LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Bồ-tát Long Thọ soạn.
Tỳ kheo Tự Tại giải thích.
Hán dịch: Đời Tùy, Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Hỏi: Nếu như vậy thì phước đức tích tụ số lượng đến trăm Tu Di sẽ không có, vì thế cũng không một người nào có thể đạt được Bồ-đề sao?

Đáp:

Tuy tạo phước đức nhỏ
Đây cũng có phương tiện
Nơi tất cả chúng sanh
Nên đều khởi duyên dựa.

Nếu vậy thì Bồ-tát tuy tạo ít phước đức, nhưng vì có phương tiện nên trở thành tích lũy phước đức to lớn. Hoặc lấy đồ ăn thức uống bố thí cho chúng sanh, hoặc dùng hoa hương tốt đẹp dâng cúng hình tượng Như Lai. Những phước đức ấy, đối nơi các chúng sanh thuộc tất cả thế giới, thảy đều thực hiện duyên dựa: Ta dùng phước đức nầy, làm cho các chúng sanh đều đạt được Chánh giác Vô thượng. Lại dùng phước đức ấy, cùng chia sẻ với các chúng sanh. Những phước đức như vậy, cùng với các chúng sanh hồi hướng Bồ-đề, đây gọi là Bồ-tát thực hành phương tiện. Hồi hướng như thế, phước đức đó trở thành vô lượng vô biên không thể kể xiết. Vì vậy nên trí Nhất thiết trí ấy tuy là vô biên, nhưng cũng dùng tướng phước đức vô biên nầy tức có thể đạt được. Lại có nghĩa khác:

Mình có những việc làm
Thường vì lợi chúng sanh
Những tâm hành như vậy
Ai lường được phước đó?

Bồ-tát từ ngày đến đêm, thường khởi tâm hành như vầy: Nếu tất cả việc làm tốt đẹp phát xuất từ thân khẩu ý của mình, đều là vì cứu độ các chúng sanh, vì giải thoát các chúng sanh, vì thức tỉnh các chúng sanh, vì tịch diệt cho các chúng sanh nên dấy lên, cho đến vì khiến chúng sanh đạt đầy đủ trí Nhất thiết trí. Bồ-tát ấy đầy đủ đại bi như vậy, an trú trong phương tiện thiện xảo, thì phước đức vốn có, trừ chư Phật ra, người nào có thể suy lường được? Vì vậy, người có đủ phước đức nầy có thể đạt được quả vị Bồ-đề.

Hỏi: Tại sao phước đức nầy lại là vô lượng?

Đáp:
Không ái thân thuộc mình
Cùng thân mạng, tài sản
Không tham vui tự tại
Phạm thế và cõi khác.
Cũng không tham Niết-bàn
Vì hướng về chúng sanh
Đây chỉ nghĩ chúng sanh
Phước đó ai lường được?

Đây là trong lúc Bồ-tát thực hành hạnh sáu độ, đối với con cái cho đến thân thuộc, hoặc là tài sản như vàng bạc…, hoặc là thọ mạng của mình, hoặc là các phần thân thể, hoặc là toàn thân, hoặc là niềm vui của thân và tâm, hoặc là trời – người tự tại, hoặc là thân trời cõi Phạm, hoặc là trời cõi Vô sắc, cả đến Niết-bàn, vì chúng sanh nên tất cả cũng đều không tham ái, chỉ thương xót nghĩ đến chúng sanh không hề rời bỏ. Mình nên làm gì khiến cho chúng sanh thơ dại, hàng phàm phu vô trí đang bị màng mắt che mù nầy, thoát khỏi ngục tù của ba cõi, đặt yên ổn vào trong tòa thành vô úy thường lạc của Niết-bàn? Bồ-tát thực hành công việc lợi lạc như vậy, đối với các chúng sanh không nhân mà lại yêu thương, phước đức vốn có nầy người nào có thể lường tính? Kệ nói:

Thế gian không che chở
Cứu giúp những khổ não
Khởi tâm hạnh như vậy
Phước đó ai lường tính?

Bồ-tát nầy thường lấy đại bi, khởi lên ý niệm như vầy: Nay tại thế gian nầy không ai cứu giúp – không ai che chở, đi khắp nơi sáu nẻo vào trong lửa dữ của ba khổ, không có nơi nào trở về nương nhờ, đành phải dong ruổi hết nơi nầy đến nơi khác, những căn bệnh của thân tâm luôn luôn phát sanh khổ não. Không có nơi nào nương tựa, che chở thì mình nên làm nơi nương tựa, cứu giúp thân tâm của họ đã nhận chịu các khổ.

Khởi tâm hạnh nầy, phước đức vốn có ấy người nào có thể lường tính?

Trí độ thường tương ưng
Như dắt bò vừa sanh
Một tháng lại nhiều tháng
Phước đó ai lường tính?

Bát nhã Ba-la-mật nầy luôn sanh ra chư Phật, Bồ-tát, và thành tựu pháp của chư Phật, Bồ-tát. Bồ-tát như đối với việc dắt bò vừa sanh, tư duy tu tập về phước đức ấy, còn không có số lượng, huống hồ như là một ngày đêm – hai ngày đêm – ba ngày đêm, cho đến bảy ngày đêm – nửa tháng – một tháng, nếu tiếp tục nhiều tháng tu tập tương ưng, thì phước đức vốn có ấy người nào có thể lường tính?

