LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Bồ-tát Long Thọ soạn.
Tỳ kheo Tự Tại giải thích.
Hán dịch: Đời Tùy, Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Hỏi: Bồ-tát rất kiên cường ở trong chúng sanh, sao nói cần phải tu hành?

Đáp:

Các luận và công xảo
Nhiều loại nghề, thuật hay
Vì lợi ích thế gian
Nên sanh ra kiến lập.

Từ trong sách vở, in chép, tính toán, luận bàn về khoáng sản, về y học, những luận cứ có thể diệt trừ ma quỷ, đối kháng chất độc… Xuất sanh những luận thuyết về nông thôn, thành thị, công viên, vườn cảnh, sông suối, ao hồ, núi non cao thấp, hoa trái thuốc thang…, biểu hiện rõ những thuyết về tánh quý như vàng bạc-trân châu-lưu ly-bối thạch – san hô…, ghi nhận luận giải về tướng như mặt trăng-mặt trời-tinh túđộng đất-giấc mộng…, bàn về tướng trạng các chi phần của thân thể… Vô lượng các luận thuyết như vậy, có thể làm lợi lạc cho thế gian. Lúc kiếp chuyển sang thời hoại diệt, tất cả đều diệt mất. Lúc kiếp chuyển sang thời kỳ phát sanh thì tiếp tục sanh ra và thành lập tại nhân gian. Như gỗ sắt ngói đồng làm ra đồ vật, mà công sức khéo léo không phải là như nhau. Có thể diệt trừ ma quỷ, đối kháng được độc tố, điên cuồng, bệnh dịch, ăn không tiêu và các loại phiền muộn bức bách khác làm ra nhiều loại thuật tinh xảo như chạm trổ-họa vẽ-thêu thùa-dệt đan…, các loại sự nghiệp có thể làm lợi lạc cho thế gian ấy, cũng đều sanh ra và khiến được tồn tại.

Tùy chúng sanh hóa độ
Giới, nẻo cùng chốn sanh
Như nghĩ liền hướng tới
Nguyện lực nên thọ sanh.

Các bậc Đại Bồ-tát tùy theo thế giới nào, hoặc là thế giới của trời, người, hoặc là sanh vào các chủng tộc Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Tỳ-xá…, ở những xứ sở ấy, nếu chúng sanh có thể hóa độ, vì họ nên khởi lên vô lượng ý niệm, suy nghĩ. Vì nhằm hóa độ những chúng sanh ấy, tùy theo sắc loại dài ngắn, lớn nhỏ, âm thanh, quả báo của họ, có thể khiến chúng sanh mau chóng tiếp nhận sự giáo hóa, lập tức thuận theo như nguyện.

Nơi vô số việc ác
Chúng sanh dua nịnh, huyễn
Nên dùng áo giáp chắc
Chớ chán nản lo ngại.

Nếu bị mắng nhiếc, hoặc sợ hãi, kinh động, hiềm khích, thù hận, đánh bằng roi, giam nơi ngục tối, tra hỏi…, những sự việc xấu ác như vậy đặt vào nơi mình và các chúng sanh có vô số tâm ý dua nịnh huyễn hoặc, biết không thể nào cảm hóa nổi, vì các chúng sanh ấy, không nên tự mình trì hoãn mặc giáp phục, cũng đừng chán ngán sự lưu chuyển, đừng ngần ngại cầu đến Bồ-đề. Lại cần phải phát tâm như vầy: Tôi không vì chúng sanh không dua nịnh, huyễn hoặc mà mặc áo giáp nầy. Chính vì những chúng sanh kia mà mặc áo giáp nầy. Tôi sẽ phát khởi tinh tấn làm những việc như vậy, để khiến những chúng sanh kia nhanh chóng trở nên không dua nịnh, không huyễn hoặc, do đó phải tự mình mặc giáp phục kiên cố như vậy.

Hỏi: Đã nói Bồ-tát tu hành kiên cường như thế, sao lại nói Bồ-tát tu hành chưa được kiên cường?

Đáp:

Ý đầy đủ thắng tịnh
Không nịnh không huyễn hoặc
Bày rõ các tội lỗi
Che giữ mọi điều thiện.

Đầy đủ ý thắng tịnh: Đó là ý tăng thượng, lại là thiện tăng trưởng. Ý là tâm, tức là tâm ấy đầy đủ, gọi là ý đầy đủ thắng tịnh. Không siểm cũng không huyễn: Siểm nghĩa là dua nịnh tâm phân biệt, tâm phân biệt thì không chất trực. Vả lại, siểm gọi là tâm cong vẹo. Huyễn nghĩa là dối trá. Nếu tâm không cong vẹo, không dối trá, đó chính là không dua nịnh, không huyễn hoặc, tỏ bày các tội lỗi. Nếu có tội lỗi thì nói rõ tất cả, đó gọi là bày rõ các tội lỗi. Che giữ các điều thiện: Nếu có các thứ thiện to lớn thì che giữ, đó gọi là cất giữ che kín mọi điều thiện. Nếu Bồ-tát muốn nhanh chóng đạt được Bồ-đề, cần phải đầy đủ ý thanh tịnh, không dua nịnh, không dối trá, bày tỏ rõ tội lỗi, che giữ điều thiện. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy bảo đệ tử: Dua nịnh trái với Bồ-đề, dối trá không phải là Bồ-đề.

