LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 18
Phẩm 14: HỌC XỨ VỀ TỰ TÍNH THANH TỊNH 2
Đại vương ! Tính cứng chắc của địa giới bên ngoài là như khi thế gian mới xây dựng cung điện của Phạm Thiên, làm xong cơ sở báu vĩ đại, rồi đến cung điện của các trời Tha Hóa Tự Tại cũng đều làm bằng bảy báu.
Đại vương ! Nếu không có tính cứng chắc của địa giới sinh ra thì chúng từ đâu đến ?
Lại tạo thành cõi đại địa có bề dày tám vạn bốn ngàn du-thiệnna, rộng sáu vạn du-thiện-na.
Lại sinh ra núi Luân vi, núi Đại luân vi, trụ vững như kim cương.
Lại sinh ra núi Tô-di-lô, núi Dữu-kiện-đà, núi Ninh-dẫn-đà, núi I-xá-đà, cho đến núi Hắc sơn.
Như vậy ba ngàn Đại thiên thế giới tuần tự thành lập xong trụ vững kiên cố. Nếu không có tính cứng chắc của địa giới sinh ra thì chúng từ đâu đến ?
Đại vương ! Khi thế giới này sắp hoại diệt, hoặc bị lửa cháy, hoặc bị nước trôi, hoặc bị gió thổi. Khi đại địa này bị lửa cháy, ví như bơ lỏng ngọn lửa càng cháy mạnh cho đến cháy tàn không còn thấy gì.
Hoặc bị nước trôi như ném muối vào muối liền tiêu tan.
Hoặc khi bị gió Tì-lam thổi thì ba ngàn Đại thiên thế giới kia đều tan nát sạch không sót thứ gì.
Đại vương ! Ngoại địa giới này khi sinh vốn không, khi diệt cũng không, vì tự tính của nó là không, không có tướng nam cũng không tướng nữ, chỉ hiển thị bằng lời nói mà thôi. Như vậy địa giới và tính của địa giới đều không thể được. Chính tuệ như thật mới biết rõ điều đó.
Thế nào là nội thủy giới ?
Là trong thân này có giữ tính thấm ướt. Nghĩa là sao ? Là những vật như nước miếng, mồ hôi, nước mắt, đờm dãi, mỡ, máu, mủ, các thứ bài tiết đại tiểu tiện v.v… gọi là nội thủy giới.
Đại vương ! Như khi chợt gặp người thân yêu mà rơi lệ, hoặc bị khổ não bức bách mà chảy nước mắt, hoặc nghe pháp sâu xa, tin tưởng tôn trọng chảy nước mắt, hoặc bị gió lạnh thổi làm chảy nước mắt. Thủy giới đó từ đâu đến ? Khi khô rồi nước đi đâu ? Cho đến khi cõi đây hoại diệt, khắp nơi mây đen nổi lên bao phủ ba mươi hai lớp ba ngàn Đại thiên thế giới, từ trên không mưa lớn đổ xuống, giọt mưa lớn bằng con voi, ngày đêm liên tục đổ xuống không dứt. Như vậy thời gian trải qua năm trung kiếp, nước mưa chứa đầy đến trời Phạm Thế.
Đại vương ! Đại thủy giới này từ đâu đến ?
Lại nữa, khi thế giới này sắp hoại diệt, có hai mặt trời xuất hiện. Hai mặt trời xuất hiện rồi, những sông suối nhỏ đều cạn khô. Khi ba mặt trời xuất hiện, bốn con sông từ ao Vô Nhiệt Não chảy ra cũng đều khô kiệt. Khi bốn mặt trời xuất hiện, nước biển lớn giảm đi một duthiện-na, hoặc hai hoặc ba, dần dần giảm thiểu đến mười du-thiện-na, hoặc hai mươi du-thiện-na, lần lượt khô kiệt đến tám mươi du-thiệnna. Nước còn lại hoặc sâu bằng một cây Đa-la, hoặc sâu đến ngực, hoặc sâu bằng vũng chân bò, cho đến nước ít còn chừng một lóng tay, trong lúc ấy nước các biển lớn đều khô kiệt không còn một giọt.