Nơi kinh Phật từng khen
Tự tụng, cũng dạy người
Cho đến phân biệt nói
Đó là phước đức tụ.

Thâm diệu, nghĩa là kinh rất sâu xa, tương ưng với hư không sanh ra ở thế gian, nên kinh ấy quả là rất sâu xa. Vả lại, vì phân biệt về duyên sanh, duyên sanh ấy chính là pháp, pháp chính là thân Như Lai. Pháp đó tương ưng với thân Như Lai, là kinh rất thâm diệu. Chư Phật đã khen ngợi điều ấy, hoặc là tự mình đọc tụng, hoặc chỉ dẫn người khác đọc tụng, hoặc vì người khác giảng giải, tâm không mong cầu gì, vì chỉ muốn thân Như Lai không bị ẩn mất. Thân Như Lai chính là pháp thân, nên mong muốn làm cho tồn tại mãi mãi giữa thế gian. Tất cả phước đức ấy người nào có thể lường tính được.

Khiến vô lượng chúng sanh
Phát tâm vì Bồ-đề
Phước giữ lại tăng hơn
Nên được địa Bất động.

Bồ-tát nầy có phương tiện thiện xảo, trước hết sử dụng bốn nhiếp pháp để thâu phục các chúng sanh, biết chúng sanh kia nhận làm theo lời mình nói rồi, sau đó dạy dỗ khiến phát tâm Bồ-đề. Bồ-tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo như vậy, khiến các chúng sanh phát tâm Bồđề, tất cả phước đức ấy không người nào có thể lường tính được, vì vô lượng. Lại vì khiến cho các chúng sanh phát tâm Bồ-đề, phước giữ lại càng nhiều lên hẳn. Nói là phước cất giữ (phước tạng), vì phước đó không có tận cùng, vì khả năng đạt đến mức không tận cùng nên không thể hết được. Địa Bất động là vì không thể lay động nên gọi là địa Bất động. Trong nầy, nói về Bồ-tát khiến người khác phát tâm Bồ-đề, ở trong đời đời kiếp kiếp, tâm Bồ-đề không lay động, không biến đổi. Do khiến cho người khác phát tâm Bồ-đề, nên tâm nầy chính là nhân của địa Bất động.

Thuận theo Phật đã chuyển
Là pháp luân tối thắng
Diệt trừ mọi nghiệp ác
Là phước tạng Bồ-tát.

Như Đức Phật, ở trong vườn Nai – trú xứ của người cõi Tiên – nơi thành Ba-la-nại, chuyển pháp luân rồi, đối với pháp luân tối thắng ấy tùy thuận chuyển tiếp, cũng là phước lưu trữ. Tùy thuận chuyển nầy có ba loại nhân duyên, đó là đối với kinh thâm diệu Như Lai giảng nói, tương ưng với hư không xuất hiện ở thế gian, hoặc là giữ gìn, hoặc là giảng nói, cho đến thuận theo pháp thực hành pháp. Nếu đối với các kinh như vậy, giữ gìn khiến cho không mất, đây là tùy thuận chuyển pháp luân thứ nhất. Vì chúng sanh có căn khí mà phân biệt diễn giải, đây là tùy thuận chuyển pháp luân thứ hai. Như trong kinh đã nói, dựa theo pháp tu hành, đây là tùy thuận chuyển pháp luân thứ ba. Diệt trừ sạch mọi nghiệp ác, như Đức Phật dạy nghiệp ác ấy đó là tà kiến của ngoại đạo, cho đến ma ác cõi Dục tự tiện quấy phá, ghét bỏ giải thoát. Nếu trong bốn chúng, hoặc có người khác, không phải pháp nói là pháp, không phải luật nói là luật, không phải thầy dạy nói là thầy dạy…, đây là những nghiệp ác trong nội bộ Phật giáo, cần phải như pháp làm cho những hạng kia phải khuất phục, bẻ gãy kiến chấp, phá tan kiêu mạn, khiến cho giáo pháp của Phật tỏa sáng hẳn lên. Đây gọi là diệt trừ sạch mọi nghiệp ác. Vì diệt trừ sạch nghiệp ác, nên nói là Bồ-tát tàng trữ phước đức.

Vì lợi lạc chúng sanh
Nhẫn chịu khổ địa ngục
Huống hồ những khổ nhỏ
Quả Bồ-đề ở tay.

Nếu Bồ-tát mặc áo giáp kiên cố, thường vì lợi lạc cho chúng sanh, ý phát khởi tinh tấn, đối với một chúng sanh vì khiến được giải thoát, tuy ở trong địa ngục A-tỳ cho đến địa ngục lớn hơn, trải qua đời kiếp vất vả cực nhọc có thể nhẫn không lay động, huống hồ những khổ nhỏ khác. Bồ-tát có thể chịu đựng những khổ như vậy, nên biết quả vị Bồđề dường như ở trong bàn tay phải.

Khởi tạo không vì mình
Chỉ lợi lạc chúng sanh
Đều do tâm đại bi
Quả Bồ-đề trong tay.