Nghiệp thân khẩu thanh tịnh
Nghiệp ý cũng thanh tịnh
Tu tập các học giới
Đừng khiến có thiếu sót.

Các vị Bồ-tát nầy muốn tương ưng với sự tu niệm, trước hết phải làm thanh tịnh nghiệp thân-khẩu-ý. Trong đó ba loại là sát sanh, không cho mà lấy, trái với hạnh tịnh (sát đạo dâm) thuộc về hành ác của thân, cần phải thanh tịnh. Trái với điều nầy là ba loại hành thiện của thân, cần phải tiếp nhận. Nói dối, nói phá phá hoại, nói thô ác, nói đùa cợt hỗn tạp, là bốn loại thuộc về hành ác của khẩu, cần phải thanh tịnh. Ngược lại với điều nầy là bốn loại hành thiện của khẩu, cần phải tiếp nhận. Tham-sân-tà kiến là ba loại thuộc về hành ác của ý, cần phải thanh tịnh. Trái với đây là ba loại hành thiện của ý, cần phải tiếp nhận. Các Ba la đề mộc xoa học cú (các học giới) cũng nên tiếp nhận, thuận theo để chuyển hóa. Đối với các học giới kia, vì không hiểu biết mà phá hỏng, nếu người giữ giới bị thiếu sót, hư hoại thì ở trong sự tu niệm, tâm sẽ không ổn định.

An trụ trong chánh niệm
Lặng suy thâu tóm duyên
Dùng niệm bảo vệ mình
Tâm định không chướng ngại.

Như vậy đối với giới đích thực được thanh tịnh rồi, đoạn trừ năm cái, ở nơi vắng lặng thanh tịnh, xa rời chốn đông người, ít các loại âm thanh ồn náo, ruồi muỗi, rắn rít, cọp beo, giặc cướp…, không lạnh lắm, không nóng lắm, không nằm mãi trên giường, hoặc là đứng, hoặc kinh hành, hoặc ngồi xếp bằng tròn, hoặc hướng vào chóp mũi, hoặc hướng lên phần trán, niệm quay lại an trú tùy vào một duyên khéo thâu tóm được. Nếu đối với cảnh giới, tâm có sự loạn động khởi lên, thì dùng niệm để làm người gác cổng. Như vậy bố trí canh giữ rồi, giặc cướp chướng ngại trong tâm rời xa, ý chỉ có một nơi không còn tán loạn, nên tiếp tục tu tập tư duy.

Như lúc khởi phân biệt
Nên hiểu thiện, bất thiện
Cần bỏ các bất thiện
Tu tập nhiều phần thiện.

Vào lúc tư duy, nếu khởi lên phân biệt, lập tức ở tại lúc khởi hiểu rõ sự phân biệt nầy. Nếu là bất thiện, nên lìa bỏ, đừng để tiếp tục tăng lên. Nếu là phần thiện thì chỉ hướng về thực hiện nhiều hơn nữa, không nên tán loạn giống như đèn trong nhà không đóng kín cửa để gió thổi lùa.

Duyên cảnh, tâm phân tán
Cần chuyên chú nghĩ biết
Lại hướng về cảnh ấy
Tùy động liền khiến trụ.

Tỳ kheo trong lúc tu định, lúc tâm tư duy nên nắm giữ một ý đừng để hỗn loạn. Nếu tâm xa rời cảnh thì phải biết rõ, thậm chí không để cho lìa cảnh quá xa, trở lại thâu giữ tâm đó an trú trong cảnh, giống như sợi dây buộc vượn khỉ cột chặt vào cột, khiến chúng chỉ được quẩn quanh cây cột mà không thể đi nơi nào khác. Như vậy phải dùng sợi dây niệm buộc vượn khỉ của tâm giữ chặt vào cột của cảnh, chỉ được quanh quẩn ở tại cây cột của cảnh, không thể nào đi xa nơi khác.

Không nên hoãn, nhân ác
Mà tu tập tinh tấn
Do định không thể giữ
Vì thế phải luôn tu.

