LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Bồ-tát Long Thọ soạn.
Tỳ kheo Tự Tại giải thích.
Hán dịch: Đời Tùy, Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Hỏi: Làm thế nào tu tập?

Đáp:
Bốn thần túc làm gốc
Tâm dục tấn tư duy
Bốn vô lượng trú trì
Là Từ-Bi-Hỷ-Xả.

Ở trong bốn vô lượng nầy, thường tiếp cận thực hành nhiều, nhất định tâm có thể kham nổi, tâm như thế thì đi vào Sơ thiền, Nhị thiền như vậy, Tam thiền như vậy, Tứ thiền như vậy. Người ấy đạt được bốn bậc thiền, đạt được thân tâm nhẹ nhàng thư thái. Vì lúc ấy thân tâm thư thái đầy đủ, nảy sanh đi vào đường thần thông, đi vào đường thần thông ấy tức sanh ra thần túc, đó gọi là vừa mong muốn vừa tinh tấn vừa tâm niệm vừa tư duy. Ở đây, mong muốn là hướng về pháp, tinh tấn là thành tựu pháp, tâm là quán sát tại pháp, tư duy là thiện xảo đối với pháp. Bồ-tát kia đối với thần thông vừa tin hiểu vừa có tác dụng, tâm đó tự tại, thực hành tùy theo ý muốn, vì khéo thành thục, nên do sự gìn giữ căn bản của chính nó mà các xứ thuận theo thực hành như gió khắp hư không. Tại đây, Bồ-tát đạt được bốn tâm vô lượng và bốn bậc thiền, vừa tin hiểu vừa có tác dụng, phát sanh ra Thiên nhãn. Nếu các chúng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà…, hoặc là người học cho đến Thanh văn, Độc giác ở trong Thiên nhãn chỉ có lực tăng thượng, thì đối với Bồ-tát thanh tịnh hơn hẳn, sáng chói hơn hẳn, cao vút hơn hẳn và đặc biệt hơn hẳn, ánh mắt đó không bị ngăn ngại do sắc tướng to – nhỏ – xa – gần của thế gian, tùy theo ý muốn tất cả sắc tướng kia đều nhìn thấy được. Như vậy, nghe thấy âm thanh của các loài trời-người-súc sanh…, như thế là nhớ biết không giới hạn về đời kiếp trước, như thế là biết tâm người khác cùng với những ý niệm tham dục cho đến tám vạn bốn ngàn sai biệt, như thế là đạt được vô lượng thần túc không thể nghĩ bàn. Do đạt được thần túc, nên những chúng sanh nào cần phải điều phục thì đều khiến được điều phục.

Bốn giới như rắn độc
Sáu nhập như thôn vắng
Năm chúng như kẻ giết
Nên quán sát như vậy.

Luôn luôn mê lầm theo các nhân duyên thọ dụng dục lạc vốn có, tuy là có bảo vệ, nghỉ ngơi, nuôi lớn lên, nhưng bốn đại chủng như đất -nước-lửa-gió nầy lại nhanh chóng phát động, không biết đến ân nuôi sống, không thể nương nhờ, không thể tin cậy được, cần phải quán sát giống như rắn độc, vì không có người chủ, vì xa rời ngã và ngã sở. Các nhập là nhãn-nhĩ-tỷ… có sáu thứ giặc cướp, bức bách não hại rất đáng sợ, cần phải quán sát giống như thôn làng trống vắng, vì chúng cùng tập trung với hoàn cảnh khác để phá hoại không thể ngăn được, giống như kẻ tìm cách giết hại, đối với năm thọ uẩn, cần phải từng ngày từng ngày quán sát như vậy.

Trọng pháp cùng pháp sư
Bỏ tâm bỏn sẻn pháp
Thầy dạy đừng giữ mật
Người nghe chớ tán loạn.

Ở đây có bốn loại pháp, có thể nảy sanh đại trí, cần phải tiếp nhận áp dụng. Đối với pháp và pháp sư cần phải tôn trọng, cũng xả bỏ tâm keo kiệt đối với pháp, thuận theo pháp đã được nghe cứ thế thường xuyên đọc tụng, giảng giải rộng cho người khác biết.

Nếu có người vui mong với pháp, thầy dạy đừng vì thế mà khoanh tay tiếc rẻ giữ kín, người nghe chớ phân tâm tán loạn, đó gọi là không có ham muốn gì khác.

