LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 

 

QUYỂN 28

Phẩm thứ 8: PHÂN BIỆT ĐỊNH, phần 1

Đã nói về các công đức do các trí tạo thành. Công đức của tánh khác nay sẽ biện. Ở đây, trước nên biện về nơi chốn nương dựa là định. Trong các định, tĩnh lự là thế nào?

* Tụng viết:

Tĩnh lự bốn, đều hai

Trong ấy: Đã nói sinh

Định là thiện nhất cảnh

Cùng bạn tánh năm uẩn.

Trước đủ tứ, hỷ, lạc

Sau dần lìa chi trước.

* Luận nêu: Tất cả công đức phần nhiều đều dựa nơi tĩnh lự. Thế nên trước biện về tĩnh lự có sai biệt. Tĩnh lự này gồm có bốn loại: Là tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư. Bốn tĩnh lự mỗi loại đều có hai: Nghĩa là định và sinh. Sinh tĩnh lự, về Thể, nơi Phẩm Phân Biệt Thế Giới đã nêu bày. Tức tĩnh lự thứ tư có tám thứ. Ba tĩnh lự trước mỗi loại đều có ba. Định tĩnh lự, về Thể, nói chung là tâm nhất cảnh tánh (Tánh của tâm chuyên chú nơi một cảnh) thuộc về tánh thiện. Dùng đẳng trì thiện làm tự tánh. Nếu cùng với các thứ trợ bạn thì năm uẩn là tánh. Thế nào là tánh của một cảnh? Nghĩa là chuyên chú nơi một đối tượng duyên. Nếu như thế tức tâm chuyên chú nơi phần vị một cảnh. Dựa theo đấy để kiến lập danh hiệu Tam-ma-địa, không nên riêng có tâm sở pháp khác. Pháp riêng khác khiến tâm ở nơi một cảnh chuyển gọi là Tam-ma-địa, không phải Thể tức tâm. Há chẳng phải các tâm nơi sát-na diệt, nên đều ở một cảnh chuyển, đâu cần đẳng trì? Nếu cho khiến tâm ở nơi niệm thứ hai không tán loạn, nên cần có đẳng trì, tức đối với đẳng trì tương ưng là vô dụng. Lại, do đấy nên Tam-ma-địa thành. Sao không do tâm ấy tức ở nơi một cảnh chuyển? Lại, Tam-ma-địa là pháp đại địa, nên tất cả tâm đều ở nơi một cảnh chuyển.

Không phải như vậy! Vì so với các phẩm khác, lực của đẳng trì là yếu kém. Có Sư khác cho: “Tức tâm lúc ở nơi một cảnh nối tiếp chuyển gọi là Tam-ma-địa”. Khế kinh nói: “Đây là tâm học tăng thượng. Tâm thanh tịnh tối thắng tức là bốn tĩnh lự”.

Dựa nơi nghĩa gì để lập danh hiệu tĩnh lự? Do sự tịch tĩnh này nên có thể thẩm lự. Thẩm lự tức là nghĩa nhận biết rõ như thật. Như nói: Tâm tại định là có thể nhận biết rõ như thật. Tức trong nghĩa của thẩm lự đã dẫn đặt địa, cõi. Theo Tông này thì thẩm lự dùng tuệ làm Thể. Nếu vậy thì các đẳng trì đều nên gọi là tĩnh lự? Không phải. Chỉ là loại đẳng trì thù thắng mới lập tên gọi ấy. Như nơi thế gian nói phát ra ánh sáng gọi là mặt trời, không phải các thứ ánh sáng như đom đóm, đèn đuốc cũng được mang tên là mặt trời. Vì sao tĩnh lự được riêng gọi là thù thắng? Tức các đẳng trì bên trong chỉ gồm thâu đủ các chi tĩnh lự, chỉ – quán vận hành như nhau, có thể thẩm lự hơn hết, được mang tên là hiện pháp lạc trụ cùng lạc thông hành. Nên đẳng trì ấy riêng gọi là tĩnh lự.

Nếu thế thì sao cũng được mang tên là tĩnh lự nhiễm ô? Do tĩnh lự ấy cũng có thể thẩm lự tà vạy. Tức là nên có lỗi thái quá? Không có lỗi ấy. Chủ yếu là trong sự tương tợ mới lập danh hiệu. Như trường hợp hạt giống hư hoại v.v… Đức Thế Tôn cũng nói có thứ tĩnh lự xấu ác. Nếu tánh của một cảnh là Thể của tĩnh lự, thì dựa nơi tướng gì để lập bốn thứ tĩnh lự?

Nếu gồm đủ tứ, hỷ, lạc thì kiến lập tĩnh lự thứ nhất. Do đấy đã nêu rõ là cũng có đủ nghĩa của tầm, vì tầm tất cùng hành với tứ, như khói cùng với lửa. Không phải tứ có hỷ, lạc mà không cùng với tầm kết hợp. Dần lìa bỏ chi trước để lập tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư. Lìa tứ thì còn hỷ lạc là tĩnh lự thứ hai. Lìa hỷ chỉ còn lạc là tĩnh lự thứ ba. Lìa lạc là tĩnh lự thứ tư không còn có ba chi kia. Như thứ lớp ấy, nên tánh của một cảnh được phân làm bốn thứ.

Đã biện về tĩnh lự. Định vô sắc là thế nào?

* Tụng viết:

Vô sắc cũng như vậy

Bốn uẩn lìa địa dưới

Cùng ba cận phần trên

Gọi chung, trừ tưởng sắc.

Vô sắc là không sắc

Sắc sau khởi từ tâm

Ba như không vô biên v.v…

Danh theo gia hạnh lập.

Phi tưởng phi phi tưởng

Tối kém nên lập tên.

* Luận nêu: Vô sắc này cùng với tĩnh lự, về số lượng, tự tánh là đồng. Nghĩa là gồm bốn loại, mỗi loại đều có hai. Sinh như trước đã nói. Tức trong Phẩm Phân Biệt Thế Giới nêu do sinh có bốn. Thể của định vô sắc, nói chung cũng là tánh một cảnh của tâm (Tâm nhất cảnh tánh), thuộc tánh thiện, dựa theo đấy nên nói là “Cũng như vậy”. Nhưng trong phần trợ bạn thì ở đây trừ sắc uẩn. Vì nơi cõi vô sắc không có sắc tùy chuyển. Tuy tánh của một cảnh, về thể tướng không khác, nhưng do lìa sinh của địa dưới nên phân ra bốn loại.

Nghĩa là nếu đã lìa sinh của tạp tu thứ tư, thì lập xứ không vô biên. Cho đến đã lìa sinh của xứ vô sở hữu, thì lập xứ phi tưởng phi phi tưởng. Lìa là nghĩa gì? Nghĩa là do đạo này nên giải thoát khỏi Hoặc của địa dưới, là nghĩa lìa nhiễm của địa dưới. Tức bốn thứ căn bản này cùng với ba cận phần trên, gọi chung là trừ bỏ tưởng sắc. Cận phần của không xứ chưa được mang tên ấy. Do duyên nơi sắc của địa dưới khởi tưởng sắc. Do đều là không sắc nên lập tên vô sắc. Nhân này không thành, vì vẫn cho là có sắc. Nếu như thế thì vì sao lập vô sắc? Do sắc kia là rất ít nên gọi là vô sắc. Như một vật có chút ít màu vàng cũng gọi là không có màu vàng.

