LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 11
Phẩm thứ 3: PHÂN BIỆT THẾ GIỚI, phần 4
Như vậy là đã thuyết minh về hữu tình thế gian. Về khí thế gian nay sẽ nói.
* Tụng viết:
An lập khí thế gian
Phong luân ở thấp nhất
Lượng ấy rộng vô số
Dày mười sáu lạc-xoa.
Kế trên Thủy luân sâu
Mười một ức hai vạn
Nước dưới tám lạc-xoa
Còn ngưng kết thành kim.
Thủy luân, Kim luân rộng
Ngang mười hai lạc-xoa
Ba ngàn buốn trăm rưỡi
Chu vi gấp ba lần.
* Luận nêu: Thừa nhận Tam thiên đại thiên thế giới này đã được an lập như thế, về hình lượng là chẳng đồng. Nghĩa là do lực tăng thượng của nghiệp nơi các hữu tình, trước tiên ở nơi thấp nhất, nương dựạ vào hư không, có Phong luân sinh, rộng là vô số, dày là mười sáu ức du-thiện-na. Phong luân như vậy, về Thể là rắn chắc. Giả như có một Đại Nặc-kiện-na dùng vòng kim cương từ trên cao dốc sức đập xuống, thì kim cương bị vỡ tan còn Phong luân không bị tổn hại. Lại, do lực tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình, nên khởi mây lớn tuôn mưa trên bề mặt của Phong luân, hạt mưa như trục xe tích tụ nước thành Thủy luân. Thủy luân như vậy, nơi phần vị chưa ngưng kết, sâu mười một ức hai vạn du-thiện-na. Vì sao Thủy luân chảy tràn ra ngoài?
Có Sư khác nói: Do nghiệp lực của tất cả hữu tình đã năng giữ khiến lượng nước không tràn ra ngoài. Như các thức ăn uống đã vào bụng nhưng chưa tiêu hóa, thì hoàn toàn không chuyển xuống thục tạng. Có Bộ khác cho: Do gió đã giữ lại khiến nước không chảy tràn ra ngoài. Như cái bồ lớn đựng đầy lúa thóc đã giữ lấy các hạt lúa. Theo nghiệp lực của hữu tình đã chiêu cảm riêng một thứ gió khởi lên, va đập mạnh vào bên trên mặt nước, kết tụ thành kim loại. Như sữa đun nóng thì lớp sữa ở trên ngưng kết thành kem. Thế nên Thủy luân giảm chỉ còn dày tám lạc-xoa. Phần Thủy luân còn lại chuyển thành Kim luân dày ba ức hai vạn du-thiện-na. Thủy luân và Kim luân về bề rộng là như nhau. Tức đường kính là mười hai ức ba ngàn bốn trăm năm mươi du-thiện-na. Chu vi rộng gấp ba số lượng này, là ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi du-thiện-na.
* Tụng viết:
Tô-mê-lô ở giữa
Tiếp Du-kiện-đạt-la
Núi Y-sa-đà-la
Núi Khiết-địa-lạc-ca.
Tô-đạt-lê-xá-na
Át-tháp-phược-yết-noa
Núi Tỳ-na-đát-ca
Núi Ni-dân-đạt-la.
Ở bên ngoài châu lớn
Có núi Thiết-luân-vi
Bảy trước vàng tạo thành
Tô-mê-lô bốn báu.
Vào nước đều tám vạn
Diệu Cao nhô cũng thế
Tám kia nửa nửa thấp
Rộng đều cùng lượng cao.
* Luận nêu: Ở trên Kim luân có chín ngọn núi lớn, Diệu Cao sơn vương (Núi chúa Diệu Cao) đứng ở giữa, tám ngọn còn lại cùng vây vòng quanh núi Diệu Cao. Ở trong tám ngọn núi này, bảy ngọn trước gọi là bên trong. Bên ngoài ngọn núi thứ bảy (Ni-dân-đạt-la) có đại châu v.v… Ngoài ra lại có núi Thiết-luân-vi, vòng khắp một thế giới như vòng bánh xe (Luân Vi). Bảy ngọn núi như Trì Song (Dukiện-đạt-la) v.v… chỉ do vàng tạo thành. Núi chúa Diệu Cao, Thể là bốn báu. Nghĩa là như thứ lớp bốn mặt Bắc Đông Nam Tây là các báu vàng, bạc, phệ-lưu-ly (Lưu ly), phả-chi-ca (Pha lê). Tùy theo uy đức của báu, sắc hiển bày nơi không trung. Nên trên không của châu Thiệm-bộ có màu sắc tợ như phệ-lưu-ly. Các báu như thế từ nơi gì sinh khởi? Cũng là do lực tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình. Lại có mây lớn phát khởi, mưa xuống trên bề mặt Kim luân, hạt mưa như trục xe, nước tuôn xuống được tích tụ, nước ấy tức là kho tàng chứa chủng tử của các báu. Do gồm đủ nhiều thứ uy đức, nên gió mạnh xoáy đập vào nước biến đổi sinh các loại báu. Lúc nước biến dạng như thế sinh các báu, là nhân diệt quả sinh, Thể không cùng có, không phải như Số Luận cho chuyển biến tạo thành. Thế nào là nghĩa chuyển biến theo như Số Luận đã chấp? Nghĩa là chấp có pháp tự tánh là thường còn, tự đấy có pháp khác sinh khởi có pháp khác diệt mất. Chuyển biến như vậy sao gọi là cùng trái với lý? Tức tất không thể thừa nhận có pháp thường trụ từ đấy lại có thể cho là riêng có pháp diệt pháp sinh. Số Luận không nói là ngoài pháp còn riêng có hữu pháp. Chỉ tức là pháp ấy vào lúc chuyển biến là chỗ dựa của một tướng khác gọi là hữu pháp. Điều này cũng phi lý. Vì sao là phi lý? Vì tức là vật này nhưng không như vật ấy. Ngôn nghĩa như vậy là chưa từng được nghe.
Biến dạng sinh các báu như vàng v.v… như thế rồi, lại do nghiệp lực nên dẫn khởi một thứ gió riêng phân biệt các báu, thâu tóm khiến tụ tập thành núi, thành châu. Phân chia nước ngọt, mặn khiến thành lập riêng Biển trong Biển ngoài. Như vậy chín núi trụ trên Kim luân, phần chìm sâu trong nước đều như nhau là tám vạn du-thiện-na. Núi Tô-mê-lô nhô cao ra khỏi nước cũng là tám vạn du-thiện-na. Tám núi còn lại, phần nhô cao khỏi mặt nước cứ giảm dần một nửa. Tức như ngọn thứ nhất là Trì Song (Du-kiện-đạt-la) nhô cao khỏi mặt nước là bốn vạn du-thiện-na. Cho đến núi Thiết-luân-vi sau cùng phần nhô cao ấy là ba trăm mười hai rưỡi du-thiện-na. Bề rộng của chín núi này mỗi mỗi đều bằng với phần nhô cao ra khỏi nước kia.
* Tụng viết:
Giữa núi có tám biển
Bảy trước gọi là trong
Biển đầu rộng tám vạn
Bốn bên đều gấp ba.
Sáu kia nửa nửa hẹp
Thứ tám gọi là ngoài
Ba lạc-xoa hai vạn
Hai ngàn du-thiện-na.
