LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 19

Phẩm 14: HỌC XỨ VỀ TỰ TÍNH THANH TỊNH 3

Luận nói:

Đây là nói thiết lập các pháp dựa vào thế tục đế và thắng nghĩa đế. Phải biết như vậy.

Khi Thế Tôn dùng nhất thiết trí quán sát thế gian hiện chứng hiểu biết, dựa vào thế tục mà nói có sáu cõi, như trời, người, A-tôla, địa ngục, ngạ quỷ và bàng sinh. Chủng tộc trên dưới, thụ báo giàu nghèo, suy thịnh khổ vui và chê khen, sắc vô sắc v.v… có các tướng.

Khi Như Lai xuất hiện thế gian, các chúng sinh phát sinh lòng tin thanh tịnh nơi đấng Thiện Thệ, muốn nghe nói thắng nghĩa đế, bấy giờ Như Lai vì lợi chúng sinh, như chứng mà nói các pháp thật không có tạo tác, không có phân biệt, không có giác tri, không có hiển bày, cũng không ngôn thuyết.

Như vậy các pháp tất cả đều không.

Nếu vậy sao Thế Tôn lại nói thụ ký vô thượng chính đẳng Bồđề ? Trong pháp này lấy gì làm sắc ? Và lấy gì làm thụ tưởng hành thức mà có thể thụ ký vô thượng chính đẳng Bô-đề ?

Do đó biết rõ sắc vốn không cho nên Bồ-đề không sinh. Cho đến thức vốn không, nên cũng nói như vậy là trong các pháp đều không có sở đắc.

Sao gọi là Phật ? Sao gọi là Bồ-đề ? Sao gọi là Bồ-tát ? Sao gọi là thụ ký ?

Nếu sắc là sắc không, cho đến thức là thức không, chỉ dựa vào thế tục thiết lập trong một sát-na. Như vậy ngôn thuyết chỉ là danh tưởng, người trí chớ sinh sân giận phiền não điều này.

Như Thế Tôn nói thật tế các pháp rốt ráo là vô tận. Trời Lạc Biến Hóa kia không rõ nghĩa sâu, chấp ngã là có cũng không chướng ngại.

Thế Tôn lại nói: Các pháp lìa tự tính Bồ-đề. Nếu hiểu rõ tức gần với vô lượng Bồ-đề. Sở dĩ vì sao ? Nếu lìa Bồ-đề thì không có Niết-bàn. Nếu không có Niết-bàn lạc dục thì không có luân hồi đáng sợ.

Thế Tôn ! Như trời Lạc Biến Hóa chấp có ngã còn không thể được, huống chi lại có được thực tế ư ?

Bấy giờ vị giới chủ thế giới Ta-bà nghe Phật nói liền lĩnh hội, nói Già-đà rằng:

Như người chiêm bao bị đói khổ,

Dẫu ăn trăm thứ nào có no.

Rõ tướng mộng rồi, bản lai không,

Tự tính các pháp cũng như vậy.

Như người khéo nói các ngôn luận,

Nghe rồi đều sinh tâm yêu thích.

Hoặc nói, hoặc yêu, hai đều không,

Trong đó không được sinh nghi hoặc.

Ví như cầm sắt phát âm thanh,

Tiếng kia tự tính là không có.

Biết rõ uẩn ái cũng như vậy,

Diệu tuệ suy ra không thể được.

Ví như réo rắt tiếng cung thương,

Nghe rồi tìm kiếm từ đâu sinh.

Tiếng kia tự tính bản lai không,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Ví như món ngon đồ thịnh soạn,

Ăn rồi thân thể được khỏe mạnh.

Như vậy, thân vị bản lai không,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Ví như vua trời hiện cờ báu,

Chư thiên trông thấy đều yêu thích.

Biết là tướng ấy bản lai không,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Ví như có người chia địa giới,

Cưỡng gọi thành ấp, bản lai không.

Cũng như thân, thành không tự tính,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Ví như người tập họp đánh trống,

Mọi người nghe xong đều thích thú.

Tiếng kia tự tính bản lai không,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Lại như đánh trống nhờ duyên sinh,

Nếu không bị ướt tiếng càng lớn.

