LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 10

Địa thứ 3, 4, 5: ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ, phần 7 (Phần Bản Địa)

Thế nào là dục ái? Đó là hành mong cầu nhiễm ô của cõi dục do các hành nơi Dục giới làm duyên sinh ra, do đấy, nên có thể sinh khởi quả khổ nơi cõi dục.

Thế nào là sắc ái? Là các hành mong cầu nhiễm ô nơi cõi sắc, do các hành của cõi sắc làm duyên sinh ra, do đấy, có thể sinh quả khổ nơi cõi sắc.

Thế nào là vô sắc ái? Là các hành mong cầu nhiễm ô nơi cõi vô sắc, do các hành của cõi vô sắc làm duyên sinh ra, do đấy, có thể sinh quả khổ nơi cõi vô sắc.

Thế nào là dục thủ? Đó là dục tham hiện có đối với các dục.

Thế nào là kiến thủ? Là dục tham hiện có đối với các kiến còn lại, trừ Tát-ca-da-kiến (Thân kiến).

Thế nào là giới cấm thủ? Là dục tham hiện có đối với các giới cấm được dấy khởi do nguyện tà vạy.

Thế nào là ngã ngữ thủ? Là dục tham hiện có đối với Tát-cada-kiến.

Loại thủ thứ nhất chỉ có thể sinh quả khổ nơi cõi dục. Ba thứ thủ còn lại sinh chung quả khổ nơi ba cõi.

Thế nào là dục hữu? Là hữu gốc của cõi dục, gồm nghiệp hữu, tử hữu, trung hữu, sinh hữu và hữu của trời, người, ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục, gọi chung là dục hữu. Hữu này lại do các hành tạo tác từ trước, do phiền não thâu nhận, huân tập, phát khởi.

Thế nào là sắc hữu? Là các hữu còn lại, trừ hữu địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, người.

Thế nào là vô sắc hữu? Nghĩa là lại trừ trung hữu, số còn lại là vô sắc hữu.

Hỏi: Dựa vào ý nghĩa gì để kiến lập bảy hữu là hữu trời, người, ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục, nghiệp hữu, trung hữu?

Đáp: Dựa vào ba thứ đối tượng tạo tác: (1) Hữu có thể dẫn khởi: có một loại. (2) Hữu hướng tới hữu: có một loại. (3) Hữu của thọ dụng quả: có năm loại.

Thế nào là sinh? Đó là lúc mới thác sinh của hai loại thai sinh và noãn sinh.

Thế nào là đẳng sinh? Là lúc thân phần viên mãn nhưng chưa sinh ra.

Thế nào là hướng tới? Là từ nơi thai kia v.v… sinh ra.

Thế nào là dấy khởi? Tức sinh ra rồi tăng trưởng.

Thế nào là xuất hiện? Là thân phần sinh khởi tức thì của hai loài thấp sinh và hóa sinh.

Thế nào là có được uẩn? Đó là ở trong các vị sinh ấy, năm thủ uẩn chuyển khởi.

Thế nào là có được giới? Đó là tánh thuộc về nhân duyên của các uẩn kia.

Thế nào có được xứ? Đó là tánh thuộc về duyên khác của các uẩn kia.

Thế nào là các uẩn sinh khởi? Tức các uẩn kia được nuôi lớn do ngày ngày ăn uống.

Thế nào là mạng căn xuất hiện? Đó là do sức sống khác của các uẩn kia nếu được nối tiếp trụ. Tóm lược nghĩa của chi sinh này: Tức hoặc tự tánh của sinh, hoặc vị xứ của sinh, hoặc chỗ sinh, hoặc thuộc về nhân duyên, hoặc nhận giữ dẫn khởi, hoặc dựa giữ cùng sinh. Đó gọi là tóm lược về nghĩa.

Thế nào là suy? Là nương dựa nơi suy yếu, khiến hữu tình ấy chao đảo.

Thế nào là già? Là sắc, tóc suy kém, biến đổi.

Thế nào là thay, chuyển: Là da dẻ từ từ nhăn nheo.

Thế nào là thục (chín): Là nhiệt huyết suy giảm, không còn sức lực để thọ dụng các dục trần.

Thế nào là khí lực tổn hoại? Tức tánh nhiều bệnh tật không có sức mạnh để hành xử sự việc.

Thế nào là thân xen lẫn nốt đen? Là những vết nám đen xuất hiện làm tổn hại sắc mặt.

Thế nào là lưng còng, hơi thở gấp gáp? Đó là dáng dấp đi đứng từ thân hình hiển bày, do lưng còng nên khiến hơi thở càng nặng nhọc, đứt quãng…

Thế nào là thân hình sắp hư hoại? Đó là thọ mạng sắp hết, thân hình sắp hoại, đối với các công việc không còn khả năng hành xử.

Tóm lược nghĩa của chi lão này, đó là nương nơi sự biến hoại: Râu tóc biến hoại. Sự sung mãn vui thích biến hoại. Nhiệt huyết biến hoại. Không bệnh biến hoại. Sắc tướng biến hoại. Uy nghi biến hoại. Các căn không sắc biến hoại. Các căn có sắc biến hoại. Thời khắc đã qua, thọ mạng sắp hết. Nên biết những thứ ấy là tóm lược nghĩa của chi lão.

Thế nào là vô số các hữu tình kia? Đó là những hữu tình nơi địa ngục, ngạ quỷ v.v…

Thế nào là chủng loại? Đó là hết thảy loại hữu tình kia.

Thế nào là chung cuộc? Tức là các hữu tình, chi phần lìa rời mà chết.

Thế nào là tận? Là các hữu tình do các chi phần phân rã mà chết.

Thế nào là hoại? Là thức lìa khỏi thân.

Thế nào là một (chết)? Là các sắc căn diệt.

Thế nào là xả bỏ thọ mạng? Là khí lực sắp hết.

Thế nào là bỏ hơi ấm? Là lúc không còn cử động, từ bỏ các uẩn.

Thế nào là mạng căn tàn diệt? Tức là lúc chết.

Thế nào là chết? Là gặp phải tai họa, chết không đúng thời.

Thế nào là thời vận hết? Là lúc mới chết, chưa lâu. Lại, nghiệp của tử ma, cũng gọi là thời vận hết.

Tóm lược nghĩa của chi tử này, là hoặc chết, hoặc pháp của sự chết, hoặc chết sai biệt, hoặc phần vị sau khi chết. Đó gọi là tóm lược về nghĩa.

Như thế gọi là sai biệt của duyên khởi, nên biết.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các hữu chi như vô minh v.v… được nêu bày theo thứ lớp như thế?

