LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 17
Phẩm thứ 4: PHÂN BIỆT NGHIỆP, phần 5
Như thế là đã biện về tướng của mười nghiệp đạo. Dựa nơi nghĩa gì để gọi là nghiệp đạo?
* Tụng viết:
Trong ấy ba chỉ đạo
Bảy nghiệp cũng là đạo.
* Luận nêu: Trong mười nghiệp đạo thì ba thứ sau chỉ là đạo. Đạo của nghiệp nên lập tên gọi đạo. Do tư tương ưng với chúng nên gọi là nghiệp. Chúng chuyển nên tư chuyển. Chúng hành nên tư hành. Như theo thế mạnh của chúng mà tạo tác. Bảy thứ trước là nghiệp, là nghiệp của thân ngữ. Lại cũng là đạo của nghiệp. Là đối tượng đi đến của tư. Do có thể cùng khởi nghiệp thân ngữ, tư nhờ vào nghiệp thân ngữ làm cảnh để chuyển. Là đạo của nghiệp nơi nghiệp nên lập tên nghiệp đạo. Thế nên ở trong đây nói nghiệp đạo, là hiển bày đầy đủ về nghĩa nghiệp đạo nơi nghiệp của nghiệp đạo. Tuy không đồng loại, nhưng là một biểu hiện cho các thứ còn lại. Nơi các điển tịch của thế gian đều hoàn toàn thành tựu. Bảy thứ như lìa sát sinh v.v… và ba thứ như không tham v.v… (Mười nghiệp đạo thiện) là đối chiếu với đây để giải thích.
Vì sao gia hạnh, hậu khởi ấy không phải là nghiệp đạo? Vì gia hạnh, hậu khởi ấy phải dựa nơi chúng thì nghiệp đạo kia mới chuyển. Lại, như trước đã nói, nghiệp đạo chỉ gồm thâu các phẩm thô. Hoặc do các thứ ấy có giảm có tăng tức khiến các vật trong ngoài có tăng có giảm, nên lập làm nghiệp đạo. Khác với đấy thì không phải là nghiệp đạo. Luận sư của Phái Thí Dụ cho tham, sân v.v… tức là ý nghiệp. Dựa nơi nghĩa nào để giải thích tên gọi kia là nghiệp đạo? Nên hỏi các Sư ấy. Nhưng cũng có thể nói các thứ kia là con đường đi đến nẻo ác của ý nghiệp, nên lập tên nghiệp đạo. Hoặc đều cùng nhân nơi đấy nên đều gọi là nghiệp đạo. Như vậy là đã nói về mười nghiệp đạo bất thiện, đều cùng với pháp thiện hiện khởi là trái nhau. Vậy các trường hợp đoạn dứt căn thiện là do nơi nghiệp đạo nào? Và chỗ sai biệt giữa đoạn dứt cùng nối tiếp căn thiện là thế nào?
* Tụng viết:
Chỉ tà kiến đoạn thiện
Căn sinh đắc cõi dục
Bác nhân quả hết thảy
Dần đoạn, hai cùng bỏ.
Người ba châu, nam nữ
Kiến hành đoạn phi đắc
Nối thiện, nghi hữu kiến
Chóng hiện, trừ ngũ nghịch.
* Luận nêu: Trong nghiệp đạo ác, chỉ có tà kiến đầy đủ thuộc phẩm thượng là có thể đoạn dứt căn thiện.
Nếu vậy thì vì sao trong Bản luận nói: Thế nào là các căn bất thiện thuộc phẩm thượng? Nghĩa là các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện. Hoặc là các căn bất thiện được trừ bỏ đầu tiên khi lìa phần vị dục. Do căn bất thiện có thể dẫn khởi tà kiến, nên tà kiến được gán cho công việc của căn bất thiện kia. Cũng như lửa đã đốt cháy ngôi làng, nhưng lửa là do bọn giặc cướp tạo ra, nên thế gian vẫn nói là bọn giặc cướp đã đốt cháy ngôi làng.
Những căn thiện nào bị đoạn dứt? Là chỉ các căn thiện sinh đắc thuộc cõi dục. Các căn thiện thuộc cõi sắc, cõi vô sắc của kẻ bị đoạn căn thiện tức chưa thành tựu. Nếu thế thì như nơi Luận Thi Thiết Túc nói làm sao thông hợp? Luận ấy viết: “Chỉ do mức độ ấy nên người này đã đoạn dứt căn thiện của ba cõi”. Luận kia đã dựa nơi căn thiện thuộc cõi trên đã đạt được, giờ thì lại cách xa để nói, khiến căn thiện ấy nối tiếp không còn là vật dụng của cõi kia. Vì sao chỉ đoạn dứt căn thiện sinh đắc? Vì căn thiện đạt được do gia hạnh nơi kẻ kia trước đã thoái chuyển. Duyên nơi tà kiến nào thì có thể đoạn dứt căn thiện? Nghĩa là tà kiến nhất định bác bỏ cho không có nhân quả. Bác bỏ cho là không nhân: Tức nhất định bác bỏ cho là không có hành diệu hành ác. Bác bỏ cho là không quả: Tức nhất định bác bỏ cho là không có dị thục (Quả báo) nơi quả của các thứ hành kia.
Có Sư khác cho: Hai thứ tà kiến bác bỏ nhân và quả này, hỗ trợ cho sự việc đoạn dứt căn thiện, cũng như hai đạo vô gián và giải thoát đã hỗ trợ cho sự việc đoạn trừ phiền não.
Có Sư khác nêu: Tà kiến đoạn dứt căn thiện chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải duyên nơi vô lậu. Chỉ duyên nơi tự giới, không duyên nơi tha giới. Do các pháp kia chỉ tương ưng với tùy miên, cảnh không tùy tăng, uy lực yếu kém.
Nên nói như thế này: Duyên chung nơi tất cả. Theo nhân cũng tăng, cũng có lực mạnh.