* Luận nêu: Núi Diệu Cao là thứ nhất. Núi Thiết-luân-vi là sau cùng. Khoảng giữa có tám biển. Bảy biển trước gọi là Biển trong. Nước trong bảy biển này đều có đủ tám công đức: Ngọt, mát, nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng, trong sạch, không có mùi hôi. Lúc uống vào thì không rát cổ. Uống xong không đau bụng. Bảy biển như thế, biển thứ nhất rộng tám vạn du-thiện-na, dựa vào nội biên của núi Trì Song. Về lượng chu vi nơi bốn mặt, số lượng đều gấp ba, nghĩa là đều thành hai ức bốn vạn du-thiện-na. Sáu biển còn lại, về lượng cứ hẹp dần một nửa. Tức như Biển thứ hai rộng bốn vạn, cho đến Biển thứ bảy rộng một ngàn hai trăm năm mươi du-thiện-na. Ở đây không nói về lượng chu vi của chúng, vì quá phiền phức. Biển thứ tám gọi là bên ngoài, nước toàn là mặn, rộng ba ức hai vạn hai ngàn du-thiện-na.
* Tụng viết:
Trong ấy: Tướng châu lớn
Nam Thiệm-bộ như xe
Ba biên đều hai ngàn
Biên Nam có hai rưỡi
Đông: Châu Tỳ-đề-ha
Tướng như hình bán nguyệt
Ba biên như Thiệm-bộ
Biên Đông ba trăm rưỡi.
Tây: Châu Cù-đà-ni
Hình tướng tròn không khuyết
* Dài hai ngàn năm trăm
* Chu vi thì gấp ba.
Bắc: Câu-lô dạng vuông
Mặt đều là hai ngàn
* Châu vừa lại có tám
Bên bốn châu đều hai.
* Luận nêu: Ở trong phần Biển bên ngoài (Biển nước mặn) có bốn đại châu. Nghĩa là đối nơi bốn mặt của núi Diệu Cao. Phía Nam là châu Thiệm-bộ, phần Bắc rộng phần Nam hẹp, ba biên lượng như nhau, hình tướng như chiếc xe. Biên Nam chỉ rộng ba du-thiện-na rưỡi. Ba biên còn lại đều rộng hai ngàn du-thiện-na. Chỉ trong châu này có tòa Kim cương, trên là tận cùng nơi biên vực của đất, dưới thì dựa vào kim luân. Tất cả Bồ-tát sắp thành tựu Chánh giác đều an tọa trên tòa này, khởi định kim cang dụ. Do không có chỗ dựa cùng nơi chốn nào khác hiện có lực kiên cố để có thể nâng giữ được tòa Kim cương này.
Phía Đông là châu Thắng Thân, phần Đông hẹp phần Tây rộng, ba biên lượng như nhau, hình tướng như bán nguyệt. Phần phía Đông rộng ba trăm năm mươi du-thiện-na. Ba biên đều rộng hai ngàn duthiện-na.
Phía Tây là châu Ngưu Hóa, hình dạng tròn như mặt trăng tròn. Đường kính dài hai ngàn năm trăm du-thiện-na, chu vi là bảy ngàn rưỡi du-thiện-na.
Phía Bắc là châu Câu-lô, hình dạng như tòa ngồi vuông, bốn biên lượng là như nhau (Đẳng), mỗi mặt đều rộng hai ngàn duthiện-na.
Nói Đẳng: Là làm rõ không có tăng giảm ít nhiều. Tùy theo hình tướng của châu, mặt người cư ngụ nơi châu ấy cũng như thế. Lại có tám châu vừa, là quyết thuộc của đại châu. Nghĩa là bên cạnh bốn đại châu đều có hai châu vừa. Hai châu vừa bên cạnh châu Thiệm-bộ là: (1) Châu Già-mạt-la. (2) Châu Phiệt-la-già-mạt-la. Hai châu vừa bên cạnh châu Thắng Thân là: (1) Châu Đề-ha. (2) Châu Tỳ-đề-ha. Hai châu vừa bên cạnh châu Ngưu Hóa là: (1) Châu Xá-di. (2) Châu Ốt-đát-la-mạn-đát-lý-noa. Hai châu vừa bên cạnh châu Câu-lô là: (1) Châu Củ-lạp-bà. (2) Châu Kiêu-lạp-bà.
Tất cả châu này đều là nơi chốn cư ngụ của loài người. Có thuyết cho: Một trong số các châu này là nơi ở của loài La-sát-sa.
* Tụng viết:
Bắc đây chín Hắc Sơn
Trong núi Tuyết, Hương Túy
Ao Vô Nhiệt rộng lớn
Năm mươi du-thiện-na.
* Luận nêu: Nơi châu Thiệm-bộ này, từ giữa hướng về Bắc, ba xứ đều có ba lớp Hắc Sơn, có núi Đại Tuyết ở phía Bắc Hắc Sơn. Phía Bắc núi Đại Tuyết có núi Hương Túy. Bắc Tuyết, Nam Hương có ao nước lớn gọi là Vô Nhiệt Não, là nơi xuất phát bốn sông lớn: (1) Sông Căng Già. (2) Sông Tín Độ. (3) Sông Đồ Đa. (4) Sông Phược Sô. Ao Vô Nhiệt Não rộng sâu là như nhau. Mỗi bề đều là năm mươi du-thiện-na. Nước nơi ao đều có đủ tám thứ công đức. Người không chứng đắc thần thông thì không thể đến ao này. Bên cạnh ao có rừng Thiệm-bộ. Cây nơi rừng này cao lớn, quả rất ngon ngọt. Dựa theo tên rừng này nên gọi là châu Thiệm-bộ. Hoặc dựa nơi quả của cây ấy để đặt tên châu.
Lại, ở nơi xứ nào thiết lập Nại-lạc-ca (Địa ngục), Đại Nại-lạcca, số lượng là bao nhiêu?
* Tụng viết:
Dưới đấy quá hai vạn
Vô gián sâu rộng đồng
Trên bảy Nại-lạc-ca
Tám tăng đều mười sáu.
Là Tro nóng, Thây phẩn
Dao nhọn, Sông sôi tăng
Đều trụ bốn phương kia
Tám khác: Địa nguc lạnh.
* Luận nêu: Bên dưới châu Thiệm-bộ này, hơn hai vạn duthiện-na có Đại Nại-lạc-ca A-tỳ-chỉ, sâu rộng đồng với trước. Nghĩa là đều hai vạn. Đáy của địa ngục lớn kia cách đây một vạn du-thiệnna. Do ở trong địa ngục ấy thọ khổ không gián đoạn, không phải như bảy Đại Nại-lạc-ca còn lại thọ khổ không liên tục, nên gọi đấy là Vô gián. Lại như trong địa ngục Đẳng Hoạt, thân của các hữu tình tuy bị vô số thứ đâm chém, giã, mài, nhưng vừa gặp ngọn gió mát thổi tới thì các hữu tình kia trở lại sống như cũ. Do lý này nên đặt tên là Đẳng Hoạt. Trong đại địa ngục A-tỳ-chỉ không có sự việc như vậy. Có Sư khác nói: Nơi đại địa ngục A-tỳ-chỉ không hề có lạc thọ làm gián đoạn khổ, nên gọi là Vô gián. Trong các địa ngục khác, có lạc thọ gián cách khởi, tuy không là dị thục nhưng có lạc thọ đẳng lưu. Bảy Nại-lạc-ca kia ở bên trên đại địa ngục Vô gián chồng lên nhau mà trụ. Đó là: (1) Cực Nhiệt. (2) Viêm Nhiệt. (3) Đại Khiếu. (4) Hào Khiếu. (5) Chúng Hợp. (6) Hắc Thằng. (7) Đẳng Hoạt. Có thuyết cho: Bảy địa ngục này ở ngang bên địa ngục Vô gián. Tám Nại-lạc-ca về nơi chốn gia tăng đều có mười sáu. Nên Đức Bạc-già-phạm nói tụng này:
Tám Nại-lạc-ca này
Ta nói rất khó vượt
Do sắt nóng làm đất
Vây quanh có tướng sắt.