Hoãn nghĩa là xa rời thúc giục thường xuyên. Nhận lấy ác nghĩa là không dẫn đến điều thiện. Nếu như mong thành tựu Tam-ma-đề, thì không nên trì hoãn và gắng sức nhận lấy điều ác, vì làm trì hoãn và gắng sức nhận lấy điều ác, Tam-ma-đề sẽ không thể giữ được. Vậy nên người thực hành tu định phải luôn luôn tu tập đích thực.

Nếu chứng thừa Thanh văn
Cho đến thừa Độc giác
Chỉ là hành tự lợi
Không bỏ tinh tấn vững.

Nếu như muốn chứng quả nơi thừa Thanh văn và thừa Độc giác, vì chỉ trở thành tự lợi, tự đạt Niết-bàn cho mình, luôn trong mọi ngày đêm không xả bỏ tinh tấn kiên cố, thúc giục siêng tu.

Huống hồ Đại trượng phu
Tự độ và độ người
Mà không thể phát khởi
Tinh tấn trăm ngàn lần?

Nhưng Bồ-tát nầy bằng lòng ở trong dòng sông lưu chuyển để cứu độ các chúng sanh, cũng thuận theo để tự độ, sao có thể không phát khởi, vượt qua người của hai thừa Thanh văn, Độc giác, tinh tấn đến trăm ngàn lần? Giống như tự mình vượt qua dòng sông của sự lưu chuyển, cứu độ người khác cũng như vậy.

Nửa thời, hoặc biệt hành
Một lúc hành nẻo khác
Tu định không như vậy
Phải duyên một cảnh giới.

Trước mắt một ngày nầy, không nên để một nửa thời gian tu tập định riêng, thời gian còn lại thực hành cách khác, chỉ hướng về một pháp định thích ứng duyên với cảnh, tâm thuận theo một cảnh, đừng hướng về nơi khác.

Đối thân đừng có tham
Nơi mạng cũng đừng tiếc
Dù thân nầy được giữ
Cùng là pháp hủy hoại.

Cần phải phát tâm niệm như vầy: Trong thân nầy của mình, chỉ có da dày da mỏng, máu thịt gân xương tủy não…, cuối cùng sẽ cạn khô, thọ mạng nầy cũng sẽ kết thúc. Bậc trượng phu tinh tấn, trượng phu uy lực, trượng phu thực hành mạnh mẽ thế kia, ta cũng đạt được. Nếu chưa đạt được điều ấy, ta quay về tinh tấn không nên thư thả kéo dài, tuy thân nầy được bảo vệ đến trăm năm, nhưng chắc chắn đang là pháp bị hủy hoại.

Lợi dưỡng, cung kính, danh
Hoàn toàn đừng tham đắm
Như lửa cháy đầu, áo…
Siêng hành, thành tựu nguyện.

Trước mắt lúc nầy, nếu như ở nơi cư trú rộng thoáng, thân mạng đừng tham tới lui trong đó. Nếu lúc có lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng nổi lên, không nên tham đắm, vì nhằm thành tựu tâm nguyện, nên nhanh chóng chịu khó thực hành, giống như lửa cháy trên đầu, trên y phục.

Quyết định khởi thắng hạnh
Không thể chờ ngày mai
Ngày mai quá xa xôi
Duyên nào giữ mạng mỏng?

Lúc người kia chịu khó thực hành giống như lửa cháy thân mình, ngày mai xa xăm mờ mịt đừng đợi. Nếu đối với thân mình có điều gì thắng lợi, quyết định lập tức phát khởi, cần phải sanh tâm niệm như vầy: Duyên nào có thể giữ gìn mạng sống trong thời gian mở mắt, khép mắt (vô thường). Nay ta lập tức khởi các hành rất thuận lợi, ngày mai xa xăm quá, đừng đợi đến ngày mai.

An trú trong chánh niệm
Như ăn thịt con quý
Đối với những món ăn
Đừng thích cũng đừng bỏ.

Tỳ kheo thực hành tu định như vậy, hoặc ở trong thôn xóm, hoặc nơi Tăng phường, tùy theo nơi có cơ duyên như pháp, không có hiềm nghi, xin được món ăn rồi, chớ khởi tâm tham thích vướng mắc, cũng đừng chê bai không vừa ý. Cần an trú trong chánh niệm, như ăn thịt đứa con yêu quý của mình, chỉ vì thân trú không hủy hoại để thọ mạng được tồn tại, thâu giữ bảo vệ hạnh tịnh. Giống như xưa kia nói: “Lúc vợ chồng đi qua cánh đồng rộng lớn, cùng ăn thịt người con”.

Xuất gia vì nghĩa gì?
Việc mình làm xong chưa?
Nay nghĩ làm hay không
Như mười pháp kinh nói.

