LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
SỐ 1604
Tác giả: Bồ-tát Vô Trước.
Hán dịch: Tam Tạng pháp sư, Đời Đường, là Ba-la-phả-mật-đa-la.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
Phẩm Thứ 13: HOẰNG PHÁP
Giải thích: Đã nói về cầu pháp, kế là nói nên giảng nói pháp cho người. Kệ nêu:
Khó được lại không bền,
Thương khổ, hằng vui thí,
Huống dùng pháp lợi đời,
Tăng trưởng cũng vô tận.
Giải thích: Bài kệ nầy, trước ngăn dứt việc keo lận giáo pháp.
Khó được lại không bền, nghĩa là thân mạng, của cải.
Hằng thương chúng sinh khổ, thường vui vẻ bố thí là bất cứ lúc nào Bồ-tát cũng có thể xả bỏ ba thứ pháp không bền chắc để bố thí làm lợi ích cho chúng sinh, do lòng từ bi.
Huống chi đem pháp làm lợi thế gian, tăng trưởng cũng vô tận, huống chi pháp Đại thừa mình nghe được không khó mà lại sinh tâm keo lận. Cho nên Bồ-tát phải dùng pháp nầy làm lợi ích rộng rãi cho thế gian. Vì sao? Vì do pháp mình có được sẽ lớn lên mãi, cũng vô tận.
Đã ngăn dứt việc keo lận giáo pháp, kế là nói lợi ích của nói pháp.
Kệ rằng:
Tự chứng, không thể nói,
Dẫn vật nói pháp tính,
Pháp thân, miệng vắng lặng,
Dòng thương như rắn thở.
Giải thích: Tự chứng không thể nói, vì dẫn vật nói pháp tính: là Đức Thế tôn không thể nói pháp mà mình tự chứng do không thể nói được, nhưng vì dẫn dắt chúng sinh, nên Đức Thế tôn dùng phương tiện giảng nói pháp tính.
Hỏi: Là phương tiện gì?
Đáp: Pháp thân, miệng vốn vắng lặng, dòng thương tuôn chảy như rắn thở. Chư Phật dùng pháp tánh làm thân. Lấy vắng lặng làm miệng. Do lìa khỏi hai chướng nên thanh tịnh cực rộng. Do lòng Đại bi tuôn chảy thành giáo cương để dẫn dắt chúng sinh, như con rắn lớn hả miệng khạc nước dãi để hấp dẫn vạn vật, tất cả Chư Phật, cùng lúc đem thân, miệng, lòng đại bi để dẫn dắt chúng sinh, cũng như vậy. Lòng đại bi vô tận do nó là lòng thương rốt ráo. Kệ rằng:
Do tu hành đắc quả,
Nói tu phi vô nghĩa,
Chỉ nghe và không nghe,
Nói tu là vô lý.
Giải thích: Do tu hành mà Phật đắc quả, lời người tu nói không phải vô nghĩa là Chư Phật dùng phương tiện để giảng nói pháp mà mình chứng để dìu dắt thế gian. Do công năng thực hành và sức mạnh tu tập một cách tự tại nên đắc quả. Thế nên công phu tu tập của Chư Phật và giáo pháp mà Phật nói, chẳng phải vô nghĩa.
Chỉ nghe và không nghe mà nói tu hành làvô lý, là nếu vì nghe pháp mà thấy được nghĩa chân thật thì sự tu tập ấy không lợi ích. Còn ai không nghe pháp mà vẫn được ngộ nhập do sự tu tập của mình thì việc nói pháp hóa ra vô ích.
Đã nói sự lợi ích của nói pháp, kế là nói sự khác nhau của nói pháp. Kệ rằng:
Nói A-hàm, nói chứng,
Là miệng, thần thông lực,
Sức thần thông tướng tốt,
Sắc khác và hư không.
Giải thích: Các Bồ-tát nói pháp có hai thứ khác nhau:
1. A-hàm nói là dùng sức miệng để nói.
2. Nói chứng đắc nghĩa là dùng sức thần thông để nói. Nói pháp bằng sức thần thông lại có nhiều thứ: Hoặc dùng tướng tốt để nói, hay dùng rừng cây để nói, hay dùng nhạc khí để nói, hay nói pháp trên hư không. Đã nói sự khác nhau của nói pháp, kế là nói thành tựu của nói pháp. Kệ rằng:
Vô úy, và dứt nghi,
Khiến tin, cũng bày thật,
Các Bồ-tát như vậy,
Nói thành tựu, nên biết.
Giải thích: Các Bồ-tát nói pháp được thành tựu, do bốn thứ nghĩa:
1. Vô úy.
2. Dứt nghi.
3. Khiến tin.
4. Bày thật.
Như kinh Phạm Thiên Vương Vấn nói: “Nếu có đầy đủ bốn pháp thì Bồ-tát có thể mở hội pháp thí rộng lớn”. Bốn pháp là:
1. Gồm nhiếp pháp mầu.
2. Trí tuệ mình phải trong sáng thanh tịnh.
3. Làm nghề nghiệp của bậc trượng phu khéo.
4. Hiển bày pháp ô nhiễm, trong sạch.
Trong bốn pháp ấy, thì đa văn là bậc nhất, do đó nên không lo sợ.
Công năng thư hai là có trí tuệ lớn, nên mới có công năng dứt nghi
Công năng thứ ba là không nương vào danh lợi nên khiến kẻ khác tin nhận lời mình nói.
Công năng thứ tư là thông suốt thế tục đế và Nghĩa đệ nhất đế cho nên có thể nói về hai thứ chân thật, nghĩa là tướng ô nhiễm, chân thật và tướng thanh tịnh chân thật. Kệ rằng:
Lời đẹp và lìa say,
Chẳng lùi chẳng bất tận,
Các thứ và tương ưng,
Giúp hiểu, không cầu lợi,
Và dạy trao cùng khắp,
Lại nói thành tựu nầy.
Giải thích: Lời nói tốt đẹp là khi bị người khác nổi giận mắng nhiếc mà mình không đáp trả bằng lời ác.
Lìa say sưa: có hai thứ say sưa:
1. Say sưa lời kẻ khác khen ngợi.
2. Say sưa do việc mình làm thành công. Nghĩa là của cải, sắc đạo, nhà cửa đều thành tựu tốt đẹp nên sinh tâm yêu thích vui sướng. Phải dẹp bỏ hai sự mê đắm ấy ở trong tâm, tức là xa lìa chúng.
