái ấy trở thành chỗ nương của cảnh.
  2. Lập ra cảnh giới để làm chỗ nương cho đối tượng của sự nắm bắt.

Khi vừa nắm bắt thì cái ấy thành chỗ nương của đối tượng là: Nếu cảnh là năng tác động thì vừa nắm bắt, liền thành chỗ nương của đối tượng đã nắm bắt, như thầy thuốc trao thuốc cho người bịnh. Thuốc ấy có sắc hương vị xúc đầy đủ, có uy tín lớn, có uy đức nổi tiếng. Nên biết, sắc hương vị xúc của thuốc nầy, vừa nắm bắt, thì liền thành chỗ nương của cái bị nắm bắt kia, là thuốc với uy tín lớn, uy đức nổi tiếng. Nếu bệnh chưa khỏi, nhưng sự cấu tạo tư tưởng đã thành hình. Nếu khi lành bệnh thì không phải do tư tưởng tạo thành. Các loại như vậy, gọi là khi vừa nắm bắt thì cái ấy trở thành chỗ nương cho đối tượng của sự nắm bắt.

– Lập ra cảnh giới để làm chỗ nương cho đối tượng của sự nắm bắt là: Nếu cảnh là năng tác động thì nó có thể lập ra cảnh giới làm chỗ nương cho việc nắm bắt, như các sư Du-già họ giả tưởng, đem ý nghĩ cấu tạo nên cảnh giới đất, nước, lửa, gió. Nếu từ đất mà giả lập thủy giải [coi là nước] tức là nương vào ý nghĩ đất mà lập ra ý nghĩ nước. Nếu từ đất mà giả lập hai thứ giải là lửa, gió, tức là nương vào ý nghĩ đất mà lập ra hai ý nghĩ, lửa, gió. Trong ấy, ý nghĩ về đất tức là lập ra cảnh giới. Nắm bắt ý niệm đất tức là lập ra cảnh giới làm chỗ nương cho sự nắm bắt ấy. Như đối với ý niệm về đất, các ý niệm về lửa, gió nước, cũng thích ứng với nó, như vậy. phải hiểu cho hết. Đó gọi là lập ra cảnh giới làm chỗ nương cho đối tượng được nắm bắt. Trong sự lập ra cảnh giới ấy, chỗ nương của đối tượng được nắm bắt, không phải là do ý nghĩ cấu tạo nên những giả tưởng để hiểu về các thứ, như đất, v.v… khi cái hiểu ấy chưa thành hình thì gọi là ý nghĩ cấu tạo đã thành. Khi cái hiểu ấy đã thành rồi thì nó không phải do ý nghĩ cấu tạo. Như vậy, gọi là không phải ý nghĩ cấu tạo mà thành tựu. Vì những cái đã thành tựu không phải do ý nghĩ cấu tạo thành tựu. Do những cái đã thành tựu không phải do ý nghĩ cấu tạo nên, vì thế gọi là hiện lượng.

– Chẳng phải tướng thấy lầm là: Nên biết có năm thứ, bảy thứ. Năm thứ là không phải năm thứ lầm lẫn được thấy. Năm thứ lầm lẫn là:

  1. Tư tưởng lầm lẫn.
  2. Số lầm lẫn.
  3. Hình tướng lầm lẫn.
  4. Hiển sắc lầm lẫn.
  5. Nghiệp lầm lẫn.

Bảy thứ lầm lẫn là không phải bảy thứ lầm lẫn đã thấy, mà bảy thứ lầm lẫn đó chính là năm thứ lầm lẫn nầy và hai thứ biến hành lầm lẫn nữa, gộp thành bảy thứ. Hai thứ lầm lẫn ấy là:

  1. Tâm lầm lẫn.
  2. Kiến lầm lẫn.

– Tư tưởng lầm lẫn nghĩa là không phải món nọ có tướng mạo như vậy, nhưng lại sinh ý nghĩ về tướng mạo ấy, như do ánh sáng mặt trời nấu nung chói lóa, thấy bầy nai khát nước, bèn có ý nghĩ về nước.

– Số lầm lẫn là đối với thiểu số, sinh nhiều tăng thượng mạn, như người bị bệnh hoa mắt, từ một mặt trăng mà thấy dường như có nhiều mặt trăng.

– Hình tướng lầm lẫn là đối với hình tướng khác, sinh ra hình tướng tăng thượng mạn khác, như đối với vòng lửa quay mà thấy là hình bánh xe.

