LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 21
Phẩm 16: TĂNG TRƯỞNG THẮNG LỰC
Phần 2
Luận nói: Thế nào là tâm hiểu biết sâu? Kinh Vô Úy nói: “Lại nữa, tâm nầy là tâm xa lìa khinh khi, dối trá. Tâm xa lìa khinh khi dối trá thì không siểm hại. Tâm không siểm hại thì có thể quyết định. Tâm có thể quyết định thì trừ được dối huyễn. Tâm trừ được dối huyễn thì được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì luôn luôn chánh trực. Tâm luôn luôn chánh trực thì không bị tà vạy. Tâm không tà vạy thì tâm được sáng suốt. Tâm sáng suốt thì khéo giải bày. Tâm khéo giải bày thì có được chân thật. Tâm chân thật thì không bị hủy hoại. Tâm không bị hủy hoại thì được bền vững. Tâm bền vững thì không bị dao động. Tâm không dao động thì luôn luôn cứu vớt chúng sanh. Đó là nói về tâm hiểu biết sâu xa”. Kinh nầy lại nói: “Muốn tu tập tâm thù thắng tối thượng thì phải an trụ trong tịch tĩnh, lòng từ trùm khắp chúng sanh, đối với người hiền thiện phải cung kính tôn trọng, chăng phải người hiền thiện thì lấy tâm từ mà tế độ họ. Người không có chỗ nương tưa thì cho họ nương tựa. Người bị trôi dạt thì làm hải đảo cho họ. Người không có chủ tể thì làm chủ tể cho họ. Người không có bạn lữ thì làm bạn lữ cùng họ. Người đang bị tà vạy thì làm cho họ được chánh trực. Người cường bạo hung ác thì làm cho họ được nhu hòa thuận thảo. Người nịnh hót thì làm cho họ được trung chánh. Người hư cuống thì làm cho họ thành thật chắc chắn. Người gian xảo thì làm cho họ thuần chất. Người không biết ơn làm cho họ biết ơn. Người khổ não thì làm cho họ được an ổn. Người không có nhiêu ích thì làm cho họ có nhiêu ích. Người ngã mạn thì làm cho họ khiêm hạ. Đối với người hủy báng thì làm cho họ tán thán, ngợi khen. Đối với người bị lầm lẫn thì dạy dỗ vỗ về họ. Đối với người không được giúp đỡ, gìn giữ thì yêu thương gìn giữ họ. Đối với người luôn mâu thuẫn thì không chấp thấy lỗi lầm của họ, đối với các Sư luôn tôn kính khởi hạnh thanh tịnh, tâm phương tiện thiện xảo cung kính, luôn nhớ trì giữ các lời dạy răn không thể nào quên”.
Luận nói: Như thế, dần dần tâm tiến sâu vào sự tu tập, thì có thể tăng trưởng lực đại bi thù thắng như hiện trước mắt.
Như trong Kinh Pháp Tập nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Quán Thế Âm bạch Phật: Thưa Đức Thế Tôn! Bồ-tát tu học không cần nhiều pháp chỉ cần hành trì một pháp cho thật khéo léo thì biết được hết các pháp của Phật. Pháp đó gọi là đại bi. Nếu Bồ-tát thực hành đại bi thì có thể nhiếp thủ tất cả pháp Phật ở trong tay. Thưa Thế Tôn! Giống như Chuyển luân vương thì có luân bảo tùy chỗ vua đến, thảy đều thuận theo. Bồ-tát nếu khởi tâm đại bi thì tất cả pháp của chư Phật tự nhiên đạt được. Thưa Thế Tôn! Giống như mặt trời chiếu sáng thì tất cả giống hữu tình trong thế gian nầy đều làm nên sự nghiệp và được thành tựu. Cũng như vậy, Bồtát dùng đại bi mà chiếu rọi vào tất cả các pháp thì Bồ-đề phần dễ dàng tu tập. Thưa Thế Tôn! Các căn lấy ý làm căn bản, thì đều có thể nhận lấy toàn cảnh giới của riêng mình. Bồ-tát an trụ trong đại bi thì tất cả các pháp, Bồ-đề phần mỗi mỗi mà tu tập, như lý mà hành trì. Thưa Thế Tôn! Giống như nương vào mạng căn nầy mà có được các căn khác. Nếu Bồ-tát có đại bi thì có pháp Bồ-đề phần”.