Cần phải quan sát như vầy: Ta vì ý nghĩa gì mà xuất gia, vì sợ không thể sống được, vì cầu quả vị Sa-môn? Nếu như vì cầu quả vị Samôn, thì nên suy nghĩ: Ta đối với việc của Sa-môn là đã làm, là chưa làm, hay là nay đang làm? Nếu như chưa làm và đang làm, vì nhân duyên thành tựu, cần phải cố gắng rất nhiều. Ta đã từ bỏ gia đình, tức không giống như họ, phải luôn suy nghĩ: Mạng sống của ta gắn liền nơi kẻ khác, ta cũng phải thực hiện nghi thức khác. Ta từ nơi giới luật đạt được không hiềm nghi hay không? Người có trí cùng chung hạnh tịnh, đối với giới luật của mình không có hiềm nghi gì chăng? Ta đã cùng với các sự ân tình có sai khác về tướng trạng, hay là cùng giống nhau không khác? Ta thuộc về nghiệp, sanh ra từ nghiệp, thọ dụng nơi nghiệp, nghiệp là ruột thịt của ta, dựa vào nghiệp thực hành, nghiệp ta đã tạo, hoặc thiện hoặc ác tự ta phải nhận lấy, ở trong ngày đêm vì sao tạo ra? Ta thích niềm vui vắng lặng hay không? Ta có pháp của người tu hành hay không? Có thể đạt được sự thấy biết thù thắng của Thánh nhân hay không? Nếu như sau nầy vào lúc người cùng chung hạnh tịnh hỏi về điều đó lúc ấy nói mà không biết xấu hổ chăng?

Nên nhiều lần suy nghĩ đến mười pháp như vậy, đó gọi là Tỳ kheo thực hành tu định. Nên luôn suy nghĩ!

Quán hữu vi vô thường
Không có ngã, ngã sở
Tất cả các nghiệp ma
Nên hiểu rõ lìa bỏ.

Hữu vi nghĩa là nhân duyên hòa hợp sanh. Vì nhân duyên hòa hợp sanh ra nên pháp ấy không có ngã sở. Do hữu vi nên pháp ấy là vô thường. Nếu là vô thường thì pháp ấy bị sự bức bách từ nơi khác nên khổ. Nếu như khổ không chuyển hóa tự tại nên vô ngã. Đối với pháp hữu vi nên quán xét như vậy. Tất cả các nghiệp ma nên hiểu rõ mà lìa bỏ. Hoặc ở trong kinh nói tâm Bồ-đề tương ưng với sáu độ, tạo nhân duyên không dục lạc, nhân duyên không tán loạn, nhân duyên không trì hoãn, nhân duyên không chướng ngại. Nếu như từ nơi mình khởi lên hoặc là từ nơi khác khởi lên, đều tùy theo đó hiểu biết rõ. Từ đây các nghiệp ma ác đều được nhận biết đã xa rời, không để chúng tự tiện hiện hành.

Căn, lực và giác phần
Thần túc, chánh đoạn, đạo
Cùng với bốn niệm xứ
Phát khởi tinh tấn tu.

Tín-Tinh tấn-Niệm-Định và Tuệ, đây là năm Căn. Tín-Tinh tấn

-Niệm-Định và Tuệ, đây là năm Lực. Niệm-Trạch pháp-Tinh tấn-Hỷ -Ỷ (Khinh an) – Định và Xả, đây là bảy Giác phần. Dục định-Tinh tấn định-Tâm định và Tư duy định, đây là bốn Thần túc. Điều ác và pháp bất thiện chưa sanh làm cho nó không sanh, điều ác và pháp bất thiện đã phát sanh thì làm cho nó đoạn trừ, pháp thiện chưa sanh thì làm cho sanh ra, pháp thiện đã sanh thì làm cho tồn tại, sanh ra phát triển thường xuyên thâu tóm vào tâm, xây dựng nguyện, đây là bốn Chánh đoạn (chánh cần). Chánh kiến-Chánh phân biệt (chánh tư duy)-Chánh ngữChánh nghiệp-Chánh mạng-Chánh phát hạnh (chánh tinh tấn)-Chánh niệm và Chánh định, đây là tám phần Thánh đạo. Thân-Thọ-Tâm và Pháp, đây là bốn Niệm xứ. Như vậy ba mươi bảy pháp hỗ trợ Bồ-đề nầy, vì tu tập nên phát khởi tinh tấn thường xuyên.

Tâm cùng thiện lợi lạc
Truyền mãi nơi chúng sanh
Và các căn xấu loạn
Đều nên khéo quán sát.

