LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 17
Phẩm 13: HỌC XỨ VỀ NIỆM XỨ 2
Luận nói:
Đã lược nói thụ niệm xứ, nay tiếp nói tâm niệm xứ.
Như Kinh Bảo Tích nói:
Phật nói: Ca-diếp-ba ! Nghĩa là đối với tâm này, hoặc sinh yêu thích, hoặc khởi chán nản, hoặc nhiều chấp trước, trong ba trường hợp đó làm sao quán sát ? Nếu quá khứ thì đã diệt, hiện tại không dừng, vị lai chưa đến, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải trung gian, đều không thể được.
Lại nữa, tâm này không thể thấy bằng màu sắc, chẳng phải biểu thị bằng sở thuyên, cũng chẳng phải đối trị, chẳng phải quán, chẳng phải chiếu, không dừng trụ, không đeo bám. Nhưng cái tâm này tất cả Như Lai còn không thấy, cái gì khác có thể quán ? Không có cảnh giới nào khác, chỉ có pháp tưởng chuyển.
Ca-diếp-ba ! Tâm ấy như huyễn, kế chấp khắp tất cả không thật. Do có thủ nên được sinh các thứ.
Tâm như hư không, bị các khách trần phiền não tùy phiền não che khuất.
Tâm như dòng sông sinh diệt không dừng trụ.
Tâm như ngọn đèn sáng do nhân duyên khởi.
Tâm như điện chớp, một sát-na không dừng trụ.
Tâm như người bạn ác có thể sinh các khổ.
Tâm như người đánh cá, khổ tưởng là vui.
Tâm như loài quỷ mị chuyên làm các quấy rối.
Tâm như Dược-xoa rình ăn tinh khí.
Tâm như giặc loạn phá hoại các thiện căn.
Tâm như con thiêu thân thường tìm ánh đèn.
Tâm như trống trận chỉ cảnh báo khi chiến đấu.
Tâm như kẻ nô tỳ nô bộc tham thức ăn thừa.
Tâm như ruồi thích bu những thứ có mỡ tanh.
Tâm như con heo ở chỗ bất tịnh cho là thơm sạch.
Phật nói: Ca-diếp-ba ! Tìm cầu cái tâm đó là không thể được. Do không thể được nên không có cái để được. Trong quá khứ hiện tại vị lai đều không thể được, tức có thể siêu vượt ba đời hữu phi hữu v.v… Lại Kinh Bảo Kế nói:
Nhưng cái tâm này chẳng phải có ở bên ngoài nên không thể thấy. Cũng không thể thấy nơi uẩn xứ giới.
Như vậy tìm cầu không thấy, thì do đâu mà duyên thường khởi được ?
Nghĩa là tâm kia duyên việc như vậy làm sao nói tâm là không thể thấy ? Phải biết rằng tâm đó như mũi kiếm bén làm sao có thể tự đâm mình ? Lại nữa, tâm này cũng như đầu ngón tay, không thể tự chỉ mình. Tâm không thể thấy cũng như vậy. Cho đến như người đi xa, thân nhẹ nhàng mau lẹ như gió, đi đến nơi nào cũng chẳng trở ngại.
Thiện nam tử ! Nếu người này nơi cảnh giới sáu xứ này, tự tha hệ thuộc, tâm không ái trước, thân không tán loạn, thì tâm Xa-ma-tha nơi một cảnh tính được không chướng ngại. Đó là tâm niệm xứ.
Lại nữa, Kinh Vô Tận Ý nói:
Dùng hạnh tương ưng tu tập trang nghiêm, đối với pháp tính, tâm không giảm mất.
Trang nghiêm như thế nào ?
Tâm của pháp tính kia đồng như ảo hóa. Nghĩa là nếu tự xả bỏ tất cả sở hữu mà có thể hồi hướng tâm pháp tính kia, tức là làm trang nghiêm thanh tịnh các cõi Phật.
