LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

Phẩm 12: TRỊ TÂM

Phần 3

Lại nữa, nói về hành chân thật và hành tà vọng, nghĩa là Vô minh không có trí tuệ. Do Vô minh mà khởi lên ba loại hành: Phước, phi phước và bất động. Ở đây nói là Vô minh duyên Hành. Lại nữa, hành phước, hành phi phước và hành bất động nầy tùy chỗ chiêu tập của Thức vốn được nói là Hành duyên Thức (Nay nói rõ xứ nầy bao hàm cả có Thức duyên Danh sắc một đoạn ở trong bản Kinh tiếng Phạm đã bị thiếu). Như vậy, danh sắc và danh sắc tăng trưởng ở môn sáu xứ, tạo tác và phát khởi nên nói là Danh sắc duyên sáu xứ. Hơn nữa sáu xứ nầy nương sáu xúc thân chuyển, nên đây nói là Sáu xứ duyên Xúc và Xúc nếu khi sanh khiến thọ khởi lên, nên nói là Xúc duyên Thọ. Nếu thọ nhận vị ngon mà ham vui đắm trước thì gọi là Thọ duyên Ái. Do thích tham đắm mỹ vị, nên nếu ham vui sắc thì khi sắc ly tán lại theo tìm không xả bỏ nên gọi là ái duyên thủ. Như vậy, do tìm cầu khiến khởi lên thân, khẩu, ý, nghiệp của Hữu sau, nên gọi là Thủ duyên Hữu. Nếu nghiệp tạm dứt để thuyên chuyển làm cho uẩn sanh khởi, đây là hữu duyên sanh. Lại nếu sanh đã biến khác đi khiến trở nên chín muồi và đến hoại diệt thì nói là sanh duyên Lão tử. Nhẫn đến trong đây do tự thể thức v.v… làm chủng tử, tự thể nghiệp làm ruộng tốt nên tự thể vô minh, ái… làm phiền não. Do nghiệp phiền não khiến chủng tử thức sanh khởi. Nghĩa là nghiệp nầy là ruộng của thức chủng tử, ái là nước tưới mát cho thức chủng tử, vô minh là sự khai phá của thức chủng tử. Tuy nhiên nghiệp không nghĩ mình là ruộng của thức chủng tử. Ái cũng không nghĩ mình là nước tưới mát thức chủng tử. Vô minh cũng không nghĩ mình là sự khai phát của thức chủng tử. Thức chủng tử nầy cũng không nghĩ mình sanh ra từ các duyên. Nhưng thức chủng tử bám trụ ở mảnh đất nghiệp. Do nước ái thấm nhuần và vô minh tưới mát khiến mầm danh, sắc càng thêm lớn mạnh. Mầm danh sắc nầy chẳng phải tự nó tạo người khác tạo chẳng phải cả hai đều tạo, chẳng phải là chỗ hóa hiện của trời Tự Tại cũng không do thời biến hóa, chẳng phải do một nhân sanh cũng chẳng phải không có nhân sanh, không gì không hệ thuộc ở nhân duyên hòa hợp đắm nhiễm tương thục của cha mẹ. Chủng tử thức nầy ở trong thai mẹ sanh ra mầm danh sắc. Pháp là như vậy, không có chủ thể, không có ngã, không có chấp thủ v.v… như hư không, thể tướng huyễn hóa ấy mà nhân duyên không thể thiếu. Do năm loại duyên nên phát sanh nhãn thức. Sao gọi là năm? Nghĩa là khi nhãn thức sanh, nó mượn nhãn và duyên sắc, không, duyên ánh sáng, duyên tác ý… Trong đó, nhãn thức và nhãn làm sở y, sắc làm sở duyên, ánh sáng để soi cho rõ, hư không tạo ra sự vô ngại, đồng thời tác ý là sự đánh thức kia. Nếu thiếu các duyên nầy thì nhãn thức không sanh khởi. Nếu không thiếu xứ nội nhãn căn, không thiếu sắc và không, ánh sáng, tác ý v.v… như thế tất cả chúng hòa hợp, nên có thể sanh nhãn thức. Tuy nhiên, nhãn không nghĩ là mình cùng nhãn sắc được làm sở y. Sắc cũng không nghĩ là minh cùng nhãn thức được làm sở duyên. Không cũng không nghĩ là mình cùng nhãn thức tạo ra sự vô ngại. Ánh sáng cũng không nghĩ là mình cùng nhãn thức tạo ra sự quán chiếu. Tác ý cũng không nghĩ là mình cùng nhãn