Tâm nếu được điều phục nhuần nhuyễn, canh giữ cẩn thận, buộc chặt một nơi thì cùng với việc thiện lợi lạc, làm nhân truyền mãi cho chúng sanh. Nếu không điều phục, không canh giữ, không tu tập, không buộc chặt, thì cùng với những gì không có lợi-xấu ác-hỗn loạn làm thành căn đã biết, đối với những điều ấy cần phải khéo quán sát. Do tướng sanh-trú khác nhau, không trú vào hai phía trong và ngoài, đời quá khứ, vị lai và hiện tại không đồng đều, không có nơi đến, không có chỗ đi, không dừng lại trong khoảnh khắc thời gian, giống như huyễn hoặc, cho nên để tu tập cần phải quán sát.

Ta ở trong pháp thiện
Ngày ngày tăng trưởng gì?
Lại có điều giảm sút
Phải hết sức quán sát.

Như Đức Thế Tôn đã dạy, các pháp thiện như bố thí…, có thể sanh ra Bồ-đề, mình đối với những pháp thiện ấy có gì tăng trưởng và có gì giảm sút? Luôn phải tập trung tinh thần để quán sát như vậy. Trong từng ngày, khởi lên rồi lại khởi lên.

Thấy người khác tăng trưởng
Lợi dưỡng, cung kính, danh
Tâm bủn xỉn ganh ghét
Đều không nên hành tác.

Nếu nhìn thấy người khác cùng chung hạnh tịnh, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, lúc họ tăng trưởng về lợi dưỡng, sự cung kính và danh tiếng, cũng không nên sanh tâm bủn xỉn đố kỵ. Trở lại nên suy nghĩ và sanh tâm niệm như vầy: Mình cũng thích được nhiều thứ đồ dùng như áo quần, thức ăn uống, giường chiếu, thuốc thang chữa bệnh và lợi dưỡng như chúng sanh, mình cũng thích được sự cung kính của hàng tại gia và xuất gia, mình cũng thích được đầy đủ các pháp đáng ca ngợi.

Không mong muốn cảnh giới
Hành như ngu, câm, điếc
Lúc lại Sư tử gầm
Hươu nai ngoại đạo hoảng.

Nếu như lúc nhìn thấy người khác tăng trưởng về lợi dưỡng, sự cung kính và có danh tiếng, nơi cảnh giới của sắc, thanh…, không nên ao ước mong đợi. Ở trong sắc-thanh-hương-vị thích hay không thích, tuy không phải là ngu, mù, câm, điếc, mà làm ra vẻ như thế. Nếu có năng lực, không nên lặng câm đứng nhìn, nên dùng chánh pháp xua trừ, hoặc phá tan sự đảo điên cố hữu, khiến đám hươu ngoại đạo kinh sợ để giữ gìn chánh giáo. Lại phải làm nên tiếng sư tử gầm, chấn động thế gian.

Tôi đã giải thích về tu tâm, nay sẽ giải thích về tu tướng. Đó gọi là:

Nghênh tiếp và tiễn đưa
Nên cung kính tôn trọng
Ở trong các sự pháp
Tùy thuận mà trợ giúp.

Đối với những bậc tôn kính thì nghênh tiếp hầu hạ và tiễn đưa chu đáo, vào lúc nghe pháp thì cúng dường hoa hương thanh tịnh, trong những sự pháp như sửa chữa chùa tháp (chi đề) thì cung kính thực hiện. Trước mắt có thể trở thành anh em với nhau, đó lại là tướng mạo của quyến thuộc lớn từ trước.

Cứu người bị giết hại
Điều thiện tăng không giảm
Khéo tu minh công xảo
Tự học, dạy cho người.

Có người bị giết hại nên cứu cho họ thoát khỏi, là nhân duyên bảo vệ tính mạng, xa rời nơi giết hại sanh linh. Được những nghiệp nầy thường hành tập trong đêm dài sanh tử, nên sẽ đạt được tướng ngón tay dài, tướng gót chân vuông vắn, tướng thân thể thẳng vững, đó là tướng trước kia trường thọ. Tự mình đã được pháp thiện, thì làm tăng trưởng khiến không giảm sút, nên đạt được tướng cổ chân cao như cây bối, tướng lông hướng lên phía trên. Hai tướng ấy là tướng trước kia không giảm sút về pháp. Khéo tu các nghiệp về Minh luận và công xảo, tự mình học hỏi và dạy bảo cho người khác, nên đạt được tướng đầu gối như gối nai chúa, ấy là tướng trước kia nhanh chóng thâu gồm.

Đối pháp thiện thù thắng
Kiên cố mà tiếp nhận
Tu hành bốn nhiếp sự
Thí y phục, thức ăn.