Thừa nhận trong cõi kia là có sắc, thì sắc ấy có tướng gì? Nếu sắc kia chỉ có thân ngữ, luật nghi, thân ngữ đã không thì luật nghi sao có? Lại, không có đại chủng thì sao có sắc được tạo?

Nếu cho là như có luật nghi vô lậu thì cũng không đúng. Vì vô lậu thì dựa nơi đại chủng hữu lậu. Lại, trong định kia cũng ngăn trừ hữu.

Nếu cho ở nơi căn thân kia có sắc, thì vì sao có thể nói là sắc ấy quá ít?

Hoặc cho nơi thân lượng kia có sắc là phần nhỏ, thì như loài trùng nhỏ ở dưới nước là cực nhỏ cũng nên gọi là vô sắc? Do chúng có thân lượng quá nhỏ không thể thấy.

Nếu cho tham nơi cõi vô sắc kia là cực thanh diệu, thì các chúng sinh nơi trung hữu cùng ở cõi sắc cũng có thân cực thanh diệu tức cũng nên gọi là vô sắc?

Hoặc cho trong thân thanh diệu kia là tối cực và chỉ có loại sắc ấy mới gọi là vô sắc thì chỉ nơi xứ Hữu đảnh mới được mang tên là vô sắc. Như thân định sinh có hơn kém. Lại, sắc thân hiện có nơi sinh tĩnh lự không phải là căn của địa dưới có thể nhận lấy. Vậy cùng với vô sắc kia có gì khác để không gọi chúng là vô sắc?

Hoặc cho theo nghĩa của cõi dục, cõi sắc đã lập và khác với đấy để lập vô sắc thì cũng không đúng, vì nhận định ấy có lý gì? Có bốn luận cứ để cho nơi cõi vô sắc có sắc pháp hiện hữu: (1) Khế kinh nói thọ và noãn kết hợp với nhau. (2) Danh (Bốn uẩn không thuộc về sắc) và sắc cùng với thức cùng nương dựa vào nhau như hai bó lau đã dựa vào nhau để trụ. (3) Danh sắc và thức làm duyên. (4) Lại không có sự việc lìa sắc, thọ, tưởng, hành mà thức có đến có đi. Do đấy, nơi cõi vô sắc có sắc pháp, lý ấy được thành.

Chứng đó là không thành, phải nên xét kỹ. Nghĩa là phần giáo pháp được nêu dẫn ấy nên cùng phân biệt. (1) Khế kinh nói thọ và noãn kết hợp với nhau: Là căn cứ theo tất cả cõi hay là chỉ căn cứ theo cõi dục để nói? (2) Danh sắc cùng với thức cùng nương dựa vào nhau để trụ: Là căn cứ theo tất cả cõi hay là chỉ căn cứ nơi cõi dục để nói? (3) Nói danh sắc và thức làm duyên: Là nói tất cả thức đều làm duyên cho danh sắc hay là nói danh sắc sinh khởi không lúc nào là không duyên nơi thức? (4) Phần loại trừ cho không có lìa sắc cho đến lìa hành mà thức có đến có đi: Là loại trừ tùy lìa một uẩn hay loại trừ lìa tất cả bốn uẩn?

Nếu cho Khế kinh chỉ nói chung, không phân biệt, tức ở đây không nên diễn giải thêm để cho kinh nêu bày như thế là nhằm nói về cõi dục… thì thuyết ấy cũng không đúng, vì có lỗi thái quá. Nghĩa là nên có: Ngoài noãn cũng có pháp khác cùng với thọ kết hợp. Lại nên có: Ngoài danh sắc cũng có pháp khác cùng với thức cùng nương dựa, được thức làm duyên. Lại nói bốn thứ ăn như bốn thức trụ, tức nơi cõi sắc cõi vô sắc nên có đoạn thực. Hoặc cho kinh nói có một loại chư thiên vượt quá đoạn thực. Lại nói chư thiên kia dùng hỷ làm thức ăn, nên không có lỗi ấy, tức cõi vô sắc không nên có sắc, do Khế kinh nói: Định vô sắc kia là xuất ly sắc. Giải thoát vô sắc là hết sức tịch tĩnh, vượt quá các sắc. Hữu tình vô sắc thì tất cả tưởng sắc đều vượt khởi. Nếu nơi cõi vô sắc thật có sắc, thì nơi tự tướng của sắc kia, định vô sắc nên nói là có thể nhận biết. Vì sao lại nói là vượt quá tưởng sắc? Nếu cho do quán xét sắc thô nơi địa dưới nên nói như vậy, tức đối với đoạn thực cũng nên cho là đúng. Lại, các tĩnh lự đã vượt sắc thô của địa dưới, cũng nên có thể nói là xuất ly sắc, thế tức cũng nên gọi đấy là cõi vô sắc. Lại cũng nên nói là xuất ly thọ v.v…, vì thọ kia cũng đã vượt quá thọ thô của địa dưới. Kinh đã không nói, nên biết trong cõi vô sắc, siêu vượt khắp loại sắc, không phải là siêu vượt thọ v.v… Do vậy, nhất định biết cõi kia là không có sắc.

Tuy nhiên, trong Khế kinh nói: Hữu không ra khỏi hữu, là đối với hữu của tự địa không thể ra khỏi. Không ra khỏi khắp, không ra khỏi vĩnh viễn. Lại, Đức Bạc-già-phạm, ở trong tĩnh lự đã nói có loại sắc, cho đến loại thức. Ở trong định vô sắc nói có loại thọ cho đến loại thức, không nói có sắc. Nếu trong cõi vô sắc thật sự có sắc, thì sao Đức Thế Tôn không nói có sắc như đã nói trong tĩnh lự là có loại sắc? Thế nên chỗ lập nhân đều thành lỗi. Tại cõi kia trong nhiều kiếp, sự nối tiếp của sắc đã đoạn. Thế thì sau khi qua đời, sinh nơi cõi dưới, sắc pháp từ đâu sinh? Sắc pháp ấy từ nơi tâm sinh, không phải từ nơi sắc khởi. Nghĩa là từ xưa đã khởi nhân dị thục của sắc, do công năng huân tập tại tâm nay đã chín. Vì vậy, sắc hiện nay là từ tâm kia sinh. Thế, tâm của thân vô sắc kia dựa nơi gì để chuyển? Vì sao lìa thân thì không chuyển? Do nơi cõi dưới chưa từng thấy có trường hợp ấy. Ở cõi sắc không có đoạn thực, thì thân lại dựa vào gì để chuyển? Vì ở cõi dưới cũng không thấy thân lìa đoạn thực mà có chuyển. Lại, trước đã nói về chỗ dựa của tâm nơi cõi vô sắc kia chuyển, là chúng đồng phần và mạng căn.