Kinh Vô Tận Ý nói: “Như mạng sống của con người lấy hơi thở ra vào để làm nền tảng. Cũng như vậy, việc tu học Đại thừa của Bồ-tát lấy đại bi làm nền tảng. Lại có một vị Trưởng giả, có một người con, ông thương con vô cùng chưa một lần rời con, Bồ-tát lấy lòng đại bi thương xót chúng sanh cũng như vậy”.
Luận nói: Đối với chúng sanh nầy phải quán thế nào? Nghĩa là dùng Từ tu tập tâm, thương các chúng sanh như con của mình, chúng đã chịu vô lượng khổ não ở đời quá khứ, chìm trong biển lớn bệnh khổ của đời hiện tại, triền miên luân hồi hiểm nạn ở đời vị lai. Như Kinh Thập Địa nói: Chúng sanh ngu si vô trí, đã có vô số thân mạng diệt rồi, hiện tại diệt, đương lai diệt. Đã diệt như thế, mà không nhàm chán thân nầy, lại càng tăng trưởng vận hành trong các khổ, theo dòng sanh tử chẳng chịu lìa ra, không thể buông bỏ, chấp giữ các uẩn… không xa lìa được nọc rắn độc lớn, không quán xét sáu xứ là rỗng không tích tụ, không đoạn trừ ngã và ngã sở, không nhổ được mũi tên tà kiến và ngã mạn, không dập tắt lửa tham sân si, không phá được màn vô minh hắc ám, không thể làm yên sóng lớn, khô dòng ái dục, không cầu mười lực của bậc Thánh đạo sư, vào rừng rậm tà cùng làm bạn với ác ma, luân hồi trong biển ái theo hướng dạt trôi, bị vô minh che lấp. Khổ về bệnh già chết luôn bức bách. Ta nay vì thương xót chúng hữu tình mà cứu giúp che chở họ. Tích lũy vô lượng phước đức để làm tư lương, dùng thiện căn nầy thảy đều khiến chúng sanh được cứu cánh thanh tịnh”. Kinh nầy lại nói: “Các chúng hữu tình chạy theo ngũ dục mà bị luân hồi sanh tử, bị đọa lạc trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bị ngu si che lấp thiếu đạo sư lớn. Cho đến chìm đắm trôi lăn trong biển ái. Không lúc nào tỉnh giác để tìm cách hủy diệt được tham dục, sân nhuế, tổn hại. Không nhờ đâu được bỏ tập khí tham dục, cố chấp bám víu vào thân kiến xấu ác. Ngã mạn giữa dòng chơ vơ không chỗ để nương cậy. Không thể ra ngoài làng xóm của sáu xứ, không có chút thiện căn nào để vượt qua. Cho nên ta nay đem đại bi lực mà cứu giúp cho chúng sanh, khiến cho họ thoát ly được khổ nạn, xa lìa cấu nhiễm tịch tĩnh và an trụ ở đảo báu Nhất thiết trí. Các chúng hữu tình đó tùy theo sầu bi khổ ưu não mà bị trói buộc, bị gông cùm trong tham dục không thoát ra được, vô minh cuống siểm ngày càng nhiều bao trùm khắp cả, trong ngục tù tam giới nầy khó mà thoát khỏi. Ta nay khiến cho chúng sanh thoát khỏi, tất cả sợ sệt khổ não hiện tiền. Làm cho chúng không còn chướng ngại để được vui an ổn”.
Luận nói: Tâm sâu xa kiên cố đối với chúng sanh khác như vậy, thì có thể tăng trưởng đại bi thực hành hạnh phước.
Kinh Tối Thượng nói: “Ngày đêm sáu thời đều mặc áo sạch mới lễ kính chư Phật thường luôn tôn trọng, thứ đến lại tu học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền”.
Kinh Tam Tụ nói: “Đầu mặt giáp chân cung kính lễ Phật thì có thể sám hối trừ diệt được tất cả tội cấu. Tam tụ là phước của sám hối, khuyến thỉnh và tùy hỷ”. Trong Kinh Ba La Mật Sở Vấn nói: “Khuyến thỉnh là một lợi ích lớn lao, có thể thoát khỏi lưới ma, ngộ rõ vô thường, lại còn cung kính đảnh lễ tất cả chư Phật”.
Kinh Vô Tận Ý nói: “Tự mình sám hối và chỉ bảo người khác sám hối thì có được hạnh phước. Như trong bốn kệ Phổ Hiền Hạnh có nói về tùy hỷ hạnh phước”. Như phẩm Tùy Hỷ trong Kinh Nguyệt Đăng nói: “Ngoài ra trong các kinh đều nói đủ ba loại hạnh phước”.