Đáp: Những kẻ ngu si, chủ yếu trước là ngu tối đối với sự việc, nên biết. Tiếp theo, tức ở nơi sự việc ấy phát khởi hành tà. Do hành tà nên khiến tâm điên đảo. Tâm điên đảo nên kết sinh nối tiếp. Sinh nối tiếp nên các căn đầy đủ. Căn đầy đủ nên có hai thứ thọ dụng cảnh. Thọ dụng cảnh, nên hoặc tham đắm, hoặc mong cầu, do mong cầu nên lúc mới tìm kiếm, phiền não thêm lớn. Phiền não thêm lớn nên phát khởi nghiệp yêu thích không yêu thích đời sau. Do lực thêm lớn của nghiệp phát khởi nên ở trong năm nẻo sinh tử, sinh quả khổ, quả khổ sinh rồi, có khổ của già, chết. Nghĩa là nội thân biến đổi, dẫn đến khổ của già, chết. Cảnh giới biến dị, dẫn đến khổ về buồn, than, khổ của sầu não bức bách. Do đấy, Đức Thế Tôn, theo thứ lớp như thế, giảng nói về mười hai chi.

Lại có thứ lớp sai biệt. Nghĩa là dựa nơi hai thứ duyên để kiến lập thứ lớp của duyên khởi: (1) Duyên của nội thân. (2) Duyên của cảnh giới thọ dụng.

Duyên của nội thân: Là thuộc về sáu chi trước. Duyên của cảnh giới thọ dụng: Là thuộc về sáu chi sau.

Trước, đối với nội thân, khởi ngu tối như ngã chấp v.v… Do đấy, nên không biết rõ chỗ dẫn đến dị thục của quả khổ nơi các nghiệp, lại phát khởi các nghiệp. Đã phát khởi rồi, tức tùy theo nghiệp ấy khởi nhiều tầm, tứ, do nghiệp và thức là trợ bạn, nên có thể chiêu cảm ba thứ quả khổ của đương lai. Nghĩa là quả khổ thuộc về căn mới khởi, quả khổ thuộc về căn đã tròn đủ, và quả khổ thuộc về cảnh giới thọ dụng. Tức danh sắc là trước, xúc là sau cùng. Lại, ở trong hiện pháp, dựa nơi xúc làm duyên cho thọ, phát khởi ái. Do duyên của cảnh giới thọ dụng, nên khởi rộng việc tìm cầu. Hoặc do môn sự nghiệp, hoặc do môn lợi dưỡng, hoặc do môn giới cấm, hoặc do môn giải thoát, nên phát khởi cầu dục, cầu nội thân, cầu giải thoát sai lạc. Lúc cầu tìm như vậy, khiến cho quả sinh tử của năm nẻo do phiền não và nghiệp dấy khởi, dẫn dắt sinh ra. Đã được sinh rồi thì già, chết theo đuổi.

Lại có thứ lớp sai biệt. Tức do ba thứ tụ của hữu tình: (1) Ưa thích thanh tịnh xuất thế gian. (2) Ưa thích thanh tịnh thế gian. (3) Ưa thích tham vướng nơi cảnh giới.

Do tụ thứ nhất, nên diệt trừ các duyên khởi, tăng trưởng phẩm bạch tịnh. Do tụ thứ hai của hữu tình, nên nhận biết không đúng như thật về đạo lý của các đế. Hoặc trụ nơi chánh niệm, hoặc tạo nghiệp phước. Hoặc tu tập pháp hữu lậu dẫn khởi nghiệp bất động. Hoặc chẳng trụ nơi chánh niệm, bèn phát khởi nghiệp phi phước. Hoặc khởi tâm tương tục trụ, do hối tiếc việc đã qua dẫn dắt, hoặc hoan hỷ không hối tiếc việc đã qua dẫn dắt. Kẻ kia, lại cũng như trước, ở nơi xứ sinh thượng trung hạ, thứ lớp có thể chiêu cảm ba thứ quả khổ của đương lai: Tức danh sắc là trước, xúc là sau cùng. Do tụ thứ ba của hữu tình, dựa nơi thọ do cảnh hiện thọ dụng sinh, ở trong hiện pháp, cũng như trước, thứ lớp dấy khởi sáu chi sau, tức thọ là trước, lão tử là sau.

Hỏi: Do nhân duyên gì, khi nêu bày về các duyên khởi theo thứ lớp nghịch, lão tử là trước?

Đáp: Dựa nơi sự nêu rõ về đạo lý của Thánh đế. Do sinh và lão tử có thể hiển bày về Khổ đế, như Đức Thế Tôn nói: “Danh sắc mới được diệt là pháp đứng đầu”.

Hỏi: Do đâu không nói các vô minh diệt là pháp đứng đầu?

Đáp: Do dựa nơi sự giải quyết của tâm, nên nêu đặt như thế. Vì danh sắc là chủng tử khổ ở trong hiện pháp và quả khổ của đương lai, không sinh mà diệt, nên nói danh sắc là trước, thọ là sau cùng, đạt cứu cánh là diệt. Lại, ở trong hiện pháp, lúc nhận các thọ, ái và tùy miên được nhổ dứt vĩnh viễn không khởi, nên gọi là diệt. Do danh sắc diệt, vì danh sắc là trước, nên các chi còn lại cũng diệt. Các thứ như vậy là nêu bày rõ về thứ lớp của duyên khởi, nên biết.

Hỏi: Vì sao duyên khởi được nói là duyên khởi?

Đáp: Do phiền não trói buộc đi vào trong các nẻo luôn luôn sinh khởi, nên gọi là duyên khởi. Đây là dựa vào chữ để giải thích tên.

Lại nữa, do các duyên dựa nhờ, mau chóng tàn diệt, lại nối tiếp hòa hợp sinh khởi, nên gọi là duyên khởi. Đây là dựa theo nghĩa sátna để giải thích.

Lại nữa, các duyên quá khứ nhưng không lìa bỏ, dựa nơi sự tương tục của chính mình mà được sinh khởi, nên gọi là duyên khởi. Như nói: Đây có nên kia có. Đây sinh nên kia sinh, chẳng phải cái gì khác. Dựa nơi nghĩa này để giải thích tên gọi, nên biết.

Lại nữa, luôn luôn tàn diệt, lại nối tiếp khởi, nên gọi là duyên khởi. Đây là dựa nơi nghĩa luôn hoại luôn diệt để giải thích.

Lại nữa, đối với đời quá khứ, biết rõ về tánh duyên rồi, cùng tương tục khởi, nên gọi là duyên khởi. Như Đức Thế Tôn nói: “Ta đã giác ngộ, chính là khởi sự giảng nói rõ”. Tức do tên gọi ấy lần lượt truyền, nêu, nên gọi là duyên khởi.

Hỏi: Vô minh đối với hành làm bao nhiêu thứ duyên?

Đáp: Đối với các hành có sắc làm duyên tăng thượng. Đối với hành vô sắc làm ba duyên là duyên đẳng vô gián, duyên sở duyên và duyên tăng thượng. Như thế, các chi khác làm duyên nhiều ít, nên biết là như ở đây. Nghĩa là chi có sắc đối với chi có sắc làm một duyên tăng thượng. Đối với chi vô sắc làm hai duyên là duyên sở duyên và duyên tăng thượng. Nếu chi vô sắc đối với chi hữu sắc chỉ làm một duyên. Đối với chi vô sắc làm ba duyên là duyên đẳng vô gián, duyên sở duyên và duyên tăng thượng.