Bốn mặt có bốn cổng
Đóng kín do của sắt
Khéo sắp đặt phân lượng
Đều có mười sáu tăng.
Nhiều trăm du-thiện-na
Đầy hữu tình tạo ác
Ngọn lửa nối khắp vòng
Lửa dữ luôn cháy suốt.
Mười sáu nơi chốn gia tăng: Tức bên ngoài bốn cổng nơi bốn mặt của tám địa ngục ấy đều có bốn nơi chốn: (1) Nơi chốn gia tăng của Tro nóng: Nghĩa là bên trong nơi chốn gia tăng này có tro nóng ngập đến đầu gối. Các hữu tình đi vào đấy khi vừa thả chân xuống thì da thịt máu mủ đều bị cháy tan. Đưa chân lên ra khỏi thì bình phục trở lại như cũ.
1. Nơi chốn gia tăng của Phân bùn: Tức bên trong nơi chốn gia tăng này có đầy bùn phân thây chết, ở đấy có nhiều loài trùng Nương-củ-trá, mỏ nhọn bén như cây kim, thân trắng đầu đen. Các hữu tình đưa vào nơi này đều bị loài trùng ấy đâm vào thân khoét da phá vỡ xương để hút lấy tùy.
2. Nơi chốn gia tăng của Dao nhọn: Nghĩa là bên trong chốn này lại có ba thứ: (a) Đường đi cắm đầy dao nhọn. Tức ở đây các lưỡi dao bén nhọn đều được cắm hướng lên trên làm thành đường đi lớn. Các hữu tình bị đưa qua đây, lúc vưa đặt chân vào thì da thịt xương gân liền bị đâm chém tan nát. Đưa chân ra khỏi thì bình phục như cũ. (b) Khu rừng lá kiếm. Nghĩa là nơi khu rừng này thuần dùng vô số kiếm bén nhọn làm lá. Các hữu tình bị dẫn qua đây tức thì có gió thổi mạnh, lá kiếm rơi xuống chém đâm khiến thân thể tan nát rơi rớt từng mảnh. Lại có loại chó Ô-bác tranh nhau nhai nuốt số thịt xương vung vãi kia. (c) Khu rừng gai nhọn bằng sắt. Tức trên khu rừng này có vô số gai sắt bén nhọn dài đến mười sáu ngón tay. Các hữu tình bị dẫn tới đây, lúc bị bức bách leo lên cây thì gai sắt nhọn kia lại quay mũi nhọn xuống. Khi họ từ trên rơi xuống dưới thì gai nhọn lại quay mũi nhọn lên. Thân hình hữu tình đều bị đâm xiên tả tơi. Lại có loài chim mỏ sắt tranh nhau tìm mổ ăn các thứ mắt tim gan v.v… của đám tội nhân ấy. Ba thứ như đường đi cắm đầy dao nhọn v.v… tuy khác nhau, nhưng hình phạt bằng sắt là giống nhau, nên cùng thuộc về một nơi chốn gia tăng.
3. Nơi chốn gia tăng của Sông nước sôi: Tức nơi chốn gia tăng này về lượng là rộng dài, trong ấy đầy ắp nước mặn sôi trào. Các hữu tình bị xô xuống đấy, hoặc nổi hoặc chìm, hoặc lội ngược hoặc trôi xuôi, hoặc lội ngang hoặc xoay vòng, thảy đều bị nước sôi luộc chín, nấu chín, thịt xương nát nhừ. Như trong một cái chảo lớn đựng đầy nước tro, đem những hạt mè hạt lúa bỏ vào đấy, lửa dữ đun sôi, đám hạt mè hạt lúa kia nổi lên chìm xuống, xoay chuyển vạn lần, nhưng toàn bộ là chín nhuyễn. Vô số hữu tình kia cũng như thế. Nếu như muốn chạy trốn, thì trên hai bên bờ sông có các ngục tốt tay cầm chặt đao thương ngăn chận, xô đẩy khiến quay trở lại, tức không do đâu để có thể ra khỏi. Sông này như là hào sâu. Ba nơi chốn trước giống như khu vườn. Bốn mặt đều có bốn nơi chốn gia tăng, nên nói đều có mười sáu. Đây là nơi chốn các tội nhân bị trừng trị tăng thượng, nên gọi là Nơi chốn gia tăng. Tức trong các địa ngục gốc, tội nhân đã bị trừng phạt thích đáng rồi, lại phải bị trừng trị nữa. Có thuyết cho: Tội nhân đã chịu đủ các thứ khổ bức trong địa ngục rồi thì bị dẫn tới những nơi chốn ấy để chịu khổ thêm nữa, nên gọi là Gia tăng. Ở đây, nhân luận sinh luận: Những ngục tốt đã nói ở trên, chúng là những hữu tình chăng? Có thuyết nói: Chúng không phải là hữu tình. Như vậy vì sao chúng cử động hành tác như hữu tình? Là do nghiệp lực của hữu tình, như gió khởi lên vào thời kiếp thành. Nếu như thế thì làm sao thông hợp với Bài Tụng của Đại đức Pháp Thiện Hiện đã nêu?
Tâm thường mang giận độc
Ưa hành tập nghiệp ác
Thấy người khổ, vui thích
Chết làm quân Diễm Ma.
Diễm Ma vương sai khiến các La-sát-sa xô ném các hữu tình vào địa ngục, gọi là quân binh của Diễm Ma, là hữu tình thật. Không phải là những ngục tốt canh giữ cùng tra tấn các tội nhân trong địa ngục. Thế nên ngục tốt không phải là hữu tình thật.
Có thuyết cho: Chúng là hữu tình. Như thế thì nghiệp ác ấy do nơi xứ nào thọ nhận dị thục? Tức ở ngay trong địa ngục. Do trong địa ngục hãy còn có thể chiêu cảm dị thục của các tội vô gián.
Lý nào ngăn chận điều ấy? Như vậy, vì sao các ngục tốt kia không bị lửa thiêu đốt? Đây nhất định là do nghiệp lực đã ngăn cản, hoặc do chúng dã chiêu cảm các thứ đại chủng khác không bị lửa đốt cháy.
Các địa ngục nóng đã nói có tám. Lại có tám địa ngục lạnh khác. Đó là: (1) Át-bộ-đà. (2) Ni-thích-bộ-đà. (3) Át-tích-trá. (4) Hoắc-hoắc-bà. (5) Hổ-hổ-bà. (6) Ốt-bát-la. (7) Bát-đặc-ma. (8) Maha Bát-đặc-ma. Hữu tình là tội nhân ở đây bị các thứ cực lạnh bức bách, tùy theo âm thanh của thân biến đổi để dặt tên cho địa ngục ấy. Tám địa ngục lạnh này cùng cư trú bên dưới châu Thiệm-bộ như trước đã nói và nằm bên cạnh các đại địa ngục.