thức tạo nên sự tỉnh thức. Như vậy, nhãn thức không nghĩ nó từ duyên sanh khởi. Nhưng khi nhãn thức sanh, thực sự là mượn các duyên hòa hợp mà sanh ra. Như vậy thứ tự các căn ấy sanh ra thức nên tùy tương ưng mà nói. Tuy nhiên, không có pháp nào được duy trì từ đời nầy đến đời khác, mà chỉ do nhân duyên nghiệp qủa không thiếu sót kiến lập nên. Ví dụ như không có củi thì không có lửa. Các nghiệp phiền não nầy vốn sanh chủng tử thức cũng lại như vậy. Mọi thứ ấy là nơi phát khởi sự hòa hợp tương tục, để sanh ra mầm danh sắc. Như vậy, pháp vốn không có chủ tể, không có ngã, không có chấp thủ, như hư không v.v… thể tướng huyễn hóa, nhân duyên không thiếu. Nên biết, nội pháp duyên sanh có năm loại. Những gì là năm? Nghĩa là bất thường, bất đoạn không chỗ đạt đến, nhân ít qủa nhiều, tương tợ tương tục. Sao gọi là bất thường? Nghĩa là nếu uẩn nầy diệt thì uẩn kia sanh chứ chẳng phải chính uẩn nầy diệt là uẩn kia mãi mãi sanh. Đây gọi là bất thường. Lại nữa, không thể diệt ở trong uẩn diệt mà khởi sanh, uẩn cũng chẳng phải bất diệt đối với uẩn diệt nhưng khởi uẩn sanh thí như quyền hành v.v… gọi là bất đoạn. Lại ở trong sanh thân loại chúng sanh khác loại chẳng phải chúng đồng phần sanh uẩn khởi gọi là không có nơi hướng đến. Lại nữa, hôm nay tạo ra ít nghiệp nhân thiện ác nhưng đời vị lai lại nhận lấy nhiều quả báo thì gọi là nhân ít qủa nhiều. Lại nếu đời nay tạo nghiệp thì đời sau phải thọ báo nên gọi là tương tợ tương tục. Phật bảo: Xá-lợi-tử! Duyên sanh nầy dùng chánh tuệ như thực để thường tu vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Như không điên đảo tức là không sanh, không diệt không tạo tác, không làm, không chấp đối, không ngại,không sợ, không đoạt lấy, không chuyên cần, không biếng nhác. Phải quán tự tánh ấy không có sự thật bền vững mà như bệnh, như ung nhọt, như đau đớn như họa hại. Đó là tính chất khổ, không, vô thường, vô ngã. Lại nữa phải tùy quán đời trước không lưu chuyển: Ta đã có mặt trong đời quá khứ chăng? Ta là ai ở trong đời quá khứ, đã từng có mặt? Ở trong quá khứ ta đã từng không có mặt chăng? Ta là ai ở trong đời qúa khứ chưa từng có mặt? Lại nữa, ở đời sau không lưu chuyển: Trong đời vị lai sẽ có mặt chăng? Ai là ta, trong đời vị lai sẽ có mặt? Trong đời vị lai ta không hề hiện hữu chăng? Ai là ta không hề có mặt trong đời vị lai? Lại ở trong hiện tại không lưu chuyển: Ta có mặt trong đời nầy chăng? Ai là ta có mặt trong đời hiện tại? Sao gọi là ta có mặt trong hiện tại? Kinh Thập Địa nói: Trong đây, Vô minh, Ái, Thủ chính là phiền não lưu chuyển không dứt, hành, hữu là nghiệp lưu chuyển không dứt, các chi phiền não khác là khổ lưu chuyển không dứt. Lại nói vô minh duyên hành là nói quán sát kiếp trước, thức và thọ là nói quán sát hiện tại, ái và hữu là nói quán sát đời sau. Vì vậy, như trên nói đều là lưu chuyển cho đến như thế: Do hệ thuộc nên nói là bị lưu chuyển. Nếu lìa hệ thuộc thì không còn lưu chuyển. Do hòa hợp nên có lưu chuyển. Nếu lìa hòa hợp thì không còn lưu chuyển. Do đó biết rõ các pháp hữu vi có nhiều lỗi lầm cho nên ta phải đoạn trừ sự hệ thuộc và hòa hợp kia. Tuy nhiên, vì hóa độ tất cả chúng sanh nên hoàn toàn không đoạn các pháp hữu vi.

