LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 23
Phẩm 18: HỌC XỨ VỀ NGHĨ NHỚ TAM BẢO 2
Luận nói:
Do tin v.v… cho nên có thể nghĩ nhớ công đức chư Phật.
Như Kinh Hộ Quốc Tôn Giả Sở Vấn có kệ rằng:
Cúi đầu đảnh lễ thân kim sắc,
Mặt như trăng rằm trong sáng sạch,
Công đức thánh trí khó nghĩ bàn,
Ở trong ba cõi khôn ai sánh.
Mâu-ni nhục kế sắc xanh biếc,
Cao rõ thanh tịnh như Tu-di.
Hào tướng giữa mày chiếu sáng khắp,
Vô kiến đảnh tướng nào ai hay.
Như Lai mắt đẹp tựa sen xanh,
Như hoa Quân-na, ngọc và trăng.
Xót thương quán sát các hữu tình,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Như Lai tướng lưỡi tựa màu đồng,
Rộng có thể trùm kín khuôn mặt.
Diễn pháp cam lồ nhuận chúng sinh,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Như Lai bốn mươi răng đều khít,
Trắng sạch chắc chắn tựa kim cương.
Nói lời chân thật và trong sáng,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Như Lai sắc tướng rất đặc thù,
Oai quang chiếu sáng trăm ngàn cõi.
Thích, Phạm, Hộ thế và chư thiên,
Không có nơi nào không thấy sáng.
Như Lai bắp đùi tựa nai chúa,
Ngực rộng nở khỏe như sư tử,
Cúi nhìn bước đi như voi chúa,
Toàn cõi núi sông đều chấn động.
Như Lai thân tướng rất đoan nghiêm,
Rực rỡ ánh vàng mà tươi nhuận.
Trong các thế gian không thể sánh,
Chúng sinh không chán thường chiêm ngưỡng.
Như Lai xưa kia trăm ngàn kiếp,
Thứ gì yêu thích đều thí cho.
Từ bi thương xót các hữu tình,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Như Lai chí thích tu các độ:
Giới, thí, nhẫn, tiến thật kiên cố,
Thiền định, trí tuệ đều viên minh.
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Như Lai cất tiếng sư tử rống,
Dũng mãnh phá sập các dị luận.
Ba độc nhơ bẩn đều trừ hết,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Mâu-ni ba nghiệp vượt ba cõi,
Ví như cây sen không nhuốm bùn.
Ca-lăng-tần-già tiếng hót hay,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Biết rõ thế gian đều ảo hóa,
Như kẻ diễn tuồng đổi hình sắc.
Cũng như sóng nắng và chiêm bao,
Không ngã, không nhân, không thọ giả.
Pháp vốn trống vắng, vốn không sinh,
Nếu không giác ngộ, thành lưu chuyển.
Đại từ dẫn dắt các người mê,
Phương tiện tùy cơ nói chính pháp.
Quán sát thế gian các khổ não,
Tham giận si mê đủ tật bệnh.
Như Lai vô thượng đại lương y,
Mỗi mỗi chữa trị khiến bệnh khỏi.
Cho thấy sinh, già, bệnh, chết khổ,
Thương yêu chia lìa, các hoạn nạn.
Mâu-ni cứu hộ khắp thế gian,
Đều khiến chán lìa đều trừ dứt.
Địa ngục, quỷ, súc đường hiểm ác,
Các loại hữu tình thường lưu chuyển.
Thương không thân thích không thầy dạy,
Chỉ rõ ngu mê, lên đường chính.
Quá khứ chư Phật hiện ra đời,
Tự tại dạy cho pháp nghĩa sâu.
Thế Tôn ngày nay cũng như vậy,
Là khiến chúng sinh chứng thánh đạo.
Tiếng Phật sâu xa quá Phạm Thiên,
Âm vang nhuần thấm sinh phúc lành.
Càn-thát-bà cùng Khẩn-na-la,
Tấu lên tiếng nhạc đều không hiện.