Ở đây, châu Thiệm-bộ, về lượng là không nhỏ, nhưng chỉ phần bên dưới nơi châu này, sao có thể dung nạp số lượng địa ngục nhiều lớn như địa ngục Vô gián v.v…? Do các đại châu hình như đống lúa lớn, phần trên thì hẹp, càng về dưới thì càng rộng. Vì thế biển lớn dần hẹp dần sâu, như trên đã luận.
Mười sáu địa ngục ấy đều do nghiệp tăng thượng của tất cả hữu tình đã chiêu cảm. Ngoài ra còn có các địa ngục Cô (Riêng lẻ) đều do biệt nghiệp chiêu cảm, là nơi chốn dừng trụ của một hoặc hai hoặc nhiều hữu tình. Có nhiều loại sai biệt, xứ sở không nhất định. Hoặc ở gần nơi sông suối, bên cạnh núi rừng, đồng rộng hoang vắng. Hoặc ở bên dưới đại địa, nơi hư không cùng xứ khác. Thế giới của các địa ngục được an lập bố trí như vậy. Xứ gốc là ở bên dưới. Chi phái thì bất định.
Trụ xứ của bàng sinh là ở dưới nước, nơi đất liền và trên không. Xứ gốc là nơi biển lớn. Về sau thì dời chuyển dến xứ khác.
Xứ gốc của các quỷ là cõi nước của Diễm Ma vương. Nơi bên dưới châu Thiệm-bộ, hơn năm trăm du-thiện-na có cõi nước của Diễm Ma vương, dài rộng cũng năm trăm du-thiện-na. Từ dấy lần lượt bị phân tán cư trú nơi các xứ khác. Hoặc có loài đoan nghiêm, gồm đủ uy đức lớn, thọ nhận các thứ phước lạc tự lạc như chư thiên. Hoặc có loài đói khát, ốm yếu, dạng mạo sấu xí. Các loại quỷ như thế, nơi các kinh đã nói rộng.
Mặt trời, mặt trăng (Nhật nguyệt), về nơi chốn cư trú cùng hình lượng như thế nào?
* Tụng viết:
Nhật nguyệt nửa Mê-lô
Năm mươi mốt, năm mươi
Nửa đêm mặt trời lặn
Nhật xuất nơi bốn châu.
Mùa mưa, tháng thứ hai
Chín sao, đêm tăng dần
Lạnh thứ tư cũng thế
Đêm giảm, ngày ngược lại.
Ngày đêm tăng: lạp-phược
Lúc đi đường Nam Bắc
Gần nhật, bóng tự che
Nên thấy mặt trăng khuyết.
* Luận nêu: Nhật nguyệt và các vì sao dựa vào gì để trụ? Dựa vào gió để trụ. Nghĩa là do nghiệp lực tăng thượng của các hữu tình cùng dẫn khiến gió hưng khởi, xoay quanh phần trên không của núi Diệu Cao (Tô-mê-lô), tạo thành một vòng xoáy vận hành để nâng giữ mặt trời v.v… khiến an trụ không rơi rớt.
Nơi chốn cư trụ của mặt trời, mặt trăng cách bao nhiêu duthiện-na? Bằng chiều cao của đỉnh núi Trì Song, tức một nửa núi Diệu Cao. Hình lượng của nhật nguyệt là bao nhiêu du-thiện-na? Mặt trời là năm mươi mốt du-thiện-na. Mặt trăng là năm mươi. Ngôi sao nhỏ nhất chỉ là một câu-lô-xá. Lớn nhất là bằng mười sáu du-thiện-na. Mặt dưới của vầng mặt trời do báu phả-chi-ca và hỏa châu (Ngọc lửa) tạo thành, có thể phát ra sức nóng cùng chiếu sáng. Mặt dưới của vầng mặt trăng do báu phả-chi-ca cùng thủy châu (Ngọc nước) tạo thành, có thể phát ra sức lạnh mát cùng chiếu sáng. Tùy theo lực tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình đã sinh khởi, nên mặt trời mặt trăng có thể đối với những vật như mắt, thân người, cây cối, hoa quả, mùa màng, cỏ thuốc v.v… như chỗ thích hợp, làm tăng trưởng hoặc gây tổn hại. Chỉ một mặt trời mặt trăng hiện khắp nơi bốn đại châu tạo các sự việc thuận hợp, không thuận hợp. Sự việc tạo tác của một mặt trời nơi bốn châu là đồng thời chăng? Là không đồng thời. Như ở châu Bắc vào nửa đêm thì nơi châu Đông là mặt trời lặn, châu Nam là mặt trời giữa trưa, châu Tây là mặt trời vừa mọc. Bốn thời ấy là như thế, ngoài ra là đối chiếu theo đấy, nên nhận biết. Đường vận hành của mặt trời nơi châu này có sai biệt, nên khiến ngày đêm có giảm có tăng. Từ ngày thứ chín nơi nửa sau của tháng thứ hai mùa mưa, thì đêm dần tăng. Từ ngày thứ chín nơi nửa sau của tháng tư mùa lạnh, thì đêm dần giảm. Phần vị tăng giảm của ngày so với đây là trái nhau. Thời gian đêm dần tăng thì ngày dần giảm. Đêm nếu dần giảm thì ngày dần tăng. Lúc ngày đêm tăng thì một ngày đêm tăng bao nhiêu? Là tăng một lạpphược. Ngày đêm giảm cũng như thế. Mặt trời vận hành nơi châu này theo hướng về Nam, hướng về Bắc, như thứ lớp ấy, thì đêm tăng ngày tăng.
Vì sao mặt trăng nơi phần vị cuối của nửa tháng tối và đầu của nửa tháng sáng trong thấy có khuyết?
Trong Luận Thi Thuyết đã giải thích như thế này: Do cung điện của mặt trăng vận hành gần mặt trời, thì mặt trăng bị ánh sáng của vầng mặt trời đã xâm nhập chiếu sáng nơi mặt trăng. Bên còn lại thì phát khởi bóng tự che phủ vầng mặt trăng, khiến vào thời gian ấy thấy mặt trăng không tròn đủ. Các Sư thời trước thì cho: Do lượt vận hành của mặt trời mặt trăng không đồng, nên mặt trăng hiện có khi tròn khi khuyết.
Hữu tình cư ngụ nơi cung điện của mặt trời, mặt trăng là loại hữu tình nào? Là thiên chúng thuộc hạ của trời Tứ Đại Thiên vương. Các thiên chúng ấy chỉ trụ ở đó chăng? Nếu là chư thiên không cư thì chỉ trụ nơi cung điện của mặt trời v.v… như thế. Nếu là chư thiên địa cư thì trụ nơi các tầng cấp v.v… của núi Diệu Cao.
Vậy có bao nhiêu tầng cấp nơi núi Diệu Cao do chư thiên cư trú? Hình lượng của các tầng cấp như thế nào? Những thiên chúng nào trụ nơi tầng cấp nào?
* Tụng viết:
Diệu Cao có bốn tầng
Cách nhau đều mười ngàn
Bên nhô mười sáu ngàn
Lượng tám, bốn, hai ngàn.
Kiên Thủ cùng Trì Man
Hằng Kiêu, Đại Vương Chúng
Như thế ở bốn cấp
Cũng trụ bảy núi khác.