Không mạn, không trông mong
Chỉ vì tâm thương xót
Ý tôn trọng cung kính
Vì mọi người nói pháp.

Lại có bốn loại pháp, là tướng của bậc đại trí, cần phải tiếp nhận áp dụng, đó là xa lìa tâm tự cao khinh thường người khác, vì không có kiêu mạn. Nên xả bỏ sự lợi dưỡng, cung kính và danh tiếng, vì không có tâm niệm mong muốn. Nên đối với vô minh ám chướng trong chúng sanh chỉ vì lòng thương xót, nên tôn trọng cung kính nói pháp cho họ biết. Do bốn loại pháp nầy, nên Bồ-tát có đầy đủ đại trí, cần phải tiếp nhận áp dụng.

Nghe không hề chán đủ
Nghe rồi đều trì tụng
Không dối ruộng phước kính
Cũng khiến thầy hoan hỷ.

Nghe nhiều không chán, nghe rồi giữ gìn pháp, giữ gìn pháp nên thuận theo pháp thực hành. Không lừa dối bậc ruộng phước tôn kính, cũng làm cho thầy dạy pháp nầy hoan hỷ, thì tâm Bồ-đề không quên mất nhân tố ban đầu.

Không nên xét nhà người
Tâm mang sẵn cúng dường
Chớ nên nêu vấn nạn
Tập tụng kinh sanh đời.

Không nên vì nhân duyên cung kính cúng dường mà quán xét nhà cửa người, ngoại trừ vì xây dựng mối nhân duyên cho tâm Bồ-đề. Cũng không nên vì ham muốn vấn nạn luận điểm của đối phương mà luyện tập học hỏi các luận thuyết của thế gian, ngoại trừ vì nhân duyên đa văn.

Đừng vì quá giận dữ
Hủy báng các Bồ-tát
Pháp chưa nhận-chưa nghe
Cũng chớ sanh hủy báng.

Vì sao? Vì bảo vệ cho nhân duyên của pháp thiện nối tiếp phát sanh.

Đoạn trừ tâm kiêu mạn
Nên trú bốn Thánh chủng
Chớ hiềm nghi với người
Cũng đừng đề cao mình.

Người đoạn trừ tâm kiêu mạn, ở trong các chúng sanh, nên hạ tâm xuống như loài chó mèo để đoạn trừ ngã mạn. Ở trong bốn Thánh chủng, đơn giản, tiết kiệm vừa đủ cơm ăn, áo mặc, giường chiếu, thuốc thang và sống đời bình thường biết đủ, đối với Thánh chủng kia, không nên hiềm nghi người khác, cũng không nên tự đề cao mình.

Nếu thật không thật phạm
Không được phát giác người
Đừng tìm sai lầm người
Tự mình lỗi, nên biết.

Người ấy cùng chung phạm hạnh mà phạm lỗi, nếu như thật sự hoặc là không thật, đều không nên phát giác. Người ấy có sai lầm không nên soi mói tìm kiếm, chỉ đối với lầm lỗi của mình cần phải hiểu và biết rõ.

Đức Phật, giáo pháp Phật
Không phân biệt, nghi ngờ
Pháp tuy tin khó nhất
Trong đó nên tin thuận.

Đối với đức Phật không nên phân biệt, vì Đức Thế Tôn đầy đủ pháp chưa từng có, đối với pháp Phật cũng không nên nghi ngờ, vì là pháp bất cộng đối với các chúng sanh. Ở trong pháp Phật khó tin nhất, vì để đạt tâm thanh tịnh sâu xa, phải nên tin tưởng pháp Phật.

Tuy chết vì lời thật
Thối mất Chuyển luân vương
Đến Thiên vương cõi trời
Chỉ nên nói chân thật.

Nếu Bồ-tát vì lời nói chân thật, hoặc bị đoạt lấy mọi vật, hoặc là chết đi, dù rời bỏ ngôi vị Chuyển luân vương và Thiên vương cõi trời, cũng chỉ thuận theo lời nói chân thật, huống hồ là những gì còn lại mà không thể nói lời chân thật?

Đánh mắng, dọa giết, trói
Trọn không oán trách người
Đều là tội mình chịu
Nghiệp báo nên xảy ra.