Có Sư khác nói: Căn thiện nơi chín phẩm do tà kiến nơi một sát-na tức thì đoạn dứt, cũng như kiến đạo đã đoạn trừ tức thì các thứ Hoặc thuộc kiến đạo. Nên nói như vầy: Căn thiện bị đoạn dứt dần dần. Nghĩa là căn thiện nơi chín phẩm do chín phẩm tà kiến nghịch thuận cùng đối, lần lượt mà đoạn, như tu đạo đoạn trừ các thứ Hoặc thuộc tu đạo. Tức tà kiến phẩm hạ hạ có thể đoạn trừ căn thiện phẩm thượng thượng. Cho đến căn thiện phẩm hạ hạ do tà kiến phẩm thượng thượng đoạn dứt. Nêu bày như thế là phù hợp với văn của Bản luận. Như nơi Bản luận nói: Thế nào gọi là căn thiện vi tế cùng hành? Nghĩa là căn thiện được xả bỏ sau cùng lúc bị đoạn dứt. Do xả bỏ phần căn thiện này nên gọi là đoạn căn thiện. Nếu như vậy thì văn của Bản luận do đâu lại nói: “Thế nào là các căn bất thiện phẩm thượng? Đó là các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện”. Văn của Bản luận ấy là dựa nơi phần hoàn tất sự việc đoạn căn thiện để mật nói. Do căn thiện này đã bị đoạn dứt hoàn toàn. Nghĩa là nếu còn có một phẩm căn thiện, thì căn thiện nơi các phẩm khác nhân đấy có thể sinh khởi, tức chưa thể nói là căn thiện đã bị đoạn dứt. Khi đoạn dứt trọn vẹn mới gọi là đoạn dứt căn thiện. Thế nên chỉ nói căn bất thiện phẩm thượng gọi là có thể đoạn dứt căn thiện. Có Sư khác nói: Đoạn dứt căn thiện nơi chín phẩm là xảy ra cùng lúc và không gián đoạn, như trong kiến đạo đã đoạn trừ các thứ phiền não. Nên nói như thế này: Là chung cho cả không gián đoạn và có gián đoạn. Lại có Sư khác nêu: Trước là xả bỏ luật nghi, sau mới đoạn dứt căn thiện. Vì chưa đoạn căn thiện thì dễ xả bỏ luật nghi. Nên nói như vầy: Nếu luật nghi kia là quả đẳng khởi của phẩm tâm này thì phẩm tâm ấy tức đoạn bỏ luật nghi kia. Do quả cùng với nhân về phẩm loại là đồng.
Là ở nơi xứ nào thì có thể đoạn dứt căn thiện? Tức nơi ba châu thuộc nẻo người, không phải ở nẻo ác, cũng không phải nơi các trời. Vì sao? Do trong nẻo ác thì tuệ nhiễm không nhiễm đều không kiên cố. Do nơi các trời thì quả của các nghiệp thiện ác luôn hiện thấy. Nói ba châu, là trừ châu Bắc Câu-lô, vì con người nơi châu ấy không có ý lạc cực ác. Có Sư khác nói: Chỉ nơi châu Thiệm-bộ mới có sự việc đoạn dứt căn thiện. Nếu vậy là trái với quan điểm của Bản luận. Như Bản luận viết: Người ở châu Thiệm-bộ thành tựu ít nhất là tám căn.
Các châu Đông, Tây cũng như thế.
Đoạn dứt căn thiện như vậy là dựa nơi loại thân nào? Chỉ là thân nam nữ, vì ý chí luôn quyết định. Có Sư khác cho: Cũng không phải là thân nữ, do ý chí cùng trí tuệ của người nữ đều tối, chậm. Ý kiến này cũng là trái với Bản luận đã nói. Như Bản luận viết: Nếu thành tựu nữ căn thì nhất định thành tựu tám căn. Nam căn cũng như vậy. Loại người thuộc hành nào thì có thể đoạn dứt căn thiện? Chỉ là người thuộc kiến hành, không phải là người thuộc ái hành. Những người thuộc ái hành thì ý lạc xấu ác của họ là rất động vội. Những người thuộc kiến hành thì ý lạc xấu ác của họ rất sâu chắc. Do lý ấy nên các hạng người như hoàng môn v.v… là không thể đoạn căn thiện, vì họ thuộc về loại ái hành. Lại, loại người ấy cũng như hữu tình nơi nẻo ác, vì khả năng phân biệt không chắc chắn. Sự việc đoạn căn thiện này, về Thể là thế nào? Nên biết đoạn dứt căn thiện thì phi đắc là Thể. Do đoạn dứt phần vị thiện thì phần vị thiện đạt được không sinh tức không sinh khởi. Phi đắc (Không đạt được) nối tiếp sinh thay thế cho căn thiện đạt được. Lúc phần vị phi đắc sinh thì gọi là đoạn dứt căn thiện. Nên đoạn dứt căn thiện, phi đắc là Thể.
Căn thiện bị đoạn rồi, do gì lại có thể nối tiếp? Do nghi và hữu kiến. Nghĩa là trong nhân quả có lúc sinh khởi nghi. Ở đây hoặc nên có, hoặc sinh chánh kiến, nhất định là có, chẳng phải là không có. Bấy giờ căn thiện được tiếp tục sinh khởi trở lại. Căn thiện được khởi nên gọi là căn thiện nối tiếp.
Có Sư khác nêu bày: Chín phẩm căn thiện dần dần tương tục. Nên nói như thế này: Căn thiện tức thì nối tiếp. Sau đấy, nơi thời gian sau thì dần dần hiện khởi. Như bệnh được dứt trừ tức thì, sau đó khí lực dần tăng. Ở trong thân hiện tại, căn thiện có thể nối tiếp được chăng? Cũng có thể nối tiếp, chỉ trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch. Kinh dựa nơi loại người ấy để nói: Người ấy nhất định ở nơi hiện pháp không thể nối tiếp căn thiện. Người ấy nhất định từ nơi địa ngục, vào lúc vừa chết, hoặc tức ở nơi đó, lúc sắp thọ sinh tức có thể nối tiếp căn thiện, không phải ở nơi phần vị khác. Nói sắp sinh vị, nghĩa là trong trung hữu. Nói lúc sắp chết, nghĩa là kẻ kia sắp mất ở nơi địa ngục. Nếu do lực của nhân khiến kẻ kia đoạn dứt căn thiện, thì vào lúc sắp chết là có thể nối tiếp. Nếu do lực của duyên khiến kẻ kia đoạn dứt căn thiện, thì vào lúc sắp sinh là có thể nối tiếp. Nếu do lực tự tha, nên biết cũng như thế.
Lại, người đoạn dứt căn thiện, do ý lạc hủy hoại không phải do gia hạnh hủy hoại, thì người này nơi hiện đời có thể nối tiếp căn thiện. Nếu do ý lạc hủy hoại, cũng do gia hạnh hủy hoại khi đoạn dứt căn thiện, thì chính là sau khi thân này hoại mới có thể nối tiếp căn thiện. Nếu kiến hoại, giới không hoại, hoặc kiến hoại giới cũng hoại khi đoạn dứt căn thiện, nên biết cũng như trường hợp vừa nêu. Có khi đoạn dứt căn thiện nhưng không rơi vào tà định. Nên tạo ra bốn trường hợp: Trường hợp 1: Nghĩa là như Bố-lạt-noa v.v… Trường hợp 2: Như Vị Sinh Oán v.v… Trường hợp 3: Như Thiên Thọ v.v… Trường hợp 4: Là trừ các tướng nêu trước.