Đại vương ! Tướng của thủy giới này sinh không từ đâu đến, diệt chẳng đi đến đâu. Khi sinh vốn không, khi diệt cũng không, vì tính nó là không, không có tướng nam cũng không tướng nữ, chỉ dùng ngôn thuyết biểu thị mà thôi. Như vậy thủy giới với tính của thủy giới đều không thể được.
Thế nào là thân nội hỏa giới ?
Là trong thân này có giữ tính ấm nóng. Là như thế nào ? Là ấm nóng bốc hơi nóng, ngậm nhai uống ăn tiêu hóa biến hoại, khiến an lạc trong sức nóng, gọi là nội hỏa giới.
Thế nào ngoại hỏa giới ?
Là không chấp nhận sinh tướng ấm nóng. Như có người ở trong hoang dã tìm kiếm lửa, hoặc dùng cỏ khô, hoặc phân bò hoặc bông vải, kéo lửa được rồi, hoặc đốt cỏ cây núi rừng làng xóm và các nơi khác đều bị đốt cháy.
Đại vương ! Hỏa giới ấy sinh không từ đâu đến, diệt không đi đến đâu, vì từ xưa đến nay lìa tự tính.
Thế nào là thân nội phong giới ?
Là tính nhẹ và động. Đó là thế nào ? Là nội phong này khi đi lên, hoặc khi đi xuống, hoặc khi ở trong bụng, nơi hông, nơi lưng, hoặc nổi mụn, hoặc nổi cục, hoặc như dao rạch, hoặc như kim châm, hơi thở ra vào, biến khắp toàn thân.
Ngoại phong giới là như gió từ bốn phương đến, hoặc gấp như tên bắn, hoặc sắc như dao. Nếu cuồng phong bạo phong nổi lên làm gãy đổ cây rừng, làm sạc lở vách núi. Nếu gió nhẹ cũng làm áo bay, hay lay động cây Đa-la, gọi là ngoại phong giới, ngoài ra như trước đã nói.
Thế nào là nội không giới ?
Là như thân nội da thịt máu v.v… hiển hiện tăng trưởng, lìa tính chướng ngại về vật chất. Thế là thế nào ? Nghĩa là như hốc mắt, lỗ tai, miệng, cổ họng, khi ăn uống nuốt vào đưa dẫn thức ăn đến dạ dày ruột rồi ra ngoài. Nếu khi nghiệp duyên dẫn sinh sáu xứ, sinh các xứ rồi vây quanh không giới. Đó gọi là nhập vào số nội không giới. Nhưng không giới kia từ đâu đến ? Nếu lại hiển hiện, lìa tính trở ngại về vật chất, gọi là ngoại không giới.
Đại vương ! Nếu sắc biến mất thì tất cả đều không. Sở dĩ vì sao ? Vì hư không giới này vốn vô tận, an trụ bất động giống như Niếtbàn, biến khắp các nơi không chướng ngại.
Đại vương ! Ví như có người đào ao đào giếng trên cao nguyên kia. Ý vua thế nào ? Cái tướng trống không của ao của giếng kia từ đâu đến vậy ?
Vua nói: Không từ đâu đến cả.
Phật nói: Đại vương ! Giả sử người ấy lấp đất lại. Ý vua nghĩ sao ? Cái trống không kia bây giờ đi đâu rồi ?
Vua nói: Cái trống không kia không đi đâu cả. Sở dĩ vì sao ? Vì hư không giới không đến không đi, không có tướng nam không có tướng nữ.
Đại vương ! Ngoại hư không giới bản lai không động. Sở dĩ vì sao ? Vì lìa tự tính. Chính tuệ như thật mới có thể biết rõ.