Những việc được khởi lên thực hiện của Bồ-tát, như là bố thí…, do tâm đại bi, chỉ vì lợi lạc cho chúng sanh, cũng vì làm cho chúng sanh được đến Niết-bàn, cuối cùng không vì niềm vui nhỏ của riêng mình, đó cũng là tâm bi rộng lớn. Bậc đại nhân như vậy, nên biết quả vị Bồ-đề đã đến trong tay phải.

Trí tuệ lìa hý luận
Tinh tấn lìa lười nhác
Bố thí lìa tham tiếc
Quả Bồ-đề trong tay.

Hỏi: Trước đã giải thích về các Ba-la-mật là Đà-na v.v…, nay lại giải thích là có những ý gì?

Đáp: Trước đã giải thích phần nhiều vì người tu hành, nay giải thích là vì người không hề có sức nhẫn và không có trí tuệ soi sáng. Vì hiểu biết cùng chung một tướng, nên trí người kia xa rời mọi hý luận. Do không rời bỏ cái ách, người kia tinh tấn mọi sự lười nhác. Vì trừ bỏ tham, người kia bố thí xa lìa tâm keo kiệt tiếc nuối. Bồ-tát như vậy, nên biết quả vị Bồ-đề đã đến trong tay phải.

Không nương-không giác định
Giới viên mãn không lẫn
Đạt được nhẫn vô sanh
Quả Bồ-đề trong tay.

Nếu Bồ-tát thành tựu Thiền na Ba-la-mật rồi, thì định nầy không dựa vào ba cõi, tướng đó vắng lặng không có sự suy tư. Còn Thi la đầy đủ không lẫn tạp, không vẩn đục, hồi hướng Bồ-đề không mất. Lại khéo thành tựu Bát nhã Ba-la-mật rồi, trong pháp duyên sanh trú vào nhẫn vô sanh, xưa nay tốt đẹp nên không thối chuyển. Nên biết quả vị Bồ-đề đã ở trong bàn tay phải.

Hỏi: Đã nói về nguyên do tu hành cho đến đạt được nhẫn vị, tích tụ phước đức của Bồ-tát, phước đức nầy quy tụ có thể đạt được quả vị Bồ-đề, đâu nói đến nguyên do tích tụ những phước đức của hàng Bồ-tát mới phát tâm, phước đức nầy quy tụ có thể đạt được quả vị Bồ-đề hay không?

Đáp:

Hiện tại trú mười phương
Các bậc Chánh Đẳng Giác
Con đều trước các vị
Nói rõ những bất thiện.

Nếu có chư Phật Thế Tôn hiện tại, ở nơi thế gian khắp mười phương không có chướng ngại, dùng nguyện lực của mình, vì lợi ích cho chúng sanh mà an trú, nay hướng về trước các Đức Phật, những bậc đã chứng thực tỏ bày các tội lỗi: Nếu con từ vô thỉ lưu chuyển đến nay, ở tại đời trước đó và thời gian hiện tại nầy, hoặc tự mình tạo các nghiệp ác, hoặc dạy người khác làm, hoặc tùy hỷ với họ, vì tham-sân-si dấy lên nghiệp ác của thân-khẩu-ý, con đều nói ra tất cả không dám che giấu, tất cả nên đoạn trừ vĩnh viễn, trọn đời không tạo ra nữa.

Ở mười phương thế giới
Chư Phật chứng Bồ-đề
Không diễn nói kinh pháp
Con thỉnh chuyển Pháp luân.

Nếu Đức Phật Thế Tôn đầy đủ đại nguyện, ở nơi cội Bồ-đề, chứng quả vị Chánh giác Vô thượng, an trú yên lặng trong thiểu dục, không vì thế gian chuyển pháp luân của Phật, con sẽ thỉnh cầu Đức Phật ấy chuyển pháp luân, đem lợi ích cho mọi người, đem an lạc cho nhiều người, thương xót thế gian, vì đại chúng ban lợi lạc cho trời người.

Hiện tại mười phương giới
Tất cả Chánh Đẳng Giác
Nếu sắp xả thọ mạng
Đảnh lễ, thỉnh cầu trụ.

Nếu Đức Phật Thế Tôn ở thế gian không còn vướng bận, quyết định ở mười phương chứng quả Bồ-đề, chuyển pháp luân, an trú chánh pháp, những chúng sanh cần hóa độ đã hóa độ xong, nên xả bỏ thọ mạng, con sẽ đảnh lễ Đức Phật ấy, thỉnh cầu Ngài an trú thời gian lâu dài, tạo lợi ích cho mọi người, tạo an lạc cho nhiều người, thương xót thế gian, vì đại chúng ban lợi lạc cho trời người.

Nếu các loài chúng sanh
Thuận nơi thân khẩu ý
Đã sanh thí-giới-phước
Cùng với tư duy tu.
Thánh nhân cùng phàm phu
Đời quá-hiện-vị lai
Phước đức tích tụ được
Con đều sanh tùy hỷ.