Tìm cầu tướng ấy đến từ đâu,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Ví như đánh trống phát tiếng lớn,

Kia không tư duy, không mời gọi.

Như vậy, phân biệt bản lai không,

Thì hiểu tất cả pháp của Phật.

Luận nói:

Đây lại làm rõ nghĩa trước . Nghĩa là nhãn v.v… các pháp không có tự tính. Nếu các pháp không có thì không thành công. Nếu không thành công thì không sinh diệt. Cho đến nhãn căn duyên ba tướng ái phi ái v.v… đều không thể được, không có ngôn thuyết cũng không biểu thị. Ví như đưa nắm tay không lên gạt con nít. Chỉ là dối gạt, hoàn toàn không có thật. Thậm chí tên gọi, số lượng cũng không thể được. Thắng nghĩa không này nhất định không có. Như người thấy trong chiêm bao bị Đại Tiên kia hiện tướng oai dũng chặt đầu. Người trí giác ngộ rồi, biết rõ tất cả đều do thức của mình biến hiện, do đó mà giải thoát.

Như Đại Thụ Khẩn-na-la vương hỏi Thế Tôn rằng: Nếu chỗ thuyết pháp đều là không, sao Thế Tôn thụ ký cho con ? Con cũng chẳng biết mình ở nơi lầu gác không thêm không bớt, cũng không hư hao, thụ dụng không hết. Đó là tướng gì ?

Phật nói: Ngươi cần phải biết, tất cả pháp kia tự tính thanh tịnh, pháp giới vốn không. Giống như ảnh tượng hiện trong gương. Như làm cái bánh xe gom các thứ lại mà thành. Ta nói tự tính của sự tác nghiệp cũng như vậy. Lại nữa như cây rừng do gió thổi hai cây cọ xát vào nhau mà phát ra lửa. Tư duy như vậy thì lửa do cái gì mà được ? Ta nói tác nghiệp cũng như vậy. Như nói có người sống đủ một trăm tuổi. Phải biết không có cái năm cái tuổi cụ thể dồn lại có thể thấy được.

Lại nữa, như Kinh Pháp Tập nói:

Mắt với sắc vốn không tranh nhau. Cũng như vậy tai và âm thanh, cho đến ý và pháp không có tranh nhau. Vì sao mắt và sắc không tranh nhau ? Vì hai thứ đó hòa hợp không mâu thuẫn nhau. Cho đến ý và pháp hai tướng hòa hợp cũng như vậy. Nếu không hòa hợp thì có tranh nhau.

Thế Tôn ! Pháp không có hai, nên không tranh nhau. Các pháp không hai, đều không biết nhau. Do không biết nhau thì không phân biệt. Nếu lìa phân biệt thì không sinh diệt, không có tăng giảm, không sinh yêu thích cũng không chán chê, không trụ luân hồi, không đắm Niết-bàn.

Thế Tôn ! Nếu đối với các pháp không ưa thích không chán chê, phải biết thế thì không có các tướng nhiễm tịnh.

Thế Tôn ! Nếu nói ta biết như vậy, ta giác ngộ như vậy, đều là hư vọng phân biệt.

Thế Tôn ! Nếu đối với nhãn v.v… các pháp đã hiểu rõ rồi, không khởi ý niệm ta có thể phân biệt. Phải biết người này không cùng với vật gì tranh, tức có thể tùy thuận hành đạo Sa-môn, là người thấy pháp, là người thấy Phật, là người thấy chúng sinh, là người thấy tính không.

Thế Tôn ! Thấy cái không chỗ thấy, gọi là các pháp không thấy.

Kinh ấy lại nói:

Bồ-tát Vô Sở Phát hỏi: Như như không, đối với pháp nói như thế nào ?

Phật nói: Cái như như không kia, không sinh không diệt. Nếu như vậy là các pháp đều không.

Bấy giờ Bồ-tát Vô Sở Phát nói: Đúng vậy đúng vậy. Cho nên Thế Tôn nói tất cả pháp đều không sinh diệt.