Lại nữa, Đại vương ! Thế nào là thức giới ?
Là như nhãn căn là chủ, duyên riêng biệt các hiển sắc, hình sắc và biểu sắc, gọi là nhãn thức giới. Nếu sáu căn là chủ duyên riêng biệt sáu cảnh, gọi là sáu thức giới.
Thức giới này lại không bám nơi căn, không trụ nơi cảnh, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài và chẳng phải trung gian giữa trong và ngoài, nhưng thức giới này phân biệt hiểu biết các việc rồi thì liền diệt mất. Khi phát sinh không phải từ đâu đến, khi diệt mất cũng không phải bỏ đây mà đi đâu.
Đại vương ! Thức khi sinh là không, khi diệt cũng không, vì tự tính là không. Không trụ tướng nam, cũng chẳng phải tướng nữ, chỉ do ngôn thuyết hiển thị mà thôi.
Như vậy thức giới và tính của thức giới đều không thể được. Chính tuệ như thật mới có thể biết rõ.
Đại vương ! Sao gọi là nhãn xứ ?
Là bốn đại chủng gồm địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới tạo ra tịnh sắc. Nếu địa giới thanh tịnh thì nhãn xứ thanh tịnh. Nếu thủy hỏa phong giới thanh tịnh thì nhãn xứ thanh tịnh.
Bởi vì sao ? Do địa giới thanh tịnh nhãn xứ được sinh. Trong đó chẳng có pháp nào có thể được. Cũng như vậy cho đến do phong giới thanh tịnh nhãn xứ được sinh. Trong đó không có pháp nào có thể được.
Bởi vì sao ? Vì không có chủ tể, không tạo tác. Giống như Niếtbàn, vì tự tính thanh tịnh.
Đại vương ! Như vậy cứ mỗi mỗi đi tìm kiếm nhãn xứ đều không thể tìm được. Sở dĩ vì sao ? Bởi địa giới không, nên địa giới thanh tịnh. Cho đến phong giới không, nên phong giới thanh tịnh. Nếu các pháp tự tính vốn không, thì giới kia, nào có gì thanh tịnh, cũng không phân tranh, thanh tịnh phân tranh đều không thể được.
Lại nữa, nào có sắc gì có thể thấy ư ? Phải biết nhãn xứ rốt ráo là không, nên tự tính cũng không. Đời trước đời sau đều không thể được. Vị lai tạo cũng không thể được.
Bởi vì sao ? Vì lìa tự tính. Nếu không có tự tính thì không có tướng nam cũng không có tướng nữ, làm gì có sự yêu thích ? Nếu sinh yêu thích tức là cảnh giới của ma. Nếu không yêu thích là cảnh giới Phật.
Bởi vì sao ? Vì nếu không có yêu thích tức có thể xa lìa tất cả các pháp.
Đại vương ! Sao gọi là nhĩ xứ ?
Là bốn đại chủng tạo ra tịnh sắc. Cho đến, Đại vương ! Các pháp giải thoát quyết định hiện tiền như pháp giới không, không thể ra làm, không thể hiển thị, không thể ghi nhận, không chỗ mong cầu.
Đại vương ! Các căn mỗi mỗi yêu thích đắm trước cảnh giới. Khi mắt duyên sắc sinh yêu thích đắm trước. Cho nên nói sắc là cảnh giới của mắt. Lại nữa, nhãn căn duyên sắc cảnh thấy có ba tướng: sắc khả ái thì khởi tưởng tham, săc không khả ái thì khởi tưởng giận, sắc chẳng đáng yêu đáng ghét thì khởi tưởng xả. Cũng như vậy cho đến ý đắm trước pháp xứ, làm cảnh giới của ý, nếu ý xứ kia duyên sắc khả, ái khởi tâm yêu thích thì bị nó dẫn dắt sinh hành vi tham, với sắc không khả ái sinh hành vi giận, với ái phi ái khởi hành vi si. Như vậy thanh v.v… ba tướng phan duyên lãnh nạp, cũng dựa theo trước mà nói.