Hỏi: Vì sao các chi cùng đối chiếu với nhau không có duyên nhân? Đáp: Vì duyên nhân là duyên nơi chủng tử của tự thể hiển bày.

Hỏi: Nếu các chi cùng đối chiếu không có duyên nhân, thì vì sao nói là dựa nơi thể tánh của nhân quả để kiến lập duyên khởi?

Đáp: Dựa nơi nhân sinh khởi, nhân khiên dẫn, nhân dẫn phát thuộc về duyên tăng thượng, nên gọi là nhân.

Hỏi: Có bao nhiêu chi là thuộc về nhân dẫn phát?

Đáp: Là từ chi vô minh cho đến thọ.

Có bao nhiêu chi là thuộc về nhân sinh?

Đáp: Từ ái cho đến hữu.

Hỏi: Có bao nhiêu chi là thuộc về quả của hai nhân sinh, dẫn?

Đáp: Ở trong hiện pháp, hậu pháp, là thức v.v… cho đến thọ, là các chi thuộc về phần vị của sinh, lão tử.

Hỏi: Nếu nói vô minh, là do tác ý không như lý làm nhân, thì do duyên cớ gì, ở trong giáo pháp duyên khởi, không nói tác ý trước?

Đáp: Tác ý chỉ là nhân bất đoạn, chẳng phải là nhân tạp nhiễm. vì sao? Vì chẳng phải kẻ không ngu tối dấy khởi tác ý ấy, nên dựa nơi nhân tạp nhiễm để nói giáo pháp duyên khởi. Tự tánh của vô minh là nhiễm ô. Tự tánh của tác ý không như lý là không nhiễm ô, nên tác ý không thể làm nhiễm ô vô minh, nhưng do sức mạnh của vô minh làm cho nhiễm ô. Lại, nghiệp tạp nhiễm của sinh, do sức mạnh của phiền não huân tập phát khởi, nhân đầu của nghiệp là duyên khởi thứ nhất, do đó không nói tác ý không như lý.

Hỏi: Do đâu không nói tự thể làm duyên của tự thể?

Đáp: Do tự thể ấy nếu không có được duyên khác, nên ở nơi tạp nhiễm của tự thể không thể tăng trưởng, cũng không tổn giảm, vì thế không nói.

Hỏi: Vì nhân duyên gì hành phước hành bất động, do công sức của sự lựa chọn đúng đắn nên khởi, nhưng nói là dùng vô minh làm duyên?

Đáp: Do không hiểu rõ nhân khổ của thế tục làm duyên, nên khởi hành phi phước. Do không thấu tỏ về nhân khổ của thắng nghĩa làm duyên, nên sinh hành phước và hành bất động. Vì thế cũng nói hai hành ấy dùng vô minh làm duyên.

Hỏi: Như trong kinh nói, các nghiệp do tham sân si làm duyên. Vì sao ở đây chỉ nói si làm duyên?

Đáp: Ở đây là nói chung về duyên của nghiệp phước, phi phước và bất động. Duyên của tham sân si chỉ sinh nghiệp phi phước.

Hỏi: Thân nghiệp, ngữ nghiệp, do tư duy phát khởi, đó là hành cũng duyên hành. Vì sao chỉ nói vô minh duyên hành?

Đáp: Vì dựa vào nơi duyên phát khởi tất cả hành mà nói, cùng dựa nơi duyên của tư duy sinh thiện, nhiễm ô mà nói.

Hỏi: Thức cũng lấy danh sắc làm duyên. Sao ở đây chỉ nói hành làm duyên?

Đáp: Vì hành là duyên tạp nhiễm của thức, có thể dẫn khởi, có thể sinh quả của đời sau, chẳng phải như danh sắc chỉ làm duyên sinh khởi cho chỗ dựa, của đối tượng duyên.

Hỏi: Danh sắc cũng do đại chủng tạo ra và do xúc sinh. Vì sao chỉ nói thức làm duyên?

Đáp: Thức có thể làm nhân sinh mới của danh sắc. Danh sắc đã sinh rồi, hoặc lúc đang sinh, đại chủng và xúc chỉ có thể cùng với danh sắc làm nhân kiến lập.

Hỏi: Như trong kinh nói: Do sáu giới làm duyên nên được nhập thai mẹ. Vì sao ở đây chỉ nói thức giới?

Đáp: Nếu có thức giới thì quyết định ở trong thai mẹ, nên tinh huyết, đại chủng, bụng, huyệt đều không thiếu. Lại thức giới là hơn. Lại nữa, dựa vào lúc tất cả sinh, tất cả hữu sinh mà nói.

Hỏi: Sáu xứ cũng dùng việc ăn uống làm duyên, vì sao ở đây chỉ nói danh sắc làm duyên?

Đáp: Ở đây nói danh sắc là nhân sinh của sáu xứ. Sáu xứ đã sinh rồi, cũng dùng ăn uống làm nhân nhận giữ.

Xúc do ba thứ hòa hợp làm duyên, vì sao ở đây chỉ nói sáu xứ làm duyên?

Đáp: Nếu có sáu xứ thì nhất định có hai thứ kia, không hề thiếu. Lại, sáu xứ thì hơn hẳn vì sáu xứ thâu tóm hai thứ kia.

Hỏi: Hoặc tự mình bị bức bách, hoặc bị kẻ khác bức bách, hoặc do thời gian biến đổi, hoặc do nghiệp trước dẫn dắt, đều có thể sinh thọ. Vì sao ở đây chỉ nêu rõ là xúc làm duyên cho thọ?

Đáp: Xúc là nhân gần của thọ, là do xúc dẫn dắt. Các duyên khác giúp thọ sinh cũng từ nơi xúc sinh, nên tất không lìa xúc. Vì thế nói riêng xúc làm duyên cho thọ.

Hỏi: Trong kinh cũng nói vô minh làm duyên sinh ra ái, thuận theo cảnh giới của ái cũng được làm duyên, vì sao ở đây chỉ nói thọ làm duyên?

Đáp: Do sức mạnh của thọ, nên ở nơi cảnh tương tợ, hoặc cầu hòa hợp, hoặc cầu trái lìa. Do sức thúc đẩy của ngu tối, nên chỉ đối với hết thảy tướng của các thọ dấy khởi nhận biết không đúng như thật, vì vậy không thể chế ngự được tâm mình.

Hỏi: Do chưa đoạn trừ tùy miên, các pháp thuận theo tùy miên, thủ đều được sinh. Vì sao ở đây chỉ nói ái làm duyên cho thủ?

Đáp: Do mong cầu sinh, nên vào lúc cầu tìm, có thể phát khởi tùy miên, cùng có thể dẫn dắt pháp thuận theo tùy miên.