Nếu các chúng sanh đã làm điều phước đức như là bố thí-trì giới -tu tập…, phát sanh ra từ nơi thân-khẩu-ý, đã tích tu-đang tích tụ, cho đến sẽ tích tụ. Hàng Thanh văn-Độc giác-chư Phật-Bồ-tát và các Thánh nhân, cho đến những phước đức vốn có của hàng phàm phu, con đều tùy hỷ tất cả. Tùy hỷ như vậy, ấy là người cao nhất, là người an trú hơn hẳn, người ở cảnh giới đặc biệt, người cao nhất ở trên, người thâu phục tốt đẹp, người vô cùng tuyệt vời, người vô thượng, người vô đẳng, người vô đẳng đẳng. Tùy hỷ như vậy mới gọi là tùy hỷ.

Nếu con phước hiện có
Đều làm thành một khối
Quay lại giúp chúng sanh
Để khiến được Chánh giác.

Nếu con từ vô thỉ lưu chuyển đến nay, đối với Phật Pháp Tăng và bên cạnh người khác, tất cả phước đức tích tụ được, thậm chí bố thí cho loài súc sanh một nắm thức ăn, hoặc là thiện căn quy y, hoặc thiện căn sám hối lỗi lầm, hoặc thiện căn thỉnh cầu, hoặc thiện căn tùy hỷ, tất cả điều ấy đều tùy theo số lượng cùng làm thành một khối. Con vì các chúng sanh, hồi hướng Bồ-đề đều bố thí cho hết. Dùng thiện căn nầy, làm cho các chúng sanh chứng được quả vị Chánh giác Vô thượng, đạt đến Nhất thiết trí.

Con hối lỗi như vậy
Khuyến thỉnh phước tùy hỷ
Và hồi hướng Bồ-đề
Nên biết như chư Phật.

Nếu con vì các chúng sanh hồi hướng thiện căn về Bồ-đề, như thiện căn sám hối lỗi lầm, hoặc là thiện căn khuyến thỉnh chuyển pháp luân, hoặc thiện căn thỉnh cầu trường thọ, hoặc thiện căn tùy hỷ…, tất cả thiện căn ấy đều tùy theo số lượng làm thành một khối, như chư Phật Thế Tôn quá khứ-vị lai-hiện tại trong thời gian làm Bồ-tát, đã thực hiện hồi hướng, đang thực hiện hồi hướng, con cũng như vậy, đem các thiện căn hồi hướng Bồ-đề, vì hồi hướng thiện căn nầy, khiến cho con và các chúng sanh sẽ chứng được quả vị Chánh giác Vô thượng. Nay con lại nói sơ lược:

Nói hối tội của con
Thỉnh Phật tùy hỷ phước
Và hồi hướng Bồ-đề
Như bậc Tối thắng dạy.

Tự mình có tội lỗi, tất cả đều nói sám hối, thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân, an trú thọ mạng trong thời gian dài lâu, tùy hỷ mọi phước đức, hồi hướng mọi phước đức. Hồi hướng vì cầu Bồ-đề như trước. Như bậc Tối thắng đã chỉ dạy, hồi hướng như vậy chỉ vì cầu đạt đến Bồ-đề.

Hỏi: Còn hồi hướng ấy, nên làm thế nào?

Đáp:

Gối phải vòng sát đất
Một tay sửa y phục
Ngày đêm hành ba lần
Chắp tay làm như vậy.

Nên tự mình thanh tịnh, mặc áo quần sạch sẽ, rửa ráy tay chân, y phục chỉnh tề. Từ trên một cánh tay khoác y phục vào rồi, dùng đầu gối bên phải đặt gọn trên mặt đất, chắp tay lại nhất tâm xa rời ý phân biệt. Nếu như ở nơi tháp thờ Phật, hoặc ở trước tượng Phật, hoặc ở tại hư không, dựa theo duyên chư Phật như đang ở trước mặt, khởi lên ý như vậy, như trước đã nói, hoặc ngày hoặc đêm đều thực hành ba lần.

Phước đã làm một thời
Nếu như có hình sắc
Hằng sa đại thiên giới
Cũng không thể dung nạp.

Ở trong sáu lần hồi hướng đã nói kia, nếu phân biệt phước đức từ trong một lần thực hành, chư Phật Thế Tôn, bậc thấy như thật đã nói, thì phước đức nếu có hình sắc giống như các loại lúa thóc tích tụ, phước đức tích tụ đó không có hạn lượng, tuy đại tam thiên thế giới số nhiều như Hằng hà sa, cùng tận giới hạn đó cũng không thể nào chứa đựng hết. Vì phước hồi hướng ấy cùng với cõi hư không bằng nhau, cho đến hồi hướng một lần, còn có phước tụ như vậy, nên dần dần có thể đạt được quả vị Bồ-đề.

Hỏi: Đã nói các vị Bồ-tát có phương tiện thành tựu phước tụ to lớn, nay muốn bảo vệ phước tụ thì dùng phương tiện gì?

Đáp:

Người ấy mới phát tâm
Đối các Bồ-tát nhỏ
Nên khởi tâm kính trọng
Giống như thầy, cha, mẹ.