Đã giải thích về tên gọi chung của định vô sắc. Vậy không vô biên xứ v.v… là từ duyên nơi không v.v… mà được tên gọi riêng chăng? Không phải vậy. Vì sao? Vì ba vô sắc dưới (Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ), như thứ lớp ấy, lúc tu gia hạnh đã tư duy về vô biên không, vô biên thức cùng vô sở hữu, nên kiến lập ba tên gọi. Lập tên gọi thứ tư (Phi tưởng phi phi tưởng xứ) là do tưởng tối kém. Nghĩa là không sáng rõ đã thắng tưởng nên được mang tên phi tưởng. Do tưởng có tối kém nên gọi là phi phi tưởng. Tuy lúc gia hạnh cũng khởi niệm: “Các tưởng như bệnh tật, như mũi tên, như ung nhọt. Nếu tưởng hoàn toàn không có, tức đồng với si ám. Chỉ có trong phi tưởng phi phi tưởng, cùng với các thứ trên là trái nhau, nên là tịch tĩnh tốt đẹp nhất. Nhưng không dựa theo gia hạnh ấy để lập tên gọi. Do đó, nếu có cật vấn: Vì sao nơi gia hạnh đã khởi niệm như vậy, tất nên đáp: Vì ở nơi xứ kia tưởng vốn tối kém. Do sự tối kém này, nên lập tên gọi theo chánh nhân.

Đã biện về vô sắc. Thế nào là đẳng chí?

* Tụng viết:

Đẳng chí căn bản: tám

Bảy trước đều có ba

Là vị, tịnh, vô lậu

Sau: hai thứ vị, tịnh.

Vị là tương ưng ái

Tịnh là thiện thế gian

Đầy tức chấp trước vị

Vô lậu là xuất thế.

* Luận nêu: Trên đây đã biện về bốn tĩnh lự, bốn vô sắc, tức đẳng chí căn bản gồm có tám thứ. Trong ấy, bảy thứ trước, mỗi thứ đều có đủ ba là vị, tịnh, vô lậu. Đẳng chí của xứ Hữu đảnh chỉ có hai loại là vị, tịnh. Do nơi địa này là mờ tối nên không có vô lậu. Thứ nhất là đẳng chí vị: Nghĩa là tương ưng với ái. Ái có thể chấp trước vị, nên gọi là vị. Đẳng chí kia tương ưng với ái, nên được mang tên là vị. Thứ hai là đẳng chí tịnh: Tức nêu rõ về định thiện của thế gian, cùng với các pháp bạch tịnh như không tham v.v… tương ưng, sinh khởi, nên đẳng chí này được mang tên là tịnh. Tức là cảnh của đẳng chí vị tương ưng với ái đã chấp trước. Đẳng chí tịnh này vô gián diệt, thì đẳng chí vị kia sinh, duyên nơi đẳng chí tịnh quá khứ càng sinh tham đắm. Bấy giờ, hành giả tuy gọi là xuất đẳng chí vị của đối tượng tham đắm, nhưng đối với đẳng chí vị của chủ thể tham đắm vẫn được gọi là nhập. Định vô lậu (Đẳng chí vô lậu): Là đẳng chí xuất thế. Do ái không duyên, không có tham đắm nơi vị.

Như thế là đã nói về tám đẳng chí, trong ấy tĩnh lự gồm thâu chi, không phải là các đẳng chí vô sắc. Vậy nơi bốn tĩnh lự mỗi thứ đều có bao nhiêu chi?

* Tụng viết:

Tĩnh lự đầu: năm chi

Tầm tứ hỷ lạc định

Tĩnh lự hai: bốn chi

Nội tịnh, hỷ, lạc, định.

Tĩnh lự ba: năm chi

Xả niệm tuệ lạc định

Tĩnh lự bốn: bốn chi

Xả, niệm, trung thọ, định.

* Luận nêu: Chỉ trong bốn tĩnh lự tịnh và vô lậu mới có các chi. Tĩnh lự thứ nhất có đủ năm chi: Là tầm, tứ, hỷ, lạc, đẳng trì (Định). Ở đây đẳng trì, nơi tụng nói là định. Đẳng trì cùng với định, tên gọi khác nhưng Thể là đồng. Nên nơi Khế kinh nói: “Tâm định cùng định gọi là chánh đẳng trì”. Đây cũng gọi là tánh một cảnh của tâm, nghĩa như trước đã giải thích. Theo truyền thuyết: Chỉ định (Đẳng trì) là tĩnh lự cũng là tĩnh lự chi. Còn bốn chi kia là tĩnh lự chi, không phải là tĩnh lự. Nhưng theo nghĩa như thật, như bốn nhánh quân binh, tĩnh lự chi còn lại nên biết cũng như thế. Tĩnh lự thứ hai chỉ có bốn chi: Là nội đẳng tịnh, hỷ, lạc, đẳng trì. Tĩnh lự thứ ba có đủ năm chi: Là hành xả, chánh niệm, chánh tuệ, thọ lạc, đẳng trì. Tĩnh lự thứ tư chỉ có bốn chi: Là hành xả thanh tịnh, niệm thanh tịnh, phi khổ lạc thọ và đẳng trì.

Tĩnh lự chi, về tên gọi đã có mười tám, trong ấy thật sự gồm có bao nhiêu?

* Tụng viết:

Thật sự có mười một

Đầu, hai: Lạc khinh an

Nội tịnh tức tín căn

Hỷ tức là hỷ thọ.

* Luận nêu: Mười tám chi này thật sự chỉ có mười một. Tức năm chi đầu là năm thật sự. Tĩnh lự thứ hai: Có ba chi như tĩnh lự một, chỉ thêm chi nội tịnh, cộng với năm chi trước là sáu. Tĩnh lự thứ ba: Có chi đẳng trì như trước, bốn chi còn lại cộng với trước là mười. Tĩnh lự thứ tư: Có ba chi như trước, chỉ thêm chi phi khổ lạc thọ, cộng với trước là mười một. Do đấy nên nói: Có chi là chi của tĩnh lự một, không phải là chi của tĩnh lự hai. Nên nêu ra bốn trường hợp: Trường hợp 1: Chỉ của tĩnh lự một không phải là chi của tĩnh lự hai: Đó là tầm tứ. Trường hợp 2: Chỉ của tĩnh lự hai không phải là chi của tĩnh lự một: Là nội tịnh. Trường hợp 3: Chỉ của tĩnh lự một cũng là chi của tĩnh lự hai: Là hỷ, lạc, đẳng trì. Trường hợp 4: Không phải là chi của tĩnh lự một cũng không phải là chi của tĩnh lự hai: Là trừ các chi đã nêu, là các pháp còn lại.

Các chi nơi hai tĩnh lự còn lại cùng đối nhau, như lý nên xét.

Vì sao nơi tĩnh lự thứ ba nói tăng thêm chi lạc thọ? (Ở tĩnh lự một và hai đã có lạc). Do lạc nơi tĩnh lự một và tĩnh lự hai là thuộc về khinh an.

Theo lý nào để chứng biết đó là lạc thuộc về khinh an? Do trong hai định đầu không có lạc căn. Không phải nơi hai định đầu có thân thọ lạc. Chính tại trong định không có năm thức thân. Cũng không có tâm thọ lạc, do nói có hỷ, hỷ tức là hỷ thọ. Do trong một tâm không có hai thọ cùng hành nên không có lạc thọ. Không thể cho hỷ lạc lại cùng hiện tiền để nói tĩnh lự một có đủ năm chi, tĩnh lự hai có bốn chi.

Có thuyết nói: Không có lạc căn của tâm thọ. Trong ba tĩnh lự đầu nói chi lạc đều là lạc căn thuộc về thân thọ.

Nếu như thế vì sao có Khế kinh nói: “Thế nào là lạc căn? Nghĩa là do lực của xúc thuận lạc đã dẫn sinh lạc thọ của thân tâm”. Trích dẫn trên có khác vì ở đây đã tăng thêm chữ tâm. Trong các Bộ Kinh chỉ nói là thân. Lại, nơi tĩnh lự thứ ba đã lập chi lạc, Khế kinh đã tự nói rõ là lạc do thân thọ nhận.