Đối với các pháp thiện tốt đẹp nhất, kiên cố tiếp nhận và giữ gìn, vì thường gần gũi và thực hiện, nên sẽ đạt được tướng đứng tốt, đó là tướng trước kia có năng lực thực hiện sự nghiệp. Tu hành bốn nhiếp pháp là Bố thí-Ái ngữ-Lợi hành và Đồng sự, vì luôn gần gũi luyện tập, nên sẽ đạt được tướng tay chân có màng nối, đó cũng là tướng trước kia nhanh chóng thâu gồm. Lấy đồ ăn thức uống và y phục tốt đẹp để bố thí, vì luôn gần gũi tập luyện, nên sẽ đạt được tướng tay chân mềm mại, tướng bảy chỗ cao hơn bình thường, hai tướng ấy là tướng trước kia có được đồ ăn thức uống ngon quý và các loại y phục thuộc hạng thượng diệu.

Người xin không làm trái
Hòa hợp người thân thích
Quyến thuộc không trái lìa
Giúp nhà cửa, của cải.

Tùy có vật gì, nếu người đến cầu xin, liền giúp cho, không hề trái ý, sẽ đạt được tướng cánh tay tròn trịa, đó là tướng trước kia điều phục tự tại. Thân quyến bạn bè hòa hợp cùng nhau cư trú, không làm cho mọi người trái nhau điều gì. Nếu như người có điều trái ngược cũng khiến hòa hợp, vì vậy sẽ đạt được tướng nam căn ẩn kín, đây là tướng trước kia nhiều con. Bố thí nhà cửa, của cải, cho đến bố thí giường ghế, y phục, phòng ốc, cung điện… tốt đẹp, nên đạt được tướng sắc vàng rực, tướng da mịn màng trơn mỏng, hai tướng ấy là tướng đời trước được các thứ giường ghế y phục phòng ốc cung điện tốt đẹp.

Cha mẹ cùng bạn thân
Tùy chỗ hợp, đặt yên
Nơi chốn đều an ổn
Chủ tự tại vô thượng.

Ưu-ba-đệ-da-dạ (ở đây nói là Cận tụng là Hòa thượng. A-già-lợida (chánh hạnh, là A xà lê), cha mẹ anh em…, những người đáng tôn kính ấy, thuận theo đặt yên ở những nơi thích ứng để trở thành người chủ tự tại không gì hơn, nên sẽ đạt được tướng một lỗ chân lông chỉ có một sợi lông, và tướng chòm lông trắng trên mặt, hai tướng ấy là tướng đời trước bình đẳng.

Tuy lại là nô bộc
Khéo nói cũng nhận lấy
Sanh ra tôn trọng nhất
Giúp thuốc thang khỏi bệnh.

Giúp cho thuốc thang trị lành bệnh: Đối với những người bệnh, giúp cho thuốc thang cung cấp thức ăn uống nghỉ ngơi, vì cung cấp mọi thứ ăn uống nghỉ ngơi, nên bệnh tình có thể chóng khỏi, nên đạt được tướng giữa lòng bàn tay đầy đặn bằng phẳng, và tướng phần trên trong lưỡi màu đỏ thắm, hai tướng ấy là tướng đời trước ít bệnh.

Trước tiên hành nghiệp thiện
Lời tốt đẹp tiếp xúc
Lời nói đúng với ý
Trước sau đều cúng dường.

Trước hành nghiệp thiện làm đầu: Vườn rừng phòng ốc tụ hội với chính nghĩa và lợi ích chung, giếng nước vườn hoa ao hồ, đồ ăn thức uống, hoa lá mượt mà, ở nơi khó đi lại thì xây cầu, cho đến trong những việc tạo ra nhà cửa cho Tăng và nơi du ngoạn. Khuyến khích người khác thì tự mình làm người dẫn đường, những gì bố thí vượt qua người khác, nên đạt được tướng toàn thân sắc vàng sáng ngời và tướng búi tóc tròn trên đỉnh đầu, hai tướng ấy là tướng đời trước làm người đứng đầu hơn hẳn. Nói lời tốt đẹp khi tiếp xúc, vì nói và hành như thế qua suốt đêm dài sanh tử, đã đạt được tướng lưỡi rộng dài và tướng Phạm âm, hai tướng ấy là tướng đời trước đạt được năm phần, năm phần nói về đạo có đầy đủ các âm thanh. Năm phần, năm phần nói về đạo có đầy đủ âm thanh:

1. Có thể biết.
2. Dễ hiểu.
3. Thích nghe.
4. Không trái ngược.
5. Thâm diệu.
6. Xa rộng.
7. Không có hiềm nghi.
8. Êm tai.
9. Biện giải đúng đắn.
10. Không lẫn lộn (hai loại năm phần cho nên có mười).

Trước sau đều cúng dường: Vì nói lời đúng với ý, nói lời chân thật qua suốt đêm dài sanh tử, nên đạt được tướng răng như sư tử, đó là tướng đời trước là ái ngữ. Trước sau đều cúng dường: Người khác tuy là có trước-sau, nhưng đều cúng dường và không có gì không thể cúng dường, vì oai nghi như pháp, oai nghi bình đẳng, nên đạt được tướng răng đều đặn như nhau và tướng răng trơn bóng tinh tế, hai tướng ấy là tướng đời trước làm quyến thuộc tốt đẹp trong sáng.

