LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 10
Phẩm 7: HỘ THỌ DỤNG PHƯỚC
Phần 2
Kinh Bảo Tích nói: “Phật bảo Ca-diếp-ba: Nếu Bồ-tát đầy đủ bốn pháp nầy thì pháp thiện chưa sanh sẽ khiến cho hủy mất, pháp thiện đã sanh thì không làm cho tăng trưởng. Những gì là bốn pháp? Đó là: Đối với thế gian đắm sâu quá mạn, khéo cấu tạo ngôn từ, đam mê lợi dưỡng, thích quán xét chủng tánh, không ưa khen ngợi Bồ-tát, đối với Khế kinh chưa nói, chưa nghe nhưng lại thường sanh hủy báng”. Trong Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nói: “Như vậy, đối với các tóc lông, móng tay, tháp và phần thân của Phật khi thấy rồi phải tịnh tín phát khởi tâm cung kính, phải xem như Đại đức Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni v.v… Từ mặt đất nầy trở xuống bốn vạn tám ngàn du-thiện-na đến cõi Kim luân, Tỳkheo ấy có biết bao nhiêu hằng hà sa số gấp cả ngàn lần phước báu của Chuyển luân vương hưởng thụ. Trưởng lão Ưu-ba-ly hướng đến trước
Như Lai chắp tay thưa: “Thế Tôn! Nếu chỗ Phật nói là thiện căn của Tỳ-kheo thì quả thật là rộng lớn. Thế Tôn! Làm sao có được thiện căn nầy? Phật dạy: Ông đối với điều nầy còn có thể bị tan diệt. Ưu-ba-ly! Nghĩa là nhẫn chịu đối với sự động loạn nầy mà tùy sự thấy kia, như phạm hạnh kia gần gũi phạm hạnh nầy. Ưu-ba-ly! Do thiện căn nầy mà người gần gũi cũng được rộng lớn. Tuy nhiên, ông đối với điều nầy còn có thể bị tan diệt. Ưu-ba-ly! Do đó phải nên học như vậy. Lại như đem củi chất đống lại mà thiêu đốt, tâm có thể không tán hoại, huống hồ là thức thân v.v…”. Kinh Văn-thù Thần Biến nói: “Gọi là đối hại, nghĩa là trong trăm kiếp tu tập tích lũy pháp thiện ấy khiến có cái giảm mất nên nói là đối hại”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Rộng cứu độ chúng sanh với diệu đức trong suốt đêm ngày như trước đã nói”.
Luận nói: Nếu ở trong thời gian nầy mà phỉ báng nhau thì làm tăng trưởng nguồn gốc bất thiện, làm giảm mất tuổi thọ, sắc lực an ổn đều bị giảm thiểu không có phần ít làm lợi ích và chỉ tìm cầu danh dự lợi dưỡng đồng thời tạo ra sự ngạo mạn”. Kinh Bảo Vân nói: “Phật bảo: Thiện nam tử! Nếu Bồ-tát được vô lượng trân bảo như núi Tu Di hoặc được những vật tệ lậu thì cũng phải nhận lấy các vật ấy. Vì sao? Vì Bồ-tát tư duy như vầy: Do chúng sanh nầy keo bẩn, ganh ghét, tham lam mà luyến tiếc vật của mình và người khác nên thường tranh cãi. Do nhân duyên nầy mà chìm đắm trong biển sanh tử. Ta muốn người kia trong đêm dài có lợi ích an vui nên thọ nhận vật thí của họ. Tuy nhiên hoàn toàn không thể làm sở hữu cho riêng mình, cũng không khởi tâm chấp trước mà chỉ vì cúng dường Phật, Pháp, Tăng cũng lại chuyển bố thí cho tất cả chúng sanh khiến người nghèo khổ được nuôi sống thân mạng, kẻ bố thí được sanh tâm hoan hỷ đầy đủ như thuyết kia và đạt được sự bố thí không kiêu mạn”. Kinh kia lại nói: “Giả sử có người đến vì ca ngợi nhân duyên bố thí, thì người nầy không sanh tâm cao ngạo, cho đến không có kiêu mạn. Lại nếu ca ngợi tán thán ta, thì khi khởi tâm cao ngạo liền diệt ngay không đợi lâu. Lại giả sử ở trong ba thời, xứ ca tụng tán thán thì phải sanh khởi trí nào? Nghĩa là biết các pháp vô thường, vô trụ, vô