Có những người khác đến đánh mắng, đe dọa giết hại, trói buộc giam giữ, đều là tội lỗi của mình nên đã xảy ra điều ấy, hoàn toàn không oán giận người, đây là nghiệp của mình đã làm từ đời trước, lúc nầy trở lại gánh chịu các quả báo hầu như chẳng thích. Các chúng sanh kia đều không có tội gì, chỉ là tội lỗi do nghiệp báo của mình đã hiện rõ, nên phải có các thứ ấy.

Nên hết sức tôn kính
Phụng dưỡng đối cha mẹ
Cúng dường hầu Hòa thượng
Cung kính A-xà-lê.

Đối với cha mẹ mình, phải hết sức thương yêu và phụng dưỡng rất mực tôn trọng, nên nghĩ như trời đất, thuận theo ý cha mẹ làm cho họ được vui lòng, xa rời tâm dua nịnh dối trá. Lại nên cung kính, chu cấp hầu hạ các bậc Hòa thượng, A-xà-lê, thuận theo pháp đã nói từ các bậc Hòa thượng, A-xà-lê tu hành thanh tịnh, không có gì bí mật bên trong, đều là hóa hiện ở bên ngoài.

Vì tin thừa Thanh văn
Cho đến thừa Độc giác
Nói pháp sâu xa nhất
Là Bồ-tát sai lầm.

Bồ-tát trong nầy có bốn hạng Bồ-tát sai lầm, cần phải xa rời, đó là đối với các chúng sanh trong thừa Thanh văn, thừa Độc giác, vì họ nói về pháp sâu xa bậc nhất, là sai lầm của Bồ-tát.

Vì tin sâu Đại thừa
Giảng nói cho chúng sanh
Thừa Thanh văn, Độc giác
Đây cũng là sai lầm.

Ở trong các chúng sanh tin sâu vào Đại thừa, vì họ giảng nói về thừa Thanh văn và thừa Độc giác, là sai lầm của Bồ-tát.

Người trên cầu giáo pháp
Chậm, hoãn, không giảng nói
Lại thâu nhận điều ác
Ủy nhiệm người không tin.

Nếu có chúng sanh đích thực là bậc lớn, lúc đến có những mong cầu, nên lập tức nói pháp thiện cho họ, nhưng lại chậm hoãn, còn những kẻ hành pháp ác phá giới lại thâu nhận họ, là sai lầm của Bồ-tát. Người ở trong Đại thừa chưa có niềm tin và sự hiểu biết, chưa dùng bốn nhiếp sự để thành thục, tin tưởng ủy nhiệm cho họ, là sai lầm của Bồ-tát. Như vậy là bốn loại sai lầm, nên nhận biết là nên tránh.

Rời bỏ xa sai lầm
Nói công đức đầu đà
Nơi ấy nên nghĩ biết
Cũng đều nên quen gần.

Trong nầy, đã nói về bốn loại sai lầm, cần phải rời bỏ và tránh xa, vì điều nầy nên không đến gần Bồ-đề. Như đã nói trong thừa Thanh văn, Độc giác có công đức đầu đà và những công đức khác, nhưng biết những người ấy không thể làm chướng ngại cho Bồ-đề, ở những nơi ấy, cũng thuận theo gần gũi, luyện tập.

Tâm nói pháp bình đẳng
Bình đẳng khéo an lập
Cũng khiến tương ưng thực
Các chúng sanh không khác.

Đây là bốn loại đạo Bồ-tát, cần phải gần gũi luyện tập. Như thế nào là bốn loại? Đó là trong các chúng sanh khởi tâm bình đẳng, trong các chúng sanh nói pháp bình đẳng, trong các chúng sanh khéo an lập bình đẳng, trong các chúng sanh khiến đích thực tương ưng. Những loại nầy đều không có gì sai khác. Đây là bốn loại đạo Bồ-tát.

Vì pháp không vì lợi
Vì đức không vì danh
Mong chúng sanh thoát khổ
Không mong vui cho mình.

Bốn hạng Bồ-tát chân thật ấy, cần phải biết rõ. Như thế nào là bốn hạng? Đó là chỉ vì đối với giáo pháp không vì tài lợi, chỉ vì công đức không vì danh tiếng, chỉ mong chúng sanh thoát khỏi đau khổ, không mong niềm an vui cho chính mình.