Chứa nhóm thanh tịnh các công đức,
Diễn thuyết vô biên chân thật ngữ.
Trăm ngàn na-do-tha chúng sinh,
Nghe rồi đều phát tâm ba thừa.
Nếu hay cúng dường nơi Như Lai,
Sẽ được các hạnh phúc thắng diệu.
Giàu sang tự tại mọi người kính,
Sau làm đế vương ở thế gian.
Hoặc làm Luân vương trị bốn châu,
Đầy đủ bảy báu đều khác lạ.
Thường đem mười thiện lợi chúng sinh,
Do nơi Như Lai khởi tịnh nghiệp.
Hoặc làm thiên chủ trời Đao-lợi,
Hoặc vua Dạ-ma, Đổ-sử-đà.
Cho đến Tha Hóa, Đại Phạm thiên,
Do nhân duyên cúng dường Như Lai.
Như vậy thấy Phật cúng dường xong,
Và được nghe pháp sinh tin kính.
Đều hằng đoạn được các nhân khổ,
Được chứng tịch tĩnh lìa trần cấu.
Thế Tôn hiểu rõ, đạo phi đạo,
Mà hay dứt dữ đều về lành.
Nay khiến chúng sinh được cát tường,
Đều được an trụ nơi thánh đạo.
Nếu ai cầu phúc cúng dường Phật,
Thường được kho thắng phúc vô tận.
Trong câu-chi kiếp không thể lường,
Cho đến sẽ chứng quả Bồ-đề.
Cõi nước trang nghiêm thắng vi diệu,
Như trời Tha Hóa cực khả ái.
Tùy theo nguyện lực được an trụ,
Nghiệp thân miệng ý, thường thanh tịnh.
Như vậy các thứ phúc báo tốt,
Đều do cúng dường nơi Như Lai.
Người này tuy ở trong thế gian,
Mà như hưởng lạc thiên, long cung.
Như Lai đủ danh xưng rộng lớn,
Tất cả các cõi đều nghe biết.
Thường ở trong vô biên đại chúng,
Mười phương chư Phật đều ngợi khen.
Hằng lìa các nhiệt não thế gian,
Hiển thị đại bi không sánh ví.
Tối thượng tịch tĩnh Nhân Trong Tôn,
Vì vậy con nay xin kính lễ.
Con nay đạt được năm thần thông,
Trụ giữa hư không tán thán Phật.
Kính lạy đấng đạo sư dũng mãnh,
Phân biệt các pháp sạch không nhơ.
Nay chốn trời người đại tập hội,
Ca ngợi công đức đấng Thiện Thệ.
Có ruộng phúc tốt thật rộng lớn,
Đều cho chúng sinh thành chính giác.
Lại nữa, như Kinh Pháp Tập nói:
Lại nữa, thiện nam tử ! Chư Phật Thế Tôn đủ phúc trí lớn để trang nghiêm, đem từ bi lớn làm phương tiện thực hành, làm kẻ cứu hộ trong các thế gian, làm vị đại y vương khéo nhổ mũi tên độc, thường trụ trong Tam-ma-địa vắng lặng, không bám trụ nơi sinh tử cũng như Niết-bàn, cho đến đối với các hữu tình như bậc cha mẹ, đem tâm đại từ thương yêu bình đẳng tất cả thế gian không ai hơn thế, dùng trí tương ưng chiếu sáng cho đời, được hữu tình đại trí mến mộ, tất cả nhân dân thường ưa thừa sự. Xa lìa sự vui thú riêng mình, dứt trừ khổ cho người khác, nắm giữ chính pháp, lấy pháp làm chủ, được tự tại đối với pháp, lấy pháp làm thức nuôi sống, lấy pháp làm thuốc thang, đem pháp bố thí, tất cả đều xả bỏ. Dùng trí lựa chọn, thường không phóng túng, làm chiếc cầu ở nơi hiểm nạn, như đường vua đi bằng phẳng không chướng ngại. Cho đến sắc thân thanh tịnh, người trông thấy chiêm ngưỡng không chán. Chư Phật Thế Tôn có những công đức vô lượng như vậy, ta phải thành tựu các thứ nghĩa lợi ấy.