cường, vô lực khiến tâm hạ thấp chớ sanh cao ngạo, cho đến không có kiêu mạn. Như vậy Bồ-tát đối với các việc danh dự, lợi dưỡng, ca tụng, tán thán v.v… đều phải trụ ở chánh niệm”. Kinh kia lại nói: “Giống như gã Chiên-đà-la đi khắp thế gian với ý hạ thấp mà được lìa kiêu mạn, tùy nơi ở mà sanh khởi tưởng xin ăn”. Lại như kinh kia nói: “Thiện nam tử! Thứ nhất là,: Bồ-tát bỏ nhà đi xuất gia bị thân bằng quyến thuộc ruồng bỏ xem như thây chết thì nhờ nhân duyên nầy nên hàng phục được ngã mạn. Thứ hai là, đã hủy bỏ sắc đẹp, mặc áo hoại sắc, dung mạo khác tục vì nhân duyên ấy nên hàng phục được ngã mạn. Thứ ba là, đã cắt bỏ râu, tóc, tay cầm bình bát, đối với người thân hay chẳng thân đều du hành khất thực và nhờ nhân duyên ấy nên hàng phục được ngã mạn. Thứ tư là, như gã Chiên-đà-la, tâm nó hạ thấp mà du hành khất thực và nhờ nhân duyên ấy nên điều phục được ngã mạn. Thứ năm là, do khất thực nên cuộc sống bị lệ thuộc vào người khác và nhờ vậy mà chế phục được ngã mạn. Thứ sáu là, tuy bị người khác chửi mắng là kẻ ăn xin nhưng cũng thọ nhận vật thí ấy và nhờ nhân duyên ấy mà điều phục được ngã mạn. Thứ bảy là, tôn trọng cúng dường Axà-lê v.v… nhờ nhân duyên nầy mà chế phục được ngã mạn. Thứ tám là, do oai nghi đi đứng chánh trực, an nhiên khiến người phạm hạnh phát khởi tâm hoan hỷ và nhờ nhân duyên nầy mà chế phục được ngã mạn. Thứ chín là, đối với pháp của chư Phật chưa có chứng đắc thì nguyện sẽ chứng đắc và nhờ vậy mà chế phục được ngã mạn. Mười là, đối với sự sân hận phẫn nộ của các hữu tình thường tu hạnh nhẫn nhục nên nhờ vậy mà chế phục được ngã mạn”.
Kinh Hải Ý nói: “Nếu Bồ-tát được thân thanh tịnh, đầy đủ tướng mạo trang nghiêm, tay chân mềm mại, thù diệu có thể thành tựu phước sanh thân, các căn không giảm, phần thân viên mãn nhưng đối với hình sắc đẹp đẽ ấy cũng không kiêu hãnh, không lấy thân trang nghiêm ấy mà cầu sự xúc lạc. Đối với sắc tướng của chúng sanh, bấy giờ Bồ-tát vì cầu pháp nên khiêm hạ cung kính”. Kinh kia lại nói: “Thí như biển lớn ở vùng đất thấp, vốn có các con sông và những dòng nước nhỏ nhanh chóng chaỷ vào. Thế Tôn! Bồ-tát với tâm kính trọng tôn sư không cao ngạo cũng lại như vậy. Tất cả pháp môn sâu xa và thiện vi tế đều nhanh chóng nhập vào nhĩ căn của Bồ-tát. Thế Tôn! Do vậy Bồ-tát thường an trụ chánh niệm. Nếu cao ngạo ngã mạn không tôn trọng sư cũng chẳng cung kính lễ bái thì nên biết Bồ-tát bị ma chế phục”. Lại như phẩm Xuất Thế Gian nói: “Phật nói: Phật tử! Bồ-tát có mười thứ ma sự. Những gì là mười?
1. Đối với Hòa thượng, A-xà-lê, Cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn trụ ở chánh hạnh hướng về chánh đạo mà không khởi tâm tôn trọng.
2. Các Pháp sư thuyết pháp thù thắng, nói pháp rộng lớn, ở trong Đại thừa biết đạo Niết-bàn và Khế kinh khác mà đắc pháp tổng trì không có dừng nghỉ, nhưng đối với Pháp sư lại không khởi tôn trọng, và đối với những gì đã nghe, không khéo léo tu tập.
3. Tuy ở trong pháp hội nghe nói pháp lớn nhưng đối với Pháp sự lại không khen ngợi huống hồ khởi tâm tịnh tín.
4. Thích khởi tâm quá mạn tự chấp vào cái thấy của mình mà khinh miệt người khác, không biết khuyết điểm của mình, tâm không chọn lọc.