Ý mật cầu nghiệp quả
Việc tạo phước đã sanh
Cũng vì thành thục chúng
Rời bỏ việc riêng mình.

Nếu đối với nghiệp quả mật ý mong cầu dục, thực hiện ba việc phước đức, lúc phước đức nầy phát sanh, chỉ vì Bồ-đề tạo lợi lạc cho chúng sanh, cũng chỉ vì Bồ-đề thành thục chúng sanh, vì lợi ích chúng sanh nên rời bỏ sự nghiệp riêng mình. Đây là bốn hạng Bồ-tát chân thật.

Gần gũi tri thức thiện
Là pháp sư, Đức Phật
Khuyến khích người xuất gia
Cho đến hạng cầu xin.

Đây là bốn hàng tri thức thiện của Bồ-tát, cần phải thân cận. Như thế nào là bốn hàng? Đó là pháp sư là tri thức thiện của Bồ-tát, vì giúp giữ gìn Văn tuệ. Đức Phật là tri thức thiện của Bồ-tát, vì giúp giữ gìn các pháp Phật. Người khuyến khích xuất gia là tri thức thiện của Bồ-tát, vì giúp giữ gìn các thiện căn. Người cầu xin là tri thức thiện của Bồ-tát, vì giúp giữ gìn tâm Bồ-đề. Bốn hàng tri thức thiện của Bồ-tát nầy, cần phải thân cận.

Dựa vào luận thế gian
Chuyên cầu vật thế gian
Tin hiểu thừa Độc giác
Cho đến thừa Thanh văn.

Đây là bốn loại tri thức ác của Bồ-tát, cần phải biết điều ấy. Như thế nào là bốn loại? Đó là loại học thuyết thế gian, vì gần gũi luyện tập các thức biện tài hỗn tạp. Loại thuộc về tài vật thế gian, vì không thuộc về giáo pháp. Loại thừa Độc giác, vì ít chính nghĩa và lợi ích chung, ít thực hiện trách nhiệm. Loại thừa Thanh văn, vì làm lợi riêng cho bản thân mình.

Bốn loại tri thức ác
Bồ-tát nên biết rõ
Lại có người mong cầu
Là bốn bậc Đại tạng.

Như trước đã nói về bốn loại tri thức, là tri thức ác biết rồi nên xa rời. Lại có người thỏa mãn mong cầu đạt được, đó gọi là bốn bậc Đại tạng.

Phật hiện nghe các Độ
Cho đến các pháp sư
Thấy tâm không ngăn ngại
Vui ở nơi tĩnh lặng.

Đây là bốn thứ Đại tạng của Bồ-tát, cần phải đạt được như thế. Như thế nào là bốn bậc? Đó là phụng sự chư Phật xuất thế, nghe thấy sáu Ba-la-mật. Dùng tâm vô ngại hướng về pháp sư, dùng tâm không buông thả vui ở những nơi trống vắng lặng yên. Đây là bốn thứ Đại tạng của Bồ-tát, cần phải đạt được như thế.

Đất, nước, gió, lửa, không
Đều tương tự cùng mình
Tất cả xứ bình đẳng
Lợi ích các chúng sanh.

Cùng với các loại đất nước gió lửa và hư không, có hai nhân duyên giống như Bồ-tát, cần phải tiếp nhận gìn giữ. Đó gọi là bình đẳng và lợi ích. Như bốn đại chủng là đất-nước-gió-lửa và hư không là năm loại, ở trong các loại có tâm, không có tâm, tất cả mọi nơi đều bình đẳng, không có tướng nào khác. Các loại chúng sanh luôn sử dụng để giúp đỡ cho mình, nhưng không hề thay đổi, không cầu mong đền ân, mình cũng như vậy, cho đến cuối cùng ngồi nơi tòa giác ngộ, vì sự sử dụng để giúp đỡ cho các chúng sanh, không hề thay đổi, không cầu mong báo ân.

Nên theo tư duy nghĩa
Phát sanh Đà-la-ni
Với người lắng nghe pháp
Đừng tạo những chướng ngại.