Đã nhân nơi nghĩa nên biện về sự việc đoạn dứt căn thiện. Nay nên trở lại nêu rõ về nghĩa của nghiệp đạo gốc. Đã nói về hai nghiệp đạo thiện ác, trong ấy có bao nhiêu thứ cùng sinh, cùng với tư cùng chuyển?
* Tụng viết:
Nghiệp đạo, tư cùng chuyển
Bất thiện: một đến tám
Thiện mở chung đến mười
Riêng ngăn một, tám, năm.
* Luận nêu: Ở trong các nghiệp đạo, tư cùng chuyển, nếu là bất thiện cùng với tư chuyển thì từ một chỉ đến tám. Cùng chuyển với một nghiệp đạo: Nghĩa là trong ba thứ như tham v.v… lìa những thứ khác, tùy một thứ hiện khởi. Hoặc trước đã gia hạnh tạo nghiệp ác thuộc sắc, lúc tâm không nhiễm ô thì tùy một thứ là tạo thành. Cùng chuyển với hai nghiệp đạo: Nghĩa là lúc tâm sân hận tạo thành nghiệp đạo sát sinh. Hoặc khởi phần vị tham tạo thành nghiệp đạo trộm cắp, hoặc thành nghiệp đạo hành dục tà, hoặc thành nghiệp đạo nói lời uế tạp. Cùng chuyển với ba nghiệp đạo: Nghĩa là do tâm sân hận, nên đối với đời sống thuộc về kẻ khác, cùng lúc đã tạo thành nghiệp đạo sát sinh, nghiệp đạo trộm cắp.
Nếu vậy thì như chỗ đã nói nghiệp đạo trộm cắp do tham tạo nên, lý tức không thành. Nên biết ở đây nói như thế là để chỉ cho trường hợp dựa nơi tâm không khác để tạo thành nghiệp đạo trộm cắp hoàn toàn. Nếu trước đã gia hạnh tạo nghiệp ác thuộc sắc, thì lúc tham đẳng khởi, theo đấy tạo thành hai nghiệp đạo sát sinh, trộm cắp. Cùng chuyển với bốn nghiệp đạo: Nghĩa là vì muốn hủy hoại kẻ khác, nên nói lời hư dối hoặc lời thô ác, tức có một nghiệp đạo của ý, ba nghiệp đạo của ngữ. Nếu trước đã gia hạnh tạo nghiệp ác thuộc sắc, thì khi tham v.v… hiện tiền, tùy theo ba thứ ấy tạo thành. Như vậy, cùng chuyển với năm, sáu, bảy nghiệp đạo, đều như lý nên biết. Nghĩa là khi tâm khởi tham v.v… vào lúc tạo tác bốn, năm, sáu nghiệp đạo. Cùng chuyển với tám nghiệp đạo: Nghĩa là trước đã gia hạnh tạo tác sáu nghiệp ác thuộc sắc còn lại, cùng thời khởi tâm tham, tự hành tà dâm. Ba nghiệp đạo sau, là tự lực hiện tiền tất không cùng hành, nên không có cùng chuyển với chín, mười nghiệp đạo.
Như vậy là đã nói về nghiệp đạo bất thiện cùng với tư cùng chuyển, có số chẳng đồng. Nghiệp đạo thiện cùng với tư cùng chuyển mở ra chung đến mười. Căn cứ riêng theo tướng hiển bày, thì tư không cùng chuyển với một, năm, tám nghiệp đạo. Cùng chuyển với hai nghiệp đạo: Nghĩa là năm thức thiện, cùng dựa nơi vô sắc, lúc tận trí, vô sinh trí hiện tiền, bảy nghiệp đạo thiện không phân tán có hai nghiệp đạo là không tham, không sân. Cùng chuyển với ba nghiệp đạo: Nghĩa là lúc ý thức hiện tiền tương ưng với chánh kiến, không có bảy nghiệp đạo thiện thuộc sắc. Cùng chuyển với bốn nghiệp đạo: Nghĩa là tâm ác, vô ký ở nơi phần vị hiện tại, nhưng đạt được luật nghi Cận trụ, Cận sự, Cần sách, có bốn nghiệp đạo thiện thuộc sắc là không sát sinh v.v… Cùng chuyển với sáu nghiệp đạo: Nghĩa là lúc năm thức thiện hiện tiền, đạt được ba luật nghi trên, tức có bốn nghiệp đạo thuộc sắc, một nghiệp đạo không tham, một nghiệp đạo không sân. Cùng chuyển với bảy nghiệp đạo: Nghĩa là ý thức thiện, không tùy chuyển nơi sắc, tương ưng với chánh kiến lúc hiện tiền, đạt được ba giới trên. Hoặc lúc tâm ác, vô ký hiện tiền đạt được luật nghi Bí-sô, tức có bảy nghiệp đạo thuộc sắc. Cùng chuyển với chín nghiệp đạo: Nghĩa là lúc năm thức thiện hiện tiền, đạt được luật nghi Bí-sô. Hoặc dựa nơi vô sắc, lúc tận trí, vô sinh trí hiện tiền đạt được luật nghi Bí-sô. Hoặc tĩnh lự gồm thâu tận trí, vô sinh trí, tương ưng với ý thức lúc hiện tiền. Cùng chuyển với mười nghiệp đạo: Nghĩa là ý thức thiện không tùy chuyển nơi sắc, lúc tương ưng với chánh kiến hiện tiền, đạt được luật nghi Bí-sô. Hoặc tất cả các thứ còn lại có tùy chuyển nơi sắc, tâm đang khởi vị tương ưng với chánh kiến. Căn cứ riêng theo tướng hiển bày, đã có ngăn trừ như thế. Nếu căn cứ chung cả ẩn hiển thì không có ngăn trừ. Nghĩa là lìa luật nghi thì có tư cùng chuyển với một, năm, tám nghiệp đạo. Cùng chuyển với một nghiệp đạo: Nghĩa là lúc tâm ác, vô ký hiện tiền, đạt được một chi xa lìa. Cùng chuyển với năm nghiệp đạo: Nghĩa là ý thức thiện không tùy chuyển nơi sắc, lúc tương ưng với chánh kiến hiện tiền, đạt được hai chi xa lìa. Cùng chuyển với tám nghiệp đạo: Nghĩa là ý thức này lúc hiện tiền, đạt được năm chi xa lìa.