– Hiển sắc lầm lẫn là đối với hiển sắc khác phát sinh hiểu sắc tăng thượng mạn khác, như bệnh Ca-mạt-la làm hư mắt, nhìn các màu đều hóa thành ra màu vàng.

– Nghiệp lầm lẫn là đối với pháp không có nghiệp, phát sinh có nghiệp tăng thượng mạn, như co nắm tay chạy mau ta thấy cây bên đường cũng chạy theo như sông chảy.

– Tâm lầm lẫn là đối với nghĩa của năm thứ bị lầm lẫn, tâm sinh vui mừng.

– Kiến giải lầm lẫn là đối với nghĩa của năm thứ bị lầm lẫn chịu đựng rồi nói trắng ra, củng cố, nâng niu vọng tưởng bền chắc. Nếu không thấy lầm lẫn như vậy thì gọi đó là hiện lượng.

Hỏi: Như vậy, tất cả hiện lượng ấy là gì?

Đáp: Nói lược có bốn thứ là:

  1. Sắc căn hiện lượng.
  2. Ý thọ hiện lượng.
  3. Thế gian hiện lượng.
  4. Thanh tịnh hiện lượng.

– Sắc căn hiện lượng là cảnh giới sắc tướng mà năm căn đã hiện hành như trước đã nói, là thể tướng của hiện lượng.

– Ý thọ hiện lượng là cảnh giới mà ý căn hiện hành, như trước đã nói, là thể tướng của hiện lượng.

– Thế gian hiện lượng là cả hai thứ trên đều gọi là thế gian hiện lượng.

– Thanh tịnh hiện lượng là hiện lượng thế gian cũng là hiện lượng thanh tịnh, nhưng có khi hiện lượng thanh tịnh, không phải là hiện lượng thế gian, nghĩa là trí xuất thế đối với cảnh đã hiện hành. Có, biết là có, không biết là không. Có trên, biết là có trên. Không có trên, biết là không có trên. Không chung với thế gian thì gọi là hiện lượng thanh tịnh.

– Tỷ lượng là cảnh giới hoạt động của suy nghĩ, lựa chọn. Tỷ lượng nầy có năm thứ:

  1. Tướng.
  2. Thể.
  3. Nghiệp.
  4. Pháp.
  5. Nhân quả.

– Tướng tỷ lượng là noi theo tất cả tướng mạo gắn bó nhau là cảnh giới hoạt động của suy nghĩ, đắn đo về các tướng mà mình thấy hiện tại, hay đã thấy từ trước, như thấy cờ nghi vệ, nên so sánh mà biết có xe, thấy khói bốc lên, so sánh biết có lửa. Như vậy do vua biết có quốc gia. Do thấy chồng so sánh biết có vợ. Thấy sừng trâu so sánh biết có trâu. Do hình dáng mềm mại, tóc đen, cử chỉ đẹp biết là còn nhỏ tuổi. Do thấy mặt nhăn tóc bạc biết là người già. Do chấp vào tự tướng so sánh biết người đạo kẻ tục. Do ưa thích nhìn thấy bậc Thánh, bởi ham nghe chánh pháp, do xa lìa kiêu mạn so sánh biết là người chánh tín. Do khéo suy nghĩ những gì đáng suy nghĩ, bởi khéo nói những gì đáng nói, bởi khéo làm những gì đáng làm nên so sánh biết là người thông minh. Do từ bi ái ngữ mạnh mẽ, ưa bố thí, có năng lực cao giải thích nổi những ý nghĩa sâu xa nên so sánh biết đó là Bồ-tát. Do xáo động, lăng xăng, vui ca cười đùa nên so sánh biết đó là hạng chưa lìa dục. Do oai nghi thường vắng lặng, nên so sánh biết đó là lực Như lai Ứng chánh Đẳng giác đầy đủ tất cả trí. Thấy tất cả tướng mạo tuổi trẻ kia, so sánh biết đến lúc già, chắc chắn phải có việc ấy. Những việc như vậy, gọi là tướng tỷ lượng.

– Thể tỷ lượng là từ hiện tại, thấy tính chất tự thể của món kia mà so sánh biết loại của vật kia, nhưng hiện tại không còn thấy thể của nó. Hoặc hiện tại thấy một phần tự thể của vật kia rồi so sánh mà biết phần còn lại của nó, như so sánh việc hiện tại và việc quá khứ. Hoặc đem chuyện quá khứ so sánh với chuyện vị lai. Hoặc đem việc sát đây so sánh với việc hiện ở xa.