Nghĩa là nghĩa lý của Đức Phật đã giảng giải. Đối với nghĩa lý ấy nên khéo tư duy, như cùng nhau trò chuyện, hoặc là ở một mình, suy nghĩ nên làm như vậy. Lại an trú trong giới cấm để tâm ý luôn thanh tịnh, chăm chỉ, trong sáng nên phát sanh đạt tới mức nghe được các thần chú (Đà-la-ni) như chủ biển, chủ bạc. Lại đối với những người lắng nghe pháp, đừng vì nhân duyên nhỏ làm thành chướng ngại, khiến xa rời pháp và phát sanh tai họa.

Phiền não nên điều phục
Việc nhỏ bỏ không sót
Tám sự do lười nhác
Cũng đều phải đoạn trừ.

Trong phiền não có thể điều phục được, có chín loại sự việc làm cho phiền não, đó là việc đã làm, đang làm, sẽ làm, đối với mình trở thành không lợi ích, đây là ba loại, việc đã làm, đang làm, sẽ làm. Đối với người thân yêu của mình trở thành không lợi ích, lại là ba loại, việc đã làm – đang làm – sẽ làm. Đối với người mình ghét, trở thành ích lợi, lại là ba loại. Những loại nầy đều là việc dấy lên phiền não. Từ trong chín loại sự việc phiền não ấy, nên tự mình điều phục. Việc nhỏ bỏ đi không còn gì, ở đây có hai mươi loại việc nhỏ, đó là:

  1. Bất tín (Không tín).
  2. Vô tàm (Không hổ).
  3. Siễm huyễn (Dua nịnh dối gạt).
  4. Trạo cử.
  5. Loạn động.
  6. Phóng dật.
  7. Hại.
  8. Vô quý (Không thẹn).
  9. Giải đãi (Biếng trễ).
  10. Ưu (Ưu sầu).
  11. Hôn trầm.
  12. Thùy miên (Ham ngủ nghỉ).
  13. Hận.
  14. Phú.
  15. Tật.
  16. Kiên.
  17. Cao.
  18. Phẫn.
  19. Hối.
  20. Muộn (Phiền muộn).

Hai mươi loại tiểu sự như vậy, đều nên bỏ hết không còn gì. Tám loại sự việc biếng nhác… cũng đều nên đoạn trừ tất cả. Đó là:

  1. Mình muốn làm công việc, lúc bắt đầu làm thì nằm yên, không thể tinh tấn.
  2. Mình làm công việc xong.
  3. Mình ở tại đường đi.
  4. Mình đi hết đường.
  5. Mình cảm thấy thân thể mệt mỏi, không thể nào hành tác.
  6. Thân mình nặng nề, không có khả năng làm việc.
  7. Mình đã phát sanh bệnh tật.
  8. Bệnh mình có thể không bao lâu sẽ khỏi, bắt đầu làm thì nằm yên, không thể khiến tinh tấn.

Vì những nguyên nhân nầy, nên điều cần đạt được không thể nào đạt được, nơi nên đến lại không thể nào đến, quả vị nên chứng đắc lại không thể nào chứng đắc. Trong tám loại sự biếng nhác như vậy, để làm cho đoạn trừ hết, cần phải phát khởi tinh tấn.

Đừng dấy tham không phận
Tham tràn không vừa ý
Xa rời đều khiến hợp
Chẳng hỏi thân không thân.

Nếu thấy chúng sanh có đầy đủ lợi dưỡng, danh tiếng, yên vui, mọi người ca ngợi và nhiều phước đức, từ trong phước đức đầy đủ kia, đừng dấy lên tâm tham không yên phận, vì dấy lên tâm tham không yên phận thì không sao vừa ý được, nên điều ấy không thể tùy ý xảy ra. Lại từ trong tất cả mọi thứ đã cạnh tranh, ly tán, phá hoại nhau, bất kể thân hay không, đều khiến cho hòa hợp, một lòng thương yêu nhau.

Đối không đạt được không
Người trí không dựa hành
Nếu sẽ được tại không
Ác kia vượt thân kiến.

Dựa vào không để trừ dứt sự tích tụ quá lớn về vô trí. Người trí tuệ dừng dựa vào sự đắc không mà hành. Nếu dựa vào chỗ đạt được không mà hành, thì đối với người có thân kiến, khó chữa trị vượt qua, niệm ác cũng vượt qua. Vì các kiến hành căn cứ vào không mà lìa, nếu đắm vào chỗ chấp về không thì cái thấy ấy không thể nào chữa trị, lại không có cách nào làm cho rời xa.