Hỏi: Trước đã nói vô minh làm duyên phát khởi nghiệp hữu, vì sao nay nói thủ làm duyên hữu?

Đáp: Do sức mạnh của thủ, tức khiến nghiệp ấy, ở nơi các xứ sinh kia có thể dẫn khởi quả của thức, danh sắc v.v…

Hỏi: Sinh cũng do tinh huyết của cha mẹ v.v… làm duyên, vì sao ở đây chỉ nói hữu làm duyên cho sinh?

Đáp: Do có hữu nên nhất định có các duyên còn lại không thiếu. Lại do hữu là hơn hẳn, nên chỉ nói hữu làm duyên.

Hỏi: Cũng do hành xa, không tránh khỏi bất bình đẳng, bị kẻ khác bức bách, làm duyên, mới có lão tử, vì sao ở đây chỉ nói sinh làm duyên lão tử?

Đáp: Tuy do các duyên kia, nhưng do sinh là căn bản, nên giả như thiếu các duyên kia, chỉ mỗi sinh làm duyên, nhất định có lão tử.

Hỏi: Mười hai chi này, có bao nhiêu là phiền não đạo, bao nhiêu là nghiệp đạo, bao nhiêu là khổ đạo?

Đáp: Ba chi là phiền não đạo. Hai chi là nghiệp đạo. Bảy chi còn lại là khổ đạo.

Hỏi: Có bao nhiêu chi chỉ là nhân, bao nhiêu chi chỉ là quả, bao nhiêu chi chung cả nhân, quả?

Đáp: Một chi đầu chỉ là nhân. Một chi sau chỉ là quả. Các chi còn lại là chung cho nhân, quả. Lại, tức nơi câu hỏi này có cách giải đáp khác: Ba chi chỉ là nhân. Hai chi chỉ là quả. Các chi còn lại cũng là nhân, cũng là quả.

Hỏi: Bao nhiêu chi là tướng riêng biệt, bao nhiêu chi là tướng xen tạp?

Đáp: Ba chi là tướng riêng biệt. Hành v.v… là tướng xen tạp.

Hỏi: Vì sao hành, hữu là tướng xen tạp?

Đáp: Là do hai thứ nên nói như thế. Nghĩa là có thể dẫn khởi quả ái, phi ái, cùng có thể phát sinh sự sai biệt của nẻo.

Hỏi: Vì sao thức cùng với danh sắc, sáu xứ có một phần tướng xen tạp?

Đáp: Do ba thứ nên nói như thế: Nghĩa là do nương vào thời gian tạp nhiễm, dựa vào lúc nhuần thấm, và dựa vào thời gian chuyển biến.

Vì sao thức cho đến thọ và lão tử có tướng xen tạp?

Đáp: Do hai thứ nên nói như thế. Tức là do hiển bày riêng lẻ tướng khổ cùng hiển bày việc dẫn đến chỗ sai biệt của sinh. Lại nữa, ở trong duyên khởi, thế nào là nghĩa luôn đi qua? Đó là nghĩa sinh rồi không dừng trụ.

Thế nào là nghĩa hòa hợp? Đó là nghĩa các duyên tụ tập.

Thế nào là nghĩa dấy khởi? Đó là nghĩa thâu dẫn, nối tiếp sinh khởi của các duyên hòa hợp.

Thế nào là duyên khởi? Thế nào là duyên sinh? Đó là tánh của pháp sinh khởi nơi các hành, gọi là duyên khởi. Chúng đã sinh rồi, gọi là duyên sinh.

Hỏi: Có bao nhiêu chi thuộc về Khổ đế và hiện pháp là khổ?

Đáp: Có hai chi, là sinh và lão tử.

Hỏi: Có bao nhiêu chi thuộc về Khổ đế và đương lai là khổ?

Đáp: Là tánh chủng tử của thức cho đến thọ.

Hỏi: Có bao nhiêu chi thuộc về Tập đế?

Đáp: Hết thảy các chi còn lại.

Hỏi: Vô minh đối với hành là làm duyên câu hữu, làm duyên vô gián diệt hay làm duyên cửu viễn diệt?

Đáp: Nên biết là làm đủ ba duyên: Nghĩa là do không nhận biết, ở trong các pháp hành tùy thuận, làm duyên câu hữu (cùng hiện hữu) che ngăn, khiến các sự việc kia phát khởi các hành. Lại do không nhận biết về ác kiến, phóng dật cùng hiện hành, nên làm duyên vô gián diệt sinh khởi, phát sinh các hành. Lại do không nhận biết, nên làm duyên cửu viễn diệt dẫn phát, kiến lập sự sinh nối tiếp ở vị lai thuận theo duyên kia.

Vì sao nên biết các hành đối với thức làm ba thứ duyên?

Đáp: Do có thể huân tập, phát khởi chủng tử của thức, nên làm duyên câu hữu. Sau đấy, do sức mạnh của thức chuyển, nên làm duyên vô gián diệt sinh khởi. Do quả vị lai của thức được sinh nên làm duyên cửu viễn diệt dẫn phát.

Như hành đối với thức, thức đối chiếu với danh sắc, danh sắc đối với sáu xứ, sáu xứ đối với xúc, xúc đối với thọ, cũng vậy.

Hỏi: Nên biết thế nào là thọ đối với ái làm ba thứ duyên?

Đáp: Tức do ái dấy khởi ưa thích, chấp vướng, nên làm duyên câu hữu. Từ chỗ không gián đoạn ấy, do sức mạnh của ái, khởi sự tìm cầu v.v… tạo tác dụng chuyển đổi, làm duyên vô gián diệt sinh khởi, kiến lập sự khó có thể giải thoát được nối tiếp ở vị lai, làm duyên cửu viễn diệt dẫn phát.

Hỏi: Thế nào là ái đối với thủ làm ba thứ duyên?

Đáp: Do dục tham cùng hiện hành, ở trong pháp thuận theo thủ, dục lạc được an lập, nên làm duyên câu hữu. Do sức mạnh của vô gián diệt chuyển khởi, nên làm duyên sinh khởi, kiến lập sự khó có thể giải thoát được nối tiếp ở vị lai, nên làm duyên cửu viễn diệt dẫn phát.

Hỏi: Thế nào là thủ đối với hữu làm ba thứ duyên?

Đáp: Do cùng với hữu kết hợp, khiến nghiệp có thể chiêu cảm quả của các nẻo, nên làm duyên câu hữu. Lại do sức mạnh của hữu, ở nơi xứ sinh ấy, có thể dẫn dắt thức v.v…, nên làm duyên vô gián diệt sinh khởi. Lại có thể dẫn phát công năng của nẻo kia, nên làm duyên cửu viễn diệt dẫn phát.

Hỏi: Thế nào là hữu đối với sinh làm ba thứ duyên?