Bồ-tát mới phát tâm, nếu muốn bảo vệ thiện căn cùng với thân tướng của mình, thì đối với các vị Bồ-tát mới phát tâm, nên khởi tâm kính trọng hết sức, giống như đối với Đức Phật là bậc thầy Nhất thiết trí và là bậc cha mẹ đã sanh ra mình. Như vậy, lấy Bồ-tát mới phát tâm làm đầu tiên. Đối với các vị Bồ-tát cũng nên thể hiện sự kính trọng hết sức như vậy. Nếu khác với điều nầy, thì tự thân và thiện căn thảy đều mất hết. Như trong kinh, Đức Thế Tôn từng nói: Ta không thấy một pháp còn lại nào làm chướng ngại Bồ-tát, cho đến mất hết thiện căn. Như đối với Bồ-tát khởi tâm sân giận, Bồ-tát kia tuy có trải qua trăm kiếp tu tập tích lũy thiện căn, mà do tâm sân nầy, tất cả thiện căn đều mất hết… Vì vậy đối với các vị Bồ-tát nên khởi tâm tôn trọng, giống như thầy dạy.

Bồ-tát tuy có lỗi
Hãy còn không nên nói
Huống hồ sự không thật
Chỉ nên khen như thật.

Nếu Bồ-tát chê bai lỗi lầm của người thực hành Đại thừa, khiến họ phải mang tiếng xấu, thì tất cả pháp thiện của nhiều đời kiếp thảy đều mất hết, pháp thanh tịnh không thể tăng trưởng. Vì vậy các bậc Bồ-tát tuy có sai lầm, vì bảo vệ thiện căn thân mạng của chính mình, không nên nói để lộ ra, huống là không có thật, ví như gán tội cho vua. Như trong kinh nói: “Có vị Bồ-tát sống đời thanh tịnh, không có gì đáng nói xấu, nhưng Tỳ kheo Đạt Ma kia nói càn về điều xấu xa của Bồ-tát đó. Vì vậy, ở trong bảy mươi kiếp nhận chịu báo ứng của địa ngục, lại ở trong sáu vạn đời làm người bần cùng, thường bị đui mù câm ngọng, dịch bệnh tệ hại”. Thế nên đối với các vị Bồ-tát, nếu có điều xấu hoặc không có điều xấu, đều không được nói ra. Họ có đức thật sự chỉ nên ca ngợi truyền tụng, để thiện căn của mình được tăng trưởng, cũng là giúp cho người khác phát sanh niềm tin.

Nếu người nguyện làm Phật
Muốn cho không thoái chuyển
Bày tỏ rõ mãnh liệt
Cũng khiến sanh vui thích.

Nếu có chúng sanh đã phát nguyện cầu đạo Bồ-đề, chỉ mong muốn khiến nguyện đó không lui sụt, nhưng có người ngu si, nóng giận và tham lam, tự câu kết bè nhóm nên nói như vầy: Cần gì hành thêm hạnh khó hành của Bồ-tát. Niết-bàn đó là niềm vui bình đẳng giống nhau, thực hành hạnh Thanh văn mau chóng đến được Niết-bàn. Loại người nầy, sau sẽ nói đến quả báo của họ. Nếu dùng nhiều loại thí dụ để hiển bày công đức của Phật, khiến đi vào trong tâm, đây là chỉ bày rõ. Khiến họ có đầy đủ các hạnh tinh tấn của Bồ-tát, đây là làm cho mãnh liệt. Muốn khiến cho tinh tấn càng tăng thêm để mau chóng được lợi ích, vì họ nói về đại thần thông và công đức của bậc Chánh giác, đây là làm cho vui thích. Như vậy làm cho người kia không rời bỏ tâm nguyện Bồ-đề.

Chưa hiểu kinh sâu xa
Đừng nói chẳng Phật thuyết
Nếu nói lời như vậy
Nhận báo ác khổ nhất.

Kinh rất sâu xa: Đó là Đức Phật đã thuyết giảng pháp tương ưng với Không-Vô tướng-Vô nguyện, trừ bỏ vô lượng biên kiến về đoạn- thường…, diệt sạch tự tánh về ngã-nhân-chúng sanh-thọ giả…, hiển bày công đức hy hữu và đại thần thông của Như Lai. Đối với kinh luật nầy, nếu như chưa chứng thực biết rõ, đừng vì ngu si mà nói là không phải Đức Phật giảng nói. Vì sao? Vì Đức Phật giảng nói, nếu như phỉ báng kinh luật của Như Lai đã thuyết giảng, thì báo ác thật là khổ.

Các tội nơi Vô gián
Đều làm thành một khối
So hai loại tội trước
Phần số không thể đạt.

Đức Thế Tôn ở trong Kinh Bất Thoái Luân có nói: “Hết thảy tội lỗi của năm nghiệp vô gián, như tội báo đoạn dứt mạng sống của các chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Hoặc như tất cả các tháp của hằng sa số chư Phật diệt độ rồi, hoặc làm hư hoại, hoặc thiêu đốt, hoặc làm chướng ngại pháp nhãn của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, mọi tội báo thuộc loại như vậy đều đem tích tập, quy tụ lại. Nếu như đối với kinh sâu xa không hiểu rõ được, khởi lên chấp trước nói là không phải Đức Phật thuyết giảng, và Bồ-tát phát nguyện Bồ-đề, lại làm cho thoái lui tâm Bồ-đề của họ. Hai loại tội báo nầy, đem tất cả tội báo của năm nghiệp vô gián trước kia tập hợp lại để so sánh, thì trăm phần không bằng, ngàn phần không bằng, thậm chí phần Số, phần Kha la, phần Toán, phần Thí dụ, phần Ưu ba ni sa đà (số đếm-đong lường -tính toán-ví dụ-tưởng tượng) cũng không bằng được”. Vì tướng tội báo như vậy, nên để bảo vệ tự thân và thiện căn của mình, đừng tạo ra hai loại tội lỗi ấy.