5. Thích khởi quá mạn tự mình không hay biết, đối với bậc A-lahán lại che giấu sự xấu ác, của mình, người ấy thực sự có đức nói không bằng mình, nên mình đáng khen, người ấy không đáng khen.
6. Hiểu rõ là pháp, là luật, là lời Phật dạy, nhưng vì hiềm khích với người kia nên hiềm khích pháp. Do phỉ báng chánh pháp nên thọ trì riêng khác.
7. Tự cầu tòa cao, nghĩa là nói: Ta tu hành đạo pháp không thể thuận theo việc gần gũi chấp sự. Đối những bậc tu phạm hạnh với đức độ cao dày sâu xa lại không khởi tâm kính ngưỡng, phụng sự.
8. Dung mạo không hòa nhã, khiêm cung, lại nhiều ủ rũ, lời nói thật thô thiển, tâm suy nghĩ điều ác.
9. Do tăng thượng mạn nên thích cười chế nhạo, không gần người có đức, không sanh cung kính, cũng không thích hỏi han đâu là điều thiện, đâu là điều bất thiện, hoặc điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Lại nữa, phải làm thế nào để trong đêm dài được lợi ích an vui, làm thế nào mà trong đêm dài không được an vui lợi ích. Do si ám mà ương ngạnh, bị mạn chấp giữ, không thể hiểu rõ pháp xuất yếu.
10. Do “mạn” che lấp nên giả sử Phật quá khứ xuất hiện cũng lại xa lìa, hủy hoại thiện căn xưa, không khởi thiện căn mới, rồi tạo ra nhiều sự tranh cãi. Nghĩa là trái với pháp hành nầy nên đọa lạc vào tà kiến. Đối với tâm bô-đề, căn lực thánh tài thì không thể đạt được. Do vậy, trong trăm ngàn kiếp thường không gặp Phật huống hồ nghe pháp!
Trên đây chính là mười thứ ma sự của Bồ-tát. Phật nói: Phật tử! Bồ-tát xả bỏ mười thứ ma sự nầy thì được mười loại trí nghiệp”.
Luận nói: Trong đây, mười trí nghiệp tức là khéo trụ vào sự hóa độ tất cả chúng sanh v.v… Kinh Hộ Quốc nói: “Người kia mắc phải tội ác khinh miệt, ngạo nghễ nên sanh vào chỗ biên địa bần tiện, đui mù, ám độn không có oai đức và luôn gần gũi kẻ ngu muội chấp trước ngã mạn”. Kinh Pháp Tập nói: “Các Bồ-tát muốn duy trì cõi Phật thì phải lấy cõi chúng sanh làm cõi Phật. Do đó, đắc được các pháp Phật và không hoại chánh hạnh. Nghĩa là các thiện hạnh ác hạnh đều nương vào chúng sanh mà thuyên chuyển cho nên ác hạnh nương vào tội ác mà khởi lên, thiện hạnh kia nương vào trời, người v.v…”. Kinh Bảo Quang Minh Đà-la-ni nói: “Phật bảo: Phật tử! Bồ-tát mới phát tâm, trước hết phải đối với tất cả chúng sanh phát khởi mười loại tâm. Những gì là mười?
- Tâm lợi ích
- Tâm an lạc
- Tâm thương xót
- Tâm thấm nhuần
- Tâm ưa thích
- Tâm nhiếp thủ
- Tâm thủ hộ
- Tâm bình đẳng
- Tâm trao truyền dạy dỗ
- Tâm xưng tán
Mười loại phát tâm nầy cũng như nhập vào lực tin hiểu kia”.
Kinh Tài Ấn nói: “Ta đã trụ vào tất cả chúng sanh làm đệ tử cũng khiến người khác trụ vào tất cả chúng sanh làm đệ tử, đều được sự an ổn. Nói tóm lại, Ta trước đã trụ vào sự cung kính lễ bái cũng giáo hóa tất cả chúng sanh trụ vào sự cung kính lễ bái”. Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu thích nói sự thanh tịnh của thế gian không có tai nạn thì tùy vào chỗ giáo hóa mà điều phục tất cả hữu tình tương lai sanh vào cõi Phật thanh tịnh”.