* Luận nêu: Núi Tô-mê-lô (Diệu Cao) có bốn tầng cấp. Đầu tiên từ tận cùng phần giáp với mặt nước là tầng thứ nhất. Mỗi tầng cách nhau mười ngàn du-thiện-na. Như thế cho đến từ tận cùng tầng thứ ba là tầng thứ tư cũng cách nhau mười ngàn du-thiện-na. Bốn tầng cấp này từ mặt bên núi Diệu Cao nhô ra vây quanh đến hết nửa dưới của núi ấy. Tầng cấp thứ nhất nhô ra mười sáu ngàn du-thiện-na. Các tầng cấp thứ hai, thứ ba, thứ tư, như thứ lớp đó, đã nhô ra sáu, bốn, hai ngàn du-thiện-na. Có thần Dược-xoa tên là Kiên Thủ trụ nơi tầng cấp thứ nhất. Có Thiên vương tên là Trì Man trụ nơi tầng cấp thứ hai. Trụ nơi tầng cấp thứ ba là Thiên vương Hằng Kiêu. Thiên chúng nơi ba tầng này đều là thuộc hạ của Tứ Đại Thiên Vương. Tầng cấp thứ tư là trụ xứ của Tứ Đại Thiên Vương cùng các quyến thuộc. Kinh đã dựa theo đấy để nói về trời Tứ Đại Vương Chúng. Ngoài bốn tầng cấp của núi Diệu Cao là trụ xứ của Tứ Đại Vương Chúng cùng các quyến thuộc, nơi bảy ngọn kim sơn như các núi Trì Song, Trì Trục v.v… cũng có thiên chúng cư trú. Đây là những trụ xứ thuộc hạ dưới quyền cai quản của Tứ Đại Vương. Đó gọi là trời Tứ Đại Vương Chúng dựa nơi đại địa an trụ. Trong các trời thuộc cõi dục thì trụ xứ của trời này là rộng nhất.
Trời Ba Mươi Ba (Trời Đao Lợi) tại trụ xứ nào?
* Tụng viết:
Đỉnh Diệu Cao tám vạn
Trời Ba Mươi Ba ngụ
Bốn góc có bốn ngọn
Do Kim Cang Thủ trụ.
Cung giữa gọi Thiện Kiến
Vòng vạn du-thiện-na
Cao một rưỡi, thành vàng
Nhiều màu sắc, đất nhuyễn.
Không có điện Thù Thắng
Vòng: Ngàn du-thiện-na
Ngoài, bốn vườn trang nghiêm
Chúng xa, Thô, Tạp, Hỷ
Ao đẹp ở bốn phía
Cách nhau đều hai mươi
Đông bắc: Cây Viên Sinh
Tây nam: Thiện Pháp Đường.
* Luận nêu: Trời Ba Mươi Ba trụ trên đỉnh núi Tô-mê-lô. Bốn mặt của đỉnh núi ấy đều dài tám mươi ngàn du-thiện-na, so với bốn bên dưới về lượng là không sai biệt. Có Sư khác nói: Chu vi là tám mươi ngàn du-thiện-na, nói riêng bốn bên đều chỉ hai vạn du-thiệnna. Bốn góc của đỉnh núi đều có một ngọn núi, cao rộng đều là năm trăm du-thiện-na. Có thần Dược-xoa tên là Kim Cang Thủ cư trú trong ấy để bảo vệ chư thiên. Nơi giữa đỉnh núi có cung điện tên là Thiện Kiến, mỗi mặt của thành dài hai ngàn năm trăm du-thiện-na, chu vi là một vạn du-thiện-na. Thành xây bằng vàng cao một duthiện-na rưỡi. Đất ở đây bằng phẳng cũng do vàng ròng tại thành. Cũng dùng một trăm lẻ một thứ báu đủ loại để tô điểm. Đất tiếp xúc luôn mềm mại như bông Đố-la, vào lúc chân giẫm đạp lên thì đất mềm mại như bông Đố-la kia cũng theo đấy mà có cao thấp. Đại thành này là kinh đô của vua trời Đế Thích. Ở giữa thành có điện Thù Thắng. Dùng vô số thứ báu diệu để trang nghiêm đầy đủ, ánh sáng che khuất các thiên cung khác, nên gọi là Thù Thắng. Mỗi mặt của điện dài hai trăm năm mươi du-thiện-na. Chu vi một ngàn duthiện-na. Đó là các sự việc đáng yêu thích bên trong thành. Ngoài thành, bốn mặt có bốn khu vườn tươi đẹp là nơi chốn cùng dạo chơi của chư thiên xứ trời ấy: (1) Vườn Chúng Xa. (2) Vườn Thô Ác. (3) Vườn Tạp Lâm. (4) Vườn Hỷ Lâm. Đây là những thứ tô điểm ở bên ngoài thanh lớn. Bốn bên của bốn khu vườn có bốn ao nước xinh xắn, nơi giữa mỗi ao nước đều cách khu vườn hai mươi du-thiện-na. Đây cũng là nơi chốn đẹp đẽ dành cho chư thiên cùng đến vui chơi, tranh nhau để nhận lấy những hoan lạc hơn hết về mình. Bên ngoài thành về phía Đông bắc có cây Viên Sinh, là nơi chốn giành cho chư thiên trời Ba Mươi Ba thọ hưởng dục lạc. Rễ của cây này lan rộng cắm sâu đến năm mươi du-thiện-na. Thân cây cao vút, cành nhánh tỏa rộng, lượng cao rộng cùng là một trăm du-thiện-na. Nơi đầu những cành lá cao nhất thì nở hoa, hương thơm ngào ngạt, thuận theo chiều gió xông tỏa khắp đến một trăm du-thiện-na. Lúc nghịch với chiều gió thì cũng lan xa tới năm mươi du-thiện-na. Hương thơm của hoa này thuận theo chiều gió thì có thể như vậy. Nhưng ngược với chiều gió thì sao xông tỏa được? Có Sư khác nói: Hương không có nghĩa là xông tỏa ngược với chiều gió, chỉ là dựa nơi chỗ không vượt qua giới hạn của tàng cây, nên nói là xông tỏa ngược với gió. Lý thật là cây Viên Sinh có đức như thế, tức hương khí được truyền đi có thể xông tỏa ngược với gió. Tuy vào lúc thời tiết bình thường, sức của gió đã ngăn cản mùi hương, nhưng mùi hương vẫn có thể nối tiếp truyền đến phương khác tất là yếu kém dần dần tới gần xứ kia thì dứt hẳn, không thể lan tỏa đến xa như khi thuận với gió. Hương của hoa như thế là dựa nơi tự địa, tùy theo gió nối tiếp chuyển đến phương khác. Hay là chỉ xông tỏa vào gió sinh hương khí khác. Nghĩa này là không nhất định. Các Sư Quỹ phạm, đối với hai môn này đều thừa nhận là không có lỗi. Nếu như thế thì vì sao Đức Bạc-già-phạm nói:
Hương hoa không thể xông ngược gió
Hương rễ thân cành cũng như thế
Hương công đức của Thiện sĩ thơm
Nghịch gió khéo truyền khắp các phương .
Đây là Đức Thế Tôn dựa theo hương của nhân gian nên nói như vậy. Do thế gian cùng biết rõ là không có hương có thể xông tỏa ngược với gió. Kinh của Hóa Địa Bộ nói: Hương khí nơi hoa của cây Viên Sinh này thuận theo gió xông tỏa khắp một trăm du-thiện-na. Nếu lúc không có gió thì chỉ tỏa khắp năm mươi du-thiện-na.