Đại vương ! Phải biết các căn như huyễn, cảnh giới như mộng. Ví như có người ngủ chiêm bao thấy cùng thể nữ hoan lạc. Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Khi mộng tỉnh rồi nhớ nghĩ người thể nữ cùng hoan lạc trong chiêm bao là có thật chăng ?
Vua nói: Không, thưa Thế Tôn.
Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Người ấy nằm mơ mà chấp cho là thật, có phải là người trí chăng ?
Thưa không, Thế Tôn. Bởi vì sao ? Những thể nữ thấy trong chiêm bao đều hoàn toàn không có, huống chi cùng họ hoan lạc.
Phải biết người ấy luống tự mệt nhọc nghĩ nhớ cảnh trong mộng cũng chẳng có được.
Phật nói: Đại vương ! Đúng vậy đúng vậy. Phàm phu ngu si mắt thấy sắc rồi tâm sinh yêu thích, lại khởi chấp trước, bị nó lôi kéo tạo nghiệp tham, làm ba thứ thân nghiệp bốn thứ ngữ nghiệp ba thứ ý nghiệp. Trước tiên tạo tác, sát-na diệt mất không nương vào phương Đông, Nam, Tây, Bắc, bốn phương bàng với trên dưới mà trụ, đến khi chết mạng căn diệt, tất cả nghiệp báo cùa mình đều hiện ra, giống như tỉnh mộng nhớ chuyện trong chiêm bao.
Đại vương ! Thức là chủ, nghiệp là phan duyên, nhân hai thứ tướng này, sinh khởi thức ban đầu. Rồi hoặc đến địa ngục, hoặc đọa bàng sinh, vào cõi Diêm-ma-la và A-tô-la hoặc người hoặc trời. Thức ban đầu sinh, mỗi mỗi thụ báo, tâm phẩm đồng phần liên tục chuyển theo. Cuối cùng thức diệt gọi là tử uẩn. Thức khởi đầu tiên gọi là sinh uẩn.
Đại vương phải biết, không có một pháp nào từ đời này đến được đời khác. Sở dĩ vì sao ? Vì tính nó sinh diệt.
Đại vương ! Khi thân thức sinh không từ đâu đến, diệt không đi đâu. Khi nghiệp kia sinh không từ đâu đến, diệt không đi đâu. Khi thức ban đầu sinh không từ đâu đến, diệt không đi đâu. Bởi vì sao ? Vì lìa tự tính. Như vậy biết rõ thân thức là thân thức không, tự nghiệp là tự nghiệp không, sơ thức là sơ thức không. Nếu diệt là diệt không, nếu sinh là sinh không, biết rõ nghiệp buộc, chẳng có ai tạo tác, chẳng có người thụ nhận, chỉ có danh tưởng mà thôi.
Lại nữa, Đại vương ! Ví như có người trong chiêm bao thấy chiến đấu cùng oán địch. Ý vua nghĩ sao ? Người ấy tỉnh dậy nhớ lại việc chiến đấu trong chiêm bao cho là có thật chăng ?
Vua nói: Thưa không, Thế Tôn.
Phật nói: Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Người ấy chấp việc trong mộng cho là thật, là người trí chăng ?
Thưa không, Thế Tôn. Bởi vì sao ? Trong chiêm bao hoàn toàn không có oán địch, huống chi còn cùng họ chiến đấu. Người ấy chỉ luống âu lo sầu não, đều không có thật.
Phật nói: Đại vương ! Đúng vậy đúng vậy. Phàm phu ngu si mắt thấy sắc xấu liền sinh sầu não, chán bỏ, phá hoại, chê bai, lỗi lầm tạo nghiệp sân giận, ngoài ra như trước đã nói.
