LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ 

 

QUYỂN 15

Phẩm thứ 4: PHÂN BIỆT NGHIỆP, phần 3

Ba loại luật nghi biệt giải thoát, tĩnh lự và vô lậu này, nếu từ một loại đạt được thì cũng đạt được hai loại còn lại chăng? Không phải như vậy. Vì sao?

* Tụng viết:

Trừ tất cả, hai hiện

Được luật nghi cõi dục

Trừ căn bản, luôn thời

Được tĩnh lự, vô lậu.

* Luận nêu: Luật nghi cõi dục, nghĩa là luật nghi biệt giải thoát. Đây là từ tất cả nghiệp đạo căn bản cùng từ gia hạnh, hậu khởi mà được. Từ hai được: Nghĩa là từ hai loại, tức tình, phi tình, tánh tội, già tội. Từ hiện được: Nghĩa là từ uẩn xứ giới của đời hiện tại được, không phải là từ quá khứ, vị lai. Do luật nghi này ở nơi xứ hữu tình chuyển. Quá khứ, vị lai không phải là xứ hữu tình. Nếu được luật nghi tĩnh lự, vô lậu, nên biết là chỉ từ nghiệp đạo căn bản. Hãy còn không từ gia hạnh, hậu khởi kia mà được luật nghi này, huống là từ già tội. Từ luôn thời: Nghĩa là từ uẩn xứ giới của quá khứ, hiện tại, vị lai mà được. Do sai biệt này nên tạo ra bốn trường hợp: Có uẩn xứ giới từ nơi pháp kia chỉ được luật nghi biệt giải thoát, không phải là hai thứ luật nghi còn lại. Trường hợp 1: Nghĩa là từ nơi gia hạnh, hậu khởi của hiện đời cùng các già tội. Trường hợp 2: Nghĩa là từ nơi nghiệp đạo căn bản của quá khứ, vị lai. Trường hợp 3: Nghĩa là từ nghiệp đạo căn bản của đời hiện tại. Trường hợp 4: Nghĩa là từ nơi gia hạnh, hậu khởi của quá khứ, vị lai.

Không phải vào lúc đang đạt được luật nghi thiện có thể có nghiệp đạo ác của hiện đời v.v… Vì thế nên nói là từ nơi hiện xứ được. Lý chỉ nên nói là phòng giữ vị lai, nhất định không nên nói là ngăn giữ quá khứ, hiện tại.

Các người đạt được luật nghi, bất luật nghi, từ nơi tất cả hữu tình, chi nhân có khác không? Ở đây nhất định là có khác. Tướng khác ấy là thế nào?

* Tụng viết:

Luật từ các hữu tình

Chi nhân nói bất định

Bất luật nghi tất cả

Hữu tình chi, không nhân.

* Luận nêu: Luật nghi nhất định từ nơi tất cả hữu tình đạt được. Lý không có phần ít. Chi, nhân nói bất định. Chi bất định: Là có khi từ nơi tất cả đạt được, như luật nghi Bí-sô, có khi từ nơi bốn chi được như các thứ luật nghi còn lại. Chỉ nơi nghiệp đạo căn bản mới gọi là chi luật nghi. Nhân bất định: Tức là hoặc có nghĩa từ nơi tất cả nhân. Hoặc căn cứ vào nghĩa khác chỉ cho là từ nơi một. Từ nơi tất cả: Nghĩa là từ nơi không tham không sân không si tất cùng khởi. Chỉ từ nơi một: Nghĩa là từ nơi tâm hạ trung thượng không cùng khởi. Ở đây lại dựa theo ba nhân sau để nói. Hoặc có một loại hữu tình trụ nơi luật nghi, ở nơi tất cả hữu tình được luật nghi, không phải là tất cả chi, không phải là tất cả nhân. Nghĩa là do tâm phẩm hạ, hoặc phẩm trung, hoặc phẩm thượng, thọ giới Cận sự, Cần sách. Hoặc có một loại hữu tình trụ nơi luật nghi, ở nơi tất cả hữu tình được luật nghi, do tất cả chi, không phải tất cả nhân. Nghĩa là do tâm phẩm hạ, hoặc phẩm trung, hoặc phẩm thượng, thọ giới Bí-sô. Hoặc có một loại hữu tình trụ nơi luật nghi, ở nơi tất cả hữu tình được luật nghi, do tất cả chi cùng tất cả nhân. Nghĩa là do ba tâm thọ giới Cận sự, Cần sách, Bí-sô. Hoặc có một loại hữu tình trụ nơi luật nghi, ở nơi tất cả hữu tình được luật nghi, do tất cả nhân, không phải tất cả chi. Nghĩa là do ba tâm, thọ giới Cận sự, Cận trụ, Cần sách. Không có không hiện hữu khắp. Ở nơi các hữu tình được luật nghi: Do đối với tất cả các hữu tình đã trụ nơi ý lạc thiện mới được luật nghi. Khác tức không như thế, do ý lạc xấu ác không hoàn toàn dứt bỏ. Nếu người không tạo năm thứ định hạn mới có thể thọ được luật nghi biệt giải thoát. Nghĩa là định về hữu tình, chi, xứ, thời, duyên. Định về hữu tình: Tức suy niệm: Tôi chỉ đối với loại hữu tình ấy sẽ lìa bỏ sát sinh v.v… Nói định về chi: Là suy niệm: Tôi chỉ đối với chi luật nghi ấy sẽ thọ trì không phạm. Nói định về xứ: Là suy niệm: Tôi chỉ trụ nơi loại phương vực ấy thì sẽ lìa sát sinh v.v… Nói định về thời: Tức suy niệm: Tôi chỉ ở nơi thời gian một tháng mới có thể lìa bỏ sát sinh v.v… Nói định về duyên: Tức suy niệm: Tôi chỉ trừ các duyên như đánh nhau v.v… thì mới có thể lìa bỏ sát sinh v.v… Người thọ như vậy thì không được luật nghi, chỉ được hành diệu tương tợ với luật nghi. Ở nơi cảnh không phải là chủ thể, đối tượng, làm sao đạt được luật nghi? Do đối khắp nơi hữu tình phát khởi ý lạc tăng thượng không tổn hại sinh mạng nên được luật nghi. Sư Tỳ-bà-sa nêu ra thuyết này: Nếu cho hoàn toàn ở nơi cảnh của chủ thể, đối tượng mới có thể thọ được luật nghi biệt giải thoát, tức luật nghi này nên có tăng giảm. Do hai loại hữu tình nơi cảnh của chủ thể, đối tượng và nơi cảnh không phải là chủ thể, đối tượng có chuyển đổi. Như thế tức luật nghi biệt giải thoát có lỗi là lìa duyên đắc, xả vẫn có đắc, xả.

Thuyết kia là không đúng. Như cỏ tươi v.v… trước không sau mọc lên, hoặc mọc lên rồi khô héo, đối với luật nghi kia là không tăng không giảm. Luật nghi đã đạt được ở nơi cảnh là chủ thể, không là chủ thể, lúc cảnh chuyển đổi, so sánh cũng nên như vậy. So sánh ấy là không hợp lẽ. Vì sao? Vì tánh trước sau của các hữu tình so với tánh trước sau của cỏ v.v… là chẳng đồng. Như vậy, hữu tình bát Niết-bàn rồi, loại tánh như trước thời nay đã không, đối với luật nghi kia vì sao không giảm? Nên giải thích như thế (của Sư Tỳ-bà-sa), đối với lý là không đúng. Trước đã nêu nhân nơi lý là tốt. Như thế, Đức Phật trước cùng với việc độ sinh rồi bát Niết-bàn, Đức Phật sau đối với vị kia đã không phát khởi được luật nghi biệt giải thoát, vì sao Thi la không giảm so với trước? Do luật nghi biệt giải thoát của tất cả Phật đều từ nơi xứ của hết thảy hữu tình đạt được. Nếu như hữu tình kia hiện nay vẫn còn, thì Đức Phật sau từ nơi các hữu tình ấy đạt được các luật nghi.