Hỏi: Đã nói Bồ-tát bảo vệ thiện căn của mình, thì đâu mới là thắng nghĩa của sự tu đạo?

Đáp:

Đối ba môn giải thoát
Thuận nên khéo tu tập
Đầu là không, tiếp vô tướng
Thứ ba là vô nguyện.

Ở trong thời gian Bồ-tát hành Bát nhã Ba-la-mật, thuận theo tu tập ba môn giải thoát. Đầu tiên nên tu tập về môn giải thoát Không, vì phá tan các kiến chấp. Thứ hai là tu về môn giải thoát Vô tướng, vì không giữ lấy các ý phân biệt theo duyên. Thứ ba là tu về môn giải thoát Vô nguyện, vì vượt lên trên cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Hỏi: Tại sao những pháp nầy gọi là môn giải thoát?

Đáp:

Không tự tánh nên Không
Đã Không, gì thành tướng?
Các tướng đã vắng lặng
Người trí đâu có nguyện.

Do duyên sanh nên pháp không có tự tánh, đây gọi là Không. Vì không ấy nên tâm không có duyên dựa, đây là Vô tướng. Xa rời các tướng nên không có nguyện gì nữa. Vả lại, nếu như pháp thuận theo duyên sanh, thì tự tánh của pháp là vô sanh. Vì tự tánh vô sanh nên pháp ấy là không. Nếu pháp là không thì trong đó sẽ là Vô tướng. Tướng không có nên pháp ấy là Vô tướng. Nếu không có tướng thì trong ấy tâm không có nơi dựa vào, vì không có chỗ dựa nên ở trong ba cõi, tâm không có nguyện.

Ở thời gian tu niệm
Hướng gần đạo Niết-bàn
Đừng nghĩ không phương tiện
Nơi kia đừng buông lung.

Lúc tu tập ba môn giải thoát nầy, nếu không phải là phương tiện gồm thâu, thì hướng đến tiếp cận Niết-bàn, tuy thuận tu tập, nhưng chớ rơi vào xứ sở Bồ-đề khác, nên cầu nhẫn vô sở đắc, thuận trú trong phương tiện thiện xảo.

Mình ở trong Niết-bàn
Không thuận theo tác chứng
Nên phát tâm như vậy
Nên thành thục Trí độ.

Phát tâm như vầy: Ta nên tạo lợi ích cho các chúng sanh, độ thoát cho các chúng sanh, tuy tu tập ba môn giải thoát, nhưng không bằng lòng ở tại Niết-bàn tác chứng. Nhưng vì học Bát nhã Ba-la-mật, do đó trong ba môn giải thoát, chuyên chú thuận theo thành thục. Ta nên tu tập về Không, không nên chứng đắc Không. Ta nên tu tập Vô tướng, không nên chứng đắc Vô tướng. Ta nên tu tập Vô nguyện, không nên chứng đắc Vô nguyện.

Như xạ thủ bắn tên
Đều chuyển sang cùng bắn
Giữ lấy không khiến rơi
Đại Bồ-tát cũng vậy.

Ví như xạ thủ học cách bắn quen thuộc rồi, bắn mũi tên vào không trung, tiếp tục bắn mũi tên sau tất cả đều bắn tiếp nhau, mũi tên ấy trở thành nhiều lên, giữ lấy nhau giữa hư không, không cho rơi xuống mặt đất.

Trong môn giải thoát không
Khéo bắn mũi tên tâm
Khéo giữ tên tiếp nhau
Không rơi vào Niết-bàn.

Như vậy bậc Đại Bồ-tát nầy bắn ra, dùng cây cung tu học về Không, Vô tướng và Vô nguyện, hướng về bầu không gian của ba môn giải thoát, bắn lên mũi tên của tâm rồi lại dùng mũi tên của phương tiện thiện xảo thương xót chúng sanh, lần lượt nối tiếp nhau ở trong hư không của ba cõi, giữ lấy mũi tên của tâm ấy, không để cho rơi xuống thành trì Niết-bàn.

Hỏi: Vì sao lại khiến cho tâm ấy không rơi vào Niết-bàn?

Đáp:

Ta không bỏ chúng sanh
Vì tạo lợi ích chọ họ
Trước khởi ý như vậy
Tiếp tu tập tương ưng.