Bên ngoài thành nơi góc Tây nam có Thiện Pháp Đường, chư thiên trời Ba Mươi Ba thường tụ tập ở đấy để luận xét về các sự việc như pháp không như pháp.
Như thế là đã biện về khí thế giới, nơi chốn cư trú của trời Ba Mươi Ba. Các trời có sắc còn lại, về trụ xứ khí thế giới.
* Tụng viết:
Trên đây, trời có sắc
Trụ cung điện nương không.
* Luận nêu: Phần trước đã nói về chư thiên có sắc ở trên trời Ba Mươi Ba, an trụ tại các cung điện nương dựa nơi không trung. Những gì gọi là chư thiên có sắc ở trên trời này? Nghĩa là các trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại. Lại, trước cũng đã nói về mười sáu xứ như trời Phạm chúng v.v… thuộc cõi sắc, cùng với sáu trời thuộc cõi dục ở trước là có hai mươi hai trời, đều dựa theo thế giới bên ngoài. Như vậy đã nói về các thiên chúng.
* Tụng viết:
Sáu thọ dục giao, ôm
Nắm tay cười nhìn: Dâm.
* Luận nêu: Chỉ sáu trời thuộc cõi dục là thọ nhận cảnh của dục diệu. Trong ấy, hai trời đầu (Trời Tứ Đại Thiên Vương Chúng và trời Ba Mươi Ba) là trời cư trú dựa nơi đại địa, hình giao thành dâm, so với người không khác. Nhưng chư thiên chỉ tiết ra phong khí thì lửa dục liền trừ, không phải như nhân gian có các thứ bất tịnh khác. Thiên chúng trời Dạ-ma vừa ôm nhau là thành dâm. Trời Đổ-sử-đa thì chỉ do nắm tay. Trời Lạc-biến-hóa thì chỉ cùng hướng về nhau cười. Trời Tha-hóa-tự-tại thì cùng nhìn nhau là thành dâm. Sư Tỳ-bà-sa đưa ra giải thích: Sáu trời thuộc cõi dục đều do hình giao thành dâm. Trong Luận Thi Thiết nói về các thứ hành dâm như ôm nhau, nắm tay v.v… chỉ là làm rõ về thời lượng hành dâm kia có sai biệt. Do chư thiên ở trên thì cảnh dục chuyển càng khéo, tâm tham chuyển nhanh, nên khiến như thế. Tùy theo chư thiên nam nữ kia, trên đầu gối có đồng nam đồng nữ vừa tức thì hóa sinh, tức nói là chư thiên kia đã sinh nam nữ. Như vậy thiên chủng mới sinh, thân lượng như thế nào?
* Tụng viết:
Mới như năm đến mười
Sắc viên mãn, có áo.
* Luận nêu: Chư thiên nơi sáu trời thuộc cõi dục mới sinh như thứ lớp là như người năm, sáu, bảy, tám, chín, mười tuổi. Sinh xong thì thân hình mau chóng được thành đủ. Thiên chúng nơi cõi sắc, vào lúc mới sinh thì thân lượng trọn đủ, có đủ y phục thượng diệu. Hết thảy thiên chúng đều dùng ngôn ngữ của bậc Thánh.
Làm thế nào nhận biết giữa dục sinh và lạc sinh có khác nhau?
* Tụng viết:
Dục sinh ba, người trời
Lạc sinh ba, chín xứ.
* Luận nêu: Dục sinh ba: (1) Có các hữu tình thọ lạc nơi các cảnh dục diệu hiện tiền. Những hữu tình này, ở trong cảnh dục hiện có như thế, tự tại mà chuyển. Đó là toàn bộ nẻo người cùng bốn cảnh trời dưới thuộc cõi dục. (2) Có các hữu tình thọ lạc nơi các cảnh dục diệu do tự mình hóa ra. Những hữu tình này, ở trong cảnh dục diệu tự hóa, đã tự tại mà chuyển. Đó là chỉ cảnh trời thứ năm: Trời Lạc-biếnhóa. (3) Có các hữu tình thọ lạc nơi các cảnh dục diệu do người khác tạo ra. Những hữu tình này, ở trong cảnh dục diệu do người khác tạo, đều tự tại mà chuyển. Đó là trời thứ sáu: Trời Tha-hóa-tự-tại. Tức dựa nơi sự thọ hưởng cảnh dục hiện tiền như sinh. Dựa nơi sự thọ hưởng cảnh dục tự hóa như lạc. Dựa nơi sự thọ hưởng cảnh dục do kẻ khác hóa ra, như lạc. Ở trong cõi dục đã phân biệt về ba thứ dục sinh có sai biệt là như vậy.
Lạc sinh ba: Là trong ba tĩnh lự nơi chín xứ sinh khởi ba thứ thọ lạc. Nghĩa là các hữu tình kia an trụ nơi ly sinh hỷ lạc, định sinh hỷ lạc và ly hỷ lạc. Nơi thời gian dài an trụ. Nơi thời gian dài lìa khổ. Nơi thời gian dài thọ lạc. Nên gọi là Lạc sinh. Sinh nơi tĩnh lự trung gian đều không có hỷ lạc, nên suy xét: Vì sao cũng gọi là chư thiên lạc sinh?
Đã nói về chư thiên nơi hai mươi hai xứ (Mới nói mười lăm xứ. Bảy xứ của tĩnh lự thứ tư chưa nói. ND). Vậy các trời này trên dưới cách nhau như thế nào?
* Tụng viết:
Như lượng kia cách dưới
Cách trên số cũng thế.
* Luận nêu: Mỗi mỗi trung gian tính bằng du-thiện-na, không phải dễ để có thể nêu tính. Chỉ có thể nêu chung về số lượng từ cõi kia cách cõi dưới, thì cách cõi trên cũng thế. Tùy từ cảnh trời nào, số lượng cách xa đối với biển bên dưới, thì cảnh trời ấy cách xa cảnh trời ở trên là đồng. Nghĩa là từ tầng cấp thứ tư của núi Diệu Cao, là trụ xứ chính của trời Tứ Đại Vương Chúng, cách biển lớn bên dưới là bốn vạn du-thiện-na, thì từ cảnh trời này cách xa cảnh trời Ba Mươi Ba ở trên (Đỉnh núi Diệu Cao) cũng như thế (Bốn vạn du-thiện-na). Như từ trời Ba Mươi Ba cách biển lớn bên dưới số lượng là bao nhiêu du-thiện-na (Tám vạn du-thiện-na) thì từ trời Ba Mươi Ba cách trời ở trên là trời Dạ-ma, số lượng cũng như vậy (Tám vạn du-thiện-na). Như thế cho đến như trời Thiện Kiến cách xa biển lớn bên dưới bao nhiêu du-thiện-na, thì từ trời này cách xa trời ở trên là trời Sắc Cứu Cánh cũng như vậy.
Từ đấy hướng lên trên, không còn nơi chốn cư trú (Cõi vô sắc). Xứ này là cao nhất của cõi sắc, gọi là Sắc Cứu Cánh. Có Sư khác cho: Trời này gọi là trời Ngại Cứu Cánh. Do tên Ngại có nghĩa là tích tập sắc. Tức đến hết phần Ngại kia là đạt được tên gọi Cứu Cánh.