Thế Tôn ! Vì sao lại nói các pháp hữu vi đều sinh diệt ? Nếu như vậy thì đền tháp chư Phật nhất định sinh diệt.

Thiện nam tử ! Như Lai đại bi vì trừ sự sợ hãi cho chúng sinh trong thế gian, tùy thuận nói pháp sinh diệt, trong đó không có một pháp nào có thể được, huống chi là sinh diệt.

Như Kinh Bát Nhã nói:

Cụ-thọ Tu-bồ-đề ! Nói pháp vô sinh, sao gọi là vô sinh ?

Tu-bồ-đề nói: Xá-lợi tử ! Sinh cái không được sinh, là pháp vô sinh.

Luận nói:

Đây gọi là tích tập phúc hạnh thanh tịnh mà thành Bồ-đề. Bởi dùng tâm từ thanh tịnh, duyên nơi hữu tình, khéo quán sát không có tướng chúng sinh rồi, nếu lại cúng dường mười phương Thiện Thệ, thì Lưỡng Túc Tôn kia đã lìa cấu nhiễm cũng không thể thấy, nên phải cúng dường chúng sinh khổ não.

Đó là điều đấng Điều Ngự Sư đã dạy bảo lấy sự cúng dường trên hết trong con người mà thí cho, đem tâm đại bi bạt trừ các khổ, được vui an ổn, phát sinh tịnh tuệ, đoạn trừ phiền não. Hiểu rõ chính lý này rồi, phải lìa nghi hoặc. Như vậy quả cúng dường không khó đạt được.

Hiểu rõ chính giáo của Phật, đúng như giáo quán thân, nghĩ nhớ tám thánh đạo, đoạn các si nhiễm, phải xả thân mình thừa sự chư Phật, chẳng mong cầu diệu lạc chư thiên thế gian, tu Xa-ma-tha, Tìbát-xá-na, tịch tĩnh biến khắp tịch tĩnh, là ra khỏi đường khổ.

Thế nào là thiết lập các pháp thế tục ? Nghĩa là nơi hư vọng hòa hợp tương ưng phàm phu si mê điên đảo. Nghĩa là tưởng như con, nương tựa thành tựu. Nói chỗ thắng nghĩa không, thì không có tướng ấy bởi tất cả pháp vốn không sinh.

Như Kinh Vô Cấu Xứng nói:

Văn-thù-sư-lợi hỏi Duy-ma-cật rằng: Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc ?

Đáp: Tưởng điên đảo làm gốc.

Lại hỏi: Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc ?

Đáp: Vô trụ làm gốc.

Lại hỏi: Vô trụ lấy gì làm gốc ?

Đáp: Vô trụ thì không có gốc. Văn-thù-sư-lợi ! Từ cái can bản vô trụ có thể thiết lập tất cả các pháp.

Lại nữa, Kinh Bát Nhã nói:

Phải từ bỏ gia đình, an trụ dũng mãnh, đoạn trừ phiền não, tâm tịnh bình đẳng tu tập Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Kinh Pháp Tập nói:

Khéo hiểu nghĩa không, thì tâm không dựa vào thế gian nào lợi hại, khen chê, vui buồn, hủy báng nịnh bợ. Đối với các khổ não không sinh chán ghét. Đối với sự khoái lạc không sinh tham ái. Không bị pháp thế gian phá hoại.

Khéo hiểu nghĩa không, thì hiểu rõ tính không, không có tí chút pháp nào mà sinh tâm lấy hoặc bỏ. Nếu không lấy bỏ thì không tham không chán. Đó gọi là người khéo thấy cái không, khéo biết cái không. Đối với tất cả pháp không chấp trước. Không chấp trước thì đối với các pháp không có gì để tranh nhau.

Luận nói:

Ở đây nói rõ tâm sát-na được thanh tịnh. Nghĩa là do ngã mạn khinh bỏ chúng sinh. Biết rõ ngã kiến, bản lai không có. Nếu nhất tâm chuyên chú có thể đoạn được tâm ngã mạn khinh bỏ chúng sinh kia, thì người ấy mau chóng được tâm thanh tịnh. Như vậy quan sát chúng sinh ở tất cả mọi nơi, thường tôn trọng lìa phan duyên và phân biệt, mình và người bình đẳng không trái nhau. Học hạnh như vậy không có gì khó.