Quét bụi và trang nghiêm
Cùng nhiều loại nhạc trống
Vật cúng dường, hương hoa
Cúng dường tháp miếu Phật.

Đối với tháp thờ Như Lai và nơi hình tượng Ngài, quét dọn sách sẽ bụi đất và dùng hương hoa tốt đẹp chưng bày, đốt hương, xông trầm, lọng báu, cờ phướn…, cùng với những vật dụng cúng dường trang nghiêm, để lúc thực hiện cúng dường, đạt được sự uy nghiêm và giới hương tự tại. Dùng các loại nhạc cụ cúng dường như tù và, sáo địch, không hầu, trống cơm, trống đại, vỗ tay như sấm động, để đạt được thiên nhĩ.

Làm các loại đèn lồng
Cúng dường tháp điện Phật
Bố thí dù, giày da
Các phương tiện ngựa, xe…

Trong tháp điện thờ Phật, nên dùng các loại hương hoa, đèn nến tốt đẹp để thực hiện sự cúng dường, vì để đạt được Phật nhãn. Bố thí các loại dù lọng, giày da, voi ngựa, xe cộ và các phương tiện đi lại…, vì để đạt được thần thông vô thượng của Bồ-tát đi lại không khó khăn.

Thuận theo vui thích pháp
Vui được biết tin Phật
Vui mừng cúng dường Tăng
Cũng vui Chánh pháp.

Bồ-tát ở đó luôn thuận theo niềm vui đối với pháp như vậy, không vui thích phước lạc của năm dục, nên biết rõ lợi ích đã đạt được từ niềm tin đối với Phật, không chỉ là niềm tin vui thấy được đối với sắc thân. Hướng về Tăng chúng dùng các loại nhạc cụ thường vui để cúng dường, không chỉ là vui hướng đến thăm hỏi sức khỏe, luôn thích được nghe pháp, không lúc nào chán đủ, không chỉ là vui trong chốc lát được nghe những pháp đó.

Trong đời trước không sanh
Trong hiện tại không trú
Trong tương lai không đến
Quán các pháp như vậy.

Vì lực nhân duyên hòa hợp, và vì từ trước tới nay không hề có, trong đời trước không sanh vì từng niệm từng niệm tiêu tan và vì không dừng lại. Trong đời hiện tại không dừng vì mất đi không còn, và vì không có gì đến hay đi. Trong đời vị lai không đến. Nên quán sát các pháp đều như vậy.

Việc tốt cho chúng sanh
Không mong cầu đền đáp
Nên một mình chịu khổ
Không riêng thọ hưởng vui.

Bồ-tát đối với các chúng sanh, nên lấy việc tốt đẹp tạo lợi lạc cho họ, bản thân mình không mong muốn những chúng sanh ấy đền trả, và các chúng sanh có vô lượng sự khổ, mình đơn độc thay họ chịu đựng. Mình có những niềm vui, tặng cho các chúng sanh, tiếp nhận sử dụng để đạt an vui hơn.

Tuy đủ phước cõi trời
Tâm không dấy, không mừng
Tuy nghèo như ngạ quỷ
Cũng không hạ không buồn.

Tuy ở trong phước báo đầy đủ và to lớn của cõi trời, nhưng tâm không dấy lên mừng vui và dâng cao. Tuy là ngạ quỷ bần cùng, phiền muộn bức bách, đời sống ấy là khó khăn nhất, nhưng không nên sanh tâm thấp kém, lại cũng không nên buồn rầu, huống hồ làm người bần cùng.

Nếu có người đã học
Nên hết sức tôn trọng
Chưa học khiến vào học
Không sanh ý khinh miệt.

Nếu có chúng sanh đã học, đối với họ nên khởi tâm tôn trọng hết mực. Nếu chúng sanh chưa học nên làm cho họ tham gia học hỏi, cũng không nên khinh miệt xa rời họ.

Cung kính người giới đủ
Phá giới khiến giữ giới
Thân cận người đủ trí
Người ngu khiến được trí.

Người giới luật đầy đủ cần phải thường xuyên thăm hỏi, chắp tay vái chào cung kính với những bậc ấy, cũng nên vì họ nói về phước của giữ giới. Nếu người phá giới nên khiến họ đi vào giới luật, cũng nên vì họ nói về tội của phá giới. Nếu như người trí tuệ đầy đủ, phải nên thân cận, cũng nên vì họ hiển hiện đức của trí tuệ. Người ngu tối nên làm cho họ đạt được trí tuệ, cũng nên vì họ nói rõ về sai lầm của ngu si.