Hữu tình sinh nơi xứ dưới đi lên cõi trên có thấy cõi trên chăng?
* Tụng viết:
Lìa thông lực nương khác
Dưới không lên thấy trên.
* Luận nêu: Nơi trời Ba Mươi Ba, do lực thần thông của chính mình, thì có thể từ bản xứ đi lên trời Dạ-ma. Hoặc lại dựa vào kẻ khác, tức là người đắc thần thông cùng thiên chúng cõi trên dẫn dắt đi đến trời Dạ-ma. Các trời còn lại đi lên cõi trên cũng giống như vậy. Hữu tình sinh nơi cõi dưới, hoặc đi đến hoặc tới nơi để thấy cõi trời trên. Nhưng mắt của hữu tình cõi dưới không thể nhìn thấy địa trên của cõi trên, vì không phải là cảnh giới của mình. Như không nhận biết về xúc của một địa khác. Thế nên lúc từ địa trên đi xuống địa dưới, không phải là tự thân đi đến, chính là phải hóa tác thành thân của địa dưới. Có Bộ khác cho: Chư thiên của địa dưới kia, tùy theo sự vui thích, cũng có thể thấy sắc của địa trên. Như sinh nơi cõi này thì ở xứ dưới thấy cảnh trời trên.
Cung điện của các trời như Dạ-ma v.v… dựa nơi không trung, hình lượng như thế nào? Có Sư khác nói: Bốn trời trên đây (Dạ-ma, Đổ-sử-đa, Lạc-biến-hóa, Tha-hóa-tự-tại), về lượng của xứ nương dựa là đồng với đỉnh núi Diệu Cao (Trụ xứ của trời Ba Mươi Ba). Có Sư khác nêu: Ở trên thì tăng gấp đôi. Có Sư khác nói: Xứ dựa nơi cung điện của các trời thuộc địa tĩnh lự thứ nhất bằng một bốn châu. Tĩnh lự thứ hai thì bằng Tiểu thiên thế giới. Tĩnh lự thứ ba thì bằng Trung thiên thế giới. Tĩnh lự thứ tư thì bằng Đại thiên thế giới. Có Sư khác cho: Ba tĩnh lự dưới theo thứ lớp lượng bằng Tiểu thiên, Trung thiên, Đại thiên thế giới. Lượng của tĩnh lự thứ tư thì không có biên vực.
Ngang bằng với lượng nào thì nói là Tiểu thiên, Trung thiên, Đại thiên thế giới?
* Tụng viết:
Bốn chân lớn nhật nguyệt
Tô-mê-lô, trời dục
Phạm thế đều một ngàn
Gọi một Tiểu thiên giới.
Gấp ngàn Tiểu thiên này
Nói là một Trung thiên
Đại thiên gấp ngàn ấy
Đều đồng một thành hoại.
* Luận nêu: Một ngàn bốn đại châu cho đến trời Phạm Thế, như vậy gọi chung là một Tiểu thiên thế giới. Gấp ngàn lần Tiểu thiên thế giới gọi là một Trung thiên thế giới. Ngàn lần Trung thiên thế giới gọi chung là một Đại thiên thế giới. Như thế là Đại thiên thế giới đồng thành đồng hoại. Tướng đồng thành hoại nơi phần sau sẽ biện rộng.
Như khí thế gian bên ngoài, về lượng có sai biệt. Thân lượng của hữu tình cũng có sai biệt chăng? Cũng có sai biệt.
* Tụng viết:
Người ở châu Thiệm-bộ
Cao bốn, ba khuỷu rưỡi
Người châu Đông Tây Bắc
Thứ lớp tăng gấp đôi.
Trời dục câu-lô-xá
Bốn phần mỗi mỗi tăng
Trời sắc du-thiện-na
Bốn đầu tăng nửa nửa.
Trên đấy tăng gấp bội
Chỉ Vô Vân giảm ba.
* Luận nêu: Thân người ở châu Thiệm-bộ phần nhiều là cao ba khuỷu tay rưỡi, trong ấy có số ít người cao bốn khuỷu tay. Thân người ở châu Đông Thắng Thân cao tám khuỷu tay. Người ở châu Tây Ngưu Hóa cao mười sáu khuỷu tay. Người thuộc châu Bắc Câu-lô cao ba mươi hai khuỷu tay. Thân lượng của chư thiên nơi sáu trời cõi dục, thấp nhất là một phần tư câu-lô-xá (Trời Tứ Đại Vương Chúng). Như thế, các trời tiếp theo, theo thứ lớp tăng một phần tư câu-lô-xá, tức đến trời thứ sáu (Trời Tha-hóa-tự-tại) thì thân lượng là 1,5 câu-lô-xá. Thân lượng của chư thiên cõi sắc: Trời Phạm Chúng thì cao bằng 1/2 du-thiện-na. Trời Phạm Phụ là một du-thiện-na. Trời Đại Phạm cao 1,5 du-thiện-na. Trời Thiểu Quang là hai du-thiện-na. Chư thiên nơi các cõi trời thuộc cõi sắc từ đây trở lên, về thân lượng là thứ lớp tăng gấp đôi. Chỉ nơi trời Vô Vân là giảm ba du-thiện-na. Tức trời Vô Lượng Quang thân lượng là bốn du-thiện-na, trời Cực Quang Tịnh là tám du-thiện-na, cho đến trời Biến Tịnh là sáu mươi bốn du-thiện-na. Trời Vô Vân cũng gấp đôi số lượng này nhưng lại giảm bớt ba duthiện-na, là còn một trăm hai mươi lăm du-thiện-na. Đến trời Sắc Cứu Cánh là phần vị sau cùng của cõi sắc, thân lượng là một vạn sáu ngàn du-thiện-na. Thân lượng đã khác, thì thọ lượng cũng khác.
* Tụng viết:
Châu Bắc định ngàn năm
Tây Đông nửa nửa giảm
Châu này thọ không định
Sau mười, đầu chẳng lượng.
Năm mươi năm nhân gian
Một ngày đêm trời dưới
Nhân đấy thọ năm trăm
Năm trên bội bội tăng.
Sắc: Ngày đêm không khác
Kiếp số bằng thân lượng
Vô sắc: Đầu hai vạn
Sau sau: Hai hai tăng.
Trên dưới trời Thiểu Quang
Một, một nửa đại kiếp.
* Luận nêu: Người của châu Bắc Câu-lô, thọ lượng định rõ là một ngàn năm. Người thuộc châu Tây Ngưu Hóa thọ lượng là năm trăm năm. Người thuộc châu Đông Thắng Thân thọ lượng là hai trăm năm mươi năm. Người của châu Nam Thiệm-bộ thọ lượng không hạn định. Thời kỳ sau cùng của kiếp giảm, thọ lượng ngắn nhất là mười năm. Nhưng vào thời kỳ kiếp đầu, thọ lượng của con người là vô lượng, các số như trăm ngàn v.v… là không thể tính đếm.