Nghiệp đạo thiện ác, ở nơi xứ nẻo cõi nào, có bao nhiêu thứ chỉ thành tựu, bao nhiêu thứ cũng thành tựu và hiện hành?
* Tụng viết:
Trong địa ngục: bất thiện
Thô, tạp, sân chung hai
Tham, tà kiến: tạo nên
Châu Bắc thành ba sau.
Tạp ngữ chung hiện thành
Dục còn mười chung hai
Thiện nơi tất cả xứ
Ba sau chung hiện thành.
Vô sắc, trời Vô tưởng
Bảy trước chỉ thành tựu
Xứ khác chung thành hiện
Trừ địa ngục, châu Bắc.
* Luận nêu: Ở trong mười nghiệp đạo bất thiện, nơi địa ngục có ba nghiệp đạo chung cả hai thứ, là lời nói thô ác, lời nói uế tạp, cùng sân hận, ba nghiệp đạo này đều chung cả thành tựu và hiện hành. Do cùng mạ lỵ nên có lời nói thô ác. Do kêu la bi thảm nên có lời nói uế tạp. Thân tâm thô cứng, buồn sợ chẳng lường. Do đều cùng ghét bỏ nhau nên có sân hận. Tham cùng tà kiến là thành tựu nhưng không hiện hành. Do không có cảnh đáng yêu thích. Vì nghiệp quả đều hiện thấy. Nghiệp hết thì chết, nên không có nghiệp đạo sát sinh. Không có gồm thâu của cải vật dụng cùng người nữ, nên không có không cho mà lấy cùng hành dục tà. Do vô dụng nên không có lời nói hư dối. Tức do đấy nên cùng thường lìa, nên không có lời nói ly gián. Nơi châu Bắc Câu-lô thì tham sân tà kiến đều nhất định thành tựu nhưng không hiện hành. Do không gồm thâu ngã sở. Vì thân tâm mềm mại. Do không có sự việc não hại. Không có ý lạc xấu ác. Chỉ có lời nói uế tạp là chung cả hiện hành cùng thành tựu. Do người nơi châu ấy có lúc ca vịnh với tâm cấu nhiễm. Vì không có ý lạc xấu ác, vì thọ lượng đã định rõ, vì không gồm thâu của cải, vật dụng cùng người nữ, vì vô dụng nên người của châu Bắc không có nghiệp đạo sát sinh và những nghiệp đạo khác. Như thế thì người nơi châu ấy hành dâm như thế nào? Tức người nam nữ kia lúc cùng khởi tâm nhiễm thì cùng nắm tay nhau đi đến bên dưới một tàng cây. Cành cây rũ xuống che phủ họ thì biết đấy là nên hành dâm. Cành cây không rũ xuống che phủ thì cả hai cùng hổ thẹn từ biệt. Trừ địa ngục đã nêu trước cùng châu Bắc Câu-lô, các xứ còn lại trong cõi dục, nơi mười nghiệp đạo đều chung cả hai. Nghĩa là các trời thuộc cõi dục, nẻo quỷ, bàng sinh và ba châu trong nẻo người, mười nghiệp đạo ác đều chung cả thành tựu cùng hiện hành. Nhưng có sai biệt: Tức nơi các trời, quỷ, bàng sinh, chỉ có xử trung (Không luật nghi không bất luật nghi), không gồm thâu bất luật nghi. Ở nẻo người thì hai thứ cùng có. Tuy các thiên chúng không có sát hại nhau, nhưng hoặc có khi thì sát hại hữu tình nẻo khác. Có Sư khác nói: Thiên chúng cũng có sát hại nhau: Chém đầu rồi chặt ngang lưng thì mạng mới dứt.
Đã nói về nghiệp đạo bất thiện. Trong nghiệp đạo thiện, ba thứ như không tham v.v… ở nơi ba cõi, năm nẻo đều chung cả hai thứ thành tựu và hiện hành. Bảy chi nghiệp đạo của thân ngữ thì nơi cõi vô sắc cùng trời Vô tưởng chỉ có thành tựu, không có hiện hành. Nghĩa là Thánh giả, hữu tình sinh nơi cõi vô sắc, thì thành tựu luật nghi vô lậu của quá khứ, vị lai. Hữu tình nơi vô tưởng tất thành tựu luật nghi tĩnh lự của tĩnh lự thứ tư thuộc quá khứ vị lai. Nhưng Thánh giả thì tùy theo chỗ dựa, tức nương dựa nơi địa nào đã từng khởi từng diệt luật nghi vô lậu, lúc sinh nơi cõi vô sắc thì thành tựu luật nghi kia thuộc quá khứ. Nếu là đời vị lai thì dựa nơi thân của năm địa (Cõi dục và bốn tĩnh lự), luật nghi vô lậu đều được thành tựu. Nơi chốn của các cõi, nẻo còn lại, trừ địa ngục và châu Bắc Câu-lô, bảy nghiệp đạo thiện đều chung cả hiện hành và thành tựu. Nhưng có sai biệt: Nơi nẻo quỷ, bàng sinh thì nghiệp đạo thiện không thuộc về luật nghi, xử trung. Ở cõi sắc thì chỉ có luật nghi. Các trời thuộc cõi dục cùng ba châu thuộc nẻo người đều có đủ hai thứ.
Nghiệp đạo thiện bất thiện đã đắc quả như thế nào?
* Tụng viết:
Đều chiêu cảm Dị thục
Quả Đẳng lưu, Tăng thượng
Đây khiến khác thọ khổ
Đoạn mạng hoại uy lực.