Không lui sụt: vì không biếng nhác.
Đều hết là do xa lìa pháp bỏn sẻn nên nói được tất cả.
Nhiều thứ là do không nói trùng lập.
Tương ưng là do không trái với hiện lượng, tỉ lượng.
Giúp hiểu rõ câu chữ là do không vì của cải lợi dưỡng mà bắt buộc người tin mình.
Dạy trao cùng khắp là do có đủ ba thừa.
Đã nói thành tựu nói pháp, kế là nói về thành tựu lời nói. Kệ rằng:
Lời không và điều hòa,
Khéo léo cũng rõ ràng,
Ứng cơ, cũng lìa cầu,
Phân lượng và vô tận.
Giải thích: Lời không nhỏ là nói cho khắp đồ chúng nghe.
Điều hòa là lời nói vui vẻ, vừa ý.
Khéo léo là chỉ bày câu chữ sáng tỏ.
Sáng tỏ là khiến người hiểu dễ dàng.
Theo trình độ là theo trình độ thích ứng mà nói.
Không màng lợi là không dựa vào danh lợi để nói pháp.
Phân lượng là thích nghe không nhàm chán.
Vô tận là không thể cùng tận.
Đã nói thành tựu lời nói, sau đây, nói thành tựu chữ. Kệ rằng:
Nêu danh và giải nghĩa,
Tùy thừa cũng mềm mỏng,
Dễ hiểu mà ứng cơ,
Vì xuất ly thuận theo.
Giải thích: Nên tên: là tương ưng với các chữ, câu không trái với thường nghiệm.
Giải nghĩa là lời giải thích các chữ, các câu không trái với lý.
Theo thừa là nương theo chữ, câu, không trái với ba thừa.
Mềm mỏng là bỏ qua những câu chữ khó hiểu mà không trái với lời nói.
Dễ hiểu là gom các chữ, câu làm cho dễ hiểu nghĩa.
Ứng cơ là chấm câu chữ, câu cho hợp với sự vật.
Xuất ly là không dừng ở các chữ, các câu mà hướng đến Niết-bàn.
Thuận theo là vận dụng các chữ, các câu đúng đắn do phải thuận theo theo tám chi đạo bậc Thánh.
Kệ rằng:
Bồ-tát thành tựu chữ,
Như nghĩa trước, nên biết,
Có sáu mươi âm thanh,
Là nói việc Như lai.
Giải thích: Như lai có sáu mươi âm thanh, không thể nghĩ bàn.
Như trong kinh Phật bí mật chép: “Vắng lặng tuệ Như lai có đầy đủ sáu mươi thứ tiếng nói, đó là âm thanh nhuần nhuyễn, mềm mại, vừa ý, ý vui mừng thanh tịnh. Nói rộng là như vậy. Trong ấy kể ra:
1. Tiếng nói thấm nhuần chúng sinh có gốc lành có thể nhiếp giữ.
2. Tiếng nói mêm mại người nghe pháp hiện tại có thể tiếp xúc được với niềm vui.
3. Tiếng nói vừa ý do nghĩa hay.
4. Tiếng nói vui ý là vì khéo dùng chữ.
5. Tiếng nói trong sạch, có được sau khi thành Vô thượng xuất thế.
6. Tiếng nói không nhơ bẩn là vì nó không tương ưng với các tập khí mê lầm.
7. Tiếng nói ấm sáng là do câu chữ dễ hiểu.
8. Tiếng nói có sức vang động hay vì có đầy đủ công đức, phá tà kiến, ngoại đạo xấu.
9. Tiếng nói thích nghe là do gieo lòng tin và thuận chiều xuất ly sinh tử.
10. Tiếng nói không dứt là do tất cả ngoại đạo không thể dứt được.
11. Tiếng nói điều phục là do nó có công năng đối trị với các phiền não như tham, v.v…
12. Tiếng nói không châm chích là do làm phương tiện chế giới an vui.
13. Tiếng nói không chát chúa là khiến người phạm giới được xuất ly chân chánh.
14. Tiếng nói kheo điều phục là do dạy trao, giáo hóa.
15. Tiếng nói vui tai là do đối trị tâm rối loạn.
16. Tiếng nói dựa vào thân là do có công năng dẫn tới Tam-mađề.
17. Tiếng nói làm cho tâm tỏ ngộ là do có công năng dẫn tới Tỳbát-xá-na (quán).
18. Tiếng nói khiến tâm vui là do khéo dứt nghi.
19. Tiếng nói làm phát sinh hỉ lạc là do có tính chất quyết định nhổ bỏ tà vạy.
20. Tiếng nói không làm nóng bức là do gây lòng tin, lãnh thọ, không có ăn năn.
21. Tiếng nói có thể khiến giữ chắc trí tuệ là do thành tựu nhân nghe và làm chỗ nương cho trí.
22. Tiếng nói có thể khiến giữ chắc hiểu biết, thành tựu nhân suy nghĩ và làm chỗ nương cho trí.
23. Tiếng nói không che giấu là do nói pháp một cách không bỏn sẻn.
24. Tiếng nói dễ thương là do khiến đạt được quả lợi ích.
25. Tiếng nói khát ngưỡng là do đã được quả người ta vui sâu xa với nguyện của mình.
26. Tiếng nói chỉ dạy là vì nói chánh pháp không thể nghĩ bàn.
27. Tiếng nói khiến hiểu biết là vì nói chánh pháp khiến suy nghĩ.
28. Tiếng nói tương ưng là vì không trái với thường nghiệm.
29. Tiếng nói có lợi ích là vì vì thích ứng với giáo pháp đã chỉ dạy.
30. Tiếng nói không lặp lại là vì nó không phải lời nói trống rỗng.
31. Tiếng nói sư tử là vì khiến ngoại đạo run sợ.
32. Tiếng nói voi là vì rung chuyển lớn.
33. Tiếng nói sấm nổ là do vang đến nơi xa.
34. Tiếng nói rồng là vì khiến khiến tin nhận.
35. Tiếng nói Khẩn-na-la là do lời ca hay ho.
36. Tiếng nói Ca-lăng-tần-già là do vần điệu trong sáng.
37. Tiếng nói Phạm Thiên là vì nó lan toả ra thật xa.
38. Tiếng nói chim mạng mạng là vì đầu tiên được tốt lành, tất cả công việc đều thành tựu tốt đẹp.
39. Tiếng nói Thiên Vương là vì không ai dám trái nghịch.
40. Tiếng nói trống trời là vì phá tan ma Sơ thiền.
41. Tiếng nói lìa ngã mạn là vì khen chê vẫn không tự cao.
42. Tiếng nói nhập vào tất cả là vì thâm nhập tất cả thứ tiếng Tỳgià-la.
43. Tiếng nói xa lìa điều bất chánh là vì nhớ mãi không quên.
44. Tiếng nói đúng thời là vì việc giáo hóa, nên lời nói phát lên bất cứ lúc nào.
45. Tiếng nói không đắm trước vì nó không dựa vào lợi dưỡng.
46. Tiếng nói không sợ hãi, vì là khỏi hổ thẹn.
47. Tiếng nói hoan hỷ, vì nghe không chán.
48. Tiếng nói tùy xả là vì đã tham nhập tất cả sự khéo léo của Minh xứ.
49. Tiếng nói bạn lành là vì thành tựu lợi ích cho tất cả chúng sinh.
50. Tiếng nói thường suôn sẻ là nối nhau không xen hở.
51. Tiếng nói trang sức là do làm các thứ hiển hiện.
52. Tiếng nói đầy đủ là một tiếng nói pháp có vô lượng âm thanh.
53. Tiếng nói khiến căn cơ chúng sinh vui mừng là một lời nói mà hiện ra vô lượng nghĩa.
54. Tiếng nói không chê bai mắng nhiếc, là tin tưởng, thuận theo như nghĩa đã thành lập.
55. Tiếng nói không thêm, không bớt là nói pháp có chừng mực theo giờ khắc.
56. Tiếng nói không hấp tấp là không nói quá mau.
57. Tiếng nói trùm lên tất cả là do đồ chúng xa gần cùng nương vào đó.
58. Tiếng nói thành tựu tất cả là do đối với pháp nghĩa thế gian, dùng dụ nói cho họ hiểu (gồm cả năm mươi chín, sáu mươi).
Đã nói thành tựu chữ, sau đây nói về sự lớn lao của việc nói pháp.
Kệ rằng:
Khai diễn và lập bày
Lập ra và nêu chung
Nói riêng, và dứt nghi,
Rộng, hẹp đều giúp hiểu.
Giải thích: Khai diễn là giảng nói, lập bày là những câu. Lập ra là khéo tương ưng. Rạch ròi những điều ấy mới giảng nói. Theo trật tự ấy mà nêu lên cái chung và cái riêng, dứt nghi khiến nghĩa gần nghĩa xa đều dễ hiểu, khiến người nghe nhận được cái gì chắc chắn đối với pháp mà mình nói. Nói lược là nói một lần. Người căn cơ bén nhạy hiểu mau lẹ.
Nói rộng là lặp lại để người chậm lụt có thể hiểu được. Kệ rằng:
Người nói pháp được nói,
Người nghe, ba nghiệp tịnh,
Lại lìa tám lỗi lầm,
Người nói tịnh, nên biết.
Giải thích: Người nói pháp được nói, người nghe, ba nghiệp tịnh: gồm ba thứ nào?
Một là người giảng nói là Phật hay Bồ-tát.
Hai là pháp được nói, nói chung là các thứ danh từ, chữ.
Ba là người lãnh thọ, nghĩa là có người hiểu do nói lược, có người hiểu do nói lặp lại.
Lại lìa khỏi tám lỗi lầm, người nói phải thanh tịnh, nên biết là người nói thanh tịnh phải biết lìa khỏi tâm lỗi lầm.
Hỏi: Là tám lỗi gì? Kệ rằng:
Biếng nhác và không hiểu,
Từ chối, không giảng nghĩa,
Và không dứt trừ nghi,
Dứt nghi không vững chắc,
Chán lùi và bỏn sẻn (pháp),
Tám lỗi lầm như thế,
Chư Phật không có nó,
Cho nên thành Vô thượng.
Giải thích: Tám lỗi là:
1. Biếng nhác.
2. Không hiểu nghĩa.
3. Từ chối lời mời.
4. Không giảng rộng nghĩa.
5. Không dứt nghi.
6. Dứt nghi không quyết định.
7. Trong tâm có chán nản thoái lui, không phải nói bất cứ lúc nào.
8. Bỏn sẻn pháp, nên không chỉ bày tường tận cho ai.
Tất cả Chư Phật đều không mắc phải tám lỗi ấy, nên thành đấng nói pháp Vô thượng.
Đã nói sự lớn lao của việc nói pháp, kế đây là là nói về sự thành tựu ý nghĩa. Kệ rằng:
Pháp nầy tùy thiện lúc,
Nhân sinh tin, mừng, giác,
Nghĩa đúng, và lời hay,
Năng mở bốn phạm hạnh.
Giải thích: Pháp nầy tùy thiện lúc, là nhân sinh tin, mừng, giác là, thiện lúc thiện nghĩa là ban đầu, giữa, sau, đều thiện. Theo thứ lớp ấy, trong khi văn, tư, tu là đã làm nhân cho lòng tin, làm nhân cho vui mừng, làm nhân cho giác ngộ, là do đã dùng tâm định mà quán xét pháp nầy, đạo lý của nó được trí như thật.
Nghĩa đúng, và lời hay, có công năng mở bốn Phạm hạnh là:
Nghĩa đúng là nghĩa thiện và nghĩa mầu nhiệm. Nó tương ưng với thế tục đế và Nghĩa đệ nhất đế.
Nói hay là khiến dễ nhận, dễ hiểu vì văn nghĩa sáng tỏ. Do vậy cho nên có công năng mở ra bốn thứ Phạm hạnh.
Hỏi: Là bốn thứ nào? Kệ rằng:
Không tương ưng với tha,
Dứt hết hoặc ba cõi,
Tự tính, và không nhơ,
Là bốn việc Phạm hạnh.
Giải thích: Bốn Phạm hạnh là:
1. Sống một mình.
2. Đầy đủ.