Đáp: Do huân tập phát khởi chủng tử của sinh, nên làm duyên câu hữu. Do sức mạnh của sinh, tùy chuyển không gián đoạn, nên làm duyên sinh khởi, tuy đã diệt từ lâu xa nhưng quả vẫn chuyển khởi, nên làm duyên dẫn phát.

Như hữu đối với sinh, nên biết sinh đối với lão tử làm duyên cũng thế.

Lại nữa, kiến lập chi hữu có hai thứ: Một là căn cứ theo phần hơn để kiến lập. Nghĩa là nghiệp thọ thuộc về thủ, như trước đã nói. Hai là theo toàn phần để kiến lập. Nghĩa là các chủng tử hiện có của nghiệp và thức cho đến thọ, thì thọ thuộc về thủ, để kiến lập làm hữu.

Hỏi: Những chi hữu này, chỉ có thứ lớp cùng với hành làm duyên, cho đến lão tử, hay lại có nghiệp dụng khác?

Đáp: Tức nghiệp dụng này cùng ở trong cảnh của đối tượng hành đều khác nhau, như chỗ ứng hợp của chúng, nên biết nghiệp dụng hiện có là nghiệp dụng thứ hai.

Hỏi: Vô minh chỉ cùng với hành làm duyên, hay là cũng cùng với các chi khác làm duyên?

Đáp: Vô minh cho đến cũng cùng với lão tử làm duyên.

Trước nói chỉ cùng với hành làm duyên, là chỉ nói về nghĩ duyên gần. Như vậy, các chi còn lại, nên biết là vô minh đều duyên hết.

Lại nữa, chi sau không phải là duyên của chi trước. Vì sao? Vì để đoạn dứt chi sau, nên phải dốc công sức đoạn trừ chi trước. Do chi trước đoạn, nên chi sau cũng đoạn theo. Chẳng phải vì để đoạn chi trước nên gắng công sức đoạn dứt chi sau. Vì thế nên biết chỉ chi này làm duyên chi kia.

Hỏi: Thế nào là nói: “Đây có nên kia có”?

Đáp: Do nghĩa duyên chưa đoạn, nên cái khác được sinh.

Hỏi: Thế nào là nói: “Đây sinh nên kia sinh”?

Đáp: Do nghĩa duyên vô thường nên cái khác được sinh.

Do đâu nói:: “Có sinh nên có lão tử”? Chính là do duyên

của sinh mà có lão tử. Như vậy cho đến vô minh đối với hành chăng?

Đáp: Do nghĩa nơi đạo lý của ngôn giáo ấy hiển bày từ duyên của tác dụng không thật, nên cái khác được sinh.

Hỏi: Vì sao nói: “Có sinh nên có lão tử”? Chẳng phải lìa duyên của sinh mà có lão tử? Như vậy cho đến vô minh đối với hành?

Đáp: Do nghĩa nơi đạo lý của ngôn giáo ấy, hiển bày từ duyên của tự tương tục, tức từ nơi tự tương tục nên cái khác được sinh.

Hỏi: Nếu pháp vô minh làm duyên thì pháp ấy là hành chăng? Như nếu là hành thì pháp ấy được vô minh làm duyên chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp: (1) Hoặc có hành chẳng phải là vô minh làm duyên. Tức là các hành của thân ngữ ý vô lậu và vô phú vô ký. (2) Hoặc có vô minh làm duyên nhưng chẳng phải là hành. Nghĩa là các chi hữu còn lại, trừ các chi hữu thuộc về hành. (3) Hoặc có cũng vô minh làm duyên cũng là hành. Tức các hành phước, phi phước, bất động của thân ngữ ý. (4) Trừ các trường hợp trên.

Hỏi: Nếu hành làm duyên thì pháp ấy cũng là thức chăng? Nếu là thức thì được hành làm duyên chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: (1) Hoặc hành làm duyên nhưng không phải là thức. Tức là các chi hữu còn lại, trừ thức. (2) Hoặc là thức nhưng không phải hành làm duyên. Tức là thức vô lậu và thức vô phú vô ký, trừ sinh dị thục. (3) Hoặc cũng là thức cũng là hành làm duyên. Tức là thức của chủng tử đời sau và thức của quả. (4) Trừ các trường hợp trên.

Do đạo lý này, cho đến xúc duyên thọ, nên biết theo chỗ ứng hợp, đều có bốn trường hợp như vậy.

Hỏi: Nếu thọ làm duyên thì đều là ái chăng? Nếu là ái thì đều do thọ làm duyên chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: (1) Hoặc là có ái nhưng chẳng phải thọ làm duyên. Đó là mong cầu giải thoát thù thắng, cùng dựa nơi ái thiện để xả bỏ các ái khác. (2) Hoặc thọ làm duyên nhưng chẳng phải là ái. Tức pháp sinh của các chi hữu còn lại, trừ thọ làm duyên do vô minh – xúc sinh ra. (3) Hoặc có thọ làm duyên cũng là ái: Đó là thọ do vô minh – xúc sinh, làm duyên sinh ái nhiễm ô. (4) Trừ các trường hợp trên.

Hỏi: Nếu ái làm duyên thì đều là thủ chăng? Nếu là thủ thì đều do ái làm duyên chăng?

Đáp: Nên biết, ở đây là thuận với trường hợp sau. Nghĩa là thủ hiện có đều do ái làm duyên. Hoặc ái làm duyên mà chẳng phải là thủ. Nghĩa là các chi hữu còn lại, trừ thủ, cùng duyên nơi ái thiện, các pháp thiện như siêng năng, tinh tấn sinh.

Hỏi: Nếu thủ làm duyên thì đều là hữu chăng? Nếu là hữu thì đều do thủ làm duyên chăng?

Đáp: Cũng nên tạo chỗ thuận với trường hợp sau: Nghĩa là mọi hữu hiện có đều là thủ làm duyên. Hoặc thủ làm duyên nhưng không phải là hữu. Tức là các chi hữu còn lại, trừ hữu.

Hỏi: Nếu hữu làm duyên thì đều là sinh chăng? Nếu là sinh thì đều do hữu làm duyên chăng?

Đáp: Các sinh hiện có đều do hữu làm duyên. Hoặc hữu làm duyên nhưng không phải là sinh. Tức là trừ sinh, chi hữu còn lại sau cùng là lão tử.

Hỏi: Nếu sinh làm duyên thì đều là lão tử chăng? Nếu là lão tử thì đều do sinh làm duyên chăng?

Đáp: Lão tử hiện có đều do sinh làm duyên. Hoặc do sinh làm duyên, nhưng không phải là lão tử. Đó là bệnh tật, oán ghét mà gặp nhau, thân ái mà biệt ly, cầu không toại nguyện và vô số phiền não bức bách, làm dấy khởi bao sầu than ưu khổ.

Các chi hữu ấy, có bao nhiêu chi là chướng ngại hơn hết đối với chánh kiến thuộc tám chánh đạo?

Đáp: Vô minh cùng với ý hành do vô minh dấy khởi, hoặc một phần của hữu, là có thể tạo chướng ngại hơn hết đối với chánh kiến.