Nếu cho ở đây nói ý là thân, thì kinh ấy nói tên thân là có đức gì? Lại, khinh an của tĩnh lự thứ tư phải tăng gấp bội so với khinh an của hai tĩnh lự đầu, nhưng kinh đã không nói tĩnh lự kia có chi lạc. Hoặc cho khinh an chủ yếu là thuận với lạc thọ mới gọi là lạc, thì chi lạc của tĩnh lự thứ ba cũng nên là khinh an, vì thuận với lạc nên là chi lạc.

Nếu cho khinh an kia là hành xả đã tổn giảm là không đúng, vì hành xả làm tăng trưởng khinh an. Lại, khinh an kia là hơn hẳn so với khinh an của hai tĩnh lự trước. Lại như nơi Khế kinh nói: “Nếu vào bấy giờ, các Thánh đệ tử ở nơi ly sinh hỷ, thân tác chứng, an trụ đầy đủ, thì chư vị ấy lúc này đã đoạn dứt năm pháp, tu tập năm pháp đều được viên mãn. Nói rộng cho đến: Những gì gọi là năm pháp đã tu tập? Đó là: Hoan, hỷ, khinh an, lạc và Tam-ma-địa”. Khinh an của kinh này nói cùng với lạc được nêu bày riêng, nên lạc của hai tĩnh lự đầu không phải là khinh an.

Nếu nói trong định đâu có thân thức, như có cũng không có lỗi. Tức thừa nhận ở trong định có loại gió khinh an do thắng định dẫn khởi, thuận sinh lạc thọ xúc chạm khắp thân.

Nếu cho do bên ngoài phân tán nên có lỗi là định bị hủy hoại, thật sự là không có lỗi ấy, vì gió khinh an này từ thắng định sinh, dẫn khởi lạc của nội thân, trở lại có thể thuận khởi Tam-ma-địa.

Hoặc cho khởi thân thức nên gọi là xuất định, thì vấn nạn này không đúng, do nhân trước. Nếu cho nương dựa nơi thân căn của cõi dục tức không thể sinh được xúc của cõi sắc, nhưng thức duyên nơi khinh an, là thừa nhận thức đã sinh nên không có lỗi.

Nếu như vậy thì chính ở trong định vô lậu, xúc cùng với thân thức nên thành vô lậu. Chớ nên cho là chi đã lập thiếu phần hữu lậu, thiếu phần vô lậu, thành lỗi trái với lý. Không trái với lý. Vì sao? Vì đã thừa nhận khi nói thân khinh an là thuộc về giác chi.

Nếu cho thuận với pháp kia nên nói là giác chi thì vô lậu cũng nên thừa nhận để nói như thế.

Hoặc cho: Thừa nhận để nói như thế liền trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: “Các nhãn hiện có, cho đến nói rộng”. Trong đoạn kinh này nói mười lăm giới hoàn toàn đều là hữu lậu. Nhưng không có lỗi trái với Khế kinh. Đây là căn cứ theo xúc khác, thân thức khác, để mật ý nêu bày. Vì sao vô lậu tĩnh lự hiện tiền, thiếu chi hữu lậu, thiếu chi vô lậu, vì khởi không cùng lúc, thì điều ấy có lỗi gì?

Nếu cho hỷ lạc không cùng khởi, tức lý nên không có năm chi cùng bốn chi, thì điều này cũng không có lỗi. Căn cứ theo chỗ dung nạp để nói có chi hỷ lạc, như có tầm tứ.

Hoặc cho tầm tứ cũng thừa nhận là cùng khởi, thì ở nơi không cùng khởi làm dụ là không thành. Dụ này không phải là không thành. Do tâm thô tế cùng trái nhau nên không phải là cùng khởi. Lại, ở nơi không cùng khởi không thể nói là lỗi. Do đấy nên có thể nêu bày: Dựa nơi năm chi của tĩnh lự thứ nhất, giảm hai, ba, bốn, để lập tĩnh lự thứ hai v.v… Tức theo lý ấy, thứ nhất nói năm chi, theo đấy dần lìa trước để kiến lập sau. Không dần giảm nên không nói tưởng v.v…

Hoặc nên nói vì sao tĩnh lự một chỉ lập năm chi? Nếu cho năm chi này hỗ trợ cho định thứ nhất là hơn hẳn nên lập làm chi, thì điều ấy không hợp lý. Vì niệm tuệ cũng có thể hỗ trợ cho tầm tứ thù thắng.

Tuy có một loại bộ phái nêu bày thuyết như thế, nhưng các bậc Quỹ phạm sư thời xưa đã không cùng thiết lập như vậy. Nên cần xét chọn kỹ.

Pháp gì được gọi là nội đẳng tịnh? Đẳng chí này xa lìa những khuấy động của tầm tứ, sự thanh tịnh nối tiếp chuyển, gọi là nội đẳng tịnh. Nếu có tầm tứ tạo động loạn thì sự nối tiếp chuyển không thanh tịnh, như dòng sông có sóng. Nếu như vậy thì đẳng chí này tức nên không có Thể riêng, vì sao cho là có mười một thật sự? Do vậy nên nói đây tức là tín căn. Nghĩa là nếu chứng đắc tĩnh lự thứ hai, tức ở nơi địa của định cũng có thể lìa thích hợp để có tâm tín sâu sinh khởi gọi là nội đẳng tịnh. Tín là tướng tịnh nên lập tên tịnh. Lìa ngoại cảnh, vận hành bình đẳng nên gọi là nội đẳng. Tịnh mà bên trong bình đẳng nên lập tên nội đẳng tịnh. Có Sư khác cho: Nội đẳng tịnh này cùng đẳng trì, tầm tứ đều không có Thể riêng. Nếu không có Thể riêng thì tâm sở tức nên không thành. Nhưng các phần vị khác của tâm cũng được gọi là tâm sở. Tuy có lý ấy nhưng không phải là Tông chỉ của A-tỳ-đàm.

Như trên đã nói: Hỷ tức là hỷ thọ. Vậy dùng gì để chứng biết khi quyết định như thế? Nếu hỷ không phải là hỷ thọ thì theo chư vị pháp nào mới là hỷ thọ? Như nơi Bộ khác đã thừa nhận, nên chúng tôi cũng thừa nhận như vậy. Bộ khác vì sao cho không phải là hỷ thọ? Nghĩa là riêng có hỷ là tâm sở pháp. Lạc trong ba tĩnh lự đều là hỷ thọ, nên hỷ, hỷ thọ, về Thể đều khác. Không phải lạc của ba tĩnh lự có thể gọi là hỷ thọ. Hai kinh nơi A Cấp Ma đã chứng minh. Như trong Khế kinh Biện Điên Đảo nói: “Dần dần diệt hoàn toàn năm căn như ưu v.v… Trong định thứ ba đã diệt hoàn toàn hỷ. Nơi định thứ tư đã diệt hoàn toàn lạc”. Lại như nơi kinh khác nói: “Tĩnh lự thứ tư đã đoạn lạc đoạn khổ, các thứ hỷ, ưu trước đã mất hẳn”. Thế nên nơi định thứ ba tất không có hỷ căn. Do đấy, hỷ thọ là hỷ không phải là lạc.