3. Trong sạch.
4. Trắng.
Không tương ưng với tha, ấy là nghĩa một mình, vì hạnh nầy, không thể chung sống với ngoại đạo được.
Dứt hất hoặc ba cõi: ấy là nghĩa đầy đủ hạnh nầy nên đã dứt hết phiền não trong ba cõi.
Tự tính nghĩa là trong sạch, do hạnh nầy, nên nó là tự tính thanh tịnh vô lậu.
Không nhơ bẩn: nghĩa là trắng, do hạnh nầy là thân thuộc chủng loại lậu tận, được trong sạch, không chút bợn nhơ.
Đã nói nghĩa nói pháp được thành tựu, sau đây nói về đề mục của nói pháp. Kệ rằng:
Đó là tiết linh nhập,
Tiết tướng kiết đối trị,
Cùng với tiết bí mật,
Đó gọi bốn đề mục.
Giải thích: Chư Phật nói pháp không lìa bốn đề mục này:
1. Đề mục khiến người nghe thâm nhập.
2. Đề mục về tướng.
3. Đề mục đối trị.
4 . Đề mục bí mật.
Hỏi: Bốn đề mục nầy nương vào nghĩa nào? Kệ rằng:
Thanh văn và tự tính,
Dứt lỗi, cũng lời sâu,
Thứ lớp nương bốn nghĩa,
Nói có bốn đề mục.
Giải thích: Đề mục khiến người đi sâu vào, nên biết, dạy các Thanh văn nhập vào pháp nghĩa mà không lo sợ, như nói sắc là có, v.v… Nên biết, tướng của đề mục đối với sự phân biệt ba tự tính, v.v… Là không có tự thể, nên biết không phát sinh tự tính thanh tịnh, nhờ đó mà nói tất cả pháp.
Đề mục đối trị: nên biết, vì đối trị tám thứ chướng ngại, nên phải bắt đầu từ dứt hết các lỗi lầm. Như trong kinh Đại thừa nói: “Thọ trì hai câu kệ, được ngần ấy công đức”. Ấy đều là nói Vì đối trị cả. (Pháp đối trị nầy sẽ được giải thích sau).
Đề mục bí mật: Nên biết từ chỗ lời sâu sắc, nói trở lại mới hiểu được nghĩa. Như câu kệ trong kinh Đại thừa nói: “Không hiểu một cách chắc chắn vững chắc thì dễ trụ vào điên đảo. Do phiền não quấy nhiễu nên mau chứng Đại Bồ-đề”. Trong đề mục này: Không hiểu vững chắc: không vững chắc là tâm chúng sinh không loạn. Do không rối loạn nên hiểu được bền chắc. Do cái hiểu nầy mới có công năng đạt được Bồ-đề tối thắng. Do rối loạn nên tâm cứ rong ruổi mãi nên không có công năng chứng Bồ-đề. Đó là nghĩa của câu thứ nhất.
Khéo dựa vào điên đảo thì, điên đảo là chấp cho là thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu ai đang sống trong điên đảo mà lại có thể hiểu là Vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh thì kẻ ấy khéo an trụ không lui sụt, có công năng mau đạt Bồ-đề, trái lại thì không đạt được. Đó là nghĩa của câu thứ hai.
Câu do phiền não quấy nhiễu là trải qua thời gian dài, siêng tu những hạnh khó làm về khổ hạnh, từ mệt mỏi quá mức mà chứng được Bồ-đề. Trái lại không chứng được, đó là nghĩa của câu thứ ba.
Đã nói đề mục nói pháp, kế là nói về ý nghĩa nói pháp. Kệ rằng:
Bình đẳng và nghĩa khác,
Thời khác, và muốn khác,
Nương vào bốn ý nầy,
Phật nói pháp, nên biết.
Giải thích: Chư Phật nói pháp không lìa bốn ý là:
1. Ý bình đẳng.
2. Ý về nghĩa khác nhau.
3. Ý về thời gian khác nhau.
4. Ý về ý muốn khác nhau.
Ý bình đẳng nghĩa: như Phật nói: “Thuở xưa Phật Tỳ-bà-thi chính là thân ta đây, do pháp thân không khác nhau. Nói theo lối ấy thì gọi là ý bình đẳng.
Ý về nghĩa khác nhau: như Phật nói: “Do không có tự tính nên tất cả pháp không sinh. Lối nói như vậy, gọi là ý nghĩa khác nhau.
Ý về thời gian khác nhau: như Phật nói: “Nếu ai nguyện thấy Phật Di-đà thì họ đều được vãng sinh”. Đó là do thời gian khác nhau mà được vãng sinh, cho nên nói như vậy.
Nói như vậy gọi là ý về thời gian khác nhau.
Ý về ý muốn khác nhau: như kẻ kia có gốc lành như vậy, thì Đức Như lai, có khi khen ngợi, có khi quở trách, là vì người kia có gốc lành ít, mà lại tự cho là đầy đủ rồi. Những lối nói như vậy thì gọi là ý muốn khác nhau.
Đã nói về ý nói pháp, kế là nói về những công đức vâng giữ giáo pháp Đại thừa, Kệ rằng:
Khinh Phật và khinh pháp,
Biếng nhác ít tri túc,
Tham lam và kiêu ngạo
Ăn năn bất định thảy
Tám thứ chướng như thế,
Đại thừa nói đối trị,
Các chướng như thế,
Thì nhập vào chánh pháp.
Giải thích: Hai bài kệ nầy nói về công đức dứt chướng của Đại thừa. Có tám thứ chướng là:
1. Chướng khinh Phật.
2. Chướng khinh pháp.
3. Chướng biếng nhác.
4. Chướng ít biết đủ.
5. Chướng vì nghiệp tham.
6. Chướng mạn.
7. Chướng ăn năn.
8. Chướng bất định.
Vì đối trị chướng khinh Phật vì, kinh Đại thừa nói: “Phật Tỳ-bà-thi thuở xưa chính là ta ngày nay”.
Vì đối trị chướng khinh pháp, nên kinh Đại thừa nói: “Ngay chỗ ở của vô lượng Hằng sa Phật, ta đã tu hạnh Đại thừa, cho đến khi được hiểu”.