Như đối với chánh kiến, đối với chánh tư duy, chánh tinh tấn cũng vậy. Hoặc chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, thì do thân hành ngữ hành và một phần của hữu là chướng ngại hơn hết. Còn chánh niệm, chánh định thì do các chi hữu còn lại là chướng ngại hơn hết.

Hỏi: Các chi hữu này, có bao nhiêu chi chỉ là phẩm tạp nhiễm? Bao nhiêu chi là chung cho phẩm tạp nhiễm, thanh tịnh?

Đáp: Có bốn chi chỉ là phẩm tạp nhiễm. Các chi còn lại là chung cho phẩm tạp nhiễm, thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là chi sinh chung cho hai phẩm ấy?

Đáp: Nếu sinh vào nẻo ác cùng nơi chốn có nạn thì chỉ là phẩm tạp nhiễm. Nếu sinh nơi các xứ không nạn của nẻo người, trời, thì đây là chung cho hai phẩm nhiễm, tịnh.

Nên biết các chi còn lại, tùy chỗ ứng hợp, đều chung cho hai phẩm.

Hỏi: Những gì do vô minh không có nên hành không có. Những gì do vô minh diệt nên hành diệt?

Đáp: Có ba thứ vô minh: phát khởi, triền, tùy miên. Do vô minh này diệt nên vô minh kia diệt, do vô minh kia diệt nên hành cũng diệt theo.

Hỏi: Những gì là hành không có nên thức không có. Những gì là hành diệt nên thức diệt?

Đáp: Đó là các hành ở trong nẻo tương tục của chính mình, đã tạo tác, đã diệt và chưa khởi đối trị. Lại do ý hành có, nên khởi thân hành ngữ hành. Do đây có nên kia có. Kia không nên thức duyên kia cũng không. Đây nếu diệt hoàn toàn, nên biết thức cũng diệt theo.

Hỏi: Những gì là thức không có nên danh sắc không có? Những gì là thức diệt nên danh sắc diệt?

Đáp: Thức của chủng tử không có nên thức của quả không có. Thức này cùng diệt nên danh sắc cùng diệt. Như đạo lý thức có đối với danh sắc, các chi còn lại cho đến thọ, tùy chỗ ứng hợp, nên biết cũng vậy.

Như đạo lý vô minh duyên hành, thì đạo lý ái duyên thủ, thủ duyên hữu, nên biết cũng như vậy.

Như đạo lý hành duyên thức, thì hữu duyên sinh, nên biết cũng thế. Như đạo lý thức duyên danh sắc, thì sinh duyên lão tử, nên biết cũng vậy.

Hỏi: Những gì là thọ không có nên ái không có? Những gì là thọ diệt nên ái diệt?

Đáp: Như đạo lý hành duyên thức, nên biết ở đây cũng vậy.

Hỏi: Như trước đã nói về tám môn duyên khởi. Vậy có bao nhiêu môn hiển bày mười hai chi duyên khởi? Có bao nhiêu môn không hiển bày?

Đáp: Có ba môn hiển bày: hai môn hiển bày một phần và một môn hiển bày toàn phần. Các môn còn lại thì không hiển bày.

Những gì là hai môn hiển bày một phần? Đó là môn nội thức sinh và môn tự nghiệp tạo tác.

Những gì là một môn hiển bày toàn phần? Đó là môn thế gian của hữu tình chuyển.

Hỏi: Nhận biết không đúng như thật về đạo lý duyên khởi, thì có bao nhiêu thứ lỗi lầm, tai họa?

Đáp: Có năm thứ: (1) Dấy khởi ngã kiến. (2) Có thể phát khởi kiến chấp về tiền tế câu hành (Đời trước cùng hiện hành). (3) Phát khởi kiến chấp về hậu tế câu hành (Đời sau cùng hiện hành). (4) Phát khởi kiến chấp về tiền tế, hậu tế câu hành. (5) Đối với các kiến ấy, cố chấp mãnh liệt, có giữ lấy, có mong cầu, ở trong hiện pháp không có Bát Niết-bàn.

Hỏi: Nhận biết đúng như thật về đạo lý duyên khởi, thì đạt được bao nhiêu thứ lợi ích thù thắng?

Đáp: Chuyển ngược năm thứ lỗi lầm ở trước, nên biết lợi ích thù thắng cũng có năm thứ.

Lại nữa, mười hai chi duyên khởi này: Có bao nhiêu chi là thật có? Là chín chi. Có bao nhiêu chi là không thật có? Các chi còn lại. Có bao nhiêu chi một sự là tự tánh? Là năm chi.

Có bao nhiêu chi không phải một sự là tự tánh? Các chi còn lại. Có bao nhiêu chi là nhân của sở tri chướng? Là một chi. Có bao nhiêu chi có thể sinh khổ? Là năm chi.

Có bao nhiêu chi là thai tạng của khổ? Là năm chi. Có bao nhiêu chi chỉ là khổ? Là hai chi. Có bao nhiêu chi gọi là phần nhân? Là sáu chi trước là vô minh cho đến xúc, và ba chi ái, thủ, hữu, gọi là phần nhân. Có bao nhiêu chi gọi là phần quả? Là hai chi sau.

Có bao nhiêu chi gọi là phần nhân quả xen lẫn? Là chi còn lại (thọ). Vì sao? Có hai thứ thọ, gọi là phần xen lẫn. Một là thọ của nhân do xúc làm duyên nơi hậu pháp. Hai là thọ của quả cùng với ái làm duyên nơi hiện pháp. Hai thứ xen lẫn này gọi là xúc duyên thọ.

Lại nữa, mười hai chi duyên khởi này: Có bao nhiêu chi có thể sinh ra quả của cảnh giới ái phi ái? Có bao nhiêu chi có thể sinh quả của tự thể? sáu chi trước có thể sinh ra quả trước (ái phi ái). ba chi sau có thể sinh ra quả sau. một chi cùng sinh ra hai thứ quả.

Lại nữa, mười hai chi duyên khởi này: Có bao nhiêu chi cùng hiện hành với lạc thọ? Là ba mươi chi còn lại, trừ hai chi. Có bao nhiêu chi cùng hiện hành với khổ thọ? Là khổ thọ và một chi trong chỗ được trừ ra.

Có bao nhiêu chi cùng hiện hành với thọ không khổ không lạc? Như đạo lý của lạc thọ. Có bao nhiêu chi không cùng với thọ cùng hiện hành? Là một chi trong chỗ được trừ.

Lại nữa, mười hai chi duyên khởi này: Có bao nhiêu chi thuộc về hoại khổ? Là chi cùng hiện hành với lạc thọ, cùng một phần của chi không cùng hiện hành với thọ.

Có bao nhiêu chi thuộc về khổ khổ? Là chi cùng hiện hành với khổ thọ, và một phần của chi không cùng hiện hành với thọ.