* Luận nêu: Trước đã phân biệt mười nghiệp đạo ác đều chiêu cảm ba quả, là Dị thục, Đẳng lưu và Tăng thượng. Nghĩa là nơi mười thứ nghiệp đạo ác ấy, nếu hành tập, tạo tác, tạo tác nhiều, do lực ấy nên sinh nơi địa ngục, là quả dị thục. Từ địa ngục ra khỏi rồi, lại sinh vào chốn này, trong đồng phần của con người, là thọ quả đẳng lưu. Nghĩa là kẻ sát sinh thì thọ mạng ngắn ngủi. Kẻ trộm cắp thì tiền của thiếu thốn. Kẻ hành dục tà thì vợ không trinh thuận. Kẻ nói lời hư dối thì luôn gặp những sự phỉ báng. Người nói lời ly gián thì bạn thân trở thành đối nghịch. Người nói lời thô ác thì luôn phải nghe những âm thanh xấu ác. Người nói lời uế tạp thì ngôn thuyết của mình không có uy tín. Kẻ tham thì tâm tham tăng thịnh. Kẻ sân thì giận dữ càng tăng. Kẻ tà kiến thì si càng tăng. Vì trong tà kiến, si là đứng đầu. Đó gọi là quả đẳng lưu của nghiệp đạo có sai biệt. Trong nẻo người tuy có thọ mạng ngắn ngủi, cũng là quả của nghiệp thiện. Vì sao có thể nói là quả đẳng lưu của sát sinh? Ở đây không nói thọ lượng của con người là quả của nghiệp sát sinh. Chỉ nói do sát sinh nên thọ lượng của con người ngắn. Nên biết nghiệp sát sinh cùng với mạng căn của con người tạo nhân chướng ngại, khiến không trụ lâu.
Quả tăng thượng có được nơi mười nghiệp đạo kia. Nghĩa là các thứ vật dụng nuôi sống con người hiện có bên ngoài: Do sát sinh nên sự phát triển, tăng trưởng rất kém. Do trộm cắp nên chúng thường gặp phải mưa đá, sương độc hủy hoại. Vì hành dục tà nên hay có những thứ bụi bặm phủ bám, hủy diệt. Vì nói lời hư dối nên chúng có nhiều mùi xú uế. Do nói lời ly gián nên nơi chốn cư trú thì quanh co, hiểm trở. Do nói lời thô ác nên ruộng đất gieo cấy thường có nhiều đá sỏi, khô cằn hoặc nhiễm mặn, lúa má không tươi tốt. Do nói lời uế tạp nên khí hậu, thời tiết luôn biến đổi thất thường. Vì tham nên quả ít. Vì sân hận nên quả không ngon ngọt. Do tà kiến nên quả kém hoặc không có. Đó gọi là quả tăng thượng của nghiệp đạo có sai biệt.
Có phải vì một nghiệp sát sinh, trước đã chiêu cảm quả dị thục nơi địa ngục, xong rồi lại khiến thọ lượng nơi nẻo người bị ngắn ngủi, hay là còn có quả khác nữa? Có Sư khác nói: Tức một nghiệp sát sinh, trước chiêu cảm dị thục kia, sau thì chiêu cảm quả đẳng lưu ấy. Có Sư khác cho: Nhân của hai quả ấy là khác. Trước là gia hạnh. Sau là căn bản. Tuy lại nói chung là một nghiệp sát sinh, nhưng thật sự là gồm thâu chung cả căn bản, quyến thuộc. Ở đây, đã nói quả đẳng lưu không phải là lìa vượt quả dị thục và quả tăng thượng. Chỉ căn cứ nơi sự tương tợ ít để giả nói là đẳng lưu.
Mười nghiệp đạo này, vì sao đều chiêu cảm ba quả? Do thứ nhất là nghiệp sát sinh, đối với việc giết hại kẻ khác, khiến kẻ ấy thọ khổ, bị giết chết và mất hết uy lực. Nghĩa là lúc sát sinh, khiến kẻ khác thọ khổ, nên bị đọa nơi địa ngục, nhận lấy khổ là quả dị thục. Do đoạn dứt mạng sống kẻ khác, nên khi sinh vào nẻo người có thọ lượng ngắn ngủi, là quả đẳng lưu. Vì hủy hoại uy lực của kẻ khác, nên chiêu cảm các thứ ngoại vật đều ít, kém, khí lực thua sút, là quả tăng thượng. Các nghiệp đạo ác còn lại, như lý nên suy xét. Do căn cứ theo đấy nên nhận về ba quả của nghiệp đạo thiện. Nghĩa là lìa sát sinh v.v…, nếu hành tập, tạo tác nhiều, do lực ấy nên sinh trong các trời, thọ quả dị thục. Từ nơi đấy mạng chung, sinh vào cõi này, trong đồng phần của con người, thọ quả đẳng lưu. Nghĩa là nếu người lìa sát sinh thì có được thọ mạng dài. Các phần còn lại, là cùng trái ngược với nghiệp ác đã nêu ở trước, như lý nên biết. Lại, như Khế kinh nói: Trong tám chi tà, thì phân nghiệp thuộc sắc làm ba, là tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng. Như vậy thì tà mạng đã tách lìa tà ngữ, tà nghiệp như thế nào? Tuy tánh lìa hai thứ ấy nhưng chúng không lìa nhau. Chỉ nói riêng về tà mạng.
* Tụng viết:
Tham sinh thân ngữ nghiệp
Tà mạng thì khó trừ
Chấp mạng tham tư sinh
Trái kinh nên phi lý.
* Luận nêu: Sân si đã sinh hai nghiệp ngữ thân, như thứ lớp gọi là tà ngữ tà nghiệp.Từ tham sinh khởi hai nghiệp thân ngữ, do khó trừ bỏ nên lập riêng là tà mạng. Nghĩa là tham có thể xâm đoạt tâm của các hữu tình, tham ấy đã sinh khởi nghiệp khó có thể ngăn giữ. Do đối với chánh mạng khiến cẩn trọng tu trì, nên Đức Phật đã tách lìa hai thứ trước để nói riêng về một loại. Như có tụng viết:
Tục: Tà kiến khó trừ
Do luôn chấp dị kiến
Đạo: Tà mạng khó ngăn
Do tư cụ thuộc khác.
Có Sư khác cho: Do tham muốn về vật dụng nuôi sống thân (Tư cụ) thuộc thân mạng đã sinh khởi hai nghiệp thân ngữ mới gọi là tà mạng, không phải là loại tham khác sinh. Vì sao? Vì các thứ tự vui chơi, tạo ca múa v.v… không phải là tà mạng. Luận điểm này là trái với kinh, lý nhất định là không đúng. Trong Kinh Giới Uẩn nói về sự việc xem đấu voi v.v…, Đức Thế Tôn cũng lập là tà mạng, vì đã thọ dụng sai lạc về ngoại cảnh hư dối. Nên biết chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là trái ngược với đây.
Như trước đã nói về quả có năm thứ. Ở đây thì những loại nghiệp nào có những loại quả nào?
* Tụng viết:
Đoạn đạo, nghiệp hữu lậu
Có đầy đủ năm quả
Nghiệp vô lậu có bốn
Là chỉ trừ dị thục.
Hữu lậu thiện ác khác
Cũng bốn, trừ ly hệ
Vô lậu vô ký khác
Ba, trừ hai thứ trên.