Lại nữa, như y phục, ăn uống, đồ trang sức, xe cộ, chỉ xem qua tướng còn một chút mà so sánh biết toàn bộ. Lại, lấy một phần đã thành thục, so sánh biết được những phần thành thục còn lại. Các loại như vậy, gọi là thể tỷ lượng.

Nghiệp tỷ lượng là do tác dụng mà so sánh biết chỗ nương của nghiệp, như thấy một vật từ xa, không lay động, chim đang nhóm đậu trên đó, vì so sánh từ những việc ấy mà biết đang có thú dữ bên dưới. Nếu có việc xao động thì so sánh biết nơi ấy có người. Nếu thấy dấu bước chân dài rộng thì so sánh biết là dấu chân voi. Nhìn dấu thân dài bò đi trên đất, so sánh biết là rắn. Nếu nghe tiếng hí hí vang so sánh biết là ngựa. Nghe tiếng rống gầm, so sánh biết là sư tử. Nghe tiếng gầm hét so sánh biết là trâu đầu đàn. Thấy là so sánh của mắt. Nghe là so sánh của tai. Ngửi là so sánh của mũi. Nếm là so sánh của lưỡi. Xúc chạm là so sánh của thân. Biết là so sánh của thức. Dùng gậy dò nước đụng cản, so sánh biết là đất. Nếu nhìn thấy nơi kia cỏ cây cùng khắp tươi mát, cành lá xanh rờn, so sánh biết là chỗ đó có nước. Nếu thấy nóng bức, so sánh biết là lửa. Thấy cỏ cây lay động, so sánh biết là gió. Thấy người mắt tối thui, cầm gậy lần dò, chân khập khiểng mò mẫm lạc đường, so sánh biết là người mù. To tiếng mà người nọ còn ghé tai, so sánh biết là người điếc. Do nghiệp đã làm, so sánh biết là người chánh trí, thông minh, là Bồ-tát, người chưa lìa dục hay đã lìa dục, là Như lai như trước đã nói, nên biết.

Pháp tỷ lượng là: Đối với tất cả pháp gắn bó trong chấp mắc thì lấy một rồi so sánh mà biết những cái khác, như thuộc về vô thường, so sánh biết là khổ. Lấy cái thuộc về khổ ấy mà so sánh biết không, vô ngã. Lấy pháp đang sống so sánh biết có già. Lấy pháp thuộc về già, so sánh biết có chết. Lấy cái thuộc về hữu sắc, hữu kiến, hữu ngại so sánh biết có nơi chốn, có hình chất thuộc hữu lậu nên so sánh biết có khổ. Thuộc vô lậu so sánh biết không khổ. Thuộc hữu vi nên so sánh biết pháp sinh trụ dị diệt. Thuộc vô vi nên so sánh biết trái với pháp hữu vi. Các loại như vậy gọi là pháp tỷ lượng.

Nhân quả tỷ lượng là: So sánh tướng nhân quả, như thấy vật gì có đi, so sánh biết có đến. Thấy có đến, so sánh biết có đi. thấy kẻ nọ thờ vua đúng pháp, so sánh biết sẽ có lộc vị cao. Thấy lộc vị cao so sánh biết trước đây người ấy đã thờ vua đúng pháp. Thấy người làm thiện đầy đủ so sánh biết sẽ được phước báo giàu to. Thấy ai giàu to, so sánh biết trước đã làm nghiệp lành đầy đủ. Thấy hành động thiện ác so sánh biết đã hưng thịnh hay suy sụp. Thấy hưng thịnh hay suy sụp, so sánh biết trước họ làm thiện hay làm ác. Thấy ăn uống ê hề so sánh biết no nê. Thấy no nê so sánh biết ăn uống ê hề. Thấy người nọ ăn uống bất thường, so sánh biết bị bệnh. Thấy bị bệnh so sánh biết ăn uống không bình thường. Thấy người tĩnh lự, so sánh biết họ đã lìa dục. Thấy người lìa dục so sánh biết có tĩnh lự. Thấy người tu đạo, so sánh biết sẽ đạt được bốn quả Sa-môn. Thấy đạt được bốn quả Sa-môn, so sánh biết có tu đạo. Các loại như vậy, nên biết. Gọi là nhân quả tỷ lượng. Như thế gọi chung là tỷ lượng.