Có bao nhiêu chi thuộc về hành khổ? Đó là chi thuộc khổ khổ, hoại khổ hiện có, cũng là chi thuộc hành khổ. Hoặc có chi thuộc về hành khổ, nhưng không phải là chi thuộc hai khổ kia. Tức là chi cùng hiện hành với thọ không khổ không lạc, cùng một phần của chi không cùng hiện hành với thọ.

Hỏi: Ở trong tất cả xứ sinh cùng Tam-ma-bát-để, đều có tất cả chi hiện hành, có thể được chăng?

Đáp: Không thể được. Nghĩa là nơi cõi trời Vô tưởng, và Định diệt tận, trong Định vô tưởng, chi hữu sắc thì có thể được, chẳng phải là chi vô sắc. Nếu sinh nơi Vô sắc giới thì chi vô sắc có thể được, không phải là chi hữu sắc.

Hỏi: Từng có dựa nơi chi nên có thể lìa chi chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là dựa nơi chi của địa trên, lìa chi của địa dưới. Đây chỉ là một phần, không phải là toàn phần, chỉ là tạm thời, không phải là cứu cánh.

Hỏi: Có bao nhiêu chi nhiễm ô? Không nhiễm ô?

Đáp: Có ba chi nhiễm ô. Các chi còn lại chung cho hai thứ. Nếu không nhiễm ô, thì thiện và vô phú vô ký riêng, nên phân làm hai thứ.

Hỏi: Có bao nhiêu chi hệ thuộc Dục giới?

Đáp: Hết thảy chi, hòa hợp cùng khởi.

Hỏi: Có bao nhiêu chi hệ thuộc Sắc giới?

Đáp: Một phần của tất cả.

Hỏi: Vì sao có thể biết các hành kia có già?

Đáp: Các hành kia có tánh hư mục, tan hoại.

Như hệ thuộc Sắc giới, hệ thuộc Vô sắc giới nên biết cũng vậy.

Hỏi: Có bao nhiêu chi là học?

Đáp: Không có.

Hỏi: Có nhiêu chi là vô học?

Đáp: Cũng không có.

Hỏi: Có bao nhiêu chi là phi học phi vô học?

Đáp: Tất cả các chi.

Hỏi: Chi hữu lậu thiện hiện có, vì sao chẳng phải là học?

Đáp: Vì rơi vào nẻo lưu chuyển. Nếu pháp hữu lậu thiện hiện có là bậc học thì phải trái ngược với nẻo lưu chuyển, cùng dùng minh làm duyên, nên không phải là chi.

Hỏi: Quả Dự lưu, nên nói có bao nhiêu chi đã đoạn?

Đáp: Đã đoạn một phần của tất cả, không toàn phần. Như quả Dự lưu, quả Nhất lai cũng vậy.

Hỏi: Quả Bất hoàn, nên nói có bao nhiêu chi đã đoạn?

Đáp: Nơi cõi dục, đã đoạn hết thảy. Nơi cõi sắc, vô sắc thì bất định.

Hỏi: Quả A-la-hán, nên nói có bao nhiêu chi đã đoạn?

Đáp: Nơi ba cõi, đều đoạn hết thảy các chi.

Lại nữa, nơi nhiều kinh kia, do bao nhiêu thứ đạo lý ngôn thuyết để nói về duyên khởi?

Tức lược nêu là do sáu thứ đạo lý ngôn thuyết: (1) Do nói thuận theo thứ lớp. (2) Do nói nghịch với thứ lớp. (3) Do nói một phần chi. (4) Do nói đủ phần chi. (5) Do nói về phẩm đen. (6) Do nói về phẩm trắng.

Hỏi: Như Đức Thế Tôn nói, pháp duyên khởi là thâm diệu. Nghĩa thâm diệu ấy nên nhận biết như thế nào?

Đáp: Do mười thứ tướng nên nhận biết về nghĩa thâm diệu của duyên khởi. Đó là: Dựa nơi nghĩa vô thường. Dựa nơi nghĩa khổ. Dựa nơi nghĩa không. Dựa nơi nghĩa vô ngã. Dựa nơi thắng nghĩa đế.

Dựa nơi nghĩa vô thường: Nghĩa là từ chủng tử của mình sinh, cũng đợi duyên khác. Lại từ duyên khác sinh, cũng đợi chủng tử của mình. Lại từ chủng tử của mình, lại từ duyên khác sinh, nhưng chủng tử và duyên đối với sự sinh ấy, không tác, không dụng, cũng không vận chuyển. Lại, công năng nơi tánh của hai nhân ấy không phải là không thật có. Lại, các chi hữu, tuy từ vô thỉ đến nay, tướng của chúng thành tựu, nhưng trong từng sát-na, sát-na, luôn thay đổi cùng chuyển. Lại, chi duyên khởi, tuy trong từng sát-na chóng diệt, nhưng hiện bày giống như tướng vận động dừng trụ.

Dựa nơi nghĩa khổ: Nghĩa là chi duyên khởi là một vị tướng khổ, nhưng hiện bày giống như ba thứ tướng.

Dựa nơi nghĩa không: Nghĩa là chi duyên khởi tuy lìa hữu tình, kẻ tạo tác, kẻ thọ nhận, nhưng hiển hiện tợ như chẳng lìa.

Dựa nơi nghĩa vô ngã: Nghĩa là chi duyên khởi tuy không tự tại, thật sự không có tướng ngã, nhưng hiển hiện tợ như có tướng ngã.

Dựa nơi thắng nghĩa đế: Tự tánh của các pháp tuy không thể nêu bày, nhưng nói tự tánh ấy vẫn có thể dùng ngôn thuyết để diễn đạt.

Hỏi: Nên dùng bao nhiêu trí để nhận biết về duyên khởi?

Đáp: Dùng hai trí. Đó là dùng trí pháp trụ cùng trí chân thật.

Thế nào là dùng trí pháp trụ? Nghĩa là như Đức Phật đã nêu đặt, mở bày, chỉ rõ: không điên đảo khi nhận biết.

Thế nào là dùng trí chân thật? Do là như bậc hữu học kiến tích quán xét về nghĩa thâm diệu.

Hỏi: Như Đức Thế Tôn nói: “Các duyên khởi này chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo nên. Vì sao? Vì nếu Phật ra đời hoặc không ra đời thì pháp tánh, pháp trụ, pháp giới vẫn an trụ”.

Thế nào là pháp tánh? Thế nào là pháp trụ? Thế nào là pháp giới? Là các duyên khởi, từ thời vô thỉ đến nay, tánh của lý thành tựu, đó gọi là pháp tánh.

Như tánh thành tựu, do văn cú không điên đảo được an lập, đó gọi là pháp trụ. Do pháp trụ này dùng pháp tánh kia làm nhân, vì thế gọi pháp trụ đó là pháp giới.