Đó gọi là Bồ-tát nghĩ nhớ Phật.
Sao gọi là nghĩ nhớ pháp ? Bồ-tát hiểu rõ công đức vô biên của chư Phật Thế Tôn đều từ pháp sinh, từ pháp hóa, từ pháp được, từ pháp tăng thượng, từ pháp mà có, từ pháp làm cảnh giới, từ pháp nương tựa, từ pháp thành tựu. Cho đến tất cả hạnh phúc thế gian xuất thế gian cũng từ pháp sinh, từ pháp thành tựu. Cho nên ta cầu Bồ-đề của chư Phật thì phải tôn trong pháp, dựa vào cảnh giới của pháp, quay về nương tựa pháp, nương vào pháp quyết định, nương vào pháp mà kiên cố, y theo pháp mà tu hành.
Nói như vậy là Bồ-tát nghĩ nhớ pháp.
Lại nữa, Bồ-tát đối với các chúng sinh phải bình đẳng mà thuyết pháp, vì pháp không có cao thấp. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không vì ngoài mặt mà nói, bởi pháp không có bè đảng. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không vì thời tiết mà nói, bởi pháp là nội tâm lãnh thụ. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng phải vì kẻ hơn mà nói, vì người kém mà không nói, bởi pháp đều có thể liễu giải ngộ nhập. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không phải vì người thanh tịnh mà nói, không phải vì người không thanh tịnh mà không nói, bởi vì pháp lìa nhiêm ô. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Lại nữa pháp chẳng phải vì thánh nhân mà nói, còn với phàm phu thì không nói, bởi pháp lìa các kiến chấp. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng phải nói ban ngày mà không nói ban đêm, cũng chẳng phải nói ban đêm mà không nói ban ngày, bởi pháp thường được gia trì. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng phải điều phục cũng không trái vượt, bởi pháp không chấp thủ chấp trước. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng phải giảm mất cũng chẳng tăng thêm, bởi pháp như hư không. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không chán chúng sinh, chúng sinh có thể hộ pháp. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng tìm cầu chỗ quy về mà làm chỗ quy về nương tựa cho đời. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không tổn não, bởi pháp lìa tướng tổn hại. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp không oán hận tật đố, bởi pháp lìa các kết sử. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy.
Pháp chẳng phải sợ luân hồi cũng chẳng ham thích Niết-bàn, bởi pháp không phân biệt. Nên tâm ta bình đẳng đồng với pháp ấy. Bồ-tát tích tập chính niệm như vậy, gọi là nghĩ nhớ pháp.
Sao gọi là nghĩ nhớ tăng ? Trong đây lại nói tăng là người thuyết pháp, là người thực hành pháp, là người tư duy pháp, là người làm pháp phúc điền, là người nắm giữ pháp, là người y chỉ pháp, là người cúng dường pháp, là người làm đúng như pháp, là người làm cảnh giới pháp, là người hành xứ pháp, là người thành tựu pháp, là người tự tính chân chất ngay thẳng, là người tự tính thanh tịnh, là người tùy thuận dạy dỗ, là người phát khởi đại bi, là người có thể lựa chọn cảnh giới trí, là người thường tu thiện pháp thanh tịnh.
Luận nói:
Bồ-tát nghĩ nhớ tăng như vậy tức có thể hoàn thành công đức chân thật cho tất cả chúng sinh.
Như Kinh Vô Cấu Xứng có kệ rằng:
Thị hiện già bệnh chết,
Thành tựu các quần sinh.
Biểt rõ như ảo hóa,
Thông suốt không trở ngại.