Như thế là đã nói về chi của tĩnh lự. Trong tĩnh lự nhiễm là đều có các chi chăng? Không phải. Vì sao?

* Tụng viết:

Nhiễm: Thứ lớp từ đầu

Không hỷ lạc nội tịnh

Chánh niệm tuệ xả niệm

Khác nói không an xả.

* Luận nêu: Như trên đã nói: Chi của các tĩnh lự, trong tĩnh lự nhiễm không phải là đều có đủ. Nhưng có một loại theo tướng để nói. Trong tĩnh lự nhiễm thứ nhất: Không có ly sinh hỷ lạc, do không lìa phiền não mà có thể sinh. Nơi tĩnh lự nhiễm thứ hai: Không có nội đẳng tịnh. Do tĩnh lự nhiễm kia đã bị phiền não làm động loạn, vẩn đục. Trong tĩnh lự nhiễm thứ ba: Không có chánh niệm, chánh tuệ. Do tĩnh lự nhiễm ấy đã bị lạc nhiễm khiến mê loạn. Nơi tĩnh lự nhiễm thứ tư: Không có xả, niệm tịnh. Vì tĩnh lự này đã bị phiền não làm nhiễm ô.

Có Sư khác cho: Trong hai tĩnh lự nhiễm đầu: Chỉ không có khinh an (Lạc). Nơi hai tĩnh lự nhiễm sau: Chỉ không có hành xả. Do thuộc về pháp đại thiện địa.

Trong Khế kinh nói: Ba định là có động. Định thứ tư không động. Dựa nơi nghĩa nào để nói như thế?

* Tụng viết:

Thứ tư gọi bất động

Tức lìa tám tai họa

Tám thứ là: tầm tứ

Bốn thọ, nhập xuất tức.

* Luận nêu: Ba tĩnh lự dưới gọi là có động: Là có tai họa. Tĩnh lự thứ tư gọi là bất động: Là không có tai họa. Tai họa có tám thứ: Là tầm tứ, bốn thọ cùng nhập tức, xuất tức (Hơi thở vào, hơi thở ra).

Tám tai họa này, nơi tĩnh lự thứ tư đều không có, nên Đức Thế Tôn gọi địa ấy là bất động. Nhưng trong Khế kinh nói: Tĩnh lự thứ tư không bị các thứ tầm tứ, hỷ lạc làm loạn động. Có Sư khác cho: Tĩnh lự thứ tư như ngọn đèn sáng ở nơi phòng kín không bị gió động.

Như các thọ hiện có của tĩnh lự định, thì tĩnh lự sinh cũng như thế chăng? Không phải. Vì sao?

* Tụng viết:

Tĩnh lự sinh từ đầu

Có hỷ lạc xả thọ

Cùng hỷ xả, lạc xả

Chỉ xả thọ như thế.

* Luận nêu: Trong tĩnh lự sinh: Tĩnh lự thứ nhất có ba thọ: (1) Hỷ thọ. Tương ưng với ý thức. (2) Lạc thọ. Tương ưng với ba thức (Nhãn nhĩ thân). (3) Xả thọ. Tương ưng với bốn thức (Nhãn nhĩ thân ý). Tĩnh lự thứ hai có hai thọ: Là hỷ và xả. Tương ưng với ý thức. Không có lạc thọ, vì không có năm thức thân. Do tâm vui thích pháp thô. Tĩnh lự thứ ba có hai thọ: Là lạc và xả, tương ưng với ý thức. Tĩnh lự thứ tư có một thọ: Là chỉ có xả thọ, tương ưng với ý thức. Đó gọi là thọ của tĩnh lự sinh có sai biệt.

Ba tĩnh lự trên không có ba thức thân cùng không có tầm tứ. Vì sao sinh nơi ba tĩnh lự kia có thể thấy nghe xúc chạm cùng khởi biểu nghiệp? Không phải sinh nơi địa kia là không có nhãn thức v.v…, chỉ là chúng không thuộc về địa ấy. Vì sao?

* Tụng viết:

Sinh ba tĩnh lự trên

Khởi ba thức biểu tâm

Đều thuộc tĩnh lự một

Chỉ vô phú vô ký.

* Luận nêu: Sinh nơi ba địa trên, khởi ba thức thân (Nhãn nhĩ thân) cùng phát khởi biểu tâm đều thuộc định thứ nhất. Sinh trên khởi dưới như khởi tâm hóa. Nên có thể thấy nghe xúc chạm cùng phát khởi biểu nghiệp. Bốn thứ này chỉ là vô phú vô ký. Do không khởi nhiễm vì nhiễm của địa dưới đã lìa. Không khởi thiện của địa dưới vì thiện ấy yếu kém.

Như vậy là đã giải thích riêng về sự tĩnh lự. Các đẳng chí như tịnh v.v… nơi lần đầu đạt được như thế nào?

* Tụng viết:

Toàn không thành mà đắc

Tịnh do lìa nhiễm sinh

Vô lậu do lìa nhiễm

Nhiễm do sinh cùng thoái.

* Luận nêu: Tám đẳng chí căn bản, theo chỗ ứng hợp, nếu hoàn toàn không thành nhưng đạt được: Thì đẳng chí tịnh do lìa nhiễm cùng do thọ sinh. Nghĩa là ở tại địa dưới lìa nhiễm của địa dưới, cùng lúc từ địa trên sinh nơi tự địa. Bảy địa dưới (Bốn tĩnh lự và ba định vô sắc trước) đều như thế, còn xứ Hữu đảnh thì chỉ do lìa nhiễm, không do sinh. Nhằm ngăn trừ gì nên nói câu: Hoàn toàn không thành? Là nhằm ngăn trừ trường hợp đã thành, lại đạt được phần ít. Như do gia hạnh nên đạt được định thuận phần quyết trạch v.v… Cùng do thoái chuyển nên đạt được định thuận phần thoái. Tức dựa vào nghĩa này để nêu câu hỏi: Từng có đẳng chí tịnh do lìa nhiễm đắc? Do lìa nhiễm xả? (Do thoái, do sinh, nêu câu hỏi cũng thế). Đáp: Có. Nghĩa là thuận phần thoái. Tức thuộc về thuận phần thoái của tĩnh lự thứ nhất, lúc lìa nhiễm của cõi dục đạt được. Lúc lìa nhiễm của tự địa, xả. Thoái chuyển, lìa nhiễm của tự địa đạt được. Thoái chuyển, lìa nhiễm của cõi dục, xả. Tự địa trên sinh nơi tự địa, đạt được. Từ tự địa sinh nơi địa dưới, xả. Thuộc về địa còn lại, nên như lý để xét.

Đẳng chí vô lậu chỉ do lìa nhiễm nên đắc. Nghĩa là Thánh giả lìa nhiễm của địa dưới đắc đẳng chí vô lậu của địa trên. Đây cũng chỉ căn cứ theo hành giả hoàn toàn không thành. Nếu trước đã thành thì vào thời gian khác cũng đắc. Nghĩa là nơi phần vị. Tận trí đạt được đạo vô học. Vào lúc luyện căn, đạt được học, vô học. Ngoài ra gia hạnh cùng thoái chuyển đều như lý nên xét. Chẳng phải do nhập chánh tánh ly sinh cũng được gọi là lần đầu đắc đẳng chí vô lậu sao? Điều ấy không quyết định. Do theo thứ lớp, bấy giờ chưa đạt được đẳng chí căn bản. Ở đây chỉ luận về trường hợp các hành giả quyết định đắc.