Luận nói: Nếu rửa chân ngồi kiết già trong tư duy thì nên khởi các việc yêu thích, tôn trọng như thế nào? Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bấy giờ, có vị vua tên Pháp Âm Cái ở trong đại chúng ngồi trên tòa sư tử. Lúc ấy,, nhiều người đồng chấp tay đứng trước mặt vua, cung kính đảnh lễ. Khi đó, vua Pháp Âm Cái thấy những người ăn xin liền sanh tâm hoan hỷ lớn, đầy tâm đại bi, giả sử chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới đều làm Chuyển luân vương trải qua vô số kiếp được các diệu lạc vượt xa hơn trước đã nói, cho đến vua trời Tịnh Cư ở trong vô số kiếp thực hành pháp môn giải thoát tịch tĩnh thì cũng như trước đã nói. Nầy Thiện nam tử! Ví như có người chỉ yêu thích nuôi dưỡng cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè, nam nữ quyến thuộc, thê thiếp mà xa nhau quá lâu, sau ở đồng trống bỗng nhiên được gặp, lại hỏi thăm và sanh tâm tôn trọng thương mến, nhìn nhau không hề nhàm chán. Nầy Thiện nam tử! Vua Pháp Âm Cái cũng lại như vậy. Khi thấy người đến cầu xin vua đều rất yêu thích, tâm sanh hỷ lạc mà phát khởi lòng hy hữu tối thượng. Nhẫn đến đối với những người ăn xin vua khởi tưởng như con mình, tưởng cha mẹ mình, tưởng phước điền, tưởng thiện tri thức, tưởng lực kiên cố, tưởng việc khó được, khó làm mà nay làm được, tưởng làm nhiều việc, tưởng thành tựu biện tài tối thượng, tưởng gần trụ đạo Bồđề, tưởng A-xà-lê giáo giới. Như có người đến gặp thì biết cách thừa sự căn tánh của chúng sanh mà bình đẳng xả bỏ tất cả không ngăn ngại, ngay cả xả thí thân mình để đáp ứng nhu cầu của họ. Lại nữa, phải chọn nơi để trang nghiêm thanh tịnh xả bỏ sự tự lợi của mình v.v…”.
Luận nói: Nếu người chủ tịnh tín thì những người theo người chủ ấy cũng nên tịnh tín. Khiến dạy dỗ họ được đầy đủ các việc lợi ích. Nên tác ý như vầy: Hướng đến thân Tỳ-kheo có tật bệnh nghĩ: Xưa Phật Thế Tôn vẫ chăm sóc (người bệnh) như Tạp Tụng Luật Tỳ Kheo nói:: “Phật bảo đệ tử: Ông chớ coi thường xả bỏ Tỳ-kheo bệnh nầy, Ta là bậc tôn quý trong chúng Tỳ-kheo còn chăm sóc phục vụ, giặt giũ y áo cho Tỳkheo bệnh nầy. Cho đến dọn dẹp các thứ dơ bẩn. Đức Phật nói xong, Anan-đà liền bạch Phật: Thế Tôn! Xin Ngài chớ nên giặt y cho Tỳ-kheo bệnh nầy khiến làm dơ thân Như Lai. Con sẽ thay thế ngài làm việc ấy. Phật bảo A-nan: Ông nên giặt y cho Tỳ-kheo bệnh nầy còn Như Lai sẽ tự tay múc nước tắm cho ông ta. Bấy giờ, A-nan giặt y áo cho Tỳ-kheo kia, Như Lai tự tay múc nước để tắm gội cho đến tổng lược nói: “Bấy giờ, A-nan như lời của Tỳ-kheo bệnh kia mà nói: “Lành thay! Ông nên đứng dậy! Ta nay dìu ông ra ngoài, ra ngoài rồi đứng yên. Như Lai sẽ tự tay múc nước tắm gội cho ông”. Phật nói kệ bảo A-nan.