Không hoại quyến thuộc người
Mắt từ nhìn chúng sanh
Cũng không tâm hiềm nghi
Đều như bạn thân thiết.

Đối với các chúng sanh, khởi tâm cưu mang an ủi để thâu nhận vì ánh mắt nhìn không tham không sân không si, nên đạt được tướng mắt sáng tròn và tướng mi mắt như bò chúa, hai tướng ấy là tướng đời trước nhìn bằng ánh mắt yêu thương.

Tôi đã giải thích về nghiệp sanh khởi ba mươi hai tướng của bậc Đại trượng phu, ngoài ra còn có nhiều hạnh của Bồ-tát, nay sẽ giải thích.

Phải nên như đã nói
Tức thuận làm như vậy
Như lời nói tức làm
Người khác sanh tin tưởng.

Phải nên như những gì đã nói, lập tức làm như vậy, người khác sẽ sanh tin tưởng, tùy theo như có dạy bảo, lập tức tin tưởng nhận ngay.

Phải nên ủng hộ pháp
Biết rõ người buông thả
Làm màn lưới vàng báu
Che phủ cho chùa tháp.

Hướng về trong pháp nầy nên tự mình ủng hộ, nếu có chúng sanh nào phóng túng làm trái giáo pháp, đối với người kia cũng tùy theo phương tiện nhận biết khiến họ hướng về với giáo pháp. Tại các nơi chùa tháp của Như Lai, nên dùng các loại lưới giăng quý báu bày ra che phủ, khiến đầy đủ các tướng tốt.

Nếu có cầu thể nữ
Trang nghiêm để tặng cho
Cũng nói công đức Phật
Và giúp ngọc nhiều màu.

Nếu như có người cầu xin thể nữ, tức thì trang điểm nơi các thể nữ để bố thí. Những người thể nữ ấy đều đoan chánh, lấy những người nầy bố thí, khiến các việc ái sự nơi người mong cầu đều được thỏa mãn. Lại dùng vô lượng cách khác, nói về công đức của Phật, nên ở nơi tụ tập, lên tiếng nói, làm cho vui ý đẹp lòng, vì họ giảng nói rộng, để đạt được những phần âm thanh thanh tịnh. Lại dùng các loại đồ vật bằng ngọc anh lạc chiếu sáng, khiến họ vui thích mà bố thí, nhân đấy đạt đầy đủ những tướng hảo tùy hình.

Tạo ra hình tượng Phật
An tọa trên đóa sen
Và ở trong sáu pháp
Tu tập cùng vui vẻ.

Dùng các thứ quý báu như vàng bạc chân châu… để tạo ra hình tượng Đức Phật, an tọa trên đóa hoa sen, để được hóa sanh, và để đạt được thân Phật. Sáu loại pháp đồng hỷ, đối với hàng đồng phạm hạnh, thì thân khẩu và ý nghiệp hiền từ, không phân biệt các vật được thọ dụng, giới pháp đầy đủ, kiến giải đầy đủ. Đây là những pháp trong sáu pháp đồng hỷ, nên gần gũi luyện tập nhiều lần để đạt được đồ chúng, không gặp phải những sự phá hoại của các luận thuyết ngoại đạo.

Đáng cúng dường đều cúng
Vì mạng, không hủy báng
Pháp Đức Phật đã nói
Cùng với người thuyết pháp.

Đáng cúng dường đều cúng dường: Trong đó thuận theo phải cúng dường, đó là Hòa thượng A-xà-lê, cha mẹ, anh em…, không người nào là không cúng dường, không người nào là không tôn kính, tuy là nuôi sống mạng họ mà quyết không hủy báng. Pháp Phật và người giảng giải về pháp Phật, cũng không nên phỉ báng, không nên khinh khi họ, vì để tự bảo vệ và cố gắng giúp đỡ cho thiện căn thành tựu.

Vàng quý rải thân thầy
Và rải trên tháp mộ
Nếu như quên bài tụng
Nên nghĩ, khiến không mất.

Nên lấy vàng bạc cung cấp cho thầy dạy, cũng nên dùng ngọc ma ni, vàng bạc quý để xây cất bảo tháp thờ thầy dạy. Bồ-tát có Tam-mađề, gọi là đối diện hiện tại Phật. Trụ trong những Tam-ma-đề nầy, ở trong nhiều đời, hiện tiền tu tập để được nghe thầy và giữ gìn. Nếu có chúng sanh quên mất kinh sách hướng dẫn cho đời an lạc mà mình đã tụng, đối với chúng sanh ấy, cùng làm cho nhớ lại, để không quên mất tâm Bồ-đề cùng để được nhớ lại sự hiểu biết hiện tại.