Đẳng chí nhiễm (Vị) do thọ sinh cùng thoái chuyển nên đạt được. Nghĩa là lúc ở địa trên qua đời, sinh vào địa dưới thì đạt được đẳng chí nhiễm của địa dưới. Cùng ở nơi địa này, lúc thoái chuyển do lìa nhiễm thì đạt được đẳng chí nhiễm của địa ấy.

Đẳng chí nào sinh khởi sau bao nhiêu đẳng chí?

* Tụng viết:

Vô lậu tiếp sinh thiện

Trên dưới đến thứ ba

Tịnh tiếp sinh cũng thế

Gồm sinh nhiễm tự địa.

Nhiễm sinh tự tịnh nhiễm

Cùng một địa dưới tịnh

Chết tịnh sinh tất cả

Nhiễm sinh tự, nhiễm dưới.

* Luận nêu: Đẳng chí vô lậu tiếp theo là sinh thiện của tự địa, địa trên và địa dưới. Nói thiện là gồm thâu đủ tịnh cùng vô lậu. Nhưng nơi địa trên dưới đều đến định thứ ba. Do xa nên không thể sinh lên định thứ tư. Thế nên ở trong bảy đẳng chí vô lậu, từ tĩnh lự thứ nhất, vô gián sinh sáu: Nghĩa là tự địa, địa thứ hai, địa thứ ba, đều sinh đẳng chí tịnh, đẳng chí vô lậu. Vô sở hữu xứ, vô gián sinh bảy: Nghĩa là tự địa và hai địa dưới là sáu. Địa trên chỉ có đẳng chí tịnh. Tĩnh lự thứ hai, vô gián sinh tám: Nghĩa là tự địa và hai địa trên là sáu, cùng địa dưới hai là tám. Thức vô biên xứ vô gián sinh chín: Nghĩa là tự địa cùng hai địa dưới là sáu và hai địa (Vô sở hữu xứ: hai. Phi tưởng phi phi tưởng: một) trên có ba, là chín. Tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư không vô gián sinh mười: Nghĩa là địa trên, địa dưới có tám cùng tự địa có hai là mười.

Loại trí vô gián có thể sinh nơi vô sắc. Pháp trí thì không như thế, do chỗ dựa và duyên nơi địa dưới. Từ đẳng chí tịnh sinh khởi cũng như vậy, nhưng đều gồm sinh đẳng chí nhiễm ở tự địa. Đẳng chí tịnh nơi xứ Hữu đảnh vô gián sinh sáu: Nghĩa là tự địa sinh tịnh nhiễm (hai), hai địa dưới sinh tịnh, vô lậu (bốn) là sáu. Từ tĩnh lự thứ nhất tịnh, vô gián sinh bảy. Vô sở hữu xứ sinh tám. Tĩnh lự thứ hai sinh chín. Thức vô biên xứ sinh mười. Các địa còn lại sinh mười một. Từ đẳng chí nhiễm sinh khởi đẳng chí tịnh, nhiễm của tự địa, cùng sinh đẳng chí tịnh của một địa dưới tiếp theo. Nghĩa là do phiền não của tự địa đã bức bách, nên ở nơi địa dưới, đẳng chí tịnh cũng sinh, vì tôn trọng nên có từ đẳng chí nhiễm sinh đẳng chí tịnh của địa dưới tiếp theo. Nếu đối với nhiễm, tịnh có thể nhận biết rõ, đúng, thì đáng lẽ có thể từ nhiễm chuyển sinh tịnh của địa dưới. Không phải các đẳng chí nhiễm có thể được nhận biết rõ đúng. Vì sao đẳng chí kia có thể từ nhiễm sinh tịnh? Là do nguyện lực từ trước. Nghĩa là trước đã nguyện nói: Thà có được tịnh của địa dưới, không cần nhiễm của địa trên. Do uy lực của nguyện trước theo sự tương tục chuyển, nên về sau từ nhiễm sinh đẳng chí tịnh của địa dưới. Như người trước đã lập nguyện rồi mới đi ngủ, đến thời gian đã hẹn liền có thể thức giấc.

Vô lậu cùng với nhiễm tất không cùng sinh. Tịnh thì đều cùng sinh, nên ba thứ ấy có sai biệt. Như thế là đã nói về tịnh, nhiễm sinh nhiễm, là chỉ căn cứ ở nơi định tịnh cùng nhiễm để nói. Nếu sinh tịnh nhiễm, sinh nhiễm, thì không như thế. Nghĩa là lúc mạng chung từ đẳng chí tịnh đạt được lúc còn sống, mỗi mỗi vô gián sinh tất cả nhiễm. Nếu từ sinh nhiễm, mỗi mỗi vô gián có thể sinh tất cả nhiễm của tự địa và địa dưới. Không sinh địa trên là do chưa lìa địa dưới.

Đã nói về từ đẳng chí tịnh sinh đẳng chí vô lậu, là tất cả thứ đều có thể sinh chăng? Không phải. Vì sao?

* Tụng viết:

Định tịnh có bốn loại

Tức là thuận phần thoái

Thuận trụ, thuận thắng tấn

Thuận thuộc phần quyết trạch.

Tuần tự thuận phiền não

Tự, địa trên, vô lậu

Cùng đối chiếu, thứ lớp

Sinh hai, ba, ba, một.

* Luận nêu: Các đẳng chí tịnh gồm có bốn loại: (1) Thuộc thuận phần thoái. (2) Thuộc thuận phần trụ. (3) Thuộc thuận phần thắng tấn. (4) Thuộc thuận phần quyết trạch. Các địa đều có đủ bốn, xứ Hữu đảnh chỉ có ba. Do địa ấy không còn có địa trên để có thể hướng đến, tức không có loại ba: Thuộc thuận phần thắng tấn. Ở trong bốn loại này, chỉ loại thứ tư: Thuộc thuận phần quyết trạch là có thể sinh đẳng chí vô lậu. Vì sao? Vì bốn thứ ấy có tướng như vậy. Thuận phần thoái có thể thuận theo phiền não. Thuận phần trụ có thể thuận theo tự địa. Thuận phần thắng tấn có thể thuận nơi địa trên. Thuận phần quyết trạch có thể thuận nơi vô lậu. Thế nên các đẳng chí vô lậu chỉ từ nơi ấy sinh. Bốn loại này cùng đối chiếu hỗ tương sinh khởi: Loại một (Thuận phần thoái) có thể sinh hai: Là thuận phần thoái và thuận phần trụ. Loại hai có thể sinh ba: Là trừ thuận phần quyết trạch. Loại ba có thể sinh ba: Là trừ thuận phần thoái. Loại bốn (Thuận phần quyết trạch) chỉ sinh một: Là tự phần, không phải loại khác.

Như trên đã nêu bày: Đẳng chí tịnh cùng vô lậu đều có thể vượt địa trên dưới đến địa thứ ba. Thế thì hành giả làm sao tu đẳng chí vượt này?

* Tụng viết:

Hai loại định thuận nghịch

Cùng, cách, tiếp và vượt

Đến cách, vượt là thành

Ba châu, lợi, vô học.