Ông thừa sự rộng lớn
Tế độ sanh hoan hỷ
Vì lo khổ tổn hại
Xả ly các chúng sanh
Như người tịnh tín nầy
Thành tựu ruộng phước tốt
Sở hữu trong thế gian
Chẳng loài chúng sanh khác
Thí như bình như ý
Muốn chứa sữa rượu ngon
Tôn trọng lời trời kia
Cho nên sanh cung kính
Cũng như phép vợ mới
Phục vụ không tạm bỏ
Cứu vô lượng chúng sanh
Sau sẽ được xuất ly
Nếu trước mắt tôn trọng
Giữ gìn trên đỉnh đầu
Đặt chúng trong búi tóc
Nhất tâm nên không động
Hoặc đọa ngục A-tỳ
Hoặc nay tạo sẽ tạo
Các pháp độ rộng lớn
Tu hành thiện như thế
Tự ngã làm chủ thể
Nghĩa ngã không thể được
Đối kia tạo tác kia
Không bị mạn sai sử
Hỷ lạc tịnh các căn
Khổ nên nhập phiền não
Do các căn điềm nhiên
Làm phương hóa độ kia
Chúng sanh nếu thọ khổ
Toàn thân như hầm lửa
Đối các ý vui dục
Có phương tiện thương xót
Thương các người tạo khổ
Nên Ta cầu khổ ấy
Nếu nhẫn chịu mệt mỏi
Như tội phải sám hối
Nếu ở chỗ Thế Tôn
Đầu chân đều tán hoại
Ta xả các thế gian
Vì thừa sự Như Lai
Ta tạo các chúng sanh
Thương xót không nghi hoặc
Thấy những người như vậy
Do đâu không tôn kính!
Ta gần việc Như Lai
Chí thành nơi tự lợi
Vì trừ khổ thế gian
Nên con trì tịnh giới
Nếu có người cang cường
Phá hoại nơi đại chúng
Nguyện thường thấy chúng sanh
Khiến không thể tạo tác
Lại nếu chúng cang cường
Mỗi mỗi như lực vua
Huống không oai như vậy
Sao dụng hình phạt ác?
Nếu gặp kẻ bạo chúa
Trị quan và ngục tốt
Lực tâm hành thương xót
Cứu tế các quần sanh
Thì chỗ nào sân nộ?
Thà đồng khổ địa ngục!
Nếu não bức chúng sanh
Tạo đây cũng thọ nhận
Đại hỷ chỗ nào thí?
Há đạt được chánh giác
Nếu chúng sanh vui vẻ
Tạo đây cũng thọ nhận
Ông sau sẽ làm Phật
Độ chúng sanh thoát khổ
Sao gọi không ngừng quán?
Hiện trụ xưng tán người
Thân thanh tịnh trang ngiêm
Và tuổi thọ lâu dài
Đến đạt nhẫn sanh tử
Diệu lạc của luân vương
Nếu tâm từ cúng dường
Gọi thân chúng sanh lớn
Lấy phước báo của Phật
Làm thân lớn Như Lai
Luận nói: Tu quán tâm từ, là như kinh Nguyệt Đăng nói: “Cho đến cúng dường vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức các cõi Phật không thể tính lường, như vậy cũng không bằng đem tâm từ thứ tự cung kính cúng dường thường được xa lìa cao ngạo và tác ý không như lý”.
Luận nói: Người nhất tâm hiểu rõ sự việc nầy thì như kinh Bảo Vân nói: “Thiện nam tử! Sao gọi là Bồ-tát không tác ý như lý? Vì Bồtát nầy một mình ở xứ nhàn tĩnh, trụ không tạp loạn và phát tâm như vầy: “Ta nhờ ở xứ nhàn tịnh, trụ chỗ không tạp loạn v.v… nên chỉ có ta mới có thể thuận theo pháp luật của Như Lai. Đây gọi là Bồ-tát không như lý tác ý”. Kinh kia lại nói: “Bồ-tát khi khởi tinh tấn không chống lại sự giáo hối, nghĩa là không tự khoe khoang đức của mình, cũng không khinh miệt người khác. Như vậy gọi là phát sanh thiện tuệ. Tuy nhiên, đối với sự tu tập của mình, cũng cầu mong sự giáo huấn của người khác. Như vậy gọi là Bồ-tát được tinh tấn, khiêm nhường”.
Luận nói: Đã lược nói sự hộ trì thọ dụng phước rồi, nếu hồi hướng về Bồ-đề thì như kinh Vô Tận Ý nói: “Phật bảo: Xá-lợi-tử! Nếu người dùng chút ít thiện căn hồi hướng về Bồ-đề cho đến ngồi ở Bồ-đề đạo tràng, quyết không tan mất. Thí như một giọt nước rơi vào trong biển lớn cho đến kiếp trụ vô biên cõi vô biên cuối cùng cũng không tan mất”.