Được bất luật nghi, nhất định từ nơi nghiệp đạo của tất cả hữu tình. Không có bất luật nghi phần ít, cảnh cùng không đủ chi. Ở đây, nhất định là không có do tất cả nhân, nhưng có do tâm phẩm hạ v.v… cùng khởi. Nếu có một loại hữu tình do tâm phẩm hạ được bất luật nghi, về sau nơi thời gian khác, do tâm phẩm thượng đoạn dứt mạng chúng sinh thì hữu tình kia chỉ thành tựu bất luật nghi hạ, nhưng cũng thành tựu nghiệp biểu vô biểu của tội sát sinh là phẩm thượng. Phẩm trung, phẩm thượng so sánh theo đấy nên biết.

Ở đây, những gì gọi là bất luật nghi? Nghĩa là những kẻ giết mổ dê, heo, gà, bắt chim, bắt cá, săn bắt thú, trộm cướp, kẻ chủ làm nem, quản ngục, kẻ bắt rồng, nấu thịt chó cùng giăng đặt bẫy bắt chim thú v.v… Chữ vân vân (Đẳng) là dùng để làm rõ về một số trường hợp khác. Chỉ luôn có tâm sát hại gọi là kẻ không luật nghi, do một loại hữu tình kia trụ nơi không luật nghi. Hoặc có không luật nghi nên gọi là kẻ không luật nghi. Nói kẻ giết mổ dê: Nghĩa là những kẻ vì sinh sống nên đã theo nguyện cả đời luôn sát hại dê. Các nghề giết mổ, sát hại khác, tùy theo chỗ thích hợp, nên biết cũng như vậy. Đối khắp cảnh giới hữu tình, đạt được các luật nghi, lý ấy đúng là như thế. Do ý lạc thù thắng là mong muốn tạo lợi lạc rộng khắp, nên thọ nhận, đạt được luật nghi. Những kẻ không luật nghi như giết mổ dê v.v…, không phải đối với các người chí thân của họ có ý làm tổn hại. Cho đến trong trường hợp vì để cứu lấy thân mạng của chính mình, họ cũng không muốn sát hại những người kia. Như vậy làm sao có thể nói là đối khắp tất cả hữu tình được bất luật nghi? Do những người chí thân kia nếu tái sinh làm dê v.v… thì đối với những người ấy, kẻ không luật nghi – là người giết mổ dê, cũng có tâm sát hại. Đã nhận biết những người chí thân hiện không phải là dê v.v…, vì sao đối với những người ấy có thể có tâm sát hại? Lại, chư vị Thánh, lý tất không tái sinh làm dê v.v… Vì sao đối với những người ấy được bất luật nghi? Nếu quán xét về tự thể của dê v.v… nơi vị lai, ở nơi sự nối tiếp của hiện tại được bất luật nghi, tức là dê v.v… nơi đời vị lai cũng có những người chí thân cùng tự thể của Thánh. Đối với những người kia quyết định không có tâm sát hại. Tức là nên quán xét về tự thể của vị lai, không ở nơi hiện tại được bất luật nghi. Đối với thân hiện tại như dê v.v… đã có ý sát hại, vì sao không ở nơi kia được bất luật nghi? Đối với thân hiện tại như mẹ v.v… đã không có ý sát hại vì sao cũng ở nơi kia được bất luật nghi? Ở trong các sự việc như thế, nên tìm xét theo lý khác. Lại, người không luật nghi như kẻ giết mổ dê v.v… nơi một đời không cho không nhận, đối với thê thiếp của chính mình, tâm trụ nơi biết đủ. Kẻ bị câm không thể nói, tức không có bốn tội của ngữ nghiệp. Vì sao những người kia cũng được bất luật nghi gồm đủ chi? Do những người kia đã tổn hại khắp ý lạc thiện. Tuy kẻ bị câm không nói được, nhưng thân biểu ngữ đã nhằm nêu bày nghĩa, nên vẫn được gồm đủ chi. Nếu vậy, những người kia, lúc trước đã thọ hai, ba học xứ, sau chỉ tạo sát sinh, ở nơi trường hợp khác không tổn hại ý lạc thiện, vì sao vẫn phát sinh đủ bảy chi giới ác? Phái Tỳ-bàsa đưa ra thuyết như vầy: Bất luật nghi tất không thiếu, tức chi cùng một phần các chi khác, có thể được gọi là người trụ nơi bất luật nghi. Các Sư Kinh Bộ thì cho: Tùy theo kỳ hạn đã nêu, thì chi đủ, không đủ cùng toàn phần một phần đều được bất luật nghi. Luật nghi cũng như vậy. Chỉ trừ tám giới. Do tùy theo lượng Thi la thiện ác kia, tánh tướng cùng trái nhau, đều cùng ngăn trừ.

Đã nói về phần từ các pháp kia được bất luật nghi. Được bất luật nghi cùng với vô biểu khác, phương tiện đạt được như thế nào? Chưa nói nay sẽ nói.

* Tụng viết:

Các được bất luật nghi

Do tạo cùng thệ thọ

Được các vô Biểu khác

Do ruộng thọ hành trọng.

* Luận nêu: Các bất luật nghi do hai nhân nên được: (1) Sinh nơi nhà bất luật nghi, do đầu tiên hiện hành gia hạnh như sát sinh v.v… (2) Tuy lại sinh nơi gia đình khác, nhưng do đầu tiên đã mong muốn nhận lấy sự việc như sát sinh v.v… Nghĩa là nói: Tôi sẽ làm các sự việc như thế để có được tiền bạc vật dụng nuôi sống tự thân. Tức vào bấy giờ liền phát khởi giới ác. Được vô biểu khác do ba thứ nhân: (1) Do ruộng. Nghĩa là đối với các ruộng phước như thế đã cúng thí vườn rừng v.v… thì vô biểu thiện kia, nơi lần thí đầu tiên liền sinh. Như nói: Các sự việc của phước nghiệp có nương dựa. (2) Do thọ nhận. Nghĩa là tự thệ nguyện nói: Nếu chưa lễ Phật thì không ăn trước v.v… Hoặc khởi thệ nguyện có hạn lượng: Vào ngày trai giới, nửa tháng, một tháng cùng một năm, tôi luôn bố thí thức ăn. (3) Do trọng hành. Nghĩa là khởi tác ý cẩn trọng như thế để hành thiện hành ác. Do ba nhân ấy nên khởi vô biểu khác. Như vậy là đã nói về được luật nghi v.v… Về xả bỏ luật nghi v.v… chưa nói nay sẽ nói.

* Tụng viết:

Xả biệt giải điều phục

Do cố xả, mạng chung

Cùng hai hình cùng sinh

Đoạn căn thiện, đêm hết

Có thuyết: Do phạm trọng

Thuyết khác: Do pháp diệt

Ca-thấp-di-la nói:

Phạm hai như giàu, nợ.

* Luận nêu: Nói điều phục: Ý nhằm làm rõ về luật nghi. Do đấy (Luật nghi) có thể khiến căn được điều phục. Chỉ trừ Cận trụ, bảy thứ luật nghi biệt giải thoát còn lại, do bốn duyên nên xả bỏ: (1) Do ý lạc đối nơi người có hiểu biết, phát khởi nghiệp hữu biểu xả bỏ học xứ. (2) Do từ bỏ chúng đồng phần. (3) Do hai hình cùng thời sinh. (4) Do nhân nơi căn thiện đã đoạn. Xả bỏ giới Cận trụ do bốn duyên nêu trước cùng do đêm hết. Vì thế nói chung thì luật nghi biệt giải thoát do năm duyên nên xả bỏ. Do đâu xả bỏ giới do năm duyên ấy? Là do biểu nghiệp sinh cùng trái với thọ nhận. Do chỗ dựa đã bỏ. Do chỗ dựa đã biến đổi. Do nơi nhân đã đoạn. Do quá kỳ hạn.