Tiếp đến, nói rộng về hành tướng cúng dường hồi hướng. Như Kinh Bảo Vân nói: “Các Bồ-tát dùng hoa đang tươi và các hương đốt, cây hương chiên đàn, cây kiếp, cây quý báu, cho đến những cây không có chủ, những cây không giữ gìn, ngày đêm sáu thời dốc tâm cúng dường chư Phật và chư Bồ-tát”.
Kinh Tam Tam Muội Da nói: “Đất nước ở mười phương thế giới sanh ra trong núi báu, nước sanh ra trong núi báu. Tất cả loại thuốc hay nước thanh tịnh, những thức ăn ngon, những vàng bạc quý báu cho đến những rừng cây rậm rạp, hương vị đất, lúa thơm tự nhiên, những thứ vô cùng ưa thích thọ dụng ở Bắc-cu-lô châu đều do thành tâm cúng dường trong thời gian lâu dài”.
Luận nói: Như trên là nói rộng việc thân cận, thừa sự, và cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát. Như trên đã nghe rồi dùng tâm rốt ráo để nương vào giáo pháp tu hành phát nguyện hồi hướng. Như trong kinh Phổ Hiền Hạnh, kinh Kiến Kim Cang Tràng, kinh Thập Địa nói: Lại nữa, các Đại Bồ-tát an trụ trong địa Cực hỷ, phát khởi mười thệ nguyện rộng lớn, tức gọi là vâng theo, phụng sự và cúng dường tất cả chư Phật, có thể thành tựu được thắng giải thanh tịnh, hành tướng như thế đến khắp hết hư không giới cùng đồng đẳng pháp tánh, suốt đến tất cả các số kiếp ở đời vị lai, mà có chư Phật xuất hiện ở đời thì đều thực hành cúng dường rộng lớn không bao giờ ngừng nghĩ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ nhất.
Vì muốn thọ trì pháp nhãn của chư Phật nói, khéo giữ gìn, bảo vệ chánh pháp của Phật nên khắp hết hư không giới cùng đồng đẳng với pháp tánh, cho đến tất cả các số kiếp ở đời vị lai nhiếp trì chánh pháp không bao giờ ngừng nghĩ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ hai.
Vì chư Phật xuất hiện ở đời: Ban đầu Phật an trụ trên cung trời Đâu suất, giáng thần nhập ấm, trụ thai, đản sanh, lớn lên xuất gia tu hành khổ hạnh, ngồi tòa Bồ-đề, hàng phục chúng ma, chuyển vận bánh xe chánh pháp rồi nhập Niết-bàn. Trước hết ta phải tăng thêm hạnh cúng dường chư Phật để cầu mong Phật đồng thời chuyển vận bánh xe chánh pháp ở khắp mọi nơi. Khắp hư không giới cùng đồng đẳng pháp tánh suốt đến tất cả các số kiếp ở đời vị lai mà có chư Phật xuất hiện thế gian con đều thỉnh Phật chuyển vận bánh xe chánh pháp, mà không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ ba.
Vì muốn phát khởi vô lượng hạnh của Bồ-tát và không phân biệt các Ba-la-mật viên mãn thanh tịnh nên đã nhiếp trì tất cả tướng thành, hoại, tướng đồng, dị, tướng tổng, biệt của các địa, dùng như thật trí không điên đảo, hiển thị dạy răn các hạnh Bồ-tát, làm cho tất cả đều được phát tâm. Khắp hư không giới cùng đồng đẳng với pháp tánh cho đến tất cả số kiếp ở đời vị lai, thực hành chánh hạnh không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ tư.
Vì muốn thuần thục các chúng hữu tình, có sắc không sắc, có tưởng không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng. Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, bị ràng buộc trong ba cõi, sáu đường, bị hệ thuộc ở danh sắc đều khiến cho xa lìa vĩnh viễn. Tất cả chúng sanh trong sáu đường đều nhập vào pháp tánh của chư Phật. Rốt ráo an trụ trong tất cả các trí tuệ, không còn sót lại khắp hư không giới cùng đồng đẳng với pháp tánh, suốt đến tất cả các số kiếp trong đời vị lai, mà thuần thục các chúng hữu tình không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ năm.
