LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Bồ-tát Long Thọ soạn.
Tỳ kheo Tự Tại giải thích.
Hán dịch: Đời Tùy, Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 1
Nay hướng về chư Phật
Chắp tay cung kính lễ
Con sẽ như giáo giải
Tư lương Bồ-đề Phật.
Phật là sự giác ngộ ở trong tất cả những điều nên biết, đây là nghĩa về Phật, như những gì nên biết mà biết. Lại vì giác ngộ ở trong trí không thùy miên. Giác là lấy sự tỉnh ngủ làm nghĩa, vì xa rời giấc ngủ không có trí tuệ. Vả lại, các hàng Thích, Phạm không thể giác ngộ, sự giác ngộ nầy chỉ có người uy danh vang khắp ba cõi có thể giác ngộ, nên chỉ hết thảy chư Phật mới giác ngộ sự giác ngộ nầy. Vì Nhất thiết chủng biến trí chỉ riêng Phật biết được, không phải là các hàng Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, vì Phật có đầy đủ pháp bất cộng. Chư là không thiếu, nghĩa là có đủ quá khứ vị lai hiện tại. Đảnh là phần phía trên cao. Hiệp chưởng là chắp tay lại, kính là hướng về lễ lạy. Con nói là tự phân biệt. Như giáo là các loại đã nói trong tất cả các kinh, nay cũng như giáo pháp ấy mà giảng nói. Phật là xa rời vô trí. Bồ-đề là trí Nhất thiết trí. Tư lương là năng lực đầy đủ của pháp Bồ-đề, ví như bình chậu đầy, nồi chảo đầy… ở thế gian, vì đầy là nghĩa đầy tràn. Như vậy, lấy pháp Bồ-đề đầy đủ làm tư lương của Bồ-đề. Lại lấy sự duy trì làm nghĩa, ví như cùng vận hành giữa thế gian mà mặt trời thuộc về nóng, mặt trăng thuộc về lạnh, vì nhiếp là nghĩa duy trì. Như vậy, lấy pháp Bồ-đề duy trì, làm tư lương của Bồ-đề. Nói tư lương tức là nghĩa duy trì. Lại, lấy sự nuôi lớn làm nghĩa, ví như thế gian có thể có người thỏa mãn với số ngàn, hoặc số trăm, hoặc số chục, hoặc chỉ có tự thỏa mãn, hoặc khó mà tự thỏa mãn. Tư lương Bồ-đề cũng lại như vậy, lấy sự nuôi lớn Bồ-đề làm nghĩa. Lại lấy nhân tố làm nghĩa, như trong các nhân tố về nhà cửa, thành thị, xe cộ…, nói là tư lương của nhà cửa, tư lương của thành thị, tư lương của xe cộ. Như vậy, hướng về trong pháp nhân duyên sanh khởi Bồ-đề, tên gọi là tư lương Bồ-đề.
Lại, lấy sự đầy đủ các thành phần làm nghĩa, ví như trong phần cúng tế đầy đủ các loại dầu đèn, bát đĩa mới gọi là tế tự, không phải là không đầy đủ. Cũng như thân thể đầy đủ tay chân đầu mình… thì được gọi là thân, không đầy đủ thì không được. Phần thí cũng như vậy, người thí giúp, vật thí giúp, người thọ nhận, hồi hướng. Những điều nầy đầy đủ gọi là tư lương của thí, không đầy đủ không được. Tư lương của giới v.v… cũng như vậy. Vì thế cho nên nghĩa đầy đủ mọi thành phần, là nghĩa của tư lương. Như vậy “Con nói tư lương Bồ-đề”, là chủ thể đầy đủ. Duy trì, nuôi lớn, nhân Bồ-đề, pháp phần Bồ-đề đầy đủ đều là nghĩa ấy.
Người nào nói không thiếu
Các tư lương Bồ-đề?
Chỉ riêng có chư Phật
Được giác ngộ vô biên.
Người nào là nói đến năng lực nào. Vì hoặc là Thanh văn, hoặc là Bồ-tát hiểu biết phần nhỏ thì không có năng lực. Nếu muốn nói về những tư lương Bồ-đề không thiếu không dư, chỉ chư Phật mới được giác ngộ vô biên về điều ấy. Nói vô biên giác, nghĩa là không phải giác ngộ một phần nhỏ. Vì chư Phật Thế Tôn ở trong vô biên nghĩa lý cần biết mà hiểu biết rõ không ngăn ngại, nên Phật gọi là bậc giác ngộ vô biên. Lại, ở trong dục lạc và biên kiến đến từ những chấp trước đau khổ, đoạn, thường, có và không… đã giác ngộ, không tham đắm, vì lẽ đó giác ngộ đến vô biên, nên Phật gọi là bậc giác ngộ vô biên.
Hỏi: Tại sao tư lương chỉ một mình đức Phật có thể nói, người khác không thể nói được?
Đáp:
Thể Phật đức vô biên
Giác tư lương làm gốc
Vì thế giác tư lương
Cũng không có bờ.