Vì đối trị chướng biếng nhác, kinh Đại thừa nói: “Nếu có chúng sinh nào nguyện sinh về cõi nước an vui thì tất cả đều được vãng sinh xưng niệm danh hiệu Phật Vô Cấu Nguyệt Quang, chắc chắn được 626 thành Phật”.
Vì đối trị chướng ít biết đủ nên kinh Đại thừa nói: “Có chỗ khen ngợi công hạnh bố thí v.v… Có chỗ lại chê bai hạnh bố thí”.
Vì đối trị chướng nghiệp tham nên kinh Đại thừa nói: “Cõi nước Chư Phật có nhiều điều rất vui đẹp”.
Vì đối trị chướng kiêu căng nên kinh Đại thừa nói: “Có cõi Phật thành tựu tuyệt diệu”.
Vì đối trị chướng ăn năn nên kinh Đại thừa nói: “Có chúng sinh nào đó, làm những việc không lợi ích cho Phật và Bồ-tát, nhưng được sinh về đường lành”.
Vì đối trị chướng bất định nên kinh Đại thừa nói: “Chư Phật thọ ký cho hàng Thanh văn sẽ thành Phật và nói pháp Nhất thừa cho họ nghe”.
Đó gọi là vâng giữ Đại thừa và xa lìa được tám thứ chướng. Kệ rằng:
Hoặc văn, hoặc là nghĩa,
Hai kệ siêng thọ trì,
Số công đức có mười,
Gọi là trí tuệ sáng,
Gốc lành thành tròn đủ,
Khi chết, vui ngập tràn,
Sinh đâu tùy ý muốn,
Trí, niệm sanh cũng thành,
Đời đời thường gặp Phật,
Nghe pháp được tin, tuệ,
Rời xa hai thứ chướng,
Mau thành đạo Vô thượng.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về công đức thọ trì Đại thừa. Nhóm họp công đức, công đức nầy có mười thứ
1. Thành tựu tất cả hạt giống gốc lành, hạt giống tròn đầy nương.
2. Khi sắp lìa đời được vui Vô thượng.
3. Muốn sinh về đâu đều được tùy nguyện.
4. Tất cả chỗ sinh được niệm tự tính phát sinh trí tuệ.
5. Sinh nơi nào cũng thường được gặp Phật.
6. Thường ở cạnh Phật để nghe pháp Đại thừa.
7. Thành tựu tín căn tăng thượng.
8. Thành tựu trí tuệ thêm lớn mãi.
9. Được xa rời khỏi hai thứ chướng làm mê lầm trí tuệ.
10. Mau được thành tựu Bồ-đề Vô thượng.
Nếu ai siêng năng thọ trì, hiểu văn, nghĩa cho đến một câu của tất cả kinh điển Đại thừa, thì được mười thứ công đức như vậy. Nên biết mười thứ công đức trong đây, hai công đức đầu là ở đời hiện tại, còn tám công đức còn lại là ở đời vị lai sẽ nhận được, dần dần gia tăng. Đã nói công đức vâng giữ giáo pháp. Kế là nói công đức nói pháp. Kệ rằng:
Thiện tuệ, không lui sụt,
Đại bi, tiếng thơm xa,
Khéo léo, nói các pháp,
Như Nhật chiếu thế gian.
Giải thích: Nếu có đầy đủ năm nhân thì gọi là Bồ-tát khéo nói pháp:
1. Không nói trái ngược, do trí tuệ khéo léo.
2. Nói bất cứ lúc nào, vì lòng không lui sụt.
3. Nói không vì mong cầu lợi dưỡng, mà vì lòng đại bi.. Nói pháp giúp sinh lòng tin, vì tiếng thơm đồn xa.
4. Nói pháp tùy theo trình độ vì sử dụng phương tiện khôn khéo.
Vì năm nhân duyên ấy mà Bồ-tát có công năng khéo nói pháp. Dẫn dắt hầu hết chúng sinh đều cung kính, như mặt trời xuất hiện chiếu sáng cõi thế gian nầy.
Phẩm Thứ 14: TÙY TU
Giải thích: Đã nói việc hoằng pháp của Bồ-tát, kế là nói về Bồtát tùy pháp mà tu hành. Trong đây, sự thuận theo tu tập, có chia ra biết nghĩa và biết pháp, có tùy pháp, có cùng chứng, có thuận theo thực hành. Nay sẽ theo thứ lớp nói về. Kệ rằng:
Với hai biết vô ngã,
Với ba lìa tà chánh,
Bồ-tát hiểu như vậy,
Gọi là người biết nghĩa.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc biết nghĩa của Bồ-tát. Đối với hai cái biết về vô ngã là biết cả hai thứ nhân và pháp đều là vô ngã, là vì biết năng thủ và sở thủ đều vô thể.
Đối với ba việc lìa xa tà chánh là: ba là ba thứ Tam-muội, tức là không, vô tướng, vô nguyện. Do Tam-muội không, nên biết vô thể, do hiểu rõ tính chất của phân biệt. Do Tam-muội vô tướng, vô nguyện nên biết không có tự thể, do hiểu rõ tính chất thật của y tha khởi.
Lìa tà, chánh, nghĩa là ba thứ Tam-muội nầy làm phát sinh trí xuất thế gian cho nên không phải tà vạy. Không chân chính là do còn ở trong thế gian. Bồ-tát hiểu biết như vậy, cho nên gọi là người biết nghĩa. Nếu biết nhân và pháp đều là vô ngã thì Bồ-tát có công năng biết ba thứ Tam-muội. Xa lìa ý niệm tà chánh, như vậy gọi là biết nghĩa. Kệ rằng:
Biết nghĩa như vậy rồi,
Biết pháp như chiếc bè,
Nghe pháp không nên mừng,
Xả pháp gọi biết pháp.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc Bồ-tát biết pháp. Bồ-tát sơ học, khi biết nghĩa rồi thì kế là biết pháp, nghĩa là có thể biết kinh pháp Tu-đa-la. Pháp được dụ như chiếc bè đưa sang sông nên không được chỉ nghe bấy nhiêu rồi sinh vui mừng. Vì sao gọi là pháp cần bỏ? Là vì nó như chiếc bè mà thôi, nên gọi là biết pháp. Kệ rằng:
Phàm phu có hai trí,
Tức có hai vô ngã,
Do thành tựu trí ấy,
Như nói tùy pháp hành.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc Bồ-tát thuận theo giáo pháp.