* Luận nêu: Đạo có thể chứng đoạn, cùng có thể đoạn trừ Hoặc, được mang tên là Đoạn đạo. Tức là đạo vô gián. Đạo này có hai loại: Là hữu lậu và vô lậu. Nghiệp của đạo hữu lậu có đủ năm quả: Quả dị thục: Nghĩa là trong tự địa, đoạn đạo đã chiêu cảm dị thục đáng yêu thích. Quả đẳng lưu: Nghĩa là các pháp tương tợ hoặc bằng hoặc hơn, thuộc giai đoạn sau trong tự địa. Quả ly hệ: Nghĩa là do lực của đạo ấy đã đoạn trừ Hoặc, chứng đắc trạch diệt vô vi. Quả sĩ dụng: Nghĩa là đạo đã dẫn đến các pháp cùng có, đạo giải thoát, sự tu tập cùng đoạn trừ. Quả tăng thượng: Nghĩa là lìa tự tánh, còn lại là các pháp hữu vi, chỉ trừ pháp đã sinh.
Trong đoạn đạo, nghiệp của đạo vô lậu chỉ có bốn quả, tức trừ quả dị thục. Nghiệp hữu lậu thiện cùng bất thiện khác cũng có bốn quả, là trừ quả ly hệ. Khác với đoạn đạo trước nên nói là khác (Dư). Tiếp sau nói Khác (Vô lậu vô ký khác) là đối chiếu với đây nên giải thích. Tức nghiệp vô lậu cùng vô ký khác chỉ có ba quả, là trừ hai quả dị thục và ly hệ đã trừ ở trước.
Đã phân biệt chung về các nghiệp có quả. Tiếp theo là biện về môn khác: Tướng của nghiệp có quả. Ở đây trước là biện về ba nghiệp như thiện v.v…
* Tụng viết:
Nghiệp thiện ở nơi thiện
Trước có bốn, hai, ba
Giữa có hai, ba, bốn
Sau: hai, ba, ba quả.
* Luận nêu: Sau cùng đã nói đều nói như thứ lớp, là làm rõ tùy theo chỗ ứng hợp khắp nơi nghĩa của môn trước. Ba nghiệp thiện bất thiện vô ký, mỗi mỗi làm nhân, như thứ tự ấy, đối nơi ba pháp thiện bất thiện vô ký biện về có số quả, như sau đã nêu ra nên biết. Nghĩa là trước là nghiệp thiện: Do pháp thiện làm nhân, là bốn quả, trừ quả dị thục. Do pháp bất thiện là hai quả, là quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Do pháp vô ký làm nhân, là ba quả, là trừ quả đẳng lưu và quả ly hệ.
Giữa là nghiệp bất thiện: Do pháp thiện làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Do pháp bất thiện là ba quả, tức trừ quả dị thục và quả ly hệ. Do pháp vô ký làm nhân, là bốn quả, trừ quả ly hệ. Quả đẳng lưu thì thế nào? Nghĩa là bất thiện biến hành cùng nghiệp bất thiện còn lại do kiến khổ đoạn trừ, do các pháp vô ký hữu thân kiến, biên chấp kiến là quả đẳng lưu.
Sau là nghiệp vô ký: Do pháp thiện làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Do pháp bất thiện là ba quả, tức trừ quả dị thục, quả ly hệ. Quả đẳng lưu thì thế nào? Nghĩa là các nghiệp vô ký, hữu thân kiến, biên chấp kiến, do các pháp bất thiện là quả đẳng lưu. Do pháp vô ký làm nhân, là ba quả, tức trừ quả dị thục và quả ly hệ.
Đã biện về ba tánh, sẽ biện về ba đời.
* Tụng viết:
Quá nơi ba đều bốn
Hiện nơi vị cũng thế
Hiện nơi hiện hai quả
Vị nơi vị, quả ba.
* Luận nêu: Ba nghiệp quá khứ hiện tại vị lai, mỗi mỗi làm nhân. Như chỗ ứng hợp, do quá khứ v.v… làm nhân nên quả có khác. Nghĩa là nghiệp quá khứ dùng pháp ba đời làm nhân, đều là bốn quả, chỉ trừ quả ly hệ. Nghiệp hiện tại dùng pháp vị lai làm nhân, là bốn quả, nói như trước. Dùng pháp hiện tại làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Nghiệp vị lai dùng pháp vị lai làm nhân, là ba quả, là trừ quả đẳng lưu và quả ly hệ. Không nói nghiệp sau có quả trước. Do pháp trước nhất định, không phải là quả của nghiệp sau. Đã biện về ba đời. Sẽ biện về các địa.
* Tụng viết:
Đồng địa có bốn quả
Dị địa hai hoặc ba.
* Luận nêu: Ở trong các địa, tùy theo nghiệp của địa nào, dùng pháp đồng địa làm nhân, là bốn quả, trừ quả ly hệ. Nếu là nghiệp hữu lậu, dùng pháp của địa khác làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả ly hệ. Nếu là nghiệp vô lậu, dùng pháp của địa khác làm nhân, là ba quả, tức trừ quả dị thục và quả ly hệ. Không thuộc về cõi nên không ngăn trừ quả đẳng lưu. Đã biện về các địa. Sẽ biện về học v.v…
* Tụng viết:
Học nơi ba đều ba
Vô học một, ba, hai
Phi học phi vô học
Có hai, hai, năm quả.
* Luận nêu: Ba nghiệp học, vô học, phi học phi vô học, mỗi mỗi cùng làm nhân. Như thứ lớp ấy, đều dùng ba pháp làm nhân nên quả có khác. Nghĩa là nghiệp học dùng pháp học làm nhân, là ba quả, là trừ quả dị thục và quả ly hệ. Dùng pháp vô học làm nhân, là ba quả cũng như thế. Dùng pháp phi hai làm nhân, là ba quả, trừ quả dị thục và quả đẳng lưu.
Nghiệp vô học dùng pháp học làm nhân, là một quả, tức quả tăng thượng. Dùng pháp vô học làm nhân, là ba quả, tức trừ quả dị thục và quả ly hệ. Dùng pháp phi hai làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng.
Nghiệp phi học phi vô học dùng pháp học làm nhân, là hai quả, là quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Dùng pháp vô học làm nhân, là hai quả cũng thế. Dùng pháp phi hai làm nhân, là năm quả.