Thể Phật chính là thân Phật. Vì thể Phật đầy đủ vô biên công đức, nên nói thể Phật là vô biên đức. Công đức ấy nghĩa là đáng được ca ngợi và tán thán, nếu có thể ca ngợi tán thán thì gọi là công đức. Lại có nghĩa nhiều lần thực hiện, ví như thường xuyên tụng đọc hành tập kinh sách, điều ấy được gọi là tạo công đức.
Lại là nghĩa kiên cố, ví như bện dây thừng, hoặc hợp hai làm cộng, hoặc hợp ba làm cộng.
Lại là nghĩa tăng trưởng, ví như tiền lãi, hoặc tăng thêm hai làm công, hoặc tăng thêm ba làm công.
Lại là nghĩa nương dựa, ví như mọi vật đều lấy nơi nhờ cậy làm công sức. Như vậy thể Phật là nơi nương dựa của vô biên công đức khác nhau như giới định tuệ. Nói thể Phật có công đức vô biên là vậy. Giác tư lương làm gốc là tư lương Bồ-đề kia, cùng với thể Phật vô biên công đức làm căn bản. Căn là nghĩa kiến lập, Bồ-đề là trí. Căn chính là tư lương, nhờ tư lương ấy nên có thể kiến lập trí Nhất thiết trí. Vì vậy tư lương là căn bản của thể Phật, vì thể Phật có vô biên công đức, cần phải dùng vô biên công đức để thành tựu thể Phật ấy, do đó tư lương cũng không có giới hạn.
Sẽ nói phần ít kia
Kính lễ Phật, Bồ-tát
Các vị Bồ-tát ấy
Tiếp Phật nên cúng dường.
Các tư lương kia không biên giới mà trí có giới hạn, vì vậy nói tư lương không thể nào không có thiếu sót, nên nói: Sẽ nói phần ít kia, kính lễ Phật, Bồ-tát.
Hỏi: Nên lễ Phật, vì Ngài là bậc tối thắng trong tất cả chúng sanh, nghĩa gì trong nầy cũng lễ Bồ-tát?
Đáp: Vì các vị Bồ-tát nầy kế tiếp Phật nên phải cúng dường. Các vị Bồ-tát từ mới phát tâm cho đến quả vị giác ngộ đều nên cúng dường.
Bồ-tát có bảy bậc:
1. Mới phát tâm.
2. Chánh tu hành.
3. Đạt được nhẫn vô sanh.
4. Quán đảnh.
5. Còn một đời là thành Phật (Nhất sanh bổ xứ).
6. Đời cuối cùng.
7. Đến nơi chốn giác ngộ.
Những bậc Bồ-tát nầy tiếp theo sau chư Phật nên thọ nhận sự cúng dường. Dùng thân-khẩu-ý và mọi vật bên ngoài để cúng dường các vị ấy. Mới phát tâm là chưa đến được địa. Chánh tu hành cho đến bảy địa. Đạt được nhẫn vô sanh là trú ở Địa thứ tám. Quán đảnh là trú vào Địa thứ mười. Bậc Nhất sanh bổ xứ là còn một đời thì đi vào cõi Đâu-suấtđà. Bậc đời cuối cùng trú tại cõi Đâu-suất-đà. Bậc đến nơi chốn giác ngộ thì sắp thọ dụng trí Nhất thiết trí (Trí Phật). Ở trong bảy bậc Bồ-tát, Bồ-tát mới phát tâm thì tất cả chúng sanh đều nên kính lễ, huống hồ những bậc khác. Tại sao? Vì thâm tâm rộng lớn, vì mức độ giáo pháp của Như Lai, lúc Bồ-tát mới phát tâm là phát tâm Bồ-đề, đối với phần hạn mười phương không có giảm bớt, các cõi Phật không hề giảm bớt, các chúng sanh chẳng hề giảm bớt, dùng tâm từ tràn đầy mọi nơi mà phát tâm Bồ-đề, nếu chúng sanh chưa độ thì con sẽ độ họ, người chưa giải thoát thì con sẽ giải thoát cho họ, người chưa đạt Niết-bàn thì con sẽ khiến họ đạt được, người chưa tịch diệt thì con sẽ khiến họ tịch diệt, người thuận theo Thanh văn thì con sẽ khiến họ đi vào thừa Thanh văn, người thuận theo Độc giác thì con sẽ khiến đi vào thừa Độc giác, người thuận theo Đại thừa thì con sẽ khiến đi vào Đại thừa. Muốn khiến cho chúng sanh đều được tịch diệt, không phải chỉ là tịch diệt phần ít chúng sanh. Vì thâm tâm rộng lớn ấy, nên tất cả chúng sanh đều phải kính lễ.
Như thế nào là vì lượng giáo pháp của Như Lai? Như Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Ca-diếp: Ví như đầu tháng thì phải làm lễ, không phải là trăng tròn. Như vậy Ca-diếp, nếu tin lời Ta nói, thì nên hướng về kính lễ các vị Bồ-tát, không phải là vì Như Lai. Tại sao? Vì từ nơi Bồ-tát sanh ra Như Lai. Còn trong thừa Thanh văn cũng nói:
Đối với người biết pháp
Hoặc là lớn hoặc trẻ
Hãy cung kính cúng dường
Như Phạm chí thờ lửa.