Phàm phu có hai thứ trí là: Trí biết nghĩa và trí biết pháp. Tức có cả hai vô ngã là do hai trí nầy cho nên cũng thông suốt được hai thứ vô ngã về nhân và pháp là thành tựu trí đó.
Như nói Tùy pháp hành nghĩa là do thành tựu hai thứ trí ấy vì thế Bồ-tát nên theo những pháp đã nói, thuận theo tu hành nên biết, đó gọi là tùy pháp. Kệ rằng:
Khi thành tựu trí đó,
Xuất thế gian Vô thượng,
Hễ người trụ Sơ địa,
Sở đắc đều cùng được.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về việc Bồ-tát đồng chứng đắc.
Khi thành tựu trí đó, xuất thế gian Vô thượng, ấy là do thể của trí đó tối thắng.
Sơ địa là hoan hỷ địa.
Tất cả công đức mà Bồ-tát có được khi trụ ở hoan hỷ địa, thì người mới nhập địa cũng được công đức như vậy. Kệ rằng:
Hoặc mà kiến đạo diệt,
Nên biết, hết tất cả,
Theo lớp tu địa khác,
Dứt hướng cho trí tuệ,
Nên biết, trong địa thức,
Lập ra vô phân biệt,
Thứ lớp sinh không hở,
Như thế nói tùy hành.
Giải thích: Hai bài kệ nầy nói về việc Bồ-tát tu hành theo giáo pháp. Trong đây nói về địa vị kiến đạo đã dứt hết phiền não là ngay lúc vào Sơ địa, chúng đã bị diệt hết sạch. Còn như tu tập ở các địa khác chỉ là cắt đứt sự che lấp đối với trí tuệ thôi. Nhưng ở các địa, mỗi nơi đều có hai trí:
1. Trí vô phân biệt.
2. Trí địa lập ra.
Nếu khi Bồ-tát chánh quán, qua từng sát-na nối tiếp, Bồ-tát đạt được pháp, mà vô phân biệt thì đó gọi là trí vô phân biệt.
Sau khi ra khỏi chánh quán, Bồ-tát phân biệt những pháp có được trong chánh quán là như vậy, như vậy gọi là trí địa lập ra.
Hai thứ trí nầy không phát sinh cùng lúc. Và, trong khi các pháp khác phát sinh thì hai trí nầy được vận dụng không xen hở để tu hành. Đó gọi là Bồ-tát tùy hành, Bồ-tát có thể tùy hành như vậy, có bốn thứ không buông lung là:
1. Ở cõi nước tốt đẹp.
2. Gặp người lành.
3. Tự chân chính.
4. Có phước đời trước.
Bốn pháp như vậy, nay sẽ nói thứ lớp. Kệ rằng:
Dễ cầu và khéo giữ,
Đường lành cũng bạn lành,
Khéo lặng trong cõi đẹp,
Bồ-tát sẽ sinh đó.
Giải thích: Bài kệ nầy nói rõ về cõi nước tốt đẹp. Có năm nhân duyên khiến cõi nước tốt đẹp:
1. Mong cầu dễ dàng, nghĩa là không phải là việc khó đối với bốn việc cúng dường thân.
2. Khéo giữ gìn nghĩa là theo luật pháp vua, kẻ hung ác làm trộm cắp thì không được ở trong đất nước.
3. Đất tốt: Nơi chốn mưa gió thuận hòa, không xảy ra bệnh ôn dịch.
4. Bạn lành: Được kết bạn vơi người cùng giới luật, cùng nhận thức.
5. Kheo vắng lặng: Ban ngày không có tiếng ồn ào, ban đêm thì bặt hết các thứ tiếng. Kệ rằng:
Học rộng và thấy đế,
Khéo nói cũng thương xót,
Không sờn (lòng) tướng trượng phu,
Bồ-tát nương chỗ đẹp.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về người lành, người lành có năm nhân duyên là:
1. Học rộng, do học hiểu hết A-hàm.
2. Thấy đế do chứng quả Thánh.
3. Khéo nói pháp do phân biệt được các pháp.
4. Lòng thương xót là do không ham lợi lộc.
5. Không sờn lòng là do không bao giờ thấy mệt mỏi.
Kệ rằng:
Duyên lành và nhóm lành,
Khéo tu và khéo nói,
Khéo nêu năm pháp nầy,
Đó gọi tự chính thắng.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về tự chánh. Tự chân chính cũng phải có đủ năm nhân duyên là:
1. Duyên tốt do dùng pháp mầu làm duyên.
2. Gom chứa các điều lành, đầy đủ phước, trí.
3. Khéo tu do chỉ quán tương ưng tu vào các lúc.
4. Nói pháp khéo do không màng lợi lộc.
5. Giỏi nêu năm pháp nầy do cung kính tu tập tất cả thượng pháp.
Kệ rằng:
An vui và không khó,
Không bịnh tật, vắng lặng,
Suy nghiêm năm thứ nầy,
Đời trước trồng gốc lành.
Giải thích: Bài kệ nầy nói về trong phước đời trước. Phước đời trước cũng phải có đủ năm nhân duyên là:
1. An vui.
2. Không khó khăn.
3. Không bệnh.
4. Tam-muội.
5. Trí tuệ.
Việc thứ nhất do nhân an trụ nơi cõi nước tốt đẹp.
Việc thứ hai do nhân được gặp người lành.
Ba việc sau do nhân tự mình chân chính được thành tựu.
Đã nói bốn thứ không buông lung, kế là nói phiền não và ra khỏi phiền não. Kệ rằng:
Xa lìa khỏi pháp giới,
Không có pháp tham riêng,
Cho nên Chư Phật nói:
Tức tham sinh tham khác.
Giải thích: Như trước đây, Phật có dạy: Ta không nói có pháp tham nào khác. Ra khỏi tham, sân, si cũng vậy. Vì lìa pháp giới thì những thứ ấy không có tự thể, riêng cho nên pháp tính của tham v.v… Được gọi là tham, v.v… Nói pháp tính của tham nầy, v.v… Để có thể ra khỏi tham v.v… Nghĩa nầy chính là chỗ cốt yếu của kinh. Kệ rằng:
Do lìa khỏi pháp tính,
Không có các pháp riêng,
Cho nên nói như vầy,
Phiền não tức Bồ-đề.