Đã nói về thọ lượng dài ngắn của nhân gian. Tiếp theo, trước là kiến lập về ngày đêm nơi các trời, theo đấy mới có thể nêu tính về thọ lượng dài ngắn của chư thiên nơi các trời ấy. Vậy ngày đêm trên các trời được kiến lập như thế nào? Năm mươi năm nơi nhân gian là một ngày một đêm nơi trời thấp nhất trong sáu trời thuộc cõi dục (Trời Tứ Đại Vương Chúng). Theo đấy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, thọ lượng của trời Tứ Đại Vương Chúng là năm trăm năm. Năm trời thuộc cõi dục ở trên thì đều dần tăng gấp đôi. Nghĩa là một trăm năm nơi nhân gian là một ngày đêm nơi trời Ba Mươi Ba. Ngày đêm thành tháng năm như đã nêu. Thọ lượng nơi trời Ba Mươi Ba này là một ngàn năm. Bốn trời còn lại như trời Dạ-ma v.v… theo thứ lớp, như nơi nhân gian: hai, bốn, tám trăm năm, một ngàn sáu trăm năm là một ngày đêm nơi các trời ấy. Số ngày đêm thành tháng, tháng thành năm như đã nói. Thọ lượng nơi bốn trời ấy là hai ngàn, bốn ngàn, tám ngàn, mười sáu ngàn năm.
Từ núi Trì Song trở lên thì mặt trời mặt trăng đều không có, vậy nơi các trời kia làm sao kiến lập ngày đêm, cùng sự việc ánh sáng thì dựa vào gì để được thành? Dựa vào hoa nở ra khép lại để kiến lập ngày đêm. Như các hoa Câu-vật-đà, hoa Bát-đặc-ma. Hoặc dựa vào lúc các chim hót, không hót có khác nhau. Hoặc dựa vào thiên chúng ngủ thức chẳng đồng. Về ánh sáng thì dựa nơi ánh sáng của tự thân thành sự việc ánh sáng bên ngoài.
Đã nói về thọ lượng dài ngắn của chư thiên thuộc või dục. Trong các trời thuộc cõi sắc không có ngày đêm riêng. Chỉ dùng số kiếp để nhận biết về thọ lượng dài ngắn. Thọ lượng dài ngắn của kiếp kia so với thân lượng là như nhau. Nghĩa là nếu thân lượng nửa du-thiện-na thì thọ lượng là nửa kiếp. Thân lượng một du-thiện-na thì thọ lượng là một kiếp. Cho đến thân lượng cao một vạn sáu ngàn du-thiện-na thì thọ lượng cũng đồng là một vạn sáu ngàn kiếp.
Đã nói về thọ lượng dài ngắn của chư thiên cõi sắc. Bốn thời thuộc cõi vô sắc từ dưới, như thứ lớp có thọ lượng là hai, bốn, sáu, tám vạn kiếp. Trên đã nói về kiếp, lượng ấy là thế nào? Là hoại, là thành, là trung, là đại? Từ trời Thiểu Quang trở lên, thì kiếp toàn là đại kiếp. Các trời từ đấy trở xuống (Là trời Phạm Chúng, Phạm Phụ, Đại Phạm), thì kiếp là nửa đại kiếp. Tức do đấy nên nói: Thọ lượng của trời Đại Phạm hơn trời Phạm Phụ là một kiếp rưỡi (Ba phần bốn đại kiếp). Nghĩa là do ba thời thành trụ hoại, mỗi thời đều là hai mươi trung kiếp. Sáu mươi trung kiếp là một kiếp rưỡi kia. Thế nên dùng nửa đại kiếp là bốn mươi trung kiếp, làm lượng kiếp nơi thọ lượng của ba trời này.
Đã nói về thọ lượng dài ngắn nơi các nẻo thiện. Thọ lượng nơi các nẻo ác thì thế nào?
* Tụng viết:
Sáu trên như Đẳng Hoạt
Thứ lớp như trời dục
Thọ là một ngày đêm
Thọ lượng cũng đồng kia.
Cực Nhiệt nửa trung kiếp
Vô Gián một trung kiếp
Bàng sinh, nhất một trung
Quỷ tháng ngày năm trăm.
Thọ lượng Át-bộ-đàm
Như một Bà-ha-ma
Trăm năm trừ một hết
Sau sau gấp hai mươi.
* Luận nêu: Thọ lượng nơi sáu trời thuộc cõi dục như Tứ Đại Vương Chúng v.v… theo như thứ lớp là một ngày đêm nơi sáu Nạilạc-ca như Đẳng Hoạt v.v… Thọ lượng như thứ lớp cũng đồng với các trời ấy. Nghĩa là thọ lượng của trời Tứ Đại Vương Chúng là năm trăm năm, thì ở nơi địa ngục Đẳng Hoạt là một ngày một đêm. Nhân nơi ngày đêm ấy thành tháng – năm, do năm như thế thì thọ lượng nơi địa ngục Đẳng Hoạt là năm trăm năm. Cho đến thọ lượng nơi trời Thahóa-tự-tại là một vạn sáu ngàn năm, thì ở nơi địa ngục Viên Nhiệt là một ngày một đêm. Nhân nơi ngày đêm ấy thành tháng cùng năm, thọ lượng của địa ngục Viên Nhiệt kia cũng là một vạn sáu ngàn năm. Thọ lượng của địa ngục Cực Nhiệt là nửa trung kiếp. Thọ lượng nơi địa nguc Vô Gián là một trung kiếp.
Thọ lượng của nẻo Bàng sinh phần nhiều là không hạn định. Nếu thọ lượng tối đa cũng là một trung kiếp. Tức như các Đại Long vương như Long vương Nan-đà v.v… Do đấy, Đức Thế Tôn nói: Đại long có tám, đều trụ một kiếp có thể nâng giữ đại địa. Nẻo quỷ dùng một tháng nơi nhân gian làm một ngày, nhân đấy thành tháng năm thì thọ lượng của nẻo quỷ là năm trăm năm.
Thọ lượng nơi các Na-lạc-ca lạnh thì thế nào? Đức Thế Tôn đã dựa nơi dụ để làm rõ về thọ lượng của các đại ngục ấy. Như nơi nhân gian này, hai mươi Khư-lê (Hộc = Mười đấu) thành lượng một Mabà-ha (Giỏ đựng mè) của nước Ma-yết-đà, trong ấy đựng đầy hạt mè. Nếu như có người, cứ một trăm năm thì lấy ra một hạt mè, thì thời gian lâu xa để có thể lấy hết số hạt mè ấy ra còn dễ, còn thọ lượng của hữu tình bị đọa trong địa ngục Át-bộ-đàm thật khó hết. Gấp hai mươi lần ở đây là thọ lượng của dịa ngục thứ hai. Như vậy, các địa ngục tiếp sau cứ tăng gấp hai mươi lần. Đó gọi là thọ lượng của tám địa ngục lạnh. Các thọ lượng này có trường hợp chết giữa chừng (Trung yểu) chăng?
* Tụng viết:
Các xứ có trung yểu
Trừ châu Bắc Câu-lô.
* Luận nêu: Thọ lượng của các xứ đều có trung yểu, chỉ nơi châu Bắc Câu-lô thì thọ lượng cố định là một ngàn năm. Đây là căn cứ chung để nói, không phải riêng về hữu tình. Có những hữu tình khác không trung yểu. Nghĩa là như Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ (Một đời nữa là thành Phật) trụ nơi trời Đổ-sử-đa, những người thuộc hữu sau cùng, những người được Phật thọ ký, được Phật cử làm sứ giả tùy tín hành, tùy pháp hành, người mẹ đang mang thai Bồ-tát, Chuyển luân vương. Những trường hợp này đều không trung yểu.
HẾT – QUYỂN 11