Chí giáo là: Tất cả lời dạy bảo mà người trí đã lập ra. Hoặc nghe người trí nói pháp rồi thực hành theo đó. Chí giáo nầy gồm có ba thứ:

  1. Thuộc về lời nói bậc Thánh.
  2. Đối trị lìa nhiễm.
  3. Không trái với pháp tướng.

– Thuộc về lời nói bậc Thánh là: Những kinh giáo mà Như lai và các đệ tử đã nói, lần lượt lưu truyền khắp cho đến ngày nay. Nó không trái với chánh pháp, không trái với chánh nghĩa.

– Đối trị lìa nhiễm là khi nương vào pháp nầy mà khéo tu tập là dứt hẳn tất cả các phiền não, tham sân si và các phiền não phụ thuộc.

– Không trái với pháp tướng là: Trái lại là đi ngược với pháp tướng, nên biết. Ấy gọi là không trái với pháp tướng. Những gì gọi là trái với pháp tướng? Là đối với pháp không có tướng mà gắn thêm tướng vào, như chấp có ngã, có thân mạng hữu tình, sự sống, v.v… các thứ hoặc thường, hoặc đoạn, có sắc, không sắc như vậy. Hoặc đối với pháp có tướng, mà giảm bớt cho là không có tướng. Hoặc đối với pháp quyết định mà lập ra bất định. Như các hành đều là vô thường, các tính chất hữu lậu đều là khổ, các pháp đều là vô ngã mà sai lầm lập ra một phần là thường, một phần là vô thường, một phần là khổ, một phần là chẳng phải khổ, một phần là có ngã, một phần là vô ngã. Như vậy đối với Phật đã lập thì đây không thể nói được, chỉ một bề ký biệt. Lại, trong suy nghĩ tìm kiếm thì phải lấp ký. Cái gì chưa yên định thì phải làm cho yên định, như chấp tất cả lạc thọ đều là tùy miên của tham, tất cả các khổ thọ đều là tùy miên của sân, tất cả các bất khổ bất lạc đều là tùy miên của si, tất cả các vui khổ đều là hữu lậu, suy nghĩ rồi mà tạo nghiệp thì chỉ chịu quả báo khổ. Các loại như vậy, trong pháp nó có tướng mạo, không có tướng khác nhau mà lập khác nhau, có tướng khác nhau mà lập không khác nhau, như dựa vào tướng hữu vi có khác nhau mà đối với pháp vô vi cũng lập khác nhau. dựa vào pháp vô vi không có tướng khác nhau mà đối với pháp hữu vi cũng không lập riêng.

Như vậy, đối với các pháp hữu vi, vô vi, vô sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, tùy từng pháp với những thích hợp của nó, đều phải biết rõ.

Lại nữa, đối với pháp có tướng mạo không đúng với lý chân chánh mà lập tướng nhân quả, như cho các việc làm tốt bị quả báo không đáng ưa, cho các việc làm ác mà được quả báo đáng ưa, kiến chấp rằng việc nói xấu trong pháp luật và học tập các hạnh tà vạy có thể được thanh tịnh, còn điều lành Phật nói trong pháp luật, người tu hành chánh hạnh thì không được thanh tịnh.

Lại nữa, pháp tạp nhiễm mà lập làm thanh tịnh, còn pháp thanh tịnh thì cho là tạp nhiễm, đối với pháp không có tướng chân thật chỉ giả nói cho là chân thật. Đối với pháp có tướng chân thật chỉ tạm nói cho là không chân thật. Như có pháp chỉ nói bằng không lời thì dùng lời hý luận lập làm thắng nghĩa. Các loại như vậy đều gọi là trái với pháp tướng, ngược với trái ngược trên đây thì gọi là tướng không trái ngược. Ấy gọi là Chí giáo.

Hỏi: Nếu cho rằng tất cả pháp tự tướng thành tựu tự nghĩa khác nhau như vậy, vì sao còn lập ra có hai nghĩa mới thành được.

Đáp: Vì muốn làm nền tảng cho lòng tin và sự hiểu biết của các người, chứ chẳng phải tướng các pháp có sinh thành.

Hỏi: Vì muốn thành tựu nghĩa đã thành lập, vì sao trước đây nói thành lập tông?

Đáp: Vì trước làm sáng tỏ nghĩa mà mình ưa thích.

Hỏi: Vì sao hiện tại mới nói về nhân?

Đáp: Vì muốn mở sáng thêm về đạo lý quyết định bằng cách dựa vào pháp nhìn thấy ở hiện tại, tức là không xả bỏ nghĩa của tông đã thành lập.

Hỏi: Vì sao giờ đây mới dẫn thí dụ?