Vì vậy cho nên các bậc Bồ-tát, tiếp theo Phật đều nên cúng dường.
Như kệ nói:
Người kế thừa Phật chủng
Hơn hẳn công hạnh khác
Thế nên các Bồ-tát
Theo Phật, nên cúng dường.
Lòng từ sánh hư không
Hiện khắp các chúng sanh
Vì thế bậc Tối thắng
Sau Phật, nên cúng dường.
Đối với mọi chúng sanh
Đại bi xem như con
Cho nên Phật tử nầy
Sau Phật, nên cúng dường.
Tâm bi lợi chúng sanh
Không hai, như hư không
Thế nên bậc vô úy
Sau Phật, nên cúng dường.
Mọi lúc giống như cha
Tăng trưởng các chúng sanh
Cho nên các Bồ-tát
Sau Phật, nên cúng dường.
Giống như đất, nước, lửa
Chúng sanh luôn thọ dụng
Vì thế bậc thí lạc
Sau Phật, nên cúng dường.
Chỉ làm lợi chúng sanh
Xả bỏ nhân tự lạc
Vì thế nên tất cả
Sau Phật, hãy cúng dường.
Ngoài ra Phật, chư Phật
Đều sanh từ sơ tâm
Cho nên các Bồ-tát Sau
Phật, nên cúng dường.
Hỏi: Tôn giả đã chính thức nói về duyên khởi của tư lương giáo, nay nên nói về thể của tư lương chăng?
Đáp:
Đã là mẹ Bồ-tát
Cũng là mẹ chư Phật
Nên Bát nhã Ba-la-mật
Tư lương đầu của giác.
Vì Bát nhã Ba-la-mật là mẹ của các Bồ-tát, nên là tư lương thứ nhất của Bồ-đề. Vì sao? Vì là tối thắng. Như trong các thân căn thì nhãn căn là hơn hẳn, trong các bộ phận của thân thì phần đầu là hơn hẳn, trong các Ba-la-mật thì Bát nhã Ba-la-mật là hơn hẳn, cũng như vậy, vì thế Bát nhã Ba-la-mật là tối thắng, nên là tư lương thứ nhất.
Lại vì là người đi trước, như trong các pháp thì Tín là người đi trước, trong các Ba-la-mật thì Bát nhã Ba-la-mật đi trước cũng như vậy. Vì Đà na (Bố thí) kia, nếu không hồi hướng Bồ-đề, thì không phải là Bố thí Ba-la-mật. Như vậy Thi la (Trì giới)… nếu không hồi hướng Bồ-đề thì cũng không phải là Trì giới… Ba-la-mật. Hồi hướng Bồ-đề chính là Bát nhã (Trí tuệ). Do Trí tuệ đi trước nên luôn luôn hồi hướng. Vì nguyên nhân đi trước nầy, nên trong các Ba-la-mật thì Trí tuệ Ba-la-mật là tư lương thứ nhất của Bồ-đề. Đồng thời các Ba-la-mật nầy là thể của nhân ba luân thanh tịnh. Vì Trí tuệ Ba-la-mật là thể của nhân ba luân thanh tịnh đối với các Ba-la-mật, do đó Trí tuệ Ba-la-mật là tư lương thứ nhất của Bồ-đề. Ba luân thanh tịnh ấy là Bồ-tát lúc thực hành Bố thí ở trong Trí tuệ Ba-la-mật, không nghĩ đến tự thân, vì xa rời chấp thủ tự thân, không nghĩ đến sự khác nhau giữa người nhận, vì dứt trừ tất cả mọi phân biệt, không nghĩ đến quả bố thí, vì tướng của các pháp không đến không sanh ra. Như vậy, Bồ-tát đạt được sự Bố thí ba luân thanh tịnh.
Giống như Thí thanh tịnh, Giới thanh tịnh… cũng như vậy. Vì Trí tuệ Ba-la-mật nầy là thể của nhân ba luân thanh tịnh đối với các Ba-la-mật kia, nên Trí tuệ Ba-la-mật là tư lương thứ nhất của Bồ-đề. Đồng thời là quả to lớn, nên quả to lớn của Trí tuệ Ba-la-mật hơn hẳn các Ba-la-mật. Như kinh nói:
Phước đức tâm Bồ-đề
Cùng lấy pháp thâu nhận
Nơi không, như tín giải
Giá hơn mười sáu phần.
Nhân duyên đại quả trong Kinh Bì La Ma, ở đấy thuận theo nói, vì là đại quả, nên Trí tuệ Ba-la-mật là tư lương thứ nhất của Bồ-đề.
Hỏi: Vì sao Trí tuệ Ba-la-mật được xem là mẹ của Bồ-tát?