Có Bộ khác nói: Ở trong bốn tội cực trọng chiêu cảm đọa lạc, nếu theo đấy phạm một thì cũng xả bỏ luật nghi Cần sách, Bí-sô. Có Bộ khác cho: Do nơi chánh pháp diệt cũng có thể khiến xả bỏ luật nghi biệt giải thoát. Vì vào thời gian pháp diệt thì tất cả học xứ, nơi kiết giới (Truyền giới, thọ giới) Yết-ma (Người truyền giới) đều không có. Các Sư Tỳ-bà-sa nước Ca-thấp-di-la nói: Lúc phạm tội căn bản, không xả bỏ giới xuất gia. Vì sao? Vì không phải phạm một biên, thì tất cả luật nghi nên xả bỏ hết. Không phải phạm tội khác thì có đoạn dứt Thi la. Nhưng có hai tên gọi: Nghĩa là trì giới, phạm giới. Như người có tài sản mắc nợ nơi kẻ khác, khi ấy gọi là người giàu có và người mắc nợ. Nếu đối với giới đã phạm phát lồ sám hối trừ bỏ, gọi là có đủ Thi la, không gọi là phạm giới. Như người kia hoàn trả nợ rồi thig chỉ gọi là người giàu có.

Nếu vậy thì vì sao Đức Bạc-già-hạm nói: “Người phạm bốn giới trọng thì không gọi là Bí-sô, không gọi là Sa-môn, không phải là đệ tử của Thích-ca. Vì đã phá bỏ Thể của Bí-sô, đã hại tánh của Sa-môn, đã hủy diệt, đọa lạc, nên lập tên là Tha thắng”: Đây là dựa nơi Bí-sô thắng nghĩa nên mật ý nêu bày như thế.

Giải thích như vậy là hung bột (Hoàn toàn sai quấy). Hung bột là thế nào? Tức đối với lời thuyết giảng liễu nghĩa của Đức Thế Tôn, đã theo nghĩa riêng khác để giải thích khiến thành không liễu nghĩa. Lại trao cho kẻ nhiều phiền não điều kiện để phạm trọng tội: Làm sao nhận biết lời nói ấy là sự thuyết giảng liễu nghĩa? Do luật đã tự giải thích có bốn loại Bí-sô: (1) Bí-sô danh tưởng. (2) Bí-sô tự xưng. (3) Bí-sô khất thực. (4) Bí-sô phá trừ Hoặc (Phiền não). Trong nghĩa của đoạn kinh trên, nói không gọi là Bí-sô, tức không phải Bí-sô đã bạch tứ Yết-ma thọ giới Cụ túc. Ở đây không phải Bí-sô trước là thắng nghĩa. Mà là Bí-sô đã thọ giới kia sau do phạm trọng giới thành không phải là Bí-sô. Thế nên biết đấy là lời thuyết giảng liễu nghĩa. Rõ ràng là những lời biện bạch kia, cho: “Không phải phạm một biên mà tất cả luật nghi nên xả bỏ hết”, liền trở thành lời cật vấn bậc Đại sư. Ở đây, bậc Đại sư đã lập dụ như vầy: Như cây Đa-la, nếu bị chặt đứt ngọn, tức không còn có thể sinh trưởng rộng lớn. Các Bí-sô v.v… đã phạm trọng giới cũng thế. Bậc Đại sư nêu dụ ở đây là nhằm làm rõ về nghĩa gì? Ý nhằm làm rõ đối với giới, tùy phạm một biên trọng tội căn bản thì khiến các giới đã thọ còn lại tất không còn có thể sinh trưởng rộng lớn. Nghĩa là người kia lúc hủy phạm các trọng giới là đã trái vượt với hành căn bản của Bí-sô, là cùng tương ưng với không hổ không thẹn tột cùng. Hành gốc đã đoạn, lý nên là đã xả bỏ hết tất cả luật nghi. Lại, người phạm trọng tội, tức Thế Tôn đã không cho đụng đến vật phẩm của thường trụ dù chỉ là một nắm cơm. Không cho lưu lại nơi Tăng-già-lam dù chỉ đứng một chân trên đất. Tức toàn bộ sự nghiệp của Bí-sô đã bị xua trừ. Bậc Đại sư đã dựa vào đấy để nói:

Nên mau chóng nhổ hết các thứ cỏ dại nơi lúa nếp. Nên mau chóng phân biệt loại bỏ những thanh gỗ mục nát nơi đám cột kèo kia. Nên mau chóng quạt bay hết các thứ trấu lép trong đống thóc giống ấy. Cũng vậy, nên mau chóng xua trừ những người thật sự không phải là Bí-sô mà xưng là Bí-sô. Thế thì Thể của Bí-sô kia, tướng ấy là gì? Tùy theo tướng như thế nào thì Thể tất nên có như thế. Do Đức Thế Tôn nói với Chuẩn-đà, nên biết có bốn loại Sa-môn, lại không có loại thứ năm. Nói bốn loại là: (1) Sa-môn thắng đạo. (2) Sa-môn thị đạo. (3) Sa-môn mạng đạo. (4) Sa-môn nhiễm đạo. Tuy có giảng nói như vậy nhưng Bí-sô phạm trọng tội kia chỉ còn có hình tướng Sa-môn nên gọi là Sa-môn thôi. Như nói gỗ bị đốt cháy, mỏ chim Anh vũ giả, ao khô cạn, hạt giống hư mục, vòng tròn lửa, người chết.

Nếu người pham trọng giới, không phải là Bí-sô: Tức nên không có Bí-sô trao truyền Học xứ. Không nói người phạm trọng giới đều thành tội Tha thắng. Song thành tội Tha thắng thì nhất định nói không phải là Bí-sô. Nghĩa là hoặc có người luôn nối tiếp thù thắng, tuy phạm giới cực trọng nhưng không phải là tội Tha thắng. Do tâm người kia không có một niệm che giấu. Đức Pháp chủ Thế Tôn đã chế lập như vậy. Nếu phạm tội Tha thắng liền không phải là Bí-sô, vì sao không khiến họ xuất gia thọ giới lại? Do người kia đã nối tiếp hiện bày tâm không hổ thẹn cùng tột, không còn sức mạnh để có thể phát sinh luật nghi xuất gia. Như hạt giống đã bị cháy khô. Không phải quán xét người kia có luật nghi Bí-sô nên không khiến xuất gia thọ giới trở lại. Lý do là như thế. Nếu như người kia, nơi thời gian sau cho mình là Bí-sô lại xả bỏ pháp đã học, nên cũng không cho phép người ấy được xuất gia lần nữa. Ở đây, những gắng sức biện hộ như thế đã trở thành vô nghĩa! Nếu người như thế vẫn còn phẩm tánh Bí-sô, tức nên tự quy lễ về loại Bí-sô như vậy.

Thời kỳ chánh pháp diệt, tuy không cong tất cả các thứ kiết giới, Yết-ma cùng Tỳ-nại-da, tức người chưa được luật nghi thì không có lý được luật nghi mới, nhưng những người trước đã được thì không có nghĩa xả bỏ.

Hai thứ luật nghi tĩnh lự và vô lậu được xả bỏ như thế nào?

* Tụng viết:

Xả định sinh pháp thiện

Do đổi địa, thoái chuyển v.v…

Xả Thánh do đắc quả

Luyện căn cùng thoái mất.