Đáp: Vì muốn làm sáng tỏ pháp nhìn thấy ở hiện tại, nó là chỗ nương của năng thành đạo lý.

Hỏi: Vì sao ở sau lại nói về đồng loại, dị loại, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo?

Đáp: Vì muốn chỉ bày hai thứ là nguyên nhân và thí dụ vì trí trái ngược và không trái ngược. Lại trái nhau là vì hai nhân:

  1. Vì không quyết định;
  2. Vì thành lập giống nhau.

Không trái nhau cũng hai nguyên nhân:

  1. Vì quyết định.
  2. Vì thành lập khác nhau.

Trong đó sự trái nhau là vì nghĩa tông đã lập, nó không thể là lượng, cho nên không gọi là lượng. Sự không trái nhau là vì nghĩa tông đã thành lập, nó có khả năng là làm chánh lượng, nên gọi là lượng. Đó gọi là luận về chỗ nương.

Luận Trang Nghiêm có năm thứ nên biết:

  1. Giỏi về tông mình và người.
  2. Lời lẽ đầy đủ, tròn vẹn.
  3. Không sợ hãi.
  4. Đôn hậu, nghiêm trang.
  5. Xứng đáng cúng dường.

Giỏi về tông mình và người là: Như có người sinh tâm ham thích ưa mến chánh pháp và Tỳ-nại-da nầy, như vậy là đối với tông chỉ mình luận, đã đọc tụng, vâng giữ, nghe đúng, nghĩ sâu, tu hành thành thạo, đã khéo, đã nói, đã rõ. Nhưng đối với pháp kia Tỳ-nại-da không ưa thích, nhưng đối với luận tông của người kia, đọc tụng, nghe sâu chắc chắn, suy nghĩ thành thạo, nhưng không tu theo đó vì biết sáng tỏ, nhận đúng, nói rõ. Đó gọi là giỏi về tông mình và người.

– Lời nói đầy đủ, tròn vẹn là như người có lối nói chặt chẽ, gọn đủ không sai lầm. Tiếng nói có năm đức:

  1. Không quê mùa.
  2. Giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe.
  3. Giọng nói hùng hồn sáng tỏ.
  4. Ăn khớp với ý tưởng.
  5. Ý nghĩa rạch ròi.

– Sao gọi là không quê mùa? Là bỏ đi những lời ăn tiếng nói của vùng biên giới với lời lẽ thô kệch, cục mịch.

– Sao gọi là giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe? Là lời nói chung mà thế gian cùng lập, không nói tiếng khác.

– Sao gọi là giọng nói hùng hồn sáng tỏ? Là dùng lời nói làm sáng tỏ ý nghĩa, nhờ lời giảng mà nói ý nghĩa kia trở nên, hùng tráng.

– Sao gọi là tương ưng với ý tưởng? Là công đức và pháp nghĩa trước sau hợp nhau.

– Sao gọi là ý nghĩa rạch ròi? Là có khả năng dẫn dắt làm phát sinh lợi ích không trái ngược với thế gian và xuất thế gian. Lại bàn về sự tương ưng nầy, còn có chín thứ tướng khác nhau qua lời lẽ đầy đủ, tròn vẹn, nên biết là:

  1. Nói không lộn xộn.
  2. Lời nói không thô lỗ.
  3. Giải thích rõ.
  4. Nói biết lượng định, chừng mực.
  5. Lời nói tương ưng với ý nghĩa.
  6. Nói đúng lúc.
  7. Lời nói chắc chắn.
  8. Lời nói rõ ràng.
  9. Lời nói nối tiếp nhau.

Lấy các lối nói nầy bổ túc cho phần trứơc, gộp lại gọi là nói đầy đủ, tròn vẹn.

– Vô úy là: Như có người đến đám đông, nhóm họp do đông người tài giỏi. Người lạ mặt, người lắng nghe, người ăn nói giỏi, nhưng tâm người nầy không run sợ, không mặc cảm hèn mọn, mình không tháo mồ hôi, mặt không lộ nỗi run sợ, giọng nói không run, dùng câu không lắp bắp. Các loại như vậy, gọi là không sợ hãi.

– Đôn hậu, nghiêm nghị là như có người bản chất không giận dữ, sắc mặt lúc nào cũng bình thản, thân mình không lay động. Đó gọi là đôn hậu, nghiêm nghị.