Đáp: Do khả năng sanh ra, là phương tiện đã thâu tóm Trí tuệ sanh ra các Bồ-tát, khiến cầu đạt Bồ-đề vô thượng, không cầu mong Thanh văn, Độc giác, vì là nhân sanh ra thể Phật, cho nên Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát. Lại xếp vào trong năm loại Ba-la-mật, như nói Minh Bát La Nhị Ba Đê. Minh là tánh, Bát La Nhị Ba Đê là tụng. Ngay tánh tướng nầy chính là Ma Đa [Ma Đa dịch là Mẫu, đối với âm chữ trong luận, chữ Ma Đa từ trong lời nói Minh Bát La Nhị Ba Đê đưa ra, Minh là thể tánh của Ma Đa, Bát La Nhị Ba Đê là nghĩa đọc tụng của Ma
Đa. Bát La Nhị Ba Đê đích thực phiên dịch là Trí (xếp đặt), lấy Trí làm nghĩa cho Mẫu (mẹ)]. Ví như mẹ sanh ra con, có lúc hoặc là đặt trên giường, hoặc là đặt trên đất. Trí tuệ Ba-la-mật cũng như vậy, lúc sanh ra Bồ-tát cầu đạo Bồ-đề, đặt vào trong năm loại Ba-la-mật như bố thí… , vì có thể đặt Bồ-tát vào cầu đạo Bồ-đề, nên nói Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát. Lại vì mức lượng, như nói Mang Ma Nê. Mang là tánh, Ma Nê là đọc tụng, ngay tánh tướng nầy chính là Ma Đa [Đối với âm chữ trong luận, chữ Ma Đa lại từ trong lời nói Mang Ma Nê đưa ra, Mang cũng là thể tánh, Ma Nê là đọc tụng về nghĩa của nó, đích thực dịch là Lượng (lường tính), lấy Lượng làm nghĩa của Mẫu (mẹ)]. Ví như mẹ sanh con rồi tính toán đắn do tùy theo lúc, như vậy con mình nhờ thức ăn nầy nên thân thể tăng lên, theo đấy nên giảm bớt. Bồ-tát cũng như vậy, dùng Trí tuệ Ba-la-mật tự đánh giá thân mình, mình phải bố thí như vậy, mình nên trì giới… như vậy. Vì nhân duyên tự đánh giá ấy, cho nên nói Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát. Lại dùng ý cân nhắc suy lường, ví như đồ vật đong lường có Bát la tát tha (cân), có A-trạch -ca, có Đột-lưnoa, có Khư-lê-để… (Như vậy các loại đấu-thăng-học-hợp trong nầy). Các Bồ-tát cân nhắc lường tính cũng thế, đây là mới phát tâm, đây là tu hành, đây là đạt được nhẫn vô sanh… Vì nhân duyên cân nhắc lường tính, nên nói Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát. Lại vì đọc tụng nơi kinh (Tu-đa-la), đó là ở trong các kinh làm mẹ, gọi là Tụng (đọc tụng), nơi các kinh ấy có Bồ-tát danh xưng vang khắp các cõi Phật, tên là Tỳma-la-cát-lợi-đế, nói Già tha (bài Tụng):
Trí tuệ Ba-la-mật
Mẹ của các Bồ-tát
Phương tiện khéo là cha
Từ bi là con gái.
Lại có kinh khác, cũng tụng như vậy, lấy kinh suy lường nên nói Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát.
Hỏi: Tại sao Trí tuệ Ba-la-mật cũng là mẹ của chư Phật?
Đáp: Vì sanh ra và biểu hiện rõ ràng Trí tuệ không có chướng ngại. Chư Phật quá khứ vị lai và hiện tại, do Trí tuệ Ba-la-mật A hàm (không pháp nào sánh kịp) mà phiền não đã hết, đang hết và sẽ hết, vì sanh ra từ đấy nên nói Trí tuệ Ba-la-mật là mẹ của chư Phật. Biểu hiện rõ Trí tuệ không có gì chướng ngại ấy, là vì chư Phật Thế Tôn quá khứ vị lai hiện tại biểu hiện rõ ràng Trí tuệ không có chướng ngại, đều lộ rõ từ trong Trí tuệ Ba-la-mật. Vì Trí tuệ nầy biểu hiện rõ không có chướng ngại, nên chư Phật cũng lấy Trí tuệ Ba-la-mật làm mẹ. Trong nầy có tụng nói:
Vì tương ưng đại bi
Trí tuệ Ba-la-mật
Nơi bến bờ vô vi
Phật tử hay vượt lên
Đến được Vô Đẳng Giác
Lợi thâu các chúng sanh
Trí độ chính là mẹ
Người bậc trên như vậy
Nhờ đạt được Trí độ
Mới thành tựu thể Phật
Nên là mẹ chư Phật
Bậc Thắng Tiên đã nói.
Tại sao đây gọi là Trí tuệ Ba-la-mật ? Vì không chung với Thanh văn, Độc giác, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật. Lại ở trên trí tuệ nầy không còn gì phải biết nữa, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật. Trí nầy đến được tất cả bến bờ kia, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật. Ngoài Trí tuệ Ba-la-mật nầy thì không có năng lực nào hơn được, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật. Ba đời bình đẳng, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật. Những nhân duyên hơn hẳn như vậy, như trong kinh Bát Nhã Ba-la-mật nói, nên gọi là Trí tuệ Ba-la-mật.
Hỏi: Đã lược nói về tư lương thứ nhất của Bồ-đề, tư lương thứ hai nay nên nói chăng?