Hoặc hiện kiếp hỏa thiêu,
Đất trời đều trống rỗng.
Người đời tưởng là thường,
Chiếu đây biết vô thường.
Vô số ức chúng sinh,
Đều đến thỉnh Bồ-tát,
Xin một lần đến nhà,
Dạy khiến đến đạo Phật.
Kinh thư, cấm, chú, thuật,
Các kỹ nghệ công xảo,
Đều hiện các làm việc,
Giúp ích các quần sinh.
Các đạo pháp thế gian,
Đều ở trong xuất gia,
Vì để giải nghi hoặc
Mà không đọa tà kiến.
Hoặc làm Nhật Nguyệt Thiên,
Phạm vương, Thế giới chủ,
Có khi làm địa, thủy,
Rồi hoặc làm hỏa, phong.
Trong kiếp có dịch bệnh,
Hiện làm các dược thảo.
Nếu như có người uống,
Trừ bệnh tiêu các độc.
Trong kiếp có nạn đói,
Hiện các thứ ẩm thực,
Trước cứu người đói khát,
Sau nói pháp cho nghe.
Trong kiếp có giặc giã,
Vì đó khởi từ bi,
Dạy các chúng sinh kia,
Thôi không đánh nhau nữa.
Nếu có trận chiến lớn,
Hai bên ngang sức nhau,
Bồ-tát hiện thế mạnh,
Hàng phục khiến hòa giải.
Trong tất cả các nước,
Các cõi có địa ngục,
Liền đi qua nơi đó,
Giúp khỏi các khổ não.
Trong tất cả các nước,
Súc sinh ăn thịt nhau,
Đều hiện sinh nơi đó,
Vì chúng làm lợi ích.
Thị hiện hưởng ngũ dục,
Cũng thị hiện hành thiền,
Khiến tâm ma rối loạn,
Chẳng biết thật hay giả.
Trong lửa hóa hoa sen,
Được gọi là hi hữu,
Tại dục mà hành thiền,
Cũng hi hữu như vậy.
Hoặc hiện làm dâm nữ,
Lôi kéo kẻ háo sắc,
Trước dùng dục dắt đi,
Sau khiến vào trí Phật.
Hoặc làm người chủ ấp,
Hoặc làm người chủ buôn,
Quốc sư và đại thần,
Để hộ giúp chúng sinh.
Có các người nghèo khổ,
Hiện kho tàng vô tận,
Nhân đó mà khuyến hóa,
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Người chấp ngã kiêu ngạo,
Thì hiện đại lực sĩ,
Diệt trừ các tự cao,
Đem về đạo vô thượng.
Nếu đám đông sợ hãi,
Ở trước xoa dịu chúng,
Trước tiên làm hết sợ,
Sau khiến phát đạo tâm.
Hoặc hiện lìa dâm dục,
Làm tiên có thần thông,
Dắt dẫn các quần sinh,
An trụ giới, nhẫn, từ.
Thấy ai làm cúng thí,
Hiện làm bé sai vặt,
Để cho kia vui vẻ,
Mà phát khởi đạo tâm.
Tùy theo kia cần dùng,
Được vào trong Phật đạo.
Dùng sức phương tiện tốt,
Khiến cung cấp đầy đủ.
Như vậy đạo vô lượng,
Tu hành không bờ bến.
Trí tuệ không biên giới,
Độ thoát vô số chúng.
Giả sử tất cả Phật,
Trong vô số ức kiếp,
Ca ngợi công đức kia,
Cũng không thể hết được.
Về công đức cúng dường Bồ-tát tu tập, như bài kệ trong Kinh Bảo Quang Minh Đà La Ni nói:
Chuỗi tràng trang nghiêm phóng ánh sáng,
Vi diệu chuỗi tràng như biển mây,
Như vậy chuỗi tràng khắp nơi nơi,
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự.