Giải thích: Như trong kinh nói: “Vô minh và Bồ-đề là đồng nhất”. Đây gọi là pháp tính vô minh mà gọi là Bồ-đề. Nghĩa ấy là chỗ cốt yếu của kinh. Kệ rằng:
Từ tham khởi chánh tư,
Nên giải thoát khỏi tham,
Nói biết tham, ra tham,
Ra (khỏi) sân, si cũng vậy.
Giải thích: Nếu ai lấy tư duy quán chiếu tâm tham, như vậy là biết rõ tâm tham rồi, nên giải thoát khỏi nó, vì vậy nói do biết rõ tham nên mới ra khỏi. Ra khỏi tâm sân, si cũng giống như vậy. Đã nói phiền não và việc ra khỏi chúng. Kế là nói xa lìa tâm Nhị thừa. Kệ rằng:
Bồ-tát ở địa ngục,
Vì vật, không từ khổ,
Bỏ phát tâm nhỏ hẹp,
Khổ nầy thật dữ dội.
Giải thích: Do tâm từ bi vì chúng sinh mà các Bồ-tát vào Đại địa ngục, không né tránh các khổ sở, dù lớn lao ra sao. Khi phát tâm Tiểu thừa, thì làm mất đi công đức của ba cõi, việc ấy, Bồ-tát mới cho là khổ sâu nặng hơn hết.
Hỏi: Nghĩa nầy thế nào?
Kệ rằng:
Dù thường ở địa ngục,
Không chướng Đại Bồ-đề,
Nếu khởi tâm lợi mình,
Là chướng Đại Bồ-đề.
Giải thích: Do thương xót chúng sinh, Bồ-tát vào ở lâu trong địa ngục, nhưng vẫn không coi đó là khổ. Vì sao? Do Bồ-tát không bị chướng ngăn đối với Bồ-đề trong sạch rộng khắp của mình. Trái lại, nếu sanh tâm theo thừa khác mà ưa thích Niết-bàn, thì đó mới là khổ lớn lao. Vì sao? Do ý tưởng ưa thích an trụ Niết-bàn là một chướng ngại lớn đối với pháp Đại thừa. Bài kệ nầy nói về ý nghĩa của bài kệ trước, nên biết.
Đã nói ngăn dứt tâm Nhị thừa, kế là nói về ngăn dứt tâm lo sợ.
Kệ rằng:
Vô thể, nắm bắt được,
Việc nầy giống như huyễn,
Tính tinh và không nhơ,
Việc nầy như hư không.
Giải thích: Vô thể và có thể nắm bắt được, việc nầy giống như trò huyễn nghĩa là tất cả các pháp đều không có tự tính, nên bảo là vô thể. Nhưng lại thấy tướng mạo chúng hiển hiện, cho nên nói là có thể nắm bắt được. Hai lối nhận thức nầy, làm cho người phàm phu lo sợ, vậy là không đúng. Vì sao? Vì chúng tự như ảo thuật, vẫn có thể hiển hiện nhìn thấy, nhưng các pháp không có tự thể, có thể được cũng thế. Do vậy không nên sợ hãi chỗ nầy.
Tính tịnh và không nhơ, như hư không là pháp giới xưa giờ vẫn thanh tịnh, cho nên nói tính trong sạch. Thời gian sau do lìa khỏi trần lao mà được thanh tịnh, nên nói không nhơ bẩn. Hai nhận thức nầy, làm cho người phàm phu lo sợ, lo sợ nầy không đúng. Vì sao? Vì các pháp tự như hư không. Như bản tính của hư không là thanh tịnh, thời gian sau cũng nói là lìa trần lao mà thanh tịnh. Tính pháp giới thanh tịnh, không nhơ bẩn cũng giống như vậy, cho nên bảo không nên sợ hãi hai chỗ ấy.
Lại nữa, có thể dùng bức hoạ để thí dụ, nhằm ngăn dứt hai sợ run sợ vừa nói ấy. Kệ rằng:
Cũng như người hoạ sĩ,
Phông bằng, vẽ lồi lõm,
Tạo phân biệt không thật,
Không thật, thấy năng, sở.
Giải thích: Như người hoạ sĩ tài ba, trên bức vách bằng phẳng, ông ta vẽ các hình tướng lồi lõm. Thật ra, bức hoạ không có cao thấp nhưng nhìn vào thấy cảnh cao thấp. Sự phân biệt không chính xác cũng giống như vậy. Pháp giới vốn là bình đẳng, là nơi không có hai tướng, nhưng người ta vẫn thấy hai tướng là năng và sở, cho nên không sợ hãi.
Trong đây, lại có thí dụ tự như nước, nhằm để can ngăn hai nỗi sợ hãi sau. Kệ rằng:
Như nước trong, quấy đục,
Gạn, cặn, nước lại trong,
Tự tâm tịnh cũng vậy,
Chỉ lìa khỏi khách trần.
Giải thích: Như nước đang trong, nhưng quậy cáu khởi lên đục.
Sau đó, muốn nước trong thì gạn sạch bợn nhơ là được. Bản tính thanh tịnh vốn có, chứ không phải từ ngoài đến, cho nên phương tiện giúp tâm thanh tịnh, cũng như vậy. Bản tính của tâm vốn trong sạch, nhưng bị khách trần nhuộm dơ. Sau đó, muốn thanh tịnh thì chỉ xua tan khách trần là xong. Bản tính thanh tịnh là vốn có, chứ không phải từ ngoài đến, cho nên không nên sơ. Kệ rằng:
Đã nói tâm tính tịnh,
Nhưng bị khách trần nhiễm,
Không lìa tâm chân như,
Có tâm tính tịnh riêng.
Giải thích: Như tính nước vốn trong, nhưng bị vật nhơ bẩn bên ngoài là gạn đục bỏ đi, như thế, tâm tính vốn thanh tịnh, nhưng bị khách trần phiền não nhiễm dơ. Nghĩa nầy đã thành.