Ví như ngọc báu như ý ma-ni được người yêu quý chứ nó không tự coi mình là quý. Vì vậy nên đối với người phải sinh tôn trọng. Nghĩa là do điên đảo phân biệt chấp trước, đối với hữu tình sinh bỏn sẻn keo kiệt, sinh chê bai là do ngã mạn trói buộc. Do nhân duyên đó sinh nhiều khen chê, tăng trưởng sự nóng nảy sầu não như A-tì đốt cháy vậy.

Âm thanh đó vô tâm đối với sự ngợi khen, sao lại vì vọng tuệ mà sinh ưa thích, sao lại sinh yêu thích lời nói của người. Đó là người vui mà sinh ra, chẳng phải ta tự có. Thường ưa bình đẳng, tự giữ lấy sự an tĩnh, cởi bỏ phân biệt trói buộc, xa lìa tướng khen chê, biết những việc như vậy đều không có quả lợi.

Lại nữa, đối với tài lợi sinh nhiều vui mừng hay sầu não, quen tập xan lẫn, tật đố, mưu mô xảo quyệt để mong cầu, thuận hay trái cả hai đều bị tội nặng. Thuận theo chính lý phải khởi đối trị, xô sập núi ngã mạn thì tâm mau thanh tịnh, lìa lỗi nói năng, thường ưa im lặng, chỉ trừ dạy dỗ là liên tục chỉ bày, biết các pháp là hư vọng không chân thật bền chắc, là gốc sinh khổ không trụ được lâu.

Phẩm 15: HỌC XỨ VỀ CHÍNH MẠNG THỤ DỤNG 1

Lại nữa Trưởng giả nếu là Bồ-tát tại gia phải yêu thích chính mạng, bình đẳng thụ dụng, xa lìa lối sống tà mạng phi pháp.

Như Kinh Bảo Vân nói:

Thế nào là Bồ-tát đối với thí chủ không dùng thân nghiệp giả hiện oai nghi. Như khi nhấc chân không giả bộ bước đi từ từ, khi hạ chân xuống không làm bộ xem xét làm ra vẻ tư duy.

Thế nào là Bồ-tát không nói lời kiêu ngạo dối trá ? Là không vì lợi dưỡng mà làm ra vẻ ăn nói nhỏ nhẹ, nói dịu dàng, nói lời ưu ái, nói lời tùy thuận.

Thế nào là tâm Bồ-tát không siểm nịnh, quanh co ? Là không vì lợi dưỡng mà làm ra vẻ thiểu dục, mà tâm rộng tham cầu, trong ôm sự nóng nảy bức não ?

Thế nào là Bồ-tát khéo có thể lìa bỏ sự vì lợi dưỡng mà làm ra vẻ hiện tướng khác thường ? Nếu gặp thí chủ, dứt khoát không tự nói tôi thiếu áo xống, đồ nằm, thức ăn uống, bệnh mà không thuốc thang xin làm ơn thí cho.

Thế nào là Bồ-tát khéo lìa bỏ tính vì lợi dưỡng mà cố nói những lời khoa trương trống rỗng. Như thấy thí chủ, không nói lời xảo trá rằng xin thí chủ … ( tên gì đó ) hãy đem vật này thí cho tôi, tôi sẽ trả ơn. Lại nói: Vì tôi ít ham muốn, giữ giới, học hỏi nghe nhiều nên thí. Tôi khởi bi tâm mà nhận lãnh.

Cho đến thân làm việc ác, vì lợi dưỡng nên bôn tẩu ngược xuôi mà phá cấm giới. Như gặp những người khác đồng tu phạm hạnh được lợi dưỡng thì sinh tâm làm tổn hoại. Đó là Bồ-tát lìa nơi hiểm ác mà cầu lợi dưỡng.

Thế nào là lìa bỏ sự lợi dưỡng phi pháp ? Nghĩa là Bồ-tát này không vì cân nhắc so đo mà làm việc lừa dối. Người tin tưởng ủy thác việc gì không sinh xâm phạm tổn hại.