Khổ lưu chuyển nhiều loại
Sanh lão tử đường ác
Không sợ những khổ nầy
Hàng ma ác, trí ác.

Bồ-tát ở trong lưu chuyển có rất nhiều loại, như những khổ về sanh lão bệnh tử ưu bi bức bách, như những đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la… Không nên sợ hãi, chỉ nên làm cho ma ác, trí ác phải hàng phục.

Cõi nước của chư Phật
Tích tụ các công đức
Vì đạt được thành tựu
Cần phát nguyện, tinh tấn.

Khắp mười phương có vô lượng cõi nước của chư Phật, hoặc là cõi Phật đầy đủ, hoặc là cõi Phật trang nghiêm, hoặc nghe được từ chư Phật, Bồ-tát, hoặc tự mình nhìn thấy cõi đó, các cõi nước ấy đều tích tụ vô lượng công đức thù thắng, đều khiến cho những cõi nước ấy đi vào được trong cõi Phật của mình, cần phải phát nguyện như vậy. Tùy theo nguyện đã phát ra theo đó thành tựu, cũng nên tinh tấn tu hành như vậy.

Luôn hướng về các pháp
Không giữ mà hành xả
Đây vì các chúng sanh
Nhận gánh vác việc cần.

Vì giữ lấy nên khổ đau, không giữ lấy nên an vui. Dấy lên ý niệm nầy, luôn đối với các pháp không giữ lấy mà lại xả bỏ. Tuy không lấy mà lại bỏ, nếu như lúc trước đây vì hướng đến Bồ-đề, khởi lên nguyện vọng được gánh vác chúng sanh, người chưa hóa độ tôi sẽ hóa độ, người chưa giải thoát tôi sẽ giải thoát, người chưa đạt Niết-bàn tôi sẽ tạo Niếtbàn cho họ. Đây là nguyên nhân cần phải gánh vác vì chúng sanh.

Chánh quán từ các pháp
Không có ngã, ngã sở
Đừng bỏ tâm đại bi
Cùng với tâm đại từ.

Nói các pháp không gì vốn có, vì như giấc mộng, như huyễn dối. Các pháp không có ngã, không có ngã sở là nguyên cớ quán về vô tướng, như vậy là theo nghĩa tối thắng về pháp. Lúc quán sát tướng nầy, đối với chúng sanh cũng không mất tâm đại bi và tâm đại từ. Như vậy càng gấp bội xứng với lời ca ngợi đặc biệt: Kỳ diệu thay! Các chúng sanh kia bị ngu si ám muội che phủ, chấp vào ngã và ngã sở, ở trong nghĩa tối thắng của đạo pháp nầy mà không biết được là đang ở thời gian nào? Vì khiến cho các chúng sanh kia vào trong nghĩa tối thắng của đạo pháp được giác ngộ, nên đối với họ không mất tâm đại bi và lòng đại từ vô lượng.

Vượt hơn các cúng dường
Là cúng dường Như Lai
Phải thực hiện thế nào?
Đó là cúng dường pháp.

Nếu có người dùng các lễ vật cúng dường, dâng lên cúng dường các bậc Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và chư Phật, đó là hoặc dùng các thứ hoa hương quý báu, trầm hương, đèn lồng để cúng dường, hoặc dùng các loại lọng báu cờ phướn để cúng dường, hoặc dùng các thứ âm nhạc để cúng dường, hoặc dùng các loại thuốc quý, đồ ăn thức uống bậc nhất để cúng dường. Nếu như muốn vượt hơn các cách cúng dường ấy để cúng dường chư Phật, lại phải như thế nào? Đáp: Đó gọi là cúng dường pháp.

Cúng dường ấy lại có tướng gì?

Nếu giữ tạng Bồ-tát
Đạt được Đà-la-ni
Vào cội nguồn sâu xa
Chính là cúng dường pháp.