– Ứng cúng là như có người bản chất hiền lành, vui vẻ, không gắt gỏng ở chỗ tầm thường, lòng vui với chỗ ấy, chiều lòng kẻ khác, lời nói biết thời, chân thật, vì ích lợi cho mình cho người, dẫn dắt ý nghĩa điều lợi. Ăn nói mềm mỏng với bất cứ ai vẫn như nói với bạn thân. Đó gọi là xứng đáng cúng dường.

Nếu dựa vào tướng của năm luận trang nghiêm để làm cho ngôn luận mạnh lên thì phải biết, nó có hai mươi bảy thứ công đức được khen ngợi là:

  1. Được các người kính trọng.
  2. Lời nói được người tin nhận.
  3. Tăng thêm không run sợ trước đại chúng.
  4. Biết một cách sâu xa về khe hở trong tông chỉ của người.
  5. Đối với tông chỉ mình, biết tính chất một cách chắc chắn.
  6. Không cố chấp hẹp hòi.
  7. Không có ý nghĩ thiên vị đối với luận mà mình lãnh thọ.
  8. Không ai có khả năng cướp đoạt chánh pháp, Tỳ-nại-da của mình.
  9. Mau liễu ngộ những gì người nói.
  10. Mau hiểu những gì người nói.
  11. Hiểu tới ý sâu xa những gì người nói.
  12. Dùng đức của lời nói mà chinh phục lòng người.
  13. Vui vẻ tin, hiểu luận Nhân Minh.
  14. Khéo giải thích ý nghĩa của chữ và câu văn.
  15. Thân không mỏi mệt.
  16. Tâm không uể oải.
  17. Lời không, ngập ngừng.
  18. Lời nói khéo léo không cùng tận.
  19. Thân không hấp tấp.
  20. Nhớ nghĩ không để quên mất.
  21. Nhất tâm, không làm tổn hại.
  22. Cổ họng không khô nghẹt.
  23. Những gì nói ra đều rạch ròi dễ hiểu.
  24. Khéo giữ gìn tâm, không để giận dữ.
  25. Khéo chiều lòng người, khiến họ không giận dữ.
  26. Khiến đối phương nghị luận sinh lòng tin trong sạch.
  27. Tất cả những gì mình làm không gieo thù oán đối với các người, tiếng thơm vang dội cùng khắp thế giới.

Họ truyền với nhau vị Pháp sư nầy đứng đầu trong các Pháp sư. Như người ham muốn dùng ngọc báu Mạt-ma-ni, lưu ly, vàng ngọc, kim xuyến để tự trang nghiêm, oai đức chói ngời, sáng đến mười phương. Như vậy luận giả đã dùng hai mươi bảy điều khen ngợi công đức, dành năm thứ dụng cụ của luận trang nghiêm để tự trang sức, oai đức cũng chói ngời, sáng đến mười phương. Cho nên gọi luận nầy là luận Trang Nghiêm.

Luận Đọa phụ (thua cuộc) có ba thứ, nên biết là:

  1. Bỏ lời nói.
  2. Nói quanh co.
  3. Nói lỗi.

– Bỏ lời nói là người lập luận dùng mười ba thứ ngôn từ để từ chối đối luận giả, nhưng không nói về luận của mình. Mười ba thứ là: Lập đối luận giả rằng: Lập luận của tôi không hay, lập luận của ông mới hay. Tôi chưa suy nghĩ kỹ, ông thì suy nghĩ kỹ, lập luận của tôi vô lý, lập luận của ngài hữu lý. Lập luận của tôi gút mắc, lập luận của ông đã lập ra. Tài biện bác của tôi chỉ hết mức ở đây, nếu vượt qua mức ấy, tôi còn phải suy tư chín chắn, cân nhắc thêm mới giảng nói cho Ngài được.

Mà thôi hãy gác qua vấn đề nầy, tôi không muốn nói nữa.

Dùng mười ba điều từ chối với đối luận giả như vậy, nên đương nhiên bỏ qua luận của mình. Bỏ qua luận của mình như vậy vì biết chắc công kích họ, họ sẽ thắng mình, mình sẽ rớt phía sau, bị họ đè ép mà thôi, nên nói bỏ luận của mình, gọi là rơi vào chỗ thua.

– Lời nói quanh co là như người lập luận đã bị đè bẹp do đối luận giả thì y mượn cớ khác để thoái thác, hoặc dẫn lời nói bên ngoài, hoặc tỏ vẻ phẫn nộ, giận dữ, hoặc bộc lộ tính kiêu ngạo, hoặc bới ra chỗ che giấu của đối phương. Hoặc hiện vẻ gắt gỏng, hoặc tỏ thái độ không chịu đựng nổi. Hoặc tỏ ra không tin tưởng, hoặc im lặng thình lình. Hoặc tỏ vẻ lo buồn, hoặc nhún vai cúi mặt. Hoặc trầm tư với lời lẽ nghèo nàn.