Phẩm 13: NIỆM XỨ

Phần 1

Luận nêu: Nói đến việc đối trị tâm nghiệp tức đã lược nói rõ duyên sanh đối trị si mê. Kế để việc hiểu rõ niệm xứ: Thân bất tịnh nay sẽ nói. Kinh Pháp Tập nói: “Lại nữa, thiện nam tử! Bồ-tát phải trụ thân niệm xứ như vậy. Nghĩa là thân nay của ta bàn chân đến ngón chân, gót chân đến mắt cá chân, cẳng chân đến đầu gối, bắp vế, xương đầu gối, eo, xương sống, bụng, xương sườn ruột, ngực, ngón tay, khuỷu tay, cổ tay, vai, cổ, đầu, má, đầu lâu v.v… chỉ là sự tích tập của nghiệp hữu. Do nghiệp nầy tạo tác nên nhiều thứ phiền não, và tùy phiền não khiến có trăm ngàn thứ phân biệt chánh, tà. Thân nầy chỉ có tóc, lông, móng tay, răng, máu, thịt, da, xương, gan, mật, lá lách, thận, tim, phổi, ruột, dạ dày, sanh tạng, thục tạng, mở lá, mở miếng, não, màng, ghèn, nước mắt, nước miếng nước mũi v.v… toàn tích tập nhiều thứ bất tịnh, thế vì sao tạo ra thân nầy? Do thế, quán sát thân nầy, như hư không nên thấy tất cả pháp đều không. Nhờ vào không niệm xứ nên biết rõ thân nầy do hai loại niệm hình thành là lưu tán và bất lưu tán. Thân nầy đến không phải là kiếp trước, ra đi cũng không đến kiếp sau, cũng không trụ giữa khoảng trống của hai bờ mé đó, mà nó hiện hữu từ sự tạo tác hòa hợp điên đảo. Do sự lãnh thọ ấy, nên trong đó nói lấy cư ngụ của thân làm cơ sở. Tuy nhiên, thật sự thân nầy không có chủ để cũng không có nhiếp thuộc, mà chỉ là sự tạo tác trước của khách trần, khiến thân thể, hình mạo, thọ dụng y chỉ được duy trì. Nhưng thân nầy chỉ có tinh huyết cha mẹ hòa hợp bất tịnh, nhơ uế tác động làm tự thể, và ba độc ưu não thường làm giặc sát hại, là pháp tán hoại với hàng trăm, ngàn bệnh não chứa chấp trong đó”. Kinh Bảo Kiết nói: “Thân nầy là vô thường nên không có lâu, sẽ chết và đầu thai vào đời sau”. Khi hiểu rõ điều nầy rồi thì không nên đối với thân mà sanh khỏi tà mạng. Ngược lại, phải dùng thân nầy tu ba loại tịnh thí. Sao gọi là ba loại tịnh thí?

  1. Thân tịnh thí.
  2. Thọ mạng tịnh thí.
  3. Thọ dụng tịnh thí.

Thân nầy là vô thường nên phải đi đến tất cả chúng sanh, gần gũi mà thừa sự, xem họ muốn làm gì dù mình hoặc làm nô bộc, hoặc làm đệ tử và phải xa lìa tội lỗi của thân luống dối v.v… Thân nầy là vô thường chỉ có hơi thở ra vào làm nhân thọ mạng nên chớ có tạo tác tội ác. Thân nầy là vô thường nên đối với sự thọ dụng ái lạc không sanh đắm trước mà phải xả bỏ tất cả. Lại nữa, thiện nam tử! Bồ-tát dùng thân quán thân niệm xứ nên quán tự thân và tất cả thân chúng sanh đồng thân Phật, nhờ oai thần Phật gia trì mà được lìa triền phược. Tuy nhiên phải quán tự thân và thân của tất cả chúng sanh cùng thân Như Lai, với pháp tánh vô lậu, không có gì khác biệt, nên biết như vậy. Lại nữa, Kinh Vô Úy Thọ Sở Vấn nói: “Thân nầy của ta chẳng phải là nơi tích tập trước rồi dần dần phá hoại, như vi trần. Chín lổ của ta tuôn chảy ra giống như cửa miệng của mụn nhọt. Lại các lổ chân lông có Phược-la-nhị-ca giống như rắn độc nương tựa để ở. Thân như bọt nổi trên nước có đó liền mất, cũng như ánh sáng mặt trời vốn không có thực thể. Thân như cây chuối không cò lỏi thật. Thân như sự huyễn hóa chịu sự sai khiến của người khác. Thân như bạn ác luôn xảy ra nhiều sự tranh tụng. Thân nầy như tính tình con khỉ luôn bay nhảy nhanh nhẹn. Thân nầy như thù địch, thường rình rập. Thân nầy như giặc cướp thừa cơ hội xảo quyệt tham lam cướp bóc. Thân nầy như tù nhân, thường bị cái chết trói buộc. Thân nầy như oan gia, không thể yêu thích, cũng như kẻ cầm đầu hay đoạt mạng mình. Lại nữa, thân nầy như khoảng không giữa làng xóm không có ngã, như bánh xe của người thợ gốm không bao giờ dừng nghỉ, như bình nhuộm nhơ uế, hoàn toàn bất tịnh, như ung nhọt chỉ chứa sự khổ sở, như nhà mục nát không lâu sẽ bị sụp đổ, như thuyền bị lủng không kham nổi sóng gió, như ngói rã dần dần tan nát. Lại nữa, thân nầy như cây bên bờ sông tất bị dòng nước cuốn trôi, như khách trọ có nhiều khổ nạn, như cái nhà trống vọng chấp có chủ tể, như kẻ trộm rình mò thường sanh bạo ác, cho đến như trẻ thơ ngu si, cần phải gìn giữ”. Kinh kia lại nói: “Thân nầy chứa đựng rất nhiều thứ bất tịnh, nhưng do ngã mạn ngu si mà vọng chấp cho đó là thuần khiết trong sáng. Vì thế, người trí luôn quán thân nầy giống như bình chứa đồ dơ bẩn: mắt, mũi, miệng v.v… thường chảy ra nước miếng, ghèn, nước mắt thật dơ uế. Sao gọi đối với thân nầy sanh nhiều tham mạn. Kệ trong kinh kia nói:

Như trẻ nhỏ ngu si
Rửa than muốn thành trắng
Giả sử hết đời nầy
Cầu trắng không thể được.
Cũng như người vô trí
Rửa thân muốn trong sạch
Thường xuyên luôn tắm rửa
Đến chết cũng không sạch
Bồ-tát quán nơi thân
Chín lổ của ung nhọt
Tám mươi ngàn côn trùng
Nương thân để an trú
Bồ-tát quán nơi thân
Như khắc hình trên gỗ
Gân cốt nhờ liên kết
Nên biết không chủ tể
Bồ-tát quán nơi thân
Hoặc thọ ăn uống khác
Nên biết đồng chồn chó.

Luận nói: Nhờ sự ăn uống trợ giúp để thành tựu hạnh rộng lớn. Như vậy, mọi lúc mọi nơi nên phải biết rõ thọ niệm xứ. Như Kinh Bảo Kiết nói: “Nầy thiện nam tử! Bồ-tát tiếp nhận quán thọ niệm xứ để biết rõ chúng sanh, nương vào đại bi mà được niềm vui như thế. Nếu tất cả chúng sanh không có giải thoát, nên phải tu tập lấy thọ quán thọ niệm xứ: Ta phải mặc áo giáp đại bi để nhiếp thọ điều phục tất cả chúng sanh, lấy niềm vui kia để diệt trừ các khổ não, ta dùng đại bi khiến chúng sanh tham đắm lục dục, biết rõ sự thọ lạc ấy mà xa lìa tham nhiễm. Ta dùng đại bi khiến chúng sanh sân hận biết rõ khổ thọ mà xa lìa tội lỗi. Ta dùng đại bi để khiến chúng sanh si mê biết rõ không khổ không vui mà xả bỏ si ám. Lại nữa, lạc thọ kia không hoại khổ thọ, không giảm không khổ không lạc thọ lìa xa đối trị tức không có vô minh. Nếu không có vô minh, thì sao gọi đó là thọ? Sao nói là biết rõ tất cả vô tthường vô ngã…? Vì lạc thọ vốn mang tính vô thường, khổ thọ lại có tính bức bách, không khổ không lạc thọ mang tính vắng lặng. Do vậy, mà biết rõ hoặc lạc hoặc khổ đều vô thường và vô ngã v.v…”.

Kinh Vô Tận Ý nói: “Nếu khi thọ khổ thì phải nghĩ đến tất cả chúng sanh trong đường ác mà phát tâm đại bi nhằm nhiếp trì sân hận và xa lìa thọ, phân biệt điên đảo”. Lại nữa, kệ trong Kinh Pháp Tập nói:

Nói thọ là lãnh nạp
Lãnh nạp lại là ai
Người thọ xa lìa thọ
Sai biệt không thể được
Người trí quán nơi thọ
Trụ niệm xứ như vậy
Tướng kia như Bồ-dề
Quang minh khắp tịch tĩnh.