Chưa nghĩ việc đã làm
Đừng vội tùy người khác
Ngoại đạo, trời rồng, thần thánh
Trong đó chớ tin theo.

Nghiệp hành đã làm, như thân-khẩu-ý, ở trong mọi nơi, nếu không suy nghĩ mình đã làm rồi, thì đừng vội mất điềm tĩnh, cũng đừng thuận theo người khác, đồng ý làm như vậy. Nếu khác với điều nầy thì sanh ra phiền muộn, cũng vì thế mà ân hận. Đối với các ngoại đạo như Ni-kiền xuất gia du hành và ở trong các loài trời rồng, Dạ-xoa, Kiền-thát-bà…, đều không nên tin theo.

Tâm nên như kim cương
Thông suốt được các pháp
Tâm cũng nên như núi
Mọi chuyện không lay động.

An trí tâm đó phải giống như kim cương, vì có tuệ lực nên có thể chịu được, trong các pháp thế gian và xuất thế gian, nếu tự tánh thông suốt như thật, thì đối với các sự việc tâm đó vẫn an nhiên tự tại. Cũng nên như núi lớn, tám loại pháp thế gian không thể nào lay động.

Vui thích pháp xuất thế
Đừng vui theo thế gian
Tự nhận các công đức
Cũng nên khiến người nhận.

Hoặc ngôn thuyết có khả năng xuất thế gian, hoặc tương ưng với Phật Pháp Tăng, hoặc tương ưng với sáu độ, hoặc tương ưng với địa Bồ-tát, hoặc tương ưng với địa Thanh văn, Độc giác, ở đấy nên dấy lên niềm vui thích. Hoặc có ngôn thuyết dựa theo pháp thế gian, tăng trưởng tâm thế gian, tương ưng cùng với tham-sân-si, trong ấy không nên vui thích. Nếu có những công đức thù thắng về tiếp nhận các học giới, hành hạnh đầu đà… và được những người tốt khen ngợi, được người nhận lấy, thì nơi những việc ấy đều nên tiếp nhận, cũng làm cho người khác nhận được công đức nầy.

Tu năm giải thoát nhập
Tu mười tưởng bất tịnh
Tám Đại trượng phu giác
Cũng thuận phân biệt tu.

Ở đây, giải thoát nhập có năm loại:

1. Thuyết pháp vì người khác.
2. Tự mình thuyết pháp.
3. Tự mình đọc tụng pháp.
4. Đối với pháp, tùy giác, tùy quán.
5. Chọn lấy tùy theo tướng Tam-ma-đề thuộc loại nào.

Đây là năm pháp giải thoát nhập, cần phải nhớ tu tập. Mười tưởng bất tịnh là nghĩ đến sự sình trướng, nghĩ đến làm ứ xanh đen, nghĩ đến thân nát rữa, máu mủ chảy, nghĩ đến nứt toác, nghĩ đến chim thú ăn, nghĩ đến rời ra từng mảnh, nghĩ đến phân tán khắp nơi, nghĩ đến máu me vung vãi, nghĩ đến thịt còn sót lại, nghĩ đến xương trắng. Đây là mười pháp tưởng bất tịnh, nếu lúc tham phát sanh cần phải nhớ tu tập, căn bản là để đoạn trừ tâm tham dục. Tám sự giác ngộ của bậc Đại trượng phu cũng nên phân biệt tu: Ở đây có tám điều giác ngộ của bậc Đại trượng phu, đó là ít ham muốn là pháp, nhiều ham muốn là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ nhất. Biết vừa đủ là pháp, không biết vừa đủ là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ hai. Xa lìa là pháp, ồn náo hỗn loạn là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ ba. Phát khởi tinh tấn là pháp, lười nhác là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ tư. An trú trong niệm là pháp, quên mất niệm là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ năm. Nhập định là pháp, không nhập định là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ sáu. Trí tuệ là pháp, không có trí tuệ là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ bảy.

Không vui với hý luận là pháp, vui với hý luận là trái với pháp, đây là giác ngộ thứ tám. Đó là tám điều giác ngộ của bậc Đại trượng phu, cần phải hiểu rõ điều ấy. Nhiều ham muốn… cho đến vui với hý luận là tám loại giúp cho tâm bất thiện, cần phải đoạn trừ.

Thiên nhĩ cùng Thiên nhãn
Thần túc, Tha tâm thông
Cho đến Túc mạng trụ
Nên tu năm thông tịnh.

Ở đây thiên nhãn, thiên nhĩ, ức niệm túc trú trí, tha tâm, thần túc, năm loại trí thông như vậy, cần phải tu tập.

Pages: 1 2 3 4 5 6