Thí, giới, nhẫn, tấn định
Cho đến năm loại nầy
Đều do trí tuệ độ
Ba-la-mật gồm thâu.
Đà na (Bố thí) Ba-la-mật trong đây là tư lương thứ hai của Bồ-đề. Vì Trí tuệ đi trước, nên Bồ-tát vì Bồ-đề mà thực hành bố thí, do đó thí là tư lương thứ hai. Ở thí nầy, sanh ra ý làm vui cho thân người khác, nhân đó gọi là bố thí, không phải là làm khổ đau. Bố thí có hai loại, đó là tài thí và pháp thí. Tài thí cũng có hai loại, đó là cộng thức và bất cộng thức. Cộng thức cũng có hai loại, đó là nội và ngoại. Nếu bố thí tay chân v.v… của chính mình, hoặc là bố thí toàn thân, đây là nội thí. Nếu bố thí con cái, thê thiếp, cho đến các loài hai chân hay bốn chân…, đấy là ngoại thí. Bất cộng thức cũng có hai loại, đó là ăn được và không thể ăn được. Ở đây có nhiều loại, nếu bố thí các vật ăn uống… nhận sử dụng trong thân, đấy là ăn được. Nếu bố thí sự thọ dụng bên ngoài thân như hương liệu tốt đẹp, thuộc về vàng bạc châu báu, áo quần, ruộng đất, của cải tiền bạc, ao hồ vườn tược, để vui chơi mọi nơi…, đấy là không thể ăn được. Nhưng pháp thí có thể thọ dụng, cũng có hai loại, đó là thế gian và xuất thế gian. Nếu nhờ vào pháp thí, ở trong sự lưu chuyển sanh ra thân căn và cảnh giới đáng yêu, đấy là pháp thế gian. Nếu nhờ vào quả báo của pháp thí, vượt qua được sự lưu chuyển, đây là pháp xuất thế gian. Tài thí và pháp thí ấy đều có hai loại, đó là chấp trước và không chấp trước. Hoặc là thân mình, hoặc là giúp đỡ sanh sống, hoặc là quả báo tốt đẹp, mong muốn nối tiếp nhau để tài thí và pháp thí, đấy là có chấp trước. Nếu vì lợi ích và an vui cho tất cả chúng sanh, hoặc là trí tuệ không có chướng ngại, đây là không chấp trước. Ngoài ra lại có loại Vô úy thí, cũng tùy thuận vào trong tài thí. Quả của hai loại bố thí kia cùng với tập khí còn lại, đầy đủ như kinh Đại thừa có nói, trong nầy sẽ lược nói về kệ:
Ăn uống và y phục
Thuận cần, đều bố thí
Cũng thí vòng hoa, đèn
Hương xoa cùng âm nhạc.
Hoặc thí món ăn ngon
Thuốc men và gối tựa
Những thứ để nuôi bệnh
Người chữa bệnh, chăm sóc.
Trai, gái và thê thiếp
Nô tỳ, cùng kho tàng
Vật trang sức, nữ hầu
Thuận cần, đều bố thí.
Những vật quý vốn có
Nhiều đồ dùng trang nghiêm
Xe cộ cùng voi ngựa…
Đồ vật đẹp thí hết.
Cây cảnh nơi tu đạo
Ao giếng các phòng ốc
Ruộng đất cùng vật tạp
Nhà khách đều bố thí.
Hoặc hai chân, bốn chân
Hoặc lại là cồn bãi
Làng mạc cùng kinh đô
Đến cảnh vua đều thí.
Thí những vật tạo vui
Lợi lạc cho người cần
Chỗ dựa cho chúng sanh
Người sợ, thí không sợ.
Thí vật khó xả bỏ
Tay chân mắt mũi lưỡi
Cũng thí cả tim đầu
Toàn thân đều xả bỏ.
Lúc tu hạnh bố thí
Luôn hướng về người nhận
Sanh khởi tưởng ruộng phước
Như hàng thân thuộc tốt.
Các quả báo bố thí
Tụ tập đầy đủ thiện
Hồi hướng vì tự – tha
Thành Phật và cõi tịnh.
Bồ-tát đã hành thí
Chính hồi hướng thể Phật
Bồ-tát nầy hành thí
Được gọi Ba-la-mật.
Hoặc bờ kia, bờ nầy
Không ai có thể nói
Quả thí đến nơi kia
Nói là thí bờ kia.
Nay nói về sự sai khác của thí chủ :
Không tham với quả yêu
Bi nên ba luân tịnh
Chánh giác nói thí kia
Là vì cầu Bồ-đề.
Ta đã làm việc nầy
Đang làm, cũng sẽ làm
Nếu xả bỏ như vậy
Tức làm thuê, không thí.
Tham tăng nơi quả thí
Tùy thuận tức nên xả
Nói là sanh lợi người
Trí – niệm chẳng thí chủ.
Không tham tăng thêm quả
Chỉ do tâm bi thí
Đây là thí chủ thật
Còn lại đều bán buôn.
Như mây lớn mưa khắp
Mọi chốn tâm cùng thị
Đây gọi thí chủ lớn
Còn lại đều phần ít.