* Luận nêu: Các pháp thiện hệ thuộc địa của các tĩnh lự, do hai duyên nên xả: (1) Do đổi địa. Nghĩa là lúc từ địa dưới sinh lên địa trên, hoặc từ địa trên qua đời sinh xuống địa dưới. (2) Do thoái chuyển. Nghĩa là lúc từ công đức của định thù thắng đã đạt được, trở lại thoái mất. Chữ đẳng (Vân vân) nơi cuối câu Tụng thứ hai là làm rõ thêm việc xả bỏ chúng đồng phần, cũng xả bỏ phần ít căn thiện thù thắng. Như các pháp thiện hiện có trong cõi sắc, do đổi địa, thoái chuyển nên xả bỏ, thì nơi cõi vô sắc cũng thế, chỉ không có luật nghi, so với cõi sắc là khác. Pháp thiện vô lậu do ba duyên nên xả bỏ: (1) Do đạt được quả. Nghĩa là lúc đắc quả thì xả bỏ hướng đạo cùng quả đạo trước (2) Do luyện căn. Nghĩa là nơi phần vị luyện căn, do đạt được đạo lợi nên xả bỏ đạo độn. (3) Do thoái mất. Nghĩa là lúc bị thoái chuyển thì thoái mất quả đạo, hoặc quả đạo hơn hẳn.

Như thế là đã nói về phần xả bỏ các luật nghi, bất luật nghi thì xả bỏ như thế nào?

* Tụng viết:

Xả giới ác do chết

Được giới, hai hình sinh.

* Luận nêu: Các bất luật nghi do ba duyên nên xả bỏ: (1) Do chết. Tức chỗ nương dựa đã xả bỏ. (3) Do được giới. Nghĩa là nếu thọ được luật nghi biệt giải thoát. Hoặc do đạt được luật nghi tĩnh lự, thì giới ác liền xả bỏ. Do sức của nhân duyên lúc được luật nghi, nên tất cả các thứ bất luật nghi đều đoạn dứt. Vì tánh của giới thiện ác là cùng trái nhau. Ở đây, uy lực của giới thiện là mạnh hơn. (3) Do nối tiếp hai hình cùng sinh. Vì vào bấy giờ, chỗ dựa đã biến đổi. Người trụ nơi giới ác, tuy có lúc hoặc khởi tư không tạo tác, xả bỏ đao gậy, lưới bẫy v.v…, nhưng nếu không thọ được các luật nghi thiện, thì các thứ bất luật nghi không thế dứt bỏ. Ví như tuy tránh được nhân duyên phát bệnh, nhưng nếu không uống thuốc hay thì bệnh chung cuộc là khó lành. Người bất luật nghi thọ giới Cận trụ, cho đến lúc đêm hết, xả luật nghi, vẫn là người bất luật nghi, hay gọi là xử trung (Phi luật nghi, phi bất luật nghi)? Có Sư khác nói: Vẫn là bất luật nghi, do ý lạc xấu ác không phải đã vĩnh viễn xả bỏ. Như thỏi sắt ngừng nung đỏ thì sẽ trở lại màu xanh như trước. Có Sư khác cho: Không còn là bất luật nghi, do không tạo tác nữa, không duyên khiến người kia được bất luật nghi. Vì bất luật nghi là dựa nơi hữu biểu được.

Vô biểu của xử trung (Phi luật nghi…) được xả bỏ như thế nào?

* Tụng viết:

Xả trung do thọ, thế

Tạo sự thọ căn đoạn.

* Luận nêu: Vô biểu của xử trung xả bỏ do sáu duyên: (1) Do tâm thọ nhận đoạn hoại nên xả bỏ. Nghĩa là xả bỏ pháp đã thọ nhận, khởi suy niệm: Tôi từ hôm nay dứt bỏ những thứ đã thọ nhận trước đây. (2) Do thế mạnh đã đoạn hoại nên xả bỏ. Nghĩa là do thế mạnh của tín tịnh hoặc của phiền não đã dẫn khởi vô biểu. Thế mạnh của hai thứ kia nếu vào lúc đoạn hoại thì vô biểu liền xả bỏ. Như mũi tên được phóng đi, cùng bánh xe quay của thợ đồ gốm, dây cung cùng thế mạnh của bánh xe quay lúc hết thì chúng liền dừng. (3) Do tạo nghiệp đoạn hoại nên xả bỏ. Nghĩa là như đã thọ nhận, về sau lại không tạo tác. (4) Do sự vật đoạn hoại nên xả bỏ. Sự vật là những gì? Nghĩa là các sự vật đã cúng thí như chùa, nhà, tọa cụ, tháp miếu, vườn rừng hoặc các vật dụng hành nghề như lưới bắt thú, lưới đánh cá v.v… (5) Do thọ mạng đoạn hoại nên xả bỏ. Nghĩa là chỗ nương dựa có chuyển đổi. (6) Do căn thiện đoạn hoại nên xả bỏ. Nghĩa là lúc dấy khởi gia hạnh đoạn căn thiện, liền xả bỏ căn thiện đã dẫn sinh vô biểu.

Các pháp thiện không phải sắc (Phi sắc) của cõi dục cùng tất cả pháp nhiễm không phải sắc khác, được xả bỏ như thế nào?

* Tụng viết:

Xả thiện phi sắc dục

Do căn đoạn, sinh trên

Do đạo đối trị sinh

Xả các nhiễm phi sắc.

* Luận nêu: Tất cả các pháp thiện không phải là sắc (Phi sắc) của cõi dục được xả bỏ do hai duyên: (1) Đoạn căn thiện. (2) Sinh nơi cõi trên. Hết thảy pháp nhiễm phi sắc của ba cõi xả bỏ do một duyên. Là chỉ do đạo đối trị sinh khởi. Nếu phẩm loại đạo có khả năng đoạn trừ này sinh, tức sẽ xả bỏ các thứ phiền não cũng những trợ bạn của chúng hiện có trong đây, không phải phương tiện nào khác. Luật nghi thiện, ác, nơi hữu tình nào có?

* Tụng viết:

Giới ác: Người trừ Bắc

Hai hoàng môn hai hình

Luật nghi cũng ở trời

Chỉ người đủ ba thứ.

Thiên sinh dục, cõi sắc

Có luật nghi tĩnh lự

Vô lậu cùng vô sắc

Trừ trung định, Vô tưởng.

* Luận nêu: Chỉ ở nơi nẻo người là có bất luật nghi, nhưng trừ châu Bắc Câu-lô, ba châu còn lại thì có. Ở trong ba châu, lại trừ hạng Phiến-dĩ cùng Bán-trạch-ca, có đủ hai hình. Luật nghi cũng như thế. Nghĩa là ở trong nẻo người, trừ các thứ đã trừ ở trên. Nơi các trời cũng có, nên ở nơi hai nẻo cùng có luật nghi. Lại do duyên gì nhận biết hạng Phiến-dĩ (Hoàng môn) v.v… nơi sự tương tục hiện có không phải là chỗ dựa của luật nghi? Do trong Kinh Luật đã nêu rõ. Nghĩa là như nơi Khế kinh nói: Đức Phật nói với Tôn giả Đại Danh: Các hàng nam tử bạch y tại gia, nam căn thành tựu, quý kính Phật Pháp Tăng, khởi tâm ân cần thạnh tịnh, nói lời thành thật đứng đắn, tự xưng con là Ô-ba-sách-ca, xin bậc Tôn đức ghi nhận, từ bi hộ niệm. Được như thế gọi là Ô-ba-sách-ca. Trong Tỳ-nại-da (Luật) cũng nêu rõ: Ông nên trừ bỏ loại người có sắc này. Nên biết luật nghi không phải là những hạng kia có được. Lại do lý gì khiến những người ấy không có luật nghi? Do các phiền não đã dấy khởi trong một sự tương tục từ hai chỗ nương dựa (Hai giới tính) đều tăng thượng. Nơi sự xét chọn đúng đắn họ cũng không thể đạt được để trừ diệt phiền não, cũng không có tâm hổ thẹn mạnh mẽ. Nếu vậy vì sao không có bất luật nghi? Do ở trong pháp ác, tâm không định. Lại, nếu là xứ có luật nghi thiện, thì luật nghi ác đối với họ cũng có. Do hai thứ này là cùng đối lập.