Hương thơm trang nghiêm phóng ánh sáng,
Vi diệu hương thơm như biển mây,
Như vậy hương thơm đều khắp giáp,
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự.
Bông hoa trang nghiêm phóng ánh sáng,
Bông hoa vi diệu như biển mây,
Bông hoa như vậy đều khắp giáp,
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự.
Anh lạc trang nghiêm phóng ánh sáng,
Anh lạc vi diệu như biển mây,
Anh lạc như vậy đều cùng khắp,
Cúng dường rộng rãi làm Phật sự.
Phóng ánh sáng lớn hiện cờ báu,
Xanh vàng đỏ trắng sắc xen nhau,
Các thứ châu báu cùng hợp lại,
Dùng để trang nghiêm nơi cõi Phật.
Ma-ni ngọc báu màu ánh chiếu,
Treo các tràng phan cùng lọng báu,
Rũ tua anh lạc diễn pháp âm,
Trang nghiêm che pháp tòa Như Lai.
Nơi một Như Lai mở cúng dường,
Trong tay phụng thí trang nghiêm cụ.
Vô lượng chư Phật cũng đồng nhau,
Tự tại biến hiện Tam-ma-địa.
Thần thông trí lực thật khó lường,
Rộng làm lợi lạc các hàm thức,
Tối thượng thần biến Tam-ma-địa,
Mà hiện trăm ngàn phương tiện môn.
Nơi các Như Lai: Cúng dường môn.
Tất cả năng xả: Bố thí môn.
Đỗ-đa công đức: Trì giới môn.
Vô tận bất động: Nhẫn nhục môn.
Siêng tu dũng mãnh: Tinh tiến môn.
An trụ tịch tĩnh: Thiền định môn.
Đạt các nghĩa thú: Thắng tuệ môn.
Tịnh tu Phạm hạnh: Thần thông môn.
Hành bốn nhiếp sự: Hoan hỷ môn.
Tích tập phúc trí: Lợi tha môn.
Bốn đế, Duyên sinh: Giải thoát môn.
Tu tập căn, lực: Thắng đạo môn.
Ngộ Thanh Văn thừa: Giải thoát môn.
Quán Duyên Giác thừa: Thanh tịnh môn.
Tu tối thượng thừa: Thần biến môn.
Hoặc hiện vô thường: Khổ não môn.
Hiểu rõ vô ngã: Thọ giả môn.
Tu bất tịnh quán: Ly tham môn.
Chứng chân thường lạc:Tam-muội môn.
Như vậy các thứ phương tiện môn,
Bình đẳng cùng khắp các chúng sinh,
Đều hay chứng được Giải thoát môn.
Hiện các hình loại ứng các cơ,
Thần thông thuyết pháp khó nghĩ bàn,
Tùy thuận thành thục các hữu tình,
Đều sinh ái kính đều an lạc.
Thường nghĩ thoát ly nhân thế gian,
Cầu chứng thanh tịnh Tam-ma-địa.
Khi cơ cẩn người lâm nạn đói,
Tùy theo cấp đủ mọi nhu cầu.
Rộng hay thương xót các hữu tình,
Lìa các âu lo thường an ổn.
Cùng với thượng diệu thức uống ăn,
Các thứ y phục các kho tàng.
Quốc thành sủng ái có thể mất,
Nên hành đại thí cho thế gian.
Hoặc hiện thân tướng rất đặc thù,
Các thứ trang nghiêm đủ uy thế,
Hương xoa, cùng với hoa tràng đẹp,
Nguy nga sắc tướng chẳng ai bì.
Như vậy hình sắc và oai nghi,
Ai nấy thấy rồi thích chiêm ngưỡng.
Rồi làm phương tiện diễn pháp âm,
Khiến khắp quần sinh phát đạo tâm.
Hoặc hiện tiếng Ca-lăng-tần-già,
Câu-kế-la và tiếng Câu-noa,
Cùng tiếng trống của Khẩn-na-la,
Đều diễn Như Lai nghĩa giải thoát.