– Mượn cớ khác để rút lui là phủ nhận tông chỉ mình đã lập ra trước đây rồi nhờ tông khác. Bỏ hẳn nhân và thí dụ trước kể cả đồng loại, dị loại, hiện lượng, tỷ lượng, Chí giáo lượng, mà nhờ nhân khác kể cả chí giáo.

Dẫn lời nói bên ngoài là: Gạt bỏ việc bàn luận mà nói về ăn uống, bàn luận chuyện vua, quan trộm cướp, việc xướng ca ngoài đường phố, việc bẩn thỉu, v.v… giả mượn duyên bên ngoài để xả bỏ tông chỉ mình đã lập.

– Biểu hiện nổi giận là dùng lời lẽ thô bỉ xua đuổi đối luận giả.

– Biểu hiện giận dữ là dùng lời lẽ oán trách giáng trả đối luận giả.

– Bộc lộ tính kiêu ngạo là dùng lời lẽ của hạng hèn mọn để chế nhạo đối luận giả.

– Bới ra chỗ che giấu của đối phương là: Dùng lời dữ dằn vạch trần chỗ che giấu của đối luận giả.

– Biểu hiện vẻ gắt gỏng là dùng lời lẽ đay nghiến nhục mạ đối luận giả.

– Tỏ thái độ không chịu đựng nổi là lời oán hận khủng bố đối luận giả.

– Tỏ vẻ không tin tưởng là: Dùng lời nói và hành động phá giới để chế nhạo đối luận giả.

– Hoặc im lặng thình lình mất hết khả năng ăn nói.

– Hoặc tỏ vẻ lo buồn là ý nghiệp bứt rứt.

– Nhún vai cúi mặt là từ oai dũng mà thân trở nên yếu đuối mau chóng như bông héo tàn.

– Trầm tư với lời lẽ nghèo nàn là tài ăn nói đều đuối lý.

Trong mười ba việc Cũng thế, hai việc trước là giả dối, gây rối loạn, bảy việc giữa là sinh hạnh tà, bốn việc sau là hành vi cùng tận. Đó 262 gọi là nói quanh co, rơi vào chỗ thua sút.

– Ngôn luận phạm lỗi là người lập luận có chín điều lỗi là:

  1. Tạp loạn.
  2. Thô xẳng.
  3. Nói không rõ ràng.
  4. Nói không hạn lượng
  5. Nói tương ưng với vô nghĩa.
  6. Nói không đúng lúc.
  7. Nói không chắc chắn.
  8. Nói không sáng tỏ.
  9. Nói không nối tiếp nhau.

– Tạp loạn là bỏ việc thảo luận bằng cách đưa vào những chuyện đâu đâu với lời lẽ khác lạ.

– Thô xẳng là nổi giận dữ dội với lời nóng nảy.

– Nói không rõ ràng là nói dù pháp dù nghĩa vẫn không làm người nghe và đối luận giả hiểu được gì.

– Nói không hạn lượng là khi nói ý nghĩa thì dùng lối trùng lặp hoặc nói vài ba lời.

– Nói tương ưng với vô nghĩa là nên biết có mười thứ:

  1. Vô nghĩa.
  2. Trái với nghĩa.
  3. Hại lý.
  4. Với những gì đã thành…
  5. Gây ra những lầm lỗi có hại.
  6. Không được nghĩa lợi.
  7. Không có thứ lớp.
  8. Nghĩa không chắc chắn.
  9. Thành lập những gì đã lập.
  10. Xuôi theo lối lập luận ác, bất chánh, không hợp lý.

– Nói không đúng lúc là nói không thích ứng trước, sau.

– Nói không chắc chắn lại đã lập tông rồi lại phá, bỏ xong lại lập, thay đổi mau lẹ, khó lòng biết được.

– Nói không sáng tỏ là phạm về tướng lời lẽ rõ ràng, không hiểu mà trả lời, hoặc trước theo lời sách sử, sau lại theo lời tục ngữ, hay trái với đây.

– Nói không nối nhau là nói nửa chừng thì dứt đoạn, tất cả ngôn luận nào phạm vào chín điều nầy đều gọi là nói năng lầm lỗi.