Phẩm 8: THANH TỊNH
Phần 1
Luận nói: Nói hộ trì thân v.v… có ba loại thanh tịnh nay phải trình bày nghĩa nầy. Sao gọi là tự thân thọ dụng thanh tịnh đều được an ổn? Nếu người đối với bản thân biểu hiển sự ăn uống thanh tịnh thì thành tựu chánh đẳng Bồ-đề. Kinh Bí Mật Đại thừa nói: “Bồ-tát ở trong thành ấp lớn, gò mả cao hay đồng trống do vô số trăm nghìn chúng sanh khắp trong đó mà Bồ-tát thị hiện tướng diệt mất và có các chúng sanh bàng sanh thân lớn cho đến khiến chúng ăn thịt mình, do đó khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi trời và cõi thiện khác. Vì nhân duyên nầy nên rốt cuộc nhập Niết-bàn. Đó gọi là nguyện trước cửa Bồ-tát thanh tịnh. Ở trong đêm dài tăm tối nầy vì đáp trả nguyện trước mà Bồ-tát thường làm việc lợi ích cho chúng sanh. Khi lâm chung, khiến chúng ăn thịt mình và do duyên nầy nên được sanh vào cõi trời cho đến rốt sau sẽ vào Niết-bàn. Nghĩa là Bồ-tát thành tựu trì giới, thành tựu tư duy, thành tựu mong cầu v.v… các nguyện trước như vậy”. Kinh kia lại nói: “Hiển bày ánh sáng pháp thân là vì làm lợi ích cho chúng sanh. Tịch Tuệ nên biết! Ví như Y vương Hoạt mệnh tích tập đầy đủ các thứ thuốc hay đâm giã, nghiền nhỏ hòa hợp thành hình tướng người nữ đẹp rất đoan chánh, ai thấy cũng sanh tâm ưa thích, khéo an lập thi hành các sự v.v… đi, đứng, nằm, ngồi đều phân biệt rõ ràng. Các quốc vương, vương tử, đại thần, Trưởng giả, Cư sĩ đến gặp Y vương thì được thấy tướng người nữ thù diệu ấy mọi thứ diệu lạc cung cấp hầu hạ. Do cung cấp hầu hạ nên tất cả đều an vui và không còn phiền não. Phật bảo: Tịch Tuệ! Ông nên quan sát Y vương Hoạt mệnh nầy mà gieo trồng các thứ diệu lạc để trừ diệt bệnh tật của thế gian. Nên biết thầy thuốc khác không hề có trí tuệ nầy. Tịch Tuệ! Việc hiển bày ánh sáng pháp thân của Bồ-tát cũng lại như vậy. Cho đến có người nam, người nữ, đồng nam, Đồng nữ và chúng sanh khác bị tham, sân, si thiêu đốt, nung nấu khắp cả thân mà nếu trong khoảnh khắc thấy được Bồ-tát thì tất cả xa lìa sự thiêu đốt của phiền não, thân được nhẹ nhàng. Đây gọi là túc nguyện rất thanh tịnh của Bồ-tát”.
Luận nói: Nghĩa thân thanh tịnh nầy giống như mầm lúa bị cỏ che lấp không thể phát triển tươi tốt, mầm mống Bồ-đề ấy do phiền não che lấp nên không tăng trưởng thù thắng hoặc không thực hành đối trị, tư duy mong cầu. Đâu thể có giải thoát mà khiến phiền não kia tăng trưởng! Ông nên nhất tâm quán sát thế gian nếu tội nghiệp thanh tịnh tức thân khí được thanh tịnh gọi là chánh giác. Lại nữa nghiệp tội thanh tịnh là như kinh Tứ Pháp nói: “Phật bảo: Từ Thị! Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì trước hết diệt hết sự tích tập tội đã gây tạo lâu nay. Những gì là bốn? Nghĩa là hành hối quá, hành đối trị, lực chế chỉ, lực y chỉ. Hành hối quá tức là đối với hành nghiệp bất thiện phải cải hối nhiều. Hành đối trị nghĩa là đã tạo nghiệp bất thiện rồi thì nay phải từ bỏ và phải thực hiện các nghiệp thiện để đối trị đồng thời làm các việc lợi ích khác. Lực y chỉ tức nhờ vào sự đọc tụng giới cấm mà được không hủy phạm. Lực y chỉ nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng và không xa lìa tâm Bồ-đề. Do hay y chỉ lực nầy mà nhất định diệt trừ các tội kia v.v… Phật bảo: Từ Thị! Đây gọi là Bồ-tát thành tựu bốn pháp nhằm diệt trừ tất cả tội lỗi đã gây tạo trong quá khứ”.