* Luận nêu: Đẳng chí căn bản thiện (Tịnh, vô lậu) phân làm hai loại: Là hữu lậu và vô lậu. Đi đến địa trên gọi là thuận. Trở lại địa dưới gọi là nghịch. Đồng loại gọi là cùng. Khác loại gọi là cách. Gần nhau gọi là tiếp. Vượt một địa gọi là vượt. Nghĩa là vị hành quán lúc tu đẳng chí vượt, trước tiên, ở nơi đẳng chí hữu lậu thuộc tám địa, theo thuận nghịch, cùng tiếp hiện tiền luôn hành tập. Tiếp đến, ở nơi đẳng chí vô lậu thuộc bảy địa, theo thuận nghịch, cùng, tiếp hiện tiền luôn hành tập. Tiếp theo, ở nơi đẳng chí hữu lậu, vô lậu, theo thuận nghịch, cách, tiếp hiện tiền luôn hành tập. Tiếp nữa, ở nơi đẳng chí hữu lậu, theo thuận nghịch, cùng, vượt hiện tiền luôn hành tập. Tiếp đến, ở nơi đẳng chí vô lậu, theo thuận nghịch, cùng, vượt hiện tiền luôn hành tập. Đó gọi là tu tập gia hạnh của đẳng chí vượt đã viên mãn. Sau, ở nơi đẳng chí hữu lậu vô lậu, theo thuận nghịch, cách, vượt, gọi là đẳng chí vượt đã thành. Ở đây: Vượt là chỉ có thể vượt một địa. Do xa nên không thể vượt nhập nơi địa thứ tư.

Tu đẳng chí vượt chỉ là người nơi ba châu, chỉ là các A-la-hán bất thời giải thoát, do định tự tại, không còn phiền não. Các A-la-hán thời giải thoát tuy không còn phiền não, nhưng định thì không tự tại. Các vị Kiến chí tuy định tự tại, nhưng còn có phiền não, nên đều không thể tu đẳng chí vượt này.

Các đẳng chí ấy dựa nơi thân gì để khởi?

* Tụng viết:

Các định dựa tự, dưới

Không phải trên: Vô dụng

Chỉ sinh Hữu đảnh Thánh

Khởi dưới, diệt hết Hoặc.

* Luận nêu: Các đẳng chí khởi dựa nơi thân của tự địa và địa dưới. Dựa vào thân của địa trên thì không thể khởi địa dưới. Do địa trên khởi địa dưới là vô dụng. Vì nơi tự địa đã có thắng định. Vì uy lực của địa dưới thì kém. Vì đã xả bỏ địa dưới. Vì địa dưới đã được xem là chán bỏ. Tướng chung là như thế. Tuy nhiên, nếu theo phần vi tế để nói, thì Thánh giả sinh nơi xứ Hữu đảnh tất khởi đẳng chí vô lậu thuộc vô sở hữu xứ. Để diệt trừ hết phiền não còn lại của tự địa. Do tự địa không có Thánh đạo để vui thích khởi. Chỉ nơi xứ vô sở hữu là rất gần. Khởi đẳng chí kia hiện tiền để diệt trừ hết các thứ phiền não khác.

Các đẳng chí này duyên nơi cảnh nào để sinh?

* Tụng viết:

Định vị duyên tự thuộc

Tịnh vô lậu duyên khắp

Vô sắc thiện căn bản

Không duyên hữu lậu dưới.

* Luận nêu: Định vị chỉ duyên nơi hữu lậu của tự địa. Tất không duyên nơi địa dưới, do đã lìa nhiễm. Cũng không duyên nơi địa trên, do ái nơi địa có riêng khác. Không duyên nơi vô lậu, do nếu như vậy thì thành thiện. Đẳng chí tịnh cùng vô lậu đều có thể duyên khắp nơi tự địa, địa trên, địa dưới, hữu vi, vô vi đều làm cảnh. Có sai biệt: Là vô ký, vô vi không phải là cảnh của đẳng chí vô lậu. Các định vô sắc thiện thuộc địa căn bản, không duyên với các pháp hữu lậu của địa dưới. Còn các pháp hữu lậu của tự địa và địa trên thì đều có thể duyên. Cũng có thể duyên nơi các pháp vô lậu của địa dưới. Duyên nơi phẩm đạo của loại trí, không duyên nơi phẩm pháp trí. Cũng không thể duyên nơi pháp diệt của địa dưới. Cận phần vô sắc cũng duyên nơi địa dưới, do đạo vô gián kia tất duyên với địa dưới.

Trong ba đẳng chí vị, tịnh, vô lậu, do những lực nào có thể đoạn trừ các phiền não?

* Tụng viết:

Vô lậu đoạn trừ Hoặc

Và các cận phần tịnh.

* Luận nêu: Các đẳng chí vô lậu đều có thể đoạn trừ phiền não (Hoặc). Các đẳng chí tịnh căn bản hãy còn không thể đoạn trừ, huống hồ là các đẳng chí nhiễm (Vị). Đẳng chí tịnh không thể đoạn trừ phiền não của địa dưới, do đã lìa nhiễm. Cũng không thể đoạn trừ phiền não của tự địa, vì đẳng chí này không thể ngăn cản phiền não. Không thể đoạn trừ phiền não của địa trên, do phiền não kia là mạnh hơn mình. Nếu là cận phần thuộc đẳng chí tịnh thì cũng có thể đoạn trừ Hoặc, do đều có thể đoạn trừ Hoặc của địa dưới tiếp theo. Đẳng chí tịnh thuộc tĩnh lự trung gian cũng không thể đoạn trừ Hoặc.

Cận phần có bao nhiêu thứ? Tương ưng với thọ nào? Nơi ba đẳng chí như vị v.v… là đều có đủ chăng?

* Tụng viết:

Cận phần tám, xả, tịnh

Đầu cũng Thánh, hoặc ba.

* Luận nêu: Các định cận phần cũng có tám thứ, cùng với tám định căn bản làm cửa vào. Tất cả chỉ tương ưng với một xả thọ. Tạo công dụng để chuyển, chưa lìa sợ hãi của địa dưới. Tám định cận phần này đều thuộc về đẳng chí tịnh. Chỉ định cận phần thứ nhất là cùng chung nơi đẳng chí vô lậu (Gọi là định vị chí). Tất cả các định cận phần đều không có vị, do chúng là đạo lìa nhiễm. Tuy tâm của định cận phần có kiết sinh nhiễm, nhưng do ngăn chận nhiễm của định ấy nên nói như thế.

Có thuyết cho: Định vị chí cũng có tương ưng với vị. Do chưa khởi định căn bản nên cũng tham vướng vị ấy. Do vị chí này có đủ ba thứ.

Tĩnh lự trung gian cùng với các định cận phần, về nghĩa là không khác hay là cũng có khác? Nghĩa cũng có khác. Tức các định cận phần vì lìa nhiễm của địa dưới, nên là nhân để nhập nơi định thứ nhất. Còn tĩnh lự trung gian thì không như vậy, nên lại có nghĩa khác.

* Tụng viết:

Tĩnh lự trung không tầm

Đủ ba, chỉ xả thọ.