Pháp niệm xứ, là như kia nói Bồ-tát đối với pháp không quán pháp hành, vì pháp không thể quán. Nếu chẳng phải Phật pháp, chẳng phải đạo Bồ-đề, thì tất cả pháp đều chẳng phải xuất ly. Hiểu rõ đây rồi được đại bi Tam-ma-địa, đối với tất cả pháp chẳng phải có phiền não, chẳng phải không phiền não, được ba luân không tưởng.
Sở dĩ vì sao ? Rõ tính các pháp không có hai tướng, là các phiền não không có tính tích tụ, không có tính tham, không có tính sân, không có tính si. Nếu có thể ngộ Bồ-đề như vậy, thì rõ tính phiền não tức tính Bồ-đề. Đó là pháp niệm xứ.
Lại như Kinh Bảo Kế nói:
Thiện nam tử ! Bồ-tát dùng pháp quán pháp niệm xứ. Nếu pháp khởi tức sinh, pháp tàn tạ tức diệt. Nghĩa là pháp là như vậy, ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sinh, nho đồng, sinh, lão, tử v.v… nếu tập tức tập hành, nếu bất tập tức bất tập hành. Nếu thiện, bất thiện và bất động hành chưa có một thiểu pháp nào không có nhân duyên của nó mà được sinh khởi. Cho đến nói pháp xứ này quán sát kỹ sâu vì không bỏ tâm Bồ-đề nhất thiết trí.
Như Kinh Đại Hý Lạc nói:
Hành hữu vi chỉ tâm tạo tác như cái phôi của cái bình, vô thường tan hoại.
Hành như thành trì bỏ trống bị gió mưa làm sụp đổ, như đống bùn không cứng chắc dần dần bị hao mòn, cũng như cát bờ sông bị nước chảy xói mòn.
Hành như đèn trước gió sinh diệt không trụ lâu.
Hành như đám bọt nước không thể cầm nắm được.
Hành như cây chuối, ở trong không có thật.
Lại như cái nắm tay không, gạt người ngu. Cho đến hoặc cỏ hoặc dây bìm xoắn lại làm thành sợi dây, nương vào cái bình làm con lăn mà có thể kéo nước lên, chưa bao giờ cái gì độc một mình có được tác dụng đó.
Tất cả hữu chi, nương tựa nhau tụ tập mà chuyển. Thời gian trước sau đều không thể được, như người hai tay dùi cây lấy lửa, cần cù không nghỉ tay mới ra lửa được. Nếu lìa các duyên thì lửa liền tắt mất. Hành như vậy là phù hợp. Dầu mình hay người tức có thể siêu vượt các hành đoạn thường. Như người đi buôn có trí ở các con đường hiểm, đi đến phương nào cũng đều thông suốt.
Luận nói:
Do vô minh, ái v.v… các nghiệp duyên phiền não chiêu tập mà thành uẩn xứ giới, nhưng trong thắng nghĩa thì đều không thể được.
Phẩm 14: HỌC XỨ VỀ TỰ TÍNH THANH TỊNH 1
Luận nói:
Đã nói xong niệm xứ. Tiếp đến giải thích Bổ-đặc-già-la. Quyết định thành tựu, tương ưng tính không, đoạn căn bản rồi, ngoài ra các phiền não v.v… không tập hành trở lại.
Kinh Như Lai Bí Mật nói:
Phật nói: Tịch Tuệ ! Ví như có một loại cây tên là Bát-la-xa, nếu cắt đứt rễ thì tất cả nhánh lá đều khô héo.
Tịch Tuệ ! Đây cũng vậy, nếu đoạn thân kiến tức có thể diệt trừ tất cả phiền não.
Luận nói:
Phân biệt tính không có vô lượng hành tướng.
Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:
Nếu ai tin hiểu pháp Như Lai,
Học giới Phật thì không hủy phạm.
Đều phải xa lìa các người nữ,
Biết pháp tự tính thường vắng lặng.
Rút tất cả mũi tên ưu khổ,
Hoặc cho thuốc thang khiến an ổn.