Thí và quả báo thí
Xót thương giúp người cần
Thí chủ đối mọi người
Giống như là cha mẹ.
Không nghĩ những vật thí
Người nhận và người thí
Mà luôn vui bố thí
Đây gọi là thí chủ.
Nếu không phân biệt Phật
Bồ-đề cùng Bồ-tát
Vì Bồ-đề nên thí
Sẽ mau được thành Phật.
Hỏi: Đã giải thích về Bố thí Ba-la-mật, nay nên nói về Trì giới Ba-la-mật?
Đáp: Nghĩa Ba-la-mật như trước đã giải thích. Nghĩa Thi la (Trì giới) nay sẽ nói. Vì Thi la nên nói là Thi la. Nói Thi la nghĩa là hành tập gần gũi. Đây là thể tướng. Lại là nghĩa về bản tánh, như thế gian có những giới về vui, giới về khổ… Lại có nghĩa là trong mát, là không hối hận, nhờ đó xa rời tâm nóng bức vì ưu sầu phiền muộn. Lại có nghĩa là an ổn, vì có thể làm nhân an vui cho đời khác. Lại có nghĩa an tĩnh, vì có thể kiến lập chỉ quán. Lại có nghĩa tịch diệt, vì đạt được nhân an lạc của Niết-bàn. Lại có nghĩa đoan nghiêm, vì có thể trang sức hoàn thiện. Lại có nghĩa là tịnh khiết, vì có thể gột rửa điều ác, phòng ngừa điều xấu. Lại có nghĩa là đứng đầu, vì có thể làm nhân để nhập chúng mà không khiếp nhược. Lại có nghĩa là tán thán, vì có thể sanh ra tiếng khen. Giới nầy là chuyển sanh từ hạnh thiện của thân khẩu ý, trong đó xa lìa không giết hại, không cho mà lấy, dâm dục hạnh tà…, là ba loại thân giới. Xa lìa lời nói dối, lời nói phá hoại, lời nói thô ác, lời nói đùa cợt, hỗn tạp…, là bốn loại khẩu giới. Xa lìa tham sân, tà kiến…, là ba loại ý giới. Như vậy biết hạnh thiện từ thân-khẩu-ý đã chuyển sang mười loại giới, cùng với mười loại hành ác đã phát sanh do tham sân si trở thành đối trị. Vì mười loại hành ác bậc hạ-trung-thượng kia thường hành tập gần gũi nên rơi vào địa ngục, súc sanh, cõi Diêm la. Như trước kể ra mười loại giới hạnh thiện, nếu không tương ưng cùng với giác phần, bậc hạ-trung-thượng luôn hành tập gần gũi, tùy theo phước sai khác tốt hơn nữa, sẽ đạt được sự sai khác giữa trời và người. Nếu mười loại hạnh thiện tương ưng cùng với giác phần, giới tốt hơn nữa thường hành tập gần gũi nhiều, do đó sẽ đạt đến sự sai khác, chuyển sang hơn hẳn trong địa Thanh văn và địa Bồ-tát. Vả lại, tụ giới Bồ-tát nầy, có sáu mươi lăm loại vô tận, như trong Kinh Vô Tận Ý đã giải thích, nên biết. Nay lược nói có hai loại giới, đó là Bình đẳng chủng thi giới và Bất bình đẳng chủng thi giới.
Bình đẳng chủng thi giới, là dùng hạnh thiện của thân-khẩu-ý nầy tích tụ, ở trong đời đời gieo trồng, hoặc là cõi, hoặc là giàu vui, hoặc là Thanh văn, Độc giác, hoặc là cùng quả báo, hoặc là tịnh độ, hoặc là thành thục chúng sanh, hoặc là Chánh biến giác… Những nhân tố ấy đều gọi là Bình đẳng chủng thi giới. Trái lại với tướng nầy, gọi là Bất bình đẳng chủng thi giới. Lại có hai loại giới, đó là giới Hữu tác và giới Vô tác. Nếu ở trong Hữu tác có sự tạo tác, gọi là giới Hữu tác. Trái với tướng nầy gọi là giới Vô tác.
Lại có chín loại giới, đó là Phàm phu giới, Ngoại đạo ngũ thông giới, Nhân giới, Dục giới thiên tử giới, Sắc giới thiên tử giới, Vô sắc giới thiên tử giới, Chư học vô học Thanh văn giới, Độc giác giới, Bồ-tát giới.
Phàm phu giới là đi vào nơi sanh nên hết. Ngoại đạo ngũ thông giới là thần thông giảm sút nên hết. Nhân giới là mười nghiệp đạo thiện hết, nên không còn. Dục giới thiên tử giới là phước hết nên không còn. Sắc giới thiên tử giới là thiền định không còn, nên hết. Vô sắc giới thiên tử giới là Tam-ma-bát-đế (thiền định) không còn, cho nên hết. Chư học, vô học Thanh văn giới là cứu cánh Niết-bàn cho nên hết. Độc giác giới là thiếu đại bi cho nên hết. Bồ-tát giới là không có cùng tận, vì giới nầy có thể làm sáng tỏ các giới khác, vì chủng tử nối tiếp nhau không có kết thúc, vì Bồ-tát kế tục nhau không kết thúc, vì Như Lai giới không có tận cùng. Do nhân duyên nầy, nên Bồ-tát giới gọi là vô tận. Các giới Bồ-tát hồi hướng Bồ-đề, nên gọi là giới Ba-la-mật. Trong nầy có kệ:
Giống như cha quý công sức con
Cũng như tự mình quý thọ mạng
Giới ra khỏi hữu ái cũng vậy
Người khỏe, tâm lớn đều quý giới.