Thế nào là Bồ-tát lìa bỏ những lợi dưỡng không sạch sẽ ? Nghĩa là Bồ-tát này không lạm dụng xen lấn vật của chùa, tháp, hoặc vật sở hữu của pháp của tăng. Nếu có được cũng không nên nhận.

Thế nào là lìa bỏ sự tham đắm lợi dưỡng ? Nghĩa là Bồ-tát này có được vật gì, không giữ làm của riêng của mình, không khoe mình giàu có, cũng không tích chứa, tùy lúc thí cho Sa-môn, Phạm chí, Bà-la-môn v.v…, hoặc thí cha mẹ, bà con, bạn bè, hoặc tự thụ dụng.

Khi thụ dụng không sinh tham nhiễm đắm trước. Nếu khi Bồtát không được lợi dưỡng, tâm không sinh khổ sở cũng không nóng nảy lo sầu. Hoặc thí chủ không có gì để thí, Bồ-tát cũng không giận họ.

Lại nữa, Kinh Vô Tận Ý nói:

Không có chúng sinh nào không cần nhận thí. Nếu đã hứa thì đem thí cho. Có người đến xin, không bực bội mà thí, không vì người khác ép buộc mà thí, không thí một cách miễn cưỡng uể oải, không thí với tướng khác thường, không thí với thái độ khinh thường, thí không quay mặt, không vất ném mà thí, không thí với thái độ bất kính.

Thí không phân biệt, không thí thứ gì mà không do tự tay mình đưa ra, không thí thứ gì không đúng thời đúng lúc, không thí một cách không bình đẳng, không thí mà làm buồn lòng chúng sinh.

Lại nữa như Kinh Tối Thựong Thụ Sở Vấn nói:

Bồ-tát khi hành bố thí Ba-la-mật-đa, nếu có người cầu xin vật gì cần thiết, nên cấp cho họ như chính ta cần vậy. Nếu có người nghiện rượu thì khiến họ sinh chính niệm rồi cho họ uống xong khiến họ chừa rượu. Như vậy là Bồ-tát phương tiện thanh tịnh nhiếp thụ chúng sinh.

Nếu trong tâm người kia yêu thích không bỏ, Bồ-tát dùng nhiều cách quở trách nói cho họ biết lỗi lầm của rượu như dao kiếm bén, nhất định phải lìa xa không nên tiếp tục. Như vậy người thí mới không có tội.

Luận nói:

Đây là dần dần khiến đi vào hạnh thí thanh tịnh. Như nhiều kinh có nói rộng về cách ngăn chận và đoạn dứt.

Như Kinh Hư Không Tạng nói:

Như nói ngã thanh tịnh thí, ngã sở thanh tịnh thí, nhân thanh tịnh thí, kiến thanh tịnh thí, tướng thanh tịnh thí, các tính thanh tịnh thí, sát-na quả báo thanh tịnh thí, tâm bình đẳng như hư không thanh tịnh thí, cho đến ví như hư không không có ranh giới, Bồ-tát thực hành bố thí cũng như vậy.

Ví như hư không cao rộng không ngại, Bồ-tát hành thí rộng lớn hồi hướng cũng như vậy.

Ví như hư không không có sắc tướng, Bồ-tát lìa sắc tướng hành thí cũng như vậy.

Ví như hư không không tưởng, không tạo tác, không biểu lộ, không có tướng, Bồ-tát hành thí cũng như vậy.

Ví như hư không biến khắp các cõi Phật, Bồ-tát đại từ duyên các hữu tình, hành thí rộng lớn cũng như vậy.

Ví như hư không, bao hàm tất cả, Bồ-tát hành thí thâu nhiếp các hữu tình cũng như vậy. Cho đến như người biến hóa thí các biến hóa, không thụ dụng cũng không phân biệt, ý đạt tới các pháp mà không mong cầu, lìa ngã ngã sở, tự tính thanh tịnh, dùng trí tuệ vượt trội đoạn các phiền não, dùng trí phương tiện không bỏ hữu tình.

Đó là Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa giống như hư không vậy.

HẾT QUYỂN 19