Mau được viên thành lưỡng túc tôn,
Biết pháp tự tính thường vắng lặng.
Nếu nơi thân mạng đoạn từng khúc,
Cây gậy đánh đập không giận buồn.
Sức nhẫn cao tột như mặt trăng,
Biết pháp tự tính thường vắng lặng.
Dẫu sinh trăm kiếp trong đường ác,
Vẫn giữ gìn được diệu sắc thân.
Và cũng đạt được năm thần thông,
Lại thường an trụ nơi chư Phật.
Lại nữa, Kinh Bát Nhã nói:
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Bồ-tát Ma-ha-tát muốn thành tựu thân Phật có ba mươi hai tướng đại nhân và tám mươi vẻ đẹp thì ở trong tất cả chúng sinh phải nghĩ nhớ tâm Bồ-đề, không cho tổn hoại, đối với hạnh Bồ-tát không được quên mất, xa lìa ác tri thức và các tội lỗi, gần gũi tất cả chúng Bồ-tát của Phật và thiện tri thức v.v… Muốn hàng phục chúng thiên ma, làm sạch các nghiệp chướng, đối với tất cả pháp được không chướng ngại, phải học Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Bồ-tát Ma-ha-tát phát một tâm niệm như vậy đều có thể siêu vượt tất cả mọi nơi trong thế giới nhiều như cát sông Khắc-già ở phương Đông mà học Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Lại nữa, Xá-lợi tử ! Bồ-tát Ma-ha-tát dẫu ở trong mười phương cõi Phật cũng nói phải học Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy. Cho đến rộng như các pháp vô ngã, diệt nghiệp chướng trói buộc, thì thấy các pháp tự tính không diệt.
Như Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói:
Phật nói: Đại vương ! Như vậy sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám chỗ ý thẩm xét, là do Bổ-lô-sa làm duyên mà được sinh.
Sáu giới là gì ? Là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới.
Sáu xúc xứ là gì ? Là nơi mắt tiếp xúc mà thấy sắc, nơi tai tiếp xúc mà nghe tiếng, nơi mũi tiếp xúc mà nghe mùi, nơi lưỡi tiếp xúc mà nếm vị, nơi thân tiếp xúc mà cảm sự đụng chạm, nơi ý tiếp xúc mà biết pháp.
Mười tám chỗ ý thẩm xét là gì ? Là mắt thấy sắc rồi hoặc sinh khoái thích, hoặc sinh âu sầu, hoặc giữ lấy hay bỏ, như vậy sáu căn mỗi mỗi đều duyên có ba trường hợp, gọi là mười tám chỗ ý thẩm xét. Đại vương ! Thế nào là nội địa giới ?
Là ở trong thân sinh các thứ có tính cứng, nhám như tóc, lông, móng, răng v.v… Nếu nội địa giới không sinh cũng không có diệt thì không có tập hành.
Đại vương ! Nếu khi người nữ trong nội thân suy nghĩ về Bổlô-sa kia và Bô-lô-sa kia cũng sinh yêu thích, do hai bên hòa hợp sinh ra Yết-la-lam.
Lại như sự suy nghĩ tương tự hòa hợp mà được sinh là không có chuyện đó.
Nếu là hai người nữ cũng không có chuyện đó.
Hai Bổ-lô-sa cũng không có chuyện đó.
Nếu chỉ có suy nghĩ bên này hoặc bên kia mà được sinh cũng không có chuyện đó.
Bởi vì tự thể không thật, chẳng phải tương ưng.
Sao gọi đây là tính cứng chắc ?
Đại vương ! Tính cứng chắc này tương tự mà lập ra, rốt cuộc thân này rữa nát tiêu tan thì chỉ trở về nơi nghĩa địa mà thôi. Tính cứng chắc kia không từ đâu đến, và bốn phương trên dưới cũng không đi về đâu.
Đại vương ! Phải biết nội địa giới là như vậy.
HẾT QUYỂN 17