Phật hiện thế gian vì nói pháp,
Tám muôn bốn ngàn chân pháp tạng.
Như vậy phân biệt các pháp môn,
Đều làm lợi ích cho chúng sinh.
Hoặc hiện hạnh phúc hay khổ não,
Và làm nghĩa lợi, phi nghĩa lợi,
Tùy nghi dắt dẫn khiến phát tâm,
Đều hay cho chúng đồng tu học.
Hoặc thấy chướng nạn các nguy ách,
Các thứ bức bách khó chịu nổi,
Phải đem dũng cảm tâm đại bi,
Thay chúng sinh kia chịu các khổ.
Nếu ở nơi không pháp giải thoát,
Cũng không A-lan-nhã xuất ly,
Dùng phúc lực vua hưng chính pháp,
Khiến cho tất cả tịnh tín sinh.
Nếu lìa tại gia tham ái buộc,
Đó là siêu vượt nhân thế gian.
Ở nơi dục cảnh tận tiêu trừ,
Chính vì thế gian người chiếu sáng.
Nếu hay đầy đủ các công đức,
Tức là hành pháp đại trượng phu.
Mâu-ni diệu hạnh đều tu tập,
Là người sẽ sinh nước Cực Lạc.
Thọ mạng dài lâu không cùng tận,
Hưởng phúc diệu lạc hết các mê.
Sinh già bệnh khổ không xâm phạm,
Ở trong vô thường được tự tại.
Hiển thị tham sân các lỗi lầm,
Hừng hực đốt cháy không thôi nghỉ.
Như vậy bốn tướng đều như thế,
Khiến khắp quần mê được giác ngộ.
Như Lai mười lực, bốn vô úy,
Mười tám không chung, các công đức,
Con nay xưng tán nguyện quy y,
Thường ở thế gian làm nghĩa lợi.
Ví như các nhà ảo thuật gia,
Thường hay biến hóa các hình tướng,
Như Lai xuất hiện ở thế gian,
Thần thông hóa hiện cũng như vậy.
Hay dùng quyền xảo các phương tiện,
Rộng làm lợi ích các hữu tình.
Thanh tịnh ý lạc khó nghĩ bàn,
Ví như hoa sen không nhiễm đục.
Hoặc hiện hý luận các ngôn từ,
Anh lạc trang nghiêm cùng vũ kỹ,
Các thứ nghệ thuật cho chúng xem,
Rõ ràng sắc tướng đều như huyễn.
Hoặc làm thôn trưởng hoặc già làng,
Hoặc làm trưởng giả, hoặc thương nhân,
Hoặc làm tể tướng hoặc đại thần,
Biện luận ai bì người đại trí.
Hoặc nơi đồng hoang làm đại thụ,
Hoặc làm vô tận kho châu báu,
Ngọc Ma-ni như ý sở cầu,
Với kẻ lạc đường làm hướng dẫn.
Hoặc hiện ra làm các công việc,
Các thứ thêu thùa và công xảo,
Kinh doanh trồng trọt cạnh tranh nhau,
Khiến rõ thế gian không vĩnh cửu.
Hoặc hiện oán thân không yêu ghét,
Đều khiến an ổn được tốt lành.
Hiểu rõ nghề thuốc giúp quần sinh,
Phương tiện dạy người về Phật đạo.
Hoặc diễn tối thượng pháp Mâu-ni,
Khiến khắp nhân thiên lìa hoặc, si,
Khiến người xuất gia nơi đạo khác,
Phát tâm quay về nhất thiết trí.
Như vậy khổ hạnh các ngoại đạo,
Thường giữ im lặng, Kiêu-đáp-ma,
Lõa hình ly hệ thành Sa-môn,
Đều phụng hành theo điều Phật dạy.
Hoặc kẻ thường làm nghiệp xả thân,
Chấp là tối thượng chẳng gì hơn,
Kết tóc để dài, Đồng tử giới,
Đều hay tuân phụng theo Phật dạy.