Nếu như ta đối với ba môn giải thoát, thành thục tốt đẹp rồi, muốn đạt được Niết-bàn thì dễ như ở trong bàn tay. Nhưng ta vì hạng phàm phu thơ dại giống như đang còn uống sữa, không thể tự sức hướng tới thành trì Niết-bàn ấy được. Vì chưa đến Niết-bàn nên ta đối với Niếtbàn không thể một mình bước vào, ta phải như vậy mà phát khởi tinh tấn, tùy theo những việc làm, chỉ nhằm tạo lợi ích cho các chúng sanh, cũng để cho họ được đến Niết-bàn. Trước tiên, nên khởi tâm hành như vậy, tiếp theo, ngay nơi tâm tùy thuận tương ưng, tùy thuận ấy là thuận ở nghĩa sau. Nếu không như thế, thì mũi tên tâm không có phương tiện khéo léo thâu tóm, khi thực hành ba môn giải thoát… lập tức rơi vào giải thoát của Thanh văn, hoặc là trong giải thoát của Độc giác. Nay lại có thêm phương tiện thiện xảo.

Những chúng sanh bị đắm
Đêm tăm tối hiện hành
Điên đảo cùng các tướng
Thảy đều do si mê.

Hạng phàm phu thơ dại và các chúng sanh, vì si mê nên từ vô thỉ kiếp lưu lạc trôi nổi trong đêm dài tăm tối, đắm vào bốn thứ điên đảo, vô thường nói là thường, khổ nói là vui, bất tịnh nói là tịnh, vô ngã nói là ngã. Cho đến ở trong các giới-nhập nội ngoại, suy nghĩ về ngã-ngã sở, cho là có sở đắc, trong đêm dài đã tạo tác và hiện tại đang tạo tác.

Người đắm tướng điên đảo
Nói pháp để đoạn trừ
Trước phát tâm như vậy
Tiếp tu tập tương ưng.

Các chúng sanh thuộc hạng như thế, vì si mê khởi lên hai loại suy nghĩ chấp trước vào ngã và ngã sở. Lại ở trong các sắc thái không hề có, vọng niệm khởi lên phân biệt giữ lấy tướng, sanh ra bốn loại điên đảo sai lạc, ta vì họ nói pháp khiến đoạn trừ điên đảo ấy, trước tiên phát tâm như vậy rồi, sau đó trong ba môn giải thoát tu tập tương ưng. Nếu khác với đây mà tu ba môn giải thoát thì sẽ hướng tới gần con đường Niết-bàn.

Bồ-tát lợi chúng sanh
Nhưng không thấy chúng sanh
Cũng là điều khó làm
Hiếm có, không nghĩ bàn.

Bồ-tát khởi suy nghĩ đến chúng sanh, đây cũng là điều khó nhất và không thể nghĩ bàn, vì chưa từng có giống như vẽ lên hư không. Ở trong nghĩa tối thắng vốn không có chúng sanh, cho nên tinh tấn thực hành, chỉ trừ đại bi, nơi nào lại có việc khó như vậy.

Tuy trú trong chánh định
Tu hợp môn giải thoát
Vì chưa đủ bản nguyện
Không thể chứng Niết-bàn.

Thuận theo suy nghĩ nầy: Nếu Bồ-tát đạt đến vị chánh định, dùng ba mươi hai pháp để đi vào vị chánh định, lúc tương ưng với môn giải thoát, trong thời gian đó chưa đầy đủ bản nguyện, là chứng Niết-bàn hay là không chứng? Vì vậy, trong kinh Đức Thế Tôn dạy: Bốn đại có thể làm cho thay đổi, không có trường hợp đi vào vị chánh định, trong thời gian ấy Bồ-tát chưa đầy đủ bản nguyện mà chứng Niết-bàn. Vì vậy Bồ-tát đạt đến vị chánh định, chưa đầy đủ bản nguyện thì không chứng Niết-bàn.

Chưa đến vị chánh định
Lực phương tiện khéo thâu
Vì chưa đủ bản nguyện
Không thể chứng Niết-bàn.

Nếu Bồ-tát mới phát tâm, chưa đến vị chánh định, nên dùng phương tiện thiện xảo thâu tóm, lúc tu tập ba môn giải thoát, trong thời gian chưa đầy đủ bản nguyện, cũng không thể chứng Niết-bàn.

Rất chán nẻo lưu chuyển
Nhưng cũng hướng lưu chuyển
Tin ưa nơi Niết-bàn
Mà cũng rời Niết-bàn.

Bồ-tát nầy ở trong lưu chuyển, vì ba loại lửa rực cháy, nên hết sức chán muốn xa rời, nhưng không bằng lòng khởi tâm trốn tránh lưu chuyển, nên nghĩ đối với chúng sanh như con cái để hướng về lưu chuyển, cho đến ưa thích Niết-bàn, giống như che chở bảo vệ nhà cửa, nhưng phải rời bỏ Niết-bàn, vì để làm cho đầy đủ trí Nhất thiết trí. Trong lưu chuyển, nếu có chán ngán xa rời, thì ở Niết-bàn cũng có niềm tin ưa thích. Nếu như không hướng về lưu chuyển, không rời bỏ Niếtbàn thì bản nguyện chưa thể viên mãn, nên lúc tu tập môn giải thoát, bèn quay về Niết-bàn tác chứng.

Nên sợ hãi phiền não
Không trừ hết phiền não
Nên tụ tập các thiện
Để ngăn chặn phiền não.