Người nơi châu Bắc Câu-lô không có thọ nhận cùng định, cũng không có ý lạc hơn hẳn để tạo ác. Thế nên người ở châu ấy không có giới thiện, giới ác. Trong nẻo ác, hổ thẹn mãnh liệt không có, nên luật nghi, bất luật nghi ở những xứ ấy cũng không có. Vì cùng với hổ thẹn mạnh mẽ hợp nhau hoặc trái nhau mới có luật nghi, bất luật nghi. Lại, những người thuộc loại hoàng môn (Hoạn quan) v.v… cũng như ruộng nhiễm muối nên không thể sinh khởi giới thiện, giới ác. Thế gian hiện thấy những thửa ruộng nhiễm muối thì không thể gieo cấy lúa thóc, cả cỏ dại cũng không mọc.

Nếu như thế, vì sao trong Khế kinh nói: Có loài rồng sinh từ trứng, cứ vào ngày thứ tám của nửa tháng, lại rời cung đi đến nhân gian cầu thọ trì tám chi trai giới của Cận trụ. Đây là được hành diệu, không phải là được luật nghi. Do vậy luật nghi chỉ ở nơi nẻo người và trời là có. Tuy nhiên chỉ nơi nẻo người là có đủ ba thứ luật nghi, tức luật nghi biệt giải thoát, tĩnh lự và vô lậu. Nếu sinh nơi các trời thuộc cõi dục, cùng sinh nơi cõi sắc, đều cùng có được luật nghi tĩnh lự. Sinh nơi cõi vô sắc tất là không có. Luật nghi vô lậu cũng có nơi vô sắc. Nghĩa là nếu sinh nơi các trời thuộc cõi dục, cùng sinh trong cõi sắc. Trừ định trung gian và trời Vô tưởng, còn lại đều có được luật nghi vô lậu. Sinh trong cõi vô sắc chỉ được thành tựu, do không có sắc nên không thể hiện khởi.

Nhân biện về tánh tưởng của các nghiệp chẳng đồng, nên giải thích các nghiệp đã được nêu dẫn trong kinh. Trong kinh nói: Nghiệp có ba loại: Thiện, ác và vô ký. Về tướng là thế nào?

* Tụng viết:

Nghiệp an, bất an, phi

Gọi thiện, ác, vô ký.

* Luận nêu: Như thế gọi là tướng của nghiệp như thiện v.v… Tức nghiệp an ổn gọi là thiện, có thể đạt được dị thục đáng yêu thích là Niết-bàn, hai thời tạm, vĩnh viễn cứu độ các khổ. Nghiệp không an ổn gọi là bất thiện. Do nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục không yêu thích. Cùng với tánh an ổn ở trước là trái nhau. Không phải như hai nghiệp trước lập tên là vô ký, tức không thể ghi nhận là thiện, bất thiện. Lại, trong kinh nói nghiệp có ba thứ là phước, phi phước v.v… Về tướng là thế nào?

* Tụng viết:

Phước, phi phước, bất động

Nghiệp thiện dục gọi phước

Bất thiện gọi phi phước

Thiện cõi trên: Bất động

Theo xứ sở tự địa

Quả của nghiệp không động.

* Luận nêu: Nghiệp thiện của cõi dục gọi là phước, chiêu cảm quả đáng yêu thích, tạo lợi ích cho hữu tình. Các nghiệp bất thiện gọi là phi phước, chiêu cảm quả không yêu thích, gây tổn hại cho hữu tình. Nghiệp thiện của hai cõi trên gọi là bất động. Chẳng phải như Đức Thế Tôn đã nói ba định dưới đều gọi là có động? Thánh nói ở đây là có tầm có tứ v.v… gọi là động. Do ba định dưới (Tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ ba) đều có tầm có tứ cùng tai họa chưa dứt hẳn nên lập tên động. Trong Kinh Bất động, căn cứ theo khả năng chiêu cảm được dị thục bất động nên gọi là Bất động. Vì sao có định động lại chiêu cảm được dị thục không động? Tuy trong định này còn có tai họa động, nhưng quả đối nghiệp không phải như nơi cõi dục có động chuyển, nên lập tên Bất động. Nghĩa là trong cõi dục, nơi chốn của nẻo khác tạo nghiệp, do lực dụng của duyên riêng, nên nơi chốn của nẻo khác thọ nhận quả. Do hoặc có nghiệp có thể chiêu cảm các thứ của cải, ngôi vị, hình lượng, sắc lực, an lạc v.v… cả trong ngoài. Ở trong các trời thuộc cõi dục thì nghiệp ấy hợp với dị thục, do lực dụng của duyên riêng đã dẫn chuyển. Nơi nẻo người thì nghiệp này liền có dị thục. Ở cõi sắc, vô sắc thì nơi chốn tạo nghiệp của địa khác không thể chuyển khiến nơi chốn của địa thọ quả. Vì xứ nhận quả của nghiệp là ổn định nên gọi tên Bất động.

Lại, trong kinh nói nghiệp có ba loại: Là thuận lạc thọ v.v… Về tướng là thế nào?

* Tụng viết:

Thuận lạc, khổ, phi hai

Thiện đến ba: Thuận lạc

Các bất thiện: Thuận khổ

Thiện trên: Thuận phi hai

Thuyết khác: Dưới cũng có

Do trung chiêu dị thục

Lại cho ba nghiệp này

Không phải trước sau thục

Thuận thọ gồm có năm

Là tự tánh, tương ưng

Đối tượng duyên, dị thục

Hiện tiền có sai biệt.