Đã biện về học v.v… Sẽ biện về do kiến đạo đoạn v.v…
* Tụng viết:
Nghiệp do kiến đạo đoạn
Mỗi mỗi đều nơi ba
Trước có ba, bốn, một
Giữa: hai, bốn, ba quả
Sau có một, hai, bốn
Đều như thứ lớp ấy.
* Luận nêu: Ba nghiệp do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, không đoạn, mỗi mỗi cùng làm nhân. Như thứ lớp ấy, đều dùng ba pháp làm nhân nên quả có khác. Trước là nghiệp do kiến đạo đoạn dùng pháp do kiến đạo đoạn làm nhân, là ba quả, là trừ quả dị thục và quả ly hệ. Dùng pháp do tu đạo đoạn làm nhân, là bốn quả, trừ quả ly hệ. Dùng pháp không đoạn làm nhân, là một quả, tức quả tăng thượng.
Giữa là nghiệp do tu đạo đoạn dùng pháp do kiến đạo đoạn làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Dùng pháp do tu đạo đoạn làm nhân, là bốn quả, trừ quả ly hệ. Dùng pháp không đoạn làm nhân, là ba quả, tức trừ quả dị thục và quả đẳng lưu.
Sau là nghiệp không đoạn dùng pháp do kiến đạo đoạn làm nhân, là một quả, tức quả tăng thượng. Dùng pháp do tu đạo đoạn làm nhân, là hai quả, tức quả sĩ dụng và quả tăng thượng. Dùng pháp không đoạn làm nhân, là bốn quả, trừ quả dị thục.
Đều như thứ lớp ấy: Là tùy theo chỗ ứng hợp đều hiện khắp nơi các môn trên, vì pháp lược nên như thế. Nhân biện về các nghiệp nên nêu ra câu hỏi: Như trong Bản luận đã nói về ba nghiệp: Là nghiệp nên tạo, nghiệp không nên tạo và nghiệp không phải nên tạo, không phải không nên tạo. Về tướng của chúng là thế nào?
* Tụng viết:
Nghiệp nhiễm không nên tạo
Có thuyết: Cũng hoại phép
Nghiệp nên tạo: Trái đây
Đều trái đây: Thứ ba.
* Luận nêu: Có thuyết cho: Nghiệp nhiễm gọi là không nên tạo, do từ tác ý phi lý sinh khởi. Có Sư khác nói: Các nghiệp thân ngữ ý hủy hoại phép tắc cũng là loại nghiệp không nên tạo. Nghĩa là nơi các pháp hiện có, nên hành như thế, nên trụ như thế, nên nói như thế, nên mang y như thế, nên ăn uống như thế v.v… Nếu không như vậy, gọi là không nên tạo. Do các thứ hành kia không hợp với lễ nghi thế tục. Cùng với đấy trái nhau gọi là nghiệp nên tạo. Có thuyết nêu: Nghiệp thiện gọi là nghiệp nên tạo, do từ nơi tác ý như lý sinh khởi. Có Sư khác cho: Các nghiệp thân ngữ ý hợp với phép tắc cũng gọi là nghiệp nên tạo. Cùng trái với hai thứ trước, gọi là nghiệp thứ ba: Không phải nên tạo, không phải không nên tạo. Tùy theo chỗ ứng hợp nên hai thuyết có sai biệt.
Là do một nghiệp chỉ dẫn khởi một đời sống (Sinh) hay là dẫn khởi nhiều đời sống? Lại, là một đời sống chỉ do một nghiệp dẫn khởi hay là do nhiều nghiệp dẫn khởi?
* Tụng viết:
Một nghiệp dẫn một đời
Nhiều nghiệp nên tròn đủ.
* Luận nêu: Dựa theo Tông chỉ của phái mình nên nói như thế: Chỉ do một nghiệp dẫn khởi một đời sống. Nói một đời sống này là làm rõ về một đồng phần. Do đạt được đồng phần mới gọi là đời sống.
Nếu như vậy thì do đâu Tôn giả Vô Diệt tự nói: Ta nhớ lại về thời xa xưa, ở nơi phước điền thù thắng đã dâng thí một bữa ăn. Vì dị thục (Quả báo) của sự bố thí ấy nên được bảy lần sinh nơi trời Đao Lợi, bảy đời sinh trong nẻo người làm Chuyển luân Thánh đế. Đời sau cùng sinh vào tộc họ Thích-ca giàu sang đầy đủ của cải châu báu, thọ hưởng an lạc!
Tôn giả kia do một nghiệp đã chiêu cảm trong một đời có đủ giàu sang nhiều tài sản châu báu, cùng túc sinh trí. Nhân đấy lại tạo chiêu cảm phước của đời khác. Như thế lần lượt cho đến thân sau cùng, sinh nơi tộc họ phú quý, đạt được quả cứu cánh. Ở đây là làm rõ do lực dụng ban đầu nên nói như thế. Ví như có người lúc đầu chỉ giữ được một đồng tiền vàng, lần lượt mua bán và có được ngàn đồng tiền vàng, nên nói: Tôi vốn do có một đồng tiền nên nay có được nhiều tiền của như vầy!
Lại có thuyết cho: Tôn giả kia vào thời xa xưa đã một lần thí thức ăn, do dựa nơi đấy khởi nhiều tư nguyện thù thắng. Và các tư nguyện này có thứ chiêu cảm dị thục nơi cõi trời, có thứ chiêu cảm dị thục trong nẻo người. Sát-na không đồng nên dị thục có trước sau. Không phải một nghiệp có thể dẫn khởi nhiều đời sống. Cũng không có một đời sống do nhiều nghiệp dẫn khởi.
Chẳng phải cho là phần của chúng đồng phần có sai biệt. Tuy chỉ một nghiệp dẫn khởi một đồng phần, nhưng đồng phần kia viên mãn nên cho là do nhiều nghiệp. Ví như họa sư trước dùng một màu sắc phác thảo về đường nét chính của bức tranh, sau mới tô điểm toàn bộ. Vì thế, tuy có đồng bẩm thọ thân người, nhưng ở trong ấy, có người thì gồm đủ chi thể, các căn, hình lượng sắc lực đều đoan nghiêm. Hoặc có người đối với các thứ trước lại thiếu, giảm. Tức không phải chỉ mới nghiệp lực là có thể dẫn khởi đầy đủ cho một đời sống. Hết thảy pháp hữu lậu thiện bất thiện có dị thục, nên đều có thể dẫn khởi đầy đủ. Do nghiệp là hơn nên chỉ nêu tên nghiệp. Tuy nhiên ở trong ấy, nếu cùng có với nghiệp thì có thể dẫn khởi và có thể làm đầy đủ, tùy theo nghiệp hơn. Nếu không cùng với nghiệp là cùng có, thì chỉ có thể làm đầy đủ, không có thể dẫn khởi, do uy lực kém. Hai loại như thế, về Thể là thế nào?