Vì muốn đi vào giải thoát mười phương thế giới hoặc rộng hoặc hẹp, hoặc thô hoặc tế, hoặc bị che lấp hoặc được hiện rõ, tạp loạn mà an trụ. Giống như cái lưới chia ra những giây nhỏ. Phải dùng trí tuệ mới quán xét được việc ấy. Tận hư không giới cùng đồng đẳng với pháp tánh. Cho đến tất cả các số kiếp trong đời vị lai. Tất cả đều đi vào trong thế giới giải thoát như vậy không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ sáu.
Vì muốn quốc độ của chư Phật trang nghiêm, thanh tịnh từ cõi Phật nầy đến cõi Phật kia đều lấy quang minh làm trang sức, xa lìa phiền não trở thành thanh tịnh. Đem trí tuệ rộng lớn đối đãi với hữu tình, làm cho tất cả cùng bước vào cảnh giới rộng lớn của chư Phật. Tùy theo ý vui của chúng hữu tình mà làm cho chúng vui, hiển hiện lòng bình đẳng để chúng được vui. Tận hư không giới cùng đồng đẳng với nhau. Cho đến tất cả các số kiếp trong đời vị lai làm cho tất cả các cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh không bao giờ ngừng nghĩ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ bảy.
Vì muốn chúng sanh với các Bồ-tát cùng một ý vui và tích lũy thiện căn, cùng một sở duyên an trụ trong thể tánh bình đẳng thường được gặp chư Phật chư Đại Bồ-tát, tùy theo những ham muốn của chúng sanh, không rời bỏ, thị hiện oai lực của chư Phật để cùng nhau phát tâm, lại có những thần thông không bao giờ thoái chuyển, liền an trụ trong tất cả thế giới của chư Phật, tùy theo đại chúng mà hiện thân hóa độ, vui vẻ tu hành theo chánh hạnh của Bồ-tát, ngộ được diệu pháp Đại thừa không thể nghĩ bàn. Cho đến tất cả các số kiếp trong đời vị lai cùng các Bồ-tát ngộ nhập Đại thừa không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ tám.
Vì muốn ngự mãi trên xe Đại thừa không thoái chuyển, vận hành các hạnh của Bồ-tát, nên thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không bị uổng mất. Hoặc mới nhìn thấy việc làm trong pháp Phật rồi liền quyết định, vừa nghe những lời nói rồi liền sanh niềm tin thanh tịnh, có thể khởi chánh trí để đoạn trừ và xa lìa khổ đau mãi mãi. Nguyện cho thân nầy như cây thuốc lớn để cứu những tật khổ. Giống như đem những vật quý báu cứu giúp người nghèo. Dạy dỗ khắp chúng sanh tu hạnh Bồ-tát, cùng tận hư không giới, đồng đẳng với pháp tánh, suốt đến tất cả các số kiếp trong đời vị lai, không uổng phí các hạnh đã làm và không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là phát khởi đại nguyện thứ chín.
Vì muốn tất cả các thế giới ở mười phương đều chứng được Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, vì muốn giáo hóa tất cả chúng sanh hoặc nhiều, hoặc ít, làm cho chúng hiểu rõ việc giáng sanh, xuất gia, tu chứng thành Chánh đẳng Chánh giác, chuyển đại pháp luân, nhập Niết-bàn, nên hiện rõ trí tuệ oai lực trong cảnh giới của chư Phật, tùy theo ý thích của chúng hữu tình, trong khoảng sát na liền được giác ngộ, độ tận cùng khắp chúng sanh, chân thực hồi hướng, chỉ một Bồ-đề, Niết-bàn rộng lớn, đều dùng nhất tâm tuyên thuyết pháp yếu, làm cho tâm chúng hữu tình vừa ý. Lấy lực thần thông trùm khắp tất cả thế giới nầy, dùng đại trí lực để xây dựng tất cả pháp giới, hiển hiện Niết-bàn rộng lớn mà không dứt hết tất cả hạnh nguyện. Tận hư không giới nầy cùng đồng đẳng với nhau. Cho đến tất cả số kiếp trong đời vị lai thành tựu tâm Bồ-đề nầy không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là Bồ-tát dẫn ra nguyện lớn thứ mười.
Luận nói: Quán tưởng tâm sâu xa và tinh tấn như vậy, trong tất cả mọi nơi đều được hồi hướng như vậy.