* Luận nêu: Trong các nghiệp thiện, khởi đầu từ cõi dục đến tĩnh lự thứ ba, gọi là nghiệp thuận lạc thọ. Do các lạc thọ chỉ đến địa này. Các nghiệp bất thiện gọi là nghiệp thuận khổ thọ. Các nghiệp thiện của địa trên vượt quá ba tĩnh lự, gọi là nghiệp thuận bất khổ bất lạc thọ. Các địa trên đây đều không có khổ lạc thọ. Không phải các nghiệp này chỉ chiêu cảm “Thọ quả”. Nên biết là chúng cũng chiêu cảm “Thọ tư lương”. Thọ cùng tư lương ở đây gọi là thọ. Có Sư khác cho: Trong các địa dưới cũng có nghiệp thứ ba là thuận bất khổ bất lạc thọ. Do nghiệp của định trung gian đã chiêu cảm dị thục. Nếu khác với đây, tức nghiệp của định trung gian là không có dị thục, hoặc nên cho là không có nghiệp, do không có dị thục của khổ lạc khác. Có Sư khác nói: Nghiệp này có thể chiêu cảm dị thục là lạc căn trong địa căn bản. Có thuyết nêu: Nghiệp này không chiêu cảm “Thọ quả”. Cả hai thuyết so với Bản luận đều không hợp. Bản luận viết: Từng có nghiệp chiêu cảm dị thục do tâm thọ không phải là thân thọ chăng? Đáp: Có. Nghĩa là nghiệp thiện không tầm. Lại, như Bản luận nói: Từng có ba nghiệp không phải trước không phải sau thọ dị thục chăng? Đáp: Có. Nghĩa là sắc của nghiệp thuận lạc thọ. Tâm tâm sở pháp của nghiệp thuận khổ thọ. Tâm bất tương ưng hành của nghiệp thuận bất khổ bất lạc thọ. Cho đến nói rộng. Do đấy nên chứng biết địa dưới cũng có nghiệp thuận bất khổ bất lạc thọ. (Nghiệp thuận phi hai). Không phải lìa cõi mà có ba nghiệp này cùng thời có dị thục. Nghiệp này (Nghiệp thuận phi hai) là thiện hay là bất thiện? Là thiện nhưng lực dụng yếu kém. Nếu như thế tức cùng với chỗ đã nêu trên là trái nhau. Nghĩa là nghiệp thiện cho đến tĩnh lự thứ ba đều là nghiệp thuận lạc thọ? Được quả đáng yêu thích gọi là nghiệp thiện? Nên biết giải thích kia là căn cứ theo phần nhiều để nói. Nghiệp này cùng với thể tánh của thọ đã khác, vì sao nói là thuận lạc thọ v.v…? Nghiệp cùng với thể tánh của thọ tuy là khác, nhưng có thể làm nhân tạo lợi ích cho lạc thọ. Hoặc lại nghiệp này là đối tượng thọ nhận của lạc. Lạc kia vì sao là chủ thể thọ nhận nơi nghiệp? Do lạc là quả dị thục của nghiệp. Hoặc lại lạc kia là đối tượng thọ nhận của nghiệp. Do nghiệp này có thể thọ nhận dị thục của lạc. Như nói thuận nơi sự nhàn rỗi để tắm gội, đây cũng nên như thế. Do đó gọi là nghiệp thuận lạc thọ. Nghiệp thuận nơi hai thọ còn lại, nên biết cũng như thế. Nói chung về thuận thọ, lược có năm loại: (1) Thuận thọ của tự tánh. Nghĩa là tất cả thọ. Như Khế kinh nói: Lúc thọ nhận lạc thọ thì nhận biết rõ như thật là thọ nhận lạc thọ. Cho đến nói rộng. (2) Thuận thọ của tương ưng. Nghĩa là tất cả xúc. Như Khế kinh nói: Xúc thuận lạc thọ. Cho đến nói rộng. (3) Thuận thọ của đối tượng duyên. Nghĩa là tất cả cảnh. Như Khế kinh nói: Mắt thấy sắc rồi, chỉ thọ nhận nơi sắc, không thọ nhận sắc tham. Cho đến nói rộng. Do sắc v.v… là đối tượng duyện của thọ. (4) Thuận thọ của dị thục. Nghĩa là nghiệp chiêu cảm dị thục. Như Khế kinh nói: Nghiệp thuận hiện thọ. Cho đến nói rộng. (5) Thuận thọ của hiện tiền. Nghĩa là thọ đang hiện hành. Như Khế kinh nói: Lúc thọ nhận lạc thọ thì hai thọ kia liền diệt. Cho đến nói rộng. Không phải lạc thọ này lúc đang hiện tiền thì có thọ khác có thể thọ nhận lạc thọ ấy. Song căn cứ theo tự thể của lạc thọ hiện tiền tức gọi là thọ nơi lạc thọ. Ở đây chỉ nói về thuận thọ của dị thục. Do nghiệp có thể chiêu cảm thọ nhận dị thục. Thế nên tuy nghiệp cùng với thọ, về thể tánh có khác, nhưng được gọi là nghiệp thuận lạc thọ v.v…

Ba nghiệp như thế là có nhất định hay bất định? Tướng ấy là thế nào?

* Tụng viết:

Đây có định, bất định

Định ba như thuận hiện v.v…

Hoặc nói nghiệp có năm

Sư khác nói bốn chứng.

* Luận nêu: Trên đây đã nói về nghiệp thuận lạc thọ v.v… Nên biết ba nghiệp ấy đều có định bất định khác nhau. Không phải thọ định nên lập tên bất định. Định lại có ba: (1) Thuận hiện pháp thọ. (2) Thuận thứ sinh thọ. (3) Thuận hậu thứ thọ. (1: Thọ nhận thuận nơi đời hiện tại. 2: Thọ nhận thuận nơi đời kế tiếp. 3: Thọ nhận thuận nơi đời sau đấy).

Ba nghiệp định này cùng với nghiệp bất định trước gồm thành bốn thứ: Hoặc có thuyết muốn khiến nghiệp thọ bất định lại có hai thứ: Nghĩa là ở nơi dị thục có định, bất định. Cùng với ba thứ nghiệp định hợp thành năm thứ. Thuận hiện pháp thọ: Nghĩa là nơi đời này tạo tức nơi đời này thọ nhận dị thục. Thuận thứ sinh thọ: Nghĩa là nơi đời này tạo thì nơi đời thứ hai thọ nhận dị thục. Thuận hậu thứ thọ: Nghĩa là nơi đời này tạo, thì từ đời thứ ba trở về sau theo thứ lớp thọ nhận dị thục. Có Sư khác cho: Nghiệp thuận hiện pháp thọ, đời khác cũng nhận dị thục. Tùy theo phần vị dị thục đầu để kiến lập nghiệp gọi là thuận hiện pháp v.v… Chớ cho là nghiệp có lực mạnh lại có quả dị thục kém. Sư Tỳ-bà-sa không thừa nhận nghĩa ấy. Do hoặc có nghiệp, quả ở gần, không phải là hơn. Hoặc có trường hợp trái lại. Ví như giống hoa Quỳ ở nước ngoài, trải qua ba nửa tháng thì kết hạt. Còn lúa mạch thì phải trải qua sáu tháng mới kết hạt. Phái Thí Dụ nói: Nghiệp có bốn trường hợp: (1) Có nghiệp nơi thời gian cho quả dị thục thì nhất định nhưng dị thục thì bất định. Nghĩa là ba nghiệp như thuận hiện pháp thọ v.v…, nhưng không phải nhất định được dị thục. (2) Có nghiệp ở nơi dị thục thì nhất định, nhưng về thời gian thì bất định. Nghĩa là nghiệp bất định nhất định được dị thục. (3) Có nghiệp ở nơi hai thứ thời gian và dị thục đều nhất định. Nghĩa là các nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… nhất định được dị thục. (4) Có nghiệp ở nơi hai thứ đều bất định. Nghĩa là nghiệp bất định không nhất định được dị thục.

Như vậy nói các nghiệp kia chung thành tám thứ: Nghĩa là thuận hiện pháp thọ có định, bất định. Cho đến nghiệp bất định cũng có hai thứ. Ở đây đã nói về nghiệp có sai biệt.

* Tụng viết:

Bốn thiện hợp cùng tạo

Dẫn đồng phần chỉ ba

Các xứ tạo bốn thứ

Địa ngục, thiện trừ hiện.

Vững nơi địa lìa nhiễm

Phàm phu không tạo sinh

Thánh không tạo sinh hậu

Cùng dục, Hữu đảnh, thoái.

* Luận nêu: Ba nghiệp như thuận hiện pháp thọ v.v… chỉ là định, cùng với nghiệp bất định là bốn, nói là thiện. Ở đây chỉ làm rõ về thời gian định, bất định, giải thích tướng của bốn nghiệp như trong kinh đã nêu.

Từng có bốn nghiệp cùng thời tạo tác chăng? Có thể có. Như có người do kẻ khác sai khiến nên phạm ba tội sát sinh, trộm cắp, nói dối, rồi tự thân người ấy hành tà dục, là cùng thời hành tác bốn nghiệp.