* Tụng viết:
Hai định không tâm, đắc
Không thể dẫn, khác chung.
* Luận nêu: Hai định không tâm tuy có dị thục nhưng không có uy lực để dẫn khởi chúng đồng phần, do cùng với các nghiệp là không cùng có. Đắc cũng không có lực dẫn khởi chúng đồng phần, do cùng với các nghiệp không phải là một quả. Ngoài ra tất cả đều có chung: Có thể dẫn khởi, có thể làm đầy đủ.
Đức Bạc-già-phạm nói: Trọng chướng có ba thứ, là nghiệp chướng, phiền não chướng và dị thục chướng. Ba chướng như thế, về Thể là thế nào?
* Tụng viết:
Ba chướng: Nghiệp vô gián
Cùng phiền não thường hành
Và tất cả nẻo ác
Châu Bắc, trời Vô tưởng.
* Luận nêu: Nói nghiệp vô gián: Nghĩa là năm nghiệp vô gián. Những gì là năm? (1) Hại mẹ. (2) Hại cha. (3) Hại A-la-hán. (4) Phá hòa hợp Tăng. (5) Khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu. Năm thứ như thế gọi là nghiệp chướng. Phiền não có hai: (1) Thường hành. Nghĩa là phiền não luôn khởi. (2) Mãnh liệt. Nghĩa là phiền não phẩm thượng. Nên biết ở đây chỉ nói phiền não thường hành là phiền não chướng. Như loại hoàng môn v.v…, phiền não thường hành khó có thể điều phục, trừ bỏ, nên nói là chướng. Phiền não phẩm thượng tuy lại mãnh liệt, nhưng không thường khởi nên dễ có thể đoạn dứt. Ở trong phẩm hạ, phiền não thường hành tuy không mãnh liệt nhưng khó ngăn trừ. Do chúng luôn khởi nên khó có được phương tiện ngăn dứt. Nghĩa là từ phẩm hạ làm duyên sinh phẩm trung. Từ phẩm trung làm duyên sinh phẩm thượng. Khiến đạo ngăn trừ không có điều kiện được sinh. Thế nên trong phiền não, tùy theo phẩm thượng hạ, chỉ loại thường hành gọi là phiền não chướng. Toàn ba nẻo ác, châu Bắc của nẻo người cùng trời Vô tưởng gọi là dị thục chướng. Chướng này là pháp gì? Nghĩa là chướng ngại Thánh đạo cùng chướng ngại căn thiện gia hạnh của Thánh đạo.
Lại, trong nghiệp chướng, lý cũng nên nói về nghiệp quyết định khác. Nghĩa là tất cả nghiệp nhất định chiêu cảm nẻo ác, nhất định dẫn khởi các loài noãn sinh, thấp sinh, cùng thân nữ nhân, hữu thứ tám v.v… Nhưng nếu có nghiệp do năm nhân duyên, dễ thấy dễ biết, thì ở đây nói riêng. Nghĩa là xứ, nẻo sinh quả cùng Bổ-đặc-già-la. Ở trong các nghiệp thì chỉ năm nghiệp vô gián là có đủ năm thứ dễ thấy dễ biết này. Nghiệp khác thì không như thế, nên ở đây không nói. Chướng khác bỏ, lập, như chỗ ứng hợp nên biết. Trong ba chướng này, thì hai chướng phiền não cùng nghiệp đều là trọng. Do có hai thứ ấy, nên trong đời thứ hai cũng không thể đối trị. Sư Tỳ-bà-sa nêu ra giải thích: Do chướng trước (Phiền não chướng) có thể dẫn khởi chướng sau (Nghiệp chướng), nên sau nhẹ hơn so với trước. Tên gọi vô gián ở đây là nêu rõ về nghĩa gì? Căn cứ theo quả dị thục để quyết định, lại không có đời sống khác của nghiệp khác có thể làm gián cách, nên ở đây chỉ nêu rõ về nghĩa không gián cách. Hoặc hữu tình tạo nghiệp này, từ đấy mạng chung nhất định đọa trong địa ngục không gián cách, nên gọi là Vô gián. Nghiệp kia có vô gián nên được mang tên là Vô gián. Cùng với pháp vô gián hợp nên gọi là Vô gián.
Như cùng với pháp Sa-môn hợp nên gọi là Sa-môn.
Ba chướng nên biết là ở trong xứ nào có?
* Tụng viết:
Ba châu có vô gián
Không phải hàng hoàng môn
Ít ân, ít hổ thẹn
Chướng khác chung năm nẻo.
* Luận nêu: Nghiệp vô gián chỉ nơi ba châu của nẻo người, không phải là châu Bắc Câu-lô, nẻo khác, cõi khác. Ở trong ba châu, chỉ những người nam nữ là tạo nghiệp vô gián, không phải là hàng hoạn quan v.v… Vì sao? Tức như trước đã nói, những loại người ấy là không có nhân bất luật nghi, không đoạn căn thiện. Tức là trong ấy không có lý do để tạo tội nghịch. Lại, cha mẹ của họ cùng bản thân họ, như thứ lớp là ít ân huệ, ít hổ thẹn. Nghĩa là cha mẹ của những kẻ ấy đối với họ là ít ân huệ, vì thân khiếm khuyết của họ là duyên tăng thượng. Lại, do cha mẹ đối với những kẻ kia thường ít yêu thương nhớ nghĩ, nên họ đối với cha mẹ tâm hổ thẹn rất ít. Do hổ thẹn tăng thượng không hiện tiền, nếu có thể bị hủy hoại, thì họ có thể tạo tội Vô gián.
Do ở đây đã giải thích, nẻo quỷ và bàng sinh, tuy có hại mẹ v.v… nhưng không phải là vô gián. Nhưng Đại đức nói: Nếu có sự hiểu biết rõ ràng, thì cũng thành tội vô gián, như loài ngựa thông minh. Nếu có người hại cha mẹ của hàng phi nhân, cũng không thành tội nghịch do tâm cảnh đều yếu kém. Đã biện về nghiệp chướng, chỉ có nơi ba châu thuộc nẻo người. Hai chướng còn lại, nên biết là nơi năm nẻo đều có. Nhưng nơi nẻo người, chỉ châu Bắc Câu-lô, ở nẻo trời chỉ trời Vô tưởng là thuộc về dị thục chướng.
HẾT – QUYỂN 17