Lại nữa, Đại vương ! Ví như có người chiêm bao thấy bị quỷ Tì-xá-giá nhiễu hại, tâm sinh sợ hãi, si mê ngất xỉu.
Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Người này tỉnh rồi, nhớ chuyện trong mộng bị quỷ nhiễu hại có cho là thật chăng ?
Thưa không, Thế Tôn. Trong mơ hoàn toàn không có quỷ não hại huống chi si mê.
Phật nói: Đại vương ! Đúng vậy đúng vậy. Phàm phu ngu si mắt thấy sắc ấy, si mê không rõ, tạo các nghiệp si, ngoài ra như trước đã nói.
Lại nữa, Đại vương ! Ví như trong mơ được nghe nhiều người ca hay diễn tấu âm nhạc như đàn không hầu, đàn dây, ống tiêu ống sáo v.v…
Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Người này tỉnh rồi, nhớ chuyện trong mộng có âm nhạc ca hát cho là thật chăng ?
Vua nói: Thưa không, Thế Tôn.
Phật nói: Đại vương ! Ý vua nghĩa sao ? Người ấy chấp chuyện trong mộng là thật, vậy là người trí chăng ?
Thưa không, Thế Tôn. Bởi vì sao ? Những người trong mơ còn không có huống chi là ca nhạc hay. Người ấy luống mệt nhọc mà rốt cuộc không có.
Phật nói: Đại vương ! Đúng vậy đúng vậy. Phàm phu ngu si nghe âm thanh vừa lòng vừa ý, nghe rồi khoái thích lại sinh yêu thích đắm trước tạo nghiệp tham. Cũng như vậy đối với mùi hương v.v… đều có ba thứ, theo như trước nên biết.
Cho đến , Đại vương ! Ở trong pháp này khéo tự an ổn tâm ý, nên nghĩ rằng trong cõi người cõi trời ta phải làm sao làm con mắt cho đời, làm ngọn đèn lớn chiếu sáng, làm người thuyền trưởng đưa người đến bờ kia, làm đại thương chủ dẫn người đến chỗ có báu vật. Người chưa giải thoát khiến được giải thoát. Người chưa yên ổn khiến được yên ổn. Người chưa Niết-bàn khiến chứng Niết-bàn.
Đại vương phải biết các căn như huyễn, cảnh giới như mộng. Ngu phu trói buộc không chán đủ. Cho đến quá khứ vô lượng kiếp có Chuyển luân vương tên Vô Lượng Xưng, oai đức tiếng tăm giàu sang tự tại, thống lãnh bốn Đại châu, một mình là cao quý hơn cả, tùy ý thích thụ dụng gì cũng được. Tất cả rừng cây thường có hoa quả. Nhân dân bấy giờ sống yên ổn không có gì buồn khổ. Lại thường hay mưa xuống nước thơm, các thứ đồ dùng vàng bạc châu báu, các thứ nhu cầu đều được sung túc.
Thoạt có một hôm lên trời Đao-lợi, vua trời Đế-thích chia tòa mời ngồi. Nhưng vì tham dục không chán, muốn chiếm ngôi vị. Dấy lên ý nghĩ đó liền bị thoái đọa. Quần thần vây quanh trông thấy giống như bơ mà đặt trên cát, chẳng được bao lâu mạng chung. Bấy giờ có một ông vua tên Tác Ái thấy việc như vậy nói: Ta làm sao nói rõ việc này cho thế gian biết. Lúc đó Vô Lượng Xưng bảo Tác Ái rằng: Đời vị lai vua nên nói như vầy: Vô Lượng Xưng nầy vì tham lam không chán nên tự chuốc lấy cái chết.
Cho nên Đại vương ! Các căn như huyễn, cảnh giới như mộng. Hãy tự an ổn tâm ý chớ sinh tin thuận theo căn cảnh. Thân như sóng nắng không có tự tính. Sắc thụ tưởng hành, tự tính không thật cũng giống như vậy.
HẾT QUYỂN 18