Kinh Quán Âm Giải Thoát nói: “Ta đem tất cả thiện căn mà ta đã làm bình đẳng cùng hồi hướng, làm cho tất cả chúng sanh thoát được sự sợ hãi, đọa lạc, thoát ly sự sợ hãi, ân ái của quyến thuộc, làm cho chúng sanh diệt được sợ hãi về ngu si, làm cho chúng sanh đoạn hết sợ hãi về trói buộc, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi bị đoạn mạng căn, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi nghèo nàn, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi thọ yểu, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về hủy báng, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về luân hồi, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi oai đức của đại chúng, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi cái chết, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về cõi ác, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về hắc ám, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về oán ghét gặp gỡ, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về thương yêu chia lìa, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về ganh ghét, làm cho chúng sanh xa lìa sợ hãi về thân tâm bức bách, làm cho chúng sanh đoạn hết sợ hãi ưu bi khổ não. Lại nói sơ lược về hồi hướng, trong kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện có kệ:
Ngài Văn-thù thanh tịnh dũng mãnh
Phổ Hiền thù thắng cũng như vậy
Hai vị Đại sĩ nói hồi hướng
Ta phải thuận theo mà tu học
Như Lai trong ba đời mười phương
Cũng dạy hồi hướng thanh tịnh vậy
Ta nay chứa giữ các thiện căn
Đồng hạnh tối thượng với Phổ Hiền.
Phẩm 17: CUNG KÍNH TÁC LỄ
Phần 1
Luận nói: Đây lần lượt nói rõ lễ kính chư Phật để tăng trưởng hạnh phước. Nên biết như thế nào? Trong kinh Quán Sát Thế Gian có kệ:
Nếu trong một sát-na
Làm như Phật đã làm
Ta nói được quả báo
Xa lìa tám ách nạn
Hình sắc rất tốt đẹp
Thành tựu tướng trang nghiêm
An trụ trong pháp Phật
Không còn có lười biếng
Người ấy trong hiện tại
Thọ dụng đều sung túc
Luôn được người kính trọng
Không bệnh, thân sáng sạch.
Đời sau con Trưởng giả
Tôn sùng không cùng tột.
Bố thí rất rộng lớn
Trân bảo không thiếu thốn
Lại làm vua Chuyển luân
Thống lĩnh bốn thiên hạ.
Dân chúng đều thuận theo
Cả nước đều vui vẻ
Oai đức lực đầy đủ
Bảy báu đều tuyệt đẹp
Trong tất cả các thời
Siêng năng và hiến cúng
Sanh lên cung Đao lợi
Tự tại đảnh Di-lô
Làm vua trời Đế Thích
Giữ giáo pháp thanh tịnh.
Nếu người đối tháp Phật
Chắp tay và cung kính
Ở trong triệu ức kiếp
Thọ phước không cùng tận
Lại nữa, đối tháp Phật
Phát tâm mà kính lễ.
Trải vô lượng ức kiếp
Lìa mù mắt, khoèo chân
Các thiện căn kiên cố
Dũng mãnh và tinh tấn
Nhanh chóng được Bồ-đề
Đây do lễ tháp Phật
Nếu ở trong đời ác
Hướng Phật mà quy mạng
Thì đã được gần gũi
Trăm ngàn ức chư Phật.
Người nầy trong thế gian
Tối thắng không ai hơn
Được thảnh thơi trong đời
Đoan chánh không thể sánh.
Nếu người lấy tràng hoa
Cúng dường nới tháp Phật
Người ấy sau khi chết
Sanh cõi trời Ba Ba
Ngồi trên xe Đại thừa
Trang sức bằng trân bảo
Trong các lầu, cung điện
Thiên nữ thường vây quanh.
Ở trong ao thanh tịnh
Nước Tám đức đầy tràn
Đáy trải bằng cát vàng
Bờ ưu ly, pha lê.
Thọ khoái lạc thượng hạng
Tuệ mạng càng lâu dài
Hết ở trên cõi trời
Sanh vào nhà giàu sang
Trong trăm ngàn ức kiếp
Thọ phước đức vô cùng
Thường đem tràng hoa đẹp
Nơi nơi đều cúng dường
Làm Chuyển luân Thánh vương
Làm chủ trời Đế Thích
Thiên tử Đại tự tại
Làm Phạm vương trong đời.
Do làm việc bố thí
Được công đức như trên
Dùng tơ mềm thượng diệu
Cúng Phật, Đại đạo sư
Người nầy trong thế gian
Nghĩa lợi đều thành tựu
Lại dùng y, chuỗi ngọc
Cúng dường nơi tháp Phật
Xa lìa hàng hạ tiện
Mãi không sanh chỗ đó.
Quyến thuộc thường vây quanh
Không khổ não biệt ly
Thường làm vua nước lớn
Được tán thán, cúng dường
Hoặc sanh làm trời, rồng.