Bao nhiêu nghiệp có thể dẫn chúng đồng phần? Có thể dẫn chúng đồng phần chỉ ba nghiệp, trừ nghiệp thuận hiện pháp thọ.

Nghiệp dẫn trước là đồng phần của thân hiện tại.

Nơi cõi nào, nẻo nào có thể tạo tác bao nhiêu nghiệp? Các cõi, các nẻo, hoặc thiện hoặc ác, tùy theo chỗ ứng hợp đều có thể tạo bốn nghiệp. Mở ra chung là như thế. Nếu căn cứ theo phần hạn chế riêng, thì ở trong địa ngục, tạo nghiệp thiện trừ thuận hiện pháp thọ, do quả không yêu thích. Các nẻo còn lại đều được tạo.

Không thoái chuyển nơi tộc họ gọi là kiên định. Tức người kia ở nơi địa đã lìa nhiễm. Nếu là dị sinh (Phàm phu) thì trừ nghiệp thuận thứ sinh thọ, ba nghiệp còn lại đều có thể tạo. Thánh giả thì cùng trừ cả hai nghiệp thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ. Hai nghiệp còn lại đều có thể tạo. Hàng dị sinh không thoái chuyển thì nơi đời tiếp theo không tái sinh ở đấy, về sau trở lại sinh nơi địa dưới. Thánh giả không thoái chuyển, tất không trở lại sinh nơi các địa dưới. Tùy theo địa đã sinh, có thể tạo nghiệp thuận hiện pháp thọ. Tạo nghiệp bất định thì nơi tất cả xứ không ngăn cản. Nhưng các Thánh giả, nếu ở nơi cõi dục cùng xứ Hữu đảnh đã được lìa nhiễm, tuy có thoái chuyển, nhưng cũng không tạo nghiệp thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ. Từ nơi địa kia thoái chuyển tức thoái mất quả. Những người thoái mất quả rồi tất không mạng chung, phần sau sẽ biện.

Trụ nơi phần vị trung hữu cũng tạo nghiệp chăng?

Cũng tạo nghiệp.

* Tụng viết:

Trong dục có thể tạo

Hai mươi hai thứ nghiệp

Đều thuộc thuận hiện thọ

Là một loại đồng phần.

* Luận nêu: Ở trong cõi dục, trụ nơi phần vị trung hữu đều có thể tạo hai mươi hai thứ nghiệp. Nghĩa là phần vị trung hữu cùng ở trong thai, ra khỏi thai trở về sau đều có năm vị. Năm vị ở trong thai là: (1) Yết-lạt-lam. (2) Át-bộ-đàm. (3) Bế-thi. (4) Kiện-nam. (5) Bát-la-xa-khư. Năm vị ở ngoài thai: (1) Hài nhi. (2) Đồng tử. (3) Thiếu niên. (4) Trung niên. (5) Lão niên. Trụ nơi phần vị trung hữu có thể tạo nghiệp định, bất định của trung hữu cho đến lão niên. Như vậy nên biết là trung hữu đã tạo mười một nghiệp định đều thuộc về thuận hiện pháp thọ. Do loại đồng phần không có sai biệt. Nghĩa là vị trung hữu này cùng với mười vị của tự loại, là một chúng đồng phần theo một nghiệp dẫn. Do đấy không nói riêng về nghiệp thuận thọ của trung hữu. Tức là các nghiệp thuận sinh v.v… đã dẫn.

Các nghiệp định thọ về tướng như thế nào?

* Tụng viết:

Do Hoặc nặng, tâm tịnh

Cùng là luôn tạo tác

Nơi ruộng công đức khởi

Hại cha mẹ, nghiệp định.

* Luận nêu: Nếu nghiệp được tạo, do phiền não nhiều nặng, hoặc tâm thuần tịnh, hoặc luôn hành tác, hoặc ở nơi ruộng công đức tăng thượng sinh khởi. Ruộng công đức: Nghĩa là Phật Pháp Tăng. Hoặc là Bổ-đặc-già-la thù thắng, tức đạt được quả thắng, định thắng. Ở nơi ruộng công đức này, tuy không có phiền não nặng nề cùng tâm thuần tịnh, cũng không phải là thường hành. Hoặc các nghiệp thiện bất thiện đã khởi. Hoặc đối với cha mẹ, tùy theo tâm khinh trọng, đã tạo sự việc tổn hại. Tất cả như thế đều thuộc về nghiệp định. Ngoài ra, không phải là nghiệp định thọ.

Nghiệp của quả hiện pháp, về tướng là thế nào?

* Tụng viết:

Do ruộng, ý thù thắng

Cùng định chiêu dị thục

Được mãi lìa địa nghiệp

Định chiêu quả hiện pháp.

* Luận nêu: Do ruộng công đức thù thắng: Từng nghe có Bísô, ở trong Tăng chúng nói họ là nữ nhân. Bí-sô ấy ngay nơi đời hiện tại liền chuyển làm người nữ. Những thứ truyền nghe như thế, về loại không phải là một. Do ý thù thắng: Từng nghe có viên hoạn quan do cứu thoát đàn bò sắp bị đem đi thiến, nên ngay nơi đời hiện tại, viên hoạn quan ấy đã chuyển thành thân nam tử. Những sự việc thuộc loại truyền nghe như vậy không phải là ít. Hoặc sinh nơi địa này, đã vĩnh viễn lìa nhiễm của địa này. Ở trong địa ấy, là các nghiệp thiện bất thiện. Đối với phần vị dị thục là định, bất định. Nghiệp này tất có thể chiêu cảm quả của hiện pháp. Hoặc có nơi phần vị khác, là nghiệp thuận định thọ, người kia tất định không có nghĩa vĩnh viễn lìa nhiễm, tức ở nơi phần vị khác thọ quả dị thục. Hoặc đối với dị thục cũng là bất định, nếu đã vĩnh viễn lìa nhiễm nên không thọ nhận dị thục.

Nơi ruộng công đức nào khởi nghiệp định tức thọ?

* Tụng viết:

Nơi Tăng Phật đứng đầu

Cùng định diệt, vô tránh

Từ kiến tu đạo xuất

Nghiệp tổn ích tức thọ.

* Luận nêu: Ở trong loại ruộng công đức như thế, là nghiệp thiện ác, nhất định tức thọ quả. Ruộng công đức: Nghĩa là Tăng chúng đứng đầu là Phât. Căn cứ theo Bổ-đặc-già-la sai biệt thì có năm: (1) Từ nơi định diệt tận xuất:. Nghĩa là trong định này được tâm tịch tĩnh. Tịch tĩnh của định ấy tương tợ như Niết-bàn. Nếu từ nơi định này, lúc mới khởi tâm, như nhập Niết-bàn, rồi trở lại xuất. (2) Từ nơi định vô tránh xuất: Nghĩa là ở trong định này có duyên nơi vô lượng hữu tình làm cảnh, ý lạc tạo lợi ích tăng thượng luôn gắn liền. Khi xuất định này, có được vô lượng công đức tối thắng đã huân tu nơi thân nối tiếp chuyển. (3) Từ nơi định từ xuất: Nghĩa là ở trong định này, có duyên nơi vô lượng hữu tình làm cảnh, ý lạc tạo an lạc tăng thượng luôn gắn liền. Lúc xuất định có được vô lượng công đức tối thắng đã huân tu nơi thân nối tiếp chuyển. (4) Từ nơi kiến đạo xuất: Nghĩa là trong đạo này đã vĩnh viễn đoạn trừ đất cả các Hoặc do kiến đạo đoạn, đạt được chuyển y thù thắng. Khi từ nơi đạo ấy xuất, thì thân thanh tịnh tiếp tục khởi. (5) Từ nơi tu đạo xuất: Tức ở trong đạo này đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả các thứ Hoặc do tu đạo đoạn, đạt được chuyển y thù thắng. Lúc từ nơi đạo này xuất, thì thân thanh tịnh nối tiếp khởi. Vì vậy nói năm loại này là Ruộng công đức. Ở đây, hoặc có là nghiệp tổn ích, thì nghiệp này tất định có thể chiêu cảm quả nơi hiện đời. Nếu lúc từ nơi định khác, quả khác xuất, do định đã tu ở trước không phải là thù thắng, các thứ Hoặc do tu đạo đoạn chưa hoàn toàn dứt hết, nên sự tương tục kia không phải là ruộng phước hơn hết. Trong quả dị thục, thọ là tối thắng. Nay nên xét chọn, nơi các nghiệp, từng có nghiệp chỉ chiêu cảm dị thục do tâm thọ không phải là thân thọ. Hoặc chỉ chiêu cảm dị thục do thân thọ không phải là tâm thọ chăng? Cũng có.