Luận xuất ly là người lập luận quán xét ba thứ rồi phế bỏ lập luận.

Thế nào gọi là ba thứ quán xét?

  1. Quán xét đức bị mất.
  2. Quán xét hội chúng.
  3. Quán xét thiện và bất thiện.

– Thế nào là quán xét đức bị mất? Là người lập luận khi định lập luận thì phải quán xét như vầy: Ta lập luận nầy, sẽ không gây hại cho mình, cho người, cả hai đều không bị tổn hại? Không sanh pháp hiện tại và về sau đều có tội? Chớ gây cho thân, tâm các phiền khổ chứ? Không quán xét như vậy nên mới đánh nhau bằng dao mác, gậy gộc, mắng nhiếc, cãi lộn, phát sinh lời dua nịnh, nói dối chăng? Rồi đây, không biết bao nhiêu pháp bất thiện sẽ tiếp tục sinh trưởng tăng thêm chăng? Không phải không lợi ích, an vui đối với mình, đối với người chăng? Không phải đa số chúng sinh không được ích lợi an vui, chăng không phải không thương xót thế gian chăng? Vì không quán xét như vậy nên chư thiên, người đời không nghĩa, không lợi, không an vui chăng? Khi người lập luận kia quán xét như vậy, nếu tự biết rõ ta lập luận là gây hại cho mình, cho đến trời, người cũng không có nghĩa, không có lợi và không an vui, rồi người lập luận tự lựa chọn là không nên lập luận. Trái lại, nếu biết chắc luận lập ra là không gây hại cho mình, cho đến đem đến nghĩa lợi, an vui cho trời, người. Sau khi suy nghĩ lựa chọn, người ấy, bèn lập luận. Đó gọi là quán tưởng luận xuất ly bậc nhất.

– Thế nào gọi là quán sát chúng hội? Là người lập luận, phải biết xem xét chúng hội hiện tại, có ai chấp trước hay không? Có bậc hiền thiện chân chánh hay không? Có người khéo hiểu biết hay không? Khi xem xét như vậy, nếu biết trong chúng hội, có người chấp trước chứ không phải chẳng có người chấp trước, chỉ không có bậc Hiền Thánh vì không có ai là Hiền Thánh, chỉ không khéo hiểu biết vì không có ai là khéo hiểu biết. Người lập luận quán xét lựa chọn: Thế thì ta không nên lập luận trong chúng hội nầy.

Nếu biết chúng hội không có người chấp trước, chứ chẳng phải có người chấp trước, chỉ có bậc Hiền Thánh, chứ chẳng có người không hiền chánh, chỉ có người khéo hiểu, chứ không có người không khéo hiểu. Người lập luận quán xét lựa chọn rồi lập luận trong chúng hội nầy. Đó gọi là tướng của luận xuất ly thứ hai.

– Thế nào là quán sát thiện và bất thiện? Là người lập luận nên tự xem xét thiện và bất thiện đối với luận thể, luận xứ, luận y, luận nghiêm, luận phụ, và luận xuất ly, ta phải suy nghĩ là thiện hay bất thiện. Ta là người có khả năng lập luận, xô ngã luận khác, liệu ta có thể giải 26 thoát đối với người thua kia chăng?

Lúc quán xét như vậy, nếu tự biết mình là bất thiện, chẳng phải là người khéo hiểu biết, mình là người không có năng lực, chứ chẳng phải có năng lực. Rồi suy nghĩ lựa chọn: ta không nên lập luận với đối luận giả.

Nếu tự biết mình là thiện, chẳng phải bất thiện, là người có năng lực, chẳng phải không có năng lực, rồi suy nghĩ lựa chọn? Ta nên lập luận đối với đối luận giả. Đó gọi là tướng của luận xuất ly số ba.

Luận nhiều pháp sở tác: có ba thứ, đối với luận đã lập, có nhiều phương pháp được thực hiện như:

  1. Khéo hiểu tông chỉ của mình và người.
  2. Không run sợ.
  3. Có tài biện luận.

Hỏi: Ba pháp như vậy, vì sao gọi là đối với luận đã lập, có nhiều phương pháp đã thực hiện?

Đáp: Vì khéo hiểu tông chỉ của mình và người, nên đối với các pháp đều có khả năng bàn luận. Do không run sợ nên có khả năng bàn luận giữa đám đông. Vì có tài hùng biện nên đáp được tất cả câu hỏi. Thế nên ba phương pháp nầy gọi là đối với luận đã lập, có nhiều phương pháp được thực hiện.