Ở đây, nếu tương ưng với tạng Bồ-tát, là Như Lai đã thuyết giảng các kinh điển rất sâu xa, rõ là ngược với các luận thuyết của thế gian, khó đạt được ngọn nguồn của giáo pháp ấy, nghĩa lý vi tế khó thấy được, dùng kinh Tổng trì vương chứng nghiệm phù hợp được điều ấy. Nhân bất thoái chuyển sanh từ sáu Độ, khéo thâu gồm những gì cần phải thâu gồm, lần lượt đi vào pháp trợ Bồ-đề hợp với tánh chánh giác. Đi vào các Đại bi nói về Đại từ, xa rời cái thấy của ma, khéo giải thích về duyên sanh, đi vào không có chúng sanh, không có phần mạng, không có nuôi lớn, không có con người, tương ưng với Không – Vô tướng – Vô nguyện. Ngồi nơi tòa giác ngộ chuyển pháp luân, được các loài Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà hết lời ca ngợi, độ cho hàng tại gia, thâu phục các bậc Thánh nhân, diễn nói các hạnh Bồ-tát, đi vào các biện tài Pháp, Nghĩa, Từ, Nhạo thuyết… Làm chấn động với những âm thanh Vô thường – Khổ – Không – Vô ngã, làm kinh hãi các chấp trước về kiến đắc của các ngoại đạo. Chư Phật đã khen ngợi là người đối trị được lưu chuyển, chỉ bày niềm vui Niết-bàn. Các kinh điển như vậy nếu giảng nói hoặc là chấp trì, quán sát tiếp nhận để áp dụng, gọi là cúng dường pháp. Vả lại, cúng dường pháp ấy đạt đến nơi không còn thoái lui thuận theo hành tổng trì, ở trong pháp sâu xa tương ưng với Không – Vô tướng – Vô nguyện, đi vào đến tận cùng nơi ấy, không lay động, không nghi ngại. Đây gọi là cúng dường Pháp trong nghĩa tối thắng. Cần phải dựa vào nghĩa

Đừng yêu thích tạp vị
Trong đạo pháp sâu xa
Khéo vào chớ buông lung.

Cúng dường pháp, nếu ở trong pháp tư duy về pháp, thực hành theo pháp, tùy thuận duyên sanh, xa rời các biên kiến và kiến thủ, nhất định không ra ngoài nhẫn vô sanh và đi vào vô ngã. Ở trong nhân duyên không trái ngược, không tranh chấp, xa rời ngã và ngã sở. Nên dựa vào nghĩa lý, đừng dong ruổi theo ý vị câu chữ trau chuốc lẫn lộn. Nên dựa vào trí, đừng dựa vào thức. Dựa vào kinh hiểu rõ nghĩa lý, đừng đắm vào nghĩa lý không rõ ràng và ngôn từ thế tục. Nên dựa vào pháp, đừng chọn lấy cách nhìn của người. Nên tùy thuận pháp hành như thật đi vào xứ vô trú. Khéo quán sát Vô minh – Hành – Thức – Danh sắc – Lục nhập – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sanh, Lão tử ưu bi khổ não vây hãm cùng cực, thảy đều vắng lặng không còn. Như vậy, quán sát duyên sanh đã khiến sanh khởi vô tận, vì nghĩ thương chúng sanh, nên không chấp vào những cái thấy, không làm điều phóng dật. Nếu luôn như vậy, mới có thể gọi là cúng dường pháp không gì hơn.

Như vậy tư lương nầy
Hằng sa các đại kiếp
Người xuất gia, tại gia
Thành tựu quả Chánh giác.

Như trước đã nói về tư lương từ trong Hằng hà sa vô lượng đại kiếp, chúng xuất gia và chúng tại gia thuộc thừa Bồ-tát, trải qua thời gian dài đầy đủ hạnh nguyện, được thành tựu quả vị Chánh giác.

Kết tụng tư lương kia
Để tư duy Bồ-đề
Nghĩa tư lương không thiếu
Có thể biết nơi tụng.
Nay tôi giải thích tụng
Đối nghĩa có thêm bớt
Khéo giải thích nghĩa tụng
Bậc Hiền trí hãy xét.
Giải thích tụng tư lương
Những phước thiện đã làm
Vì chúng sanh lưu chuyển
Sẽ được Chánh Biến Giác.

Luận Bồ Đề Tư Lương do Thánh giả Long Thọ soạn thuật. Tôi là Tỳ kheo Tự Tại giải thích xong.

Pages: 1 2 3 4 5 6