* Luận nêu: Định cận phần, tĩnh lự thứ nhất căn bản đều tương ưng với tầm tứ. Trong bảy định trên đều không có tầm tứ. Chỉ nơi tĩnh lự trung gian thì có tứ không có tầm. Nên tĩnh lự này là hơn tĩnh lự thứ nhất, nhưng chưa bằng tĩnh lự thứ hai. Dựa theo nghĩa ấy nên lập tên trung gian. Do đấy, các địa trên không có tĩnh lự trung gian, vì một địa lên xuống không như nơi tĩnh lự thứ nhất. Tĩnh lự trung gian này có đủ ba thứ là vị, tịnh, vô lậu. Do có thắng đức nên có thể ái vị. Vì đồng với các định cận phần là chỉ tương ưng với xả, không tương ưng với hỷ, tạo công dụng để chuyển. Do đấy nói là thuộc về khổ thông hành. Tĩnh lự này có thể chiêu cảm quả của xứ Đại Phạm. Người tu tập nhiều sẽ tái sinh làm Đại Phạm.

Đã nói về đẳng chí. Thế nào là đẳng trì?

Kinh nói đẳng trì gồm có ba loại: (1) Có tầm có tứ. (2) Không tầm chỉ có tứ. (3) Không tầm không tứ.

Về tướng của chúng là thế nào?

* Tụng viết:

Đầu, dưới có tầm tứ

Giữa chỉ tứ, trên không.

* Luận nêu: Tam-ma-địa có tầm có tứ: Nghĩa là đẳng trì tương ưng với tầm tứ. Đẳng trì này thuộc về tĩnh lự thứ nhất cùng định vị chí. Tam-ma-địa không tầm chỉ có tứ: Là đẳng trì chỉ cùng với tứ tương ưng. Đẳng trì này tức thuộc về địa của tĩnh lự trung gian. Tamma-địa không tầm không tứ: Là đẳng trì không tương ưng với tầm tứ. Đẳng trì này thuộc về từ định cận phần của tĩnh lự thứ hai cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng. Khế kinh lại nói có ba thứ đẳng trì: Là không, vô nguyện, vô tướng. Tướng của chúng là thế nào?

* Tụng viết:

Không là không, vô ngã

Vô tướng là diệt bốn

Vô nguyện là mười khác

Tương ưng hành tướng đế.

Đây chung tịnh, vô lậu

Vô lậu: Ba môn thoát.

* Luận nêu: Tam-ma-địa không: Nghĩa là đẳng trì tương ưng với hai thứ hành tướng không và vô ngã. Tam-ma-địa vô tướng: Là đẳng trì duyên tương ưng với bốn thứ hành tướng của diệt đế. Niết-bàn lìa mười tướng, nên gọi là vô tướng. Tam-ma-địa kia duyên nơi vô tướng ấy nên được mang tên là vô tướng. Mười tướng là: Năm thứ như sắc v.v… , hai tướng nam nữ cùng ba tướng hữu vi (Sinh, trụ dị, diệt). Tam-ma-địa vô nguyện: Là đẳng trì duyên tương ưng với mười thứ hành tướng còn lại của đế. Vô thường, khổ, nhân v.v… là đáng chán sợ. Đạo như thuyền bè. Tất nên xả bỏ. Đẳng trì kia có thể duyên nơi các tướng ấy nên được mang tên là vô nguyện. Đều là vượt quá hiện đối. Tướng không vô ngã không phải là đối tượng chán bỏ, do cùng với tướng Niết-bàn là tương tợ. Ba đẳng trì này đều có hai thứ là tịnh và vô lậu. Là đẳng trì thuộc về thế gian cùng xuất thế gian có sai biệt. Thuộc về thế gian: Thì đẳng trì này có chung nơi mười một địa. Thuộc về xuất thế gian: Thì chỉ chung nơi chín địa. Trong ấy, nếu là vô lậu thì gọi là ba cửa giải thoát, tức có thể cùng với Niết-bàn làm cửa đi vào.

Khế kinh lại nói có ba lớp đẳng trì: Là không – không, vô tướng – vô tướng, vô nguyện – vô nguyện. Tướng của chúng là thế nào?

* Tụng viết:

Lớp hai duyên vô học

Giữ tướng không, vô thường

Sau duyên định vô tướng

Phi trạch diệt là tĩnh

Hữu lậu, người, bất thời

Lìa bảy cận phần trên.

* Luận nêu: Ba đẳng trì này duyên nơi không v.v… ở trước, nhận lấy tướng như không v.v…, nên lập các tên như không không v.v… Đẳng trì không không duyên nơi Tam-ma-địa không thuộc loại vô học ở trước, nhận lấy tướng không kia, do tướng không thuận với sự chán lìa hơn tướng vô ngã. Đẳng trì vô nguyện – vô nguyện duyên nơi đẳng trì vô nguyện thuộc loại vô học ở trước, nhận lấy tướng vô thường, không nhận lấy tướng khổ, nhân v.v…, vì chúng không phải là tướng vô lậu. Không nhận lấy tướng đạo v.v…, vì đã chán bỏ. Đẳng trì vô tướng – vô tướng tức duyên nơi Tam-ma-địa vô tướng vô học, phi trạch diệt làm cảnh, do pháp vô lậu là không trạch diệt. Chỉ nhận lấy tướng tĩnh, không nhận lấy tướng diệt diệu, ly, vì có thể lẫn lộn với vô thường diệt. Vì tánh là vô ký, vì không phải là quả ly hệ. Ba đẳng trì này chỉ là hữu lậu, vì chán bỏ Thánh đạo. (Vô lậu thì không như thế). Chỉ ở nơi nẻo người nơi ba châu, do các A-la-hán bất thời giải thoát là có thể khởi ba lớp Tam-ma-địa như vậy. Các đẳng trì này dựa nơi mười một địa, trừ bảy cận phần. Mười một địa là: Cõi dục, định vị chí, tám định căn bản và tĩnh lự trung gian.

Khế kinh lại nói có bốn cách tu đẳng trì: (1) Là trụ nơi hiện pháp lạc. (2) Là đạt được tri kiến thù thắng. (3) Là đạt được tuệ phân biệt. (4) Là các lậu vĩnh viễn dứt hết. Tu đẳng trì như thế, về tướng là thế nào?

* Tụng viết:

Để đắc hiện pháp lạc

Tu các tĩnh lự thiện

Để đạt tri kiến thắng

Tu thiên nhãn thông tịnh.

Vì đắc tuệ phân biệt

Tu các gia hạnh thiện

Để được các lậu tận

Tu định kim cang dụ.

* Luận nêu: Như Khế kinh nói: “Nếu có người tu đẳng trì, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, thì đạt được hiện lạc trụ. Cho đến nói rộng”. Nói thiện là gồm thâu chung tịnh và vô lậu. Tu các tĩnh lự thiện thì được trụ nơi hiện pháp lạc. Nhưng kinh chỉ nói tĩnh lự thứ nhất: Là nêu lên phần đầu để làm rõ phần sau. Lý thật là chung cho các thứ còn lại. Không nói trụ nơi hậu pháp lạc: Do hậu pháp lạc không phải là định trụ. Tức là hoặc thoái thất, hoặc thọ sinh nơi địa trên, hoặc bát Niết-bàn liền không trụ. Nếu dựa vào các định tu thiên nhãn thông, tức có thể đạt được những tri kiến thù thắng. Nếu tu gia hạnh thiện của ba cõi cùng thiện vô lậu, thì đắc tuệ phân biệt. Nếu tu định kim cang dụ tức đạt được các lậu vĩnh viễn dứt hết. Lý thật thì tu đẳng trì là dựa chung nơi các địa. Nhưng Khế kinh chỉ nói tĩnh lự thứ tư: Là theo truyền thuyết: Đức Thế Tôn đã dựa nơi tự thân để nói về sự tu tập này.

HẾT – QUYỂN 28