Hoặc năm thứ nóng chích vào thân,
Hoặc thụ cấm giới bò và chó,
Hoặc thường ăn mặc áo da nai,
Đều hay tuân phụng theo Phật dạy.
Hoặc thường ưa chuộng thiên trung trí,
Không thiện không ác cũng không nhân,
Chỉ dùng củ quả nước suối trong,
Đều hay tuân phụng theo Phật dạy.
Có người ngồi xổm, đứng co chân,
Hoặc nằm trên gai, trên bùn tro,
Chống gậy chịu tang tâm chẳng đổi,
Đều hay tuân phụng theo Phật dạy.
Cho đến mỗi mỗi các ngoại đạo,
Chúng giỏi chịu đựng các khổ hạnh.
Dạy khiến vĩnh đoạn các nhân khổ,
Đem hết thâm tâm cầu giải thoát.
Như vậy thế gian các dị kiến,
Đều do nương tựa nơi Phật dạy.
Ta nay tiếp nhận đám tà kia,
Khai thị Như Lai nghĩa chân thật.
Hoặc diễn Đại thừa câu vi diệu,
Hoặc tuyên bí mật câu chân ngôn,
Hoặc hiện nói thẳng câu hiển giáo,
Hoặc nói bằng câu ngôn ngữ thuận.
Hoặc dùng văn tự câu phân biệt,
Quyết định diệu nghĩa câu Kim cương,
Dùng trí dẹp tan câu dị luận,
Vất bỏ phi pháp câu ngôn luận.
Hoặc cho người thấy câu minh chú,
Hoặc hiện chư thiên câu thắng diệu,
Thiên long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà,
A-tô-la và câu Bộ-đa.
Khẩn-na-la cùng Nga-lô-noa,
Ma-hầu-la-già … các câu nói,
Đều hay hiểu được ngôn ngữ kia,
Giảng nói Như Lai pháp giải thoát.
Vì do ngộ được nghĩa chân thật,
Ở trong Phật pháp tâm quyết định.
Ngôn ngữ trí cảnh thật khó lường,
Đây là tối thượng Tam-ma-địa.
Vì do đạt được Tam-ma-địa,
Mà hay phóng được tịnh quang minh.
Ánh sáng nhiếp hóa các cơ nghi,
Khiến được khinh an thường tịch tĩnh.
Hoặc phóng ánh sáng tên thiện hiện,
Chúng sinh nhờ đó khởi tín tâm,
Đều hay quán sát các nhân lành,
Đầy đủ bất không vô thượng trí.
Do ánh sáng đây khắp chiếu rồi,
Được thấy vô biên Phật pháp tăng.
Tháp miếu Như Lai các linh tích,
Mỗi mỗi xưng tán phụng cúng dường.
Lại phóng ánh sáng tên thắng đăng,
Ánh sáng rực rỡ không thể sánh,
Vì muốn nghiêm tịnh nơi thế gian,
Phá hết vi trần các hắc ám.
Ánh sáng chiếu rọi chúng sinh rồi,
Mỗi mỗi cầm đèn dâng cúng Phật.
Cúng dường Như Lai không nghĩ bàn,
Lại dùng các đèn mà cúng thí.
Hoặc dùng đèn bơ hay đèn dầu,
Hoặc dùng nhựa thông và tre, lau,
Cho đến các đèn hương thơm báu,
Cúng rồi nguyện được Phật thụ ký.
Lại phóng ánh sáng tên câu triệu,
Đều hay cảnh giác các hữu tình,
Do đây dạy dỗ các quần mê,
Giải thoát luân hồi biển ái hữu.
Như vậy từ quang khắp chiếu rồi,
Đều khiến chúng sinh được khai ngộ,
Sẽ khiến hằng lìa bốn dòng thác,
Hiện trừ ưu não thường an lạc.
HẾT QUYỂN 23