Từ ý nghĩa ấy mà biết không phải lìa khỏi chân tâm mà có một thứ tâm riêng. Nghĩa là nương theo tướng khác mà nói tự tính thanh tịnh. Nên biết, trong đây tâm chân như gọi là tâm, tức là nói về tâm nầy, tự tính nó là thanh tịnh. Tâm nầy tức là thức A-ma-la. Đã ngăn dứt tâm lý sợ hãi, sau đây nói về cách ngăn dứt tâm lý tham. Kệ rằng:
Do nhớ nghĩ chúng sinh,
Bồ-tát thương tận (tủy),
Thường muốn làm lợi họ,
Như thương đứa con một.
Giải thích: Các Bồ-tát yêu quý tất cả chúng sinh, đó gọi là tham, còn các điều khác, như bài kệ đã nói. Kệ rằng:
Do ý lợi chúng sinh,
Khởi tham không mắc tội,
Giận, trái ý nguyện kia,
Giận muốn tổn hại người.
Giải thích: Nếu nói do yêu thương muôn loài mà Bồ-tát khởi tâm tham là mắc tội thì điều ấy không đúng. Vì sao? Vì lòng tham nầy thường làm nhân lợi ích cho chúng sinh. Kệ rằng:
Như bồ câu với con,
Che kín với lòng thương,
Ai có lòng thương cũng vậy,
Thương chúng sinh cũng vậy.
Giải thích: Loài chim bồ câu nặng về tham ái, rất thương nghĩ đến con, Bồ-tát đối với chúng sinh cũng như vậy, rất thương xót cũng vậy.
Kệ rằng:
Tâm từ, sân trái nhau,
Giận làm khổ càng khổ,
Lợi ích trái vô ích,
Không sợ trái với sợ.
Giải thích: Bồ-tát có lòng thương vô hạn đối với các loài, trái với tâm nổi giận. Do dứt tâm khổ, cho nên nó đi ngược với tâm tạo tác khổ. Do tâm làm lợi ích, trái với tâm không làm lợi ích. Do được tâm vô úy nên khác với tâm lo sợ. Thế nên, dù khởi tâm tham như vậy, Bồ-tát vẫn không mắc tội.
Đã ngăn dứt tội tham, kế là nói sự khác nhau của việc tu hành.
Kệ rằng:
Khéo hành đối sinh tử,
Như bệnh uống thuốc đắng,
Khéo hành, đối chúng sinh,
Như thầy thuốc, gần bệnh,
Khéo hành đối tự tâm,
Như dạy tớ chưa thành,
Khéo hành đối dục trần,
Thương gia khéo mua bán.
Khéo hành đối ba nghiệp,
Như người khéo giặt áo,
Khéo hành không não người,
Như cha mẹ thương con,
Khéo hành đối tu tập,
Như giùi lửa, không nghỉ.
Khéo hành đối Tam-muội,
Như tài, người đáng tin,
Khéo hành đối Bát-nhã,
Như ảo thuật biết ảo,
Ấy gọi các Bồ-tát,
Khéo tu các cảnh giới.
Giải thích: Có chín việc khác nhau trong công phu tu tập của các Bồ-tát:
1. Ở trong sinh tử, khéo tu hành như người bị bệnh lâu ngày, uống thuốc đắng chát. Uống thuốc là do đuổi bệnh chứ không phải ham mê nó. Bồ-tát cũng vậy, sống kề bên sinh tử là vì suy nghĩ khuyến khích tiến lên, chứ chẳng đắm nhiễm.
2. Tu hành giỏi đối với chúng sinh như thầy thuốc khéo gần bên người bệnh. Bồ-tát cũng vậy, do có tâm đại bi nên không nỡ bỏ chúng sinh đang chìm trong bệnh khổ phiền não.
3. Khéo tu hành tự tâm thì như ông chủ có hiểu biết, có công năng uốn nắn đứa tớ chưa ngoan. Bồ-tát cũng vậy, là có công năng điều phục người tâm chưa điều phục.
4. Khéo tu hành đối với trần dục là giống như người đi buôn, khéo buôn bán. Bồ-tát cũng vậy, đối với việc bố thí thì cứ thêm mãi của cải bố thí.
5. Khéo tu hành ba nghiệp thì như người thợ giặt khéo, gột trừ hết vết bẩn trên áo quần. Bồ-tát cũng vậy, là tu sửa ba nghiệp khiến cho chúng sinh thanh tịnh.
6. Khéo tu hành, không làm não chúng sinh thì như cha hiền yêu con thơ, dù chúng có dơ bẩn nhưng không gớm ghiếc. Bồ-tát cũng vậy, dù bị chúng sinh làm hại nhưng chưa bao giờ nổi giận gây hại cho họ.
7. Khéo tu tập thì như kéo cây lấy lửa, chưa nóng tới thì không được ngừng. Bồ-tát cũng vậy, tu tập pháp lành không hề cho tâm xen hở.
8. Khéo thực hành Tam-muội thì như đem của cải giao cho người đáng tin cậy giữ gìn thì ngày càng sinh sôi. Bồ-tát cũng vậy, tu tập các định, không rối loạn, không nếm thử, thì công đức ngày càng thêm lên.
9. Khéo thực hành Bát-nhã thì như nhà ảo thuật biết rõ trò ảo thuật là không thật. Bồ-tát cũng vậy, đối với pháp bị quán chiếu, không điên đảo nhìn chúng.
Đó gọi là những sự khác nhau trong công phu tu tập của Bồ-tát.
Đã nói sự khác nhau của tu hành, kế là nói về ba luân thanh tịnh.
Kệ rằng:
Mãi siêng đại tinh tấn,
Thục hai, khiến thanh tịnh,
Tịnh giác, vô phân biệt,
Lần hồi chứng Bồ-đề.
Giải thích: Thường siêng đại tinh tấn thành thục hai món, khiến thanh tịnh: là Bồ-tát dùng sức siêng năng đại tinh tấn làm lợi mình, lợi người, bới vậy nên chúng sinh và mình đều được thành thục. Đó gọi là thanh tịnh.
Tịnh giác vô phân biệt, lần hồi chứng Bồ-đề là: Tịnh giác nghĩa là trí pháp vô ngã. Trí nầy vô phân biệt ba luân là người tu, pháp tu, cái được chính tu, cho nên được thanh tịnh. Do thanh tịnh nầy nên lần hồi chứng được Bồ-đề Vô thượng.