Vì là nhân của sự lưu chuyển nầy, nên phải sợ phiền não, nhưng không nên dồn hết sức trừ bỏ mọi phiền não. Nếu đoạn trừ phiền não, thì không thể nào tích tập được tư lương Bồ-đề. Vì vậy, Bồ-tát dùng pháp để ngăn chặn các phiền não. Do ngăn chặn khiến chúng không có sức lực, thì có thể tụ tập thiện căn làm tư lương Bồ-đề. Vì thiện căn được tu tập nên làm viên mãn bản nguyện, có thể đạt đến Bồ-đề.

Hỏi: Vì sao không dùng nguyên nhân đoạn dứt để diệt các phiền não?

Đáp:

Tánh phiền não Bồ-tát
Không là tánh Niết-bàn
Không đốt các phiền não
Sanh chủng tử Bồ-đề.

Như các bậc Thánh nhân Thanh văn, lấy Niết-bàn làm tánh, do duyên dựa nơi Niết-bàn nên đạt được quả Sa-môn. Chư Phật không dùng Niết-bàn làm tánh, chư Phật lấy phiền não làm tánh, vì tâm Bồ-đề từ nơi nầy nảy sanh. Hàng Thanh văn, Độc giác thiêu đốt các phiền não, chủng tử của tâm Bồ-đề không phát sanh được. Vì chủng tử của tâm hàng Nhị thừa không có lưu chuyển, vậy nên phiền não là tánh Như Lai. Vì có phiền não chúng sanh mới phát tâm Bồ-đề, sanh ra thể Phật, nên không xa rời phiền não là vậy. Hỏi: Nếu đốt cháy phiền não, thì chủng tử của tâm Bồ-đề không phát sanh, tại sao trong Kinh Pháp Hoa đã thọ ký cho các bậc Thanh văn đốt cháy phiền não?

Đáp:

Thọ ký chúng sanh ấy
Ký nầy có nhân duyên
Đức Phật dùng thiện xảo
Phương tiện đến bờ kia.

Không biết chúng sanh thành thục như thế nào, nhân duyên trong họ chỉ có Đức Phật mới biết được. Vì điều phục để đến bờ kia, nên không tương tự cùng với những chúng sanh khác. Mà chủng tử nơi tâm Bồ-đề của các chúng sanh ấy không phát sanh, vì đi vào vị chánh định vô vi. Như trong kinh nói:

Như hư không, hoa sen
Núi cao và hầm sâu
Giới chẳng nam ca giá
Cũng như đốt chủng tử.

Giống như trong hư không chẳng thể nào nảy sanh chủng tử, như vậy ở trong vô vi, chưa từng phát sanh pháp Phật, cũng không thể sanh ra, như nơi vùng cao nguyên, đồng rộng không thể nào mọc lên hoa sen. Như vậy Thanh văn, Độc giác đi vào vị chánh định vô vi, không sao phát sanh pháp Phật. Sườn núi cao là ở trong tòa thành của đạo trí Nhất thiết trí, có hai dãy núi cao lớn, đó là dãy núi cao ở địa Thanh văn và dãy núi cao ở địa Độc giác. Hàng Thanh văn, Độc giác nếu như có Nhất thiết trí, thì không phải là hai dãy núi cao của Bồ-tát. Hầm sâu là, nếu như hàng trượng phu khéo học hỏi nhảy vượt qua, tuy rơi xuống hố sâu nhưng vẫn yên ổn đứng trong đó, nếu không khéo học hỏi mà rơi vào hố sâu thì sẽ chết ở đấy. Như vậy, hàng Bồ-tát tu tập vô vi khéo tương ưng, tuy tu vô vi mà không rơi vào trong vô vi. Hàng Thanh văn, Độc giác tu tập vô vi không khéo tương ưng, nên rơi vào trong vô vi. Giới là hàng Thanh văn vướng vào cảnh giới vô vi, không tiếp tục thực hành được trong hữu vi, vì vậy ở trong ấy tâm Bồ-đề không thể phát sanh.

Chẳng nam là giống như hàng trượng phu mất nam căn, đối với năm thứ dục lạc thuận hợp, không thể trở lại có lợi ích. Như vậy hàng Thanh văn có đủ pháp vô vi, đối với các lợi ích của pháp Phật cũng không được lợi ích. Ca giá là giống như ngọc báu Ca giá, chư Thiên thế gian tuy khéo gọt giũa làm đẹp ngọc quý Ca giá, nhưng cuối cùng không thể nào trở thành cái bao dao bằng ngọc lưu ly quý. Như vậy, hàng Thanh văn tuy có đủ các loại giới học, công đức đầu đà, Tam-ma-đề…, nhưng cuối cùng không thể nào ngồi nơi đạo tràng chứng được quả vị Chánh giác Vô thượng. Cũng như thiêu hạt giống là giống như hạt giống bị đốt cháy, tuy đặt vào trong lòng đất có tưới nước, hơi ấm mặt trời, nhưng cuối cùng không thể nảy mầm được. Như thế, hàng Thanh văn đốt cháy chủng tử phiền não rồi, nghĩa là ở trong ba cõi cũng không có sự sống. Theo các kinh đều như vậy, nên biết hàng Thanh văn đạt được pháp vô vi thì tâm Bồ-đề không phát sanh.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6