Hỏi: Như kinh nói: “Sinh nếu là không, là không xứ, không phần vị. Sinh có thể là có, hoặc tất cả loại sinh chẳng phải là có”, thì sinh duyên lão tử lẽ ra không thể được. Vì sao ở đây nói tự tánh của sinh duyên nơi tự tánh?

Đáp: Là dựa vào quả của tự chủng tử sinh ra mà nói. Nghĩa là chi thức cho đến chi thọ, là chủng tử của sinh, nên theo nghĩa nói là sinh. Do vì đây có, về sau, tức chi của quả này gọi là hữu duyên sinh. Như vậy, các chi còn lại, như kinh đã nói, tùy chỗ ứng hợp đều nên nhận biết.

Hỏi: Đã nói tất cả chi là không trở lại cùng làm duyên, vì sao kiến lập danh sắc và thức cùng làm duyên?

Đáp: Vì thức, ở trong hiện pháp dùng danh sắc làm duyên, danh sắc lại ở trong hậu pháp dùng thức làm duyên. Vì sao? Vì ở trong thai mẹ, có thời gian nối tiếp, gọi là cùng làm duyên. Do thức làm duyên, ở trong thai mẹ, sắc của các tinh huyết, danh thuộc về thọ, hòa hợp cùng thành tánh Yết-la-lam. Tức danh sắc này làm duyên, lại khiến cho thức ấy ở đây được trụ.

Hỏi: Vì sao Bồ-tát lúc quán phẩm Đen, chỉ đến chi thức thì ý chuyển trở lại, không tới các chi khác?

Đáp: Do hai chi này lại cùng làm duyên. Như thức duyên danh sắc thì danh sắc cũng duyên thức như vậy. Vì thế quán tâm đến thức thì chuyển trở lại. Ở trong chi khác, không có đạo lý chuyển trở lại như vậy. Nơi một xứ này hiển bày đạo lý lại cùng làm duyên, nên gọi là chuyển trở lại. Ở nơi phẩm Hoàn diệt, danh sắc không phải là nhân hoàn diệt của thức đời sau. Do nhân duyên ấy, nên vượt quá sự quan sát.

Hỏi: Do nhân duyên gì nên nói chi duyên khởi không phải là tự tạo, không phải là tha tạo, không phải là cả hai cùng tạo, cũng không phải là không nhân sinh ra?

Đáp: Vì sự sinh không phải là có, duyên nơi không tác dụng, do duyên nơi sức mạnh sinh ra.

Hỏi: Ở trong duyên khởi, những gì là mầm khổ? Cái gì giữ nuôi mầm khổ? Những gì là cây khổ?

Đáp: Vô minh, hành duyên thức dẫn dắt cho đến thọ là mầm khổ. Thọ duyên ái dẫn khởi cho đến hữu là sự giữ nuôi mầm khổ. Sinh và lão tử, nên biết là cây khổ.

Hỏi: Có bao nhiêu chi duyên khởi nên biết như đốt nóng?

Đáp: Là chi thức cho đến chi thọ.

Hỏi: Có bao nhiêu chi như nhuần thấm?

Đáp: Là các chi vô minh, hành, ái, thủ, hữu.

Hỏi: Có bao nhiêu chi như ngọn lửa?

Đáp: Là hai chi sinh, lão tử.

Hỏi: Do nhân duyên gì, trong giáo pháp phẩm Đen của duyên khởi, gọi là tăng ích?

Đáp: Vì hết thảy chi hữu thuần là nhóm khổ lớn tạo nên quả về sau. Lại, các chi hữu, chi trước, chi trước làm duyên, chi sau, chi sau thuận theo.

Hỏi: Do nhân duyên gì, ở trong giáo pháp phẩm trắng gọi là tổn giảm?

Đáp: Do tất cả chi, chi trước chi trước vĩnh viễn được đoạn trừ, chi sau chi sau diệt theo. Lại là nhân tổn giảm của nhóm thuần khổ lớn.

Hỏi: Có bao nhiêu chi duyên khởi gọi là pháp của nhân hữu?

Đáp: Là bảy chi trước.

Hỏi: Có bao nhiêu chi duyên khởi gọi là khổ của nhân hữu?

Đáp: Là năm chi còn lại.

Hỏi: Có bao nhiêu chi diệt là sự hiển bày về lậu dứt hết?

Đáp: Có ba chi.

Hỏi: Có bao nhiêu chi diệt là chỗ hiển bày về duyên tận?

Đáp: Tức ba chi này, là duyên của các chi còn lại.

Hỏi: Có bao nhiêu chi diệt là chỗ hiển bày về thọ tận?

Đáp: Là một chi. Nghĩa là do phiền não đã được đoạn trừ, nên khi chỗ dựa diệt thì tất cả thọ ấy đều vĩnh viễn diệt dứt.

Hỏi: Do nhân duyên gì dựa vào duyên khởi để kiến lập 77 trí?

Đáp: Vì nhằm hiển bày trí tạp nhiễm của nhân hữu. Lại vì nhằm làm rõ trí tạp nhiễm do tự mình tạo ra nơi sự nối tiếp của chính mình. Lại cũng nhằm hiển bày về thời vô thỉ của các chi tiền tế. Lại nữa, là nhằm làm rõ nghĩa tạp nhiễm, hoàn diệt của các chi hậu tế dung nạp hữu. Lại cũng nhằm hiển bày nghĩa chỗ chi không thâu tóm các tuệ hữu lậu nhận biết khắp. Nên nơi mỗi mỗi chi đều tạo bảy trí, nên biết tổng cộng có 77 trí.

Hỏi: Do nhân duyên gì ở trong duyên khởi kiến lập 44 trí?

Đáp: Là nhằm hiển bày nơi mỗi mỗi chi, dựa vào đạo lý quan sát bốn Thánh đế, do đó tổng cộng có 44 trí.

Lại nữa, nếu sinh nơi cõi dục, dựa nơi thân cõi dục, dẫn phát hoặc mắt hoặc tai của địa trên. Do sự thấy nghe này mà có được các sắc, thanh của tự địa nơi địa dưới.

Lại dựa nơi thân này, dấy khởi ý của ba cõi và ý không hệ thuộc tạo mọi hiện tiền.

Nếu sinh nơi cõi sắc, vô sắc, thì trừ địa dưới của mình, tất cả đều hiện tiền, như tại cõi dục.

Lại nữa, ba thứ tạp nhiễm ấy, tức tạp nhiễm của phiền não, tạp nhiễm của nghiệp và tạp nhiễm của sinh, vì nhằm đoạn trừ, nên tu sáu thứ hiện quán. Đó là: (1) Hiện quán về tư. (2) Hiện quán về tín. (3) Hiện quán về giới. (4) Hiện quán về trí đế hiện quán. (5) Hiện quán về biên trí đế hiện quán. (6) Hiện quán về cứu cánh.

Như vậy là đã nói về ba Địa là Địa có tầm có tứ, Địa không tầm chỉ có tứ và Địa không tầm không tứ.

HẾT – QUYỂN 10