Giới nầy Mâu-ni đã hành tập
Giải thoát nơi dục lìa hữu ái
Như quạ mọi người đều từ bỏ
Người trí thường nên quý giới nầy.
Giới ấy lợi ích cho mình, người
Khiến thân đoan nghiêm rời buồn chán
Đời nầy đời kia trang nghiêm đẹp
Giới nầy người trí nên quý hơn.
Giới nầy không dựa sức người khác
Thảy đều đạt được không cầu xin
Đều nhờ vào sức mình mà được
Nên bậc thượng nhân quý giới nầy.
Tài sản, đất nước và đất đai
Xương thịt của mình cùng đầu, cổ
Đều có thể bỏ, không bỏ giới
Vì mong thanh tịnh đạo Bồ-đề.
Giả sử từ trời rơi xuống đất
Và từ đất bay lên trên trời
Hoàn toàn lìa cấu, đất không nhiễm
Thuận theo nên quyết không chuyển dời.
Nếu đã đầy đủ giới, phương tiện
Lúc nầy liền đạt Địa thứ hai
Đã được địa Ly cấu thanh tịnh
Là lúc thành tựu tâm mong muốn.
Nếu trở lại trời, người, Tu la
Và trong súc sanh ai độ
Khéo biết phương tiện hành giáo hóa
Tùy niệm hướng về lợi ích kia.
Hoặc dùng bố thí thâu chúng sanh
Hoặc cùng ái ngữ vào ý họ
Hoặc lại ban cho lợi an ổn
Hoặc dùng đồng sự để giúp sức.
Hoặc trong loài người được làm chủ
Hoặc ở chúng trời mà tự tại
Rất nhiều phương tiện nhằm dẫn dắt
Đều đang sắp đặt nơi pháp thiện.
Vì đầy đủ giới thật, thần thông
Có thể làm khô nước biển lớn
Thế gian tận, lửa dữ bốc cao
Trong khoảnh khắc hủy diệt tất cả.
Quán xét thế gian bao phiền não
Buồn sanh bệnh do xa người thân
Người trí có giới thông phương tiện
Vì đời thương yêu chỉ đạo mầu.
Hỏi: Đã giải thích về Thi la Ba-la-mật, nay nói về Sàn đề (Nhẫn nhục) Ba-la-mật?
Đáp: Trong nầy, nói đến Sàn đề là hoặc thân, hoặc tâm nhận chịu các khổ, vui, chí có thể chịu đựng mà tâm không cao thấp, không có nhiễm đục. Đây gọi là lược nói về Sàn đề (Nhẫn nhục). Nếu nói rộng thì thiết lập thành ba loại, đó là Thân trú trì – Tâm trú trì và Pháp trú trì. Ở đây nhẫn của Thân trú trì, nghĩa là thân gặp phải những sự khổ, như bên ngoài tiếp xúc với cảnh cố ý hay vô tình không thích, đã nảy sanh khổ nơi thân có thể chịu đựng, không tính toán. Đây gọi là nhẫn của Thân trú trì. Cảnh sanh ở ngoài, nghĩa là do nhân duyên ăn uống nên xảy ra sợ hãi nóng giận, ngu si, cho đến các loài hai chân, bốn chân hay nhiều chân, như muỗi mòng, rắn rít, cọp beo, sư tử…, vô lượng nhân duyên từ các hoàn cảnh cố ý bức não nơi thân. Hoặc lại có người đến xin tay chân tai mũi đầu mắt và các chi phần mà cắt đứt. Đối với sự việc xấu ác nầy, tâm không hề buồn rầu, hỗn loạn, cũng không hề lay động. Đây gọi là nhẫn của Thân trú trì.
Lại còn nhân duyên bão tố dữ dội, thời tiết nóng nực lạnh lẽo, mưa đá trút xuống, lúc những hoàn cảnh vô tình đến bức bách phiền muộn, toàn thân tiếp xúc đau khổ mà có thể an nhiên nhận chịu, đây cũng gọi là nhẫn.
Lại vì trong thân đã dấy lên nhân duyên thay đổi về về cảnh giới, ăn uống nhạt nhẽo, cho đến dấy động sanh ra bốn trăm lẻ bốn bệnh khổ cho thân. Vào lúc bức bách phiền muộn, có thể chịu đựng không tính toán, cũng gọi là nhẫn của Thân trú trì.