* Tụng viết:

Các nghiệp thiện không tầm

Chỉ chiêu cảm tâm thọ

Ác chỉ chiêu thân thọ

Là nghiệp chiêu thọ khác.

* Luận nêu: Nghiệp thiện không tầm: Nghĩa là các nghiệp thiện hiện có từ nơi định trung gian cho đến xứ Hữu đảnh, trong ấy có thể chiêu cảm thọ dị thục, nên biết chỉ chiêu cảm dị thục do tâm thọ, không phải là thân thọ. Thân thọ tức cùng với tầm tứ kết hợp. Các nghiệp bất thiện có thể chiêu cảm thọ, nên biết là chỉ chiêu cảm dị thục do thân thọ, không phải là tâm thọ. Do bất thiện là nhân, khổ thọ là quả. Tâm hợp với khổ thọ, quyết định gọi là ưu. Ưu không phải là dị thục, như trước đã biện.

Tâm cuồng của hữu tình là xứ nhân của thức nào?

* Tụng viết:

Tâm cuồng chỉ ý thức

Do dị thục nghiệp sinh

Cùng sợ hại, trái, ưu

Tại dục, trừ châu Bắc.

* Luận nêu: Tâm cuồng của hữu tình chỉ ở nơi ý thức. Nếu tại năm thức tất không có tâm cuồng. Vì năm thức thân không có phân biệt. Do năm nhân nên hữu tình có tâm cuồng: (1) Do dị thục (Quả báo) của nghiệp thuộc hữu tình khởi. Nghĩa là do hữu tình kia đã dùng thuốc men, chú thuật khiến kẻ khác tâm cuồng. Hoặc lại thúc ép người khác uống các thứ rượu thuốc độc mà họ vốn không muốn. Hoặc tạo những hình thù đáng sợ khiến cho cầm thú kinh hãi. Hoặc phóng lửa dữ đốt cháy núi rừng. Hoặc đào hầm hố giăng đặt lưới bẫy bắt giết các loài. Hoặc hành tác những sự việc khác khiến nhiều người mất trí nhớ v.v… Do những nghiệp ấy là nhân nên nơi đời vị lai đã chiêu cảm dị thục riêng cí thể khiến tâm cuồng loạn. (2) Do kinh sợ. Nghĩa là các loài phi nhân v.v… hiện hình đáng sợ, đi đến để bức bách. Hữu tình kia trông thấy liền kinh sợ dẫn đến tâm cuồng loạn. (3) Do bị tổn thương. Nghĩa là do những sự việc làm gây não loạn hàng phi nhân khiến họ giận dữ, hữu tình kia bị họ đánh đập nặng nơi các chi phần dẫn đến tâm cuồng loạn. (4) Do chống trái nhau. Tức do các thứ khí đàm phong nhiệt bên trong thân cùng chống trái nhau, các đại chủng không còn thuận hợp nên khiến tâm cuồng loạn. (5) Do ưu sầu. Nghĩa là do những sự việc như người thân bỏ mạng, tài sản thất tán, sầu muộn vây buộc tâm khiến phát cuồng loạn. Như trường hợp của Bà Tư v.v… Nếu ở nơi ý thức mới có tâm cuồng, lại cho tâm cuồng là do quả báo của nghiệp khởi. Vậy vì sao tâm thọ không phải là dị thục? Ở đây không nói tâm cuồng là nghiệp có dị thục. Chỉ nói là dị thục (Quả báo) của nghiệp đã sinh khởi. Nghĩa là nghiệp ác là nhân, chiêu cảm dị thục là đại chủng không bình đẳng v.v… Dựa nơi đại chủng ấy, tâm liền mất niệm, nên nói là cuồng. Tâm cuồng như thế đối nơi tâm loạn nên tạo ra bốn trường hợp. Nghĩa là có tâm cuồng nhưng không phải là tâm loạn. Cho đến nói rộng. Cuồng không phải là loạn: Nghĩa là những người cuồng nhưng tâm không nhiễm ô. Loạn không phải là cuồng: Nghĩa là người không cuồng nhưng các tâm nhiễm ô. Cuồng cũng là loạn: Nghĩa là các kẻ cuồng các tâm đều nhiễm ô. Không phải cuồng không phải loạn: Nghĩa là những người không cuồng, tâm cũng không nhiễm ô. Trừ người nơi châu Bắc Câu-lô. Phần cõi dục còn lại, các loại hữu tình ở đấy đều có tâm cuồng. Nghĩa là chư thiên nơi cõi dục hãy còn có người cuồng, huống chi là nẻo người. Các nẻo ác lại có thể lìa được tâm cuồng, địa ngục là luôn cuồng, do bị nhiều khổ bức bách. Nghĩa là hữu tình nơi các địa ngục luôn bị vô số các vật dụng tạo khổ khác loại tra tấn, hành hạ dữ dội, khó chịu đựng nổi. Khổ thọ bức bách hãy còn không tự nhận biết, huống chi là nhận biết về phải trái. Thế nên trong địa ngục tâm oán kêu than, điên cuồng chạy khắp gào thét, có văn truyền đời. Trong Thánh nơi cõi dục, chỉ trừ Đức Phật, ngoài ra do đại chủng chống trái nên đều có thể có tâm cuồng, nhưng không là dị thục sinh. Nếu có nghiệp định, tất nên trước thọ, sau mới đắc Thánh quả. Nếu không phải là nghiệp định, thì do đắc Thánh quả, có thể khiến cho nghiệp kia không có quả. Cũng không kinh sợ vì đã vượt qua năm thứ sợ hãi. Cũng không bị tổn hại, do các Thánh giả không tạo các sự việc khiến hàng phi nhân giận ghét. Cũng không có ưu sầu, do đã chứng đắc pháp tánh.

Lại, trong kinh nói nghiệp có ba thứ: Là khúc (Cong vạy), uế (Cấu uế), trược (Ô trược). Tướng của chúng là thế nào?

* Tụng viết:

Nói nghiệp cong uế trược

Dựa siểm sân tham sinh.

* Luận nêu: Ba nghiệp thân, ngữ, ý đều có ba thứ. Nghĩa là cong vạy, cấu uế, ô trược. Như thứ lớp ấy, nên biết là dựa nơi siểm (Dua nịnh), sân (Giận dữ), tham (Tham lam) sinh ra. Nghĩa là dựa nơi siểm sinh ra nghiệp thân ngữ ý gọi là khúc nghiệp (Nghiệp cong vạy), là loại dua nịnh, cong vạy. Nếu dựa nơi sân sinh ra nghiệp thân ngữ ý gọi là uế nghiệp (Nghiệp cấu uế), là loại sân uế. Nếu dựa nơi tham sinh ra nghiệp thân ngữ ý gọi là trược nghiệp (Nghiệp ô trược), là loại tham trược.

HẾT – QUYỂN 15