Lời tựa tái bản bộ Hoàn Cầu Danh Nhân Đức Dục Bảo Giám

Lời tựa tái bản bộ Hoàn Cầu Danh Nhân Đức Dục Bảo Giám
Khai Thi Của Ấn Tổ

Lời tựa tái bản bộ Hoàn Cầu Danh Nhân Đức Dục Bảo Giám

(năm Dân Quốc 18 – 1929)

Thiên hạ không hai đạo, thánh – phàm chẳng hai tâm. Khắp xưa nay, trong nước, ngoài nước, không đâu chẳng dùng hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ và sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi để làm căn bản lập thân hành đạo và trị quốc an dân. Ấy là vì những sự lý này đều là những giềng mối thường hằng vốn sẵn có trong tâm tánh của chúng ta, bất luận trí – ngu, hiền – tệ đều sẵn đủ, nhưng có những hành động, cử chỉ phù hợp hay trái nghịch [với những điều ấy] sai khác là vì “dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ điều ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa” hay vì “mê tâm chạy theo vật, phóng túng tình ý” mà ra. Vì thế, kinh Thư có lời giáo huấn: “Duy thánh võng niệm tác cuồng, duy cuồng khắc niệm tác thánh” (do thánh mất niệm nên thành cuồng, do cuồng khắc chế được ý niệm nên thành thánh). Phật dạy đạo “mê thì Phật là chúng sanh, ngộ thì chúng sanh chính là Phật”. Do vậy, biết: Thánh hay cuồng, chúng sanh hay Phật chỉ trong khoảng một niệm mê hay ngộ. Do thoạt đầu lập tâm sai khác đôi chút, rốt cuộc đến nỗi cách biệt một trời, một vực, con người há chẳng nên tự gắng sức để mong thành thánh thành hiền ư?

Trăm nghề hay khéo trong thế gian mỗi nghề đều có quy củ, chuẩn mực. Căn cứ theo quy cách do cổ nhân đã thành lập để tập luyện, đến khi đã nhuần nhuyễn tột bậc rồi thì không chuyện gì chẳng “tùy lòng nghĩ đến, tay liền hoàn thành”. Mong thành thánh thành hiền cũng giống như vậy đó! Nêu lên đại cương thì chỉ có ba điều “làm sáng tỏ Minh Đức, làm cho dân mỗi ngày một tiến bộ, an trụ nơi chí thiện” mà thôi. Nhưng muốn làm sáng tỏ Minh Đức thì trước hết phải thực hiện bằng trừ khử vật dục phiền não, thúc đẩy lương tri vốn sẵn có. Có nghĩa là “dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa,” mãi cho đến khi trừ khử, thấu hiểu đến tột cùng rồi thì nhân dục đã hết sạch, thiên lý sẽ tự lưu hành. Đại cương “làm sáng tỏ Minh Đức” đã đạt được rồi thì những chuyện khác hễ làm bèn được, không chuyện gì chẳng thuận theo lòng nghĩ tay liền thực hiện thành tựu. Nhưng cần phải biết nhiều về ngôn hạnh của người xưa để phụ trợ cho việc duy trì, trưởng dưỡng sự suy xét phản tỉnh.

Cư sĩ Dương Chương Phủ ở Vô Tích tập hợp những lời hay hạnh đẹp của các bậc danh nhân xưa nay trong nước, ngoài nước, soạn thành tám quyển. Đầu tiên là luân lý, rồi đến những sự tu tỉnh, lòng từ thiện của quan viên, thân sĩ, thương nhân, khuê các, và những lời hay ý đẹp nên vâng giữ trong gia đình, xã hội, quốc gia của Trung Hoa và Tây Phương. Khi ấy, sách được in hơn một vạn cuốn, gởi đi khắp các huyện trong toàn quốc. Lợi ích quả thật chẳng nông cạn vậy. Từ đấy, một nhà đại từ thiện ở Thượng Hải là cư sĩ Vương Nhất Đình cho rằng sách này khá hợp thời cơ, tính in mấy ngàn cuốn để đề xướng, ngõ hầu ai có tâm cứu vãn thế đạo nhân tâm sau này sẽ tiếp tục ấn hành sao cho [sách được] lưu truyền khắp hoàn cầu hòng ai nấy biết rõ sự lý “nhân quả, báo ứng, sanh tử luân hồi”, sẽ miệt mài hành những mối luân thường “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”. Như vậy thì nhà nhà hành hiếu đễ, người người giữ vẹn lễ nghĩa, nhân nhượng, dẫu ở trong nhà tối vẫn như đối trước Phật, trời, hòng lương tri chẳng bị vật dục che lấp. Rốt cuộc Minh Đức được sáng ngời, lẽ đâu thiên hạ chẳng thái bình, nhân dân chẳng yên vui ư? Do vậy, tôi bèn viết đại lược để phô rõ ý nghĩa ẩn kín này. Sau đấy, do lại có được những lời hay đẹp về mặt đức dục của các danh nhân hoàn cầu bèn cho in chung vào sách này để hết thảy những ai muốn tự lợi, lợi người đều có căn cứ. Do vậy, bèn ghi kèm vào đây thêm mấy câu nữa!

Bài Viết Liên Quan

Khai Thi Của Ấn Tổ

Nêu tỏ ý nghĩa ẩn tàng của Phật Quang Phân Xã tại Xung Điền, Vụ Nguyên

Nêu tỏ ý nghĩa ẩn tàng của Phật Quang Phân Xã tại Xung Điền, Vụ Nguyên (năm Dân Quốc 20 - 1931) Phật quang là tâm quang. Tâm quang ấy chúng sanh và Phật đều cùng có, bình đẳng giống hệt như nhau, nơi Phật...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Kệ hồi hướng kính vì các thiện tín đã thí tiền bạc và xoay vần truyền bá, xem đọc Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng

Kệ hồi hướng kính vì các thiện tín đã thí tiền bạc và xoay vần truyền bá, xem đọc Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng Cao cả Quán Thế Âm! Thệ nguyện khó nghĩ bàn, thành Chánh Giác đã lâu, lại...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Sớ quyên mộ xây dựng Như Ý Liêu chùa Pháp Vũ

Sớ quyên mộ xây dựng Như Ý Liêu chùa Pháp Vũ (viết thay) Sanh - lão - bệnh - tử ai nấy đều có. Như Lai thuyết pháp, đầu tiên là trình bày những điều này. Ấy là muốn cho chúng sanh ngộ được đạo...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Văn sớ cầu siêu vong linh vãng sanh Tây Phương trong Phật Thất

Văn sớ cầu siêu vong linh vãng sanh Tây Phương trong Phật Thất Nép trông: Phật quang chiếu khắp như mặt trời rực rỡ giữa trời, pháp hóa lưu hành như cam lộ nhuần thấm mọi vật. Có chuyện mong cầu đều ứng, không nguyện...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Tiểu dẫn về hai điều lợi ích do vẽ tượng Phật

Tiểu dẫn (lời dẫn giải ngắn) về hai điều lợi ích do vẽ tượng Phật  Quán Kinh dạy: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Phàm nhớ Phật, niệm Phật, quán Phật, lễ Phật, vẽ hình Phật đều gọi là “làm Phật”. Do tâm...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Lời bạt cho Lục Độ Thất

Lời bạt cho Lục Độ Thất (viết thay ông Đường Hưu Tử) Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ gọi là Lục Độ, hoặc còn gọi là Lục Ba La Mật. Tiếng Phạn “Ba La Mật”, Hán dịch là Đáo...