Nhẫn trong Tâm trú trì là, nếu có những lời nói không thích nghe, như chửi mắng, giận dữ chê bai, quát tháo, phỉ báng, lăng nhục ức hiếp…, lúc đến bức bách não hại, tâm không lay động cũng không hỗn loạn, đây gọi là nhẫn của Tâm trú trì. Lại có tám loại pháp thế gian được tiếp xúc, đó là được lợi-mất lợi, tiếng tốt-tiếng xấu, chê bai-khen ngợi, -khổ-vui, trong tâm không có cao thấp tốt xấu, bất động như núi, thì gọi là nhẫn của Tâm trú trì. Lại vì bặt dứt tâm ý nóng giận, nên theo đó không có tâm giết hại, không có tâm kết buộc oán hận, không có tâm tranh giành, không có tâm kiện tụng, tự bảo vệ mình và bảo vệ người, tâm từ tương ưng trong mọi chúng sanh, cùng với tâm bi chung nhau thực hành, khởi ý hoan hỷ, luôn luôn xả bỏ tất cả. Những điều nầy cũng gọi là nhẫn của Tâm trú trì.
Nhẫn trong Pháp trú trì là, ở bên trong ở bên ngoài đều quán sát đúng như thật. Ngoài là những loại như chửi mắng, giết hại… Chửi mắng là tiếng và chữ hòa hợp cùng lúc không phân tán, vì chỉ trong nháy mắt chữ đã không có, tiếng giống như tiếng vang, tất cả rỗng lặng nào có gì thật, không thể nói ra nghĩa tương ưng theo thứ tự. Trong ấy không có chửi mắng, chỉ vì các hạng phàm phu phân biệt hư vọng mà sanh ra nóng nảy tức giận. Nếu chữ và tiếng căn cứ vào nghĩa của tự tánh, biết là không thể được, tâm sẽ thuận theo không làm trái nhau, bình đẳng chịu đựng. Đây gọi là nhẫn của Pháp trú trì. Lại đối với nơi bị giết hại, nên khởi suy nghĩ: Thân không phải là bị hại, thân nếu không cố ý, thì giống như cỏ cây tường vách… Tâm cũng không phải là bị hại, vì tâm chẳng phải là sắc, do đó không hề có đụng chạm hay ngăn ngại. Ở trong nghĩa bậc nhất, không hề có người giết hại. Lúc thực hành quán xét như vậy, không thấy sự giết hại, có thể chịu đựng được điều ấy, đây gọi là nhẫn của Pháp trú trì.
Bên trong là lúc quán xét pháp bên trong, dấy lên ý nghĩ như vầy: Sắc như bọt nước tụ lại, theo duyên sanh ra, không có động tác, không tự sanh, hoàn toàn trống rỗng, xa rời ngã và ngã sở, thọ giống như bọt nước nổi, tưởng như dợn nắng, hành như cây chuối, thức như huyễn ảo. Tất cả đều theo duyên dấy lên, không có động tác, không tự sanh, từng sát na sanh diệt, hoàn toàn trống rỗng, lìa ngã và ngã sở. Ở đây sắc chẳng phải là ngã, sắc chẳng phải là ngã sở. Như vậy, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng khác gì. Thức chẳng phải là ngã, thức chẳng phải là ngã sở. Các pháp như vậy từ duyên sanh ra. Nếu từ duyên sanh thì tự tánh không hề sanh. Nếu tự tánh không hề sanh thì không có người nào có thể làm hại. Lúc quán xét như vậy, tự tánh của các pháp hoặc ở trong, hoặc ở ngoài đều không thể đạt được. Đây gọi là nhẫn của Pháp trú trì. Nếu ở trong thân – tâm – pháp, lúc dấy lên quán xét tự tánh, tức là thuận theo nhẫn vô sanh. Đây gọi là lược nói về Sàn đề Ba-la-mật.
Như trong Tu-đa-la (kinh) đã nói đầy đủ. Có Thánh giả tụng:
Oán, thân cùng ở giữa
Bi niệm luôn bình đẳng
Nhân sân còn không có
Sao sân với chúng sanh?
Khéo tu tập thường từ
Chúng sanh đồng thể tánh
Bình đẳng không có hai
Sao phẫn nộ chúng sanh?
Tâm thường xả bỏ sân
Nhiều đời thương yêu vui
Người mạnh đã không ngại
Sao trái với cuộc đời?
Đối với mọi chúng sanh
Luôn cầu làm lợi giúp
Tại sao khởi giận dữ
Thêm ác cho chúng sanh?
Tiếp tám pháp thế gian
Tâm đó không động chuyển
Như dùng miệng thổi núi
Nên biết được sức nhẫn.
Thâm tâm lìa cấu uế
Việc ngăn không thể nhiễm
Như bùn ném hư không
Nên biết được sức nhẫn.
Đối thân không yêu quý
Đối mạng cũng chẳng tham
Các oán đều không thể
Lay được chí tiếp nối.
Đối tiếng chẳng đáng yêu
Tâm yên như tiếng vang
Những lời như huyễn hóa
Tâm nhẫn có trong tay.
Không ở trong năm uẩn
Giữ ngã cùng mạng tướng
Thân cũng không ngã sở
Nên biết đạt sức nhẫn.
Nếu không thấy nơi ngã
Cùng tự tánh ngã sở
Đạt pháp nhẫn vô sanh
Phật tử an ổn nhất.