Là người trí thế gian
Dũng mãnh và oai lực
Phước báu không ai bằng.
Nếu dòng dõi trong nước
Nơi tháp Phật, Thế Tôn
Người nầy dùng ít hương
Dù nhỏ như hạt cải
Quyết định khởi tín tâm
Mà cúng dường cùng khắp
Có được nhiều công đức.
Nay phải nghe ta nói
Xa lìa những cấu uế
Giữ vững tâm thanh tịnh
Trừ bệnh não sầu bi
Dáng mạo thật cao quý
Được làm vua Chuyển luân
Đủ oai đức, trí lớn.
Tùy chỗ vua đã đến
Phước lực được thành tựu.
Hoặc vua hoặc dân chúng
Đều vui thích tôn thờ
Dùng y phục thượng hạng
Cúng dường nơi tháp Phật
Người nầy trong thiên hạ
Thân thể thật sáng sạch
Áo trời Ca-thi-la
Lúc nào cũng hiện rõ
Luôn toả ra hương thơm,
Người nghe sanh hoan hỷ.
Lại lấy vải tơ vàng
Dệt thành áo thù thắng
Khéo léo cùng bày biện
Hình tướng chúng Thầy trò
Đời sau sanh cõi trời
Sở nguyện đều thành tựu
Các trân bảo anh lạc
Tùy theo niệm phát sanh.
Nếu người lấy phan đẹp
Treo ở trên tháp Phật
Tùy ý thích người kia
Vãng sanh qua cõi Phật
Có được sắc thân vàng
Các tướng đều tốt đẹp
Các món ăn thịnh soạn
Hiến cúng thật vui vẻ.
Lại lấy dây lụa quý
Và các lông tơ quý
Đâu-la, Ca-thi-ca
Làm phướn cúng dường Phật
Người ấy sống trong đời
Trong kho đều đầy ắp
Lìa quyến thuộc não hại
Trí vô biên vững vàng
Thân tướng được trang nghiêm
Chúng vui thích chiêm ngưỡng.
Không bị lửa thiêu đốt
Các đao gậy làm hại
Nếu thắp ngọn đèn sáng
Cúng dường nơi tháp Phật
Do làm bố thí ấy
Được thọ mạng dài lâu.
Tâm thanh tịnh sáng rõ
Hình sắc đều viên mãn
Người nầy trong đời sau
Sanh trong cõi sạch, vàng
Tay mầu tỏa ánh sáng
Có lực kiên cố lớn
Đi khắp trong nhân gian
Mà không các sợ hãi.
Giả sử qua biết bao
Na-do-tha cõi Phật
Hạt cải đầy trong đó
Số ấy cân lường biết
Ta nói phước báo nầy
Cùng tận kiếp không hết
Nếu làm bảo cái lớn
Cúng dường nơi tháp Phật.
Người ấy không bao lâu
Đầy đủ ba hai tướng.
Luôn tỏa ánh sáng mầu
Không thể so lường được
Ánh sáng thường tỏa chiếu
Sáng hơn cả sông vàng
Như hoa Câu-tô-ma
Nở ra để trang sức
Tiếng hay vang cùng khắp.
Có thần thông đặc biệt
Thọ dụng không giới hạn
Được an ổn tối thượng.
Thường được trời và người
Gần gũi và thừa sự
Thiểu dục, đủ oai nghi
Giữ vững thanh tịnh giới
Tịch tĩnh ở trong rừng
Vui vẻ tu thiền định
Trí tuệ không hề giảm
Không rời tâm Bồ-đề
Tri túc chẳng mong cầu
Luôn làm các hạnh từ
Nếu người làm âm nhạc
Cúng dường đấng Thế Tôn
Xa lìa não, phiền ưu
Nghe tiếng đều viên mãn
Mắt trong sáng, nhìn rõ
Chính xác chẳng tạp loạn
Tai nghe âm thanh hay
Tâm thanh tịnh như vậy
Mũi cao và rất thẳng
Tướng trang nghiêm đầy đủ
Lưỡi thì dài và nhẵn
Hồng thắm tợ san hô
Âm vang như người trời
Nghe khoảng chừng một ức
Lìa báo xấu không lưỡi
Mãi không sanh loài rắn
Thân thù thắng tối thượng
Đoan chánh không tà vọng
Thường sanh ý thiện tịnh
Không có chút gián đoạn
Trời, người, rồng hộ vệ
Các ma hầu La-già
Tùy theo việc thế gian
An ủi mà bảo hộ
Do làm việc bố thí
Được phước báu như trên.